Minh Triết Việt
#2
NHÂN CHỦ

[Image: 458651500_525910069948517_80819358786220...e=66E1FE41]

Viết bởi linh mục triết gia Kim Định

I. Nhân Chủ Con người chính ra phải là chủ nhân. 

Không những làm chủ các vật dụng cần thiết cho mình mà trước hết và trên hết là làm chủ ngay chính bản thân mình, tâm hồn mình, vận hệ mình. Vậy mà kỳ lạ thay cho tới nay con người chỉ là một nô lệ, không những trong lối sinh sống, lối hành tác mà luôn trong lối cảm nghĩ mà lẽ ra phải thiết lập được nền nhân chủ ngay trong đợt cảm nghĩ mà lẽ ra phải thiết lập được nền nhân chủ ngay trong đợt cảm nghĩ, ngay đợt lý tưởng nọ. Thế nhưng đó là điều cho tới nay hầu như không một nền triết học hay đức lý nào đã thành tựu, trái lại hầu hết đã mặc nhiên chấp nhận những tiền đề, những nguyên lý cũng như cung cách suy tư cảm nghĩ dẫn thẳng đến chỗ nô lệ con người. Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa tại sao cho tới nay các nền thuyết lý tỏ ra vô tích sự trong việc giải phóng con người. Vậy đây là điều chúng ta cần phải khởi công ngay từ đợt lý tưởng này và câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao các nền triết thuyết đã vô tình chấp nhận và củng cố tình trạng nô lệ con người. Sở dĩ như vậy vì đã đặt nền tảng ngoài con người, nói theo Việt nho là đặt nền trên thiên hay địa tạm dịch là duy tâm hay duy vật, và do đó lâm vào cảnh vong thân hay vong bản, cả hai thuật ngữ đều nói lên sự quên bản gốc con người mà theo Việt nho là cái đức của thiên của địa “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Sở dĩ các triết thuyết đã vong thân vì không nhận ra hai cội gốc đó, hoặc có thể thấy nhưng không biết cụ thể hóa chúng để trở thành mục tiêu phục vụ con người, nên triết vẫn vận hành trong duy thiên hay duy địa (hoặc duy tâm hay duy vật). 

Vậy 3 cụ thể thì thiên địa chi đức là gì? Nếu nói theo câu “Thiên viên địa phương” (trời tròn đất vuông), thì đó là tự do và bình sản. Tự do đi với thiên viên chỉ cái gì tròn đầy không có hạn cục, giới mốc. Theo đó thiên chi đức có nghĩa là con người chỉ thực sự là người khi được hưởng một nền tự do chân chính, vì chỉ có thế nó mới phát triển hết mọi khả năng của mình, là những tiềm năng ăn sâu trong cõi mênh mông vô biên, vô tế, tức là tự do, thế nên tự do là một bổn gốc, vậy mà các triết học đã thất bại trong việc tranh thủ nền tự do, như sẽ chứng minh sau đây. Đàng khác, để duy trì tự do dù mới là thứ tự do hàng ngang thuộc xã hội cũng cần có một nền tảng khác không kém phần quan trọng, đó là ăn vì không ăn là chết. Muốn khỏi chết thì phải ăn, mà để mọi người được sống thì mọi người phải được ăn, vì thế mà cần đến thể chế quân phân tài sản, gọi là bình sản, nên bình sản là một gốc khác với “địa chi đức” hay là địa phương. 

Đành rằng không có bình sản cũng có thể có ăn, nhưng đó là cái ăn quá lệ thuộc làm mất tự do không còn hợp với bổn “thiên chi đức”. Vì vậy cần bình sản như một cội gốc thứ hai. Như thế tự do cũng như bình sản là hai yếu tố biểu thị bản chất cấu tạo nên con người: thiếu ăn thì hết sống, thiếu tự do thì sống không còn là cái sống của người, mà là của đoàn cừu, của đống đá, gạch, đất. Vậy không chú ý tới hai điểm đó là vong thân, vong bổn, cho nên sứ mạng của triết lý phải là giúp con người thực hiện được hai mục tiêu nọ. Nhưng cho tới nay chưa nơi nào đạt được hai mục tiêu trên, nên kể là chưa có cuộc giải phóng con người. 

Vì nếu không tư bản thì lại cộng sản, chưa có bình sản. Còn tự do thì mới tập tễnh ở đợt dân chủ chưa đâu đạt được nhân chủ. Nếu ta gọi tự do là nói còn bình sản là ăn, thì bên cộng sản (hãy tạm cho như thế) mới nghĩ đến cho ăn (nghĩ đến khác với cho thực sự), bên tự do mới nghĩ đến cho nói (*). Như vậy bên kia mới là cố đi tới địa chi đức, và bên này mới là cố đạt thiên chi đức. Cả hai đều vong bổn vì con người không là thiên chi đức, cũng không là địa chi đức, mà là cả hai. Đây là chân lý nền tảng, mà ngao ngán thay cho tới nay hầu như chưa nền triết học nào nhận ra được để mà phát triển thành lý tưởng hoạt động. 

Tất cả còn một chiều nên toàn nói những chuyện đâu đâu, xa với con người. Vì thế mà có một thảm trạng xảy ra là thiện chí giải phóng con người có thừa, nhưng không ai để ý đến bổn gốc, nên trên thế giới, phe tự do cũng như phe cộng sản, có hàng triệu người hy hiến thân tâm để phục vụ con người, mà trong thực tế lại chính là đang hợp tác vào việc rèn luyện cho vững thêm những xiềng xích trói buộc con người, cũng như tước đoạt thêm ít quyền làm người còn sót lại, đến nỗi có thể nói: 

Kể từ thiên hạ yêu nhau, 
Đống xương vô định đã cao bằng đầu. (*) 

Câu này phải hiểu dọc dài xuyên qua hơn 20 thế kỷ vừa qua. 

Hiện nay đã có sự cải tiến. Nhưng vẫn còn mới, chưa đạt tới nền tảng. Thảm trạng đó đã xảy ra bởi thiếu minh triết, hay ít ra tại thiếu một triết lý đặt nền móng trên con người. Vì thế người ta cứ tiếp tục truyền đạt nền giáo dục cũng như quan niệm của xã hội phát xuất từ quý tộc La Hy xưa, mà không một lần nhìn cho rõ cái nền móng cũ đó thuộc loại nào. Hoá cho nên như gà ấp trứng vịet, con nở ra không chịu theo mẹ, mà đòi sống dưới nước. Con ngừơi đặt nền trên thiên hay địa cũng giống như vậy: thiện chí thì muốn làm ơn cho người, mà hậu quả công việc của mình lại quay ra đàn áp con người. Quả thực đường dẫn đến hỏa ngục lát toàn bằng thiện chí. Ta hãy thử đi xa hơn, rộng hơn để thấy sự thực đó. Trước hết hãy đi vào lịch sử, đặt lên triết học Âu Tây cái nhìn tổng quát thì sẽ nhận ngay ra những trục trặc về hai nền tảng kia. Ta biết tổ sư triết học Tây phương là bộ ba Socrate, Platon, Aristote. Vậy mà cả ba đều chấp nhận chế độ nô lệ (thuộc bổn tự do hay là thiên chi đức). Hơn thế nữa còn cho đó là sự cần thiết, vì không nô lệ thì lấy ai làm việc, mà thiếu người làm việc thì xã hội sụp đổ. Bởi thế Aristote bào chữa chiến tranh, vì nó là phương tiện giúp cho có được nô lệ, ông không cho chiến tranh là xấu, đó chẳng qua chỉ là cuộc săn nô lệ, một cách ngang nhiên, ông đã đồng hóa việc bắt nô lệ với việc đi săn thú, tức đồng hóa người với vật vậy. Chúng ta nên nhớ rằng triết học Tây Âu chẳng qua là việc nối dài Platon, Aristote. 

Thầy bảo sao muôn thế hệ trò cứ cúi đầu rập mẫu như thế, chẳng hề bao giờ biết rời bộ sách để nhìn thẳng vào thân phận con người mà suy tư, cùng lắm thì chỉ là đối lý với lẽ cũng lấy ở sách. Nếu Aristote giải nghĩa căn do nô lệ bằng nhiệt đới (tự do là hậu quả của xứ lạnh!), thì môn đệ lại giải nghĩa bằng tội, hoặc bằng hình phạt do tội. Mà ý niệm tội được duy trì nên chế độ nô lệ cũng được duy trì cho tới ngày được kỹ thuật phá vỡ. Để nói cụ thể thì chế độ nô lệ được giảm bớt khổ cực là nhờ những cải tiến kỹ thuật của cái khoang quàng cổ con vật kéo xe ở thế kỷ thứ 10, và những kỹ thuật chạy tàu thuyền từ thế kỷ thứ 13 trở đi (*). Rồi sau đó kỹ thuật tiến dần thì mới có xảy ra sự đi lên của việc bãi bỏ chế độ nô lệ: Hoa Kỳ bãi bỏ năm 1808 Anh bãi bỏ năm 1833 Pháp bãi bỏ năm 1845 5 Bồ Đào Nha bãi bỏ năm 1856 (*) Attelage moderne et le gouvernail d’étambot à charmière. (L’esclavage par M.Lengelle, Paris 1955 p.31).

Xem bảng trên ta thấy việc giải phóng nô lệ chỉ xảy ra vào lúc khoa học kỹ thuật đã tiến mạnh, nên phải nói đó là hệ quả của kỹ thuật chứ không do thuyết lý nào hết. Đủ biết những chữ tự do, bình đẳng, dù có đựơc triết học nói lên cũng chẳng qua là hò hét theo đuôi, theo lũ đông vậy thôi, chứ thực ra thiếu nền tảng, và do đó thiếu hiệu năng. Vì thế mà nó dẫn đến sự thực thứ hai là chế độ nô lệ đã không được bãi bỏ mà chỉ thay đổi hình thức hay là chuyển chỗ. Thí dụ cái nạn người bóc lột người đã từ nô lệ chuyển sang nông nô. Rồi từ nông nô chuyển sang thợ thuyền Âu Châu thế kỷ 19, rồi từ đó chuyển sang đè đầu cưỡi cổ các dân nhược tiểu, hoặc tiếp nối dưới chế độ cộng sản để trở nên một thứ nô lệ cùng tột: nô lệ không những trong từng miếng cơm mà cả đến lời nói, cái nhìn, cảm nghĩ, nghe ngóng, cái cười. Tóm lại không thể đẩy chế độ nô lệ đến chỗ khốn cùng hơn được nữa. 

Như vậy là chế độ nô lệ chỉ đổi dạng thức chứ có được bãi bỏ đâu. Hay có thể nói lên sự thực đáng buồn hơn nữa, là kỹ thuật đã giải phóng nô lệ thì triết học (tư bản và cộng sản) lại nô lệ hóa nó trở lại dưới hình thái khoa học hơn, chứ thực tế chế độ nô lệ chưa được bãi bỏ. Vì tự do vốn gắn liền với chế độ quân phân tài sản, vậy mà quyền tư sản tuyệt đối vẫn đựơc duy trì và hiện nay trở nên tư bản, rồi cộng sản phản động lại lập ra chế độ vô sản, nhưng tựu trung vẫn là tư bản, chỉ thay đổi chủ. 

Vì thế mà liên hệ giữa con người với nhau vẫn chỉ là liên hệ chủ nô chứ chưa có liên hệ người với người. Cho nên cuối cùng phải kết luận là nhân loại vẫn thiếu tự do và bình sản tức thiếu hai bản gốc con người. Hiện nay hai chữ công bằng và tự do đang được nhắc nhở tới rất nhiều, nhưng không đạt được công hiệu nào khác ngoài việc nói lên sự thiếu sót của hai cái đó, y như người ta chỉ nói tới răng khi răng đau. Cũng vậy hiện nay công bằng và tự do được nói tới nhiều là tại chúng lâm bệnh, càng nói nhiều càng tỏ ra là con bệnh trầm trọng. Xét tới căn nguyên thì như Nietzsche nhận xét là tại chẳng ai đưa ra được hướng đi, tất cả đều chỉ là một đoàn cừu không người chăn. “Un seul troupeau, pas un berger”. Tại sao? Vì cho tới nay mới có triết đặt nền trên thiên hay địa, nên chỉ có phụng sự cho trời, cho đất, cho kỹ thuật, cho tiền tài, mà chưa phụng sự cho con người, vì thế thiện chí phụng sự con người không 6 thiếu, nhưng thiếu một nền triết xây trên nhân chủ tính thành ra thiếu tất cả. 

Và đó là chỗ muốn góp phần của bộ triết lý nhân chủ này, một nền triết nhằm vận động đặt lại quyền làm người, đem chủ quyền đó đặt vào chính tay con người. Một nền triết nhằm tạo đời sống an nhiên thanh thoát cho cả thân lẫn tâm, cho mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, tư bản hay vô sản, mà là gửi tới con người xét là người, tức con người nhân chủ tự mình định đoạt về số phận mình, mà không phải hy sinh mình để đi nô lệ cho trời hay đất. 

Đây sẽ là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong việc giải phóng con người, để đưa con người vào phần đất của mình, nơi mình làm chủ nhân ông, để có thể chấm dứt những lo âu gây nên do trời do đất, và được sống thanh thoát an nhiên, do đó triết lý nhân chủ cũng gọi là triết lý an vi. Vậy nó xin được quyền kêu gọi như sau: 

HỠI NGƯỜI NGƯỜI, HÃY ĐOÀN KẾT LẠI!

Đó là lời kêu gọi đầu tiên được nghe trên mặt đất này. Cộng sản kêu gọi “hỡi những người vô sản hãy đoàn kết lại”. Hậu quả là bao triệu người “hữu sản” đã mất đầu. Cũng như những lời hô “hỡi các người cùng tôn giáo hãy đoàn kết lại” đã gây nên bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn giáo. 

Vì thế, lần này phải hô: hỡi người mà không còn gì theo sau, chỉ biết đến người như một nhân chủ. Vì là nhân chủ nên nó sẽ không nói “hỡi các công nhân hãy đoàn kết lại”, hoặc “hỡi các người da trắng, hay hỡi các người da vàng, hay hỡi những người nghèo, hỡi những người đang bị đàn áp bóc lột hãy đoàn kết lại”. Mà chỉ nói có một tiếng Người tinh ròng không gì ngoại lai pha vào đó, chỉ là nguời và chỉ trên cương vị đó con người phải đoàn kết lại, để phá bỏ những xiềng xích do thiên hay địa tạo ra để con người trở lại ở nhà của mình để mình tự làm chủ lấy, làm một ông vua trong ba vua là trời, đất, người. Đây là địa vị vừa cao cả vừa quân bình nhất của con người mà cho tới nay chưa có nền triết thuyết nào biết đạt nổi và vì vậy đây sẽ là điều chúng ta thử khởi công trong quyển này dưới tiếng vang vọng của câu: 

HỠI NGƯỜI HÃY ĐOÀN KẾT LẠI. 

II. THIÊN KHỞI 

1. Thế lực của một khởi đoan Chữ thiên ở đây được hiểu là những tin tưởng về thần thánh quỷ ma hiện hình trong văn hóa dưới danh từ thần thoại. Lịch sử văn hóa cho thấy tâm thức con người đối với thần thoại rất khác nhau: từ tin tưởng tuyệt đối (đó là thiên khởi) cho tới chối bỏ hoàn toàn (đó là địa khởi), còn với nhân khởi thì thần thoại lại là tấm gương phản chiếu khá trung thực bản chất của một nền văn hóa. Đó là những trang sách cổ xưa nhất và chiếu giãi một cách trung thành nhất cái vũ trụ quan và nhân sinh quan của một nhóm dân, của mỗi khối người. Theo đó thì thần thoại chính là di sản tinh thần của từng dân tộc, có thể dùng để tìm hiểu những khuynh hướng, những thế giới bận tâm của mỗi đoàn người. Vậy nên quan niệm coi thần thoại là giai đoạn tiền luận lý (prélogique) đã lỗi thời. Bây giờ đã đến giai đoạn cần dùng thần thoại như những bước đầu, như khởi đoan của một nền văn hóa. Nếu gạt sang bên những trường hợp ngoại lệ để nhìn một cách tổng quát, chú trọng đến những điểm then chốt thì ta sẽ tìm ra ở thần thoại những khởi đoan đặc biệt để hiểu một nền văn hóa nhất định. “Người sao chiêm bao vậy” mà ta có thể dịch sang Pháp văn: “dis-moi ton monde et je te dirai qui tu es”. Hãy nói cho ta nghe về các thần thoại của ngươi (chiêm bao của người đó) rồi ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi là ai, văn hóa của ngươi xây trên nền tảng nào, khởi đầu từ đâu. Nói theo triết học hiện đại thì khởi đoan của một nền triết thực là quan trọng, nó chính là trung tâm chiếu giãi ảnh hưởng vào các vấn đề như trung tâm điểm tỏa ra chu vi. Khởi đoan đó triết hiện đại gọi là “sự kiện sơ khởi” (le fait primitif) tức là sự kiện đơn giản nhất không thể giản lược thêm được nữa. Vì thế nó có tính cách nền móng đến nỗi ta có thể nói như Holderling: Người ta bắt đầu làm sao thì sẽ kết thúc như vậy. Theo triết Nho ta phân ra ba khởi đoan là Thiên, Địa, Nhân theo câu “Thiên địa nhân vạn vật chi bổn dã”. 

Thiên là trỏ vào nền học vấn khởi đoan từ thần thoại, khi thần thoại đó được đại chúng tin tưởng đến độ đủ để bị nó sai sử. Chẳng hạn những dân như Phénicien thờ thần Moloch phải giết người để tế thần. Ở giai đoạn này chính là thần minh, chưa là thần thoại. Thần thoại chỉ đến sau giai đoạn gọi là địa khởi tức giai đoạn không còn tin vào những truyện về thần như là thần minh, mà chỉ coi đó là những huyền thoại cần gạt bỏ, hay chỉ coi là truyện cổ tích không còn 8 đủ sức hướng dẫn con người. Quyền hướng dẫn đó phải chuyển sang lý trí suy luận mà sản phẩm chính yếu là những ý niệm rút ra từ sự vật hữu hình hợp cho giác quan. Nhân khởi cũng dùng lý trí như địa khởi nhưng khác ở hai điểm: một là bên trên lý trí còn dùng thêm tâm linh, thứ đến đối tượng học hỏi cũng như phụng sự là chính con người cụ thể, con người sống trong xương trong thịt. Vì thế được gọi là nhân thoại, tức chốt. 

Đó là nhân thoại mà không là thần thoại và chính đó là nền móng cho thuyết nhân chủ. Chính vì mối liên hệ mật thiết giữa thần thoại với triết lý nhân văn như vậy nên bây giờ chúng ta cần đọc lại ít trang thần thoại của một số dân tiêu biểu. 

2. Một số thần thoại căn bản 

a. Thần thoại Hy Lạp 

Hésode là một thi sĩ Hy Lạp thiên về triết lý, ông nói về gốc tích loài người như sau: “Trời (Ouranos) và Đất (Gaea) phối hợp cùng nhau sinh ra một giống gọi là Titan, là những người kỳ lạ có khi là 50 đầu, có khi là 100 tay. Ouranos không ưa những con ấy nên bắt chúng giam cả lại trong âm phủ (Tartare). Nhưng Mẹ Đất không ưng cử chỉ bạo tàn đó mới xúi các con giết cha. Một đứa tên là Thời (Kronos) đứng ra đảm nhận công tác thi hành dự tính đó; Mẹ Đất rất vui mừng liền trao cho con Thời một cái liềm có lưỡi răng cưa. Khi Trời đến thăm vợ Đất, có Đêm (Trèbe) lẽo đẽo theo sau, đến khi tình âu yếm trào lên, thì bố Trời quấn quýt ôm ngay lấy mẹ Đất. Nhân lúc vướng vít đó Kronos liền xông đến xẻo cha ra từng mảnh rồi vất xuống đại dương máu chảy lai láng biến thành những thần giận dữ (Furies). Còn chung quanh những miếng thịet nổi lềnh bềnh trên mặt nước sóng đánh vào xùi bọt lên, và tự bọt ấy sinh ra những nữ thần Vénus (Aphrodite). Làm xong việc đó Kronos lại kéo các anh em Titans lên chiếm lấy dinh Trời (Olyme). Anh em tôn Kronos lên ngai vua; Kronos kết bạn với chị là Rhéa. Theo lời tiên tri của cha Trời và mẹ Đất, thì Kronos sẽ bị một trong các con hắn truất ngôi nên hễ Rhéa sinh ra được con nào thì Kronos liền ăn thịt hết, trừ có Zéus đã được mẹ giấu vào hang sâu trên đảo Crète. 

Quả thật khi lớn lên Zéus đã tìm cách truất phế quyền cha là Kronos; bắt Kronos phải nhả hết các con ra, và giẩy các Titans xuống lòng đất sinh ra loài người. Từ đấy Zéus làm chủ tể trời đất, đặt trụ sở trên núi Olympe là 9 ngọn núi cao nhất bên Hy Lạp và khởi đầu sinh ra các thần cũng như con người, bởi Zéus phải lòng nhiều con gái trần gian, đêm nào Zéus cũng xuống bờ biển Địa Trung Hải để mò gái, nhờ đó nhiều người có họ máu với Thần minh. Các thần đều vâng phục mệnh lệnh của Zéus, trừ có nữ thần Junon là em sinh đôi của Zéus và cũng là vợ của Zéus thì không chịu vì bà rất đanh đá chua ngoa, nên có lần Zéus bắt bà treo tòng teng giữa trời, hai chân bị buộc đá thêm vào cho nặng. Tuy ông ghê như thế nhưng bà cũng gớm: có lần bà trói cổ Zéus; may nhờ có thần Briarée gỡ cho mới thoát… Dân Hy Lạp mừng lễ thần Zéus và Junon rất long trọng, dâng cho ông ngày thứ năm gọi là Jeudi (Jovis Dies), còn Junon thì kính tháng sáu nên gọi là Juin. Ngoài ra dân Hy Lạp cũng còn thờ nữ thần Venus tính tình dữ tợn hay tích lòng cừu oán: ngày kính là thứ sáu (Vendredi). Roma thờ thần chiến tranh Mars nhiều hơn Hy Lạp nên lấy tháng Mars làm đầu năm. Hai dân La Hy còn thờ thần bợm rượu tên là Bacchus. Cuộc rước gọi là baccanales, khi đám rước về đích điểm thì nữ nam ráp lại một. 

Trong các Titans có Japet sinh ra một con tên là Prométhée được thần Minerve cho lên trời chơi. Prométhée nhờ cơ hội đó mới ăn cắp lửa đem về soi cho trần thế bớt tăm tối. Chẳng may Zéus phát giác ra được mới bắt Prométhée trói lên núi Caucase cho chim kền kền đến móc gan. Nhưng hễ ban ngày chim móc đi bao nhiêu gan thì ban đêm lại mọc ra bấy nhiêu. Sau 13 thế hệ Prométhée được cởi trói, nhưng Zéus đã đeo vào tai hắn một vòng sắt có miếng đá tiêu biểu cho núi Caucase, và gọi là cái nhẫn “Định Mệnh” nghĩa là phải đau khổ mới trông biết được một cái gì. Bởi vậy người ta lập đền thờ Prométhée ở Académie để ghi nhớ ơn đã đưa lừa xuống cõi âm u này và trong ngày lễ kính họ tổ chức những cuộc chạy đuốc, như ta thấy còn truyền tụng ngày nay trong thế vận hội. (*) (*) Mythologie Grecaue et Romaine de Commelin. Ed. Gerner, Paris 

b. Thần thoại Babylon 

Đầu tiên có Thái hoang: “Vào thời đại ở trên chưa có gì gọi được là trời, dưới chưa có gì gọi được là đất. Biến đại dương Apsu là cha các thần pha nước vào với Thái hoang Tiamat để sinh ra các thần tử tôn con cháu. Dần dần các vật bắt đầu lớn lên và thành hình. Đột nhiên nữ thần Tiamat khởi công giết hết mọi thần khác để cho Thái hoang một mình cai trị. Nhưng Thái hoang vì là Thái hoang (lộn xộn không có thứ tự nào hết) nên cai trị thế nào được. Bởi vậy mới xảy ra một cuộc đảo lộn phá mọi trật tự. 

Bấy giờ có thần Marduk phồng miệng thổi ra 10 một luồng gió mạnh và dùng khí giới múa tròn để làm thành một trận bão tạt vào mồm Tiamat chính lúc nó mở ra để chực nuốt thần Marduk, bụng Tiamat tức khắc phồng lên, Marduk đâm cho một nhát vào bụng Tiamat liền nổ tan tành. Thần Marduk liền mổ Tiamat làm hai, một miếng treo lên làm trời, còn miếng kia trải ra làm đất. Sau đó thần Marduk lấy đất sét nhào với hàn huyết mình mà tạo dựng nên loài người để phụng sự các thần. Lúc đó con người hãy còn đơn sơ dốt nát như thú vật, mãi về sau mới có một loài dị thần nữa cá nửa người, nhưng khôn sáng như một hiền triết dạy cho ngừơi thái cổ hiểu biết các nghệ thuật, khoa học, cách thức xây thành, và ít nhiều luật lệ. 

Nhưng cũng vì những luật lệ đó mà sinh ra chuyện rắc rối: các thần giận loài người mà họ đã dựng nên vì không tuân luật nên mới làm hồng thủy để tiêu diệt loài người. May nhờ có thần minh triết tên là Ea động tình thương nhân loại ra tay cứu vớt một người tên là Sahamashnapisthim và vợ con ông ta vào tàu. Nước dâng lên cuồn cuộn, thây người trôi như cỏ rác. Các thần thấy thế liền khóc lóc nghiến răng nghĩ đến sự dại dột của mình và hỏi nhau: từ nay lấy ai cúng tế cho chúng ta. 

Đang khi ấy Sahamashnapisthim nhờ có tàu nên sống sót, và cuối cùng đỗ cạn trên đỉnh núi Nisir. Thoạt tiên ông thả một con chim câu đi do thám tình hình rồi sau đó ông dâng lễ vật cho các thần. Các thần nhận lễ vật với sự bỡ ngỡ và biết ơn. Các thần hít mùi, thấy rất tốt… Các thần xúm xít bâu lại trên của lễ như đàn ruồi.” 

Trên đây là mấy câu truyện thần thoại mẫu. Sau đây chúng ta thử tìm đọc ra ý nghĩa. 

Trên đã nói có hai lối tiếp thâu thần thoại, một là coi thần thoại như sự kiện lịch sử, hai là coi thần thoại chỉ là thần thoại. Lối sau này mới là đường lối của triết gia bàn về sau, ở đây chỉ bàn về lối một. Lối tiếp nhận thần thoại như lịch sử là coi thần thoại như biến cố đã xảy ra ở một nơi, trong một thời kỳ nhất định nào đó có thực sự, nên chưa là thần thoại mà chính là thần minh làm chủ tế điều động con người, vì thế niềm tin đó dễ trở thành lực lượng đàn áp biến lịch sử con người thành những trang đẫm máu của cuộc tranh đấu cho nền tự do con người. 

Để đi sát thực tại hơn chúng ta hãy nhìn qua lịch sử một vài nơi đã tiếp nhận thần thoại như là sự kiện lịch sử: Babylon, Assyrie, Hy Lạp v.v… mà chúng ta đã phát họa vài nét chung về thần thoại của họ để thấy hậu quả ra sao. 

Babylon: “Tôn giáo đối với họ chỉ là vấn đề nghi lễ hình thức hơn là vấn đề đời sống trong sạch gương mẫu. Giữ đạo là dâng cúng và tụng cho đủ một số kinh hạt nào đó, còn bên ngoài có thể khoét mắt người 11 đối địch, cắt tay chân tù nhân, hoặc nướng sống trong lửa hồng mà không cho là mất lòng thần minh. Sau đó đi theo kiệu tượng Marduk diễn lại tấn kịch của thần chết đi và sống lại v.v…” Quan niệm thần như thế là lo cho thần chứ có lo chi cho con người. 

Dân Assyrie: thờ thần Ashur, là thần mặt trời có tính hiếu chiến và không thương kẻ thù địch; cái đạo họ theo chỉ cốt dạy cho dân ngoan ngoãn vâng phục cấp trên và biết cầu cho được nhiều ân huệ của thần thánh bằng ma thuật và sát tế mạng người. Trong một bia mới tìm ra được, nguời ta đọc thấy như sau: “tất cả những chiến sĩ bại trận này đã phạm tội đến thần Ashur và tìm cách chống đối với trẫm… Trẫm đã cho nhổ lưỡi chúng ra khỏi miệng và tiêu diệt chúng, những kẻ sống sót thì trẫm cho thiêu tế… chân tay chúng đã bị giật ra khỏi thân thể và ném cho chó cho heo ăn. Trong khi thi hành những việc này thì trẫm đã làm vui lòng các đại thần”. 

Vua xứ Moap tên là Mesha đã giết con trưởng nam mà tế thần để xin thần giúp giải vây thành: khi thành được thoát nạn, vua cho là nhờ ơn thần mà được thắng trận nên đã giết thêm 7000 mạng người Do Thái để tạ ơn thần. 

Thần Moloch được những dân như Phéniciens, Carthage thờ, họ phải đem con đến để tế sống, khi đứa trẻ bị đặt vào hai bàn tay tượng giơ cao ra đàng trước thì liền tụt vào trong bụng tượng đang được nung đỏ, mẹ đứa trẻ phải đứng dự tế, không được tỏ dấu thương hay ứa ra một giọt nước mắt. Nếu nhỡ khóc là tỏ dấu bất kính. 

Mỗi lần tế như vậy người ta nướng sống có cả trăm đứa trẻ. Một dạo ở Carthage các nhà trưởng giả đi mua trẻ nhà nghèo về để tế thay; nhưng năm 307 trước dương lịch thành bị vây, họ sợ thần thịnh nộ nên các nhà quý tộc phải đưa chính con của mình ra tế. Lần ấy 200 trẻ bị đốt. Nhiều nơi người ta phải đánh trống đánh chiêng để lấn át tiếng trẻ thét vang khi bị bỏ vào lửa. 

Đó là kể sơ qua một vài trường hợp chứ còn biết bao nhiêu nữa. Bạn sẽ nói đó là những dân man rợ. Không đâu, trình độ văn minh mấy dân vừa nói trên cũng đã cao lắm rồi. Tuy thế mỗi khi văn minh cao lên, tình trạng trên có bớt đi nhưng không hết hẳn, nó thường biến thái và trở nên tinh tế hơn nên khó nhận ra mà thôi, chứ chư hết nạn giết người ngay được, không giết nhiều thì giết ít. Nhà túng không tiền nuôi con, mà vẫn phải đóng góp để xây cất điện đài thì đây cũng là một hình thái sát tế. 

(còn tiếp ...)
[-] The following 2 users Like duke's post:
  • JayM, TiểuHồLy
Reply


Messages In This Thread
Minh Triết Việt - by duke - 2024-09-05, 07:21 PM
RE: Minh Triết Việt - by duke - 2024-09-06, 01:43 PM
RE: Minh Triết Việt - by TiểuHồLy - 2024-09-06, 11:15 PM
RE: Minh Triết Việt - by duke - 2024-09-07, 05:03 AM
RE: Minh Triết Việt - by TiểuHồLy - 2024-09-07, 10:53 PM
RE: Minh Triết Việt - by duke - 2024-09-10, 10:08 AM