Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim-Dung
#65
4) Trong tinh thần Phật Giáo, lòng đại từ bi hết sức cần thiết để cân lại sự đại hùng đại lực. Có đại hùng đạ lực mà thiếu đại từ bi thì con người dễ đi đến chỗ dùng sức mạnh của mình để hiếp đáp kẻ khác và do đó mà gây ra nhiều nghiệp chướng. Điều này đã được Kim Dung nói rõ qua lời dạy của vị sư già mặc áo xám trong chùa Thiếu Lâm. Theo vị sư này, chỉ có người có một sở học cao siêu về Phật Giáo và có đức từ bi hưng thạnh thì mới có thể luyện được nhiều môn võ công thượng thặng. Nếu Phật học không đủ mà tham lam luyện nhiều võ cộng thượng thặng thì bị bại hoại thân thể hay bị nội thương.

Người cầm quyền lãnh đạo một dân tộc vốn có nhiều sức mạnh trong tay. Nếu họ dùng sức mạnh đó để mưu đồ mỡ rộng thế lực hay lấn át dân tộc khác thì chẳng khác nào cố sự đại hùng đại lực mà thiếu đại từ bi. Hành động xâm lăng của họ chẳng những có hại cho dân tộc khác mà cuối cùng cũng làm cho chính dân tộc họ cũng bị nhiều hậu quả không tốt. Ngay cả trong trường hợp người lãnh đạo một dân tộc có lý tưởng mà họ cho là cao đẹp nhưng lại dùng sức mạnh mình có trong tay để cưỡng bách dân tộc mình hay dân tộc khác làm theo ý mình đạt cái được cho là lý tưởng cao đẹp đó, họ cũng chỉ gây ra sự khổ sở cho nhơn dân.

Những người cầm quyền chánh trị như trên đây, dầu có những động cơ ích kỷ hay muốn thực hiện một lý tưởng cao đẹp, cũng đều khó có thể hòa thuận với nhau. Chỉ có thái độ cởi mở khoan dung và chánh sách đặt nền tảng trên sự xót thương và cải hóa những kẻ làm ác như Phật Giáo chủ trương mới có thể đưa các nhà lãnh đạo các dân tộc đến sự hòa giải hòa hợp với nhau và xây dựng nền hòa binh chung cho nhơn loại. Bởi đó, khi Tiêu Phong cùng quần hào đương đầu với người Đại Liêu đuổi đánh mình bên ngoài cửa ải Nhạn Môn, họ đã bảo với nhau rằng: Bao giờ các vị đế vương khắp thiên hạ đều tin ở Phật pháp, lấy từ bi làm hoài bão thì mới hết thảm họa chiến tranh.

5) Nhưng ước vọng trên đây dĩ nhiên là khó có thể đạt được. Đó không phải là vì Phật Giáo chưa phổ biến ở khắp cả các nước mà cũng sẽ không thể nào phổ biến ở khắp cả các nước trên thế giới. Thật sự thì theo Phật Giáo, cả chúng sanh đều có Phật tánh và một người dầu chưa nghe đến giáo lý của Đức Phật, chưa hề qui y Đức Phật, chưa tự xem mình là Phật tử mà có tâm tánh và hành động như lời Đức Phật đã dạy thì cũng đã là người theo Phật Pháp rồi. Vậy, cái khó trong việc đạt ước vọng hòa bình cho cả thế giới không phải phát xuất từ chỗ Phật Giáo chưa phổ biến khắp nơi. Nó phát xuất từ chỗ chính người đã qui y Đức Phật, đã thông hiểu giáo lý của Ngài mà vẫn chưa có được tâm tánh và hành động như lời Ngài dạy.

Kim Dung đã biểu lộ sự thật trên đây trong các bộ truyện võ hiệp của ông bằng cách mô tả nhiều nhơn vật trong giới tăng ni. Trong số này, có những cao thủ võ lâm đã hành động trái lời Phật dạy. Các vị Đại Luân Minh Vương, Kim Luân Pháp Vương đã là những vị cao tăng miền Tây Vực, nhưng đã mưu đồ bành trướng thế lực của mình hay của dân tộc mình. Các tăng ni Trung Hoa cũng có nhiều người còn nặng nghiệp tham, sân và si. Thành Khôn đã qui y với pháp danh Viên Chân đã lợi dụng thế lực chùa Thiếu Lâm mà đoạt chức Minh Chủ Võ Lâm và phục vụ người Mông Cổ. Đến một vị cao tăng làm đến Phương Trượng chùa Thiếu Lâm và có đức hạnh đến mức được giới võ lâm Trung Hoa tôn làm Thủ Lãnh Đại Ca là Huyền Từ Đại Sư mà cũng đã lén tư tình với một phụ nữ và đã che giấu chuyện này suốt mấy mươi năm. Phần Diệt Tuyệt Sư Thái thì rất ngay thẳng và nhiệt tình yêu nước, lại rất dũng cảm. Nhưng bà thiếu hẳn đức từ bi nên đã tỏ ra thù hằn những người có liên hệ đến Minh Giáo đến mức chủ trương giết họ cho tận tuyệt. Đã vậy, bà lại còn nuôi giấc mộng làm cho phái Nga Mi của bà trở thành môn phái số một ở Trung Hoa. Do đó, bà đã dạy đệ tử là Châu Chỉ Nhược dùng đến những thủ đoạn bất chánh và tàn độc để đạt mục đích. Đến những người đã đạt một địa vị tôn quí trong hàng giáo phẩm Phật Giáo, lại có nhiều đức tốt và đáng được tôn trọng như Huyền Từ Đại Sư hay Diệt Tuyệt Sư Thái mà còn như vậy thì các nhà lãnh đạo chánh trị các dân tộc mà ít học về Phật pháp hay không biết đến Phật pháp làm sao có thể đủ đức tánh để lãnh đạo chánh trị theo đúng Phật pháp và đưa nhơn loại đến một nền hòa bình vĩnh cửu và ổn định được?

Vậy, giấc mơ của Kim Dung sẽ rất khó thực hiện. Nhưng đó là một giấc mơ đẹp và nếu những người hoạt động chánh trị chấp nhận giấc mơ đó, lại nuôi ý chí thực hiện nó với tinh thần đại hùng đại lực thì ít ra họ cũng đã đi được vài bước trên con đường ngàn dặm đưa đến một nhơn loại an lạc hòa bình. Mặt khác, người cầm quyền chánh trị một nước, dầu theo chủ nghĩa nào mà chịu bỏ thái độ giáo điều và áp dụng một chánh sách cởi mở, khoan dung đối với người khác và đoàn thể khác thì cũng đáng được khen là đã có đóng góp vào việc xây dựng hòa bình chẳng những cho dân tộc mình mà còn cho toàn thể nhơn loại.

còn tiếp...
Kiếp luân hồi có sinh có diệt
Đời vô thường giả tạm hư không
Ngũ uẩn: “Sắc bất dị không”
An nhiên tự tại cho lòng thảnh thơi.
-CT-

願得一心人,
白頭不相離.
Reply


Messages In This Thread
RE: Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim-Dung - by Lục Tuyết Kỳ - 2022-08-17, 12:10 AM