2021-08-12, 05:41 PM
(tt và hết) Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya
14. Kinh Ðại bổn
(Mahàpadàna sutta) (3-3)
Tụng phẩm III.
1. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác liền suy nghĩ: "Nay Ta hãy thuyết pháp".
Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý "Y tánh duyên khởi pháp" (ida-paccayata paticca samuppàda); thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta!"
2. Này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên:
Quote:Sao nay Ta lại nói lên chánh pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn?
Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối.
Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó thấy pháp này.
Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế.
Này các Tỷ-kheo, với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề tâm của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hướng về vô vi, thụ động, không muốn thuyết pháp. Khi bấy giờ, một trong các vị Ðại Phạm thiên, khi biết được tư tưởng của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nhờ tư tưởng của mình, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ bị tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hướng về vô vi, thụ động, không muốn thuyết pháp!"
3. Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên ấy, như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng, cũng vậy vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, rồi vị Ðại Phạm thiên đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bạch rằng: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bị bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp. Nếu được nghe, những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp".
4. Này các Tỷ-kheo, được nghe nói vậy, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nói với vị Ðại Phạm thiên: "Này Phạm thiên, Ta đã suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý y tánh duyên khởi pháp; thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật mệt mỏi cho Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta". Này Phạm thiên, khi ấy những bài kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng nghe khởi lên nơi Ta:
Quote:Sao nay Ta lại nói lên chánh pháp mà Ta đã chứng ngộ rất khó khăn?
Pháp này khó mà chứng ngộ với những ai bị tham sân chi phối.
Những ai bị ái nhiễm và vô minh bao phủ rất khó mà thấy được pháp này.
Một pháp đi ngược dòng, vi diệu, thâm sâu, khó thấy, vi tế.
Này Phạm thiên, với những lời như vậy, suy tư trên vấn đề, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.
5. Này các Tỷ-kheo, lần thứ hai vị Ðại Phạm thiên ấy... (như trên)...
6. Này các Tỷ-kheo, lần thứ ba, vị Ðại Phạm thiên ấy bạch Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiên Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít bị bụi trần che phủ sẽ bị nguy hại nếu không được nghe chánh pháp, những vị này có thể thâm hiểu chánh pháp!"
Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác biết được lời khuyên thỉnh của vị Phạm Thiên, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận tánh nghịch, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước lớn lên dưới nước vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nhìn quanh thế giới với Phật nhãn. Ngài thấy có hạng chúng sanh nhiễm ít bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng tánh thuận tánh nghịch, có hạng dễ dạy khó dạy, một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.
7. Rồi vị Ðại Phạm thiên, với tâm mình biết được tâm tư của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, liền nói với Ngài, bài kệ sau đây:
Quote:Như con người đứng trên đỉnh núi nhìn quanh dân chúng phía dưới.
Cũng vậy Ngài Sumedha lên lầu chánh pháp, bậc biến nhãn, thoát ly sầu muộn.
Nhìn xuống quần chúng, âu lo sầu muộn bị sanh già áp bức.
Hãy đứng lên, bậc anh hùng, bậc chiến thắng ở chiến trường!
Vị trưởng đoàn lữ khách, đấng thoát ly mọi nợ nần!
Thế Tôn hãy đi khắp thế giới hoằng dương chánh pháp.
Có người nhờ được nghe, sẽ thâm hiểu diệu nghĩa!
Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trả lời vị Ðại Phạm thiên với bài kệ sau đây:
Quote:Cửa bất diệt đã được mở rộng,
Hỡi những ai được nghe, hãy từ bỏ tà kiến của mình.
Vì nghĩ đến mệt mỏi hoài công, này Phạm Thiên.
Ta không muốn giảng Chánh pháp vi diệu cho loài người!
Này các Tỷ-kheo, rồi vị Ðại Phạm thiên với ý nghĩ: "Ta đã là người mở đường cho Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuyết pháp", rồi đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.
8. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Ta thuyết pháp cho ai trước tiên? Ai sẽ mau hiểu chánh pháp này?"
Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác suy nghĩ: "Nay vương tử Khanda (Kiển-trà) và con vương sư Tissa (Ðề-xá) trú ở kinh đô Bandhumatì (Bàn-đầu-bà-đề) là bậc trí thức đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm ô bởi bụi đời. Nay ta hãy thuyết pháp cho vương tử Khanda và con vương sư Tissa trước tiên, hai vị này sẽ sớm thâm hiểu chánh pháp này".
Rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng, biến mất từ cây Bồ đề, hiện ra tại vườn Lộc Uyển Khenma, kinh đô Bhadhumatì.
9. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi người giữ vườn: "Này bạn, hãy vào kinh đô Bandhumatì, nhắn với vương tử Khanda và con vương sư Tissa rằng Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh đô Bandhumatì, hiện trú ở Lộc Uyển Khema và muốn gặp hai vị!"
- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".
Này các Tỷ-kheo, người giữ vườn vâng theo lời dạy của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vào kinh đô Bandhumatì và thưa với vương tử Khanda và con vương sư Tissa: "Thưa quý vị, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh đô Bandhumatì và hiện ở Lộc Uyển Khema. Ngài muốn gặp quý vị!"
10. Này các Tỷ-kheo, Vương tử Khanda và con vương sư Tissa cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình leo lên một cỗ xe thù thắng rồi cùng với các cỗ xe thù thắng khác, cho xe ra khỏi kinh thành Bandhumati, đi đến Lộc Uyển Khema, đi xe cho đến chỗ còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến trước Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Khi đến nơi, hai vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
11. Rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng, và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của hai vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà được chư Phật đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như tấm vải thuần tịnh không có tỳ vết, rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, vương tử Khanda và con vương sư Tissa, chính tại chỗ ngồi này chứng được Pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh rồi cũng phải diệt".
12. Hai vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự, diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật di diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn và quy y Pháp. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới".
13. Này các Tỷ-kheo, vương tử Khanda và con vương sư Tissa được xuất gia với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy hai vị này, khuyến khích làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết-bàn. Và hai vị này nhờ Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
14. Này các Tỷ-kheo, trong khi kinh thành Bandhumatì có đại chúng khoảng tám vạn bốn ngàn vị được nghe: "Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh thành Bandhumatì và ở tại Lộc Uyển Khema. Vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn, Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". Khi nghe vậy, các vị này tự nghĩ: "Chắc chắn, pháp luật này không thể tầm thường, sự xuất gia này không thể tầm thường, vì vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vương tử Khanda và con vương sư Tissa đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tại sao chúng ta lại không làm vậy?"
Này các Tỷ-kheo, rồi đại chúng ấy gồm khoảng tám vạn bốn ngàn vị đi ra khỏi kinh thành Bandhumatì đến Lộc Uyển Khema, chỗ Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở. Khi đến nơi, các vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
15. Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của các vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như tấm vải thuần tịnh, không có tỳ vết rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy tám vạn bốn ngàn vị này, chính tại chỗ ngồi này, chứng được pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh rồi cũng phải diệt".
16. Những vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, Như người dựng đứng lại, những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn và quy y Pháp. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới!".
17. Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị này được xuất gia với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy những vị này, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết Bàn. Và những vị này, nhờ Thế Tôn Vipassì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
18. Này các Tỷ-kheo, nay tám vạn bốn ngàn các vị xuất gia từ trước, được nghe: "Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã đến kinh thành Bandhumatì, ở tại Lộc Uyển Khema và thuyết pháp". Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này, đi đến Lộc Uyển Khema, chỗ Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở. Khi đến nơi, các vị này đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
19. Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuận thứ thuyết pháp, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục vọng và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết được tâm trí của các vị này đã thuần thục, nhu thuận, thoát ly triền cái, cao thượng và an tịnh, Ngài bèn thuyết pháp thoại mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như tấm vải thuần tịnh, không có tỳ vết, rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy tám vạn bốn ngàn vị xuất gia này, chính tại chỗ ngồi này, chứng được pháp nhãn xa trần ly cấu: "Phàm pháp gì đã sanh ra rồi cũng phải diệt".
20. Những vị này đã thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ người khác đối với đạo pháp của đức Bổn Sư, liền bạch Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: "Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Bạch Thế Tôn, nay chúng con quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tăng. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được xuất gia với Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con được thọ đại giới!"
21. Này các Tỷ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị xuất gia với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được thọ đại giới. Rồi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy những vị này, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, nêu rõ sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các pháp hữu vi và sự lợi ích của Niết Bàn. Và những vị này nhờ Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giảng dạy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với pháp thoại, không bao lâu tâm trí không còn chấp thủ, được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
22. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh đô Bandhumatì, Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, trong khi yên lặng tịnh cư đã suy nghĩ như sau: "Nay đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh thành Bandhumatì. Sao Ta lại không khuyến dạy các vị Tỷ-kheo ấy: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumati để tụng đọc giới bổn".
23. Này các Tỷ-kheo, một vị Ðại Phạm thiên khác, với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn Vipassi, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn Vipassi, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ kheo, lúc bấy giờ vị Ðại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bạch Ngài: "Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyến dạy đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị ở kinh đô Bandhumati: "Này các Tỷ-kheo hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp". Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm như các vị Tỷ-kheo. Sau sáu năm, các vị này đến kinh đô Bandhumati để tụng đọc giới bổn".
Này các Tỷ-kheo, Ðại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Thế Tôn Vipassi, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, lưng bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.
24. Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Vipassi, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vào buổi chiều xuất định đứng dậy và nói với các vị Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, trong khi Ta yên lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, ý nghĩ sau đây khởi lên: "Nay đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị trú tại kinh thành Bandhamatì. Sao Ta lại không khuyến dạy các Tỷ-kheo ấy: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sau sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumati để tụng đọc giới bổn".
25. Này các Tỷ-kheo, một Ðại Phạm thiên khác với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Ta. Như một vị lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại hay co lại cánh tay đã duỗi ra, vị này biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra trước mắt Ta. Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên, đắp thượng y trên một bên vai, chấp tay hướng đến Ta và bạch với ta: "Như vậy là phải, Bạch Thế Tôn! Như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy khuyến dạy đại chúng Tỷ-kheo khoảng sáu trăm tám mươi vạn vị ở kinh đô Bandhumatì: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe chánh pháp, sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ làm như các Tỷ-kheo. Sau sáu năm các vị này sẽ đến kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn". Này các Tỷ-kheo, vị Ðại Phạm thiên thuyết như vậy. Sau khi nói xong, vị này đảnh lễ Ta, lưng bên hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ.
26. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến dạy các ngươi: "Này các Tỷ-kheo, hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích, vì an lạc cho loài Người, loài Trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết giảng chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe giảng chánh pháp sẽ bị nguy hại. Nếu được nghe, sẽ thâm hiểu chánh pháp. Cứ sau sáu năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn".
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy, một phần lớn trong ngày ấy đã lên đường đi khắp quốc độ.
27. Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ tại Jambudìpa (Diêm phù đề) có tám vạn bốn ngàn túc xá. Khi một năm vừa mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, một năm vừa mãn, nay còn lại năm năm. Sau năm năm, hãy đến tại kinh đô Bandhamatì để tụng đọc giới bổn!"
Hai năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, hai năm vừa mãn, nay còn lại bốn năm. Sau bốn năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn!".
Ba năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, ba năm đã mãn, nay còn lại ba năm. Sau ba năm, hãy đến tại kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn!".
Bốn năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, bốn năm đã mãn, nay còn hai năm. Sau hai năm, hãy đến kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn!"
Năm năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, năm năm đã mãn, nay còn lại một năm. Sau một năm, hãy đến tại đô Bandhumati để tụng đọc giới bổn!"
Sáu năm đã mãn, chư Thiên tuyên bố: "Này Hiền giả, sáu năm đã mãn. Nay đã đến ngày đi đến kinh đo Bandhumati để tụng đọc giới bổn".
Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy, một số vị với thần lực của mình, một số với thần lực của chư Thiên trong ngày ấy đã đi đến kinh đô Bandhumatì để tụng đọc giới bổn.
28. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giữa chúng Tỷ-kheo, tụng đọc giới bổn này:
Quote:"Chư Phật dạy Niết-bàn là đệ nhất.
"Nhẫn nhục, khổ hạnh, kham nhẫn, là đệ nhất.
"Người xuất gia hại người xuất gia khác.
"Hại người khác như vậy không xứng gọi là Sa-môn.
"Mọi điều ác không làm, hướng tâm các thiện nghiệp.
"Giữ tâm trí thanh tịnh, chính lời chư Phật dạy.
"Không chỉ trích, không đánh đập, giữ mình trong giới bổn.
"Ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ riêng một mình.
"Hướng tâm đến cao khiết, chính lời chư Phật dạy".
29. Này các Tỷ-kheo, một thời ta ở tại Ukkhattha (Úc-Già La), trong rừng Subhaga, dưới gốc cây ta-la vương. Này các Tỷ-kheo, trong khi Ta an lặng tịnh cư, tư tưởng sau đây khởi lên: "Có một trú xứ, một loại chúng sanh rất dễ đến mà Ta từ trước không đến ở trong một thời gian khá lâu! Ðó là chư Thiên Suddhàvàsa (Tịnh Cư thiên). Vậy nay Ta hãy đến chư Thiên ở Tịnh Cư thiên!"
Này các Tỷ-kheo, như một lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay có lại cánh tay đã duỗi ra, Ta biến mất ở Ukkattha, trong rừng Subhaga, dưới gốc cây Ta-La vương và hiện ra trước chư Thiên ở Tịnh Cư thiên. Trong đại chúng chư Thiên ấy một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau:
"Này Hiền giả, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sanh, thuộc chủng tánh Sát Ðế Ly. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Kondanna (Câu-Ly-Nhã). Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây Pàtali (Ba-ba-la). Này Hiền giả, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Khanda (Kiển-trà) và Tissa (Ðề-xá). Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội, một Tăng hội sáu trăm tám mươi vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có vị thị giả Tỷ-kheo tên Asoka (A-dục), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Bandhuma, mẫu hậu tên là Bandhumatì (Bàn-đầu-bà-đề). Kinh thành của vua Bandhuma tên là Bandhumatì. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng con là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này".
30. Này các Tỷ-kheo, lại trong đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (... ... ) một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta: "Này Hiền giả, trong tiền kiếp này, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn, thuộc chủng tánh Sát-đế -lỵ, thuộc gia tộc Sát-đế-lỵ. Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc danh tánh Gotama (Cù-đàm). Này Hiền giả, Thế Tôn tuổi thọ không bao nhiêu, ít oi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút. Này Hiền giả, Thế Tôn giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát-đa- la). Này Hiền giả, Thế Tôn có hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử tên là Sàriputta và Moggallàna (Xá-lợi-phất và Mục kiền-liên). Này Hiền giả, Thế Tôn có một Tăng hội một ngàn hai trăm năm mươi vị. Này Hiền giả, Tăng hội này của Thế Tôn gồm toàn những vị đã diệt trừ lậu hoặc. Này Hiền giả, Thế Tôn có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Ananda (A-nan), vị này là thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana (Tịnh Phạn), Hoàng hậu là Màyà (Ma-gia) kinh đô là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Này Hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng tôi là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn, đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này".
31. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà (Vô Nhiệt thiên) đến chư Thiên Atappà (Vô Phiền thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi cùng với chư Thiên Avihà và chư Thiên Atappà đến chư Thiên Sudassà (Thiện Kiến thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà, chư Thiên Atappà và chư Thiên Sudassa đến chư Thiên Sudassi (Thiện Hiện thiên).
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà, chư Thiên Atappà, chư Thiên Sudassà và chư Thiên Sudassì đến chư Thiên Akanitthà (Sắc Cứu Kính thiên). Này các Tỷ-kheo, lại trong Ðại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: "Này Hiền giả, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời... (như đoạn kinh số 29)".
32. Này các Tỷ-kheo, lại trong đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (như trước) một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: "Này Hiền giả, trong tiền kiếp này đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời... (như đoạn kinh số 30)".
33. Này các Tỷ-kheo, như vậy Như Lai khéo chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: "Các bậc Thế Tôn này, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy".
Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
⏱️
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh