150 CÂU TRẮC NGHIỆM KĀLĀMA
Lâu nay trung tâm Kālāma vẫn có các lớp giáo lý chuyên sâu ( Intensive) do chúng tôi hướng dẫn cho một số học viên chọn lọc, nay mai lại sẽ có các khóa tu học tại Kālāma và trong cả hai trường hợp đều không thể rộng cửa đón nhận tất cả mọi đối tượng vì trình độ khác biệt nhau.
Nay với mục đích mời hết mọi người về chung một nhà, chúng ta tạm thời có 150 câu trắc nghiệm giáo lý để mỗi người tự thấy mình có thể ghi danh các lớp học trên đây hay không.
Theo dự kiến, từ ngày 20 tháng 2 năm 2024 chúng ta sẽ có một khóa học 3 tuần tại Kālāma để giải quyết 150 câu trắc nghiệm này. Sau đó, trước mỗi khóa thiền tại Kālāma (do các thiền sư Miến Điện hướng dẫn) người muốn ghi danh phải trả lời bằng miệng các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên trong 150 câu trắc nghiệm này ngay trên màn hình của Room Họp Mặt.
Toại Khanh
150 câu hỏi trắc nghiệm
1. Hãy cho biết tại sao phiền não lại được kể thành quá nhiều cách. Có lúc là Tam Độc, 5 Triền, 7 Tiềm Miên, 10 Kiết Sử… Kể ít có phải là thiếu, kể nhiều có phải là dư? Ý bạn thế nào?
a. Tuỳ trường hợp mà kể bao nhiêu. Lúc này thiếu hay thừa đều có lý do.
b. Khi kể gọn là nói vắn tắt, khi kể nhiều là nói đầy đủ. Không có trường hợp nào là thiếu hay thừa.
c. Khi kể rộng là các phiền não được phân tích chi tiết, khi kể hẹp là thu gọn các phiền não.
d. Ý kiến khác.
2. Tại sao có lúc tà kiến hay vô minh được kể đến trong các phiền não, có lúc cả hai thứ này không được đề cập?
a. Vì chúng không quan trọng.
b. Vì đó là trường hợp không cần thiết nhắc đến.
c. Thật ra chúng đã được nhắc đến một cách kín đáo.
d. Các ý kiến khác.
3. Vị trí của Phật là cao nhất trong giáo pháp, không có Ngài thì chuyện gì cũng không. Tại sao trong kinh điển Pali ta không hề thấy một chỗ nào Đức Phật khích lệ đệ tử phát nguyện thành Phật.
a. Những người gặp Phật đều chỉ có khả năng thinh văn nên Đức Phật không có lý do nói cho họ nghe về Phật Đạo.
b. Phật đạo và thinh văn đạo là một con đường giống nhau chỉ khác ở hai điểm lý tưởng và cách hành trì. Người hữu duyên với con đường nào thì sẽ thấy ra cái mình phải chọn.
c. Thế Tôn có nói đến Phật đạo nhưng phần này chỉ được truyền thừa trong kinh sách các bộ phái khác, ngoài Theravada.
d. Người không đủ trình độ thì sau khi đi hết hành trình thinh văn sẽ tự chuyển sang Phật đạo.
4. Có ý kiến cho rằng lời Phật đích thực chỉ nhiều lắm là một nửa kinh tạng, một phần ngàn luật tạng, ngoài ra đều không phải lời Phật mà là của người đời sau. Ý bạn thế nào?
a. Ý kiến đó chính xác.
b. Ý kiến đó sai hoàn toàn.
c. Đích thật lời Phật thì nhiều hơn vậy.
d. Câu trả lời phải là một bài phân tích, không thể chỉ một hai câu. Nhưng cả 3 câu trả lời trên đều phải xét lại.
5. Có ý kiến cho rằng con đường giải thoát phải qua đủ 3 giai đoạn (giới, định tuệ). Ý bạn thế nào?
a. Ý kiến đó chính xác.
b. Ở người thấp kém thì Tam học là các giai đoạn, nhưng ở bậc thượng căn thì là các khía cạnh.
c. Ngay trong Tam học, nếu tu đúng thì trong cái này có cái kia.
d. Ý kiến khác.
6. Thánh hay phàm là ở tâm chớ không phải tướng, vậy tại sao người tu phải cần đến tướng như chùa chiền, thiền viện, y áo, tế hạnh.
a. Đối với người thấp kém phải nhờ có tướng mới có thể tu tâm.
b. Khi tu tâm thì tự nhiên kiện toàn được tướng.
c. Phải có hình thức để người ta biết mình là người tu.
d. Ý kiến khác.
7. Có người xem nặng các tầng thiền tuệ, xem đó là từng bước thành tựu trong công phu tuệ quán. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các tầng thiền tuệ chỉ là cách phân tích sâu rộng pháp môn tuệ quán. Chẵng hạn như trong 16 tuệ quán, 14 trí đầu có thể sáng có trưa không, thậm chí hành giả có thể đổi đạo. 4 trí sau, chỉ là 4 sát-na chớp nhoáng, không phải là 4 giai đoạn tu chứng. Bạn hiểu thế nào?
A. Mỗi tầng thiền tuệ đưa hành giả lên một tầng nhận thức cao hơn. Như vậy chúng là có thật.
B. Ở bậc độn căn, thì 16 tuệ là các giai đoạn . Ở bậc lợi căn là các khía cạnh của giây phút tu chứng.
C. 16 tuệ là cách nói khích lệ hành giả cho họ thấy sự tu tập của mình có tiến bộ.
D. Ý kiến khác.
8. Theo A Tỳ Đàm thì khi sống trọn vẹn với 25 tâm sở tịnh hảo thì các hạnh lành sẽ tự có. Ý bạn thế nào?
a. Từng hạnh lành phải được trau dồi riêng biệt. Như lúc nào tu hạnh thí, giới, văn…
b. Tuy kể chung là 25 nhưng tuỳ ở mỗi người, tâm sở nào mạnh thì sẽ thể hiện nó ra thân khẩu.
c. Tuỳ duyên mà 25 tâm sở tịnh hảo ở mỗi người và từ lúc có biểu hiện khác nhau.
d. Ý kiến khác
9. Việc tu tập có phải trải qua các giai đoạn thứ lớp như lúc chứng đạo hay không?
a. Bắt buộc phải thứ lớp, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó.
b. Đức Phật tuỳ căn cơ chúng sinh mà dạy nhiều pháp môn tu tập, nhưng nếu gom gọn lại thì chỉ có nhanh với chậm, không có nhiều hay ít.
c. Tu cái này đương nhiên có cái kia. Vấn đề là điểm khởi hành của mỗi người không giống nhau.
d. Ý kiến khác.
10. Bạn nghĩ sao về câu nói luân hồi do 6 căn thì giải thoát cũng nhờ 6 căn?
a. Sống với niệm và tuệ khi 6 căn hoạt động thì là con đường giải thoát, thiếu niệm và tuệ thì là con đường sanh tử.
b. Chán được trần cảnh nào thì càng gần giải thoát. Chán hết 6 trần cảnh thì trở thành thánh nhân.
c. Chúng sinh có bao nhiêu căn thì khi tu tập cũng dùng chừng ấy căn.
d. Ý kiến khác.
11. Các nghiệp thiện ác đều do Danh pháp quyết định (gồm 1, 13, 14, 25) nhưng tại sao nghiệp thì lại phải kể có 3 (thân, khẩu, ý). Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
a. Tứ đại cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo nghiệp.
b. Ý nghiệp khi mạnh thì được thể hiện qua thân khẩu.
c. Danh pháp sẽ càng mạnh khi kết hợp với Sắc pháp.
d. Tam nghiệp là trường hợp của riêng cõi ngũ uẩn.
12. Một người tỉnh táo và trí thông minh ở mức trung bình cũng hiểu tranh tượng Đức Phật chỉ là các vật liệu bình thường, không có gì liên quan đến Tam Bảo. Vậy việc thờ lạy bảo tháp và tranh tượng Đức Phật có phải là mê tín. Sẳn đây xin hãy cho biết bạn nghĩ gì về vấn đề Xá lợi: Bạn có tin đó là di cốt thánh nhân và có đáng để mất thời gian thờ lạy. Ý bạn thế nào?
a. Khi ta nghĩ nó thiêng thì nó thiêng.
b. Phải mượn cảnh sắc để liên tưởng cảnh pháp.
c. Tâm sanh diệt rất nhanh, phải mượn sắc pháp để kịp biết cảnh.
d. Ý kiến khác.
13. Chư Phật có vị tịch rồi không để lại giáo pháp, đạo Ngài cũng bị mất theo khi Ngài không còn nữa. Có vị tịch rồi để lại một hệ thống giáo pháp. Bạn nghĩ sao, hệ thống giáo pháp của chư Phật có giống nhau hay không?
a. Vì sự chứng ngộ của chư Phật là giống nhau nên giáo pháp cũng giống nhau.
b. Tinh thần giáo pháp giống nhau, nhưng hình thức trình bày phải khác nhau.
c. Tinh thần giáo pháp luôn giống nhau, nhưng hình thức trình bày có chỗ giống chỗ khác.
d. Ý kiến khác.
14. Kinh nói pháp môn Tứ Niệm Xứ là con đường dẫn đến giác ngộ. Và ta cũng được biết nhóm bồ đề phần còn lại cũng có nội dung của Tứ Niệm Xứ. Vậy tại sao chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ được nhắc đến một cách riêng biệt mà không có pháp môn Thất giác chi, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc.
15. Rõ ràng thiền Vô sắc không giúp ích gì cho sự giải thoát nhưng tại sao rất nhiều chỗ trong kinh điển, khi nói đến định học, Đức Phật thường nhắc đến cả hai tầng thiền Sắc và Vô sắc?
16. Giới tính có liên hệ gì đến trí tuệ giác ngộ hay không, nếu không thì tại sao nữ giới không thể tự ngộ và cũng không có được khả năng trí tuệ của ngài Xá Lợi Phất (kể cả bà Da du Đà La).
a. Đúng là giới tính có ảnh hưởng mật thiết với trí tuệ giác ngộ.
b. Muốn có trí tuệ thượng thừa thì công đức phải tương xứng. Khi đạt đến và khi có được lượng công đức ấy thì nữ tính không còn nữa.
c. Không kinh sách nào nói khả năng trí tuệ của nữa kém nam, chẵng qua họ không có điều kiện thể hiện.
d. Ý kiến khác.
17. Nhiều khi suốt một thời gian dài, không có chư Phật ra đời nhưng trên các cõi Phạm thiên còn có rất nhiều thánh nhân, tại sao họ không thể tái hiện một hệ thống giáo pháp như khi chư Phật đang tại thế?
18. Chư Phật ba đời luôn từ chối thành lập ni chúng nhưng vì sao ở đời Phật nào cũng có ni chúng?
19. Làm sao biết thứ gì là chúng sanh hay không phải chúng sanh (tinh trùng, virus, fungus, bacteria)… Vậy thì làm sao có thể giữ tròn giới sát?
20. Có mối quan hệ nào giữa các học giới, các tầng thiền và pháp môn tuệ quán đối với việc thu thúc 6 căn. Tác dụng là gì và đến đâu?
21. Có mối quan hệ nào giữa kiến thức A Tỳ Đàm với các giáo lý duyên sinh, duyên hệ, thiền chỉ, thiền quán, tam minh, lục thông, bốn trí vô ngại, thinh văn trí, độc giác trí và toàn giác trí?
22. Cách phân tích thiền Tứ Niệm Xứ qua các tầng thiền tuệ có từ thời Đức Phật hay sau này?
a. Có từ thời Đức Phật.
b. Do người đời sau.
c. Có từ thời Đức Phật nhưng không dễ gây hiểu lầm như qua các thiền sư sau này.
23. Hãy chứng minh hầu hết hành giả và tăng ni hôm nay đã hiểu sai về giáo lý Tam Học.
a. Nhầm lẫn giữa giới tục đế và giới chân đế.
b. Không thể kể rõ Giới Học trong Tam Học là gì.
c. Bị ám ảnh bởi các con số, cho rằng giữ tròn chừng ấy là đủ.
d. Ý kiến khác.
24. Muốn chứng đạo thì phải hành đạo, muốn hành đạo thì phải học đạo. Vậy ta nên hiểu sao về trường hợp một người chưa từng học giáo lý và một người tinh thông giáo lý đều có khả năng chứng đạo.
a. Người không học đạo mà vẫn chứng đạo là do tiền kiếp đã học quá nhiều.
b. Thật ra, có hai cách hiểu đạo là tinh thông giáo lý và nắm được một hai điểm yếu lý.
c. Do căn cơ tiền kiếp nên có 2 kiểu chứng đạo khác nhau.
d. Ý kiến khác.
25. Tại sao có lúc trí tuệ chỉ được kể có 2 là trí vay mượn và trí tự thân, có lúc được kể là 3 (văn, tư, tu)… nhưng có lúc trí tuệ được kể là 73. Như vậy kể ít có phải là thiếu và kể nhiều có phải là dư?
a. Kể gọn chỉ là nói vắn tắt, kể nhiều là cách nói chi tiết.
b. Trong những trường hợp đặc biệt thì không cần nói đủ, nên mới có cách kể ngắn gọn.
c. Giáo lý được phân tích theo hai hướng cho người hiểu và cho người chứng nên có nhiều cách kể như trên.
d. Ý kiến khác.
26. Hãy nói về khái niệm dư và thiếu trong hành trình tu tập. Ngoài những trường hợp sau, bạn còn tìm thấy trường hợp nào nữa hay không?
a. Hạn chế nhu cầu vật chất thì mới tu được. Như chỉ giữ ba y, chỉ ăn một buổi, phòng riêng chỉ đủ để một người nằm rộng.
b. Chỗ ở, thực phẩm, y phục phải được chuẩn bị đủ để hành giả cảm thấy thoải mái.
c. 5 Quyền phải quân bình, không cái nào mạnh yếu hơn cái nào mới chứng đạo được.
d. Không thiếu không dư thì gọi là đủ.
27. Hãy chứng minh 2 trường hợp sau đây: Nói là tu tâm nhưng không thể lơ là phần tướng, đang lo phần tướng cũng là đang lo phần tâm.
a. Hình thức sinh hoạt ảnh hưởng nhiều cho đời sống nội tâm.
b. Muốn chứng thiền (chân đế) phải nhờ đến đề mục tục đế.
c. Muốn có Trí (paññā) thì lúc đầu phải nhờ đến Tưởng (saññā). Muốn có Tuệ (ñāna) thì phải nhờ đến Biểu tượng (anka).
28. Bạn hiểu gì về chữ cảnh giới?
a. Là không gian vật chất để cư trú.
b. Trạng thái tâm thức.
c. Tuỳ lúc mà nói.
d. Chỉ có một trong hai.
29. Những giải thích chi tiết về Danh và Sắc qua từng sát-na rõ ràng không có trong chánh tạng, Đức Phật chưa từng nhắc đến những điều này ở bất cứ đâu. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
a. Phần này hoàn toàn do người đời sau nghĩ ra.
b. Các vị thinh văn đã diễn giải những gì mà Đức Phật không có dịp nói ra.
c. Truy tìm lịch sử của các bộ chú giải ta sẽ thấy những vấn đề này đã được biết đến từ thời Đức Phật.
d. Ý kiến khác.
30. Khi tâm thức được phân tích qua từng sát-na thì rõ ràng không một hành giả nào có thể kịp lúc quan sát, nói gì là học giả. Vậy việc ta học lộ tâm (cittavīthi/nāmavīthi) và lộ sắc (rupavīthi) có lợi ích gì?
31. Đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ thì chỉ cần quan sát tâm thiện, bất thiện và ngũ song thức là đủ. Vậy kiến thức về các thứ tâm khác như Khai Ý, Khai Ngũ, Tiếp Thâu, Quan Sát, Đoán Định… Có cần thiết lắm không?
32. Trong thực tế hành trì, ta rõ ràng thấy rằng kiến thức giáo lý và sự nghiêm túc trong giới luật nhiều khi là những rào cản rất lớn. Về giáo lý, nếu không bị đóng khung trong một số nguyên tắc thì nhận thức của ta sẽ bay bổng hơn. Về hành trì nhiều lúc sự khắc khe trong giới luật sẽ khiến ta khó xử và khó sống hơn. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
33. Tại sao vị tỷ-kheo chơn chánh không được phép tự xây dựng liêu cốc để ở và kích thước của liêu cốc cũng không được quá quy định. Hiểu được điều này cũng là kiến thức quan trọng cho cư sĩ. Vì sao lại thế?
34. Một mực giữ giới bất sát và giữ hạnh từ tâm thì một người tu phải làm gì để đối phó với những phiền phức như chuột dán, kiến mối.
35. Người Phật tử nghĩ sao về vấn đề ăn mặn. Ta không ăn thì sẽ không có người giết. Nhưng nếu khư khư trong chuyện ăn chay thì trong sinh hoạt nhiều khi cũng có chỗ bất tiện. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
36. Tinh thần Phật Pháp dạy ta rằng sống nhiều với cái gì thì sẽ tái sinh về cảnh giới tương ứng, nhưng có lần một người đến thưa với Đức Phật rằng thời gian mỗi ngày dành nhiều cho chuyện gì thì người ta sẽ sanh vào cảnh giới tương ứng, Đức Phật dạy rằng suy nghĩ này là sai lầm. Bạn hiểu gì về hai vấn đề này?
37. Thiện ác là do tâm ta nhưng ai học Phật cũng biết rằng đối tượng mà ta nhắm đến để làm việc thiện ác luôn có một ảnh hưởng rất lớn trong quả báo. Như cũng bằng tâm sân ấy nhưng khi ta tấn công một bậc thánh và một người phàm thì ác báo sẽ khác nhau. Đối với thiện nghiệp cũng theo cách này mà hiểu. Bạn giải thích sao về vấn đề này?
38. Theo bạn sống thoải mái đến mức nào thì không bị xem là lợi dưỡng và đơn giản đến mức nào không bị xem là khổ hạnh?
39. Theo tinh thần Phật Pháp thì đẹp, sướng, sang đều là cái thừa. Vậy bạn nghĩ sao về việc trồng hoa, cúng hoa cho tượng Phật và đền tháp?
40. Theo luật tỷ-kheo nói riêng và tinh thần giáo pháp nói chung thì việc cất giữ thức ăn qua đêm là điều không nên vậy ta nghĩ sao về nhà bếp và nhà kho ở chùa chiền, thiền viện?
41. Việc coi nặng các tầng thiền tuệ là điều không nên nhưng ý nghĩa của các tầng thiền tuệ thì rất quan trọng. Xin giải thích.
42. Theo A-Tỳ-Đàm thì ta không thể nào nhìn thấy Ngũ Song Thức, vậy thế nào là chánh niệm khi 6 căn biết 6 trần?
43. Có thể phân biệt sự khác nhau giữa Định (samadhi) và Niệm (sati), Tác ý (manasikara) và Tư (cetana) hay không?
44. Thế nào là sự khác biệt giữa hai tâm trạng thẹn thiện (nên có) và thẹn bất thiện (không nên có)?
45. Có hành giả tu Quán trước Chỉ sau hoặc ngược lại và cũng có hành giả Chỉ Quán song tu. Kinh nói vậy nhưng ta biết lúc nào cũng phải từng thứ một. Xin giải thích trường hợp Chỉ Quán song tu.
46. Đề mục thể trược và tử thi bên thiền Chỉ (samatha) chỉ có thể dẫn đến Sơ thiền, nhưng bên thiền Quán (Vipassana) thì có thể dẫn đến La Hán Quả. Xin giải thích vì sao có sự hạn chế như vậy bên thiền Chỉ.
47. Trên lý thuyết thì nhiều người cho rằng đề mục hơi thở bên thiền Quán thuộc Thân Quán Niệm Xứ nhưng cũng chính Đức Phật luôn dạy phép tu hơi thở qua cả bốn niệm xứ, tức tu cả bốn niệm xứ qua đề mục hơi thở. Bạn có thể giải thích rõ, như mình hiểu, về trường hợp này hay không?
48. Theo cách kể trong kinh thì trí Tư có vẻ là cao hơn trí văn. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?
a. Trí văn là phần thô mới nuốt vào, trí tư là phần đã tiêu hoá.
b. Phải xem lại Văn của ai và Tư của ai.
c. Trí Tư được kể có hai vì đây là điểm bắt đầu của giai đoạn lìa xa lý thuyết.
d. Ý kiến khác.
49. Hãy giải thích 2 câu nguyên tắt này trong pháp môn Tuệ Quán: Nói là sống trong hiện tại nhưng không bao giờ biết cảnh hiện tại, nói là nội quán nhưng không bao giờ thấy gì là ta, của ta.
50. Khi ta đang uống nước nóng thì cái gì là bốn đại chân đế và cái gì là bốn đại tục đế?
51. Nói Tâm Quán Niệm Xứ là Quán Tâm, vậy đó là quán tâm nào: tâm vừa diệt, tâm vừa sanh hay tâm ghi nhận?
52. Nếu sự chứng ngộ của thánh nhân là giống nhau thì tại sao khả năng thuyết giáo lại khác nhau, vì người chứng ngộ chỉ việc kể lại những gì mình đã thấy. Thậm chí chư Phật Độc giác không thể nói cho người khác biết mình đã chứng đắc cái gì.
53. Như trong một câu hỏi ở trước thì Bát chánh đạo hay Tam học cùng lúc có mặt trong mỗi phút giây tu và chứng. Hãy nói rõ trường hợp này.
54. Nếu nói phải có Văn và Tư mới có trí Tu thì những người không có điều kiện trau dồi giáo lý coi như không còn cơ hội. Điều này đương nhiên là sai. Nhưng nếu nói tu không cần học cũng đắc thì xưa nay trên đời này Phật Độc giác nhiều hơn Thinh văn giác hay sao?
55. Vai trò của 25 tâm sở tịnh hảo đều quan trọng như nhau nhưng tại sao có những thứ trong đó rất thường được nhắc đến như trí, giới, từ, bi, đức tin, tinh tấn… Các tâm sở lành còn lại nếu không học A tỳ Đàm thì không thể biết được.
Câu hỏi này cũng áp dụng cho 14 tâm sở bất thiện.
56. Hãy giải thích thế nào là trường hợp một tâm lành được vận dụng để làm các việc lành nhưng không được gọi là tâm thiện mà phải gọi là tâm duy tác.
57. Bằng chứng nào cho thấy khi tu tập Niệm Xứ thì có thể dùng cảnh chế định, nhưng khi chứng đạo bắt buộc phải thấy cảnh chân đế?
58. Kiến thức về 24 Duyên Hệ và 12 Duyên Sinh giúp được gì cho một người tin Phật, học Phật và tu Phật?
a. Để thấy rõ lý nhân quả.
b. Để thấy rõ lý Tam tướng
c. Để biết chán đời và sợ tội
d. Hỗ trợ cho việc tu tập Tuệ Quán
59. Trong chánh Tạng không chỗ nao Phật nói rõ về vấn đề Người và Cõi, nhưng trong Sớ giải thì nói rất rõ. Tài liệu này có đáng tin cậy không và kiến thức về hai vấn đề này có giúp gì cho một người tu Phật?
60. Tại sao tâm đầu thai lại có liên quan đến trí tuệ của một người?
61. Rà lại toàn bộ kinh điển ta sẽ thấy Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến con số 37 Bồ Đề Phần. Chi tiết này cho ta thấy ra điều gì?
62. Sau những ngày tháng nghe và đọc kinh điển bạn thấy vấn đề gì, thuật ngữ gì được nhắc đến nhiều nhất và bản thân bạn tâm đắc vấn đề gì trong giáo lý?
63. Bằng chứng nào trong kinh điển cho thấy ý niệm chủ quyền và cai trị không có trong Phật Pháp (như ý nghĩ quyền lực của trụ trì, của đại thí chủ…).
64. Niềm vui khi thấy mình có được giới hạnh, kiến thức giáo lý hay làm nhiều công đức có thể bị xem là kiêu mạn hay không? Nếu phải thì ta không nên có niềm vui đó, nếu khác thì thế nào là sự khác biệt giữa pháp hỷ và kiêu mạn?
65. Việc chán đời có ảnh hưởng đến Hỷ Giác Chi hay không?
66. Có quan hệ nào giữa hình dáng với tâm tánh và hạnh nghiệp của chúng sinh? Gợi ý: Như hình dáng con rắn, con chim, con người…
67. Hãy cho biết mối quan hệ của thiện tâm và phiền não ở một người đối với các nghiệp thiện ác của bản thân và hành trình tu chứng giải thoát? Gợi ý: Phiền não này nhiều sẽ tác động lên phiền não khác (14 vs 14), phiền não này tác động lên thiện tâm nào đó (14 vs 25), 25 vs 14, 25 vs 25.
68. Hãy cho một định nghĩa ngắn gọn nhưng đầy đủ về 4 khái niệm thiện ác buồn vui?
69. Hãy định nghĩa Tứ Đế một cách vắn tắt nhưng đầy đủ nhất.
70. Hãy giải thích giáo lý Duyên Khởi qua 12 mắt xích. Thế nào là Vô Minh duyên Hành… Hữu duyên Sanh? Và cái gì là nguồn cội của Vô minh?
71. Hãy nói vắn tắt nhưng đầy đủ về nguyên tắc nhân quả.
72. Hãy cho định nghĩa vắn tắt về Tam Học theo Tạng Kinh và A Tỳ Đàm.
73. Bằng chứng nào cho thấy phải là giới chân đế mới có thể cắt đứt phiền não?
74. Bạn nghĩ gì về khái niệm không gian và thời gian trong Phật Pháp nói chung, đặc biệt là trong A Tỳ Đàm?
75. Có hay không các thực tại lớn nhỏ, xa gần, trong ngoài, trên dưới, đẹp xấu, nóng lạnh, cứng mềm… Gợi ý: Nếu chỉ có bên tục đế thì chúng có thật sự cần thiết không.
76. Có quan hệ nào giữa Sắc pháp với dục ái và 6 căn?
77. Có quan hệ nào giữa tâm sân với sắc pháp?
78. Có quan hệ nào giữa 37 Bồ Đề Phần với Sắc pháp? (Trên nhân và quả)
79. Có quan hệ nào giữa 4 tầng thánh đạo với các vấn đề Uẩn, Xứ, Giới, Người, Cõi?
80. Kể ra các mối quan hệ giữa quả bất thiện với nhân bất thiện, nhân thiện và mối quan hệ giữa nhân thiện với quả bất thiện và quả thiện.
81. Cái gì ở người thú, chư thiên và phạm thiên, nam nữ là tục đế và chân đế?
82. Hãy nói cho biết khả năng nhận biết 6 trần ở các loài chúng sinh, ở đây bao gồm 6 trần tốt và xấu, 6 trần chân và tục đế, 6 trần cảnh Chỉ và Quán.
83. Việc một người chứng đạo theo cách gián đoạn (chứng tầng thánh này xong phải đợi một thời gian mới chứng tiếp các tầng thánh còn lại) là do thiếu Ba La Mật hay nhiều phiền não, hoặc do nguyên nhân nào khác?
84. Thế nào là 3 trường hợp Tam Tịnh Nhục? Cũng nên biết tên Pali của thuật ngữ này.
85. Thế nào là giữ giới để cầu phước và giữ giới để tránh tội?
86. Thế nào là giữ giới để cầu giải thoát. Câu hỏi này cũng áp dụng cho các hạnh lành khác.
87. Tăng ni Phật tử thời nay thường nhân ngày Vu Lan mà nói nhiều về chữ hiếu. Điều ấy đúng hay sai so với kinh điển truyền thống?
88. Trách nhiệm lớn nhất của mỗi người tu Phật là kiểm soát chính mình, vậy Đức Phật có bao giờ nhắc đến trách nhiệm đối với đoàn thể và những người cộng trú với mình hay không (như trong thiền viện hay một nơi chốn chung sống).
89. Người tu thì phải hào sảng (trích Phật ngôn), nhưng chia sẻ ở mức độ nào được xem là thuận với trí tuệ?
90. Thế nào là từ tâm có trí tuệ và từ tâm thiếu trí tuệ?
91. Thế nào là xả vô lượng tâm và xả vô cảm (aññānupekkhā)?
92. Thế nào là trường hợp chữa bệnh vì ái luyến xác thân và chữa bệnh để giữ mạng tu hành? Câu hỏi này cũng áp dụng cho các nhu cầu vật chất khác.
93. Có trường hợp nào hành giả cần cân nhắc trước khi thực hiện một công đức (như đang ở thiền viện có người rủ đi bố thí, cúng dường, lễ bái đền tháp, tham dự pháp hội, gặp gỡ cao tăng…)
94. Hành giả muốn bỏ nhà để tu tập chuyên sâu thì phải thu xếp việc nhà và ổn định tâm lý cách nào để không bị xem là thiếu trách nhiệm, sống quên bổn phận.
95. Vị tỷ-kheo chưa chứng Sơ quả cũng là phàm nhân. Vậy nếu một người cư sĩ nghiêm trì các học giới tỷ-kheo thì có được lợi ích tương đương hay không?
96. Phải là người có lòng tu và có ý thích thì mới bỏ hết chuyện đời để vào thiền viện, vậy tại sao các hành giả phải cần đến nội quy như là nguyên tắc sinh hoạt. Chẵng hạn giờ giấc, phân khu nam nữ…
97. Có nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi của pháp môn Tuệ Quán là cuộc sống có Niệm và Tuệ. Chỉ riêng việc tỉnh thức trong các đại tiểu oai nghi đã lấy hết thời gian trong ngày. Vậy một hành giả tinh tấn phải sinh hoạt ra sao để được gọi là viên mãn? (có ta có người, có tín có tuệ, có hỷ có xả).
98. Sau nhiều lần vỡ mộng, nay tự xác định đã tìm được minh sư, người cư sĩ nên thế nào:
a. Dốc lòng theo thầy tu học, không chút nghi ngờ, không mất thời gian kiếm tìm gì nữa.
b. Dốc lòng theo thầy tu học, nhưng để chọn lọc, phân tích.
c. Tiếp tục thận trọng, tiếp tục kiếm tìm một nguời thầy tốt hơn.
d. Trước mắt thì tin mình đã gặp thầy tốt, nhưng luôn nghĩ sư phụ nào cũng chỉ là chỗ tham khảo, không tôn thờ tuyệt đối người nào.
99. Có ý kiến cho rằng các nhóm pháp môn trong 37 Bồ Đề Phần (4 Niệm Xứ, 4 Chánh Cần, 5 Lực, 7 Giác Chi…) phải tùy duyên mà tu tập phần nào trước. Quan điểm của quý vị:
a. Phải tu 4 Chánh Cần trước vì nỗ lực là nền tảng cho sự tu tập.
b. Phải tu Ngũ Căn trước vì trong đó chánh tín là bước đầu cho mọi nỗ lực
c. Nội dung của các nhóm pháp môn là giống nhau. Tu tập cái này cũng là tu tập các nhóm còn lại
d. Các ý kiến khác.
100. Nhận thức giáo pháp ở người có hành trì sẽ khác với người chỉ có học nhưng thiếu hành trì. Vậy ta có nên bỏ thời gian học hỏi giáo lý thay vì tập trung hành trì, ý kiến của bạn?
a. Thời gian còn lại của mỗi người không biết là dài ngắn bao nhiêu, nên ta phải tập trung hành trì.
b. Phải tập trung trau giồi kiến thức để có nền tảng vững chắc cho việc hành trì.
c. Việc học là cần thiết nhưng tuổi nào cũng có thể chết, nên phân chia thời gian hợp lý để vừa học vừa hành.
101. Có phải tất cả chư Phật đều giảng dạy pháp môn Tứ Niệm Xứ?
a. Đều nhắc đến theo một cách.
b. Có nhắc đến nhưng cách thức khác nhau.
c. Có những vị không hề nhắc đến.
d. Ý kiến khác.
102. Con đường chứng ngộ của chư Phật Độc Giác có phải cũng là pháp môn Tứ Niệm Xứ?
103. Các con số được Đức Phật dùng đến để phân tích các pháp (4 Chánh Cần, 7 Giác Chi,…) có thể thay đổi hay không?
104. Có thể cho biết vì sao tứ oai nghi (tư thế sinh hoạt) lại là một phần quan trọng trong pháp môn Niệm Xứ?
105. Cách thức đắp y của chư Phật và thánh tăng ba đời có giống nhau hay không?
106. Phật Pháp luôn nhấn mạnh khía cạnh tuỳ duyên, tại sao lại có những quy định rất khắc khe về các nhu cầu vật chất như chuyện ăn, ở, mặc?
107. Có thể thu gọn pháp môn Tứ Niệm Xứ, quán Duyên Khởi, quán Tứ Đế bằng cách nói ngắn nhất như có thể?
108. Theo bạn học giới nào là quan trọng nhất trong việc tu tập và khó gìn giữ nhất đối với bản thân bạn? Tại sao?
109. Tại sao trên cõi trời không có đời sống xuất gia?
110. Tại sao người Bắc Cưu Lưu Châu không chứng thánh đạo?
111. Có thể kể ra những dấu hiệu của người có lòng tu và thiếu lòng tu giải thoát, dù đôi khi những dấu hiệu đó chỉ là tạm thời?
112. Nếu thu gọn 24 duyên thì bạn sẽ lấy những duyên nào và tại sao?
113. Có thể rút ngắn nguyên tắc 12 Duyên Khởi được hay không?
114. Người cầu giải thoát có cần dành thời gian cho những môn học quan như tiếng Pali và giáo lý hay không?
115. Điều nào trong Phật Pháp cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa thiện và ác ở một người (cái này mạnh thì cái kia sẽ yếu), cả Chân đế lẫn Tục đế?
116. Có mối quan hệ nào giữa Sắc pháp với Danh pháp trong đời sống của một chúng sinh cõi ngũ uẩn.
117. Bằng chứng nào trong kinh điển cho thấy Đức Phật đã kêu gọi chúng ta từ chối mọi thần tượng, không tôn sùng cá nhân hay bất cứ một truyền thống nào?
118. Chức danh và địa vị không là gì hết trong Phật Pháp, thế nhưng tại sao Đức Phật nào cũng có đến vài mươi đệ tử đứng đầu về các biệt hạnh (đệ nhất thiên nhãn, đệ nhất tài lộc) và được Ngài long trọng tuyên dương xác nhận trước tứ chúng?
119. Kinh nói chư Phật Chánh Đẳng Giác và 2 vị chí thượng thinh văn vào kiếp chót bắt buộc phải sinh ra trong gia đình tôn quý, riêng chư Phật Độc Giác thì điều này không quan trọng. Ta cũng được biết thời gian tu hành của một Đức Phật Độc Giác phải gấp đôi một vị chí thượng thinh văn, nhưng kiếp chót các ngài có thể có một xuất thân rất thấp kém. Tại sao vậy?
120. Có người nói một phụ nữ như bà Da Du cũng hiếm có ngang với một vị Phật, điều này đúng hay sai?
121. Bạn nghĩ gì khi trong thập độ (10 Ba La Mật) gần như không có dấu vết của 37 bồ đề phần. Điều này đúng hay sai?
122. Muốn thành Phật thì hẳn nhiên phải viên mãn các hạnh lành, đương nhiên là trong tâm không phải ngoài tướng như bố thí hay trì giới thì phải đều tự tâm, nếu chỉ trên hình thức thì không kể. Nhưng tại sao vị bồ tát nào cũng phải nhiều kiếp thực hiện 5 đại thí (ngai vàng, vợ, con, tứ chi và tánh mạng).
123. Vật chất nhu yếu của người tu nói chung gồm có mấy thứ và tại sao không thể nhiều hơn hay ít hơn? Thế nào là dư và thế nào là thiếu?
124. Ý nghĩa và công dụng của tam y tỷ-kheo là gì? Câu trả lời cũng là một gợi ý quan trọng cho đời sống cư sĩ.
125. Số lượng học giới nhiều và ít có ảnh hưởng đến nội tâm hay không?
126. Tác dụng của các học giới đối với mỗi người có khác nhau hay không?
127. Tại sao người xuất gia phải cạo tóc?
128. Hãy thử liệt kê những thứ phiền não chỉ có bên Kinh Tạng mà không có trong A Tỳ Đàm? Và hãy cho biết tại sao?
129. Dựa vào đâu để ta biết rằng lý thuyết về lộ tâm và lộ sắc được phát triển sau thời Phật và dựa vào đâu để xác định phần này không trái lời Phật?
130. Dựa vào đâu mà ta nói rằng thế giới của 6 căn là thô, của 3 căn tế hơn và 1 căn là tế nhất? Và có phải thế giới này chỉ có thể nhận biết qua 3 căn hay 1 căn cũng đã đủ?
131. Tại sao có lúc Đức Phật phân tích thế giới này một cách ngắn gọn qua Danh Sắc, có lúc rộng hơn thành 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới?
132. Tại sao luật cấm người giữ 10 giới trở lên không được cất giữ hay sở hữu quý kim, bảo thạch?
133. Tại sao luật cấm tỷ-kheo không được đào đất, đốt lửa, đốn cây, nhổ cỏ mà cũng không trồng trọt, chăn nuôi?
134. Bạn biết gì về ý nghĩa của các cảm thọ khổ, lạc, xả trong hành trình tu chứng?
135. Có bao nhiêu trường hợp được gọi là có niệm? Trong các trường hợp ấy niệm có giống nhau hay không?
136. Thế nào là tỉnh giác trong chánh niệm tỉnh giác? (kể rõ 3 trường hợp)
137. Thế nào là Giới có 3 (2 trường hợp), thế nào là giới có 6, thế nào là giới có 4?
138. Thế nào là Định có 4, có 3, có 5?
139. Thế nào là Tuệ có 1, có 2, có 3, có 4 và 73?
140. Khái niệm phân chia Tục Đế và Chân Đế có phải chỉ xuất hiện sau khi Phật tịch? Nếu có từ thời Phật thì bằng chứng là gì?
141. Có thể nào nêu ra sự khác biệt giữa trí tư và trí tu hay không? Vì rõ ràng cả hai loại trí đều nằm ngoài sách vở.
142. Không phạm giới có phải là giữ giới hay không?
143. Nếu nói một người tu lâu phước nhiều thì nữ tính sẽ biến mất, tại sao có rất nhiều vị thánh nữ đã tu cả 100.000 đại kiếp vẫn tiếp tục mang thân nữ?
144. Bạn có thể tự mình vào thẳng Tam Tạng và khẳng định phần nào trong đó không phải lời Phật hay không?
145. Nếu nói rốt ráo thì ta có thể nói một hòn đá và một con chuột giống nhau hay không?
146. Thời gian và không gian có ý nghĩa gì trong chuyện sanh tử và giải thoát của chúng sanh không?
147. Hãy giải thích câu kinh này “Đối với những pháp này đừng để đây là cơ hội cuối cùng. Đối với những pháp này, không nên để tái diễn thêm một lần nào nữa”.
148. Ở trường hợp nào tất cả khổ lạc là giống nhau và khác nhau và ở trường hợp nào tất cả thiện ác là khác nhau và giống nhau?
149. Kinh nói ngoài bát chánh đạo không có thánh nhân, hầu hết người Phật giáo hôm nay đều cho rằng người ngoài hệ phái mình không có khả năng chứng đạo. Ý kiến của bạn?
150. Đàm luận là kẻ nghe người nói, thuyết pháp và thính pháp cũng là kẻ nói và người nghe giống nhau. Tại sao trong 38 pháp kiết tường, Đức Phật lại kể thành hai trường hợp khác nhau? Trường hợp nào nên đàm và trường hợp nào nên thính?