2020-01-24, 02:14 PM
Buổi chiều cuối năm âm lịch, bạn đứng đợi xe bus, tuyết rơi lất phất trên đầu nhưng bạn không thấy lạnh, chỉ thấy ngơ ngác buồn. Bất chợt bạn nghe thấy tiếng nói của một người Việt, trên đường phố đông đúc nơi đất khách, nghe thấy tiếng đồng bào mình làm bạn thấy xốn xang. Tiếng người nam nói rất to, bên đầu kia không rõ đã hỏi gì, khi bạn ngoảnh đầu lại nhìn thấy khuôn mặt của bạn trai có vẻ buồn bã, trước khi cúp máy, giọng cậu nghẹn ngào: “Mệ để tiền mà may áo mới. Vài năm nữa con về”. Bạn bối rối quay đi, tránh một giọt nước mắt rơi vội.
Bạn nhớ ngày còn đi học, mỗi dịp Tết về, bạn thường đi chơi liên miên, không mấy khi ở nhà ăn một bữa cơm đoàn tụ. Nếu không đi chơi, bạn cũng thường đọc truyện, xem phim đến sáng mới đi ngủ, tỉnh dậy đã trưa chiều, nhà cửa, cỗ bàn đều có ba mẹ lo tươm tất. Buổi chiều 30, mẹ bận vẫn đun một nồi nước mùi vỏ bưởi thơm lừng cho bạn tắm gội trước khi đi chơi. Bạn đã đi qua những ngày Tết bằng những lời ca thán, bằng những ký ức đã ngỡ là nhàn nhạt của một tuổi trẻ rong chơi như thế. Và có lẽ, Tết trong cảm nhận của rất nhiều người trẻ đã từng giống như bạn, là muốn đi hơn về, muốn bước ra ngoài hơn ở nhà. Nhưng rồi khi bước chân đã mỏi, bên ngoài dẫu đẹp cũng chẳng còn thú vị, đến một độ tuổi chỉ còn muốn tìm kiếm những nơi yên tĩnh và bình yên, bạn chợt nhận ra: Tết là để trở về, Tết là để đoàn viên, là sum họp và nhắc nhở nhau nhớ về cội nguồn, chỉ thế thôi. Thì khi ấy, những thở than mệt mỏi vì phải dọn dẹp, những tất bật cỗ bàn và những buồn chán vì Tết chỉ có vậy đã chẳng còn là nỗi ám ảnh và sợ hãi nữa. Giá trị của Tết cổ truyền vốn dĩ không phải mỗi năm chỉ có một lần để ôn lại và nhắc nhớ hay sao?
Trên chuyến xe bus về nhà, bạn cứ nhớ mãi giọt nước mắt rơi vội và câu nói nghẹn ngào của bạn nam ở bến xe: “Mấy năm nữa con về”. Tết trong ký ức của bạn chầm chậm trở về theo từng vòng lăn của bánh xe. Những ngôi nhà nhoè nhoẹt lướt qua ô cửa kính nhưng dẫu mỏi mắt tìm kiếm, ở nơi nào có ánh đèn ấm áp và bình yên như trong bếp của mẹ, ở nơi nào gói cả những ngọt bùi chát đắng như ấm trà toả khói trong phòng khách của ba, ở nơi nào sau một đêm tỉnh dậy, vẫn thấy mình mãi mãi là trẻ thơ khi mâm cơm đủ đầy có gia đình đang đợi, vẫn nguyên vẹn háo hức khi mở ra phong bao lì xì của ba mẹ, anh chị, cho dù có lớn lên bao nhiêu, đi bao xa đi nữa? Ở nơi nào có một cái Tết như thế nếu như bạn không trở về?
Tết không phải là mâm cao cỗ đầy, càng không cần phải khoe phú quý giàu sang, bánh kẹo tiền vàng, trang hoàng rực rỡ, nhưng Tết sẽ không thể đủ đầy khi gia đình không gắn kết, khi niềm vui không lan toả, khi yêu thương không đong đầy sẻ chia. Bạn vẫn nhớ mãi những điều ba mẹ dặn ngày bé: “Tết là không được cau có, Tết là phải vui vẻ thì cả năm mới may mắn”, thế thì chúng mình đang khó chịu điều gì nếu như Tết có phải làm nhiều hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút? Đừng khó chịu nếu khách đến nhà có hỏi han một vài điều chưa tế nhị, chỉ vì cả năm, có khi nhiều năm không gặp, họ có lấy câu chuyện làm quà cũng là để có cái để hỏi mà thôi, đôi khi câu trả lời của bạn cũng chẳng quan trọng lắm để người ta phải nhớ đâu. Đừng khó chịu nếu cả năm qua không có gì mới, mọi thứ chưa được như ý nhưng trong những giây phút cuối cùng của năm, cả nhà vẫn mạnh khoẻ và vui vẻ quây quần bên mâm cơm truyền thống, cùng chờ xem Táo Quân, đón pháo hoa, cùng chuẩn bị đi lễ chùa đầu năm và trở về xông đất, đó đã là những mong ước lớn nhất của bạn sau những tất bật ngoài kia.
Trong ba lô của bạn vẫn luôn có cuốn “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, để mỗi thời khắc cuối năm đến, bạn lại mở ra đọc và nhớ đến cái vòm cửa cong cong quen thuộc, ở nơi đó, mẹ đang gói bánh, ba đang pha trà, tiếng hát Chế Linh da diết vang lên: “Gió trút lá, cho mùa thu thay áo. Nhuộm một đời vàng những đam mê. Bao nhọc nhằn hằn trên lưng mẹ. Nỗi ưu tư phủ trắng mái đầu cha. Mỗi căn nhà nơi bậc thềm xanh lá. Ta bên nhau trong tất cả tình yêu. Bao hoài vọng dọc về theo phố cũ. Chợt thấy lại mình trong mỗi sớm mai”.
Tết là gì nhỉ? Là để đi xa rồi nhớ đến và khao khát được trở về ...
Facebooker Như Biển 1/24/2020
Bạn nhớ ngày còn đi học, mỗi dịp Tết về, bạn thường đi chơi liên miên, không mấy khi ở nhà ăn một bữa cơm đoàn tụ. Nếu không đi chơi, bạn cũng thường đọc truyện, xem phim đến sáng mới đi ngủ, tỉnh dậy đã trưa chiều, nhà cửa, cỗ bàn đều có ba mẹ lo tươm tất. Buổi chiều 30, mẹ bận vẫn đun một nồi nước mùi vỏ bưởi thơm lừng cho bạn tắm gội trước khi đi chơi. Bạn đã đi qua những ngày Tết bằng những lời ca thán, bằng những ký ức đã ngỡ là nhàn nhạt của một tuổi trẻ rong chơi như thế. Và có lẽ, Tết trong cảm nhận của rất nhiều người trẻ đã từng giống như bạn, là muốn đi hơn về, muốn bước ra ngoài hơn ở nhà. Nhưng rồi khi bước chân đã mỏi, bên ngoài dẫu đẹp cũng chẳng còn thú vị, đến một độ tuổi chỉ còn muốn tìm kiếm những nơi yên tĩnh và bình yên, bạn chợt nhận ra: Tết là để trở về, Tết là để đoàn viên, là sum họp và nhắc nhở nhau nhớ về cội nguồn, chỉ thế thôi. Thì khi ấy, những thở than mệt mỏi vì phải dọn dẹp, những tất bật cỗ bàn và những buồn chán vì Tết chỉ có vậy đã chẳng còn là nỗi ám ảnh và sợ hãi nữa. Giá trị của Tết cổ truyền vốn dĩ không phải mỗi năm chỉ có một lần để ôn lại và nhắc nhớ hay sao?
Trên chuyến xe bus về nhà, bạn cứ nhớ mãi giọt nước mắt rơi vội và câu nói nghẹn ngào của bạn nam ở bến xe: “Mấy năm nữa con về”. Tết trong ký ức của bạn chầm chậm trở về theo từng vòng lăn của bánh xe. Những ngôi nhà nhoè nhoẹt lướt qua ô cửa kính nhưng dẫu mỏi mắt tìm kiếm, ở nơi nào có ánh đèn ấm áp và bình yên như trong bếp của mẹ, ở nơi nào gói cả những ngọt bùi chát đắng như ấm trà toả khói trong phòng khách của ba, ở nơi nào sau một đêm tỉnh dậy, vẫn thấy mình mãi mãi là trẻ thơ khi mâm cơm đủ đầy có gia đình đang đợi, vẫn nguyên vẹn háo hức khi mở ra phong bao lì xì của ba mẹ, anh chị, cho dù có lớn lên bao nhiêu, đi bao xa đi nữa? Ở nơi nào có một cái Tết như thế nếu như bạn không trở về?
Tết không phải là mâm cao cỗ đầy, càng không cần phải khoe phú quý giàu sang, bánh kẹo tiền vàng, trang hoàng rực rỡ, nhưng Tết sẽ không thể đủ đầy khi gia đình không gắn kết, khi niềm vui không lan toả, khi yêu thương không đong đầy sẻ chia. Bạn vẫn nhớ mãi những điều ba mẹ dặn ngày bé: “Tết là không được cau có, Tết là phải vui vẻ thì cả năm mới may mắn”, thế thì chúng mình đang khó chịu điều gì nếu như Tết có phải làm nhiều hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút? Đừng khó chịu nếu khách đến nhà có hỏi han một vài điều chưa tế nhị, chỉ vì cả năm, có khi nhiều năm không gặp, họ có lấy câu chuyện làm quà cũng là để có cái để hỏi mà thôi, đôi khi câu trả lời của bạn cũng chẳng quan trọng lắm để người ta phải nhớ đâu. Đừng khó chịu nếu cả năm qua không có gì mới, mọi thứ chưa được như ý nhưng trong những giây phút cuối cùng của năm, cả nhà vẫn mạnh khoẻ và vui vẻ quây quần bên mâm cơm truyền thống, cùng chờ xem Táo Quân, đón pháo hoa, cùng chuẩn bị đi lễ chùa đầu năm và trở về xông đất, đó đã là những mong ước lớn nhất của bạn sau những tất bật ngoài kia.
Trong ba lô của bạn vẫn luôn có cuốn “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, để mỗi thời khắc cuối năm đến, bạn lại mở ra đọc và nhớ đến cái vòm cửa cong cong quen thuộc, ở nơi đó, mẹ đang gói bánh, ba đang pha trà, tiếng hát Chế Linh da diết vang lên: “Gió trút lá, cho mùa thu thay áo. Nhuộm một đời vàng những đam mê. Bao nhọc nhằn hằn trên lưng mẹ. Nỗi ưu tư phủ trắng mái đầu cha. Mỗi căn nhà nơi bậc thềm xanh lá. Ta bên nhau trong tất cả tình yêu. Bao hoài vọng dọc về theo phố cũ. Chợt thấy lại mình trong mỗi sớm mai”.
Tết là gì nhỉ? Là để đi xa rồi nhớ đến và khao khát được trở về ...
Facebooker Như Biển 1/24/2020