9 bí mật ít người biết về giò
Nếu có hàn the, giò sẽ rất giòn, dễ bẻ gãy. Giò ngon khi thái sẽ bị xít dao, khó thái.
Bài viết – dựa trên sự tư vấn của nghệ nhân Đức Bình, gia đình có nhiều đời làm giò chả Ước Lễ (Hà Nội) – sẽ giúp bạn đọc biết cách nhận biết chọn mua giò ngon, nhận biết giò có hàn the, cho đến cách tránh mua giò bò làm từ thịt lợn…
Câu 1. Giò lụa làm từ gì?
Giò lụa ngày nay đại đa số làm từ thịt nạc và mỡ lợn.
Để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, trong thành phần làm giò lụa ngày nay có một số lượng nhỏ mỡ lợn, giúp giò mềm, thơm, ngậy hơn. Nếu chỉ làm bằng thịt nạc thì giò lụa ăn sẽ bị cứng. Còn nếu pha bột sẽ đánh mất đi mùi vị chuẩn của giò.
Câu 2: Thịt vị trí nào dùng để làm giò?
Thịt để làm giò lụa ngon nhất là thịt mông. Đây là phần thịt được dùng để làm giò. Nguyên nhân vì vùng này lợn di chuyển nhiều, thớ thịt săn chắc, làm ra giò sẽ rất đanh.
Trong khi đó, vùng thịt thăn hoặc nạc vai có nhiều dây. Vùng thịt này mềm nên khi lên giò sẽ không tạo ra được kết cấu giòn, dai.
Thịt nạc mông chuyên dùng để làm giò, chả.
Thịt lợn mổ để vài tiếng và thịt lợn đông lạnh không thể làm được giò ngon. Chỉ có thịt lợn tươi, thậm chí vừa làm xong còn ấm, tươi đến mức cơ thịt còn đang động đậy thì khi giã giò mới tạo ra độ kết dính, cho giòn, dai, không cần tác động của phụ gia thực phẩm.
Thịt lợn không còn tươi, tức không còn tế bào sống, dù có hoài công quết giã cũng không dẻo, không có liên kết, giò không thể dai, ngon.
Trong tùy bút Giò lụa, Nguyễn Tuân viết về thịt làm giò: “Nó phải tươi, để tay vào còn âm ấm, lúc thái ra miếng thịt còn phải như nhảy trên mặt thớt, không cẩn thận thì thái vào ngón tay mình đấy”.
Thịt lợn mua siêu thị không làm được giò ngon vì nó đã mổ lâu.
Đặc điểm của giò có hàn the là giòn, dai, nhưng dễ bẻ gẫy được.
Khi không cho hàn the, giò vẫn dai, dù có vặn cong nhưng rất khó làm gãy. Song nếu bỏ hàn the, giò giòn bẻ rất dễ.
Trong hàn the có thạch tín sẽ gây hại cho sức khỏe con người. Người tiêu dùng có thể nhìn vào đặc điểm trên để tránh mua phải giò không đảm bảo.
Ngoài ra, bạn có thể dùng giấy bộ Test Kit (giấy tẩm nghệ) để thử hàn the trong giò. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy thử thì làm cho giấy chuyển sang màu cam đỏ. (
Xem video). Bộ kit thử hàn the khá rẻ và dùng nhiều lần. Các gia đình nên trang bị để thử mỗi khi mua các thực phẩm như giò, chả, bún, phở…
Câu 5. Không nên mua giò có đặc điểm nào sau đây?
Đặc điểm dễ nhận biết bằng mắt thường của một chiếc giò không ngon, không sạch, không an toàn, gồm: Giò mềm, dễ thái, ít hoặc không có lỗ. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào đây khi chọn mua giò.
Giò dễ thái, mềm, tức là giò đã pha nhiều bột hoặc sử dụng thịt không tươi, không tạo ra được độ liên kết cho giò. Một khi không có độ kết dính, giò sẽ không tạo ra được các lỗ li ti.
Ngoài ra, khi chọn mua giò bạn cũng không nên mua giò gói khuôn inox, bọc lớp túi bóng hoặc chỉ có một lớp lá chuối mỏng. Bình thường, giò truyền thống gói bằng nhiều lớp lá chuối và tạo ra được mùi thơm đặc trưng của một chiếc giò ngon. Khi không gói bằng lá chuối hoặc ít, giò đã không còn vị thơm ngon này nữa.
Giò ít lỗ là một biểu hiện của giò không ngon.
Câu 6. Đặc điểm nào cho thấy giò lụa ngon?
Muốn mua được khoanh giò ngon, bạn hãy xem xét kỹ các yếu tố: có nhiều lỗ trên bề mặt, màu hồng nhạt hoặc trắng, tươi sáng. Khi ngửi thơm đặc trưng mùi giò lá chuối. Đặc biệt, giò ngon thái bị xít dao, khó thái.
Trong đó, yếu tố giò có nhiều lỗ là biểu hiện của việc dùng thịt tươi. Một khi tươi thịt sẽ dẻo quánh và bọc một lớp không khí bên trong. Vì thế khi hấp giò trên nhiệt độ cao, không khí sẽ chui ra ngoài, tạo thành những lỗ to nhỏ trên khoanh giò.
Giò muốn thơm thì bắt buộc phải gói bằng lá chuối tươi, lớp trong bánh tẻ, lớp ngoài già. Lá chuối tiêu, chuối rừng không được dùng gói giò, bởi nó không tạo ra mùi và còn khiến giò bị thâm. Chỉ dùng lá chuối tây, hoặc chuối lá để gói.
Giò nhiều lỗ, màu hồng nhạt, gói lá chuối dày, thát xít mặt dao đảm bảo ăn sẽ ngon.
Trong giò bò chuẩn hay không chuẩn đều có thịt lợn.
Với giò bò chuẩn, người ta dùng chút mỡ lợn vào cùng với thịt bò. Như đã nói ở trên, mỡ giúp cho giò mềm, thơm, ngậy. Nhưng nếu dùng mỡ bò sẽ rất đậm mùi, nên những cơ sở sản xuất giò bò đã dùng mỡ lợn, với tỷ lệ khoảng 20% mỡ, còn lại là thịt bò.
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng cơ sở làm giò bò như trên không nhiều. Vẫn có những cơ sở sản xuất pha chế thịt lợn vào, thậm chí dùng thịt lợn sề để làm giò bò.
Câu 8: Phân biệt được giò bò làm từ thịt lợn dựa vào đâu?
Phân biệt giò bò làm từ thịt bò và thịt lợn rất khó. Ngay cả một số người làm nghề cũng không chỉ ra được bằng cách nhìn.
Nghệ nhân Đức Bình, chủ cơ sở sản xuất giò chả Ước Lễ bật mí: “Nếu giò bò làm toàn bằng thịt bò khi cắt miếng giò ra sẽ bóng, mịn. Còn thịt bò pha nhiều thịt lợn khi cắt sẽ tạo ra những vân gợn, dễ nhận biết”.
Tuy nhiên, hướng dẫn trên chỉ phù hợp với người tinh ý, sành ăn. Đại đa số người tiêu dùng khác nếu muốn ăn giò bò thì nên tìm một cơ sở mua quen, uy tín để ăn. Có vẻ cách này là khả quan hơn cả.
Câu 9: Có nên ăn giò lụa thường xuyên?
Giò lụa chuẩn là một món ăn ngon và đã được xem như tinh hoa của ẩm thực, sạch sẽ, dễ ăn, tạo cảm giác ngon miệng. Nếu tìm được cơ sở sản xuất giò uy tín, bạn vẫn có thể ăn giò thường xuyên, ngay cả phụ nữ mới sinh vẫn có thể ăn được giò, không cần kiêng.
Mức độ ăn thường xuyên hay không thường xuyên phụ thuộc vào giò bạn ăn có chuẩn hay không. Nếu giò mua ngoài chợ, không có hàng quen thì không nên ăn nhiều, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.