2022-10-23, 01:21 PM
Không nhớ nổi số lần bị chồng đánh
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, điều kiện như vậy nên bố mẹ cãi nhau, đánh nhau như cơm bữa.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những trận đánh đập của bố dành cho mẹ. Từ bé, hình ảnh người bố trong tôi chỉ là một người đàn ông không có tài, gia trưởng, vũ phu. Tôi từng khuyên mẹ ly hôn nhiều lần nhưng mẹ không chịu vì thương con, sợ điều tiếng. Cũng vì bản tính mẹ nhu nhược mà bố mẹ vẫn ở với nhau tới giờ.
18 năm cuộc đời, tôi chỉ mong đến ngày học đại học để được xa gia đình. Giờ biết suy nghĩ kỹ, tôi thấy đúng là vì đồng tiền mà vợ chồng có thể đánh chửi nhau suốt. Tôi từng nghĩ lớn lên phải kiếm thật nhiều tiền, đặc biệt là không lấy chồng. Với tôi, 9/10 người đàn ông sẽ là người không ra gì, không tật nọ cũng tật kia.
Tôi và anh là bạn chung lớp đại học, anh nổi tiếng ăn chơi trong trường, cũng quen khá nhiều người trước khi yêu tôi. Ngoài ra, trước khi quyết định lấy nhau, anh hay chơi game, cá độ, đá gà, từng cầm cố đồ nhiều lần để chơi bời. Tôi từng chia tay anh nhiều lần. Tôi lấy anh vì bố mẹ anh rất tốt, thương con cháu. Sau khi cưới, thời gian tôi có bầu, anh từng trộm vàng của chúng tôi đem đi bán để chơi game, cá độ. Tôi đã khóc và tha thứ. Sau đó, tôi không tin chồng nữa, tiền ai kiếm ra người đó giữ, chi phí vợ chồng mỗi người đóng một nửa. Anh khá linh động trong việc xoay vòng tiền, từng bỏ ra vài trăm triệu để cá độ, vài chục triệu vào game online, những khoản tiền này anh tự kiếm tự chơi.
Tiền chung anh vẫn đóng, tuy nhiên mỗi lần tôi hỏi thì phải chờ cả nửa tháng anh mới đóng đủ. Anh không lo tập trung làm ăn, lại ham chơi nên mỗi lần tôi hỏi đến tiền là vợ chồng lại cãi nhau. Tôi khá nóng tính, không kiểm soát được từ ngữ, cứ vậy vợ chồng lại đánh nhau. Tôi từng nghĩ, nếu chồng động tay chân với mình chỉ một lần, tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Tuy nhiên vì con, tôi đã bỏ qua cho anh. Đánh được một lần sẽ có lần hai, lần ba, giờ tôi không đếm được nữa. Đặc biệt, anh không bao giờ cho rằng mình sai, chưa bao giờ xin lỗi tôi một lời dù có bao nhiêu chuyện xảy ra.
Trong một vạn điều không chấp nhận được, có một điều duy nhất tôi ghi nhận là anh thương con, cũng vì thế mà tôi lưỡng lự, do dự bao nhiều lần không dám bỏ. Tôi sợ con gái thiếu tình thương của cha. Nếu ly hôn, kinh tế tôi khá ổn, có thể thoải mái lo cho hai mẹ con. Còn không ly hôn, tôi sợ sẽ bước tiếp vào vết xe đổ của mẹ.
Tấm gương lành lặn là bố mẹ tôi xưa kia đã vỡ, tôi chỉ còn cách lựa mảnh vỡ nào lớn nhất, lành lặn nhất để tiếp tục soi rọi bản thân, cố gắng trau dồi từng ngày để trở thành người tốt, người mẹ tốt. Tôi hoàn toàn không muốn trở thành một con người như bố hoặc mẹ. Đó cũng là những gì tôi sợ, sợ con sẽ soi vào tấm gương là bố mẹ nó. Xin cho tôi lời khuyên.
Thu
****
Mỗi lần cãi nhau vợ lại trù tôi gặp tai nạn
Tôi là người chồng trong bài: "Không nhớ nổi số lần bị chồng đánh", vợ đã gửi link cho tôi. Xin chia sẻ thêm để mọi người góp ý khi có cái nhìn từ hai phía.
Về quá khứ, từ khi còn học đại học, tôi không phủ nhận mình ăn chơi, có điều tôi tiêu những đồng tiền do mình làm ra.
Lần đầu thi đại học không được, tôi đi làm luôn. Đến năm đầu đại học, tôi còn một số tiền để chi tiêu, gia đình vẫn trợ cấp. Trong khi các tân sinh viên còn suy nghĩ đầu tư vào kênh đa cấp nào thì tôi đã đi làm phụ. Ham chơi nhưng tôi vẫn nằm trong số hơn 20 sinh viên (8% trong số hơn 250 sinh viên của khoa) được báo cáo ra trường sớm một học kỳ với tấm bằng khá. Có thể đôi lúc tôi may mắn nhưng không may mắn nào theo suốt ba năm rưỡi cả, đó là cả một quá trình phấn đấu của tôi. Trong khi các bạn còn lại đang báo cáo ra trường thì tôi đã đi làm được nửa năm. Tuy nhiên, học đại học chỉ là bước nhỏ trên đường đời; có lúc bạn bước nhanh hơn, có lúc bạn bị bỏ lại.
Tôi không rượu chè và thuốc lá, tuổi trẻ yêu đương đến cỡ nào cũng giữ sự trong trắng cho vợ đến khi đăng ký kết hôn. Trước ở cùng bà nội, bà trông con và lo toan cơm nước hộ, mọi việc nhà tôi không quan tâm. Hơn một năm trở lại, vợ chồng tôi sống riêng, từ chà toilet đến nấu nướng, rửa chén bát... có việc gì là tôi không sẵn sàng làm đâu. Khi mọi thứ bình thường, tôi là người chiều chuộng vợ.
Chúng tôi yêu nhau sau khi tôi ra trường, còn em đang đi thực tập. Đúng như vợ nói, tôi có cờ bạc nhưng chủ yếu chơi bằng số tiền làm ra, không phủ nhận có những lúc người nhà phải gánh vác giúp. Phần vì có thể kiếm ra tiền sớm và chi tiêu không dè xẻn nên quan điểm về chi tiêu của hai vợ chồng khác nhau; tôi phóng khoáng, vợ chặt chẽ. Về kinh tế, tôi đóng góp lúc nhanh lúc chậm vì hơn một năm nay làm việc tự do, khoản này thì vợ tôi là người rạch ròi. Cụ thể là tôi lấy hai cây vàng tôi để trả nợ cờ bạc và rút một khoản tiền trong thẻ. Chúng tôi thống nhất sau này khi bán đất, số tiền đó sẽ trừ vào tiền của tôi khi chia tiền. Tôi không dưới 3 lần đề nghị sau khi bán đất, trả nợ bên nội ngoại, trả cả số tiền của vợ có đóng góp lúc mua đất là hơn trăm triệu (toàn bộ số tiền này có tính lãi để trả lại các bên), số tiền dư không chia mà để hết cho con. Vợ không đồng ý và tôi tôn trọng quyết định của vợ.
Nói thêm, mua cái gì cho tôi như điện thoại, laptop..., rồi khi cãi vã tính đến chuyện chia tiền thì số đó tôi phải trả 100%. Còn mua thứ gì cho vợ như kim cương, điện thoại... thì số tiền đó sẽ tính vào tiền chung, khoản phải đóng góp hàng tháng. Đợt Tết vừa rồi tôi làm không ra tiền, trong số hơn 200 triệu chung còn lại (vay ngân hàng để làm khoản dự phòng) chia đôi ra; nửa của tôi trừ vào khoản tôi phải đóng góp hàng tháng, nửa của vợ thì vợ gửi tiết kiệm, đó là số tiền riêng của em, tôi không quan tâm. Vì vấn đề kinh tế chia rõ vậy nên tôi sử dụng tiền như nào là quyền tôi (chơi game nạp thẻ, mua PC...), vợ không được xâm phạm; đằng này lại đi tra lịch sử giao dịch, tiêu tiền... Tôi cờ bạc lấy vàng tiêu trước và rút tiền thì đã trừ lại khi bán đất chia tài sản. Đồ mua cho cá nhân tự tôi trả, vậy cớ gì phải quan tâm tôi hay thiên hạ tiêu tiền như nào.
Trong cách dạy con, khi bình thường ai cũng yêu chiều con cái, đến khi bực dọc hoặc bảo ban mà con không nghe lời là vợ có xu hướng dùng bạo lực để răn đe. Tôi không đồng ý quan điểm đó. Vợ tôi có bệnh khó ngủ, đã ngủ là không được phát ra tiếng động, nhiều đêm vợ chồng cãi nhau cũng vì con cái không ngủ hay uống sữa bị chớ, ói...
Quan điểm của tôi là không dùng đòn roi để dạy con cái, có điều vợ không kiểm soát được cơn giận giữ, đánh mắng con trong tình trạng mất kiểm soát. Trong suy nghĩ của vợ, em vẫn tự hào là hồi xưa có cậu em nghịch ngợm mà bố mẹ không dám đánh, vợ tôi đã đánh cho "lên bờ xuống ruộng" để bây giờ thành người. Đối với vợ tôi, đó là thành tích và giờ cũng dùng cách như vậy (từ suy nghĩ lẫn hành động) để áp dụng lên con.
Sắp 4 năm cưới nhau, đánh nhau 5 lần bởi vợ sẵn sàng xông vào đánh lại tôi, cầm dao và kéo định đâm chém chứ không phải là ngồi im chịu trận với suy nghĩ khi học đại học từng học võ, chồng đánh 10 thì mình cũng phải đánh được 7-8.
Chính xác là vợ chồng tôi đánh nhau, không phải tôi đánh vợ.
Lần vợ chồng đánh nhau gần nhất cũng từ chuyện con cái mà ra. Khi xảy ra mâu thuẫn, tôi cũng để con chơi bên ngoài, vợ chồng đóng cửa bảo nhau (nhưng bảo không được). Quan điểm của tôi là không dùng roi vọt lên con cái mà đặc biệt là vợ tôi lại đánh con trong trường hợp mất kiểm soát. Chừng nào vợ còn suy nghĩ dùng roi vọt dạy con thì tôi vẫn còn suy nghĩ được quyền dùng bạo lực để giải quyết chuyện vợ chồng. Ai nói gì cũng được nhưng tôi vẫn sẽ bảo lưu quan điểm này. Vợ chồng còn có sức mà đánh nhau, trẻ con không có sức kháng cự.
Cuộc sống vợ chồng gần nửa thời gian là sống trong cãi vã từ chuyện tiền bạc đến cách sống, nuôi dạy con... Người ta bảo "vợ chồng đầu ấp tay gối", thế mà mỗi lần cãi nhau vợ lại thắp nhang khấn trời đất trù cho tôi tai nạn, sống cuộc sống khổ cực, sau này không có cả sức khỏe mà đi bán vé số... Vợ còn có cả suy nghĩ dành tiền thuê xã hội đen đánh tôi khi cảm thấy bị áp bức. Cứ mỗi lần bất đồng, cơm nước vợ không nấu, quần áo có bỏ vào máy giặt cũng nhặt đồ của tôi ra, coi như "nước sông không phạm nước giếng".
Mỗi lần vợ chồng đánh nhau xong, khi bình tĩnh tôi đều nói là phụ nữ phải biết mềm mỏng, cứng rắn bạo lực với đàn ông đời nào mà thắng được, thiệt vào thân. "Lạt mềm buộc chặt".
Hưng
****
Tôi coi thường chồng
Tôi là vợ tác giả bài: "Mỗi lần cãi nhau vợ lại trù tôi gặp tai nạn". Tôi nhận ra rằng chúng tôi ly hôn là điều chắc chắn phải xảy ra.
Chồng tôi viết: "Tôi chơi bằng tiền của tôi. Tôi cờ bạc và rất nhiều lần người nhà phải gánh vác nợ". Hay thay, mới một ngày trước tôi còn bị bên đòi nợ gọi điện hàng chục cuộc, nợ này diễn ra một năm nay mà tôi không biết gì. Đúng là một trải nghiệm không quên.
Hết lần này tới lần khác gia đình hai bên đều khuyên nhủ, tôi đã khuyên anh "thay vì nướng tiền vào game thì hãy làm sổ tiết kiệm hoặc mua bảo hiểm cho con, trong khi nợ ngân hàng vẫn còn cả tỷ". Anh bảo: "Tiền tôi tôi chơi, không ai được quyền ý kiến". Anh vẫn chứng nào tật ấy, tiền bạc đóng góp không đúng ngày, trễ nợ ngân hàng. Tôi rất coi thường anh.
Với chi phí sinh hoạt mỗi tháng đều chia đôi thì liệu đồ đạc sau khi ly hôn (đồ sắm chung sắm riêng cũng vậy), chắc chắn cũng sẽ phải chia cho sòng phẳng. Tôi đã soạn bảng chia đều đàng hoàng. Anh là con bạc, nói chuyện đạo nghĩa cái gì? Khi chơi game, cờ bạc thì anh bỏ hàng chục, hàng trăm triệu, tiền nong sinh hoạt nuôi con hàng tháng lại phải ghi rõ từng đồng chi vào việc gì.
Trong cách dạy con, quan điểm của tôi là nói nhẹ nhàng đúng 3 lần, phân tích mà con không hiểu lại còn vùng vằng, lì lợm đòi hỏi, khóc lóc gào thét thì mới đánh. Lần nào đánh xong tôi cũng ngồi ôm con, phân tích lại cho con hiểu là sai chỗ nào, nên như nào. Đánh con là tôi sai, nóng, nhưng rất xót con. Con tôi mang nặng đẻ đau, sẽ phải là người tử tế, biết đúng sai. Trước đây, chồng chưa bao giờ xúc cơm cho con ăn hay dạy con học. Tôi góp ý và đã có thay đổi, cũng chịu khó đọc hoặc kể chuyện cho con.
Tôi dạy dỗ được em trai ngỗ nghịch (là cháu đích tôn được nuông chiều nên chửi đánh cả bà và bố mẹ), điều đó chính xác. Giờ em tôi là sĩ quan quân đội, thành công và trưởng thành, tôi phải tự hào chứ. Tôi là người sống có kỷ luật, giờ giấc, có quy tắc cho mọi việc, sống tiết kiệm. Học và phấn đấu kiếm tiền để hưởng thụ cuộc sống một cách lành mạnh luôn là phương châm sống của tôi.
Sắp 4 năm cưới, mỗi lần quan điểm khác nhau, nói lại nhau không được thì anh luôn là người vung tay trước. Đúng là tôi học võ để khỏe mạnh vì từ bé hay bị bệnh vặt triền miên. Tôi học một năm, cũng coi như tập thể thao. 12 năm rồi không tập, tôi sinh bé khó, bị băng huyết, sức khỏe giảm rõ rệt và không có ý định sinh thêm từ lâu. Tôi luôn là người thua và chịu đau đớn sau những lần đánh nhau ấy. Tôi hận thấu xương tủy vì đánh không lại.
Tiền nong chia đôi thì sao tôi phải dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ cho anh? Tôi dành thời gian ấy dạy con học tiếng Anh, chơi với con. Ngoài thời gian 10 tiếng đi làm, còn lại tôi dành cho con hết. Xin nói thêm, 4 năm lấy nhau thì tới 3 năm anh đi làm từ sáng tới lúc hai mẹ con tôi ngủ mới về. Đi làm hay đi đâu tôi nghĩ ông trời biết điều đó. Chưa bán được đất mà anh còn kì kèo số tiền lẽ ra là của tôi, nhưng tôi cũng đồng ý chia cho anh luôn. Anh "cạn tàu ráo máng", đã đến nước này rồi thì tôi mua bình yên vậy.
Tôi làm lĩnh vực công nghệ thông tin và tài chính, căng thẳng nhiều nhưng luôn phấn đấu để được tăng lương, thêm thu nhập và tôi luôn làm được điều đó. Người có năng lực luôn sống bằng bản lĩnh và chính kiến riêng; dám quyết định cách sống và tự đương đầu với mọi khó khăn thử thách; sai ở đâu tôi làm lại ở đó.
Bài bạc sẽ chỉ phá nát gia đình, muốn thay đổi chỉ có thay máu. Đúng là tôi có suy nghĩ cho anh nghèo đi, khổ đi, không có sức khỏe để thấy rằng cuộc sống này còn nhiều niềm vui hơn cắm đầu vào những thứ vô bổ. Chỉ có khi bị điều gì đó xảy ra thì anh mới sáng mắt ra, chắc chắn vậy. Chúng tôi không bao giờ ngồi lại nói chuyện đàng hoàng với nhau được. Điều đó là chắc chắn. Sẽ không ai chịu thay đổi hết. Chồng bị tôi coi thường nên mỗi lần nói chuyện khác quan điểm, vũ lực sẽ là điều hiển nhiên. Tôi đã biết mình phải làm gì. Sống tự do, tự tại mà nuôi con.
Quyên