Tiểu luận về THƠ
#8
Sao cứ đùa anh là thạch nhọn?
 

     Một chiều mùa đông. Gió se lạnh. Mưa nhỏ. Một quán ăn ven sông. Phạm Tiến Duật, Tôn Gia Khiêm (con trai học giả Tôn Quang Phiệt) và một quan chức Bộ Giáo dục bước vào.

     Món thịt rùa bát bảo nấu rất cầu kỳ bưng lên ngon tuyệt. Rượu thơm lừng. Phạm Tiến Duật ngà ngà say, nửa nói, nửa cười đưa tay khỏa lên trong không khí: "Không có kính, không phải vì xe không có kính...!". Tất cả mọi người lặng đi. Tất cả như mê như man. Cô nhân viên phục vụ bưng khay đồ ăn luýnh quýnh vướng chân vào gấu váy ngã lăn quay dưới chân cầu thang. Cô gái không dám kêu to vì sợ phá vỡ không khí nghiêm trang. Phạm Tiến Duật đọc thơ, bài thơ khiến anh nổi tiếng một thời.

     Dưới đây là phần diễn nôm bài thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch mà tôi đã đọc tặng Phạm Tiến Duật trong chiều mưa hôm ấy:

"Kìa bác chẳng thấy nước sông Hoàng Hà
từ nơi cao như ở trên trời đổ xuống,
chảy ra đến bể thì không thể còn quay trở về được nữa.
Và bác chẳng thấy trong tấm gương sáng trên nhà cao kia,
buồn trông mớ tóc bạc,
ấy nó chỉ sớm là tơ xanh mà chiều đã đổi thành tuyết trắng rồi.
Đời người ta mỗi quãng đi mãi không thể lấy về,
cho nên gặp lúc đắc ý nên uống rượu cho say,
đừng để cho chén vàng phải gác suông dưới bóng nguyệt.
Trời sinh người ta hữu tài tất hữu dụng,
nghìn vàng trong tay tiêu đến hết rồi lại quay về.
Vậy thì hãy cứ mổ dê giết trâu mà bày ra cuộc vui đi,
rồi một lần uống nên uống ba trăm chén.
Này hai anh Sầm Phu Tử và Đan Châu Sinh kia,
đã uống rượu thì chớ có ngừng.
Tôi vì các bác mà hát một bài,
các bác hãy vì tôi nghiêng tai mà nghe!
Trong bữa tiệc phải có chiêng trống để làm nhạc,
trâu dê để làm cỗ, sự đó không quý gì.
Chúng mình chỉ cốt uống rượu là còn để được tiếng về sau.

Trần Tư Vương tức là Tào Thực con Tào Tháo ngày xưa bày tiệc ở Bình Lạc chủ khách uống rượu đến mười nghìn đấu thoả thuê hết sức.
Vậy khổ chủ hôm nay đừng nên kêu là ít tiền, kíp đi mua rượu ngay để cho ta uống.
Nếu không có tiền thì con ngựa năm hoa, áo cừu nghìn vàng kia là những vật còn dùng được cả,
hãy sai người đem đi đánh đổi lấy rượu để ta cùng uống cho tiêu cái sầu của muôn đời!".

     Đoạn diễn nôm trên đây hơi dài dòng nhưng có cái lý của nó về sau. Ta biết thơ Lý Bạch mỗi từ là một hạt ngọc. Nhưng hãy cứ để Lý Bạch đấy mà quay về với hiện thực bây giờ.

    Có lẽ trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam không có ai gây được cảm giác lên đồng như Phạm Tiến Duật đã từng làm. Thơ Phạm Tiến Duật như có nghìn đấu rượu ủ ở bên trong. Thơ Phạm Tiến Duật cuốn hút số đông. Đấy là tiếng kèn đồng, là chiêng trống, là quân nhạc (hoặc phải được đọc trên nền quân nhạc). Phạm Tiến Duật là điểm cao 559 trong trùng điệp các nhà thơ có danh và vô danh trong thời kháng chiến. Những người khác chỉ là 307, 333, 555 nhưng Phạm Tiến Duật là 559.

     Thơ Phạm Tiến Duật:


Anh cùng em đi sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả...
... Em ở Thạch Kim, sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc dài quanh quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười ròn...
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để...


Trần Đăng Khoa có lần nhận xét thơ Phạm Tiến Duật là vè hoặc có chất vè. Nhận xét như thế hơi ác. Thực ra, thơ là vần vè, nhà thơ nào chẳng vần vè. Cần phải thấy rõ hiệu quả thẩm mỹ mà thơ Phạm Tiến Duật từng đưa lại: không phải tự dưng có người cho thơ Phạm Tiến Duật có sức mạnh như một sư đoàn! Hoàn toàn có lý! Đấy là sức mạnh khuynh thành khuynh nước của thi nhân, của văn chương. Trên văn đàn, Phạm Tiến Duật đã từng là thần tượng của rất nhiều thế hệ. Nhưng rồi thời gian trôi đi….

     Trong số báo Văn nghệ gần đây (số 35 ra ngày 28/8/1999) Phạm Tiến Duật kể về chuyện dẫn chương trình cho Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Dưới đây là trích đoạn bài viết đó:

     ... Từ lâu nay tôi là một trong những nhà thơ tham gia rất nhiều các chương trình thơ, nhạc, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và giao lưu với khán giả. Nghĩa là tôi rất quen với ánh đèn sân khấu. ấy thế mà mấy đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội tôi run. Tôi run đến líu cả lưỡi không nói được. Tôi không sợ những người ngồi trước mặt tôi mà tôi run người lên vì một chi tiết trên bộ y phục biểu diễn mà tôi mặc trên người. Theo sự sắp đặt của ông quyền giám đốc nhà hát - nghệ sĩ ưu tú Đỗ Tiến Định và đạo diễn nữ NSND Thu Hiền, tôi phải xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục với mũ tai bèo hẳn hoi. Bộ quần áo và mũ thì Nhà hát có và đúng là quân phục những năm 60, 70. Nhưng thắt lưng thì không phải. Tôi đi tìm mượn bằng được cái thắt lưng của lính ngày trước. Một người bạn tôi, anh Nguyễn Anh Sơn là trung tá bộ đội không quân hiện nay cho tôi mượn cái thắt lưng nhựa màu đỏ mận của thời xa xưa ấy. Mà cái thắt lưng ấy cũng không phải của anh Sơn mà vốn của một người lính Trường Sơn ngày trước. Người lính ấy còn mất thế nào không biết. Cái thắt lưng ôm lấy bụng tôi như vòng tay của bạn đang ôm tôi. Thế thì tôi yên dạ sao được khi nhạc đã tấu lên khúc nhạc ngày trước. Bao nhiêu mưa rừng, gió núi, bao nhiêu bom đạn một thời, bao nhiêu kỷ niệm đổ ập xuống tâm tưởng làm tôi run lên....

     Chuyện thắt lưng buộc bụng của Phạm Tiến Duật kể trên có phần chính trị (nhưng thật ra theo tôi có phần kinh tế nhiều hơn). Phạm Tiến Duật là một nhà thơ. Chính anh đã kể rằng bạn bè từng khuyên anh: "Hãy đừng suy nghĩ miên man, tản mạn nữa. Hãy làm thơ đi, hãy làm thơ vì Việt Nam!" (trích bài viết trên).

     Phạm Tiến Duật là nhà thơ nhưng con tạo oái oăm xoay vần, khiến anh vẫn phải đi làm những việc... không thơ! Cơm áo không đùa với khách thơ. Đúng là lắm lúc phải uống rượu cho say thật. Phạm Tiến Duật! Anh là Thạch Kim, Thạch Bàn, là Thạch Tú, Thạch Sùng, là Thạch Phá Thiên, Thạch Đại Phu... sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn?


     Trường hợp của Phạm Tiến Duật phải chăng cũng giống như số phận của bao thi sĩ khác. Từ cổ chí kim, ngay cả với Lý Bạch, Tào Thực, Nguyễn Du... thử hỏi mấy ai đã được thoả chí bình sinh trong đời? Hãy đọc lại bài thơ Tương tiến tửu diễn nôm na ở trên kia mà xem.

     Con người diễn nôm na ra ai chẳng lằng nhằng! (*)



nguyenhuythiep.free.fr
(*) Bài in trên báo Tiền phong, ký bút danh.

Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply


Messages In This Thread
Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-04-28, 01:47 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-04-29, 01:08 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-01, 02:30 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-05, 11:46 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-10, 06:46 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by Khuyết Danh - 2018-05-10, 11:17 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-16, 01:47 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-16, 02:00 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-17, 11:46 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-05-17, 11:57 PM
RE: Tiểu luận về THƠ - by anatta - 2018-06-07, 05:55 PM