2018-01-01, 07:18 PM
Chương Thứ Nhất
I. BÁT ĐOẠN CẨM LÀ GÌ ?
Có lẽ quá xa xưa theo truyền thuyết, thuở các vị vua hiền đức và tài năng như Thần Nông, Phục Hi, Hoàng Đế đã có người am hiểu tận tường về môn học nầy, có nhiều người luyện tập và coi như một phép dưỡng sinh cần thiết tối yếu. Chính nó bắt nguồn và song hành phát triển cùng môn học Châm Cứu, một môn Y Học giá trị ngày nay đang được các Bác Sĩ trên Thế giới gia tâm nghiên cứu thực hành v…v…
Cho đến đời Tam Quốc (213-260), vị Thần Y Hoa Đà bổ cứu và đặt chế thêm cùng biến đổi thành môn luyện tập mới đặt tên là Ngũ Cẩm Đồ. Nhưng chính những động tác Bát Đoạn Cẩm là căn bản. Và xét trên phương diện khoa học thì môn Bát Đoạn Cẩm có ít động tác, đơn giản hơn Ngũ Cầm Đồ, do đó thích hợp với người xưa hơn… Dù thế nào đi nữa mục đích chính của môn học vẫn là làm lưu thông Kinh Mạch, khí huyết thuần nhuận làm tăng gia tuổi thọ cường kiện thân xác, minh mẫn tinh thần, rất hợp với Y Đạo ngày xưa.
Qua những suy luận và đoán quyết môn Bát Đoạn Cẩm, môn học Khai Thông Khí Lực Kỳ Kinh Bát Mạch đã có từ Cổ thời Trung Quốc, nhưng vẫn còn nằm trong dự thuyết vì chưa có bằng chứng xác thực. Và phải đợi đến thời Chùa Thiếu Lâm phát triển nghệ thuật chiến đấu Kỹ Kích (Võ thuật) thì môn Bát Đoạn Cẩm mới chính thống được lưu truyền có phép tắc kỷ cương. Kể từ đó, môn Bát Đoạn Cẩm lan truyền mau, rộng và được người đời ngưỡng mộ tập luyện như môn phép tắc bí truyền . Như vậy thời môn Bát Đoạn Cẩm do ngài Thiền Sư Tổ Đạt Ma dạy, là học thuật mang từ Thiên Trúc (Ấn Độ) qua? Nhưng xét theo dữ kiện lịch sử thì bên Ấn Độ không có môn học nầy. Người ta quả quyết rằng ngài Tổ Sư sáng chế môn Bát Đoạn Cẩm để dạy môn đồ cho cường kiện thân tâm hầu mau đạt hạnh tu Chánh Kiến, Chánh Giác, là một hình thức tiên khởi cho môn học tối thượng Dịch Cân Pháp mà ngài sáng tác sau này.
Người Trung Hoa vốn là dân tộc hay sáng kiến, nên môn đồ của ngài Đạt Ma Tổ Sư ở hậu lai có nhiều vị biến chế những học thuật học được ở Ngài thành nhiều môn học chuyên biệt khác, lập thành môn phái truyền bá sâu rộng trong phàm dân Trung Quốc cho đến ngày nay. Đó là gốc của Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm…. Còn như có nhiều thuyết cho Bát Đoạn Cẩm do Nhạc Phi chế ra chắc là không đúng vì một Đại tướng chuyên đánh trận không có thì giờ và tâm hồn không đặng thanh nhàn để nghĩ ra những điều ký bí ít ra cũng phải cần phải đến một Đạo gia mới có thể nghĩ tới.
Và Đạo gia cũng có môn Bát Đoạn Cẩm, song hành và phát triển cùng thuật Vận Khí là phép luyện Nội Công chân truyền, được nhiều sách của các Đạo Sĩ nhắc đến, cùng được các quyền gia chuyên luyện Võ Công Đạo Gia: (Bát Quái Chưởng, Thái Cực Quyền) học tập.
Trên đây là sự hiểu biết cần thiết về môn học cẩn yếu Bát Đoạn Cẩm cho một võ gia, nhưng điểm cần yếu hơn tưởng không thể quên đề cập trước khi bắt đầu tập luyện là: Bát Đoạn Cẩm là gì?
-- Soạn giả xin trả lời gọn, Bát Đoạn Cẩm là Tâm Phép tập cho đả thông Kinh Mạch, khí lực thuần nhuận lưu thông đến mọi phần trong cơ thể giúp hành giả (người học) thân thể thường được cường kiện khinh linh vô bệnh, trường thọ đúng đạo dưỡng sinh. Ngoài ra còn có công năng tạo dựng sức mạnh gân thịt cho Võ gia tạo điều kiện tham học tới chỗ đại thành, trị lành mọi bệnh Nội thương do tập luyện quyền thuật gây ra.
Bát Đoạn Cẩm quả thật có công năng thần diệu vô song cải tạo sức khỏe, tăng tiến thể lực và rèn luyện thân tâm hợp nhất, là môn học thuật thể thao xây dựng đáng được đề xướng, tôn vinh…
II. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÁT ĐOẠN CẨM VÀ NỘI CÔNG
Võ Học và nhiều ngành Văn Hóa khác rất vĩ đại, cổ thời đã phát xuất từ Trung Quốc, điều nầy cho đến nay không còn ai phủ nhận. Theo vết dầu loang, gần hấp thụ trước, xa lãnh hội sau… Việt Tộc là một Tiên quốc văn minh truyền thống gốc ở Ba Thục bên Tàu là một đàn anh trong Bách Việt nên trước hơn ai hết lãnh hội, tiêu hóa, và phổ biến nền học thuật Trung Quốc nói chung và Việt nói riêng.
Khi Việt Tộc ta di dân xuống cõi Nam đã mang theo nhiều ngành học thuật cao quý vĩ đại của Tổ tiên, dĩ nhiên một phần còn lại, và để lại cho Bắc quân từ phương Bắc tràn xuống…trong đó ngành Võ học được chúng ta soi sáng trong tiêu mục nầy.
Việt Tộc vốn là dân Quân Tử và thông minh (Khổng Tử thường xướng thuyết Quân Tử để người Bách Việt bên Tàu học: dĩ nhiên có thiểu số người Việt không nối nghiệp nổi Tổ Tiên nên lạc nẻo tiểu nhân.) Với huyết thống trí hóa xuất chúng, người Việt Nam đương nhiên thu nhận được ngay những kỹ thuật võ công từ Chùa Thiếu Lâm truyền ra trải qua các triều đại sau đời ngài Tổ Sư Đạt Ma. Cũng nhờ vào tài ba võ dũng và trí hóa ưu hạng mà Lịch sử Việt ghi được những điểm son đáng làm ngạc nhiên thế giới ngày nay. Sự bành trướng biên thổ Việt là lẽ dĩ nhiên ở cổ thời, cận đại và tương lai…sự lớn mạnh của Việt Nam là lẽ tất nhiên và trên đà hiển hiện. Sự huy hoàng của dân Việt phải được phục hồi như ngày mà tổ tiên còn ở Ba Thục…
Trong cổ thời, đồng phát triển Võ Nghệ Thiếu Lâm Tự trên lãnh thổ Việt, nhiều nhân tài tướng quân xuất hiện trong quân ngũ, trong các kỳ thi của Triều đình. Võ được phát hiện chung thời với các Thiền Lý được truyền bá từ các Thiền Sư. Các Thiền Sư giỏi đều là những bậc có thành quả về Thiền Định, mà chánh quả của Thiền Định là Tĩnh luyện Nội Công, môn võ học thượng thừa (ngày nay ít người biết lý nầy.)
Do đó kể từ đời Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chí (Vinitaruci) năm 602…trở về sau Thiền Sư Pháp Hiền, 626, Thanh Biện…636…thì môn Thiền học cùng Nội Công Tĩnh Tọa Thiền Định đã được truyền bá có hệ thống tại Việt Nam rồi.
Như chư học giả đã hiểu, trong sách Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của soạn giả, thì khác biệt giữa Thiền Định và Nội Công Tĩnh luyện chỉ cách nhau tờ giấy mỏng, chỉ một lời nói của bậc Thầy là người có công phu Thiền Định tức khắc trở thành Nội Công cao thủ: “Tâm ấn chỉ có một lời.”
Nội công và Thiền Định đều nhằm luyện khí lực, tập trung và luân chuyển theo như ý. Võ gia dụng Nội Công khí lực đả thông kinh mạch làm tăng bổ sức mạnh đạt chỗ đại thành trong nghề võ, Thiền Sư dụng Khí Công cường kiện thân tâm kiên trì khổ hạnh tập trung ý chí, nhất tâm đạt đến chánh giác chánh kiến thành bậc Chân Như gọi là Đắc Đạo.
Bát Đoạn Cẩm cùng một thể với Dịch Cân Kinh hay Dịch Cân Pháp nhưng thông dụng và để rèn luyện cũng hữu dụng hơn là phép Nội Công thuộc về Động luyện. Cốt là luyện cho cường kiện gân mạch, cứng chắc thịt xương da, đả thông kinh mạch, tránh nhiểm bệnh hoạn hầu sống lâu và giúp phần thành quả Đại thành võ nghệ.
Nếu ví cho rõ hơn thời Bát Đoạn Cẩm như vỏ ngoải của chiếc bánh ít, mà nhân là Nội Công Thiền Định. Cả hai cũng là Nội Công nhưng cái thì thấp cái thì cao minh thâm thúy hơn nhiều. Phật gia tùy từng Duyên mà giáo độ môn đồ nên có thấp cao, có tùy Duyên khởi. Nhưng dù ai có Duyên lớn tới đâu vẫn phải tập Bát Đoạn Cẩm nầy trước rồi sau mới học đến Thiền định, nếu là người xuất gia, còn phàm nhân ăn mặn thì chỉ tập Bát Đoạn Cẩm hoặc Dịch Cân Pháp cho mạnh gân cứng xương dẻo thịt là tốt rồi. Phép luyện Nội Công Thiết Tuyến mà soạn giả trình bày trong sách Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Sơn Đông là động luyện rất tốt cho các Võ gia hoặc Thiền gia tham cứu về võ công.
Vậy thời sự phân chia đã rõ: Bát Đoạn Cẩm là phép Nội Công Ngoại Tráng Sơ Đẳng. Nội Công Thiết Tuyến là Nội Công Động Luyện có dụng cụ. Nội Công Thiếu Lâm Tự là phép Tĩnh Tọa Thiền Định cao tuyệt khi nào ăn chay trường tập mới kết quả.
Cùng một môn học mà chia làm ba pháp luyện tập khác nhau là do chỗ thấp cao tùy dụng. Khởi tập thì tập Bát Đoạn Cẩm trước cho gân xương cứng cáp, trong mình có sức lực rồi mới tập đến Nội Công Sơn Đông. Khi đã đủ sức tranh tài hàng Cao đẳng mà thần trí thong dong trường trai tiết dục được mới tập tới Nội Công Tịnh Tọa, tức cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự. Có biết cách luyện tập thì mới dễ thành công, bằng không thì thời giờ bị phí mà thân thể đôi khi thương tổn hư hao mất công chữa trị. Duy ngoại trừ những học giả có võ công cao, các võ sư có căn bản thì có thể bắt ngang từ Nội Công Sơn Đông mà luyện cho mau thành công cũng chẳng hại gì, vì ít ra một phần kinh lạc trong người của người có trình độ võ công cũng đã được khai mở nhờ công phu luyện tập quyền cước. Ở trình độ cao của bộ môn Nội Công người lỗ mãng, thô tục, thiếu đạo đức không thể luyện tập được, cưỡng tập sẽ bị bệnh nguy hại bản thân rất khó trị liệu. Bởi thế xưa nay người ta vẫn thấy người võ công cao bao giờ đạo đức cũng sáng chói, người có nhiều tham vọng chỉ gặt hái những thành quả tầm thường. Kẻ hung hăng thì sát nghiệp ở kế bên mình. Chắp tay sau đít nhìn thiên hạ qua đường cũng phát kiến được những điều hữu ích để tự tu rèn tâm tính, phát triển thể lực hầu càng ngày được lành mạnh vui tươi, sống lâu hưởng đời.
Trên đây là luận về Nội Công, Bát Đoạn Cẩm Phật Gia, còn Tiên Gia cũng có môn Nội Công Dẫn Khí và Bát Đoạn Cẩm mà người đời thường gọi là Phép Đạo Dẫn hay và Vận Khí Thuật, v..v…hình thái biểu diễn động tác có chỗ khác nhưng mục đích không khác và thành quả thì đến chỗ như nhau. Cái đó gọi là Núi có một đỉnh mà đường lên có nhiều.
Vậy môn sinh hậu học từ nay chớ thắc mắc đua đòi, xao lãng việc rèn luyện, cứ mãi so đo rồi rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Sách đã trong tay rồi như thuốc trước miệng mà đành chết bệnh, kiếm đã trong tay rồi mà chúng đâm không biết đưa lên đỡ thì sinh mạng ấy tưởng có chết đi cũng chẳng thể có vị Bồ Tát nào khứng cất nhắc cho về cõi Tây Phương cực lạc. Ngu độn, hàm hồ là đáng ở lại trong hỏa ngục chịu nhiều luân kiếp đọa đày. Phật nói như vậy không phải là lời suông qua gió thoảng.
III. SỰ THÀNH CÔNG CỦA BÁT ĐOẠN CẨM
Nếu thông thường như nhiều bậc chép sách thì soạn giả cũng sẽ chép ra đây nhiều chuyện cổ tích ly kỳ của người xưa trên đường thành quả Nội Công, Bát Đoạn Cẩm. Nhưng soạn giả không thích bị lôi cuốn vào hàng (nghe sao chép vậy), mà thường chỉ đơn cử những ví dụ mắt thấy tai nghe, hoặc bản thân thực hành được, v..v…
Tiếc thay chuyện bên Tàu thì nhiều mà bên Nam ta quá khiêm nhường đến độ khó lòng đơn cử cho thật đích danh với đầy đủ thành tích chơn thật, đến đâu, vị Lão sư nào cũng nói mở đầu bằng: “Hồi xưa…. Nghe người ta nói, người ta đồn rằng…”, và tiếp theo đó là những chuyện dường như hoang đường vì thiếu tính cách Khoa học. Tóm lại là những chuyện chưa bao giờ thấy.
Trước thời buổi khoa học ngày nay, mọi ngành học thuật cũng phải được nhìn dưới con mắt khoa học, nghĩa là giải thích được, hợp lý và ít ra cũng phải có một ví dụ làm bằng. Soạn giả vì chủ trương không làm mê hoặc hậu sinh nên không ghi lại những cố sự hoang đường đọc được, nghe được trong đời tu học của mình, mà chỉ nêu lên những điều dễ nhận định…
Như soạn giả đọc thấy nhiều sách xưa đơn cử nhiều danh gia võ học cao thủ bên Tàu nhờ luyện tập Võ Nghệ, dĩ nhiên chuyên luyện Nội Công sống lâu và rất khỏe mạnh, ngày nay một vị lãnh tụ của Trung Quốc đã 90 tuổi mà vẫn còn mạnh khỏe vui tươi lãnh đạo 800 triệu dân, nhờ tập Bát Quái chưởng và Thái Cực Quyền mỗi buổi sáng. Chuyện nầy báo chí Pháp, Mỹ đăng tải từ lâu có cả hình ảnh… (Thái Cực và Bát Quái là môn Nội Công của Tiên Gia). Ông của soạn giả năm nay 92 tuổi mà còn cỡi xe đạp hơn ba mươi cây số thăm bà con, cùng đi lụp (đánh bẩy) chim cu suốt ngày không biết mệt…là nhờ chân luyện vài thế trong môn Bát Đoạn Cẩm mỗi tối trước khi đi ngủ, cùng suốt đời không uống rượu, không hút thuốc. Thầy của soạn giả là bậc chân tu không lậu sự, diệt danh, người truyền thụ môn Nội Công thượng thừa cho soạn giả, năm nay đã tám mươi lăm (85) tuổi rồi mà còn tốt tướng, một mình tịnh tu một chùa (động), không cần đồ đệ tăng tiểu phụ giúp mọi sự. Quanh năm khí lạnh cao nguyên mà người vẫn độc một mãnh Đạo bào đơn sơ, ngày hai buổi công phu luyện tập Nội công Thiền định mà đạt thành chánh quả như thế. Ai có chân phước gặp người tất thấy sự trong sáng của Từ Bi Hỉ Xả trên ánh mắt của người.
Riêng bản thân soạn giả thuở thiếu thời ốm yếu xanh xao, người ta kêu là con sát nuốt phải gởi cho chùa nuôi, 12 tuổi mới xin về…soạn giả nhờ ông bác ở trong chùa dạy cho Bát Đoạn Cẩm và ít quyền thảo, và soạn giả cứ theo đó tập tành cho có lệ, thế mà thời gian mấy mươi năm lần lữa khi thành trang thanh niên thì soạn giả đã biến đổi hẳn hình dong. Sự cường mạnh thấy rõ trong con người vốn tiên thiên bất túc. Và cho đến bây giờ tuổi trời hơn nửa đời mà bất kỳ ai đối diện có trình độ cũng phải chấp nhận là một người có dõng lực, còn bậc phàm phu thì chẳng hết lời ngưỡng mộ đường nét khôi vĩ tinh kỳ….Ấy khởi đầu cũng nhờ luyện tập Bát Đoạn Cẩm ở tuổi ấu thơ, đành rằng trong thời niên thiếu ngoài việc luyện cầm chừng môn Bát Đoạn Cẩm soạn giả còn luyện quyền thuật, và đến tuổi thanh niên thì càng tăng gia tu học quyền thuật cùng rèn luyện Nội Công chân chính… Cho đến này thì công phu đáo thành: cánh tay đưa ra để mềm 5-6 người lực lưỡng không bẻ gập lại được, cho búa tạ đập, dao bén chém., nằm phình bụng cho xe hơi cán đủ chỗ, đủ kiểu không cần nịt bụng hay lót đà ván, chân trần đi trên chông nhọn, đạp trên đao, kiếm sắc bén, bật ngón tay đâm thủng ván tấp mỏng, v…v… (Những thành quả trên có biễu diễn tại nhiều hội trường cho các võ gia, quan viên giáo chức cùng môn sinh nhiều môn phái xem chơi, có chụp hình in trong sách Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự v.v…) Điều đặc biệt mà soạn giả rất vui là thấy công phu đã truyền lại được cho nhiều võ gia hậu học đệ tử đã tham học với soạn giả, một phần cũng được các học viên các Lớp Hàm Thụ lãnh hội, rồi đây chẳng bao lâu nữa nghành nghệ thuật dưỡng sinh nầy được mọi người mến mộ rèn luyện thành công.
Sự thành công của soạn giả không phải vô tình, sự thành công của môn đệ của soạn giả cũng chẳng phải vô tình hay may mắn mà do sự chuyên cần luyện tập có phương pháp. Vậy soạn giả kết luận là bất kỹ võ gia nào thành tâm luyện tập thì nhất định sẽ thành công.
Với môn Bát Đoạn Cẩm nầy người tập không cần kiêng cữ nhiều như các môn Nội Công Thượng Thừa. Nhưng dù sao vẫn tránh vài việc mới có thể mau tiến bộ. Như các võ sư có tuổi đã có vợ con thì tránh phiền não, bớt giao hoan và phải luyện tập cho có điều độ ít ra mỗi ngày một lần vào buổi bình minh. Các võ sư trung niên và trẻ hiếu thắng thích rượu nhiều và nữ sắc nhiều phải từ từ bỏ bớt thì mới mau thành. Chớ có liều mạng ỷ sung sức nhờ tập luyện quyền thuật mà có tinh lực dồi dào đem sức sống đổ biển thì công phu võ học chẳng khác ngôi nhà sơn tốt mà mối mọt đã đục rệu hết rồi. Bốn mươi, năm mươi mà chân di không nổi, chống gậy mà lê từng bước một là do tửu sắc dâm ô. Nghề võ như thế thì chớ nên khua môi có ngày mang hại.
Trên đây là đường thành bại của công phu luyện tập Bát Đoạn Cẩm Nội Công, học giả khá tựa nương đó hành sự cho đặng khang an thân thể linh mẫn tinh thần, sống lâu trăm tuổi.
Còn điều xin nói ra cùng chư võ gia quân tử, như cho đến nay việc biểu diễn thành quả của soạn giả cùng các đệ tử của soạn giả là điều nhằm nêu lên chứng tích của sự học luyện thành công để chư quân cùng phấn khởi tinh thần hầu bước mạnh trên đường nghệ thuật chớ chẳng phải có ý vọng động kia khác. Soạn giả thay mặt các Đạo đồ môn đệ thanh minh cùng chư học giả mọi môn phái võ gia trong và ngoài nước.
Mời chư học giả nghiên cứu sang phần thực hành để thân thường an lạc, trí thường thảnh thơi…
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore