2018-09-22, 11:40 PM
Video nhân viên tòa nhà Saigon Times Square "đuổi" người trú mưa ngày 29/8:
Dân trú mưa tại Saigon Times Square bị đuổi: Có trẻ em
30/08/18 14:39 GMT+7
Trong số những người trú mưa tại tòa nhà Saigon Times Square có cả trẻ em, phụ nữ nhưng bị nhân viên đuổi ra ngoài với thái độ cương quyết.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 29/8/2018 tại tòa nhà Saigon Times Square (đường Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM) được người dân quay lại.
Theo đó, vào thời điểm này thời tiết ở TP. HCM mưa xối xả, kèm theo gió lớn khiến người đi đường gặp khó khăn, nhiều người thấy nguy hiểm đã dừng lại để vào bên trong hành lang tòa nhà Saigon Times Square.
Tuy nhiên, một lúc sau một số người mặc vest lịch sự và trang phục bảo vệ ra yêu cầu những người trú mưa đi ra khỏi khu vực của tòa nhà.
Thấy sự việc bất bình, một số người phản ứng lại liền bị những nhân viên trong tòa nhà Saigon Times Square cương quyết yêu cầu ra ngoài trời đổ mưa như trút nước với lời lẽ cứng rắn.
Trong số những người trú mưa tại tòa nhà Saigon Times Square vào chiều ngày 29/8 có cả trẻ em.
Điều này khiến cho nhiều người dân bức xúc, đặc biệt trong bối cảnh trời mưa to, gió lớn, trong số những người dân trú mưa tại đây có cả trẻ nhỏ.
Được biết, tòa nhà Saigon Times Square đi vào hoạt động từ năm 2015, đây là một trong những công trình cao cấp bậc nhất, biểu tượng của TP. HCM bên trong tòa nhà có khách sạn Saigon Reverie theo tiêu chuẩn 6 sao. Đồng thời cũng rất hạn chế người ra vào tham quan.
Chủ đầu tư tòa nhà Saigon Times Square là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT.
Tại trang thông tin chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, tòa nhà phức hợp Times Square được biết đến như một biểu tượng ánh sáng của thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng trước cách ứng xử của nhân viên tòa nhà với người dân vào chiều ngày 29/8/2018 khiến cho nhiều người không khỏi bức xúc.
Có ý kiến cho rằng, về lý việc người dân tự ý vào trong khuôn viên tòa nhà mà chưa có sự cho phép của đơn vị quản lý là sai nhưng cần nhìn nhận thực tế bối cảnh lúc đó trời mưa rất to khiến nhiều người tham gia giao thông có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt trong số những người này có cả trẻ em.
Sáng ngày 30/8/2018, báo Đất Việt đã liên hệ với đơn vị quản lý tòa nhà để tìm hiểu vấn đề này, một nhân viên thông báo "hiện tại các lãnh đạo đang bận việc nên chưa thể trả lời ngay được".
Đồng thời nhân viên này xác nhận có sự việc nhân viên to tiếng với người dân vào chiều ngày 29/8/2018.
Trước đó tình trạng ngăn cản người dân đi vào khu vực của các dự án bất động sản cũng thường xuyên diễn ra tại các resort tại các thành phố du lịch như Khánh Hòa, Đà Nẵng. Theo đó, các chủ đầu tư cho rằng, sau khi đất thuộc dự án được chính quyền địa phương cấp là dự án là do mình quản lý nên đã quây tôn, chắn rào ngăn cản người dân đi qua.
Vào năm 2015 cũng diễn ra nhiều trường hợp resort "độc chiếm" bãi biển, không cho người dân đến tắm ở TP. Đà Nẵng.
Dọc ven biển từ chân núi Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Hội An (Quảng Nam) dài hơn 45 km. Tất cả đã được phân lô cho resort và khu nghỉ dưỡng.
Trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua phường Khuê Mỹ, một loạt các resort liền kề nối tiếp nhau không còn một đường nào dẫn ra biển cho người dân ra tắm mỗi khi mùa nắng nóng đến.
Bãi tắm công cộng Sơn Thủy dành cho hàng chục nghìn dân trong khu vực nhưng chỉ có khoảng 200m bờ biển. Vì vậy, hàng nghìn dân nghèo chỉ có thể co cụm trong không gian chật hẹp này.
Người dân muốn ra tắm biển chỉ có 2 cách: Nếu có tiền thì vào khu resort tắm thỏa thích. Còn không tiền thì chỉ... đứng nhìn, hoặc kéo nhau ra bãi tắm công cộng nhỏ hẹp, chịu cảnh chen chúc.
Điều này dẫn đến tình trạng người dân và du khách muốn tắm ở nơi an toàn phải mất tiền vào khu resort, người dân không có đường xuống biển, muốn đi ra biển hoặc từ biển đi về nhà dù ngay trước mặt mình nhưng phải đi đường vòng dài hàng cây số khiến người dân bức xúc.
Vân Du