2022-06-20, 03:37 PM
Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ)
Udàna
Chương 1-3
--ooOoo--
Chương Một
Phẩm Bồ Ðề
Kinh Bahiya (X) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ". Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
- Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.
- Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?
- Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.
Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau:
- Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.
Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết... hạnh phúc lâu dài.
- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya. Thế Tôn sau khi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỷ-kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỷ-kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy. Sanh thứ cho vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy là gì?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỷ-kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Quote:10. Chỗ nào nước và đất,Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.
Lửa, gió không chấp trước,
Tại đây sao không chói,
Mặt trời không chiếu sáng,
Tại đây trăng không chiếu,
Tại đây u ám không,
Khi ẩn sĩ Phạm chí,
Tự mình với trí tuệ,
Thể nhập vào Chánh pháp,
Vị ấy được giải thoát
Khỏi sắc và vô sắc,
Khỏi an lạc, đau khổ.
Sư Toại Khanh Giảng Kinh Bahiya (1-2)
https://toaikhanh.com/audiotext.php?mp3=...h%20Bahiya
Lớp Kinh tạng trích diễm, thứ hai, 10/01/2022
Kinh Bahiya
Quote:Kalama tri ân bạn vungoc2804 & ho thi vui ghi chép.
11/01/2022 - 04:36 - vuihtv - [Mục Lục các Bài Giảng] - [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]
Hôm nay chúng ta học bài kinh Bahiya. Đây cũng slà một trong những bài kinh nổi tiếng hàng đầu của Phật giáo. Nổi tiếng là sao?
Nổi tiếng = được giới Tây phương, Âu Mỹ người ta đặc biệt chú ý và tất cả các học giả Tây Phương khi nhắc đến Phật giáo nhắc đến kinh Kalama, Simsapa, Bahiya,….
Vì sao vậy? Bởi vì tuy ngắn nhưng những bài kinh có nội dung mang tính định hướng, cốt lõi trong tinh thần giáo nghĩa Phật pháp.
Đương nhiên, bài kinh này theo trong kinh thì được đức Phật thuyết giảng cho một đối tượng rất đặc biệt, ngài Bahiya, một vị mà Ngài tuyên dương “đệ nhất tốc chứng”. Có nghĩa là trong các đệ tử đức Phật vị này có khả năng chứng đạo nhanh nhất. Nhanh là sao? Trong thời gian biết được Phật pháp, từ lúc không biết đến lúc biết tính bằng phút, từ lúc biết đến lúc chứng tính bằng phút, thậm chí tính bằng giây, chứ không có tính bằng giờ. 3 phút, 5 phút, 5 giây, 3 giây, … nhanh như vậy đó. Chứng đạo với tất cả những thành tựu mà vị Thinh văn có thể thành tựu, trong thời gian tính bằng phút, 3 phút, 5 phút.
Trước khi đi vào bài kinh, chúng ta đi vào phần Duyên sự trước.
Mỗi vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác có vô lượng đệ tử chứng thánh, với sự hướng dẫn của Ngài, trong đó có vài chục vị được xem là có biệt hạnh. Trong kinh nói giống vị vua dưới quyền cai trị của ổng có vô số dân chúng, thiên hạ, bá tánh nhưng triều đình ổng có các vị đại thần chuyên trách các bộ phận, ban ngành khác nhau như là: Thượng thư bộ lễ, Thượng thư bộ lại, Thượng thư lo chuyện kinh tế, tài chánh, quân sự, ngoại giao,…. Ở đây cũng vậy. Các đức Thế Tôn 3 đời đều có những vị đại đệ tử có biệt hạnh, ví dụ: Đệ nhất đầu đà, đệ nhất đa văn, đệ nhất tinh tấn, đệ nhất thiên nhãn, đệ nhất túc mạng minh, đệ nhất phấn tảo,… thì đức Thế Tôn cũng vậy.
Ngài cũng là một vị Chánh Đẳng Giác và trong số các vị đại đệ tử có biệt hạnh đó, một vị “đệ nhất tốc chứng” có nghĩa là một vị biết đạo, chứng đạo ngắn, nhanh, có thể tính bằng phút, tính bằng giây, không trải qua giai đoạn nghe pháp, nghiền ngẫm, suy tư, cạo đầu đắp y, mang bát, chuyên tu khổ hạnh rừng sâu núi thẳm,… không, không, vị này không cần cái đó. Chỉ cần tích tắc thôi, từ lúc không biết đạo cho đến lúc biết chỉ tính bằng phút thôi.
Duyên sự nó như thế này.
Nói hơi xa chút, cách đây 100.000 đại kiếp có một đức Phật xuất hiện trong trái đất. Trái đất hủy và cứ như vậy rồi thành, trụ, hoại, không, đến 100.000 lần thì đến trái đất của mình.
Trong trái đất đó có một đức Phật hồng danh là Padumuttara, Ngài cũng có một vị đại đệ tử có thắng hạnh là đệ nhất tốc chứng, có anh thiện nam vào chùa, ảnh thấy đức Phật tuyên dương vị tỳ kheo đó là đệ tốc chứng, ảnh thích quá, ảnh lễ Phật, cúng dường, theo đạo, và ảnh nguyện về sau ảnh cũng trở thành một vị La Hán có biệt hạnh đó, có thắng hạnh đó và đã được đức Phật Ngài thọ ký cho.
100.000 đại kiếp trôi qua như là một giấc mộng. Đến đời Phật Ca Diếp, tức là trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni mình, đức Phật Ca Diếp ra đời hoằng pháp độ sinh, Niết Bàn, và giáo pháp của Ngài cũng tồn tại một thời gian, sau đó mất. Mất đây có nghĩa là không được người ta biết tới nữa. Trong lúc giáo pháp đang suy tàn, có nhóm 7 vị tỳ-kheo thấy chạnh lòng trước cảnh Phật pháp không được biết đến, không được học tập, hành trì nữa. Các vị nghĩ, bây giờ, cơ hội được gặp giáo pháp, được xuất gia hiếm lắm, mà bây giờ mình gặp Đạo trong hoàn cảnh này bây giờ mình cứ chạy theo đám đông, chạy theo đại chúng thì nó chỉ là Phật giáo theo hình thức, Phật giáo không có nội dung, buồn lắm. Thôi, anh em mình cùng chí hướng, rủ nhau vô chỗ hoang sơn dã lãnh nào đó tập trung tu tập rốt ráo, được ăn cả, ngã về không.
7 vị tìm ra mỏm đá cheo leo, làm thang trèo ra đó, anh em lên được đó rồi thì xô đổ cái thang đó đi. Có nghĩa là, lên được mà không xuống được, sống chết gì trên mỏm đá này thôi. 7 vị tỷ kheo như vậy, ngày đầu tiên, vị lớn nhất chứng La Hán Lục thông, mới đi bát về nuôi 6 vị kia, nhưng 6 vị kia từ chối. “Đã lên đây một là đắc đạo hai là chết, làm sao có vụ ăn được, ăn thì đâu chịu chết. Một là đắc đạo, hai là chết, tại đây, nên các vị từ chối, nhịn 1 bữa. Do duyên nó khiến vị A La Hán tuổi thọ tới đó đủ rồi. Cho nên, sau khi anh em từ chối, Ngài từ giã, bay ra khỏi mỏm đá, tìm chỗ thích hợp viên tịch.
Còn lại 6 anh em, đến ngày tiếp theo, 1 vị nữa chứng Tam Quả cũng có thần thông đi bát đem về. Nói “các vị ráng ăn đi, chứ còn kiểu này là chết đó”. Các vị nói “không. Tâm nguyện chúng tôi đến bây giờ vẫn không thối chuyển, hoặc chết, hoặc đắc đạo, chứ không có ăn, không có sống lưng chừng.” Thế là vị Tam Quả biết rõ quyết tâm của các vị này, cũng không ép, và vị này cũng ra đi. Vì mỏm đá có chút xíu mà chen chúc nhau, ở thì không giúp được gì mấy ổng, chỉ góp phần chen lấn thôi, ok. Rút lui. Còn 5 vị. 5 vị ở lại, ráng lắm không đắc gì hết, cuối cùng, vừa khát, vừa đói, vừa lạnh, kiệt sức chết.
Đương nhiên, chúng ta biết rồi. Nói theo cách nghĩ của Phật tử Việt Nam “Chắc tu hành kiểu đó về trời hết”. Nhưng chưa chắc, cái đó không chắc. Bởi vì, chuyện chúng ta nỗ lực ghê gớm là trước mắt, nhưng tiền nghiệp quá khứ nó tới một núi. Làm sao tu hành 1 kiếp sống có thể xô đổ 1 núi tiền nghiệp được. Nên trong kinh chỉ nói là sau đó 5 vị đi theo nghiệp của mình. Vị về cõi này vị về cõi kia.
Đến đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chúng ta nhớ. 7 vị tỳ kheo đó, 1 vị chứng La Hán Niết Bàn rồi, miễn kể. Vị thứ hai sanh về cõi Ngũ tịnh cư, tức là cõi dành cho các vị A Na Hàm, vị đó một hôm chợt nhớ kiếp xưa, xét, không biết mấy người bạn cũ, anh em sống chết ở mỏm đá đó bây giờ ra sao. Ngài xét thấy, mỗi vị bây giờ có định phận hết. Có vị còn phàm, đang đi tìm đạo, có vị đã chứng La Hán rồi,…. Riêng có một vị đang rất cần sự giúp đỡ của mình, đó là ai? Giờ mình chấm chỗ đó. Mình qua chỗ khác.
Trong 5 vị tỳ kheo kiếp xưa, bây giờ, có một vị sanh ra tại một xứ tên là xứ Bahiya, một địa phương xa xôi, vì nó xa quá nên dân trung tâm kêu xứ bahiya, xứ phương ngoại, nó gần như biên địa /pantapadesa/ vậy đó, xa quá, dân trung thổ nó kêu là bahiya. Ngài sanh ở đó và cũng được đặt tên Bahiya. Rồi ngài mới cùng anh em tổ chức chuyến đi buôn trên biển, chẳng may thuyền bị bể, ngài tấp vô một bờ biển tên là Supparaka. Bờ biển này cách Savatthi chỗ đức Phật 2000 do tuần. Mình tính ẩu đi, thì do tuần, có chỗ nói 11km, có chỗ tính 9 km, thôi giờ mình lấy 9 cho chắc ăn. Các vị lấy 9 *2000 nó bao nhiêu? (~ 18.000km) Tôi muốn tính mà tôi muốn nổi da gà. Coi bộ “hơi bị nhiều”. Ngài tấp vô trong đó áo quần banh chành tả tơi hết, ngài mới lấy đỡ ba thứ vỏ cây, xơ dừa quấn tạm. Mà dân xứ đó là xứ biên địa mà, nó mê tín ghê lắm.
Giống như miền quê của ngài Ajahn Chah, thời này nè, nó cũng đâu đến nỗi xa lắm, vậy đó mà lúc ngài Ajahn Chah đi dạy đạo cho Âu Mỹ, cho dân Băng-cốc, cho dân I-sảm tùm lum nổi tiếng khắp Thái Lan. Mà ngài về tới quê của ngài, ông ơi, về tới nơi, ngài thấy nó mê tín cực kỳ, dạy không nổi mà. Ngài Ajahn Chah, ngài đi dạy cả thế giới đó, mà về bản quán, quê xưa là bó tay.
Thì dân đây vùng sâu, vùng xa nó mê tín lắm. Nó thấy ông nội này ăn mặc quái đản quả, ông này chắc thánh nhân phương nào tới đây. Thế là nó xì xụp bái lạy, coi như cung đốn, cúng dường, ổng thấy được quá. Mình do tai nạn tấp vô đây mà coi bộ ăn mặc quái gở này được à, thế là, ổng không ăn mặc bình thường như người ta, ổng tiếp tục lấy xơ dừa vỏ mướp che thôi. Do đó ổng có ngoại hiệu “Daruciriya Bahiya = Bahiya người mặc áo bằng vỏ cây.
Cũng giống Đông Tà, tên thật là Hoàng Cố, nhưng mà ổng rất là giỏi nho, y, lý, số, phong thủy, y thuật, cho nên mới kêu Hoàng Dược Sư. Đây cũng vậy đó.
Ổng yên tâm, êm quá rồi, giờ cuộc đời của mình chung thân suốt kiếp sống ở đây làm thánh nhân trá hình là tuyệt vời. Lúc đó, ông Phạm thiên ở trên, mới ra coi bạn cũ 5 mạng bây giờ ở đâu hết rồi. Ổng ra ổng thấy ông này đang “múa gậy vườn hoang”, đang một cõi đi về ớ Supparaka. Ổng thấy không được, đà này không xong, hồi xưa tu hành quá cỡ thợ mộc mà bây giờ sa vào đường tà kiểu này là tiêu, coi như đốn củi ba năm đốt một giờ. Ổng mới xuất hiện.
Cho nên, trong chánh kinh chỉ nói “có một vị trời, devata, dịch sát Pali là, một vị trời cùng huyết thống. Nhưng trong Chú giải nói, không, không có huyết thống gì hết, không có quan hệ máu mủ gì ở đây hết mà “chí thiết, chí thân” Devata không phải dục thiên, Dạ Ma, Đâu Suất,… đâu mà là một vị Phạm thiên cõi Tịnh cư. Vị đó xuất hiện mới nói rằng : “Ông không phải là Thánh, đừng hiểu lầm, tự nhận mình là thánh. Bậy. Thật ra, trên đời có thánh thiệt và người đó biết cách dạy người ta làm La Hán nữa. Tôi khuyên ông tới tìm vị đó đi. Vị đó ở kinh thành Savatthi. Cứ đi hỏi dọc đường người ta chỉ cho”. Giống như ở Mỹ mà hỏi Washington ở đâu thì kiểu gì cũng có người chỉ thôi. Ở Úc mà hỏi Sydney, Brisbane thì dầu xa xa người ta cũng chỉ cho mình đi phi trường nào, đại khái như vậy.
Ổng vừa đi vừa hỏi. Các vị tưởng tượng, 2000 do tuần có nghĩa là 9km * 2000 xa lắm, mà ổng đi trong 1 đêm thôi. Có bản dịch nói là ổng đi trong một đêm, nhưng trong bản Pali saparati có nghĩa là suốt đêm, có chỗ dịch là một đêm, có chỗ nói là đi suốt đêm. Hai cái khác nhau. Trong chú giải chọn là đi suốt đêm. Có nghĩa là ổng vừa đi vừa nghỉ vừa đi vừa nghỉ.
Trong Chú giải nói thêm với Phật lực của Thế Tôn, cũng với sự hỗ trợ của chư thiên đặc biệt vị Phạm thiên kia, giúp cho ổng đi nhanh hơn, và ổng không mệt, mặc dù ổng vừa đi vừa nghỉ, có nghĩa là đêm, ngày không cần biết, miễn sao ổng đi quảng đường xa như vậy và về đến Savatthi. Ông rã rời. Đi không nghỉ. Vì sao vậy?
Vì sao đi không nghỉ?
- Thứ nhứt, trong kinh nói, do phước riêng của ổng, ổng đã tu 100.000 đại kiếp rồi, kiếp này ổng phải chứng La Hán không thể chết được.
- Và do cái linh tính, linh giác của ổng, ổng linh cảm sống không lâu được, ổng có cảm giác ổng không sống lâu cho nên bằng mọi giá, ổng phải đốt thời gian để ổng đi.
Trong kinh nói, cái này vừa chú giải, vừa chánh tạng nha, Chánh tạng thì không nói rõ như chú giải. Lúc Thế Tôn thấy ông vừa đi quãng đường quá xa, ông đang quá mệt, mệt lắm. Thân đang mệt, tâm đang quá bồng bột. Ổng gặp Ngài ổng mừng lắm. Trong kinh nói lúc đó đức Phật cố ý cho thấy hảo tướng uy nghi của Ngài, hào quang của Ngài, hảo tướng của Ngài. Thân thì rất là mệt mà tâm thì quá bồng bột. Ổng nhìn Ngài phải nói là ổng chết điếng á, ổng mừng, ổng vui, chết điếng. Khi ổng nói “Bạch Thế Tôn, xin Ngài giảng đạo cho con nghe, nhờ vậy con sẽ được nhiều lợi lạc”. Ngài xét thấy ông này ngay bây giờ, ổng chưa sẵn sàng, phải một tí nữa, tích tắc nữa thì mọi thứ mới lắng xuống, thì ổng mới nghe được. Cho nên, Ngài từ chối, để cho tâm ổng chùng xuống chút. Ngài nói “Ta đang đi bát, không phải thời thuyết pháp”.
Ở đây phải nói thêm. Mình dịch là dịch “Thế Tôn” chứ trong đó có chỗ kêu Bhagava, có chỗ kêu “Bhante” mình đừng ngạc nhiên. Mình bây giờ mình phải Phật tử mình mới biết chữ Thế Tôn. Thời xưa, Bhante / Bhagava chỉ chung cho người có đức hạnh, mình dùng để xưng hô. Nhớ nha. Bhagava là một chữ của ngôn ngữ thời đó, chứ nó không mang nghĩa chuyên môn như bây giờ, mình giờ phải là Phật tử thứ gộc mình mới biết dùng mấy chữ đó “Thế Tôn, Thiện Thệ,…” chứ thời xưa thì không, thời xưa chữ đó bình thường. Dĩ nhiên, biết đạo rồi thì mình biết nghĩa nó sâu hơn vậy thôi. Chứ cách xưng hô đó người ngoài họ biết. Như trong Kinh chỉ có một vài trường hợp, có nhiều vị Phạm thiên gặp Ngài không gọi Bhagava, không gọi Ngài là Thế Tôn, không gọi Ngài là Bhante mà gọi Ngài là “Mādisa”.
Chữ mādisa hay lắm. Mādisa gốc nghĩa xưa = giống như tôi = hiền hữu. Nghĩa đen nó là gì? Người tôi thương như bản thân tôi, bạn vàng, bạn vàng ơi, để tôi hỏi ngài cái này. Nó gần giống chữ bạn vàng Việt Nam vậy. Tôi lạc đề để các vị biết thêm tí ti nữa. Thêm tí kiến thức không chết ông, chết bà gì đâu.
Ổng nói: “Bây giờ, con không biết chắc Thế Tôn còn sống được bao lâu và con sống được bao lâu, đây là cái dịp mà con nghĩ là duy nhất, biết đâu, biết đâu là duy nhất, biết đâu là cuối cùng để con được nghe pháp Thế Tôn. Con không biết là Thế Tôn đi trước con hay là con đi trước Thế Tôn, xin Thế Tôn dạy cho con”. Đó là nguyên văn Pali.
“Con không biết là Thế Tôn đi trước con hay là con đi trước Thế Tôn”.
Đức Phật từ chối 2 lần, tới lần thứ ba, Ngài nói “Thôi được, ta sẽ nói vắn tắt thôi”.
Đây. Đây mới là nội dung ghê gớm, cốt lõi ghê gớm của kinh nè.
Giờ bà con mở ra nha. Tôi hi vọng bà con có dịp học hết một bộ 5 cuốn Kalama này. Mà đừng có sợ, thứ nhất là mang tiếng 5 cuốn mà có 2 cuốn rưỡi thôi. Bởi vì một nửa là tiếng Pali. Mà 2 cuốn rưỡi, thì coi như đâu có bao nhiêu quý vị, không bao nhiêu hết. Chưa kể, kiến thức Phật pháp đi theo đó nó sẽ được hàm dưỡng, nuôi dưỡng, nó sẽ tiến triển theo hướng mà Toán kêu là lũy tiến, có nghĩa là theo hướng toán nhân, nhân đôi, nhân ba. Có nghĩa là, mình biết được chuyện này thì chuyện sau mình biết nhanh hơn, dễ hơn. Cho nên, khi mình được nghe giảng một số bài kinh rồi, thì những bài kinh còn lại chỉ cần nhắc sơ là được rồi. Cho nên, 5 cuốn mà chỉ còn 2 cuốn rưỡi. Mà 2 cuốn rưỡi trong đó phần lớn là trùng. Trùng có nghĩa là, bài a, bài b giảng rồi thì bài c, bài f nghe dễ hơn. Đấy. Như vậy, mang tiếng 2 cuốn rưỡi nhưng học rất là mau. Mau lắm.
Bây giờ thì chúng ta đã có 2 cuốn rồi, và chúng tôi đang hoàn tất cuốn 3. Nói hứa hẹn thì giống như quảng cáo thì kỳ nhưng phải nói, cuốn 3 cuốn 4 nội dung còn khiếp nữa. Gồm những bài kinh nội dung càng ngắn dần, chúng tôi cố ý lựa những bài ngắn để cho bà con đừng có ngán, nhưng mà bao gồm tất cả những vấn đề một người Phật tử sơ cơ nói riêng và người tầm đạo nói chung bỏ túi chừng đó thì tôi nghĩ rằng, nếu cộng các bài giảng ngày thứ hai, thì tôi nghĩ rằng bà con không uổng phí kiếp người mà cũng không phải hối tiếc tại sao theo đạo mấy chục năm mà cái đầu giống trái dừa chỉ để đội nón thôi.
Rồi. Lúc bấy giờ đức Phật, Ngài dạy như thế này:
“Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái suy nghĩ chỉ là suy nghĩ thôi…”
Bây giờ mình diễn dịch ra nè.
Trong cái thấy chỉ là thấy, không có ai thấy hết. Nhớ nha.
Các vị biết cái hộp quẹt. Mình cứ kêu hộp quẹt, hộp quẹt của tôi, tôi mới mua hộp quẹt, nhưng các vị biết. Nói như Tô Đông Pha. Hồi đó tôi cứ tưởng Tô Đông Pha nói, tới hồi tôi mở kinh ra tôi thấy trong kinh mình có bài kệ y chang Tô Đông Pha, tôi e rằng ông Tô Đông Pha, mình giả định, ổng coi trong kinh Hán tạng, đời nhà Tống đã có Hán tạng rồi. Ổng thấy có bài kinh ổng thích quá, ổng mới dịch lại, ổng không biết tiếng Phạn, ổng chỉ sửa lại lời dịch thôi, thành thơ của ổng. Hai là ổng cao hứng ổng làm bài thơ mà diễn lại nội dung đó. Và bài kinh đó đã được chúng tôi đưa vào trong quyển Kalama 3.
Nó như thế này. Tôi nói hộp quẹt trước. Mình nói hộp quẹt, thật ra, lửa từ hộp quẹt, lửa vốn dĩ không nằm sẵn trong hộp quẹt, mà lửa chỉ có mặt khi nào có sự kết hợp hợp lý giữa bánh xe, viên đá lửa, một tí ga hoặc là một tí xăng. Thì ga/ xăng, đá lửa, bánh xư, chưa kể, cấu trúc hợp lý của hộp quẹt nữa. Có cấu trúc nữa, chứ còn hộp quẹt mà bánh xe gắn ngu quá thì nó cũng không có ra lửa được. Nó phải là một cấu trúc hợp lý. Tổng cộng lại, cấu trúc hợp lý giữa bánh xe, kết hợp trên một cấu trúc hợp lý của những món sau đây : lửa, hoặc là xăng, bánh xe, rồi nó mới ra tia lửa. Tia lửa tồn tại bao lâu là do mình. Và khi hết duyên thì tia lửa mất. Mình lấy hộp quẹt đút vào túi quần một cách an toàn, và có thể ngủ với hộp quẹt trong túi quần, túi áo. Lúc đó không có lửa, không có bị phỏng đâu mà sợ. Mà khi nào cần thì mình cho mấy thứ đó kết hợp với nhau một cách hợp lý thì mình bèn có lửa, chứ lửa vốn dĩ không có sẵn trong đó.
Bài kinh nãy tôi nói đó. Trong kinh nói.
Tiếng đàn không nằm trong cần đàn, trục đàn, dây đàn, thùng đàn, phím đàn. Nó cũng không nằm trên ngón tay người chơi đàn. Mà khi nào mấy cái này gặp nhau, với sự kết hợp hợp lý của mấy thứ này nó mới bèn ra tiếng đàn. Cũng vậy, cái mình gọi ông A, bà B là sự kết hợp tối thiểu của 3 thứ: Căn + Cảnh + Thức.
Sự hiện hữu của mỗi con người suy cho cùng chỉ là sự hiện hữu của 6 căn, 6 trần thôi. Tức là, mình nói ông A, bà B, hoa hậu, ăn cướp, du đãng, thầy chùa, linh mục, thủ tướng,… tùm lum hết. Nói cho nó sang chứ thật ra chỉ là sự kết hợp của 6 căn, 6 trần.
Có nghĩa là, đó là nói gọn. 6 căn là: (1) Mắt và cái mà mắt thấy, gồm hình ảnh, màu sắc. (2) Tai tức là gồm có lỗ tai và âm thanh, tiếng động. (3) Mũi gồm lỗ mũi, thần kinh khứu giác và các mùi. (4) Lưỡi là thần kinh vị giác và các vị. (5) Rồi thân, gồm xúc giác và những gì mình có thể sờ chạm, và (6) Ý, có nghĩa là ý thức, tư duy, tinh thần, tâm linh của mình, cộng với những đề tài suy tư của nó. Thì chỉ có 6 cái này, 6 căn, 6 trần làm nên ông A, bà B, con chó, con mèo, con vịt. Cho nên, sự hiện hữu của một con người chỉ là sự hiện hữu của 6 thứ này. Đó là cách nói cho người sơ cơ.
Còn nói chuyên môn hơn nữa, mỗi phút giây như vậy, chúng ta chỉ tồn tại với 1 trong 6 căn thôi. Trong A Tỳ Đàm nói, thí dụ, con mắt nó đang làm việc thì toàn bộ các giác quan còn lại lúc đó không có làm việc được. Mà vì nó quá nhanh, tụi nó tiếp nối nhau. Khi tâm nhãn thức có mặt, thì nhĩ/tỷ/thiệt/thân/ ý dẹp. Ngay lúc đó chỉ có tâm nhãn thức thôi. Và, với sắc pháp nền tảng, tại mình đang sanh ở cõi ngũ uẩn mình có thân và tâm, có hồn và xác, thì lúc đó, về tâm, chỉ có 1 tâm nhãn thức trên nền tảng sinh học để con mắt nó làm việc. Nó chỉ chụp hình thôi. Con mắt nó chụp hình chứ nó chưa biết cái đó là cái gì. Nó chụp xong nó mới đưa vô trong ý thức, ý thức “ồ, cái này là cái tô, cái chén; ồ, cái này là đàn ông đàn bà, da trắng, da đen. Thì ở trong nó làm việc. Nhưng con mắt chụp hình.
Cho nên, bài kinh này rất là sâu. Sâu ở chỗ nào?
1/ Xác định rằng: Mọi thứ ở đời tất cả không có gì là 1 mà chỉ là sự kết hợp, tổng hợp, sự gặp gỡ giữa các điều kiện. Đó là vô ngã. Ở đây không có một cái cá thể, một cái tôi nào hết. Mà đó là sự kết hợp các điều kiện nó mới làm nên cái là hiện tượng có mặt. Sự có mặt của mình chỉ là hiện tượng thôi, nó tạo nên sự hiện hữu cái gọi là con người, mắt, tai, mũi, lưỡi, cứ theo cách đó mà hiểu. Có nghĩa là.
Phải ghi cái này. Sự hiện hữu của mình chỉ là
- sự hiện hữu của 6 căn.
- Đối tượng của 6 căn là 6 trần.
- Đời sống của mình chỉ là hoạt động của 6 căn (thức)
Nhớ cái đó.
Nó hơi trừu tượng, thì ok, tui giảng hên xui. Bà con nghe được thì nghe, không nghe thì đi chết đi chứ tui đâu có giúp được.
Mình luân hồi là sao?
Do mình không biết chuyện đó. Mình không biết 6 căn 6 trần do duyên mà có cho nên mình mới đam mê trong tấm thân này. Dầu mình làm con chó đi nữa thì mình vẫn tham sống sợ chết, vẫn muốn ăn cái này, vẫn muốn ngửi cái kia, vẫn muốn nằm chỗ nọ. Làm con chó, con heo, con dòi, mình vẫn như vậy.
Khi mình giải thoát là mình biết được, cấu tạo của đời sống này chỉ là như vậy thôi. Không có gì để thích và không có gì để ghét. Tất cả chỉ là giả lập, giả tưởng thôi.
Do tiền nghiệp,khuynh hướng tâm lý, và môi trường sống mà mình thích cái này ghét cái kia. Có được cái mình thích mình gọi đó là hạnh phúc. Còn gặp cái mình ghét mình gọi đó là đau khổ. Chỉ vậy thôi.
Tu tứ niệm xứ là sống bằng chánh niệm để thấy 2 cái : What & How.
Biết mình đang đi đứng nằm ngồi, đang ăn uống, tắm, rửa, đánh răng, lau mặt,… = biết mình đang hoạt động thế nào/ how.
What = Biết cái gì đang tồn tại trong lúc đó. Biết rằng đây là khổ thọ, đây là lạc thọ, hỷ thọ, xả thọ. Biết đây là tâm tham, đây là tâm sân, đây là tâm si, biết đây là tâm thiện, biết cái này là chánh niệm, trí tuệ, biết cái này là thiền định, … đó là biết cái What. Biết cái gì.
Biết how và biết what thôi. Nếu đủ duyên thì không còn thích, không còn ghét. Có thích mới có ghét. Khi ta thích cái gì đó thì ta có cái ghét cái ngược lại.
Thích êm ấm thì ghét cái gì không êm ấm, nhớ cái đó. Hễ có thích thì có ghét. Khi mình ghét cái gì đó thì mình kín đáo thích cái ngược lại cái mình ghét. Luôn luôn là như vậy. Và có thích ghét thì mới tìm hướng giải quyết. Giải quyết sao ta? Đi tìm cái mình thích, trốn cái mình ghét. Cả hành trình làm người hay làm thú của mình từ lúc sinh ra hay chết đi nó chỉ là hành trình trốn khổ tìm vui, chạy theo cái thích và trốn chạy cái ghét. Chỉ vậy thôi. Và nó có 2 cách trốn chạy: Hoặc là làm ác hoặc là làm thiện. Đa phần là làm ác.
Mà toàn bộ hành trình đời sống mình nó chỉ là chuỗi thời gian, trốn khổ tìm vui. Chạy theo cái thích và trốn tránh cái ghét, chỉ vậy đó.
Khi mình biết mọi thứ là giả hợp, giả lập, do giả tưởng mà có thì tự mình buông.
Ngày trước mình còn phân biệt cái này là sướng khổ sạch dơ đẹp xấu. Rồi sẽ có ngày mình thấy mấy cái này do mình nghĩ ra. Tức là, trong một điều kiện đặc biệt nào đó mình sẽ thích ăn món đó mà không thích ăn món khác. Trong hóa thân nào đó mình thích ăn thịt sống máu tươi, trong hóa thân nào đó mình thích ăn xác động vật chết, hôi thúi. Trong một hóa thân nào đó, mình thích ăn côn trùng, sâu bọ, mình thích ăn rau trái củ quả. Nhưng trong hóa thân nào đó mình thích ăn đồ chiên xào nấu nướng. Trong hóa thân nào đó mình chống chọi cái lạnh cái nóng bằng da, lông. Nhưng trong hóa thân nào đó mình chống chọi cái nóng cái lạnh bằng áo quần, y phục, dù nón,…
Tùy kiếp, tùy hóa thân. Như con bò con trâu nó chỉ chống chọi cái nóng cái lạnh bằng da và lông nó thôi, nhưng khi làm con người thì mình chống chọi cái nóng cái lạnh bằng áo quần, y phục, nhà cửa, xe cộ, mái che, vách ngăn,… . Nghĩa là, điều kiện hạnh phúc con bò không giống điều kiện hạnh phúc của con người. Và điều kiện hạnh phúc một người Nhật không giống điều kiện hạnh phúc một người Việt. Người Việt giàu khác người Việt nghèo. Người Việt khỏe mạnh không giống người Việt bệnh hoạn. Có người suốt ngày xức dầu, quấn khăn, trùm mền, trốn trong chỗ khuất nắng thì họ thấy đó là sướng. Nhưng có người phải vạch ngực, ở trần, mặc áo ba lỗ, xà lỏn, quần cụt đi nghênh ngang ngoài nắng, ngoài gió, họ mới thấy họ hạnh phúc. Nó có trường hợp đó.
Có người cả đời chỉ muốn ngâm nước, lội trong nước. Có người thấy nước là nổi da gà, rùng mình, lạnh xương sống. Thấy chưa? Có nghĩa là, tùy môi trường, điều kiện sinh học và nhiều nhiều và nhiều thứ mà chúng ta thích cái gì, ghét cái gì không giống nhau. Và từ đó, hễ có được cái mình thích thì gọi là hạnh phúc. Gặp cái mình ghét mình bèn gọi nó là đau khổ. Và, để giải quyết cái ý muốn trốn khổ tìm vui ấy, chuyện gì ta cũng làm. Có kẻ làm ác, có kẻ làm lành. Mà cứ vậy, làm nên dòng chảy sanh tử luân hồi bất tận, miên viễn thiên thu. Một ngày nào đó, gặp Phật pháp, gặp minh sư thiện hữu thì mình mới biết chững lại, biết sống niệm & tuệ để nhận ra bản chất đời sống, ồ thì nó là như vậy đó.
Thì Ngài mới nói như vậy nè.
Khi ngươi biết 6 căn chỉ là 6 căn, ở đây không có cá thể, không có cái tôi, không có bất cứ cái gì là của tôi hết, thì nhờ vậy. Cái này nó hơi đặc biệt chỗ này. Chỗ này chúng tôi dịch, ai mà cứ dựa vào bản Pali thì thấy kỳ lắm, tại sao chúng tôi lời dịch Việt dài hơn bản Pali. Vì sao như vậy? Bởi vì chúng tôi dựa vào trong chú giải.
Trong bản Pali rất gọn : “Khi ngươi hiểu được như vậy, thì ngươi sẽ không bị bởi cái ấy”. Bị cái gì? Không nói. Đó là một cách nói gọn. “Khi ngươi không bị bởi cái ấy, ngươi sẽ không bị trong ấy”. Bị cái gì trong ấy không nói. “Khi ngươi không bị trong ấy.” Bị cái gì trong ấy, không nói. Đó là một cách nói gọn. Ngôn ngữ nào cũng vậy, cũng có cách nói gọn.
Chẳng hạn như hôm qua, có cách nói vậy mà trời đất ơi, bác sĩ, dược sĩ, nha bằng cấp đầy một túi, mà nó gọi phone nó cự tôi mà coi như nó muốn chửi cha tôi luôn, nó không có hiểu.
Tôi nói thế này “ Cầm lên để hạnh phúc. Đặt xuống để hết khổ”. Họ không hiểu. Họ nói, tu là mình phải hổng được cầm lên, cầm lên là đau khổ, nói vậy lỡ người ta cầm lên. Ủa, câu sau sao không đọc? Nó hiểu vậy đó.
Giống như trong danh ngôn có câu này:
“Đừng đi trước tôi, tôi không muốn xem anh là thầy. Đừng đi sau lưng tôi, tôi không muốn làm thầy anh. Hãy đi ngang tôi, chúng ta là bạn.”
Câu này mà hiểu theo nghĩa đen, nghĩa tiểu học elementary là thấy bà nội luôn, sao hiểu.
Đừng đi trước tôi, tôi không làm học trò anh đâu. Đừng đi sau tôi, tôi không thích làm thầy anh. Hãy đi ngang tôi chúng ta là bạn. Câu này nghĩa nó rất là hay, sâu ghê lắm. Nghĩa là, anh đừng áp đặt, giáo điều, anh đừng lên mặt dạy đời tôi, tôi không nghe anh đâu, mà anh cũng đừng thờ phụng tôi, tôi không có muốn đâu. Nhưng mà chúng ta hài hòa, cởi mở, đồng cảm thì chúng ta sẽ có nhau. Hiểu vậy thì nó gọn, nó mềm biết bao nhiêu.
Cứ hiểu kiểu “Đừng đi trước tôi tôi không muốn làm học trò của anh. Đừng đi sau tôi tôi không muốn làm thầy của anh. Hãy đi ngang tôi thì chúng ta sẽ là bạn” Danh ngôn mà hiểu theo kiểu kia là thấy bà nội rồi. Đi chết đi.
Ở đây giải thích thế này.
Khi hiểu : Chỉ có 6 căn làm việc, chỉ 6 căn hiện hữu, ở đây không có cá thể nào hiện hữu, không có cá thể nào làm việc hết. Khi hiểu được như vậy cộng với duyên lành Ba La Mật. Thí dụ như, tôi nói thế này. Bà con ăn uống cẩn thận, thuốc men cẩn thận, thường xuyên tập thể dục, đầu óc lạc quan, sống chỗ thông thoáng, có gió có nắng thì sẽ khỏe mạnh. Nhưng mà phải có ngoặc đơn, là cơ địa bà con ra sao? Chứ còn bà mang trong mình căn bệnh di truyền từ nhiều đời, bà con hiện đang bị chứng nan y trong người, đang bị omicron trong người, mà bây giờ ăn uống cẩn thận, thể thao, phơi nắng,… nó đâu có tác dụng.
Khi người ta nói vậy là mình phải hiểu trong trường hợp nào. Chứ mình không có bắt người ta mở ngoặc đơn được. Nha. Ở đây cũng vậy, khi hiểu như vậy sẽ không bị trói buộc bởi tham ái & tà kiến, không chìm sâu trong ngã chấp đây là tôi, đây là của tôi, đây là bản ngã của tôi.
Bây giờ câu này mới ghê nè. Đó là dịch theo Chú giải, phần còn lại thì chúng tôi quay trở lại với Chánh tạng.
“Nhờ vậy, ngươi không tiếp tục hiện hữu ở nơi đâu và lúc nào nữa”. Đây là chúng tôi dịch gọn, chứ còn trong chú giải để thế này. “Nhờ vậy, ngươi sẽ không tiếp tục hiện hữu tại đây, ở đằng kia, giữa hai nơi. Đây chính là điểm kết thúc của tất cả đau khổ”
Idha = ở đây; Huraṁ = đằng kia; ubhayamantarena = ở giữa hai nơi.
Bản dịch chúng tôi làm gọn lại.
“Ngươi không tiếp tục hiện hữu ở nơi đâu và lúc nào nữa.” có nghĩa là sao? Có nghĩa là không bị vướng kẹt. idha = ở đây, huraṁ = ở đằng kia.
Ở đây là cái gì ? Ở đây có 3 định nghĩa. Hura, đây cũng có 3 nghĩa, và chữ ubhayamantarena cũng có 3 nghĩa. Nghĩa là 3 trường hợp đó.
a/ Trường hợp 1 : Ở đây = cõi dục, đằng kia = cõi vô sắc, ở giữa 2 nơi này = cõi sắc. Trong chú giải đề nghị như vậy.
b/ Trường hợp 2 : Ở đây = 6 nội xứ/ 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi,…) ; ở đằng kia = 6 trần (sắc, thinh, khí, vị, xúc, …) ;
Chỗ này bắt buộc chúng tôi phải ngưng lại. Phải ngưng ở đây. Toàn bộ thế giới này gồm có tinh tú, trăng sao, nhật nguyệt,… Rồi tới hành tinh này. Mà trăng sao gồm có luôn cả : Sao Hỏa, sao Kim, Thiên vương tinh, Mộc tinh, Venus, Saturn, Mars,… tùm lum. 9 ngôi sao trong Thái dương hệ, rồi cả hành tinh này gồm có đất đá, cây cỏ chim muông, súc vật, con người, bò bay máy cựa,… tất cả phi cầm tẩu thú, tất cả chỉ nằm gọn trong 6 căn và 6 trần. Là sao ?
Có nghĩa là ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi,… ra thì chỉ còn 6 trần. Tôi hỏi các vị, mặt trời có phải nằm trong 6 trần không ? Phải. Nó là đối tượng của mắt và đối tượng của ý. Mặt trời, mặt trăng đó. Mình không có rò được, mình không nếm nó được, mình không ngửi nó được, nhưng mình thấy nó được và mình suy nghĩ về nó được. Vậy nó nằm trong 6 trần.
Rồi, biển cả đại dương, kể cả những người đã chết, những vùng đất xa xôi mình chưa từng tới, thì nó vẫn là nằm trong 6 trần, nó thuộc về trần thứ 6, có nghĩa là đối tượng của ý thức, mình vẫn nghĩ về nó được.
Có nghĩa là, toàn bộ những gì mình thấy được, nghe được nó đều là trần hết. Thậm chí mình nghĩ về nó, nó cũng là trần. Trần cảnh, đối tượng.
Nhiều lần đi dạy tôi phải hỏi bà con. Thí dụ, bây giờ ngón tay của tôi nó là trần nào trong 6 trần ? Thì ai cũng nói đây là sắc trần hết, đối tượng của con mắt. Đúng không ? Tôi có thể ngửi ngón tay tôi được không ? Lúc bấy giờ nó là khí trần, đúng không ? Tôi có thể rờ nó được không ? Lúc bấy giờ nó là xúc trần. Đúng không ? và tôi có thể nhắm mắt lại tôi nghĩ về nó được không ? Được chứ. Như vậy chỉ ngón tay không là mình thấy nó tùm lum trần rồi.
Hoặc là bây giờ, chén cơm của mình, thức ăn trong chén cơm của mình, nó là mấy trần ? Nhiều trần lắm chứ. Mình nhìn nó thì nó là cảnh sắc, mình khua nó nghe lạo xạo nó là cảnh thinh. Mình nghe cái mùi nó nó là cảnh khí, mình ăn nó là cảnh vị, nó chạm vô môi, lưỡi là cảnh xúc. Mình nghĩ về nó, nó là cảnh pháp. Đúng chưa ? Chỉ là chén cơm mà đó là 6 trần rồi.
Chỉ vậy thôi. Nghĩa là mỗi lúc, mỗi khoảnh khắc, tích tắc mình sống với một trần nào đó thôi. Nhưng mà tại vì tụi nó tiếp nối nhau quá nhanh đi. Cái này phải học A Tỳ Đàm mới biết. Nó tiếp xúc nhau quá nhanh, mắt, tai, mũi, lưỡi,…
Thí dụ, tôi đang ngồi thiền, tôi đang theo dõi ra vô, ra vô, rồi rồi tâm tham, tâm sân, khó chịu nha, dễ chịu nha, đang ghi nhận tự nhiên « bùm » thì ý thức tôi nó đang làm việc, nhưng lúc đó âm thanh nó lớn quá nó cắt đứt ý thức làm việc, tôi đang theo dõi hơi thở, giờ theo dõi đó bị cắt khúc, đứt khúc. Nó nhường chỗ cho cái biết của lỗ tai. Lỗ tai nó nghe cái « bùm ». Lỗ tai nó vừa nghe cái « bùm » xong, quay trở lại ý thức. Ý thức là sao ta ? Là hết hồn hoặc là giận. Hết hồn là không biết cái gì. Còn giận « mình đang thiền mà tại sao họ ồn vậy ta ? Mình đang tu mà ? Bữa nay mình đang ăn chay mà tại sao nó chọc mình vậy ta ? Thí dụ vậy.
(còn tiếp)
⏱️
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh