Khi còn bé, lần đầu nghe bài này từ cassette qua giọng hát của Dalena. Mỗi lần ngồi học bài cứ nghêu ngao "besame besame mucho" mà bị ông anh búng trán đau điếng vì làm bài trật.
BESAME MUCHO TUYỆT PHẨM ĐƯỢC VIẾT BỞI CÔ GÁI MƯỜI LĂM TUỔI
Được thai nghén đầu tay bởi một cô gái 15 tuổi, nhưng sức sống của tác phẩm đã vượt không gian và thời gian.
Consuelo Velázquez sinh năm 1920 tại Guadalajara, thủ phủ tiểu bang Jalisco của Mễ Tây Cơ. Cô bắt đầu chơi dương cầm năm 4 tuổi, và trình diễn lần đầu tiên trước công chúng năm mới lên 6.
Khi viết Besame mucho, Consuelo Velázquez mới 15 tuổi, và cho tới lúc ấy cô chưa từng hôn ai bao giờ. Bởi từ bé, cô đã được giáo dục rằng; trai gái hôn nhau là có tội! Besame Mucho là tiếng Tây Ban Nha, dịch sang tiếng Anh là “Kiss me a lot – Hãy hôn em thật nhiều" Nội dung lời hát viết về một chuyện tình vô cùng say đắm.
Dù là tưởng tượng nhưng cô Consuelo Velázquez mở đầu khúc nhạc đầy mộng ảo ấy như sau:
Besame, besame mucho
Como si fuera esta noche
La última vez
Besame, besame mucho
Que tengo miedo a perderte
Perderte después
Tạm dịch:
Hãy hôn em, hãy hôn em thật nhiều, như thể đêm nay là đêm cuối cùng. Hãy hôn em, hãy hôn em thật nhiều, vì có thể mai này biết đâu em sẽ mất anh…
Năm 1991, nhân kỷ niệm nửa thế kỷ Besame Mucho được thu đĩa lần đầu tiên, Bà Consuelo Velázquez, lúc ấy đã bước vào tuổi cổ lai hi 71, hồi tưởng nói về sự ra đời của nhạc phẩm Besame Mucho khi bà 15 tuổi năm 1935 như sau:
“Vào một buổi chiều ngồi bên đàn dương cầm, cảm hứng bất chợt đến với tôi. Những tình cảm mơ mộng tràn ngập trong hồn đã được tôi viết trên phím ngà. Lúc đó, tôi chưa biết cách ghi nốt nhạc, chưa biết tới nụ hôn đầu!… Tôi không bao giờ có thể ngờ rằng khúc mộng ảo thời con gái ấy sau này lại nổi tiếng như thế…”
Khi Consuelo Velázquez lên thủ đô Mexico City để theo học tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc, và chính tại tại đây cô bắt đầu được gọi bằng biệt hiệu “Consuelito”.
Consuelo Velázquez tốt nghiệp hai môn dương cầm và dạy nhạc năm 17 tuổi. Màn trình diễn tuyệt vời của cô trong buổi lễ tốt nghiệp đã được tất cả các vị thầy hiện diện nhiệt liệt tán thưởng.
Từ đó, Consuelo Velázquez trở thành nhạc sĩ độc tấu dương cầm trong dàn nhạc giao hưởng quốc gia National Symphonic Orchestra của Mễ Tây Cơ. Đồng thời, cô vừa sáng tác vừa trình tấu dương cầm những sáng tác của mình trên chương trình nhạc cổ điển của XEQ Radio, đài phát thanh đầu tiên của Mễ Tây Cơ.
Người phụ trách chương trình này là anh chàng Mariano Rivera. Vì ngày ấy ở các nước Mỹ La-tinh, đàn bà con gái còn bị xem thường, đồng thời cũng vì bản tính khiêm tốn, hay mắc cở của “Consuelito”, Mariano đã phải “bịp” thính giả rằng đây là một nam nhạc sĩ dương cầm ẩn danh, và những sáng tác được trình bày là của một nhà soạn nhạc – cũng ẩn danh – ở tận Ba-lan!
Mười một năm sau, 1948, Mariano Rivera trở thành người bạn đời của “Consuelito”. Họ có được hai người con trai, sống hạnh phúc cho tới khi Mariano qua đời vì bạo bệnh năm 1975. Consuelo không bao giờ tái giá.
Trở lại với ca khúc Besame Mucho, năm 1941, tức là 6 năm sau ngày sáng tác, đã được nam ca sĩ Emilio Tuero thu đĩa lần đầu tiên, và nói theo cách nói của Anh, Mỹ là The rest is history!
Besame Mucho mau chóng trở thành ca khúc phổ biến nhất xưa nay ở châu Mỹ La-tinh, và nếu tính số lượng ca sĩ trình bày trên toàn thế giới, Besame Mucho đã qua mặt La Paloma.
Theo số liệu chính thức, Besame Mucho đã được ghi âm băng, đĩa bằng nhiều ngôn ngữ ở trên 100 quốc gia khác nhau, và bán được trên 100 triệu bản.
Riêng tại Hoa Kỳ, trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, Besame Mucho được ưa chuộng tới mức nhiều người cho rằng nó có tác dụng giúp người ta tạm quên đi cuộc chiến khốc liệt bên kia bờ Đại Tây Dương!
Năm 1944, đĩa nhạc Besame Mucho do Jimmy Dorsey trình tấu saxophone đã lên tới hạng nhất trên bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard) trong suốt 6 tuần lễ liên tục.
Đây là bản nhạc gốc Mỹ La-tinh đầu tiên lên tới hạng nhất Billboard tại Hoa Kỳ.
Bà Consuelo Velázquez được mời sang kinh đô điện ảnh và trở thành một hiện tượng. Ai cũng muốn gặp gỡ và chụp hình với nàng “Consuelito” xinh đẹp khả ái, trong số đó có nữ minh tinh thượng thặng Rita Hayworth đã bỏ dở công việc ở phim trường để tới gặp gỡ Bà Consuelo Velázquez. Riêng ông vua phim hoạt họa Walt Disney, đã mời Consuelo Velázquez cộng tác trong việc thực hiện cuốn phim hoạt họa The Three Caballeros nổi tiếng của ông, lấy bối cảnh Mễ Tây Cơ. Trong thời gian thăm viếng Hoa Kỳ, Bà Consuelo Velázquez đã được trao tặng Giải thưởng Đặc biệt cho Sự nghiệp Special Citation of Achievement Award của Hiệp hội các nhà phát thanh ca nhạc U.S. Broadcast Music Incorporated.
Cũng trong năm 1944, Besame Mucho được tác giả Sunny Skylar đặt lời tiếng Anh, tuy nhiên vẫn giữ tựa nguyên thủy Besame Mucho. Từ đó, có thể nói hầu như không một ca sĩ nổi tiếng nào của Mỹ mà không thu đĩa tình khúc bất hủ này.
Trong số ca sĩ, ban nhạc, ban hợp xướng nổi tiếng quốc tế trình bày bản Besame Mucho có cả ban hợp xướng Red Army Choir của Hồng Quân Liên Xô (sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, ban hợp xướng này cùng với dàn nhạc, đoàn vũ vẫn tiếp tục hoạt động dưới màu cờ Quân Đội Cộng Hòa Liên Bang Nga, nhưng vẫn duy trì danh xưng Red Army Choir, Red Army Orchestra, Red Army Dancers).
Cả đến Tứ Quái The Beatles của làng nhạc Rock-And-Roll cũng đã nhiều lần trình bày bản Besame Mucho, trên sân khấu cũng như trong studio; lần đầu tiên vào ngày 1-1-1962 khi họ tới studio của hãng đĩa Decca trình diễn thử (Audition) một số ca khúc với mục đích để được hãng này ký giao kèo. Nhưng Tứ Quái đã thất bại. Ngày nay, nghe lại băng thu, xem lại đoạn phim tài liệu quay buổi trình diễn thử nói trên, dù có ái mộ The Beatles tới mức nào, người ta cũng phải nhìn nhận ngày ấy anh chàng Paul McCartney hát bản này quá dở!
Nói về ca sĩ hát bản Besame Mucho hay nhất, khó lòng có một câu trả lời được mọi người đồng ý. Bởi vì mỗi thành phần thính giả có một cảm quan và sở thích riêng. Chẳng hạn những ai thích giọng Opera thì sẽ chấm nhất bản do Paloma san Basilio và Placido Domingo của Tây-ban-nha song ca; những ai yêu nhạc jazz thì sẽ chọn nữ ca nhạc sĩ gốc Gia-nã-đại Diana Krall (Video: YouTube: Besame Mucho – Diana Krall ); những ai thích giọng dịu êm thì sẽ nghe Nat King Cole, Dean Martin (lời Anh), Tino Rossi (lời Pháp)…
Nhưng gần đây người ta đã có câu trả lời ca sĩ hát bản Besame Mucho hay nhất chính là nam danh ca tenor khiếm thị Andrea Bocelli của Ý. Andrea Bocelli – Sarah Brightman.
Nếu chỉ xét hát nhạc cổ điển, Andrea Bocelli có thể không được quý chuộng bằng “The Three Tenors” lừng danh – Luciano Pavarotti, Placido Domingo, José Carreras – nhưng tính cả các ca khúc hiện đại, Andrea Bocelli là ông vua không ngai.
Những ca sĩ vừa hát nhạc cổ điển vừa hát nhạc hiện đại, tiếng Anh gọi là “classical crossover singer”, mà ngoài Andrea Bocelli hiện nay còn có hai bông hồng Anh quốc Sarah Brightman và Katherine Jenkins.
Theo các nhà phê bình âm nhạc, chính nhờ Andrea Bocelli, Sarah Brightman, Katherine Jenkins và những “classical crossover singer” khác, mà ngày càng có nhiều người trẻ thưởng thức những ca khúc cổ điển. Trong đó, công đầu phải là của Andrea Bocelli và Sarah Brightman qua bản Time to Say Goodbye (nguyên tác tiếng Ý Con te partirò, nghĩa là I leave with you) thu đĩa và video năm 1997, đã trở thành một trong những đĩa single bán chạy nhất xưa nay (Video: YouTube: Sarah Brightman & Andrea Bocelli – Time to Say Goodbye).
Năm 2006, Andrea Bocelli thu đĩa bản Besame Mucho cho album Amore (Tình Khúc) của anh. Theo nhận xét của cá nhân chúng tôi, Besame Mucho do Andrea Bocelli thu đĩa, ngoài giọng tenor thiên phú, còn phải kể tới nghệ thuật trình bày độc đáo và trung thành tuyệt đối với thể điệu Bolero của ca khúc.
Bên cạnh đó, cùng với dàn nhạc đệm còn có thêm tiếng đàn của hai đệ nhất danh cầm quốc tế: Ramon Stagnaro (Guitar) của Perou, và David Foster (dương cầm) của Gia-nã-đại.
Bằng đó yếu tố đã quá đủ để đĩa single Besame Mucho do Andrea Bocelli trình bày phá tất cả mọi kỷ lục trước đây. Cùng thời gian, video cho bản này, được thu hình “Live” trong một buổi trình diễn tại một hồ nước ở trung tâm nghỉ mát Lake Las Vegas Resort ở vùng Tuscany, Ý (chứ không phải thủ đô cờ bạc Las Vegas ở Mỹ), cũng phá tất cả mọi kỷ lục về nhạc cổ điển.
Besame Mucho cũng đem lại nhiều giải thưởng cho các dàn nhạc hòa tấu nổi tiếng, như Mantovani, Ray Conniff, 101 Strings Orchestra…
Về phía các nhạc sĩ trình diễn, năm 2007, bản Besame Mucho do tay kèn kiêm nhà nhạc Steve Wiest soạn và trình bày, đã được xướng danh tranh giải âm nhạc cao quý Grammy dành cho phối khí (Best Instrumental Arrangement); tới năm 2010, cũng tại giải Grammy, với bản Besame Mucho, tay kèn kiêm nhà soạn nhạc jazz nổi tiếng Herb Alpert đã được xướng danh tranh giải trình diễn nhạc khí hay nhất (Best Pop Instrumental Performance). Tuy nhiên, phổ biến nhất trong giới thưởng ngoạn người Việt có lẽ là bản Besame Mucho qua tiếng kèn saxophone của Kenny G.
Besame Mucho đã được sử dụng làm nhạc phim (soundtrack) cho khoảng 50 cuốn phim nổi tiếng, trong đó có phim Moscow Does Not Believe in Tears của Nga, đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất năm 1980.
Năm 1999, Besame Mucho trở lại Top 100 ở Hoa Kỳ và đứng hạng nhất trong 12 tuần lễ liên tục. Tới cuối năm đó, tại Đại hội Ca nhạc Quốc tế do hệ thống truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision tổ chức ở Miami, Florida, Besame Mucho đã được bình chọn là “Ca khúc của thế kỷ 20”.
Tuy nhiên, với những người đang yêu nhau thì Besame Mucho không chỉ là “Ca khúc của thế kỷ 20” mà còn là “tình khúc hay nhất của cả nhân loại” (tính cho tới nay). Chúng tôi nhấn mạnh mấy chữ “những người đang yêu nhau” để tránh một sự mâu thuẫn khi liên hệ với bản La Paloma vốn được ghi nhận là “ca khúc phổ biến nhất của nhân loại”.
Lời hát của La Paloma nói về tính cách vĩnh cửu của một tình yêu đã xa, một người yêu dấu đã khuất, trong khi Besame Mucho diễn tả một hạnh phúc đang có trong vòng tay, lẽ đương nhiên có sức thu hút hơn, chiếm một vị trí quan trọng hơn trong lòng những kẻ yêu nhau đang còn có nhau.
Chính Thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu (tại chức: 1989-1991) khi tham dự một buổi trình diễn ca nhạc, đã thú nhận cả ông lẫn phu nhân đều yêu thích nhất bản Besame Mucho.
Besame Mucho được du nhập từ Pháp vào Việt Nam đầu thập niên 1950, với lời hát bằng tiếng Pháp do nam ca sĩ thần tượng số 1 lúc bấy giờ là Tino Rossi thu đĩa, đã làm mê mẩn bao người yêu nhạc ở ở Sài Gòn, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… Lời hát Pháp trong ca khúc này thật đẹp, thật trữ tình, và tuy không phải là một bản dịch sát nghĩa, cũng đã diễn tả được tác động của nụ hôn trong vòng tay người tình.
Sau khi đất nước bị chia cắt, tới đầu thập niên 1960 tại miền Nam Việt Nam, có thêm một bản Besame Mucho lời Pháp khác do Dalida thu đĩa. Mặc dù lúc đó Dalida đang là đệ nhất nữ danh ca của Pháp, nhưng vì lời hát mới có nội dung hoàn toàn… mới lạ, và vì Dalida hát theo một nhịp khá nhanh, cho nên hầu như mọi người chỉ nghe chứ không mấy ai hát.
Tới giữa thập niên 1960, cùng với ảnh hưởng ngày càng mạnh của nền văn học, nghệ thuật Mỹ tại miền Nam Việt Nam, bản Besame Mucho lời Tây-ban-nha và lời Anh qua tiếng hát của nữ danh ca Mỹ gốc Ý Connie Francis, đã làm mưa gió trên làn sóng điện các đài phát thanh, đặc biệt chương trình “Nhạc ngoại quốc yêu cầu”.
Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, trong phong trào “Việt hóa” các khúc ngọai quốc được ưa chuộng, nhạc sĩ Y Vân đã đặt lời Việt cho bản Besame Mucho với tựa đề Đời như giấc mơ, được mở đầu như sau:
Em em ơi, đời là một giấc mơ – đôi tay anh đôi môi em đôi tim yêu đương đang đón chờ – nhưng em ơi cớ sao em u sầu…
Đây là một trong tổng số khoảng 20 ca khúc ngoại quốc do Y Vân đặt lời Việt, ngày ấy rất được cả người hát lẫn người nghe ưa chuộng, và đã được Duy Trác trình bày trong băng nhạc Mây Hồng 4.
Rất tiếc sau này tại hải ngoại, hình như không có ca sĩ nào hát lại Besame Mucho lời Việt của Y Vân, trong khi bản do Duy Trác hát trong băng nhạc Mây Hồng 4 được phổ biến trên Internet thì chất lượng âm thanh lại quá kém, hầu như không thể nhận ra đây là tiếng hát của Duy Trác thuở nào.
Cho nên, nếu muốn thưởng thức Besame Mucho lời Việt, người ta không có lựa chọn nào khác ngoài bản do Trường Kỳ đặt lời với tựa “Yêu nhau đi”, được Minh Xuân trình bày theo thể điệu Cha-cha-cha.
Yêu nhau đi, đời có nghĩa chi
Yêu nhau đi ta lo chi cho đôi mi thêm phai úa màu..
Ta yêu nhau… cớ sao em âu sầu?
Phút giây này có bao giờ
Đến với đời ta hai lần đâu…
Nơi đây đêm nay ta cùng vui say sưa
Trong niềm hoan ca hòa ngàn câu ân ái
Yêu nhau đi em trong triền miên bao la
Trong hồn nhiên say trong đắm đuối ngất ngây…
Yêu nhau đi, mình không nên tiếc chi
Trao nhau đi muôn môi hôn bao đam mê trong say đắm này
Ta yêu nhau… có trăng sao trên trời
Chiếu muôn ngàn ánh soi tình
Chúng ta bừng như sắc hồng…
Tác giả: Unknown
Nhạc phẩm “Bésame Mucho” (bản nguyên thủy của nhạc sĩ Consuelo Velázquez – 1940):
Giọng hát của Delena
The best version of all.