2020-01-09, 03:52 PM
Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên là một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm
Nhà thơ Bùi Giáng
Lời bàn:
1/ “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu”
Mở đầu cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tữ có 2 câu bất hủ:
“Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh”
Cụ Nguyễn Hiến Lê dịch:
“Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến
Tên mà có thể đặt ra để gọi nó (đạo) thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.”
Bùi Giáng đã dùng tài năng làm thơ và ngộ đạo của ông để diễn tả thi vị, hình tượng hoá câu nói của Lão Tử:
“Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu”
“Biển xanh dâu” tiếng Hán có từ tương đương là “thương hải tang điền” = biển hoá nương dâu. Thời gian để biển hoá thành nương dâu thì hẳn là lâu lắm, không thể nào tính được là bao nhiêu tháng năm cho đủ. Cái tên thật là tên hẳn cũng không thể trả lời được giống như người ta hỏi bao giờ biển hoá thành nương dâu.
2/ “Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa”
Nói đến quê hương là nói đến nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi sinh ra của mỗi con người. Nhưng mỗi người đâu chỉ một quê hương. Trong chập trùng số lần sinh tử ấy, số quê hương hẳn cũng không thể nhớ nổi. Nó như cơn mộng trong vòng luân hồi, mà không biết cơn mộng ban đâu bắt đầu từ đâu, khi nào. Nhưng Bùi Giáng biết rằng cái mộng ban đâu ấy hẳn đã rất xa xôi.
3/ “Gọi tên là một, hai, ba”
Nếu cái tên thật sự không thể gọi ra được thì cái “giả” tên gọi thế nào mà chẳng được. Gọi là anh Một cũng được, mà gọi là anh Hai hay anh Ba thì có khác gì nhau đâu. Trong Phật pháp gọi là Danh chế định (pháp Tục đế) tức là do con người quy ước tạo ra chứ không thật có. Hàng trăm hàng nghìn người mang tên giống nhau ấy nhưng thật sự chẳng ai giống ai, nên cái tên ấy chỉ là “giả” tên mà thôi.
4/ “Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”
Ở đây tâm Tưởng và tâm Hoài nghi được Bùi Giáng thi vị hoá bằng hai câu chơi chữ rất tuyệt vời: “đo và đếm”. Có tâm nghi ngờ (nghi tâm) thì mới so đo, xét nét. Có tưởng nhớ đến phép toán đã học thì mới biết đếm. Lấy cái tâm nhớ về quá khứ (Tưởng) để đếm cái hiện hữu trong thực tại. Lấy cái tâm nghi ngờ đề đánh giá, đo lường cái có thật trước mặt một trăm phần trăm thì làm sao có thể chạm vào thực tại hay sự thật tối hậu.
Vậy mà con người khi gặp nhau ai cũng tự hào xưng tên, xưng quê, và cân đong, đo đếm để so sánh với nhau các giá trị “giả” mà mình đang theo đuổi, khát khao. Bùi Giáng đã sống một cuộc đời vượt qua sự đo đếm thường tình đó, bởi vì không ai có thể “đo đếm” được ông bằng bất cứ chuẩn mực gì. Bất lực, người ta gọi ông là nhà thơ điên, thi sĩ điên Bùi Giáng. Từ “điên” mà ông được gán cho như là trạng thái không thể quy ước được, khái niệm được theo thường tình của thế gian. Xin được khép lại bài viết này bằng mấy vần thơ của ông:
“Trần gian hỡi, tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen”
“Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao”
Viết bởi thayvabiet.com