Ông Biden sẽ đề xuất gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đối phó đại dịch
#1
Không, Joe Biden không định âm mưu cắt Social Security của bạn



Translated from The Los Angeles Times article Column: No, Joe Biden isn’t secretly planning to cut your Social Security


Michael Hiltzik, ngày 03 tháng 12, 2020







[Image: 24d15c_d81dcbc81c9f43a89ca82e675f76e0c2~mv2.webp]







Giới ủng hộ Bảo hiểm Xã hội (Social security) và các chương trình xã hội khác chưa bao giờ ngừng cảnh giác trước những đe doạ đối với những chương trình này và người được hưởng lợi.



Về tổng thể, đây là một điều tốt, bởi lẽ giới bảo thủ lâu nay vẫn lấy những chương trình này làm chủ đề chặt chém, và cũng không ngần ngại che đậy những toan tính của mình bằng những khái niệm - chẳng hạn như “cứu chữa” chính sách tài khóa - hay lên tiếng rằng cái-gọi-là trợ cấp này đang ăn mòn ngân sách quốc gia.



Trong đợt tranh cử tổng thống vừa qua, ông Joe Biden trở thành mục tiêu của sự hoài nghi. Thâm niên nhiều thập kỷ của ông tại Thượng viện đã được nghiên cứu nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự mềm mỏng đối với Bảo hiểm Xã hội - đặc biệt bởi Thượng Nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, đối thủ cho vị trí ứng viên tổng thống đảng Dân chủ - và kết quả không mấy đáng tự hào.



Ông Biden “không thể che giấu 40 năm hợp tác với phe Cộng hòa nhằm cắt giảm Bảo hiểm Xã hội,” ông Sanders nhấn mạnh trong một tweet ngày mùng 07 tháng Ba.



Gần đây, sự hoài nghi về quá khứ của ông Biden đang chuyển dần sang chuyên gia chính sách cấp tiến Neera Tanden, lựa chọn của ông cho vị trí giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách. Lịch sử của bà Tanden đã được nghiên cứu, cho thấy dấu hiệu bà đã mềm mỏng đối với vấn đề Bảo hiểm Xã hội.



Nếu đánh giá kỹ lưỡng, ta sẽ nhanh chóng thấy những chỉ trích này hoàn toàn không xứng đáng.



Ông Biden đề xuất tăng cường nguồn vốn cho chương trình này bằng cách áp dụng thuế tiền lương vào các khoản lương trên 400,000 USD. Hiện nay mức thuế 12.4%, chia đều cho cả người lao động và người thuê, được giới hạn ở một mức thu nhập thấp hơn và điều chỉnh theo lạm phát - mức giới hạn này sẽ là 142,800 USD vào năm 2021.

Mức trần mà ông Biden đề xuất sẽ không được điều chỉnh theo lạm phát, nhằm mục đích thu hẹp và cuối cùng là xoá bỏ khoảng cách miễn thuế giữa 142,800 và 400,000 USD trong vài thập kỷ tới.



Ông Biden cũng sẽ áp dụng mức lương hưu tối thiểu cho người lao động ở mức thu nhập thấp nhất và tăng lương hưu cho người từ 85 tuổi trở lên, những người thường phải đối mặt với chi phí y tế lớn. Ông cũng sẽ tăng lương hưu cho người vợ hoặc chồng còn sống, một sự thay đổi đã được kêu gọi từ lâu vốn sẽ chủ yếu nhằm hỗ trợ phụ nữ.

Ông cũng sẽ huỷ bỏ cái gọi là sự bù trừ GPO/WEP, một cách tính bị phản đối kịch liệt nhằm giảm lương hưu cho những người lao động từng làm việc tại các vị trí công vụ không thuộc diện Bảo hiểm Xã hội, ví dụ như giáo viên.



Ông Biden cũng đã loại ra ý định tư nhân hoá Bảo hiểm Xã hội, như ông George W. Bush từng đề xuất, hoặc biến nó thành một chương trình “chọn lọc theo hoàn cảnh.”

Tất cả những đề xuất này đều khá phổ biến trong dư luận cấp tiến và trong Đảng Dân chủ. “Phe Dân chủ có kế hoạch mở rộng rõ ràng cho Bảo hiểm Xã hội,” trích lời bà Nancy Altman, chủ tịch tổ chức hoạt động Social Security Works.



Sự chỉ trích quá khứ của ông Biden chủ yếu nhắm vào việc ông tham gia đàm phán song đảng nhằm khắc phục thâm hụt ngân sách liên bang giữa những năm 1980. Một phần của kế hoạch này là tạm dừng các khoản chi từ ngân sách liên bang trong một năm, bao gồm việc ngừng tính khoản tăng chi phí sinh hoạt cho Bảo hiểm Xã hội trong một năm. Ông Biden có nhắc đến điều này trong bài phát biểu trước Quốc hội năm 1984.



Khoảnh khắc đó đã khiến nhiều người lo ngại rằng một Tổng thống Biden có thể sẽ tìm cách đạt một “thoả thuận lớn” với phe Cộng hoà về việc thu hẹp ngân sách bao gồm các khoản chi Bảo hiểm Xã hội.



Bà Altman, nhà hoạt động cứng rắn nhất trên đất Hoa Kỳ chống lại những sự tấn công nhằm vào chương trình này, cho rằng bà không quá lo về khả năng thoả thuận như vậy sẽ hình thành.



“Phe Dân chủ quảng bá chiến dịch dựa vào việc mở rộng [Bảo hiểm Xã hội], vì vậy họ sẽ khó mà đạt được một thoả thuận lớn như vậy một cách âm thầm,” bà nói. “Tôi không nghĩ ông Biden thậm chí có thể thuyết phục phe Dân chủ ở Quốc hội đồng ý ngay cả khi ông muốn làm vậy, và tôi cũng không cho rằng đó là hướng đi mà ông nhắm tới.”



Mối lo lắng về ông Biden nay đã chuyển sang cho bà Tanden, chủ tịch Trung tâm Hoa Kỳ Cấp tiến, một viện nghiên cứu chính sách theo phái tự do.



Thâm niên về lập pháp của bà Tanden tại Washington là không cần bàn cãi, với kinh nghiệm làm việc tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, và cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton.



Phe Cộng hoà rõ ràng coi bà Tanden là một mục tiêu dễ dàng trong số những lựa chọn của ông Biden cho nội các. Điểm tấn công của họ chủ yếu nhằm vào sự hiện diện của bà trên Twitter, nơi bà không ngần ngại đưa ra những chỉ trích gay gắt hay thậm chí nóng nảy đối với phái bảo thủ và bảo vệ những giá trị của giới cấp tiến.



Dĩ nhiên việc chỉ trích một chính trị gia chỉ vì những dòng tweet là một điều vô lý, nhất là khi so sánh với những lời lẽ hạ lưu và thô thiển tràn lan trên mạng xã hội này hàng giờ từ Tổng thống Trump mà gần như không có sự phản đối nào từ chính những vị cán bộ đảng Cộng hoà mà nay đang chỉ trỏ vào sự thiếu tinh tế của bà Tanden.



Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía cánh tả, người ta chỉ thấy bà Tandem chưa làm đủ để bảo vệ Bảo hiểm Xã hội. Nhìn nhận này là một sự oan uổng, ngay cả khi không bị cường điệu hóa quá đáng lên trong những bài công kích, ví như một bài mới đây trên tờ Jacobin, một tạp chí tự xưng là theo xã hội chủ nghĩa.



Bài viết mang tiêu đề, “Lựa chọn Neera Tanden của Joe Biden còn tệ hơn bạn tưởng.” Trung tâm của sự chỉ trích nhắm vào việc bà Tanden từng ủng hộ việc chuyển đổi chỉ số lạm phát cho Bảo hiểm Xã hội sang cái gọi là CPI khóa, điều sẽ khiến cho việc điều chỉnh theo lạm phát chậm hơn so với CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) thông thường.



Đúng là CPI khóa trên trung bình sẽ làm yếu đi sự bảo trợ của Bảo hiểm Xã hội trước lạm phát. Tôi đã viết về đề xuất này nhiều lần và luôn là những đánh giá tiêu cực.



Năm 2017, tôi mô tả phương án trên là một sự cắt giảm lương hưu “vô hình,” bởi tỷ lệ lạm phát tính theo đó sẽ thấp hơn so với CPI thông thường trung bình khoảng 0.3% mỗi năm. Sự chênh lệch mức tăng chi phí sinh hoạt sẽ là không đáng kể trong ngắn hạn, nhưng sẽ dần tích lũy qua thời gian lên tới mức 3% sau 10 năm và 6% sau 20 năm.



CPI khóa là một trong 11 đề xuất cải cách Bảo hiểm Xã hội được đưa ra bởi Trung tâm Hoa Kỳ Cấp tiến vào tháng Mười Hai năm 2010.



Những đề xuất khác bao gồm mức lương hưu tối thiểu nhằm đảm bảo người nhận Bảo hiểm Xã hội không sống trong nghèo khổ, mức tăng 5% cho người Mỹ chạm mốc tuổi 85, hỗ trợ tốt hơn cho người vợ hoặc chồng còn sống hoặc người ly hôn, điểm cộng cho người dành nhiều năm nuôi dưỡng gia đình hoặc chăm sóc họ hàng, hỗ trợ cho những cặp đôi đồng giới, xóa bỏ trần thuế tiền lương, và cho phép quỹ Bảo hiểm Xã hội đầu tư một phần vào thị trường cổ phiếu thay vì chỉ riêng trái phiếu chính phủ. Trung tâm Hoa Kỳ Cấp tiến cũng đề xuất một thay đổi nhỏ trong công thức tính lương hưu vốn sẽ hạn chế mức tăng lương hưu năm đầu cho những người thụ hưởng giàu có nhất.



Gần như tất cả những phương án này đều nằm 100% trong mức chấp nhận được đối với dư luận chung của phái tự do và Đảng Dân chủ hồi năm 2010 và đến nay cũng vậy. Một vài trong số đó được áp dụng trong các dự thảo pháp lý, chẳng hạn như Đạo luật Bảo hiểm Xã hội 2100 đề xuất bởi Dân biểu John Larson (đảng DC - Connecticut). Dĩ nhiên, một số phương án trở thành một phần nền tảng cho ông Biden.



Theo tính toán của tôi, các đề xuất này sẽ được ủng hộ với tỷ lệ 10:1 với phái cấp tiến, chỉ trừ phương án CPI khóa là điểm đặc biệt duy nhất. Tuy nhiên, CPI khóa được nhiều tổ chức đánh giá chính sách khác lúc bấy giờ coi là chấp nhận được, với điều kiện nó phải thuộc một kế hoạch chi tiết cho cải cách tài khóa theo hướng cấp tiến.



Chẳng hạn, Trung tâm Nghiên cứu Ngân sách và Ưu tiên chính sách cho rằng CPI khóa sẽ có tiềm năng khi và chỉ khi được áp dụng rộng rãi, bao gồm với cả thuế thu nhập (do việc điều chỉnh lạm phát cho các mức thuế và nhiều phần khác của trong luật thuế bị chậm lại, thay đổi này sẽ tạo ra mức tăng thuế nhẹ cho người giàu có); khi đi kèm với việc tăng lương hưu cho nhóm người cao tuổi nhất; và khi khoản Thu nhập Bảo hiểm Bổ trợ (SSI - Supplemental Security Income), dành cho những cao tuổi nghèo và người tàn tật, được giữ nguyên.



Không ai sẵn sàng đồng ý với những điều kiện này, và vì vậy CPI khóa nhanh chóng trở nên kém hấp dẫn.



Bà Tanden sau này đồng ý rằng CPI khóa sẽ giảm chi phí cho Bảo hiểm Xã hội, điều không thể chối cãi, nhưng gọi đó là “một chính sách mà tôi không đồng tình.”



“Sự công kích bà Tanden là không mấy công bằng,” bà Altman cho hay. Bà chỉ ra ràng “năm 2010 là một thời kỳ khác - chúng ta đã phải nghe hàng thập kỷ những tuyên truyền kiểu như trời sắp sập đến nơi rồi chúng ta không thể duy trì Bảo hiểm Xã hội, từ đủ mọi phe phái chính trị.”



Bà cũng thêm rằng, kể từ lúc đó, “đã có những thay đổi to lớn. Phần lớn những người ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng nay đã đổi ý - năm 2013, bà Tanden và Trung tâm Hoa Kỳ Cấp tiến đã từ bỏ trào lưu thắt lưng buộc bụng.” Thay vào đó, họ dẫn đầu việc chống lại ý đồ cắt giảm các chương trình liên bang của ông Trump.



Điều quan trọng cần nhớ là chính sách tài khóa không được xây dựng từ trong hư không. Phe Cộng hòa sẽ ở phía bên kia bàn đàm phán. Nếu kết quả cuộc tái bầu cử Thượng Nghị sĩ tại Georgia vào mùng 05 tháng Một thuận theo ý họ, Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền điều hành Thượng viện.



Và phe Cộng hòa lâu nay vẫn không hề kín tiếng về ý định cắt giảm thu nhập Bảo hiểm Xã hội và Medicare khi có cơ hội, nhân danh việc khắc phục thâm hụt ngân sách. Ở thời buổi này, việc bới móc nhằm tìm ra lý do để nghi ngờ sự quyết tâm của chính quyền này đối với Bảo hiểm Xã hội sẽ là phản tác dụng.



Dĩ nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra trong sự hỗn độn của việc đàm phán các vấn đề pháp lý. Nhưng sẽ rất ít khả năng giới lãnh đạo phe Dân chủ chấp nhận việc cắt giảm lương hưu lúc này. Và cũng chẳng tổn hại gì khi có một chuyên gia chính sách đầy quyết tâm sát cánh cùng ông Biden. Càng sắc sảo càng tốt.



Người dịch: Tom Nguyen


The Interpreter


[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply
#2
Ông Biden sẽ đề xuất gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đối phó đại dịch
Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp công bố gói cứu trợ khổng lồ để đối phó với Covid-19 và hệ lụy kinh tế. Đây là nỗ lực của chính quyền kế nhiệm để đưa Mỹ ra khỏi khủng hoảng.

Gói cứu trợ bao gồm hơn 400 tỷ USD để trực tiếp đối phó với dịch bệnh, cho những việc như đẩy nhanh triển khai vaccine và mở lại trường học một cách an toàn trong vòng 100 ngày sau khi được thông qua.

Gói cứu trợ cũng bao gồm 350 tỷ USD để giúp chính quyền các tiểu bang và địa phương bù đắp thâm hụt ngân sách.
Mỗi người lao động và gia đình sẽ được hỗ trợ thêm với số tiền 1.400 USD chuyển trực tiếp.

Các trợ cấp thất nghiệp, ngày nghỉ có lương và trợ cấp cho chi phí chăm sóc trẻ cũng được mở rộng, theo New York Times.
Gói cứu trợ khổng lồ là bước đi quan trọng và táo bạo của ông Biden giữa thời điểm khủng hoảng của nước Mỹ, cũng là lúc ông cần phải nắm thế chủ động để vạch ra nghị trình của chính quyền mới ngay từ những ngày đầu.

Nhưng kế hoạch của ông trước mắt sẽ vấp phải thách thức ở Quốc hội, khi tổng thống sắp mãn nhiệm vừa bị Hạ viện luận tội và Thượng viện sẽ phải dành thời gian xét xử ông Trump.

[Image: merlin_182192655_059c2e9b_7550_4f4b_9178...bo_NYT.jpg]

Ông Joe Biden sắp đề xuất 1.900 tỷ USD. Ảnh: New York Times.




Hiện chưa rõ gói cứu trợ của ông Biden có thể dễ dàng được thông qua hay không.

Sau hai chiến thắng của đảng Dân chủ ở các cuộc bầu cử Thượng viện bang Georgia ngày 5/1, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có 50 ghế.
Như vậy, phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, với vai trò chủ tịch Thượng viện, có thể bỏ phiếu cho phía Dân chủ.

Nhưng ông Biden có thể không có đủ phiếu nếu một nghị sĩ Dân chủ trung dung nào đó không ủng hộ, với lý do gói cứu trợ tương đối lớn.

Các cố vấn của ông Biden cho rằng quy mô cuộc khủng hoảng hiện tại buộc ông phải vạch ra một gói cứu trợ lớn hơn khoảng 50% (đã điều chỉnh theo lạm phát) so với gói cứu trợ của cựu Tổng thống Obama khi lên nắm quyền giữa suy thoái năm 2009.

Trong một buổi trao đổi với báo chí, một quan chức của ông Biden nói thêm rằng cơ sở hạ tầng hiện tại cho việc tiêm phòng và xét nghiệm diện rộng kém xa so với những gì họ dự tính.

Ông Biden sẽ chính thức công bố gói cứu trợ này, có tên “Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ”, trong một diễn văn ở bang Delaware.
Dù 20/1 mới là ngày nhậm chức, diễn văn được xem như tiếng còi khai mạc cho nhiệm kỳ tổng thống, đặt ông Biden vào tâm điểm của mọi chú ý, theo New York Times.

Ông Biden sẽ phát biểu giữa lúc nước Mỹ ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, khi số ca tử vong ở vào ngưỡng 3.000-4.000 ca mỗi ngày, hàng triệu người lao động mất việc, và đang chia rẽ gay gắt.

Không chỉ vậy, các quan chức liên bang cảnh báo lễ nhậm chức ngày 20/1 sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan, da trắng thượng đẳng có vũ trang.

Phó tổng thống Mike Pence đã gặp giám đốc FBI Chris Wray để bàn kế hoạch bảo vệ buổi lễ ngày 20/1. Chính phủ dự kiến điều hơn 20.000 lính Vệ binh từ 13 bang.


Zing
[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply