2018-01-02, 10:49 PM
Chương Thứ Nhì
Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm Tự
Bát Đoạn Cẩm là tám phép luyện gân thịt và khí lực cho đặng sung mãn, giúp ích sống lâu vui hưởng cuộc đời. Người có sức khỏe thì giống người đi buôn có vốn, muốn mua hàng hóa gì cũng tùy nghi. Tập Bát Đoạn Cẩm này trẻ mau lớn, học giỏi, khôi ngô, mặt mày sáng sủa, lành mạnh tư tưởng. Trung niên tăng thêm khí lực, phát triển khả năng tổng quát, nhờ đả thông kinh mạch mà huyết khí sung cường hăng say làm việc, tiến bộ mọi mặt, người có tuổi thường xuyên luyện tập huyết khí luân chuyển và thay đổi luôn luôn nên da dẻ hồng hào, gân xương hoạt bát chận đứng tuổi già, yêu đời vui sống, thật là hạnh phúc lâu dài, các môn thể dục vận động Tây Phương không có môn nào so sánh được. Vì môn Bát Đoạn Cẩm có công năng hướng dẫn và thúc đẩy huyết và khí luân chuyển đều khắp trong châu thân nên tránh khỏi các bệnh tê thấp vì máu thiếu và cứng động mạch khi tuổi già. Tuổi trẻ tập Bát Đoạn Cẩm thân thể luôn luôn cường kiện, tinh thần luôn luôn linh mẫn, tuổi già thì thần thái uy nghi mà thân thể thì nhẹ nhàng tâm hồn khoáng đạt. Các Thiền Sư xưa, các Đạo Gia cổ lúc nào trông cũng phiêu hốt mà người đời thường dùng chữ Tiên Phong Đạo Cốt để chỉ là nhờ tập thường môn học này.
Từ đời xưa cho đến nay có nhiều loại Bát Đoạn Cẩm được lưu truyền trong mọi giới, đến nổi mỗi người làm mỗi khác, số động tác cùng cách phép cũng đều sai biệt và số lần tập cũng khác nhau, đến có khi hơn tám (Bát) đoạn, có khi tới 12 đoạn, 24 đoạn. Và cách tập tùy lúc đứng, ngồi, nằm v…v…thật là không có phép tắc gì và cũng chẳng ai giải thích gì về sự hiểu biết của mình trong khi truyền bá và rèn luyện các môn Bát Đoạn Cẩm đó. Người có kiến thức chút xíu thì nói là của Tiên gia, v…v.. rồi cũng chẳng thể giải thích được gì hơn nên cứ ậm ừ trở tránh khi có người hỏi tới. Đa số các bậc thầy chỉ dạy làm chớ không dạy cho hiểu. Thôi thì hậu sinh chỉ nhắm mắt làm càn làm đại, tưởng tượng thần thoại lờ mờ mà chẳng hiểu mô tê lợi ích ra sao. Thương thay.
Kẻ viết sách xưa nay chẳng hơn gì nhau mấy, thường rắp khuôn sao chép cho có bản, cho có tên mình in trên sách… đôi khi vì binh danh, đôi lúc vì có tâm hồn “Puôn Pán” mà nhắm mắt làm đùa chẳng chịu tham cứu học hỏi trước khi đặt bút thảo chương. Việc nầy không riêng trong lãnh vực nghề võ, mà các ngành văn nghệ khác cũng thế. Phải xét lại hết thảy. Xét luôn cả các văn gia học giả bên Tàu nữa chớ chẳng phải riêng chi xứ mình, các văn gia cở lớn của triều đình nhà Thanh cũng làm sách giả bán lấy tiền (thời buổi cực loạn thì lắm sự hư hoại phát sinh, từ thời Thanh sơ đến Văn Thanh, nhân dân Trung Quốc sống thời đại loạn còn hơn nước ta bây giờ) còn thiên hạ thì mặc tình.
Nay học giả đọc sách nầy cần nên hiểu cho chánh lý là trong bầu trời có hai loại Bát Đoạn Cẩm mà thôi. Một của Đạo Gia và một của Phật Gia, có thể gọi là hai ngành Bát Đoạn Cẩm cũng đúng. Môn Bát Đoạn Cẩm của Đạo Gia vì chỗ tự tiện của đạo sĩ và nho sĩ xu thời đã bày lắm thứ, nhiều môn đặt nhiều bài bản lắm hiệu lắm tên nhưng chung quy ý vẫn nằm trong hơi thở, tức chủ trương vận dụng khí lực, gọi văn hoa là Đạo Dẫn Thuật hay Vận Khí Thuật. Bài bản lu bù (nhiều) nhưng người hiểu biết thấy rõ chân tánh, người kém cỏi mờ mịt nên khó thể học hành tới nơi tới chốn.
Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm không có nhiều bản cho lắm, đó là nhờ Thiền môn có tổ chức quy mô (trong chùa có nhiều ban nghiên cứu…viết sách, v..v..) nên lưu truyền được chánh bổn. Nhưng dù thế vẫn thấy được hai loại Bát Đoạn Cẩm. Loại nào cũng đúng tám đoạn, một loại chủ luyện gân xương và một loại chủ luyện khí lực. Mỗi loại có chỗ thái quá và thiếu quá. Để dung hòa cho đặng vẹn toàn, một bản Bát Đoạn Cẩm đầy đủ cả hai phần Luyện Gân Lực và Khí Lực được trình bày trong sách nầy. Nhờ sự sửa đổi (canh tân) nầy mà thiền sư và chúng môn đồ võ lâm, nhân loại được toại nguyện trên đường tu tập. Và bây giờ môn Bát Đoạn Cẩm toàn hảo nầy được truyền bá rộng rãi trong đại chúng làm nổi danh môn phái Thiếu Lâm ra cùng khắp Ngũ Đại Châu.
Nhưng mà thế nào là các thế tập Vận Lực và thế nào là các thế Vận Khí? Điều nầy quí học giả sẽ được thấy và cảm nhận được ngay trong chương nầy, ở phần kế tiếp liền sau đây. Và để thưởng thức trước khi đi vào thực luyện, (giống như ta mở mũi hít hơi thơm của món ngon tưởng tượng cho đã cái rồi sau đó mới gắp đồ ăn đưa vào nhai…), soạn giả xin trình là trong Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm hễ đoạn nào đứng thẳng đầu gối mà tập thì thế đó dùng luyện khí, đoạn nào đứng tấn Kỵ Mã mà tập thì dùng luyện Gân. Có vậy thôi, đơn giản thấy rõ, dể hiểu thấy rõ. Tuy thế, đoạn luyện khí cũng có vận lực phù trợ chớ chẳng phải tưởng tượng khơi khơi mà được, cũng như khi luyện gân cũng có vận khí trợ lực. Có sự bổ hợp như thế mới mau thành công, mới có sự liên hoàn động tác, chuyển động gân xương, thúc đẩy khí huyết, đả thông kinh mạch tạo dựng một thân thể cường tráng, uy nghi.
Khi hiểu được những điều cần thiết (yếu quyết) nầy rồi thì không còn lo lắng, ngại ngùng lúc bắt tay vào việc luyện tập, cũng như chẳng thể có tập luyện mà chẳng có thành công. Hơn nửa đời soạn giả Cư Sĩ tôi chưa hề một lần làm chuyện gì mà mình chưa thấy hiểu ý nghĩa của sự việc, thì đối với chư học giả, võ gia, quân tử, soạn giả vẫn muốn quí vị thực hành theo con đường đó để sớm thành công. Đó là con đường sự thật, trí tri.
Nay thì chư hiền đã rõ hiểu lý thuyết của Bát Đoạn Cẩm rồi, vậy xin mời nghiên cứu thực hành các động tác co duỗi sau để thân thường được mạnh khỏe, trí thường được thanh thản, hầu tài năng thiên bẩm được đà phát triển tối đa hỗ trợ đời, đi vào lịch sử… (Ai cũng đi vào lịch sử khi mà mình đã tự biết mình, ít ra cũng làm nên lịch sử vì mình đã có tích sự trong đời.) Nào, mời chư học giả thực hành cho biết Đạo vị lành mạnh mà từ cổ xưa không một ai được tôn vinh là thánh hiền mà không biết đến.
A. CÁCH LUYỆN TẬP BÁT ĐOẠN CẨM
Như học giả đã biết là Bát Đoạn Cẩm gồm có tám phép luyện tập, và không nói ai cũng hiểu đều phải tập luyện tuần tự từ phép một cho đến khi hết trong một buổi tập, theo đúng phương pháp sẽ được giảng tới trong phần thực hành kế sau.
Nhưng muốn thực hành cho hết tám phép trong một buổi tập thì trước tiên học giả phải thuần thục từ phép một theo phép tuần tự nhi tiến (học từ từ theo thứ tự). Việc nầy không khó, chỉ cần thời gian ngắn là ai cũng thực hành được một cách tự nhiên. Điều cần chú ý khi thực hành là phải quan tâm làm đúng từ động tác một của mỗi Đoạn (mỗi đoạn có nhiều động tác) và làm đủ số lần cần phải lập lại cho mỗi động tác. Khi chấm dứt đoạn thứ nhất thì liền đó luyện tập đến đoạn thứ nhì sau khi buông tay nghỉ thong thả 3 phút đồng hồ. (Nếu đã thuần thì thời gian nghỉ chừng một phút đã đủ) tính ra thong thả mà tập thì người mới mỗi sáng có thể dành khoảng 45 phút để thao luyện và khi đã thuần rồi thời gian luyện tập rút lại còn 20 đến 25 phút là cùng. Số thời giờ ấy rất khiêm nhường so với bất kỳ môn thể thao vận động nào mà sự thành quả thâu đạt được lại tốt đẹp vượt bực hơn tất cả.
Khi mới tập thì chú trọng về hình, nghĩa là sao cho đúng cách theo sách chỉ dẫn từ cách gồng chuyển chân tay, co vào, duỗi ra, hít thở, trợn mắt …. Muốn được như thế thì nên treo tấm kiếng (gương) để nhìn cho thấy chỗ sai mà sửa đổi. Nếu có người cùng tập sửa cho nhau thì càng hay hơn.
Lúc thuần thục chú trọng tới ý, nghĩa là hơi thở được quên đi, động tác xóa bỏ mà chỉ quán tưởng thấy cái dụng ý của mỗi đoạn (ý tứ đó là ý nghĩa của mỗi câu khẩu quyết của mỗi đoạn, xem trong phần thực hành chương nầy.) Bao giờ làm được từ hình thức tới ý thức thì động tác lưu đi mà tâm như quên như nhớ, huyết mạch cuồn cuộn chuyển lưu, khí lực rần rần tụ tán trong mỗi co duỗi chân tay… bài tập trôi mau đến khi chấm dứt thì tự động dừng ấy nhờ Thần.
Học giả tập đến bao giờ được như thế thì thân tâm trống không, cơ thể nhẹ nhàng vui tươi như trẻ, ăn uống ngon lành, ngủ nghê khoái lạc, đến như những công việc hàng ngày cho là rối rắm, mệt nhọc thì nay như đồ chơi và ngày giờ qua mau. Vì biết được thời giờ qua mau nên không phí thì giờ, do đó thành công hơn đời là như vậy đó. Không tập không biết, tập rồi biết ngay, việc nầy người ta ví đường có đi mới biết, chuông có đánh mới kêu. Kẻ làm biếng thần trí lờ mờ, lù đù chậm chạp, ngu ngơ, việc đời trăm việc cũng tại không người hướng dẫn, nếu biết được phương pháp này mà chuyên cần học luyện thì đời sống đổi khác tức thời, thậm chí đến như tuổi già là cái luật định của tạo hóa mà Bát Đoạn Cẩm còn cản được huống hồ.
Về chỗ (vị trí) để luyện tập thì không gì tốt hơn nơi yên tĩnh và thoáng khí, không khí trong sạch bao giờ cũng là thức ăn bổ, là liều thuốc quí cải tạo sinh lực con người. Do đó có thể chọn một khoảng trống sạch sẽ cao ráo trong vườn (nếu ở nhà quê), trong sân, hoặc trong phòng nơi có cửa sổ mở thoáng mát ra hướng khô ráo sạch sẽ (khuông cửa phải lau chùi hết bụi bặm thường xuyên, nếu ở nhà sàn trên sông, trên thuyền, tàu thì đợi nước lớn không khí trong sạch mới tập.) Tốt nhất là tập vào mỗi sáng, tập xong đợi 10-15 phút sau tắm nước lạnh chà xát da bằng khăn bông, xơ dừa…. thì sau đó một ngày đẹp nhất định sẽ đến với chúng ta, vì chung quanh ta ai cũng là người đáng thương, đáng mến, đời sống thật có nhiều ý nghĩa…
Tóm lại, khởi sự tập Bát Đoạn Cẩm phải:
1. Thuộc và làm đúng hình thức bên ngoài của từng động tác trong mỗi đoạn.
2. Khi thuộc Hình rồi phải thuần Ý, là cái mà mỗi khẩu quyết ghi rõ.
3. Lựa chỗ thoáng, sạch mà tập mỗi buổi bình minh, nếu không tập buổi tối sau bữa cơm hơn 3 giờ đồng hồ.
4. Tập xong 15 phút sau tắm và chà xát da. Uống một ly nước lọc sạch trước khi tập và sau, ly nhỏ thôi.
B. TÁM ĐOẠN CỦA BÁT ĐOẠN CẨM
Bát Đoạn Cẩm gồm có 8 đoạn, mỗi đoạn có một mô thức (hình dáng, thể thức) huấn luyện cơ thể khác nhau. Khác nhau từ cử động cho đến thần ý. Vì lẽ Bát Đoạn Cẩm được chế tạo để luyện tập cho đặng hiệu quả trong việc kiến tạo một thân thể cường tráng từ ngoài (Ngoại tráng) và cả bên trong (Nội tráng). Ngoài ra Bát Đoạn Cẩm còn dùng để trị liệu những bệnh trạng yếu nhược hư hao thường thấy trong mình của người đời. Ví như ai thường ngày hay uể oải thì tập Bát Đoạn Cẩm sẽ khỏi ngay; ăn uống khó tiêu hóa tập sẽ hết ngay, hay mệt tập khỏe ngay. Người tập võ công bị nội thương cũng được trị lành, v..v… nói nhiều không hết.
Tổng quát Bát Đoạn Cẩm là Tám Phép Thần dùng tập luyện cho cường kiện thể xác, minh mẫn tâm thần và ngừa trị, hoặc trị mọi bệnh chứng thương, lao, cùng bồi bổ các cơ phận quan yếu giúp người hồi phục sinh lực trong đời sống lao động tiêu hao hàng ngày…
Đây là phép thần, nhưng có tập luyện đúng thời mới Thần còn như đọc chơi cho biết mà không tập thì Thần cũng chẳng giúp được mình, giống như việc hàng ngày cầu xin cúng kiến cho mình được phúc, lộc, thọ mà không làm việc gì, bó gối ngồi chờ hoặc manh tâm hung ác, tà gian thì lộc, phúc nào đâu tới với mà thọ cũng giảm dần mau chóng theo ngày tháng vì cái tâm u ám nó hại mình. Học giả biết như thế thì tưởng chẳng cần luận bàn chi cho dài dòng tốn giấy, mà vứt bỏ hết mọi lý sự bắt tay luyện tập các động tác sau thì trong mấy tháng đã có sự khởi sắc trong đời sống hàng ngày rồi. Tức là vui rồi, vui rồi cần gì nói nhiều nữa, mà có nói nhiều cũng lại càng thêm vui. Ấy, thành công đang chờ quý vị đây. Nào chúng ta hãy tiến tới…
Nhưng muốn tiến tới hãy học cho thuộc lòng Tám Câu “Thần chú” sau để làm lộ phí, hành trang rồi hãy lên đường.
KHẨU QUYẾT BÁT ĐOẠN CẨM:
1. Đệ Nhất Đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu (Hai tay chống trời tưởng “tới” Tam Tiêu)
2. Đệ Nhị Đoạn Cẩm: Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu (Trái phải dương cung “như” bắn chim điêu)
3. Đệ Tam Đoạn Cẩm: Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ (Điều hòa Tỳ Vị “một” tay đẩy lên)
4. Đệ Tứ Đoạn Cẩm: Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiều (Năm Lao Ngũ Thương liếc nhìn “phía”sau)
5. Đệ Ngũ Đoạn Cẩm: Dao Đầu Bài Vĩ Khứ Tâm Hỏa (Lắc đầu vẫy đuôi [1] dứt “bỏ” tính nóng nảy)
6. Đệ Lục Đoạn Cẩm: Bối Hậu Thất Điên Bách Bệnh Tiêu (Sờ xương cùn 7 lần trăm bệnh tiêu)
7. Đệ Thất Đoạn Cẩm: Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực (Nắm chặt quyền, mắt giận [2] , tăng khí lực)
8. Đệ Bát Đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo (Hai tay kéo hai chân bền thận eo)
Chú ý: Chữ nghiêng phiên nghĩa Khẩu quyết Bát Đoạn Cẩm chưa sát nghĩa lắm cần đọc rõ chi tiết mỗi đoạn mới biết được đầy đủ.
[1]Vẫy đuôi: ý nói uốn éo mông đít như con rắn vẫy đuôi
[2]Mất giận: dịch chữ Nộ mục, ở đây nên hiểu là tập trúng ý lực nơi mắt như giận dữ và nắm quyền đấm ra làm tăng khí lực…
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore