2021-06-05, 08:22 PM
U Silananda - MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN – TƯƠNG QUAN THỨ SÁU
https://theravada.vn/muoi-hai-nhan-duyen...n-thu-sau/
Tương Quan Thứ Sáu
Do đó có ba vòng với ý nghĩa là đi lòng vòng và cứ tiếp tục diễn ra. Một khi có Thức thì Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ sanh khởi. Ngay cả Đức Phật cũng không chận được diễn trình này. Tuy nhiên, theo Đức Phật, có một kẽ hở trong Pháp Duyên Sinh mà ở đó chúng ta có thể làm đứt đoạn Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh để thoát khỏi luân hồi. Đó là tương quan kế tiếp.
(Hết)
https://theravada.vn/muoi-hai-nhan-duyen...n-thu-sau/
Tương Quan Thứ Sáu
Do Xúc Làm Điều Kiện, Thọ Sanh Khởi (Phassa-paccayā Vedanā = Xúc Duyên Thọ)
Công thức của tương quan này là: “Do Xúc làm điều kiện, Thọ sanh khởi”.
Thọ (vedanā) hay cảm thọ là kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng cho dù đó là sự thỏa thích hay chịu đựng đối tượng. Khi đối tượng được ưa thích sẽ có thỏa thích thụ hưởng; trái lại, nếu đối tượng không được ưa thích sẽ có chịu đựng hay đau khổ. Thỏa thích hay chịu đựng đều là Thọ.
Như vậy Thọ là kinh nghiệm hoàn toàn đối tượng trong khi đó Xúc là kinh nghiệm rõ ràng về đối tượng. Mặc dầu có những trạng thái tâm hay tâm sở khác cũng kinh nghiệm đối tượng nhưng Thọ là kinh nghiệm trọn vẹn nhất. Hãy lấy một ví dụ để thấy sự khác biệt giữa Xúc và Thọ. Đó là trường hợp người sửa soạn đồ ăn cho vua. Người nầy dọn nhiều món nhưng trước khi vua ăn người này phải nếm từng món ăn trước để xem thức ăn có bị độc hay không. Người đó nếm nhưng chính nhà vua là người thọ hưởng hay kinh nghiệm trọn vẹn thức ăn. Người nếm biết rõ ràng về thức ăn nhưng vì chỉ nếm mỗi thứ một ít nên không thể thọ hưởng và thưởng thức trọn vẹn thức ăn được. Do đó, chúng ta có thể ví Xúc như người sửa soạn đồ ăn và Thọ như nhà vua.
Tương ưng với sáu loại xúc là sáu loại Thọ. Khi quí vị thấy một đối tượng chẳng hạn như thấy một vật, nhãn thức sanh khởi. Cùng sanh khởi với nhãn thức là nhãn xúc và cùng với nhãn xúc là Nhãn Thọ (cakkhu-vedanā). Nhãn Thọ là thọ sanh khởi có nhãn xúc làm điều kiện. Khi thấy một vật vừa ý hay đẹp đẽ, cảm thọ là một kinh nghiệm thích thú hay lạc thọ (sukkha-vedanā). Khi thấy một vật không vừa ý hay xấu xí, khổ thọ (dukkha-vedanā) sanh khởi. Khi không thích cũng không không thích đối tượng được thấy, kinh nghiệm sẽ là cảm thọ trung tính hay xả thọ (upekkhā-vedanā). Do đó, tùy thuộc vào tính chất hay đặc tính của đối tượng mà có lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ.
Cảm thọ sanh khởi bởi vì có xúc làm điều kiện. Điều này có nghĩa là kinh nghiệm trọn vẹn đối tượng chỉ xảy ra khi có kinh nghiệm rõ ràng về đối tượng. Nếu xúc yếu, có thể sẽ không có kinh nghiệm trọn vẹn về đối tượng. Chẳng hạn trong khi nhìn một vật gì có thể sẽ không nghe tiếng động đang xảy ra hay nghe nhưng không biết mình nghe bởi vì nhĩ xúc lúc đó quá yếu do quý vị đang chăm chú nhìn. Như vậy, khi xúc mạnh, thọ sẽ mạnh và khi xúc yếu, thọ cũng sẽ yếu.
Sư đã có giảng là thọ có thể là lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính. Nhưng nếu có kiến thức về Vi Diệu Pháp, quí vị sẽ thấy thọ cùng sanh khởi với nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức hay thân thức chỉ là thọ trung tính mà thôi. Như vậy tại sao Sư nói là có ba loại cảm thọ?
Theo đúng Vi Diệu Pháp thì ngay vào lúc vừa mới thấy, nghe, ngửi, nếm, và đụng chỉ có thọ trung tính. Nhưng ngoại trừ Đức Phật, không có ai có thể thấy rõ ràng từng tâm hay thức một. Bởi vì tâm sanh diệt rất nhanh, nhanh đến nỗi trí tuệ của chúng ta không đủ mạnh để thấy mỗi chập tâm hay mỗi thức một cách rõ ràng. Chúng ta giỏi lắm chỉ có thể thấy diễn trình của tâm gồm một số chập tâm hay một số thức liên hệ với nhau như được đề cập ở trên bao gồm ngũ môn hướng tâm, tiếp nhận tâm, suy đạc tâm, tốc hành tâm, đăng ký tâm… Và với suy đạc tâm, tốc hành tâm và đăng ký tâm, sẽ có lạc thọ hay khổ thọ. Do đó, mà chúng ta nói là ngay khi thấy sẽ có lạc thọ, khổ thọ sanh khởi là vậy.
Luận thư Thanh Tịnh Đạo giải thích khác. Kết quả của nghiệp bất thiện luôn luôn là đau khổ và kết quả của nghiệp thiện là tốt lành. Do đó, thọ trung tính sanh khởi với nhãn thức là kết quả của nghiệp thiện hay bất thiện trong quá khứ nên không hẳn là trung tính mà có hương vị đau khổ nếu là kết quả của nghiệp bất thiện và tốt lành nếu là kết quả của nghiệp thiện. Thọ trung tính ở đây do đó không giống như những loại thọ trung tính khác.
Vì thế, khi quí vị thấy một cái gì đẹp, cùng sanh khởi với nhãn thức là thọ trung tính theo Vi Diệu Pháp nhưng thọ này có hương vị vui sướng vì do kết quả của thiện nghiệp trong quá khứ. Trái lại, khi quí vị thấy một đối tượng xấu xa, thọ trung tính sanh khởi cùng với nhãn thức nhưng có hương vị đau khổ vì là kết quả của bất thiện nghiệp từ kiếp trước.
Đó là lý do tại sao chúng ta nói khi thấy một vật gì thì sẽ có lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính sanh khởi cùng với nhãn thức mặc dầu một cách chặt chẽ theo Vi Diệu Pháp chỉ có thọ trung tính mà thôi.
Quí vị có thể thấy các loại thọ này nếu biết chú niệm. Khi hành thiền, chánh niệm chú tâm vào những gì sanh khởi nổi bật ngay trong giây phút hiện tại quí vị sẽ thấy được lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính sanh khởi. Trong ba loại thọ này, thọ trung tính khó thấy nhất. Thường quí vị không biết đó là thọ trung tính. Bởi vì thọ trung tính vi tế nên không dễ nhận ra như lạc thọ hay khổ thọ. Đôi khi quí vị phải nhận diện thọ trung tính bằng cách dựa vào cảm thọ xảy ngay trước thọ trung tính và cảm thọ xảy ngay sau thọ trung tính. Chẳng hạn như chúng ta không thấy rõ ràng thọ trung tính nhưng thấy lạc thọ trước đó và khổ thọ sau đó. Bằng cách suy diễn, chúng ta biết rằng giữa hai loại thọ xảy ra này phải có thọ trung tính.
Do đó, thọ trung tính hay xả thọ rất khó thấy. Đôi khi thiền sinh thấy mất đối tượng theo dõi hoặc không biết chuyện gì xảy ra ngay lúc đó, thật sự đó là thọ trung tính. Ngược lại, lạc thọ và khổ thọ rất dễ thấy vì khi có lạc thọ quí vị biết mình có lạc thọ và khi có khổ thọ sẽ biết mình có khổ thọ.
Khi xúc mạnh, thọ sẽ mạnh. Nhiều khi quá thích một bản nhạc nên nghe đi nghe lại nhiều lần đến nỗi đôi khi còn sợ hết nữa. Sư có người bạn đang nghe một bản nhạc rất dài nhưng ông ta lại cho là ngắn. Khi nghe xong, ông còn nghe lại nhiều lần. Sở dĩ như vậy là vì xúc quá mạnh nên ông ta có lạc thọ khi nghe bản nhạc đó. Thật ra kinh nghiệm của ông còn mạnh hơn lạc thọ vì đó là ham thích hay ái. Trái lại khi gặp âm thanh không thích thì khổ thọ sẽ sanh khởi và có thể bực bội nữa. Nếu âm thanh quí vị nghe là một âm thanh bình thường, không thích cũng không ghét, quí vị sẽ có thọ trung tính đối với âm thanh đó. Do đó, khi xúc mạnh, thọ sẽ mạnh và khi xúc không mạnh, thọ sẽ không mạnh. Cảm thọ liên hệ đến sự nghe là cảm thọ sanh khởi từ nhĩ xúc được gọi là Nhĩ Thọ (sota-vedanā).
Khi ngửi mùi là có tiếp xúc và kinh nghiệm trọn vẹn mùi đó. Nếu mùi thơm như nước hoa quí vị sẽ thích và thưởng thức nên có lạc thọ. Nếu mùi hôi, mùi của xác chết rữa thối hay mùi đồ ăn hư chẳng hạn, quí vị bịt mũi. Ngay lúc đó quí vị khó chịu hay có khổ thọ. Nếu mùi không thơm cũng không hôi, quí vị sẽ có thọ trung tính. Thọ liên hệ đến ngửi có tỉ xúc làm điều kiện được gọi là Tỉ Thọ (ghāna- vedanā).
Đối với nếm cũng vậy. Khi ăn một thứ gì, quí vị sẽ thưởng thức và thỏa thích nếu thức ăn ngon. Đó là lạc thọ. Nếu không thích thức ăn, quí vị sẽ có khổ thọ. Như trường hợp của Sư, tháng trước Sư bị bịnh và có một Phật tử nấu thuốc cho Sư uống. Đây là một loại thuốc rất đắng tương tự như thuốc Bắc tại xứ của quí vị. Mặc dầu thuốc chữa bịnh rất tốt nhưng vị đắng của thuốc làm Sư khổ sở. Đó là khổ thọ. Nếu vị không ngon cũng không dở, quí vị có thọ trung tính. Cảm thọ dù lac, khổ hay trung tính sanh khởi vì có xúc làm điều kiện. Thọ trong trường hợp nếm có thiệt xúc làm điều kiện được gọi là Thiệt Thọ (jivhā-vedanā).
Bây giờ đến sự đụng chạm của thân. Khi thân thể tiếp xúc với vải lụa hay những gì mềm mại, quí vị có cảm giác thích thú và thưởng thức kinh nghiệm này. Đó là lạc thọ. Nhưng nếu đụng vật cứng bị đau, quí vị có khổ thọ. Nếu đối tượng bình thường không mềm không cứng, quí vị có thọ trung tính. Trong các sự đụng chạm này, cảm thọ sanh khởi vì có xúc và xúc sanh khởi do sự gặp gỡ của ba yếu tố: phần nhạy cảm của thân (thân căn), đối tượng đụng chạm, và thân thức. Thọ liên hệ đến sự đụng chạm của thân chịu điều kiện của thân xúc được gọi là Thân Thọ (kāya-vedanā).
Bây giờ đến liên hệ giữa xúc và cảm thọ qua ý căn. Trường hợp này hơi khó hiểu. Do đó, chúng ta nên lấy vài ví dụ cho dễ hiểu. Chẳng hạn đọc một cuốn truyện diễn tả hay kể lại một điều gì đó khiến quí vị nghĩ là có thật. Như truyện mô tả một thành phố và trong tâm quí vị mường tượng ra thành phố này. Hay chuyện diễn tả dân cư và trong tâm quí vị thấy có nhiều người. Hoặc truyện nói điều gì vui và quí vị cười mặc dù chỉ có một mình. Hoặc truyện đề cập đến đối tượng của sự tức giận khiến quí vị bực bội… Và khi thích cuốn truyện, quí vị sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần. Sư nghĩ quí vị biết truyện về Sherlock Holmes. Tác giả của truyện này chán không muốn tiếp tục viết nữa nên đã cho nhân vật chính chết. Nhưng khi truyện được phổ biến, độc giả tới tấp gởi thư yêu cầu tác giả đừng để nhân vật chính chết bởi vì họ rất thích nhân vật này. Do đó, tác giả phải tìm cách cho nhân vật Sherlock Holmes sống lại để tiếp tục viết truyện. Quí vị thấy ảnh hưởng sâu đậm của truyện đối với độc giả và trí tưởng tượng cũng thật phong phú phải không. Các cảm thọ sâu đậm như vậy sanh khởi bởi vì ý xúc ở đây thật mạnh mẽ.
Bây giờ hãy xét đến tính cách phức tạp của trường hợp cảm thọ sanh khởi do Ý Xúc (manosanphassa) làm điều kiện. Điều này không phải dễ hiểu. Để cho ý xúc sanh khởi phải có ba điều kiện: ý căn, đối tượng của tâm hay pháp căn (dhammārammana), và thức hay tâm năng động. Ý căn thật ra là hữu phần hay luồng hộ kiếp (bhavanga). Đối tượng của tâm hay Pháp Căn (dhammārammana) ở đây cũng rất khó hiểu bao gồm các phần nhạy cảm của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, giống đực, giống cái, tứ đại, mạng căn…Các đối tượng này không thấy được bằng mắt trần nhưng nhận biết qua tâm. Thủy đại chẳng hạn không thể thấy hay sờ mó được nhưng chỉ được tâm nhận biết. Khi quí vị nghĩ đến những đối tượng là có sự tiếp xúc giữa thức hữu phần với đối tượng đó và tâm năng động sanh khởi. Cả ba điều kiện ý căn (hữu phần), pháp căn (đối tượng) và tâm năng động gặp nhau làm ý xúc sanh khởi.
Như vậy, ý căn đầu tiên là hữu phần (bhavanga). Hữu phần cũng là thức và là kết quả của nghiệp quá khứ nên có thể tạm gọi là thức thụ động. Do có tiền nghiệp mà hữu phần sanh khởi trong kiếp này và sẽ tiếp tục sanh khởi trong suốt kiếp hiện tại khi không có đối tượng nổi bật nào làm cho thức năng động xảy ra. Khi có đối tượng nổi bật, hữu phần dừng nghỉ để các thức năng động sanh khởi. Khi không còn các thức năng động nữa, hữu phần sanh khởi trở lại. Do đó, hữu phần hay thức thụ động là ý căn làm bối cảnh cho tâm thức hầu như luôn luôn có mặt để duy trì kiếp sống. Luồng hộ kiếp này liên tục trôi chảy cho đến khi có tâm năng động xảy ra.
Khi các đối tương nổi bật đánh động vào hữu phần, hữu phần rung chuyển rồi dừng nghỉ. Khi hữu phần dừng nghỉ, các thức năng động liền sanh khởi chẳng hạn như là ngũ môn hướng tâm hay thức hướng đến các cửa giác quan và các thức kế tiếp sanh khởi… Do đó, hữu phần được xem như cội nguồn hay là căn bản của các tâm năng động bởi vì nếu không có hữu phần, các tâm vương hay thức năng động này không thể xảy ra. Và hữu phần cũng phải đủ mạnh để khiến cho các tâm năng động sanh khởi vì nếu hữu phần yếu ớt, các tâm năng động không thể sanh khởi. Chẳng hạn như khi buồn ngủ, quí vị không thể nghe những gì người khác nói hay không hay biết đối tượng một cách rõ rệt nên không có tâm năng động nào có thể sanh khởi được. Lý do là hữu phần quá yếu để làm điều kiện cho các tâm năng động xảy ra.
Tóm lại, ba điều kiện làm cho ý xúc sanh khởi gồm hữu phần là ý căn, đối tượng của tâm như phần nhạy cảm của mắt, tai… là pháp căn, và các thức năng động. Khi ý căn, pháp căn và thức năng động gặp gỡ với nhau, ý xúc sanh khởi. Và cùng với ý xúc này, ý thọ (mano-vedanā) sanh khởi. Ý thọ có thể là lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính.
Lấy trường hợp nghĩ đến mắt tốt và cảm thấy vui sướng làm ví dụ. Quí vị có mắt tốt nên không phải mang kính như Sư. Bây giờ, khi quí vị nói có mắt tốt có nghĩa tâm suy nghĩ là thức năng động lấy phần nhạy cảm của mắt (nhãn căn) làm đối tượng. Tâm suy nghĩ hay thức năng động này cũng có ý căn là hữu phần đủ mạnh làm điều kiện để sanh khởi. Sự gặp gỡ của ba điều kiện ý căn (hữu phần), pháp căn (đối tượng của tâm là nhãn căn), và thức năng động (tâm suy nghĩ) khiến ý xúc sanh khởi. Ý xúc này làm điều kiện cho cảm giác vui sướng hay lạc thọ sanh khởi.
Quí vị nghĩ đến mắt tốt của mình và vui sướng. Đó là lạc thọ. Riêng Sư phải luôn luôn mang kính, nếu không sẽ không thấy gì rõ ràng. Do đó, khi nghĩ đến mắt, Sư không vui như quý vị. Đôi khi lại buồn cho tình trạng tệ hại của mắt mình. Như vậy, lấy phần nhạy cảm của mắt làm đối tượng, đối với Sư khổ thọ sanh khởi. Nếu mắt bình thường, không tốt cũng không xấu thì cảm thọ sanh khởi không phải lạc thọ cũng không phải khổ thọ nhưng là thọ trung tính.
Tóm lại, với phần nhạy cảm của mắt làm đối tượng, lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính sanh khởi tùy theo điều kiện của đối tượng và ý xúc.
Khi Sư bị bịnh ba ngày, Sư gần như mất hẳn khứu giác. Sư nhận ra được điều này khi thắp hương lễ Phật. Thông thường, Sư ngửi thấy mùi thơm nồng khi lấy hương ra nhưng hôm đó không cảm thấy gì hết. Sư nghĩ có lẽ hương hết mùi rồi nhưng khi thắp hương lên Sư cũng chẳng thấy mùi nữa. Lúc đó Sư nghi mình đã bị mất khứu giác. Rồi Sư thử ngửi mùi nước hoa và chỉ ngửi thấy sơ sơ mà thôi. Sư biết mình đã thật sự mất khứu giác và buồn về việc này. Do đó, khổ thọ sanh khởi khi tâm suy nghĩ của Sư lấy sự nhạy cảm của mũi làm đối tượng và chịu điều kiện bởi ý xúc.
Rồi sau ba ngày, khứu giác của Sư hồi phục và Sư cảm thấy vui sướng. Đó là lạc thọ. Và bây giờ Sư không có lạc thọ cũng không có khổ thọ về khứu giác nữa hay đúng hơn Sư đang có thọ trung tính. Do đó, ý thọ này sanh khởi khi tâm Sư lấy sự nhạy cảm của mũi làm đối tượng. Và tùy thuộc vào phần nhạy cảm của mũi mà ý thọ của Sư có thể là lạc thọ, khổ thọ hay thọ trung tính.
Tóm lại, ý thọ sanh khởi chịu điều kiện bởi ý xúc. Chúng ta nên nhớ ba yếu tố làm điều kiện cho ý xúc gồm hữu phần giữ vai trò nguồn cội của tâm năng động (ý căn), đối tượng của tâm (pháp căn), và tâm năng động (thức). Lấy pháp căn làm đối tượng, các tâm năng động sanh khởi từ hữu phần. Cùng sanh khởi với tâm năng động này là ý xúc và ý thọ. Ý xúc tức là trạng thái tâm sanh khởi do sự gặp gỡ giữa đối tượng của tâm và tâm năng động chịu điều kiện của hữu phần. Ý thọ có mặt nhờ có ý xúc mạnh mẽ. Mặc dù cả hai ý xúc và ý thọ đồng sanh khởi nhưng xúc là yếu tố điều kiện và thọ là yếu tố chịu điều kiện. Đó là tương quan “Do Xúc làm điều kiện, Thọ sanh khởi.”
Bây giờ quí vị đã biết có ba loại cảm thọ liên hệ với mỗi căn. Đó là lạc thọ, khổ thọ và thọ trung tính. Có sáu căn nên có tất cả 18 loại cảm thọ.
Theo luận thư Thanh Tịnh Đạo, có hai tương quan giữa xúc và thọ.
Tương quan thứ nhất là xúc và thọ cùng sanh khởi và hỗ trợ lẫn nhau. Đây là liên hệ hỗ tương. Sự liên hệ này xảy ra khi chúng cùng sanh khởi với một tâm năng động. Tương quan thứ hai là hỗ trợ mạnh mẽ. Theo đó, xúc sanh khởi trong một chập tâm làm điều kiện cho thọ sanh khởi trong chập tâm kế tiếp. Ví dụ, cùng sanh khởi với nhãn thức, có nhãn thọ và nhãn xúc. Sự liên hệ giữa xúc và thọ ở đây là hỗ tương vì chúng đồng sanh khởi. Nhưng liên hệ giữa nhãn xúc của nhãn thức và thọ của tiếp nhận tâm kế tiếp nhãn thức trong lộ trình tâm là hỗ trợ mạnh mẽ. Xúc và thọ trong trường hợp này không sanh khởi đồng thời vì chúng thuộc vào hai thời điểm khác nhau. Xúc thuộc nhãn thức ở thời điểm trước làm điều kiện cho thọ của tiếp nhận tâm thuộc thời điểm sau sanh khởi. Tóm lại, có hai sự tương quan giữa xúc và thọ tùy theo chúng cùng sanh khởi hay sanh khởi vào hai thời điểm kế nhau. Thật ra quí vị phải hiểu 24 cách liên hệ trong Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhana) mới hiểu rõ ràng về tương quan này.
Sư muốn nhấn mạnh lại ở đây là khi chúng ta gọi cái này chịu điều kiện bởi cái kia thì không nhất thiết cái này phải do cái kia sanh khởi hay chúng phải thuộc vào hai thời điểm khác nhau. Yếu tố điều kiện và yếu tố chịu điều kiện có thể sanh khởi đồng thời và liên hệ hỗ tương hay thuộc vào hai thời điểm khác nhau và liên hệ theo sự hỗ trợ mạnh mẽ hoặc tương quan nhân quả. Và liên hệ giữa các nhân duyên trong các tương quan hay giữa các tương quan với nhau phải được hiểu đúng theo các điều kiện tương quan hay Duyên Hệ Duyên dạy trong sách cuối cùng của Vi Diệu Pháp thì mới chính xác. Chỉ khi nào hiểu đúng đắn theo các điều kiện duyên hệ này chúng ta mới hiểu Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên một cách trọn vẹn. Nếu không chỉ là sự hiểu biết không đầy đủ.
Chúng ta đã đi qua các nhân duyên Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ. Vô Minh thuộc Vòng Ô Nhiễm, Hành thuộc Vòng Nghiệp và Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ thuộc Vòng Quả. Vòng Ô Nhiễm điều kiện Vòng Nghiệp và Vòng Nghiệp sanh ra Vòng Quả. Tùy thuộc vào năm yếu tố kết quả Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ, ô nhiễm hay phiền não lại sanh khởi. Như vậy, Vòng Quả trở lại làm điều kiện cho Vòng Ô Nhiễm xảy ra. Cứ thế mà diễn tiến hoài nên gọi là luân hồi (samsāra).
Do đó có ba vòng với ý nghĩa là đi lòng vòng và cứ tiếp tục diễn ra. Một khi có Thức thì Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ sanh khởi. Ngay cả Đức Phật cũng không chận được diễn trình này. Tuy nhiên, theo Đức Phật, có một kẽ hở trong Pháp Duyên Sinh mà ở đó chúng ta có thể làm đứt đoạn Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh để thoát khỏi luân hồi. Đó là tương quan kế tiếp.
(Hết)
⏱️
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh
Diễn đàn tuy ảo, nhưng nghiệp quả có thật
Sư Toại Khanh (Giác Nguyên) Giảng Kinh