Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
#2
NGƯỜI TÙ KHÔNG BẢN ÁN

Ngày hôm nay giữa một thế giới đang bị khổ đau, bạo lực và nghèo đói, ơn gọi chứng nhân cho niềm hy vọng của chúng ta vừa khó khăn, vừa cấp thiết hơn bao giờ hết. May thay, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để lại cho chúng ta chứng nhân rất sống động về niềm hy vọng.

Chiều tối ngày 15.08.1975, trên đường dài 450 km, xe công an chở Cha Thuận về nơi quản thúc. Tâm tình lẫn lộn trong đầu óc Cha như Cha đã viết trong cuốn ‘Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá’.

Ngày 29.11.1976, xe công an lại đến trại Phú Khánh đưa ngài vào trại Thủ Đức. Ngày 1.12.1976, Đức Cha PX. Nguyễn Văn Thuận cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tầu Trường Xuân đi ra Bắc. Tại miền Bắc, ngài đã bị biệt giam trong 9 năm ở nhiều trại tù khác nhau, và bị quản chế 3 năm.

Trong năm tù thứ nhất (1976), ngài đã viết cuốn “Đường Hy Vọng”. Ngài chia sẻ: “Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là Ðức Cha. Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu”.

Ngài luôn cầu nguyện cách phó thác: “Lạy Mẹ, Mẹ muốn con làm gì cho Mẹ? Con sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Mẹ, ngày nào Mẹ thấy con không còn ích lợi gì cho Giáo hội nữa thì xin Mẹ cho con được ơn chết trong tù. Nếu Mẹ thấy con còn có thể làm được gì cho Giáo hội thì xin Mẹ cho con được ra khỏi tù vào một trong những ngày lễ kính Đức Mẹ”.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong cuốn ‘Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá’ như sau:

“Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’

Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.

Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!

Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ”.

Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt-Nam chữa bệnh và chánh phủ Việt-Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương.

Ngày 09.04.1994, Cha được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình, tiếp đến giữ chức Chủ tịch Hội đồng và năm 2001 được tuyển chọn vào Hồng Y Đoàn. Cha qua đời lúc 18 giờ ngày 16-9-2002, tại Rôma.

Trong dịp mở án phong thánh cho ngài vào năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã tóm lược cuộc đời và nhân đức của ngài như sau: “Đức Hồng Y Thuận là một con người của Hy vọng. Ngài sống bằng hy vọng và ngài phổ biến hy vọng cho tất cả những ai ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà ngài chống lại được tất cả những khó khăn thể lý cũng như tinh thần”.

[Image: 31960511-684143515255266-212042389374631936-n.jpg]
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply


Messages In This Thread
RE: Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - by Lục Tuyết Kỳ - 2022-09-16, 10:20 AM