PHÁP HÀNH THIỀN
#1
HÀNH THIỀN TRONG RỪNG Ở THÁI LAN
Bài: Chơn Minh - Ảnh: Tấn Phát



[Image: hinh_dep_1_735787883.jpg&size=article_medium]


Nhằm tìm hiểu thêm việc hành thiền của các nhà sư PGNT Việt Nam, đã trải nghiệm trong rừng tại Thái Lan như Đức Phật thời xưa đã làm, đồng thời để chia sẻ kinh nghiệm này đến với Chư Tăng, Ni trẻ và phật tử muốn biết rõ việc hành Thiền trong rừng ra sao ? Phóng viên Tạp chí PGNT đã tiếp cận sư Trung Thiện tại Văn phòng chùa Bửu Quang, mới vừa ở Thái Lan về. Mục đích của cuộc phỏng vấn nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết cho bất kì ai có ý định hành thiền trong rừng tại Việt Nam hay tại bất cứ đất nước quốc giáo nào.

PV: Xin Sư cho biết Sư sang Thái Lan thời gian được bao lâu và hành thiền trong rừng ở vùng nào? Sư có tham gia trong trường thiền nào trong rừng không?
Sư Trung Thiện: Trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, sư sẽ đọc một đoạn kinh ngắn phúc chúc an lạc đến cho chư Thiên và độc giả với một tấm lòng chân thật là đem lợi ích Pháp bảo, lợi ích tâm từ đến với chúng sanh: Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa...Tổng cộng thời gian hành thiền của sư tại Đông bắc Thái Lan gồm ba hạ Tỳ khưu. Sư thọ cụ túc giới tại Trường Thiền Wat Ram Poeng - Chiang Mai dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của Thiền sư Tế độ Ajahrn Suphan, Ngài đã dạy Thiền tại nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Mêxico và một số nước Châu Âu. Sư thường hành Thiền ở trong rừng thuộc chi nhánh của Trường Thiền Wat Ram Poeng dành cho những Tỳ khưu và tu nữ hay Phật tử ưa thích muốn hành thiền miên mật ở những nơi thanh vắng. Sư đã ở nơi này hai hạ, tên gọi là “Nơi thực hành pháp của Walay do cận sự nữ Walay cúng dường đất và vị Viện Trưởng đã xây thêm liêu cốc cho hành giả tu thiền, ngoài ra, vài lần sư hành thiền trong khu rừng trồng tại Wat Suan Lamzay, (Chùa Vườn Nhãn) tỉnh LamPun.


[Image: thien_1_595175514.jpg]


PV: Xin sư cho biết khi hành thiền trong rừng thì thiền giả cần chuẩn bị cho mình điều gì về mặt tâm linh và dụng cụ hành thiền?
Sư Trung Thiện: Thật sự vấn đề hành thiền trong rừng đã nhiều lần được Đức Thế Tôn tán thán, nhưng thực tế tiêu chuẩn đối với Tỳ khưu muốn vào rừng hành thiền rất khó khăn và cực kì nghiêm ngặt như trường hợp Ngài Upali, được nói đến trong Kinh Tăng Chi Bộ - Phẩm Chín Pháp. Đức Thế Tôn nói “những vị Tỳ khưu nào khi thấy rõ các pháp này hiện khởi nơi chính mình thì vị ấy mới đến những nơi trú xứ xa vắng để hành pháp”, rồi trong Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm (Trung Bộ Kinh) Đức Thế Tôn còn nói về tiêu chuẩn hành thiền trong rừng của Tỳ khưu v..v.. Soi rọi lại, Sư thường tự hỏi mình xem có hội đủ tiêu chuẩn hành thiền trong rừng hay không? Do vậy để vào rừng hành thiền thì vị Tỳ khưu đó phải nghe nhiều, đọc nhiều, hoan hỷ với pháp với niềm tin vững chắc. Tiêu chuẩn thứ hai vị Tỳ khưu phải là người thiểu dục, tri túc không ưa thích hội chúng. Vị Tỳ khưu cần có nhiệt tâm, tinh cần ngoài ra vị ấy cần có sự kham nhẫn và tâm từ vì nếu không có những tính chất tâm thế này vị ấy không thể tồn tại lâu trong rừng bởi sự khuấy động của các loại phiền não, của muông thú lớn nhỏ, nhiều nọc độc, các loài muỗi mòng, ác ma, ác phi nhân do vậy khi hành thiền trong rừng vị Tỳ khưu nên lựa chọn trú xứ thích hợp.

Chuẩn bị về Tâm, nói tóm gọn vẫn là Giới, Định, Tuệ, còn chuẩn bị dụng cụ là chuyện nhỏ hơn nhiều, điều này liên quan đến Phước báu của mỗi vị, tùy thuộc trú xứ: mùng thiền, dụng cụ trải nằm, bạt che mưa, dây, chão, dao nhỏ, đèn pin và một cái tâm: Ít Dục, Biết Đủ. Sư rất ít dùng thuốc, thường ngồi thiền, giữ Giới, thực hành Thiện Pháp để chữa cho thân bệnh, tâm bệnh. Sống ở rừng núi, muốn có nhiều lợi ích, nên là người dễ tính, có nhiều thời điểm không có xà bông giặt, xà bông tắm, hay dầu gội đầu sư an ổn với việc tắm, gội, giặt bằng nước nguyên chất (..cười)

 PV: Trong khi hành thiền, Sư làm thế nào đối phó với nỗi sợ hãi khi nó khởi sanh trong tâm mình? Xin Sư cho biết về những trải nghiệm mà Sư từng gặp phải?
 Sư Trung Thiện: Thật sự theo ý nghĩa bài kinh Paritta, khi vị Tỳ khưu đi vào rừng thì có những điều làm lông tóc dựng ngược, thật sự ban đêm và ban ngày trong rừng hoàn toàn khác nhau. Thế nên khi vào rừng hành thiền Sư nói ba lần lời phát nguyện cúng dường sinh mạng này cho Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo bằng sự hành pháp, đồng thời đảnh lễ bảo tháp Xá Lợi Đức Phật và cây Bồ Đề. Nên bất cứ nỗi sợ hãi nào khởi lên cũng đều không vượt qua được nỗi sợ hãi cái chết, hơn thế sinh mạng đã được cúng dường đến Tam Bảo Tối Thượng - trân quý nhất trên thế gian, nên vị hành giả có được phước báu cực lớn, hỗ trợ này rất đặc biệt, để có thể vượt qua được mọi nỗi sợ hãi. Ban đêm cũng như ban ngày trong rừng, hơn nữa hành giả cũng phải an trú vào việc rải tâm từ đến muôn loài, đến các loài rắn khi đọc bài kinh hộ trì ngũ uẩn. Nếu hiểu rằng các chúng hữu tình là có hạn lượng, nhưng Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng là vô lượng; khi khởi lên tâm như thế và an trú vào đó thì vị Tỳ khưu, hành giả sẽ vượt qua nỗi sợ hãi. Các nỗi sợ hãi có thể đến rất bất ngờ nhưng thường xuyên an trú trong chánh niệm tỉnh giác đều vượt qua. Thực tế phiền não ở những trú xứ xa vắng khởi lên rất mạnh đòi hỏi hành giả phải thường xuyên an trú trong các thiện pháp.

 PV: Xin Sư cho biết thuận lợi và khó khăn về mặt chính quyền khi hành thiền trong rừng?
Sư Trung Thiện: Thái Lan là một nước Phật giáo có sự tôn trọng chư Tăng, đặc biệt là các vị chuyên tâm tu thiền, từ chính quyền đến người dân, chư Tăng nước ngoài được sự hỗ trợ lớn khi đến hành thiền tại Thái Lan, chẳng hạn như việc gia hạn passport hay được ưu tiên làm thủ tục gia hạn mà không phải xếp hàng. Nói chung, những đất nước có Phật giáo quốc giáo thì sự hỗ trợ, giúp đỡ đến từ nhiều nơi, nhiều người. Thế nhưng, còn tùy vào biệt nghiệp của mỗi vị, nên sự thuận lợi, khó khăn về mặt chính quyền thật khó mà nói cho chính xác được. Sư luôn có ý nghĩ là: Một nhà sư tốt, cần là một công dân tốt, tuân thủ luật pháp của đất nước ấy, sư cũng chưa thấy sự ngăn cản, cấm đoán xảy ra ở bất kì nơi nào với bản thân, chính do duyên lành, sư cũng chưa từng gặp khó khăn gì từ chính quyền ở mọi vùng đất: Việt Nam hay nước ngoài.

PV: Xin Sư cho biết sự khác nhau giữa cảm giác khi hành thiền tại trường thiền và trong rừng?

phát lại cho chính mình nghe. Theo đó, thì những bài pháp do sư thuyết không theo một chuẩn mực nhất định, mà lại gần gũi với đời thường trong tu tập và với nhu cầu lĩnh hội pháp một cách thiết thực với những câu hỏi phản đề. Sư có đọc nhiều bài pháp mà Đức Thế Tôn đã giảng, ghi âm thành đĩa CD mà trước tiên là Những Bài Kinh Trọng Yếu trong Trung Bộ Kinh, chia nhỏ thành từng phần, phân tích, diễn giải và phát lại cho chính mình nghe với thái độ cung kính của một người nghe pháp. Như thế sư được an trú trong Pháp, định tĩnh và hỷ lạc đã phát sanh, trí tuệ đã phát sanh, có được hiện tại an trú trong Pháp và Luật của Đức Thế Tôn.

PV: Xin Sư cho biết lịch tu tập của Sư trong một ngày trong rừng ở tại Thái Lan?



Sư Trung Thiện: Thông thường thì công việc của vị hành giả trong rừng có những việc chính như sau: 1) Đi khất thực khoảng một tiếng đồng hồ. 2) Vệ sinh liêu cốc và vệ sinh cá nhân. 3) Hành thiền và an trú trong Pháp. 4) Những việc lặt vặt phục vụ đời sống… Tối ngủ sớm nhưng dậy rất sớm với tác ý sẽ dậy ngay để hành thiền. Sư thức dậy khoảng 1g đến 3g00 sáng và hành thiền đến sáng. Trường hợp mệt quá có thể nằm nghiêng lưng bên phải, nghỉ ngơi nửa tiếng, đến 6g30 đi khất thực. Sau khi khất thực, sửa soạn đồ ăn, rồi thọ dụng trong cốc một bữa chính, chiều có thể nghỉ ngơi 1 tiếng. Rất nhiều khoảng thời gian, sư thấy được lợi ích của việc ăn một bữa, ngồi một chỗ, ăn trong bát. Xin đừng đặt tên cho bất cứ pháp hành nào là đầu đà, cao thượng hay gì gì, đơn giản sư thấy lợi ích, an ổn, nên thực hành, chỉ có vậy mà thôi. Tổng cộng thời gian ngủ trong 1 đêm là 4 đến 5 tiếng; do ăn uống có tiết độ, hành thiền miên mật, tâm sáng suốt, định tĩnh, cơ thể ít hao phí năng lượng, cũng không cần ngủ nhiều trong ngày.


PV: Xin Sư cho biết các đề mục Thiền nào mà Sư thường xuyên quán tưởng trong thời gian hành thiền trong rừng?



Sư Trung Thiện: Từ trước đến nay sư kiểm nghiệm, hành thiền lần lượt theo nhiều pháp, như của Ngài Mahasi (đề mục phồng xẹp), sau đó là chánh niệm tỉnh giác trong các oai nghi của trường thiền Shew-OO-Min, sau lại theo đề mục hơi thở chóp mũi theo thiền phái của Ngài AjChan Chan, nhưng sau đó sư lại quay về với lời dạy của Đức Phật: đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, hay biết cả bốn niệm xứ, ngồi kiết già lưng thẳng, vì đây là tư thế của Bồ Tát chiến thắng ma vương, với Giới, với Định, với Tuệ được hỗ trợ đắc lực bởi tư thế ngồi kiết già này mà hành giả hành thiền trong rừng vượt qua sự quấy nhiễu của phi nhân, ác ma, buồn ngủ, dã dượi cùng nhiều nỗi sợ hãi.



PV: Xin Sư cho biết về độ an toàn của việc hành thiền trong rừng?

Sư Trung Thiện: Tùy theo nghiệp qủa của mỗi vị nên nếu nói về độ an toàn thì rất khó. Thật ra sư thấy, nỗi sợ hãi thì lớn nhưng nguy hiểm thì lại nhỏ. Nguy hiểm đến từ phiền não trong vòng sinh tử luân hồi mới là nguy hiểm lớn nhất, dai dẳng nhất. An toàn là nơi đoạn trừ được các ô nhiễm nơi tâm.

 

PV: Xin Sư cho độc giả biết về phát nguyện mới đây của sư?

Sư Trung Thiện: Sư thấy đây là một câu hỏi lớn, liên quan đến Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nếu sự trả lời không chân thật và không đặt đúng nơi, đúng người sẽ không đem lại an ổn và lợi ích. Đối với Sư, một vị Tỳ khưu là cao quý. Đức Thế Tôn cũng tự nhận Ngài là một vị Tỳ khưu. Sư có phát nguyện an trú trong Pháp & Luật này cho đến khi nào còn hơi thở.

PV: Điều mà Sư tâm đắc nhất khi hành thiền trong rừng tại Thái Lan là gì?



Sư Trung Thiện: Đức Phật có nói đến: Có năm hạng Tỳ khưu ở rừng, thì hạng thứ năm được Đức Thế Tôn ca ngợi đó chính là hạng thiểu dục, tri túc, viễn ly, tinh cần. Nếu bất kì ai có những phẩm chất này, tầm cầu thiện hành, sẽ nhận thấy hành thiền trong rừng, những trú xứ xa vắng, cách xa hơi thở loài người có nhiều lợi điểm, do vậy qua hành thiền miên mật, vị ấy có thể nói rằng định tâm là có thật, thần thông là có thật, tuệ là có thật, giải thoát là có thật.



PV: Sư có điều gì nhắn nhủ với những chư Tăng đang muốn thực tập hành thiền trong rừng trong tương lai hay không?

Sư Trung Thiện: Trước khi sư vào rừng tại Thái Lan, sư có viết một bài Khởi Lên Nhiều Thiện Tâm với mong muốn nhiều hơn nữa các vị Sư tu trong rừng:

Nếu gặp được bạn lành.



Bậc bằng mình, hơn mình.



Nhiếp phục mọi hiểm nạn



Biết được điều nên làm



Và điều không nên làm



Nếu không gặp bạn này:



Thận trọng và sáng suốt.



Có tâm từ rộng lớn,



Bạn Thiện, trú hiền trí



Người thông minh, biện tài.



Hãy ra đi một mình.



Như Tê Ngưu một sừng.



Do vậy nếu vị nào thấy được lợi ích của việc hành thiền trong rừng thì hãy ở rừng, còn những vị nào thấy hành thiền trong trường thiền, tiếp cận với các bậc thiện trí, thấy an ổn thì cứ hành theo, vì Đức Phật không bắt buộc phải hành thiền trong rừng mà Ngài chỉ dạy là: “Thôn làng hay thành thị. Đất thấp hay đồi cao. Chỗ nào La Hán ngự. Vùng đất ấy khả ái... hay trong những bài kinh khác: Ở trú xứ nào, những thiện pháp nào chưa sanh khởi nay được sanh khởi. Những thiện tâm, an ổn nào chưa sanh khởi nay được sanh khởi. Những bất thiện nào đã sanh khởi nay bi đoạn giảm, diệt trừ thì hãy ở nơi đó. Còn trái lại thì phải bỏ ngay nơi ấy mà ra đi bất kể ngày hay đêm”. Do vậy không quan trọng là ở rừng hay trong trường thiền, hoặc bất cứ ở đâu, nếu ở nơi nào có thiện pháp, trí tuệ tăng trưởng thì nên ở nơi ấy. Trong trường hợp có vị nào muốn hành thiền trong rừng tại Thái Lan thì sư có thể giúp đỡ, hỗ trợ về mặt ngôn ngữ, sự đi lại và các trợ duyên khác.

Cám ơn sư về sự chia sẻ pháp này.

(Đạo Phật Ngày Nay)

May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply
#2

PHÁP HÀNH THIỀN

Hoà thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)


ĐẾM HƠI THỞ



[Image: minh-duc-trieu-tam-anh.jpg]


Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi. Đầu tiên, thầy nói chuyện với những ai mới tập thiền, một số sư, một số ni chưa quen; và nhất là chúng điệu và cư sĩ. Ai ngồi kiết già, bán kiết già được thì ngồi, ai không có già nào cả, cũng không sao. Trong trường hợp này, lựa chọn thế ngồi cho thoải mái, lưng phải thật thẳng, giữ đầu và cổ tương đối vững vàng, đừng gục xuống mà cũng đừng thẳng đuột. Tuy nhiên, tốt nhất nên tập ngồi kiết già hoặc bán già vì các con còn trẻ, trẻ thì dễ tập, dễ uốn!Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi.

Xong chưa? Rồi à! Bây giờ các con chỉ ngồi và đếm hơi thở thôi. Đúng, chỉ ngồi và đếm hơi thở hít vô, hơi thở ra thôi. Đơn giản vậy. Đếm hơi thở có từ thời đức Phật, ngài dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ khi nói về hít vô, thở ra. Tiếng Pāḷi là Ānāpānasati. Ānāpāna là hơi thở vô, hơi thở ra. Sati là niệm. Nói gọn là niệm hơi thở vô ra. Cụm từ Ānāpānasati này được Tàu dịch là An Ban Thủ Ý. An ban là hơi thở vô ra.Thủ ý là nắm giữ cái ý, nhiếp tâm hay định tâm. Có nghĩa là nhiếp tâm hay định tâm nơi hơi thở vào ra. Có một quyển kinh nói về An Ban Thủ Ý do An Thế Cao dịch và thiền sư Khương Tăng Hội đề tựa, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 TL. Ở trong quyển kinh này, ngài Khương Tăng Hội giới thiệu cách tu niệm hơi thở qua 6 giai đoạn mà ngài gọi là Lục Diệu Môn: Sổ tức, tuỳ tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức là đếm hơi thở. Tuỳ là theo dõi, theo khít, luôn áp sát theo, nương theo; vậy tuỳ tức là theo dõi, nương theo hơi thở. Chỉ là dừng lắng, là định. Quán là tuệ. Hoàn là cách gọi khác của đạo. Và tịnh là cách gọi khác của quả.

Thấy chưa, mặc dầu ngài Khương Tăng Hội đã triển khai Ānāpānasati, nhưng vẫn không rời tinh thần kinh điển Nguyên thuỷ. Và rõ ràng cái cửa đầu tiên là phải đếm hơi thở để trú tâm nơi hơi thở. 

Khi hơi thở hít vô rồi thở ra, đếm 01. Hơi thở hít vô, thở ra, đếm 02... Đếm cho đến 10. Đếm 10 xong trở lại đếm 01, 02 rồi đến 10. Cứ trở lui, trở tới con số 01 đến 10 ấy. Đừng xem thường, hãy chú tâm liên tục mà đếm, nó dễ quên lắm đấy. Có người vừa mới đếm 3,4 hơi thở là cái tâm đã chạy đi đâu mất tiêu! Đếm đúng và nhớ số đếm liên tục, đừng quên. Khó lắm đấy, đừng xem thường. Lưu ý, là đếm theo “hơi thở thực”, chứ không phải đếm theo “quán tính”. Đếm theo hơi thở thực là khi đếm, cái tâm nó gắn khít với hơi thở. Đếm theo quán tính là đếm một cách máy móc, đếm theo tưởng của mình chứ không liên hệ gì với hơi thở thực cả. Hai các hoàn toàn khác nhau đấy! Đếm theo hơi thở thực mới đúng. Nhớ là khi quên chỗ nào, lầm lộn chỗ nào thì phải trở lại từ đầu. Mục đích của đếm hơi thở là cột tâm vào số đếm, vào hơi thở ấy để cho tâm khỏi chạy nhảy lung tung.

Cứ đếm đến 10, trở lại 01 đến 10 hoài như vậy cho đến lúc thấy rõ ràng mình không còn quên số đếm thì tâm đã bắt đầu an trú. Vậy là chúng ta đã thành công giai đoạn một, nghĩa là đã bước qua Sổ Tức Môn để bắt đầu đi vào Tuỳ Tức môn. 
Hôm nay thầy nói ngang chỗ đó đã.

Chúng ta hãy cùng nhau đếm số hơi thở, 45 phút thôi.
 
THEO DÕI HƠI THỞ
Hiện tại, trong hội chúng có người đếm số, có người theo dõi hơi thở. Tức là có người đang Sổ Tức môn, có người đang Tuỳ Tức môn, nói theo An Ban Thủ Ý. Sổ tức nói nhiều rồi, bây giờ sang tuỳ tức.

Tuỳ tức, theo dõi hơi thở, nương theo hơi thở cũng không dễ dàng gì! Ở đây có 2 bệnh chính. Người nhiều hôn trầm, thuỵ miên thì nương theo hơi thở một hồi rồi quên, rơi vào dã dượi, buồn ngủ khi khí trệ xuống đan điền. Người nhiều trạo cử, phóng tâm thì khi hơi thở ra đầu chót mũi thì nó phóng đi mất, chẳng biết tăm dạng hành tung, do khí thượng thăng. Nên nhớ là nó luôn chạy đi khi hơi thở ra. Nó không bao giờ phóng đi khi hít vô! Vậy thì để ý, chăm chăm chú chú khi thở ra, nhất là giai đoạn chuẩn bị hít vô. Thời gian từ khi thở ra và chuẩn bị hít vô là thời gian mà tâm hay bị phóng, lưu ý như vậy.

Quên hay phóng thì tìm cách cột nó lại. Hãy chú ý tướng hơi thở chạy vô chạy ra, từ mũi xuống đan điền và từ đan điền ra chót mũi. Để tâm liên tục hai chỗ đan điền và chót mũi. Vậy là cột 2 chỗ.

Nếu cột 2 chỗ mà nó vẫn chạy mất thì cột 3 chỗ. Trong Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến cột 3 chỗ như cột bó củi. Bó củi mà cột 2 chỗ thì lỏng lẻo, phải cột 3 chỗ nó mới chặt. Cũng vậy, không những cột nơi đan điền (để tâm khi hơi thở xuống đó), cột nơi mũi (chú tâm khi hơi thở ra đến chót mũi) mà còn cột ở giữa, là nơi chỗ ngực nữa.

Tuy nhiên, mọi người hãy tuỳ nghi tìm cách riêng cho mình. Vì trong Thanh Tịnh Đạo còn đưa thêm ví dụ: Như người cưa cây, lưỡi cưa từ bên này sang bên kia thân cây, hơi đâu mà theo dõi cả 3 nơi, chỉ cần chú tâm vào một điểm là đủ quán xuyến hết rồi! Cho nên có người chỉ cần chú ý đến chót mũi, vì dù vô, dù ra, hơi thở cũng phải đi qua đấy!

Hơi thở vào ra nó tế vi quá, có người khó thấy, khó theo dõi. Vậy là chư vị thiền sư bèn nghĩ cách khác, vận dụng nó, sáng tạo nó sao cho việc theo dõi hơi thở có hiệu quả. Vì cần theo theo dõi hơi thở có hiệu quả thì những thiền chi sẽ phát sanh ngay. Và nếu thiền chi tuần tự phát sanh thì nó sẽ tự động đối trị với những chướng ngại.

Thiền sư Mahāsi Sayadow vận dụng phồng, xẹp. Khi hít vô, bụng phồng ra, ghi nhận phồng. Khi thở ra, bụng lép lại, ghi nhận xẹp. Phồng xẹp của cái bụng thì dễ thấy hơn hơi thở. Thế mà có người vẫn quên, không ghi nhận được. Thế là thiền sư dạy rằng, khi bụng phồng lên thì lấy cái tay mà ghi nhận phồng, khi bụng xẹp xuống thì lấy cái tay mà ghi nhận xẹp. Thật không có gì rõ ràng, dễ dàng và cụ thể như vậy nữa. Thế những vẫn có người than là quên mất, không nhớ được, không ghi nhận được. Thế là ngài thiền sư Mahāsi vận dụng thêm nữa.

Ngài đưa thêm 2 chỗ, ngồi và đụng.  Ngồi là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình ngồi. Đụng là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình đụng toạ cụ. Vậy là có 4 chỗ: Ngồi, đụng, phồng, xẹp! 4 chỗ là chắc ăn phải không, cái tâm nó chạy đi đâu được!

Nói tóm lại, mọi người hãy tự vận dụng đi, và tự bản thân mỗi người sẽ thực nghiệm, chứng nghiệm điều ấy.

- Nếu tuỳ tức mà tâm không cột được, không an trú được thì đừng nói chuyện thiền định hay thiền tuệ.
- Nếu tuỳ tức mà cột tâm được, an trú được thì thiền chi hỷ sẽ phát sanh; và ta sẽ dễ dàng bước qua những thiền chi khác.
Nói theo 10 bức tranh chăn trâu là con trâu hoang dã đã chịu phép rồi đó!

Chúc chư hành giả thành công.


Hoà thượng Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
(Trích đoạn: Những Bài Pháp Thoại Trong Ba Tháng An Cư)

May all Living Beings always live happily!
May they free from enmity
May they all share the blessings
Springing from the good that I have done!                
Admire Admire 



Reply