Văn chương U Mặc
#8
Những điểm chính của Văn Chương U Mặc

  •  Văn u mặc có tính chân thật, nó đi sâu vào tâm tư con người để chỉ ra những khát vọng thầm kín của con người mà ước lệ giả tạo của xã hội đặt ra cấm đoán. Đó là đặc điểm đầu tiên của u mặc.

  • Yếu tố quan trọng nhất của văn u mặc là sự bất ngờ, nghĩa là không thể dự liệu trước được. Nghịch luận và bất ngờ, đó là hai yếu tố chính của văn u mặc. Nó làm cho con người "hốt nhiên" mà "tỉnh ngộ". 

  • Sứ mạng của u mặc không phải là ru ngủ với những tập quán, thành kiến cố hữu của con người, mà cốt là thức tỉnh con người bằng nghịch thuyết, một cách tự nhiên và đầy nhân ái. 

  • U mặc là châm biếm, nhưng châm biếm một cách tự nhiên và đượm màu ưu ái. 

  • Đặc điểm thứ hai của văn u mặc là tự nhiên. Đọc văn u mặc thượng thừa, ta không cảm thấy làm văn, không thấy sự đẽo gọt. Đơn giản và tự nhiên là chỗ cao tột của nghệ thuật và u mặc. Văn u mặc, tuy có nhiều hình thức cao thấp khác nhau, nhưng tựu trung đều có ngọn bút nhẹ nhàng, đều lấy tự nhiên là chủ yếu.

  • Viết văn u mặc phải có được một tấm lòng thản nhiên vô tư, nhìn xem thế sự có chỗ vui thích tự nhiên rồi dùng ngọn bút khinh khoái mà mô tả không thấy có gì ngượng nghịu, trở ngại, không gò ép, không lo sợ, không cầu được có kẻ tán thành cũng không sợ có người chỉ trích.

  • Đọc văn u mặc không bao giờ thấy sự cố cưỡng gò ép từ tư tưởng đến văn từ. Trên con đường nghị luận ít có sự ràng buộc, cho nên vui buồn, thương ghét đều phát xuất một cách chân tình. Văn u mặc khác văn trào lộng châm biến ở chỗ kín đáo của nó, thường thì chỉ nhận ở khóe mắt hơn nụ cười cửa miệng. 

  • U mặc mà càng được bao trùm rộng rãi ra thế nhân bao nhiêu càng lại được nhiều kẻ đồng tình bấy nhiêu, bởi vì trong đám người nghe không ai thấy là chính cá nhân mình bị chỉ trích. Cho nên u mặc mà cao là khéo nói những chuyện bông lông, không nhằm vào một cá nhân hay một đoàn thể nào cả. Lấy việc xưa mà nói việc nay, cũng như lấy mình làm mục tiêu chế nhạo thì không ai nhột nhạt khó chịu và oán ghét. Vì vậy mà thường văn chương u mặc hay có tính cách ngụ ngôn và tự trào. 

  • Tiếng cười u mặc là tiếng cười ôn nhu hòa hoãn, phát từ tâm linh siêu thoát, vượt lên xa những cái nhỏ nhen cố chấp của người đời. Tiếng cười u mặc có thêm đặc điểm là Tình Thương! 

  • Nếu châm biếm hài hước mà có tính cách cá nhân sẽ không còn phải là tinh thần u mặc nữa. Bởi vậy, những câu châm biếm có tính cách chua cay ác độc, hằn học nguyền rủa không phải là u mặc. 

  • U mặc và phúng thích có nhiều chỗ gần nhau, nhưng không nên xem phúng thích là mục đích của u mặc. Phúng thích ( châm biếm / châm chích) hay đi đến chỗ chua cay. Phải bỏ cái vẻ chua cay mà đạt đến một tâm cảnh trống không và hờ hững. Lại còn phải thêm một vài điểm từ bi nhà Phật là khác. 

  • Trào lộng u mặc phải có vẻ ôn hòa thuần hậu, có tính cách thương xót cho số phận của con người. Đùa cợt, nhưng không đùa cợt theo cách hằn thù địch làm nhục đối phương, mà đùa cợt một cách âu yếm như bậc cha anh đùa những cái lầm khả ái của con em mình. U mặc là trào lộng với thâm ý làm cho giác ngộ. Công dụng của nó là lập đức, bởi vậy, trong tiếng cười có pha giọt lệ, hay nói cách khác, u mặc là "tương tiếu nhất thinh song lê lạc", là "những giọt lệ trong con mắt đang cười”. 

  • Điểm then chốt của văn u mặc là nghịch luận, nghĩa là nói nghịch mới gây được sự bất ngờ, gây được lòng phẩn uất và bắt người ta phải đặt lại vấn đề. Là vì không có câu nói nghịch nào mà không có phần phải của nó, mặc dù nó không vừa lòng đẹp ý ta. Bất cứ một thứ chân lý nào cũng đều có hai mặt, cuộc biến động nào cũng có hai chiều: Thái cực nào cũng gồm cả hai nghi (lưỡng nghi), nói theo Kinh Dịch. 

  • Văn u mặc thường có sự nửa úp nửa mở, giả vờ nói nghịch mà chỉ nói nửa lời thôi, là vì cái gì có vẻ bí mật sẽ có cái sức hấp dẫn lạ lùng. 

  • Văn u mặc cũng là những bài văn ngụ ngôn, nói bâng quơ, nói bông lông, không nhắm việc của ai cả, không cổ, không kim, không sách, không vở... Là để nói lên những gì thoát khỏi văn tự, thoát khỏi thời gian và không gian. Danh từ phải có định nghĩa, mà có định nghĩa là có giới hạn rõ ràng… 

  • Về văn chương, phần cốt tử là ở những chữ "nhưng", chữ "mà”... Có những việc dở, nhờ chữ "nhưng" mà trở thành hay, cũng có lắm chuyện hay, chỉ vì chữ "nhưng" mà đâm ra dở. 

  • Có được một tâm hồn siêu thoát, không bị ràng buộc trong cảnh giới nhị nguyên, có nhận rõ đủ mọi khía cạnh của sự đời muôn mặt, có thấy rõ những cái đáng khinh mà thế nhân quá trọng, nghĩa là có thấy được cả bề trái của sự đời, mới viết nỗi văn u mặc thượng thừa.

  • Văn u mặc chuyên về lối giả vờ: Giả vờ khiêm tốn, giả vờ thơ ngây, giả vờ lú lẫn... Làm như nhớ đầu quên đuôi, sự việc bất nhất, trật tự hỗn loạn... là để tỏ sự phi lý và mâu thuẫn của cuộc đời, đối với lý trí hẹp hòi thiển cận của con người.
  • Viết được lối văn u mặc thường thừa, ít lắm phải có một nhân sinh quan rộng rãi, phải biết thoát lên văn tự, phải có được một tâm hồn siêu thoát khỏi cảnh giới nhị nguyên để nhìn việc đời một cách bao trùm muôn mặt. 

  • Vậy, tư tưởng cần được cởi mở tự do, triết học cần phải vui tươi và tế nhị, hợp lý và hợp tình, không nên quá thiên về cơ trí. Một thứ triết lý vui vui, tư tưởng tự nhiên và giản dị... là những yếu tố chính của văn học u mặc. Hay nói một cách khác, có vui vẻ, có tự nhiên là vì có u mặc. 

  • Một nhà văn đạo mạo trang nghiêm thường dễ vấp phải sự vụng về và lố bịch, bởi họ đã phải cố gắng rất nhiều để luôn luôn giữ bộ mặc trang nghiêm trong khi đời chung quanh chỉ là một tấn hài kịch không hơn không kém.

  • Giản dị và tự nhiên, mới thấy tưởng như là tầm thường, kỳ thực đó là biểu thị của sự trưởng thành tư tưởng. Đó là hai đức tính khó đạt nhất trong văn chương nghệ thuật. Nhưng đó là hai yếu tố chính của văn u mặc.

  • Tóm lại, vai trò u mặc trong văn chương là nhẹ nhàng, nhân hậu, dùng phép nghịch luận để đánh thức con người, chỉ cho họ nhớ rằng sự vật nào cũng có hai mặt và hoạt động hai chiều. Trong cái cười của u mặc bao giờ cũng trang nghiêm, trong cái trang nghiêm, bao giờ cũng có cái ý cười đùa.

(Trích Cái Cười của Thánh Nhân -- Nguyễn Duy Cần)
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply


Messages In This Thread
Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-19, 08:07 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-19, 08:24 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-19, 08:29 PM
RE: Văn chương U Mặc - by RungHoang - 2018-05-19, 10:52 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-20, 06:25 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-20, 05:43 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Duoctue - 2018-05-20, 05:57 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-20, 07:14 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-20, 07:18 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-20, 09:12 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-22, 04:10 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-22, 04:21 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-22, 04:36 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-22, 04:47 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Duoctue - 2018-05-22, 05:54 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-22, 06:56 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Duoctue - 2018-05-22, 07:15 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-22, 07:17 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-22, 07:26 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-22, 10:21 PM
RE: Văn chương U Mặc - by Phương Vy - 2018-05-22, 10:51 PM
RE: Văn chương U Mặc - by anatta - 2018-05-23, 10:10 AM