(2021-02-05, 10:03 PM)Mya Wrote: Anh Dược Tuệ cứ hát, có Mya hiểu tiếng “nẫu” nè 😊
Ờ miền trung còn có mắm cái, anh Dược Tuệ và GH có nghe và ăn qua loại mắm này chua?
Mya
Mya cũng biết tiếng nẩu à, nhưng mà nếu hát thì ai cũng không hiểu, chỉ một người hiểu thì cũng khg bõ công hát.
Mắm cái cũng là mắm nêm, là một loại mắm mà anh thích.
Ở BĐ có loại mắm đặc sản.
TRẢI NGHIỆM BÚN MẮM CUA BÌNH ĐỊNH NGỬI THẤY GHÊ ĂN THẤY MÊ
Bún mắm cua là món ngon đặc sản Bình Định không phải ai cũng có thể thử được. Cũng như sầu riêng, mùi có hơi khó chịu nhưng hương vị thì ngon vô cùng, ai có thể ăn được thì bún mắm cua trở thành món khoái khẩu. Du khách nếu có ghé Bình Định phải nhất định thử cho bằng được.
Người miền trung nói chung và người Bình Định nói riêng rất thích ăn các loại mắm. Nếu như ở biển thì mắm cá cơm, mắm ruột cá ngừ, mắm mực, mắm nhum thì ở xứ đồng ruộng cũng có mắm cua thơm ngon không kém. Nông dân đi làm đồng, đi thăm ruộng mà bắt được con cua, con rạm là lập tức đem về làm mắm. Những con cua còn sống được mang đi rửa sạch, bỏ yếm, toàn bộ con cua được cho vào cối đá giã thật nhuyễn, rồi dùng nước sạch để lọc tách xác bã khỏi phần nước cua. Phần nước này được cho vào nồi hoặc chậu, có thể cho thêm ít lá gừng với vài lát măng tươi để tăng hương vị, đậy kín và cứ để thế qua đêm cho “lên tuổi” hay “bị ử” như cách gọi dân dã của người dân bản địa.
Qua một đêm “lên tuổi”, nồi nước cua xuất hiện một mùi khá khó ngửi, thôi thối giống như bã cua để ngoài trời nắng vài tiếng mùa hè vậy. Nguồn gốc của thứ mùi đặc trưng này là do chất đạm trong thịt cua bị phân hủy. Giờ chỉ cần bắc nồi to, phi hành khô cho thơm và vàng, rồi đổ nước cua vào nấu thành mắm.
Bún mắm cua chỉ cần ăn đơn giản bún với rau sống
Do đã được “lên tuổi” nên sẽ xảy ra hiện tượng kết tủa thành gạch trong quá trình chưng mắm cua. Khi chin, nồi mắm cua sẽ có màu nâu đặc trưng của mắm, trên bề mặt loang loáng ánh đỏ của gạch cua, và tỏa thứ mùi khiến người chưa quen “phát sợ” còn người đã quen thì tứa nước miếng đầy khoang miệng.
Múc một bát mắm cua nóng ra, sau đó dùng để chấm rau luộc hay rau sống, ăn kèm cơm nóng. Đơn giản thế thôi nhưng đó là một trong những món hao cơm nhất, ăn không biết no. Đặc biệt là vào những hôm trời mưa rả rích, hay trong mùa mưa dai dẳng của miền Trung, “xứ nẫu” buồn đến nẫu cảnh, nẫu người, miệng có khi chỉ thèm một tô cơm trắng nóng hổi ăn với mắm cua và rau lang luộc. Hoặc chỉ cần dùng mắm cua chan vào bát bún tươi, bẻ thêm vào quả ớt xanh thì ăn chẳng biết đâu là điểm dừng. Mắm cua đặc biệt là mắm cua thối là món ăn ngon dân dã nhưng sức gây nghiện của nó nhờ cái mùi chẳng kém gì mùi mắm tôm với dân Bắc hay mùi thơm của trái sầu riêng với người Nam.
Bún mắm cua thối giờ đây là một món đặc sản của phố núi Gia Lai, nơi cũng rất nhiều người gốc Bình Định sinh sống. Bún mắm cua có thêm nem chua, chả lụa, tóp mỡ, trứng luộc, rau sống và đặc biệt không thể thiếu vị cay the the của ớt bay. Mùa đông, giữa cái lạnh của phố núi, thưởng thức bát bún vừa nóng hổi, vừa mùi đặc trưng thì ngon không thể tả.
https://monngonbinhdinh.vn/trai-nghiem-b...-270155/ct