LTP Học Phật Pháp
Sự nguy hiểm của TÂM NGÃ MẠN - Sư Hạnh Tuệ - 19.12.2022 (Chùa An Lạc)




Thế gian này cái gì cũng có cái giá của nó .  Nếu cái "danh dự" của họ có thể bán được, họ cũng bán luôn .  Họ lừa đảo, gạt gẫm; họ là người xảo trá .  Trong đạo cũng vậy, có những người không có giới  hạnh, nhưng họ làm như họ có giới hạnh; họ không có tu thiền, họ làm người khác hiểu lầm là họ có tu thiền; họ không chứng thánh, nhưng họ làm người khác  hiểu lầm là họ chứng thánh .  Để chi vậy ? Để cho người khác cung kính, cúng dường, lễ bái .

Ương Ngạnh và Cạnh Tranh:

Ương Ngạnh: có những người rất cứng đầu, không bao giờ chịu cúi đầu, nói chi là nhận sai cho dù được chỉ ra lỗi của họ .  Người khác sai, không phải là họ .  Đây là một cấu uế của tâm .

Sư Hạnh Tuệ nhắc:

Hãy nhìn chính mình xem mình có những tính chất này hay không, đừng nhìn người khác . Lời Phật dạy là để mình nhìn lại tâm mình, không phải là để mình nhìn cái tên của một ai đó .


Có bao giờ chúng ta biết chúng ta sai, nhưng không chịu xin lỗi ?

Mình ương ngạnh, không dám nhận lỗi khi sai vì sợ bị quê .  Một ví dụ: Làm bậc cha mẹ ông bà cũng có khi sai, nhưng không dám xin lỗi với con cháu . Mình còn là phàm là có sai, không phải vì mình lớn là mình đúng hết . Mình không muốn xin lỗi vì sợ mất mặt, rồi tìm cách phủ nhận che dấu .

Học đạo là để thấy mình sai, mình cần phải sửa .

Cạnh Tranh: mình muốn hơn người khác .  Danh từ "ganh đua" mang tính cách tiêu cực,  "cạnh tranh" trung lập hơn .  Có hai phương diện: thiện và bất thiện .

1/ Cạnh tranh bất thiện: ngoài đời --> muốn mình đẹp / giàu gấp hai hay ba lần người ta . Bất thiện trong đạo --> thấy người khác học 1 tạng kinh, mình phải học 2 tạng cho hơn người; thấy vị pháp sư này giỏi có đông đồ chúng, mình phải giỏi gấp đôi vị này . Bất thiện của cạnh tranh nằm trong ngạo mạn .

2/ Cạnh tranh thiện: Tăng Chi Kinh kể có vị thôn trưởng dắt 500 chàng thanh niên đảnh lễ Đức Phật . Sau khi nghe Ngài thuyết pháp, vị thôn trưởng muốn làm gương (không phải là ngã mạn) cho 500 vị thanh niên kia:

1/ Ông giữ 5 giới, thế là 500 thanh niên cũng giữ 5 giới .
2/ Ông muốn làm gương, bèn giữ 8 giới, 500 người kia cũng giữ 8 giới .
3/ Dần dần, ông xuất gia, họ cũng bắt chước xuất gia .
4/ Ông tu thiền, đắc Tứ Thiền, họ cũng bắt chước làm theo và cũng đắc Tứ Thiền .
5/ Ông tu hành tiếp, đắc quả A la hánh, 500 vị này bắt chước cũng đắc A la hán .
6/ Khi đắc A la hán rồi, không còn ý tưởng cạnh tranh nữa .

Cạnh tranh thiện không có sự kiêu mạn .

Ngã Mạn và Quá Mạn
Reply
Sống không bất mãn - Sư Toại Khanh Giác Nguyên #Shorts

https://youtube.com/shorts/xDAniL8tedQ?feature=share

2 lý do chúng ta bắt mãn với cuộc sống:

  1. Bất thiện nghiệp nhiều quá
  2. Lòng tham vô đáy 

Nếu không tu tập, rất dễ bất mãn. Hãy vui khi không có gì để phàn nàn. Vui là vì chúng ta sống sao cũng được. 

Người giàu không phải là người cái gì cũng có. Người giàu là người sống cách gì cũng OK, sống không bất mãn,  không chờ đợi quá nhiều những gì từ bên ngoài.
Reply
Từ Kinh Ðại Niệm Xứ lợi ích và phương thức hành thiền Vipassanā

https://phatgiao.org.vn/tu-kinh-ai-niem-...50633.html

Tác giả: Sa di Thích Đức Kiên 

Phương pháp thực tập thiền này đã được Đức Phật khám phá và dành trọn 45 năm hoằng dương giáo pháp để giảng dạy cho các đệ tử của Ngài. Thiền Minh Sát được đề cập rất rõ trong bài kinh số 22 Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) thuộc kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya).

Thiền Minh Sát hay còn gọi là thiền Minh Sát Tuệ, tiếng Pāli là Vipassanā, có nghĩa là “Nhìn thấy mọi thứ như nó đang thực sự là”. 

Đây là tiến trình thực tập thanh lọc tâm, thông qua việc tự quan sát các đối tượng, là một phương pháp tu tập để đạt được giải thoát. 

Phương pháp thực tập thiền này đã được Đức Phật khám phá và dành trọn 45 năm hoằng dương giáo pháp để giảng dạy cho các đệ tử của Ngài. 

Thiền Minh Sát được đề cập rất rõ trong bài kinh số 22 Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) thuộc kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya). Theo bản kinh hướng dẫn, hành giả chọn 4 đề mục là Thân (Thân thể), Thọ (Cảm xúc), Tâm và Pháp (Các đối tượng của tâm) để tiến hành quán sát. 

Chúng ta phải thực tập thiền Minh Sát Tuệ, bởi việc tu tập ấy đem lại rất nhiều lợi ích. 

Lợi ích của thiền Vipassanā, được Đức Phật khẳng định trong kinh Đại Niệm Xứ: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn niệm xứ” [1]. 

Dựa vào 4 đối tượng kể trên để tu tập, 
  1. chúng ta quan sát được sự sanh diệt của Danh sắc và Ngũ uẩn. 
  2. Qua đó, nghiệm được Vô thường (Anicca), Khổ (Dukka) và Vô ngã (Anatta), Bất tịnh của vạn pháp 
  3. để cuối cùng chứng đắc các tầng tuệ Minh Sát, đạt được giải thoát, Niết-bàn tuyệt đối.

LỢI ÍCH CỦA THIỀN Vipassanā

Lợi ích 1: Thanh tịnh chúng sanh

Thanh tịnh chúng sanh nghĩa là làm trong sạch lại tâm chúng sanh. Chúng sanh hữu tình đều bị ô nhiễm bởi nhiều loại phiền não (tham lam, sân hận, si mê). 

Khi duy trì liên tục việc 
  1. thực hành chánh niệm (Sati), tỉnh giác 
  2. một cách liên tục (Tinh tấn – Vīriya)
thông qua tập thiền Vipassanā thì tâm sẽ từ từ được an định.

Sự an định của tâm có công năng “thiêu đốt” các phiền não nhờ yếu tố 
  1. Hỷ (Pīti), 
  2. Khinh an (Passaddhi), 
  3. Định (Samādhi) 
lần lượt xuất hiện và tăng trưởng. 

Cuối cùng là yếu tố Xả (Upekkhā) – buông bỏ mọi chấp trước và luôn có mặt ở mỗi giai đoạn. 

Một tâm thanh tịnh luôn có đầy đủ cả 7 yếu tố này. Những bất tịnh, khi được chiếu soi bởi chánh niệm sẽ “trồi lên bề mặt” của tâm, được nhận diện và đoạn trừ, vì thế tâm chúng ta dần dần thanh tịnh.


Lợi ích thứ 2: Vượt khỏi Sầu – Bi

Sầu-bi (Soka – Parideva) là những trạng thái tâm tiêu cực, chán chường; là tiếng than khóc khi đối diện với những cảm xúc lo lắng, trống rỗng,… và đều có nguồn gốc từ vô minh (Avijjā). Ví dụ, khi tiếp xúc với một hình ảnh đẹp, nhưng không có chánh niệm để ghi nhận thì tham ái và dính mắc sẽ tràn ngập, quấy nhiễu tâm thức. Từ đấy, tâm bắt đầu lên kế hoạch và tính toán để nắm giữ vật ưa thích hay điều mình mong muốn. Vì không thực hành Vipassanā để có chánh niệm ghi nhận, nên ta không hiểu được đặc tánh thật sự của đối tượng. Sự không hiểu này chính là vô minh. Vì bị vô minh nên chúng ta lầm nghĩ đối tượng là tốt đẹp rồi thèm muốn và dính mắc vào. Thèm muốn là ái dục và dính mắc là chấp thủ. Như vậy, chúng ta có vô minh, ái và thủ. Nếu sở hữu được thì làm chúng ta dính mắc vào đấy. Nếu không sở hữu được thì làm ta sân hận. Tất cả đều dẫn ta tới sầu, bi. Nó dẫn ta đến vòng luân hồi khổ đau phiền não theo vòng tròn của 12 chi duyên khởi. Nhưng nếu có thực tập thiền Minh Sát Tuệ, khi phải đối diện với những mất mát trong cuộc sống, yếu tố chánh niệm sẽ giúp hành giả nhận chân ra cuộc đời này là vô thường, đến đi được mất là lẽ tự nhiên tất yếu của cuộc sống. Khi có chánh niệm, phiền não sẽ không có cơ hội xâm nhập vào tâm ta bởi chánh niệm ví như một người lính gác, đứng ngay cửa giác quan nên không một tâm bất thiện nào có thể đi vào tâm ta được.

Bên cạnh tham ái, sân hận cũng phát sanh do thiếu chánh niệm. Khi tiếp xúc với đối tượng không hài lòng, sân hận sẽ phát sinh nếu không có chánh niệm. Tâm hành giả cũng bị dao động. Khi bị bóng tối si mê che lấp, tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm theo đuổi dục lạc ngũ trần và hậu quả thì không sao tránh khỏi sự phiền não khổ đau.

Lợi ích thứ 3: Diệt trừ Khổ (thân) – Ưu (tâm)

Khổ (Dukkha) được dùng chỉ sự đau đớn về thân thể vật lý và cảm thọ khổ hay khó chịu về tấm thân vật lý đó. Còn Ưu (Domanassa) chỉ sự khó chịu về tâm. Nó có thể là một ý nghĩ, một ký ức, hay sự sợ hãi. Khổ thân trong trường hợp này là sự đau nhức trong cơ thể, những khó chịu trong thân. Khổ tâm cũng là một tâm sở, như những trạng thái tâm ở trên, luôn có sự liên kết với nhau. Việc thực hành thiền tập để duy trì miên mật yếu tố chánh niệm sẽ giúp ta chế ngự, loại trừ hay tránh xa những tâm sở bất thiện. Cảm giác về khổ ở thân hay Ưu ở tâm chỉ là do những tạo tác, có điều kiện để sinh khởi và vượt khỏi tầm kiểm soát của ta. Nó tuyệt đối không phải là thứ gì “của ta”, “là ta” cũng không phải là bản ngã nào cả. Chánh niệm sẽ giúp hành giả nhận ra “cảm giác chỉ là cảm giác” và nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Khi nhận ra như vậy, ta không còn dính mắc và phản ứng thái quá về những trạng thái tâm khổ đau (hay vui sướng) nữa. Vì thế, có thể nói, mục đích của chánh niệm là giúp ta có được trí tuệ minh sát, nhận ra bản chất thật sự của các loại cảm giác (sầu, bi, khổ, ưu, não,…), từ đó không còn chìm đắm trong nó, cuối cùng buông bỏ được sự khổ đau.

Lợi ích thứ 4: Thành tựu Thánh trí

Việc duy trì chánh niệm, ngoài việc loại trừ các phiền não như: Sầu, bi, khổ, ưu, còn giúp hành giả thành tựu được trí tuệ. Đặc tính của trí tuệ là đi sâu vào bản chất sự vật. Nhiệm vụ của nó là từ bỏ bóng tối của si mê, là cái che đậy tự tính của sự vật. Trí tuệ có biểu hiện là vô si. Và chính nhờ công năng của chánh niệm một cách liên tục, mà tạo nên Định có khả năng nhìn thấy thực tướng của các pháp: vô thường, khổ, vô ngã. Khi có được trí tuệ như vậy, hành giả không còn sự bám víu, cố chấp vào những giả tạm của thế gian, không còn cho rằng “đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta”, nhờ thế mà dần dần hành giả giải thoát mọi sự ràng buộc của danh sắc và ngũ uẩn. Vì thế, một người với tâm định tĩnh có thể biết và thấy đúng. Trong Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận), Buddhaghosa (Phật Âm) cho biết một hành giả tu tập thiền Minh Sát chuyên sâu sẽ trải qua tầng bậc từ thấp đến cao của các loại trí tuệ như: trí sinh diệt, trí biến diệt, trí bố uý… và tương ứng với tầng cấp chứng đạt quả vị từ thấp đến cao là: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm…

Lợi ích thứ 5: Chứng ngộ Niết-bàn

Lợi ích rốt ráo nhất của một hành giả tu tập thiền Minh Sát là có thể chứng đắc được Niết bàn (Nibbānassa sacchikiriyāya). Đây là trạng thái tâm sau khi trừ khử hoàn toàn mọi phiền não cấu uế. Niết bàn chính là hạnh phúc cao nhất; là sự chấm dứt hoàn toàn tham, sân, si, đoạn tận các lậu hoặc, đạt quả vị A-la-hán. Đức Phật dạy về mối liên hệ giữa việc tu tập Bốn Niệm xứ với các đạo quả như sau: “Thậm chí không cần bảy năm một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm… trong năm năm… trong bốn năm… trong ba năm… trong hai năm… trong một năm. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn” [2]. Vì vậy, chúng ta mới gọi phương pháp thực tập thiền Minh Sát Tuệ – Vipassanā,  là “con đường độc nhất, đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết – bàn”.

ỨNG DỤNG TU TẬP

Vì thiền Vipassanā có lợi ích như vậy, nên phải có phương pháp thực tập đúng đắn thì mới thu hoạch được nhiều lợi ích. Thực hành thiền Vipassanā là tuân theo hành trình của con đường cao quý có 8 phần (Bát chánh đạo), gồm: Giới, Định và Tuệ. Trong đó, yếu tố đầu tiên là Giới, người hành thiền phải vâng giữ những điều Giới luật mà mình đã thọ trì. Đối với Phật tử tại gia là 5 giới, 8 giới; người xuất gia thì 10 giới, 250 giới Tỳ-kheo hay 348 giới Tỳ-kheo-ni. Việc áp dụng những Giới này giúp tâm trí chúng ta đủ tĩnh lặng để tiến xa hơn trong việc hành thiền. Một người nếu không biết giữ gìn những điều đạo đức thì rất dễ tạo ra những hành động bất thiện, làm tâm tư cảm thấy hối hận, lo sợ. Đó là những yếu tố làm chúng ta khó có khả năng đạt được định tâm và chứng đắc được trí tuệ giải thoát. Điều ấy, có thể hình dung như một ngọn đèn, muốn phát huy được ánh sáng của nó, thì chụp đèn chính là phần Giới, có công năng bảo vệ ngọn lửa bên trong. Nhờ có chụp đèn, mà ngọn đèn không bị chao đảo, đấy chính là Định. Nhờ có Định, mà ánh sáng của đèn được chiếu rõ, đó là Tuệ để phá tan bóng tối của sự vô minh.

Có 4 đối tượng để chúng ta lựa chọn cho việc thực hành Vipassanā, là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. 

1/Quán thân:

Chúng ta nên thực tập bắt đầu bằng việc quán niệm trên Thân (Kāyānupassanā). Thực hành thiền không gói gọn trong việc chỉ ngồi (thiền toạ), nhưng trong 4 oai nghi chính (đi, đứng, nằm, ngồi) thì ngồi sẽ giúp ta dễ dàng quán sát hơn. Hành giả lựa chọn tư thế ngồi xếp bằng, có thể kê thêm bồ đoàn (xương cùng nằm giữa bồ đoàn), cho chân trái gác lên chân phải (hay ngược lại), bán già hay kiết già tuỳ theo hành giả, giữ lưng luôn thẳng, bàn tay phải để trên bàn tay trái và đặt trên hai lòng bàn chân (hai đầu ngón tay cái có thể chạm vào nhau).

Quá trình thực tập thiền Vipassanā nhằm phát triển trí tuệ để nhận chân ra tam tướng của vạn pháp là: vô thường, khổ và vô ngã. 

Một trong những đề mục dễ thực hành là quán niệm hơi thở. Việc quán sát hơi thở nên diễn ra tự nhiên, không nên gò bó, đè nén. Công việc này giúp tâm ta trở nên yên định. Hơi thở là đối tượng để thực tập ban đầu vì luôn hiện diện trong mỗi con người và khá là đơn giản. Có hơi thở là có sự tiếp xúc với hiện tại. Đầu tiên, hành giả có thể thực tập chánh niệm thông qua việc đếm hơi thở. Hành giả hướng tâm ở mũi và đếm từ 1 đến 10 rồi ngược lại. Nếu quá trình đếm, mà bị quên thì đếm lại từ đầu. Khi đếm hơi thở đã nhuần nhuyễn, hành giả có thể chuyển sang việc theo dõi hơi thở. “Hơi thở vào, hành giả biết hơi thở đang vào, hơi thở ra hành giả biết rằng hơi thở đang ra. Khi hơi thở dài biết hơi thở dài, khi hơi thở ngắn biết rằng hơi thở ngắn, khi hơi thở thô biết hơi thở thô, khi hơi thở tế, biết rằng hơi thở tế”.

Hành giả cũng có thể theo dõi sự phồng xẹp của khoang bụng. Và hành giả phải cố gắng giữ chánh niệm tỉnh giác liên tục. Hành giả duy trì ý thức toàn bộ chiều dài hơi thở vào rồi bắt đầu “đi ra, đi ra, đi ra”, sau đó ngừng đi ra, rồi lại bắt đầu “đi vào, đi vào, đi vào”. Cứ như thế, ta ý thức toàn diện, ý thức không ngừng về toàn bộ chiều dài hơi thở đi vào, toàn bộ chiều dài hơi thở đi ra. Như thế, hơi thở là đối tượng phổ quát chung cho mọi người.

Khi mới thực tập, sẽ rất khó để có thể theo dõi sát sao hơi thở, lúc này trong tâm ta sẽ xuất hiện rất nhiều suy nghĩ. Những suy nghĩ này lôi kéo tâm ra khỏi giây phút hiện tại với hơi thở của chính mình. Nhưng việc của chúng ta là cứ tiếp tục có mặt với hơi thở trở lại. Trong việc thực tập thiền Minh Sát hành giả dùng chánh niệm để theo dõi các giác quan để ngăn không cho tâm bất thiện có điều kiện chen vào. Quá trình thiền tập còn giúp chúng ta đối diện với các trạng thái cảm xúc (Thọ – Vedanā) và phản ứng của tâm chúng ta với trạng thái cảm xúc ấy (Tâm – Cittā). Thân và tâm là hai thực thể không tách liền nhau. Chúng ta trải nghiệm thực tại của thân bằng cách cảm nhận, dựa vào những cảm giác nảy sinh trên thân. Nếu không ý thức được cảm giác thì cũng không thể nào trực tiếp biết được về cấu trúc vật lý của thân thể. Nên cả hai thể tách rời nhau được. Tương tự như vậy, phần tinh thần có thể phân tích thành hình thức và nội dung: Tâm và những gì sinh khởi trong tâm (Dhammā) gồm ý nghĩ, cảm xúc, hy vọng, sợ hãi,…

2/ Quán thọ:

Quan sát cảm thọ (Vedanānupassanā) cho chúng ta biết cụ thể về thực tại vô thường trong bản thân. Chúng ta thấy có sự thay đổi liên tục của cảm giác trong từng sát na. Hành giả chánh niệm và biết rõ sự sanh khởi, hoại diệt của các cảm thọ (thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả…), chỉ có cảm thọ hiện hữu mà thôi. Ví dụ, khi ngồi thiền, chúng ta sẽ trải qua các cảm giác của sự an lạc, vì theo dõi được hơi thở một cách liên tục sẽ làm tâm yên ắng. Nhưng nếu ngồi lâu hơn, những cơn đau từ chân bắt đầu xuất hiện, cảm giác khó chịu (khổ thọ) bắt đầu xâm chiếm lấy ta. Nếu thay đổi tư thế, máu ở chân bắt đầu được tuần hoàn, cảm giác dễ chịu, thoải mái lại xuất hiện (lạc thọ). Cứ như thế, những cảm giác trong cơ thể tiếp tục thay đổi lẫn nhau. Công việc của chúng ta chỉ là quán sát cảm thọ đang sinh khởi, ghi nhận và niệm thầm “đau, đau” hay “dễ chịu, dễ chịu”. Quan sát sự thay đổi liên tục của cảm giác khiến ta chứng nghiệm được bản chất phù du của mình. Và sự chứng ngộ này cho thấy tính chất vô nghĩa nếu chúng ta bám chấp vào nó, vì nó chỉ mang tính hư ảo. Từ đó, ta khởi sinh sự chán lìa, không còn thèm muốn hay chán ghét mà xóa bỏ được thói quen phản ứng với các cảm thọ. Bằng cách này, ta dần dần giải thoát tâm khỏi mọi khổ đau.

3/ Quán tâm:

Thông thường, cảm thọ sẽ đi kèm với trạng thái tâm. Pháp quán tâm trên tâm (Cittānupassanā) là trong lúc thiền tập, hành giả xuất hiện tâm gì, thì vị ấy chánh niệm và biết rõ tâm ấy. Hành giả quán sát sự sanh khởi, hoại diệt của nội, ngoại tâm và cả hai nội ngoại tâm. Ví dụ khi ngồi thiền, sau một khoảng thời gian, chân sẽ cảm thấy tê mỏi, đó là khi cảm thọ khó chịu bắt đầu sinh khởi. Cảm giác khó chịu dẫn ta tới trạng thái tâm bực bội sân hận, muốn thoát ra khỏi tình trạng trên, đó lại là sự sinh khởi tiếp của tâm tham. Nên việc thực hành Vipassanā, công việc của hành giả chỉ đơn thuần là ghi nhận trạng thái tâm ấy, “tôi đang sân, sân”, hay “tôi đang tham, đang tham”. Khi ghi nhận được như vậy nghĩa là ta đang thực hành “quán tâm trên tâm”.

Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, chúng ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư),… Ảnh: pixabay.com
Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, chúng ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư),… 

4/Quán pháp:

Trong kinh Đại Niệm Xứ, quán sát pháp trên pháp (Dhammānupassanā) để chỉ cho: Năm chướng ngại – Nīvarana (tham dục, sân hận, hôn trầm – thuỳ miên, phóng tâm – hối hận và hoài nghi), năm nhóm tập hợp – Upādānakhanda (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn), sáu căn và sáu trần – Āyatana (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), bảy pháp giác ngộ – Bojjanga (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả), bốn chân lý cao thượng – Ariyasacca (khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ). Thấy cái gì và chúng ta chú tâm chánh niệm vào cái đó là ta đang “quán sát pháp trên pháp”. Như vậy, đề mục pháp để quán sát rất rộng, gồm tất cả mọi đối tượng, đối tượng nào cũng được. Cả thân lẫn tâm đều là đối tượng. Vậy thì niệm gì cũng có thể gọi là niệm pháp. Thực hành bốn căn bản chánh niệm theo thứ tự, cũng không cố gắng tìm xem ta đang quán sát lãnh vực nào của chánh niệm: quán sát thân, quán sát thọ, quán sát tâm hay quán sát pháp. Nếu cố gắng tìm xem ta đang chánh niệm loại nào thì sẽ bị vọng tâm. Chúng ta phải quán sát và ghi nhận đề mục trong hiện tại, không cần tìm hiểu xem đề mục thuộc loại nào: Thân, thọ, tâm hay pháp gì cả. Dù đề mục gì đi nữa, bổn phận của chúng ta là chánh niệm ghi nhận để khỏi tham đắm, dính mắc hoặc ưu phiền sân hận trên đối tượng mà mình đang quán sát. Và khi thực hành, không sao thoát khỏi trường hợp đôi khi chúng ta bị thất niệm, rong ruổi theo những suy nghĩ miên man không dứt về tất cả những vấn đề khác nhau. Việc của chúng ta lúc ấy là hãy lấy sự thất niệm này làm đề mục và ghi nhận “quên, quên” hay “thất niệm, thất niệm” rồi trở về với đề mục chính (thường bắt đầu lại bằng đề mục hơi thở).

Nếu chúng ta có thể giữ chánh niệm liên tục, tâm khắng khít trên đề mục thì sẽ tiến bộ nhanh chóng và bắt đầu thấy được bản chất  sự vật; nghĩa là sẽ thấy được sự sinh và diệt. Khi thấy được sự vật sinh diệt, ta cũng thấy được sự vật là vô thường. Khi thấy được sự vật vô thường, ta cũng thấy bản chất đau khổ của sự vật và bản chất vô ngã. Hay thấy rằng, bạn không thể điều khiển hoặc kiểm soát chúng. Nó sinh và diệt một cách tự do theo ý muốn và chúng ta không làm chủ được chúng. Khi thấy được như thế là chúng ta đã thấy ba bản chất tổng quát của mọi pháp hữu vi, pháp có điều kiện. Thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của sự vật là mục tiêu, hay cốt tủy của thiền Minh Sát. Quá trình quán niệm trên bốn lĩnh vực này luôn cần duy trì liên tục không gián đoạn (tinh tấn). Ba yếu tố: chánh niệm, tinh tấn, tỉnh giác nếu luôn hiện hữu trong quá trình tu tập sẽ là nền tảng cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau, giúp hành giả không tham ái, tà kiến.


KẾT LUẬN

Thực tập thiền Vipassanā không chỉ gói gọn trong tư thế ngồi. Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Hành giả có thể thực hiện chánh niệm ở tất cả các oai nghi còn lại như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư), khi mặc y, mang bát, ăn, uống, nhai, nuốt, khi đi đại tiện, tiểu tiện, nói, im lặng,… Nghĩa là việc thực hành thiền Minh Sát không bó buộc trong phạm vi nào cả, chúng ta có thể thực tập ở tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Chỉ cần có sự chiếu dụng của chánh niệm, tỉnh giác, thì việc thực tập đều đem lại kết quả tốt đẹp.

Việc thực tập thiền Vipassanā nhằm có thể duy trì chánh niệm. Nó như sợi dây xuyên suốt các đối tượng, dẫn dắt hành giả dần dần thanh lọc tâm bằng cách loại trừ các phiền não từ thô cho đến tế, dần dần khai mở các tầng trí tuệ, hướng hành giả từng bước vào con đường của bậc thánh. Tuy nhiên, việc tu tập thiền không phải chỉ dành cho những người đi tìm sự giác ngộ về sự sống, mà còn dành cho những người đi tìm cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Vì vậy, hiểu về tầm quan trọng của thiền Vipassanā, chúng ta càng ý thức hơn trong việc nỗ lực thực tập không chỉ trong đời sống tu tập mà còn trong sinh hoạt hằng ngày. Có như vậy, ta mới dần đạt được giải thoát như lời Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp cú:

“Không trí tuệ không thiền
Không thiền không trí tuệ
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết – bàn” [3].

(Pháp Cú – 372)

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Niệm Xứ số 22, Nxb.Tôn giáo, 2013; tr.445.
[2] Sđd 1, tr.459.
[3] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, Tập I – Pháp Cú, Nxb. Tôn giáo, 2015, tr.95.
Reply
Kiến (Thường Kiến, Thân Kiến, Tà Kiến)

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=202002180128&lan=vn

[Image: ant.jpg]

KTC (VI) (112) Thỏa Mãn

Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? 
  1. Thỏa mãn kiến (= thường kiến), 
  2. tùy ngã kiến (= thân kiến)
  3. tà kiến. 
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? 
  1. Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến (= thường kiến) tưởng vô thường cần phải tu tập. 
  2. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến (= thân kiến), tưởng vô ngã cần phải tu tập. 
  3. Để đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập. 
Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập.



AN 6. 112. Assādasuttaṃ
‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Assādadiṭṭhi, attānudiṭṭhi, micchādiṭṭhi. Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Assādadiṭṭhiyā pahānāya aniccasaññā bhāvetabbā, attānudiṭṭhiyā pahānāya anattasaññā bhāvetabbā, micchādiṭṭhiyā pahānāya sammādiṭṭhi bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’

Thỏa mãn kiến là cái gì? Assāda là vị ngọt, Assādadiṭṭhi gọi là cam vị, "cam vị kiến". Nhưng ở đây Assādadiṭṭhi khỏi dịch cho nó mệt, mình để là thường kiến.

Assādadiṭṭhi là thường kiến.

Attānudiṭṭhi là thân kiến.

Micchādiṭṭhi là tà kiến. Ở đây là ám chỉ chung cho 62 tà kiến trong Kinh Phạm võng Trường bộ. Còn cái bản Tiếng Việt thì mệt lắm, tiếng Việt là "thỏa mãn kiến", rồi "tùy ngã kiến".

Bây giờ mình mới giải thích như vầy:

A/ Thường kiến là sao? Thường kiến gồm có 3:

Tin rằng có một cái "tôi" trong hình thức linh hồn, hay là cái bản ngã mà nó đi từ đời này sang đời khác. Thân này có bề gì nó giống như cái lồng chim mà bị hư, bị sút ra rồi con chim trong cái lồng đó nó bay qua cái lồng khác. Nghĩa là có một con chim nó đi từ cái lồng này qua cái lồng khác. Mình tin như vậy, mình tin có một cái tôi, có một cái linh hồn mà nó đi từ kiếp này sang kiếp khác, từ hình hài này sang hình hài khác.

  1. Vậy thường kiến đầu tiên là gì? Là tin có một cái tôi bất tử, thường hằng, vĩnh cửu, tồn tại xuyên suốt qua mọi không gian, thời gian. Tôi đọc lại: Cái thường kiến đầu tiên là nó tin tưởng có một cái tôi, nó trường cửu, nó hằng tại, nó bất biến, nó lưu chuyển, nó lăn trôi từ cái đời này sang kiếp khác, theo cách của một con chim mà bỏ lồng này sang lồng khác nhưng vẫn là con chim ấy.
  2. Tin rằng có một cái cõi vĩnh hằng, Tây phương hay là thiên đàng. Ở đây tôi không có ý bài xích, nhưng mà có rất nhiều bà con hiểu lầm về cái cõi vĩnh hằng. Theo kinh điển mình ghi rất rõ là không hề có một cái cõi nào gọi là vĩnh hằng. Không có vĩnh hằng. Có là có cái Nghĩa trang Vĩnh Hằng thì ở Việt nam thôi. Chứ cõi là không có cõi vĩnh hằng. Mình tin là có cõi thiên đàng nào đó, hỏa ngục đời đời, thiên đàng vĩnh cửu. Nhưng thực ra là không có. Trong kinh nói chung, A tỳ đàm nói riêng là không hề nhìn nhận có cái chuyện đó. Không có cái cõi nào mà vĩnh hằng hết. Nhưng do thường kiến mình ráng mình tin là có một cái cảnh giới vĩnh hằng.
  3. Tin vào cái sự hiện hữu, cái sự tồn tại của một cái đấng gọi là đấng chí tôn, đấng sáng tạo muôn loài an bài mọi thứ.
Thì 3 cái đó cộng lại được gọi là thường kiến.

B/ Còn thân kiến là cái gì? Thân kiến là thấy rằng thân tâm này là của mình, mình chính là cái thân tâm này, buồn vui này là của mình, mình đang có buồn vui, kinh nghiệm kiến thức này là của mình, mình có rất là nhiều kinh nghiệm kiến thức, những cảm xúc này là của mình, tâm trạng này là của mình, những thiện ác này là của mình.

Viết xuống dùm 3 cái này:

  1. tammaya: tôi là người hành động thiện ác.
  2. ahaṃkāra: tôi là người thế này thế nọ.
  3. mamankāra: cái này là của tôi, tôi là chủ cái này.
Ba cái này: tammaya, ahamkara, mamankara, gọi là thân kiến.

C/ Tà kiến là gì? Trong Kinh Phạm võng, Phật dạy điều kiện cho 62 tà kiến nằm trong 2 điều:

  1. paraghosa: do tác động từ người khác.
  2. ayoniso manasikara: do tự mình suy tư không hợp lý, không đúng mức.
Không đúng mức có 2:

  1. là mình ngồi suy diễn, tưởng tượng, lý luận bằng cái nền tảng kiến thức của mình.
  2. là có tu chứng, có sở chứng, có sở đắc, chớ không phải tưởng tượng. Thí dụ như những cái gì mà các vị đắc thiền họ thấy, cái đó hoàn toàn không phải là tưởng tượng. Họ thấy rõ ràng là có đời sau kiếp khác, có cõi trời, có địa ngục, có các loài khuất mày khuất mặt, có kiếp trước kiếp sau, có luân hồi, có nhân quả báo ứng. Họ thấy hết, chỉ có một cái là họ tiếp tục tà kiến trên cái nền tảng xuất sắc ấy.
Mà chúng ta cũng có thấy rồi. Có nghĩa là có biết bao nhiêu người họ cũng là bác sĩ nhưng mà họ có những ngộ nhận cực kỳ nghiêm trọng về chính trị, về văn hóa, về tôn giáo. Chớ đừng có nói với tôi là chỉ có mấy thằng dốt, mấy thằng thất học nó mới nghĩ bậy, chớ mấy thằng cha trí thức làm gì có. Không, trí thức nó có kiểu ngộ nhận kiểu của trí thức. Có biết bao nhiêu người, bây giờ nói trước 75 đi, có biết bao nhiêu trí thức Việt nam đứng về phía lý tưởng cộng sản miền Bắc, có biết bao nhiêu trí thức lại đứng về tinh thần quốc gia của miền Nam. Cả hai bên, bên nào cũng trí thức trùng trùng.

Thí dụ như là Ôn Thiện Châu ở bên Pháp, lúc đó Ôn du học, Ôn cũng là cộng sản nằm vùng, thí dụ như vậy. Rồi giáo sư Hoàng Xuân Hãn, rồi ông giáo sư Trần Văn Khê, trí thức như vậy, họ vẫn có cảm tình với miền Bắc. Trong Nam mình thấy như giáo sư Trần Ngọc Ninh, rồi ông Lê Tôn Nghiêm, rồi ông Kim Định, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, toàn là trí thức của miền Nam. Rồi biết bao nhiêu trí thức di cư như là cái nhóm Sáng tạo, như là mấy cái ông nhà văn như Mai Thảo, Tạ Tỵ, mấy cái tay đó từ miền ngoài vào. Cho nên là trình độ nào thì họ cũng có kiểu ngộ nhận của cái trình độ đó. Đây tôi không nói ai đúng ai sai, mà tôi nói phe nào cũng có trí thức đứng chung hết trơn.

Cho nên Tàu có một câu thế này: "Khổng tử còn có người chống, Đạo Chích còn có người theo". Cái chữ Đạo Chích nhiều người tưởng lầm, họ hiểu đạo chích là ăn cắp nhưng hỏng phải. Thật ra là Đạo Chích là tên của một tay đại tướng cướp giống như Từ Hải vậy đó. Thời xưa, thời Khổng tử, người ta kêu là Đạo Chích; rồi sau này họ mới lấy cái chữ đó họ gọi chung cho cái phường trộm đạo.

Cũng giống như cái chữ "sở khanh", thật ra người họ Sở tên Khanh, giống như cái tên Toại Khanh vậy thôi. Nó hỏng tốt hỏng xấu gì hết, nhưng mà nó xui là ở trong Truyện Kiều, cái chuyện mà Sở Khanh làm chuyện đó nó kỳ quá đi. Cho nên từ đó về sau người ta mới lấy cái tên Sở Khanh đó người ta gọi cho những người mà có sở hành, hành trạng giống như là Sở Khanh, rồi họ mới gọi những người đó bằng cái tên là Sở Khanh. Sở Khanh là cái người lừa tình lừa tiền, được việc xong là quất ngựa truy phong, thí dụ như vậy. Nhưng thật ra cái đó là gọi theo điển thôi. Cho nên ở đây mình thấy người ta nói: "Khổng tử còn có người chống, Đạo chích còn có người theo" là vậy đó.

Thì ở đây mình thấy là cái tà kiến nó gồm có 3 trường hợp đó. Nhiều cách kể lắm. Kể 2: là thường kiến và đoạn kiến. Còn cái thứ 3 là tà kiến thì có 2. Một là do mình tưởng tượng suông, lý luận suông. Và thứ hai, tà kiến nó đến từ cái gì? Từ kết quả tu chứng nửa vời, chưa đúng mức. Nhưng cái này phải kể riêng; không được kể chung.

Trích bài giảng KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama tri ân bạn elteetee ghi chép


Kinh Phạm Võng
62 tà thuyết được phân loại như sau:

18 luận chấp về quá khứ gồm có:

  1. 4 thường trú luận.
  2. 4 một phần thường trú, một phần vô thường luận.
  3. 4 hữu vô biên luận.
  4. 4 ngụy biện luận.
  5. 2 Vô nhân luận.

44 luận chấp về tương lai:

  1. 16 luận chấp có tưởng sau khi chết.
  2. 8 luận chấp vô tưởng sau khi chết.
  3. 8 luận chấp không phải có tưởng, không phải không có tưởng sau khi chết.
  4. 7 đoạn diệt luận.
  5. 5 hiện tại Niết-bàn luận.

Câu Nói | | Lý tưởng Đạo Phật
Ca Uống Nước | | Chánh Tinh Tấn

English
Reply
Giới không sát sanh | Lớp Phật Pháp Căn Bản | Sư Hạnh Tuệ




Chúng ta đều bị bệnh đặc biệt tương đối nặng, không thể dùng liều thuốc mạnh được:
  1. cho uống thuốc bổ cho mạnh một chút
  2. sau đó kiêng cái này cái kia
  3. sau cùng mới áp dụng phương pháp trị liệu

5 điều kiện để phạm giới sát sanh:
  1. Chúng sanh có sự sống
  2. Biết rõ chúng sanh có sự sống
  3. Có ý muốn giết
  4. Cố ý giết
  5. Chúng sanh chết do sự cố ý đó
Chúng sanh có sự sống có nghĩa là chúng sanh có thân và có tâm .

(24:06)Không phạm giới không có nghĩa là không tạo nghiêp.

Khi Bồ tát bắn mũi tên xuyên qua cái lá không biết có con sâu nằm ở dưới cái lá và nó chết .  Ngài không phạm giới sát sanh, nhưng con sâu oán hận gây oan trái với Ngài . Vì thế, không phạm giới không có nghĩa là không tạo nghiệp . Đó là nghiệp vô ý .
Reply
Phiền não, nghiệp và quả: Vòng luân hồi

(Trích từ sách “Ngay Trong Kiếp Sống Này”)

https://www.phatan.org/a2249/phien-nao-n...g-luan-hoi

Phiền não chịu trách nhiệm về những mối hiểm nguy trên thế gian này. 

  1. Mê muội, 
  2. tham ái và 
  3. dính mắc 
là phiền não. 

  1. Do vô minh và tham ái, con người tạo nghiệp rồi nhận quả. 
  2. Do tác động tạo nghiệp trong quá khứ, 
chúng ta tái sanh vào cõi đời này với thân và tâm như bây giờ. 

Nghĩa là đời sống hiện tại của chúng ta là kết quả của những nguyên nhân trước đây. Thân tâm này đến lượt lại trở thành đối tượng của tham ái và dính mắc. 

  1. Tham ái và dính mắc tạo nên nghiệp. 
  2. Nghiệp là điều kiện hay nhân để tái sinh lần nữa. 
  3. Thế rồi, lại tham ái và dính mắc vào thân tâm rồi lại tái sanh. 
Cứ thế, chúng ta bị quay tròn mãi mãi.

  1. Phiền não, 
  2. nghiệp và 
  3. quả 
là ba yếu tố của vòng luân hồi. Đó là luân hồi trong tam giới, không có điểm khởi đầu; và nếu không tham thiền thì cũng không có điểm chấm dứt.

Nếu không có vô minh thì vòng luân hồi này cũng không có. Chúng ta đau khổ trước kia từ sự si mê, không biết, không thấy rõ. Trên sự si mê này là tà kiến, ảo tưởng, thấy sai sự thật. 

Nếu không hành thiền một cách sâu xa, chúng ta không thấy được chân tướng của sự vật là Vô Thường , Khổ và Vô Ngã. 

Bản chất của thân và tâm chỉ là hiện tượng sanh diệt từ sát na này đến sát na khác, nhưng vì si mê nên chúng ta không thấy được điều này. 

  1. Chúng ta cũng không biết rằng sự sinh diệt áp chế khiến ta phải đau khổ. 
  2. Chúng ta không thấy rõ rằng chẳng có ai kiểm soát, điều khiển tiến trình này. Chẳng ai ở đằng sau nó. 
Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa ba đặc tính của thân và tâm này, chúng ta sẽ không tham ái hay dính mắc.

Rồi, bởi vì si mê, chúng ta thêm ảo tưởng vào thực tế. Chúng ta lại cho rằng thân và tâm là trường tồn, không thay đổi. Chúng ta sung sướng, vui vẻ khi có thân và tâm này, và chúng ta lại cho rằng có một tự ngã, hay "tôi" vĩnh viễn chịu trách nhiệm tiến trình thân tâm.

Hai loại si mê này, (không thấy rõ hay thấy sai) là nguyên nhân phát sanh tham ái và dính mắc. 

Dính mắc (upadana), chỉ là một hình thức kiên cố hơn của tham ái. Sự ham thích sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng và sự suy nghĩ thích thú khiến ta tham luyến vào những đối tượng mới đến với chúng ta. 

Nếu chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn, chúng ta sẽ dính mắc vào chúng và không muốn mất chúng. Điều này tạo nên nghiệp khiến ta bị luân hồi trong vòng tái sanh.
Reply
Sư Giác Nguyên giảng "Kinh Luân Hồi Vô Thủy"
(See post tiếp theo #998)




Vô thủy: không có điểm khởi đầu.

  1. Phật lực  vô cùng
  2. Phật trí vô biên
  3. Phật tâm vô lượng
nhưng chỉ có thể độ được người hữu duyên, không thể độ được người vô duyên.

Luân hồi là sự tái hiện của Nhân và Quả.
Nhân là hết ác này đến ác kia, hết thiện này đến thiện kia.

Trong đời sống hiện tại, chúng ta làm việc thiện rất ít, đại đa số là làm ác.

Nhân Luân Hồi: Không có cái thiện nào, cái ác nào mà chúng ta chưa từng trải qua, chưa từng làm: từ cái chí thiện thuần lương đến cái cùng hung cực ác.

Quả Luân Hồi: Chúng ta từng là thiên vương, thiên tử, cào cào, châu chấu, rắn rết.

Phiền Não Luân Hồi: Không có phiền não nào mà chúng ta thiếu trong vòng luân hồi. Ganh tị, vị tha, bủn xỉn, hào sảng, độ lượng, v.v.

Thân phận của đời sau là quả được tạo ra bởi thiện ác từ đời trước.

Luân Hồi: Sự tái hiện liên tục không ngừng nghỉ của Nhân Luân Hồi, Quả Luân Hồi và Phiền Não Luân Hồi.

Thế giới mình đang sống có 2 mặt: bản thể và hiện tượng.

Bản Thể: Thành tố (đơn tố, đơn bào) của danh và sắc, chớp tắt của thiện ác, buồn vui. Thiện tạo Hỷ và Lạc, Ác tạo Khổ và Ưu.

Hiện Tượng: Thân phận, hình hài, có tên có tuổi, chiều cao, kích thước, trọng lượng, gia thế.  Đó là những gì thấy được, nghe được, những gì hình dung tưởng tượng được. 

Có những người Đức Phật dạy: "Vạn pháp do duyên mà có và cũng do duyên mà mất đi." là xong; nhưng cũng có những người Ngài phải nói cụ  thể qua hiện tượng thay vì bản thể. Ví dụ: Qua vô số kiếp luân hồi, con từng là heo bò, châu chấu; máu lệ con đổ ra nhiều hơn nước trong 4 biển. 

Theo Phật pháp, trong một ngày, chúng ta trải qua vô số kiếp luân hồi theo nghĩa bóng. Trong một ngày, chúng ta trải qua vô số lần thiện ác buồn vui sướng khổ. Mỗi lần làm thiện chúng ta là hiền nhân. Trong một ngày, chúng ta sống như ngạ quỷ khi thèm khát ước ao, như Atula khi muốn gây hấn hoặc phản ứng tiêu cực.

Ngạ quỷ hơn mình là chỉ khát nước thôi. Còn mình thèm khát tùm lum: sắc thinh hương vị xúc pháp, cái nào mình cũng thèm khát. Trong số thèm khát đó, có rất ít được toại nguyện. Vì thế, chúng ta sống liên tục với cái tâm thức và cảm giác của ngạ quỷ.

Mỗi ngày, chúng ta trải qua bao nhiêu là tâm tình và thân phận khác nhau, nhưng chúng ta 
  1. vừa thất niệm (không  tỉnh thức) 
  2. vừa không học giáo lý (dốt nát), 
  3. lại thêm cái dốt nát khác là thiếu thốn về niềm tin. 
Cho nên chúng ta không thấy rằng ý nghĩa của luân hồi hiển nhiên từng phút từng giờ (không đợi đến tháng, năm, thập niên, đời này, kiếp khác) siêu và đoạ, thăng và giáng, sướng và khổ, thiện và ác, hiền nhân và quỷ dữ trong mỗi giờ. Mỗi tiếng, 8 tiếng, 12 tiếng, 24 tiếng chúng ta trải qua bao nhiêu là thân phận, nói chi là nhiều tháng, nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhiều thập niên.

Chúng ta phải hiểu dòng luân hồi theo nghĩa rộng như vậy đó.

Muốn biết đời sau kiếp sau mình đi về đâu, việc đầu tiên là hãy nhìn ngay bây giờ, mình đang luân hồi kiểu gì trong mỗi ngày.

Tứ Vô Lượng Tâm:

Từ: mong chúng sinh sống trong an lạc.
Bi: mong chúng sinh đừng đau khổ
Hỷ: vui với chúng  sinh được sống nhân lành quả lành.
Xả: phần của mình, phải có Từ có Bi, nhưng cần chấp nhận mỗi chúng sinh có nghiệp riêng, không phải mình muốn chúng sinh an lạc, đừng đau khổ là được, vì nếu được, Đức Phật đã có thể cứu vớt tất cả chúng sinh rồi.

Quy y Phật là để khi sống, chúng ta bình tâm mà sống, và khi đối diện với cái chết, chúng ta bình tâm ra đi. Nếu không hành trì thì cô đơn vẫn hoàn cô đơn giữa cuộc đời vốn dĩ không có điểm tựa này.

Dòng chảy luân hồi: sự tái hiện liên tục từng phút từng giây từ đời này sang kiếp khác của Nhân Quả, Thiện Ác, Buồn Vui. Trên phương diện hiện tượng, dòng chảy luân hồi là quá trình đổ ra và rơi xuống của máu và lệ.

Luân Hồi là như vậy: không có điểm tựa. Chúng ta bơ vơ lạc lõng trôi dạt. Sống có chuẩn bị vẫn tốt. 

Ngoài đời, hạnh  phúc có nghĩa là chúng ta sống: 
  1. có sức khỏe, 
  2. có tiền, 
  3. có quan hệ tốt trong xã hội. 

Trong đạo
  1. có sức khỏe có nghĩa là có thiện tâm, 
  2. có quan hệ  tốt trong xã hội là có minh sư thiện hữu, 
  3. có tiền là có phước báu. 
Phước tội không đơn giản như mình nghĩ. Không phải là đâm cha chém chú mới là tội. Trái lại, thường xuyên sống với tham sân si đã là tội rồi. 

Phước là có đủ điều kiện để chúng ta có thể bố thí, trì giới, tham thiền, nghe pháp.  

Nếu vô phước, không có điều kiện để thực hành những cái đó, hãy sống bằng lòng, hãy thường xuyên nhớ rằng mình sẽ già sẽ bệnh sẽ chết, sẽ ra đi với nghiệp Thiện Ác của mình. Thường xuyên tư duy như vậy, sống có nhận thức như vậy là sống thiền.

Đức Phật dạy:

1/ Thiện ác sướng khổ cỡ nào cũng chỉ là chớp nhoáng. Nhiều  lần chớp nhoáng như vậy làm nên cuộc đời 
2/ Cơ hội sống thiện khó hơn cơ hội sống ác.
3/ Chỉ có sống chánh trí tuệ mới là đời sống tuệ quán. Chỉ có đời sống tuệ quán mới có cơ may chiến thắng trong vấn đề sinh tử.

1/ Tam tướng: mọi thứ do duyên mà có, có rồi mất đi.
2/ Nhân quả: mỗi người phải chịu trách nhiệm về tam nghiệp của mình.
3/ Cách sống: sống sao cho an toàn trong luân hồi sanh tử.

Tất cả chúng ta chưa có đủ kiến thức để bài xích giáo lý Duyên Khởi, chưa đủ kiến thức để bài xích giáo lý Nhân Quả, chưa đủ kiến thức để chà đạp lên nguyên tắc Tam Tướng. Vì sao? Vì mình sống ở đời này bằng nhận thức của 3 cái Tham
  1. muốn hiện hữu, 
  2. muốn sở hữu, và 
  3. muốn hưởng thụ.
Chúng ta chỉ có đủ khả năng để từ chối những cái lăn tăn như tà sư ác hữu, những cái phi lý vô nghĩa; chứ chưa đủ để phủ nhận lời Phật dạy đâu.

Có muốn nghi ngờ lời Phật dạy thì phải tự xét Ngài dạy cái gì, và lời dạy ấy có bao nhiêu phần trăm mình thấy hợp lý.

Chúng ta không đam mê quả lành, nhưng cố gắng tạo nhân lành vì chỉ có nhân lành mới giúp chúng ta bớt khổ:

1/ bố thí nhưng không ham giàu.
2/ sống với từ tâm nhưng không ham thọ, không ham đẹp.  Ham là kẹt.
3/ tránh Ác như tránh rắn độc, nhưng khi quả ác trổ đến, vẫn có thể đón nhận bằng sự bình tĩnh và thanh thản.

Người không tu đón nhận quà xấu bằng tâm sân bất mãn, và quả lành bằng tâm tham với niềm đam mê. Như vậy, họ đón nhận quả xấu hay quả lành bằng nhân xấu.

Trái lại, với người có tu, họ đón nhận quả xấu hay quả lành bằng cách tập nhân lành. Khi sướng khổ, mà đón nhận bằng chánh niệm và trí tuệ, bằng nhận thức tam tướng nhân quả thì ngay lúc đó gieo nhân lành. Nhân lành sẽ cho quả lành, nhưng mình không thiết tha vào quả lành. Có quả lành nhưng không dính vào nó. Quan trọng là khi có quả lành, mình có niệm và có tuệ. Như vậy, chúng ta có một dòng luân hồi có kiểm soát, tùy rằng mức độ kiểm soát này có chừng mực thôi (vì chúng ta còn là phàm phu, chưa phải là thánh nhân).

2 câu hỏi và trả lời 

H: Chúng ta từ đâu tới? 
Đ: Do nghiệp thiện ác trong quá khứ chúng ta tới.

H: Bây giờ, chúng ta phải làm gì? 
Đ: Chúng ta phải làm lành lánh dữ.

Một loạt công thức phải nhớ nằm lòng:

  1. Cuộc sống này chỉ có thiện ác buồn vui.
  2. Thiện: 6 căn đón nhận 6 trần bằng tâm lành thiện. 
  3. Ác: 6 căn đón nhận 6 trần bằng tâm ác bất thiện.
  4. Quả lành: 6 căn đón nhận 6 trần như ý. 
  5. Quả ác: 6 căn đón nhận 6 trần bất toại.
  6. Nhân lành tạo quả lành.
  7. Nhân ác tạo quả ác
Thánh nhân hiểu rõ điều mình tin nên tin chết bỏ điều mình hiểu. Phàm phu không hiểu lắm điều mình tin nên không tin lắm điều mình hiểu.

--ooOoo--

Phải luôn luôn sống trong nhận thức rõ ràng là mình thích cái gì 

…Mỗi ngày cho dầu mình là hành giả hay không phải hành giả, chỉ là Phật tử học giáo lý suông cho biết thôi cũng phải luôn luôn sống trong nhận thức rõ ràng là mình thích cái gì bởi vì con người của mình chính là những gì mình thích, you are what you think of. Mình nghĩ cái gì nhiều nhất, muốn cái gì nhất, tha thiết với cái gì nhất, đó là con người của mình, đó chính là tên gọi khác của tham ái. Thay vì ngồi nhìn cuốn kinh mênh mông không biết trong đó nói cái gì, trước mắt, việc quan trọng nhất phải làm là mỗi ngày, nếu được thì mỗi giờ, để ý xem lúc này mình đang sống nặng về cái gì, bởi đó chính là mặt mũi của mình, định phận của mình trong kiếp sau. 

  1. Bất cứ chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi mà sống trong nhận thức rõ ràng về bản chất vô thường khổ vô ngã của vạn hữu, thì chỗ đứng chỗ nằm chỗ ngồi đó là trụ xứ của thánh nhân
  2. Chỗ nào đi đứng nằm ngồi sinh hoạt tồn tại bằng bốn tâm từ, bi, hỷ, xả thì chỗ đó là trụ xứ của Phạm Thiên
  3. Chỗ nào sống bằng tâm tham sân si chỗ đó chính là lồng chậu chuồng cũi của loài bàng sanh. Dù cái giường tám ngàn đô la, trang trí nội thất mười lăm ngàn đô la nhưng sống trong căn phòng đó bằng tâm tham sân si thì căn phòng đó thành chuồng heo chuồng bò chuồng ngựa. 

Không học đạo thì mình sẽ không tin được chuyện tham sân si của mình cũng y hệt tham sân si của bàng sanh súc vật. Con trâu con bò không có hiểu biết về văn hóa loài người, không biết văn minh nghệ thuật, nó chỉ biết cái gì ăn ngon, ấm, lạnh, mình chỉ hơn con bò con trâu một chỗ là biết cái này là đẹp, cái này là nghệ thuật của Nhật, của Mỹ, nhưng cuối cùng thì mình chìm đắm trong cái gọi là văn minh Nhật, Mỹ đó, trong khi con bò con trâu nó chỉ biết êm ái, nóng lạnh, khó chịu, ngứa… nhưng suy cho cùng đó vẫn là tham là sân là si. 

Mình sống trong tâm trạng nào thì có nghĩa là tạm thời mình đang có mặt trong cảnh giới đó không cần phải chết rồi mới đọa địa ngục, không cần phải chết rồi mới sanh làm loài bàng sanh. Trước mắt sống với tâm trạng của loài nào nhiều nhất thì tạm thời trong thời điểm đó mình đã có mặt trong cảnh giới đó rồi. 

Học cho đã mênh mông hà xứ mà không để ý những pháp môn tu tập mỗi ngày thì cũng bằng thừa. Phải để ý lúc này, năm này, tháng này, tuần này, ngày này, trong giây phút này mình sống ra làm sao; mình năm nay so với năm ngoái ra sao, mình tháng này so với tháng trước ra làm sao, hôm nay so với hôm qua ra làm sao, giờ này với giờ trước ra làm sao, mình đang chìm sâu trong cảnh giới nào, nếu thường xuyên để ý như vậy thì khi lâm chung thì mới có thể hy vọng đi về cảnh giới tương đối kha khá một chút, còn sống không có ý thức, không phản tỉnh, không nhìn lại thì bấp bênh lắm... 

(Trích Những bài giảng Kinh Tương Ưng Kinh, tập 1. TK Giác Nguyên)
Reply
https://thuvienhoasen.org/a25662/4-vo-th...m-khoi-dau

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

I.   THÂN  PHẬN  CON  NGƯỜI

4.  VÔ  THỦY  (KHÔNG  CÓ  ĐIỂM  KHỞI   ĐẦU)
          
(1) Cỏ và Cây

          Thế Tôn đã dạy như thế này: “ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy (17). Đối với  chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì  không thể  tìm thấy một  điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, giả sử có người cắt hết bất cứ cỏ, khúc cây, cành cây, lá cây nào trong cõi Diêm phù đề này (Jambudīpa) (18) và chất lại thành một đống. Sau khi làm như vậy, người ấy đặt chúng xuống, nói với mỗi cành lá rằng:’’ Đây là mẹ tôi, đây là bà ngoại tôi.’’ Chuổi các bà mẹ và bà ngoại của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng cỏ, khúc cây, cành cây và lá cây trong cõi Diêm phù đề này sẽ cạn kiệt. Vì sao ? Bởi vì, này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, đã lâu lắm rồi, các ngươi đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ngươi nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ngươi từ bỏ chúng, đủ để các ngươi giải thoát khỏi chúng”.

(Tương Ưng BK II , Ch. 4, tr 309, 1: Cỏ và Củi)


(2) Những Hòn Đất

          “ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy . Đối với  chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì  không thể  tìm thấy một  điểm khởi đầu. Này, các Tỷ kheo, giả sử có một người lấy tất cả đất của quả đất này để viên thành những hòn đất lớn cỡ bằng hạt táo, cầm từng hòn đất đặt xuống và nói với từng hòn đất: ‘đây là cha tôi, đây là ông nội tôi ’. Chuổi các người cha và ông nội của người ấy sẽ tiếp nối không bao giờ chấm dứt, tuy rằng quả đất lớn đã được sử dụng đến mức cạn kiệt. Vì sao ? Này các Tỷ kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với các chúng sanh bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì không thể tìm thấy một điểm khởi đầu. Này các Tỷ kheo, đã lâu lắm rồi, các ngươi đã chịu đau khổ, sầu não, tai họa, đã làm cho các mộ phần ngày càng chồng chất lớn thêm. Đã quá đủ để các ngươi nhàm chán với tất cả các hành, đủ để các ngươi từ bỏ chúng, đủ để các ngươi giải thoát khỏi chúng”.
                       
(Tương Ưng BK II, Chương 4,  tr 310, 2: Quả Đất )

(3) Núi

          Một Tỷ kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn liền ngồi xuống một bên, rồi bạch Thế Tôn : “Bạch Thế Tôn, một kiếp dài đến bao lâu ? ” (19)

          “ - Này Tỷ kheo, một kiếp thật dài. Không dễ gì có thể đếm được và nói một kiếp là rất nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm.”

          “-  Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không ?”

          “ - Này Tỷ kheo, được chứ ” . Thế Tôn trả lời. “ Này Tỷ kheo, giả sử có một ngọn núi đá lớn dài một do-tuần ( yojana ), rộng một do-tuần và cao một do-tuần, không có lỗ hổng hay khe hở, một khối đá đặc .(20) Cứ sau một trăm năm lại có một người đến đập vào núi này một lần với một tấm vải mịn. Bằng nỗ lực này, ngọn núi đá lớn có thể bị mòn dần và tan biến, nhưng một kiếp vẫn chưa chấm dứt. Này Tỷ kheo, một kiếp dài như vậy đó. Và với những kiếp dài như vậy, chúng ta đã lang thang qua rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp. Vì sao ? Này Tỷ kheo, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy…Cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này”.
                                               
(Tương Ưng BK II, Ch 4, tr 315, 5: Núi )

(4) Sông Hằng

          Tại Vương Xá ( Rājagaha), trong rừng Trúc Lâm ( Veluvana), khu Vườn Sóc, một người Bà-la-môn đi đến Thế Tôn và trao đổi lời hỏi thăm với Ngài. Sau khi chào hỏi và chuyện trò vui vẻ, người ấy ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn,” Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu kiếp đã qua và đã trôi qua ?”

          “ - Này Bà-la-môn, rất nhiều kiếp đã qua và đã trôi qua. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.”

          “-  Thưa Tôn giả Gotama, ngài có thể cho một ví dụ được không ?”

          “ - Này Bà-la-môn, được chứ”, Thế Tôn trả lời. “ - Này Bà-la-môn, Hãy tưởng tượng những hạt cát từ chỗ sông Hằng bắt nguồn đến chỗ nó chảy vào biển lớn; không dễ gì đếm được và nói rằng có rất nhiều hạt cát, nhiều trăm hạt, nhiều ngàn hạt, nhiều trăm ngàn hạt cát. Này Bà-la-môn, những kiếp đã qua và đã trôi qua là còn nhiều hơn thế nữa. Không dễ gì có thể đếm được và nói có rất nhiều kiếp, nhiều trăm kiếp, nhiều ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp.” Vì sao ? Này Bà-la-môn, bởi vì cõi luân hồi này là vô thủy…Cũng vừa đủ để giải thoát khỏi cõi này”.
                                   
(Tưởng Ưng BK II, Ch.4, tr 318-319, 8: Sông Hằng)

(5) Chó Bị Dây Buộc Cổ

          “ - Này các Tỷ kheo, cõi luân hồi này là vô thủy. Đối với  chúng sanh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và bị tham dục trói buộc thì  không thể  tìm thấy một  điểm khởi đầu.

          “ -  Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi biển lớn khô cạn, bốc hơi và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.

          “ -  Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi Sineru (núi Tu-Di), vua các núi, bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.

          “ - Này các Tỷ kheo, sẽ có một thời khi đại địa  bị đốt cháy và hủy diệt và không còn hiện hữu, nhưng Ta vẫn nói rằng sẽ không có sự chấm dứt khổ đau đối với những chúng sinh lang thang luân chuyển do bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc.
          “ -  Này các Tỷ kheo, giả sử có con chó bị buộc vào cổ một sợi dây trói chặt vào một cây cột hay cột trụ : con chó sẽ cứ tiếp tục chạy vòng quanh cây cột hay cột trụ đó. Cũng vậy, kẻ vô văn phàm phu xem sắc là tự ngã….thọ là tự ngã….tưởng là tự ngã…hành là tự ngã….thức là tự ngã….Người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh sắc, vòng quanh thọ, vòng quanh tưởng, vòng quanh hành, vòng quanh thức. Vì người ấy cứ tiếp tục chạy vòng quanh chúng, người ấy không thể giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi hành, không giải thóat khỏi thức. Người ấy sẽ không giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không giải thoát khỏi khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng, Ta nói rằng người ấy không  giải thoát khỏi khổ đau.”

(Tưởng Ưng BK III, Ch.5, tr 267, 7: Dây thằng)

See also:

45. Tương Ưng vô thủy, Kinh 1318-1337

https://www.daitangkinhvietnam.org/book/.../html/8772
Reply
Bù Trừ

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=202006272243&lan=vn

Mình tu một đời nhưng chết vẫn bị đọa. Là vì sao? Đó là vì lúc mình tắt thở cái trái cũ cây cũ mình trồng trong vô lượng kiếp trước nó cho quả lúc đó. Trong kinh nói thế này: Trong một chuồng bò đóng kín cửa chuồng thì con ra trước không phải con mạnh nhất mà là con gần cửa nhất, đồng ý không? Một con to đùng, một con bò mộng to đùng nó đứng trong góc, nó bị một trăm con bò chặn đường làm cách nào nó ra được? Nó lấn cửa nào? Trong khi đó một con bò con nhỏ xíu ốm yếu mà nếu nó đứng bên cạnh cái cửa thì cửa mở ra là nó ra trước. Thì khi mình tắt thở, cái nghiệp nào trong đời trước mà nhằm ngay cái lúc đó nó trổ thì mình phải đi theo nó. Một đời làm thiền sư, một đời làm học giả, một đời làm cư sĩ tu tập trang nghiêm tinh tấn miên mật tới lúc mình đi thì mình phải đi theo cái nghiệp cũ. Nhưng nói như vậy không phải để cho bà con sợ. Nói như vậy không phải là tuyệt đối. Vì trong kinh có thêm chuyện nữa đó là: Trong đạo Phật không hề có luật bù trừ.

Có nghĩa là tui đi ăn cướp tui giết người xong rồi tui đi cất nhiều cái chùa là nó bù lại cái chuyện đó. Trong đạo Phật không có chuyện đó. Nhưng mà trong đạo Phật có cái chuyện này: Đó là cái nghiệp mạnh nó át trừ cái nghiệp yếu. Trong một thời điểm đó, cái nghiệp xấu nó cho quả xấu nhưng cái nghiệp thiện nó mạnh hơn, nó át cái nghiệp xấu đi, rồi cái nghiệp xấu được dời hoãn lại lúc khác, và dời hoãn hoài tới một lúc nó bị vô hiệu. Nhưng mà nghe vậy đừng có ham. Đó là với cái nghiệp ác nhưng nghiệp thiện cũng y chang vậy. Lẽ ra mình được cái phước nào đó nó trổ ngay hôm nay nhưng mà do mình sống gian ác quá nên cái ác nó đẩy cái ông thiện này qua cái mốc khác. Mà nếu cái ác mình nhiều quá thì nó đẩy riết một hồi cái ông thiện này đi tuốt luôn. Bà con tự xét một ngày coi mình làm và lãnh cái nào nhiều thì biết.

Trích bài giảng Khái quát về Tâm Pháp
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép

Dao cán gỗ | | Độc hành
Xá Lợi | | Danh Lợi
Reply
Bưởi Witchy

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=202005171116&lan=vn

Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà chúng ta mỗi lúc một đi xa hơn.
  1. Tiền nghiệp là nghiệp quá khứ, nghiệp thiện ác nó mới đưa tôi kiếp này sanh ra kiếp tôi làm người Lào hay là người Việt. 
  2. Khuynh hướng tâm lý là tôi thích ăn ngon, mặc đẹp, đi chùa hay thích ngồi thiền, thích học giáo lý. 
  3. Còn môi trường sống là tuy tôi là người Lào, tôi thích học giáo lý nhưng xui ở chỗ tôi đang sống ở Pakistan cho nên cái cơ hội tôi tiếp xúc Phật pháp là không có nhiều. Đã vậy vì tôi là gái tôi phải đi lấy chồng mà lấy trúng chồng Hồi giáo, mỗi ngày nó bắt tôi cầu nguyện năm lần... Hồi đầu tôi cũng bị sốc lắm nhưng từ từ tôi cũng thấy quen. Trước hết là vì thương con, vì hạnh phúc gia đình. Thứ hai, chồng tôi quá thương tôi rồi từ từ mình theo đó.

Những người Phật tử lơ tơ mơ không học giáo lý, hồi đầu cũng có thương Phật, nhưng thương kiểu tưởng tượng nhiều hơn. 

Các vị có biết có hai kiểu thương mẹ: thương do tin và thương do hiểu. 
  1. Thương do hiểu là từ nhỏ lớn lên mình sống chung với mẹ, mẹ đối xử mình ra sao mình biết rất rõ, mẹ để lại cho mình bao nhiêu ân tình và kỷ niệm. Mai này mẹ chết mình rất là thương mẹ, tiếp tục thương mẹ. 
  2. Còn thương do tin là khác. Thí dụ vì một cái điều kiện nào đó mình xa mẹ từ bé. Đến năm mình bốn mươi tuổi, một ngày kia có một người dắt một bà già tới nói đây là má của mình. Bằng chứng đầy đủ, bà ngoại xác nhận luôn "đây là má của con bị thất lạc". Thì mình tin, mình cũng thương. Nhưng mà niềm thương đó là do tin vì mình quá thương ngoại, quá tin ngoại, nên ngoại nói thì mình tin.

Ở đây cũng vậy. Không học giáo lý thì cái tấm lòng của mình đối với Phật là hoàn toàn dựa vào Thầy chùa. Thầy chùa cho nhiêu nhận nhiêu. Mà nó ác ở chỗ vầy: ông thầy A khác ông thầy B, kiến thức ông A khác kiến thức ông B, cảm nhận ông A khác cảm nhận ông B, cách diễn đạt ông A khác cách diễn đạt ông B. Kiến thức, cảm nhận, diễn đạt của hai ông khác nhau. Rồi mình đụng ông A mình tin Phật theo ông A, mình tin ông B sẽ tin Phật theo ông B. Thấy rụng rời chưa. Tôi nhắc lại một lần nữa Đức Phật không cần mình tin Ngài mà Ngài muốn mình hiểu Ngài, để mình được tốt hơn. Vấn đề là trên con đường tìm Đạo, cái ông Thầy hoặc người bạn mình gặp, cái nhận thức, kiến thức, diễn đạt của ông này không giống ông kia. Chính vì vậy mỗi ông khi giảng, viết lách đều để lại một cái dấu ấn cá nhân trong đó. Mình không có vững nên mình mới đi theo cái lối mòn đó nên nó mới nảy sinh một cái tệ nạn sau đây trong thời Mạt Pháp. Đó là "thờ Tổ mà quên thờ Phật." Đó là một cái thảm họa, thảm trạng. Kinh điển bao la không thèm đọc mà cứ tin Sư phụ thôi "Sư phụ nói thế." Mình nói thật luôn Sư phụ làm sao bì bằng ngài Xá Lợi Phất? Hay ngài Anan? Mình liếc mắt trong kinh những bài giảng của ngài Xá lợi Phất, ngài Anan thì mình làm lơ, mà đi tin Sư phụ của mình. Mình biết ngài Anan, ngài Xá Lợi Phất đã không bằng Đức Phật thì mình nghĩ sao mà mình chìm sâu theo Sư phụ của mình. Nói vậy không có nghĩa là tôi kêu quý vị phủ nhận Sư phụ của quý vị. Tôi chỉ nhắc chừng. Đừng có để mình rơi vào tình huống thờ Tổ mà quên Phật. Nó rất là nguy hiểm, nguy hiểm ở chỗ là mình chạy theo ông Thầy, Thầy trao gì mình nhận cái đó. Tây nó một câu rất là hay là "Đừng học đi với người cà thọt" ... Ở Việt Nam có một số địa phương họ không đọc được chữ "r" mà họ đọc thành chữ "d". "Tôi nói cho ông nghe, ông phải phát âm một cách 'dõ dàng', chính xác". Ngay cái chữ 'dõ dàng' nó đã không chính xác rồi. Bây giờ mình lớn mình mới hiểu, thì ra mỗi ông thầy, mỗi tác giả sách đều để lại ít nhiều dấu ấn cá nhân của họ lên trên bài giảng, cuốn sách đó. Ta phải bình tĩnh gạn đục khơi trong, cái nào cần lấy thì lấy, cần nuốt thì nuốt, cần phun ra thì phun. Ăn thanh mà phải nhả hột thì chỉ có chết! Bà con mình bị cái bệnh thờ Thầy là thờ chết bỏ, nhất là bị tiêm nhiễm cái tinh thần "nghi ngờ là trọng tội". Cho nên cái ớn nhất trên đời này là chúng ta phải đón nhận cái gì đó mà qua lăng kính của người khác. 

Các vị có biết pha cà phê phin không? Cà phê nó thơm bằng trời mà cái phin nó dính dầu xanh thì pha ra nó là cà phê dầu xanh. 

Cách đây mấy bữa người ta cho tôi một trái bưởi, cái vỏ nó mỏng lét mà nó ngon thiệt là ngon. Có một cô Phật tử cổ tới thăm thấy mấy Sư đang gọt, cổ nói "để con gọt dùm cho". Tôi nhìn thấy bộ móng tay sơn là tôi thấy ghét rồi. Tại vì móng tay sơn mà bị dơ mình nhìn mình không có thấy, để nó trong suốt nó dơ mình mới thấy. Tôi ớn muốn chết luôn. Bả lột bưởi xong một hồi bả đem ra mới. Mấy ông Sư ăn có một miếng rồi bỏ bởi miếng nào cũng có mùi nước hoa Witchy hết trơn. Tôi mời một ông ăn, ổng để xuống. Tôi mời ông thứ hai ổng cũng để xuống. Đến tôi tôi cũng để xuống luôn. Witchy nó thơm là thơm ở chỗ khác, chứ không thể thơm trong thức ăn. 

Cho nên, cà phê thơm bằng trời nhưng cái phin nó có mùi kì kì là xong, bưởi ngon mà pha với mùi nước hoa là xong. 

Phật pháp hay bao nhiêu mà thông qua mấy Thầy là coi như Phật pháp dính dầu xanh. Cho nên mình phải cẩn thận, học Đạo là mình phải biết gạn đục khơi trong. Có cái gia đình bên Cali, con trai con dâu đi làm về, bà má bả khóc "Thôi tao về xứ. Ở đây muốn bồng cháu nội, cháu ngoại, mà tụi nó hỏng có cho". Đứa con gái nó nói "Cháu của má nó phải thương má chứ? Má về xứ má ở với ai? Để con vô hỏi tụi nó sao tụi nó không thích má. Không có đâu, chắc má hiểu lầm!" Cổ vô hỏi xong cổ đi ra cổ nói "Con biết rồi. Tụi nó nói tụi nó thương má lắm nhưng tụi nó ghét cái mùi dầu xanh thôi à". Bả xức nồng nặc. Chưa hết. Con nít nó ra ngoài sân chơi, nó ho vài ba tiếng là bả đem nó vô bả cạo gió, rồi bả bôi dầu tùm lum hết. Con nít nó không có thích mấy cái đó. Bả cưng cháu, bả đem thằng nhỏ vô, trên thoa dưới bóp dầu xanh. Thằng nhỏ chịu đâu có nổi.

Bà con thấy tôi giảng mà tôi giỡn. Không phải giỡn, tôi làm cho bà con tỉnh để cho bà con thấy cái chấp của bà con là ruồi bu. Nó ruồi đến mức mà tôi đem ra tôi đùa. Nhiều cái bà con cho là quan trọng thực ra nó không là gì hết, chỉ là ruồi thôi.

Trích bài giảng Thế Giới Qua Lục Căn
Kalama xin tri ân bạn ghi hongha7711 chép

Hành Trì Chánh Pháp | | Uống trà Lặt rau
Tam Chướng | | Ba Câu Niệm
Reply
Bố Thí

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=0046&lan=vn

Có ba sự bố thí:

  1. Tài Thí: Đem chia sẻ vật chất của mình cho người khác.
  2. Pháp Thí: Chia sẻ cái hiểu của mình về Chánh pháp cho người khác.
  3. Vô Úy Thí: Đem lại an lòng cho người khác.

Điều thứ ba này ít Phật tử để ý.

Tôi e rằng không nhiều người biết làm sao sống cho người khác yên tâm, an lòng. Khi mình làm bất cứ điều gì bất thiện thì phải hiểu rằng việc làm này làm cho thế giới này trở nên bất an bất ổn.
[-] The following 1 user Likes LeThanhPhong's post:
  • Ech
Reply
Ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu.
-----------------------------

Phật

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=201908052321&lan=vn

Lậu hoặc trong 3 cõi là thế nào? Tức là

  1. anh ở cõi Dục có đam mê và ngộ nhận của anh cõi Dục,
  2. cái anh mà mê về Thiền sắc giới, thì ảnh có đam mê và ngộ nhận của Thiền sắc giới,
  3. anh khá hơn là ảnh chán thiền sắc giới, lên cõi thiền Vô sắc giới thì ảnh lại tiếp tục có đam mê và hiểu lầm trong thiền Vô sắc giới.
Ba cái đó cộng lại gọi là ba thứ lậu hoặc: 
  1. lậu hoặc dục giới, 
  2. lậu hoặc sắc giới và 
  3. lậu hoặc vô sắc giới. 
Ngày nào anh còn ba thứ lậu hoặc này thì ngày đó anh còn luân hồi sanh tử.

Sẵn đây tôi nói luôn, anh có đi về cõi nào cao siêu bằng trời, tới cõi cao nhất thì hết tuổi thọ anh lại rớt về chỗ thấp nhất, anh nhớ dùm tôi cái đó.

Đức Phật không hề nói xấu thế giới thế gian này, không nói thế gian này là máu lệ. Ngài chỉ nói là không có bền thôi, khổ cỡ nào thì cũng có lúc nó phai phôi đi, mà sướng cỡ nào cũng có lúc nó nhạt nhòa hết. Phai phôi và nhạt nhòa chính là bản chất của thế giới

Và cái cuối cùng, ngày hôm qua tôi có nói, tôi tiếc là tôi giảng trong room này có uổng lắm không? Nhiều khi tôi muốn giảng cho từng cá nhân, bởi vì tôi muốn nhìn cái mặt của họ để coi họ có hiểu không. Đó chính là ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu. Cái câu nghe rất là kỳ, kỳ lắm nhưng mà buồn thay nó là sự thật. 

Tôi nhắc lại ý nghĩa cao nhất và duy nhất của Phật Pháp chính là thấy ra sự vô nghĩa của mỗi hình thức hiện hữu, dầu anh có là Đế Thích, Chuyển luân vương, thậm chí là một bậc Thánh, hay một con ruồi một con gián, một con dòi, một con bọ, một con ong, một cái kiến gì đó thì mọi hình thức hiện hữu đều vô nghĩa. Chẳng qua thánh nhân là người đã đi hết đoạn đường sanh tử, bây giờ các ngài chỉ chờ hơi thở tàn là các ngài vẫy tay vĩnh biệt, chỉ vậy thôi. Chứ còn trong những ngày tháng làm thánh lây lất chờ chết không có gì vui hết. Các vị có biết không? Nghĩ tới đó nó chán lắm.

Cho nên anh bên Nam Truyền khác anh bên Bắc Truyền. Tôi không có nói đến đây bằng ý thức chia rẽ bè phái, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc tôn giáo. Không có. Tôi đang thuần túy nói về học thuật. Các Tổ Bắc Truyền bày ra cái chuyện là đắc La Hán rồi trở thành Bồ Tát, hành Phật Đạo rồi sau cùng trở thành Phật. Bên tinh thần Nam Truyền, một cái người mà đã đắc Tu Đà Hòan rồi, họ gặp Phật họ quỳ lạy từ xa. Nếu mà kêu họ phát Bồ Đề Tâm để trở thành Phật họ lạnh xương sống luôn.

Tại sao kính Phật?

Vì sao? Họ kính Phật vì nhiều lý do: Phật là Đạo Sư của họ, không có Phật thì cái Đạo quả của mình làm gì có? Phật dạy cho mình, Phật hướng dẫn, nhờ Phật mà mình không còn sanh tử. Cái ơn đó lớn lắm. Không có trời bể nào chứa cho hết. Cho nên vì cái ơn đó mà họ lạy Phật một cái. Lạy Phật một cái vì những đức lành mà bản thân họ hàng chúng sanh họ không có. Lạy thêm một cái nữa là cái gì Phật cũng có Phật cũng biết mà không dính mắc trong đó. Lại lạy thêm một cái nữa, mà quỡn quỡn cứ lạy riết. Nhưng mà hỏi nhỏ họ một câu: "Có muốn thành Phật không?" Thì họ lắc đầu cái rẹc.

Tại sao? Là bởi vì họ thấy rất rõ cái quá trình sanh tử nó cực quá. Cái chuyện đó không phải là cái ngán, mà là cái ngán nó vô nghĩa. Giống như đóng kịch vậy đó. Kiếp làm cha người đó, kiếp làm chồng, kiếp là con, làm em, ... đáo tới đáo lui để mà huân tu các hạnh lành, để mà chờ một ngày nào đó công viên quả mãn trở thành một vị Phật tổ. Rồi thì sao?

Khi Đức Thế Tôn thành Phật ngay dưới gốc Bồ Đề Ngài đã thấy ê chề, Ngài không có muốn làm cái gì nữa hết. Có người Phạm Thiên đến xuống thỉnh Ngài đi hoằng Pháp, thì vì cái đại nguyện xưa thành Phật rồi đi độ sanh mà Ngài đi. Chứ còn phải nói, cái nhiệt huyết mà cái lúc sơ phát Bồ Đề Tâm cho tới cái lúc Ngài dùng cái lòng đại bi mà đi độ chúng sanh nó khác nhau hoàn toàn. 

Ngày xưa còn bao nhiêu tâm huyết hừng hực, còn bây giờ chỉ vì lòng đại bi. Khi Ngài đã qua bên kia bờ sanh tử, Ngài nhìn lại Ngài thấy cái đám bên này nó loi nhoi lóc nhóc tội nghiệp. Nếu bây giờ ngài không thò tay ra thì ai độ họ đây? Thôi thì Ngài ráng Ngài trụ thế thêm mớ năm nữa Ngài giúp họ. Chứ Ngài không được cái gì trong cái chuyện độ sanh hết, thưa quý vị. Nó nản lắm quý vị biết không? Coi kỹ đời Phật: Ngài không có gì vui. Ngài ăn, Ngài thở, Ngài đi, Ngài đứng, hoàn toàn theo kiểu sống của một vị tu sĩ không nhà, bỏ hết đi tu. Ngay cái lúc còn phàm đã bỏ hết rồi, thì khi thành Phật rồi ngài được cái gì? Cả vũ trụ quỳ lạy dưới chân Ngài, hôn chân ngài thì Ngài được cái gì? Mỗi ngày Ngài phải ăn phải uống, phải đi phải đứng, phải tắm phải rửa, nó mệt quá đi. Càng lớn tuổi cũng đau mỏi, cũng tê nhức, cũng nóng, cũng lạnh vậy, mệt quá đi.

Trong nhiều kinh nói, khi Ngài mệt quá Ngài nhập thiền nhập định, cho tìm quên ít lâu trong một giờ hai giờ, một ngày hai ngày. Trong kinh kể năm 80 tuổi trước lúc Niết Bàn không lâu, một buổi chiều đó sau khi Ngài xả thiền ra, trong kinh nói một câu là Bāḷhā vedanā vattanti māraṇantikā, tức là một cơn đau xé phay xuất hiện trong tấm thân của Ngài. Ngài đau lắm. Mà cái đau đó có thể dẫn đến cái chết. Nếu mà là xác phàm thì chết rồi đó, nhưng với khả năng của một vị Phật, Ngài dùng thiền định Ngài chặn lại. Và Ngài suy nghĩ : "Ta không nên đi ngay trong chiều nay, khi mà ta chưa từ giã chúng tỳ kheo. Ta là bậc đạo sư chỗ dựa của muôn loài của tứ chúng không nên ra đi đột ngột như thế này." Chứ Ngài không phải như mình, ham cái đám ma lớn, cù cưa cú cứa chờ cho có chỗ điều kiện đàng hoàng mới nhập Niết Bàn. Không phải vậy đâu. Nếu mà Ngài ham đám ma lớn thì ngài đã về chỗ khác chứ Ngài không về Kusinara. Chuyện Ngài không có đi liền là bởi vì Ngài thương cái đám ở lại. Chứ chẳng có cái gì làm Ngài vui hết trơn.

Cho nên một vị Tu Đà Hườn hiểu rất rõ cái này: "Không có ai hành Ba la mật mà chỉ có tấm lòng hành Ba la mật."


Trích bài giảng ngày 29/05/2019 KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép
Reply
Không thể phụng phí thời gian qua sự an dưỡng, ngủ nghỉ.
--------------------
Năm Tờ Hai Chục

https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=201908090306&lan=vn

Thời gian kiếp người hỏng có nhiều. Tui nói không biết bao nhiêu lần: Mình lấy tờ 100 đồng mình đổi ra 5 tờ 20, thì tờ 20 nào trong số 5 tờ ấy nó cũng có giá trị tương đương, tờ nào cũng có giá trị giống nhau. Nhưng cái thời gian trong kiếp người nó không phải như vậy. Hai mươi năm đầu đời nó không có giống như 20 năm tiếp theo. Tức là: Từ 1 tới 20 tuổi: cái 20 năm đó nó không có giống từ 20 cho tới 40, rồi cái thời gian từ 40 cho tới 60 nó lại không có giống với 20 năm trước đó. Rồi từ 60 tới 80 thì mang tiếng cũng là 20 năm, đúng, nhưng mà cái chuyện mà mình có thể làm được nó ít, ít lắm quí vị, ít lắm.

Có nhiều cái việc chúng ta cần cái sự nhiệt huyết của tuổi trẻ; có nhiều cái việc chúng ta cần tới cái sự già dặn, chững chạc của người đứng tuổi, của người trưởng thành đã từng trãi cuộc đời; có nhiều việc chúng ta cần đến cái sự bình thản của một người đã xong việc, đó là tuổi già. Phải không?

Mỗi thời gian, mỗi thời điểm nó lý tưởng cho một số công việc nào đó. Mỗi cái 20 năm trong đời mình có giá trị khác nhau và ở mỗi 20 năm trong cuộc đời mình, mình làm những việc khác nhau: Từ 1 cho tới 20 có những việc mình không chịu làm, thí dụ như bây giờ nói theo ngoài đời, không lấy được bằng tú tài là tiêu. Từ 1 tới 20 tuổi mà không lấy được bằng tú tài là tiêu. 20 năm tiếp theo đó, khng tìm được cho mình một cái nghề nghiệp ổn định là tiêu. Đấy, không có tìm được cho mình một cái nghề nghiệp ổn định là tiêu. Đó là từ 20 cho tới 40. Từ 40 cho tới 60 mà không có được một cái sự nghiệp ổn định - sự nghiệp được định nghĩa là về tiền bạc, về nhà cửa, về hôn nhân, gia đình, nói chung - là tiêu. Từ 60 đến 80, không có giữ được sức khỏe là tiêu.

Đấy, thấy rõ ràng như vậy. Nghĩa là mỗi một thời đoạn trong đời mình, chúng ta chỉ làm một ít việc thôi, và cái điều kiện tâm lý của mỗi lứa tuổi nó cũng không giống nhau. Có nhiều việc chúng ta cần đến cái nhiệt huyết của tuổi trẻ thì tuổi trẻ không còn nữa. Có nhiều lúc chúng ta cần đến ái sự bình thản, nhẹ nhàng của người lớn tuổi thì khổ thay lúc đó chúng ta đã cằn cỗi quá rồi, chúng ta đã qua khỏi giai đoạn bình thản rồi, chúng ta đã qua tới giai đoạn lú lẫn rồi, nha.

Hiểu được cái này mình mới thấy, "Ồ! Thì ra thời gian nó quí quá". Cái chuyện mà nằm dật dựa, lăn qua trở lại, đó là sự hoang phí không có thể nào mà gọi là bỏ qua được. 

Cái đó phải nhắc tới, nha. Chúng ta cứ nhớ:  Cái chuyện nó dễ xảy ra như vậy. Bịnh hoạn, tai nạn, chết chóc, bao nhiêu cái chuyện khác, thị phi, rồi kiện cáo ... Ai biết được? Thù oán, ai biết? Mấy cái đó toàn là trên trời nó rớt xuống không hà. Trên trời nó rớt xuống vậy đó.

Cho nên là thời gian trong kiếp người nó không có nhiều, nó không có đủ để mà chúng ta hoang phí nó bằng cách là tìm đến sự an dưỡng, ngủ nghỉ.

Trích bài giảng ngày 25/06/2019 KTC.6.117 Quán
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép toàn vẹn bài giảng KTC.6.117 Quán


Mê Tín | | Eko Care
Tứ Diệu Đế | | Chết

English
Reply
Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy
(Tam Tạng - Tipitaka)



Tam Tạng Kinh Điển của Phật Giáo gồm:

I. Luật Tạng (Vinaya Pitaka - Disciplinary and Procedural Rules)

Luật Tạng Pali gồm 5 quyển chính:
  1. Căn Bản Giới, Parajika Pali (Major Offences)
  2. Tiểu Giới, Pacittiya Pali (Minor Offences)
  3. Đại Phẩm, Mahavagga Pali (Greater Section)
  4. Tiểu Phẩm, Cullavagga Pali (Lesser Section)
  5. Yết Ma và Truyền Giới Pháp, Parivara Pali (Epitome of the Vinaya)
II. Kinh Tạng (Nikaya Pitaka - Discourses)
  1. Trường Bộ Kinh, Digha Nikaya (Collection of Long Discourses)
  2. Trung Bộ Kinh, Majjhima Nikaya (Collection of Middle-length Discourses)
  3. Tương Ưng Bộ Kinh, Samyutta Nikaya (Collection of Kindred Sayings)
  4. Tăng Chi Bộ Kinh, Anguttara Nikaya (Collection of Gradual Sayings)
  5. Tiểu Bộ Kinh, Khuddaka Nikaya (Smaller Collection)
III. Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka - Vi Diệu Pháp, A Tỳ Đàm, Luận Tạng)
  1. Pháp Tụ, Dhammasangani (Classification of Dhamma)
  2. Phân Tích (Phân Biệt), Vibhanga (Divisions)
  3. Chất Ngữ (Giới Thuyết), Dhatukatha (Discourse on Elements)
  4. Nhân Chế Định (Nhân Thị Thuyết), Puggala Pannatti (The Book on Individuals)
  5. Ngữ Tông (Biện Giải), Kathavatthu (Points of Controversy)
  6. Song Đối (Song Luận), Yamaka (The Book of Pairs)
  7. Vị Trí (Phát Thú), Patthana (The Book of Causal Relations)
--ooOoo--

Sư Giác Nguyên giảng Kinh Kalama


1/ Ba Tạng Kinh Điển kể trên liên hệ mật thiết với nhau:
Phật tử cần tu học để thấy rõ ba Tạng Kinh Điển kể trên liên hệ mật thiết với nhau . Chúng ta không thể tách rời A tỳ Đàm và Kinh Tạng vì:

  1. Không có A tỳ đàm thì không thể hiểu Kinh Tạng . Nếu học mà thấy Tạng này bài xích Tạng kia là sai .  Lời Phật dạy chỉ có một dòng .
  2. Thấy sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành . Nếu không thấy sự tương quan giữa học và hành là sai .
  3. Học, hành, và được an lạc là đúng . Còn không được an lạc là sai .
2/ Cần học Phật Pháp:
Là Phật tử, chúng ta tin Phật .  Phật dạy: 
  1. Thân người khó được, vì trong một ngày, chúng ta sống với tâm hồn con người rất ít, mà sống với tâm hồn sa đoạ nhiều vô số kể .
  2. Chánh pháp khó gặp, vì khó làm thiện nên khó kiếm người thiện .  Như vậy, chuyện gặp Đức Phật, gặp giáo pháp của Ngài hay người hoằng dương giáo pháp lại càng hiếm hơn .
Cho nên, mình ý thức rằng thân người khó được, chánh pháp khó gặp .  Kiếp này, mình được sinh ra làm người lại gặp Phật pháp mà không chịu học Phật pháp, thật quá uổng .

3/ Trí Tuệ:
Khi làm công đức đi kèm với trí tuệ, công đức mới lớn .
Reply
Hãy nhớ là 
  1. Phật đã dạy cái gì, 
  2. Phật đã hành trì cái gì và 
  3. Phật muốn mình tu cái gì 
thì phải nhớ giùm cái đó.
(STK)

---------------------------------------

Nhật Tụng Kālāma

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201907170239&lan=vn

Bài kinh Một Pháp Môn Quyết Trạch là một trong những bài kinh mà sẽ dược chúng tôi đưa vào ở trong cái quyển gọi là "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama". Hiện giờ chúng tôi vẫn còn đang phân vân là đến khi nào mới nên đóng, khép lại cái bản thảo của quyển này. Cho tới hôm này thì số trang đã lên tới 600 trang rồi thưa quý vị. Và theo tôi nghĩ thì nếu mà nó lên tới 1000 trang thì cũng không phải là quá nhiều. Chúng tôi sẽ sẵn sàng in làm 2 cuốn. Vì sao? Vì đó là Tam Tạng tóm tắt - nội dung trong đó gồm tất cả những bài kinh mà tôi cho rằng khi ghép lại có thể đủ để làm nên cái diện mạo của Phật Giáo.


Có rất nhiều những bài kinh mà chúng tôi lấy làm ngạc nhiên là đã không được nhắc đến trong các sinh hoạt công phu thường ngày - nói chi là đem đi thuyết giảng - rất là hiếm. Lạ lắm. Tôi từng có dịp được cầm trên tay vài quyển kinh tụng của các đời, tức là cách đây mấy chục năm, cùng các quyển mới được biên soạn gần đây của Thái, kinh tụng dành riêng cho tỳ kheo, cho sa di, tôi cũng đã từng cầm trên tay những cuốn kinh tụng của Phật giáo Khmer và đương nhiên tôi cũng đã từng cầm trên tay những cuốn kinh tụng của Phật giáo Nam Tông Việt Nam. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên là vì sao có quá nhiều bài kinh với nội dung cốt lõi, cốt tủy, tinh hoa lại không được bỏ vào trong đó; mà trong đó lại chèn nhét vào quá nhiều những bài kinh thuần túy về thần quyền. Thí dụ: "Con xin lễ chư Phật 28 chánh biến tri, 1 triệu chánh biến tri", "Con xin oai lực của Tam Bảo hộ trì cho con được vô bịnh, được sống lâu", "Con xin hồi hướng chư thiên, xin chư thiên hộ trì cho con được sống lâu, sắc đẹp, phát lộc, phát tài" ... tùm lum. Tôi rất lấy làm lạ là tại sao kinh điển quá hay mà vì sao minh lại cứ đi mà tụng tới tụng lui mấy cái này - mà lại còn đem ra in tới in lui mới gớm chứ. Mà những cái đó tôi xin nói rõ, các vị ở trong đây sẽ lấy làm ngạc nhiên là tại sao sư lại chê kinh đó? Kinh mà sao ông sư này ổng dám chê? Tôi xin thưa - cái đó không phải kinh, cái đó không có trong chánh tạng. Những cái bài mà tôi nói có nội dung kỳ cục là do đời sau.

Tôi xin nói thẳng luôn là vào đời nhà Thanh bên Trung Hoa có ông Ngọc Lâm Quốc Sư; mà nhiều người Việt Nam đọc cái quyển Thoát Vòng Tục Lụy (của Đại sư Tịnh Vân, do Thích Quảng Độ dịch) quý vị cứ tưởng là ông Ngọc Lâm Quốc Sư này là một nhân vật trong tiểu thuyết, một nhân vật huyền thoại. Không. Đó là một nhân vật lịch sử có thiệt. Quyển sách đó là quyển sách hư cấu. Đúng. Nhưng nhân vật Ngọc Lâm Quốc Sư là nhân vật có thiệt. Một vị trưởng lão tôn túc của Phật giáo nhà Thanh, được triều nhà Thanh rất là trọng vọng và vị đó đã biên soạn những chương trình công phu cho Phật giáo Trung Quốc. Rồi những cái tiết kệ, kinh nào là kinh nào, lại được Phật Giáo Việt Nam đi theo giữ đúng nguyên như vậy. Thí dụ: tụng chú Đại Bi, tụng chú Lăng Nghiêm v.v... Kinh sáng, kinh khuya, hô canh, kinh chiều gì gì đó. Phần lớn những cái đó là từ cái sắp đặt của ông Ngọc Lâm Quốc Sư nhà Thanh bên Trung Quốc - rồi người Việt mình lại tha về mà xài. Còn kinh lễ bái tam bảo bằng tiếng Pali mà mình thấy của người Thái, Campuchia và Việt Nam, đương nhiên - Phật giáo Nam Tông ở Việt Nam là từ Campuchia Nguyên thủy đưa về, có rất nhiều bài tụng, cách thức, bài nào trước bài nào sau trong đó, mà đa phần trong đó là do một vị hoàng tử Thái Lan đi xuất gia, ngài giỏi tiếng Pali và ngài mới soạn những cái bài tụng đó cho Phật giáo Thái. Rồi dưới ảnh hưởng chính trị kinh tế của Thái Lan thời bấy giờ, những người Campuchia tự nhận họ là thuộc nước láng giềng nhược tiểu - và cái tinh thần nhược tiểu đó nó thấm luôn vào giới tăng sĩ và người ta lại thấy mấy bài tụng đó nó hay. Cũng như người Việt mình vậy. Thích Tàu thí cài gì của Tàu cũng hay. Thích Mỹ thì cài gì của Mỹ cũng hay. Mặc cái áo mà có cái lá cờ Mỹ nhỏ xíu bằng cái móng tay cũng hãnh diện. Cuối tuần dắt con đi ăn hamburger, hay ăn pizza, cũng hãnh diện. Thí dụ như vậy. Trong nhà có cái xe máy của Tàu cũng hãnh diện, có xe Honda của Thái ráp cũng hãnh diện. Có nghĩa là vì mình ở trong cái tâm thức nhược tiểu thì mình cứ hay thờ tùm lum lắm. Quý vị biết không?

Lẽ ra kinh điển thì cứ lấy Tam tạng chú giải ra mà đọc, đọc cho tới chết cũng chưa chắc đã đọc hết. Đằng này thì lại vì cái tâm thức nhược tiểu mà Phật giáo Campuchia, Phật giáo Lào, rồi lây đến Phật giáo Việt Nam đã mặc nhiên chấp nhận đem thờ luôn mấy cái bài kinh công phu đời sau đó, mà toàn bộ là của Thái Lan người ta soạn ra. Rồi mình cứ tha về mà mình đọc, rồi mình tưởng đó là hay. Ở đây tôi xin các vị nhớ giùm một điều: lễ phật, niệm phật, tin phật, kính phật, thờ phật, lạy phật ... tất cả đều là cái hay. Nhưng mà hãy nhớ là Phật đã dạy cái gì, Phật đã hành trì cái gì và Phật muốn mình tu cái gì thì phải nhớ giùm cái đó. Chứ không nên dành quá nhiều thời gian ăn rồi để mà réo gọi mà tán thán hoài. Quý vị hãy mở giùm tôi cái bài kinh nhật tụng mà xem. Xem coi trong đó coi nội dung tu hành có được bao nhiêu? Toàn là cầu, khẩn, khấn, nguyện, lạy lục không. Mà hễ tôi nói cái điều này ra là chúng chửi. Nó khổ như vậy đó. Cái khổ của người Việt mình là hễ mình có vấn đề thì được, nhưng mà cái thằng nào, con nào mà nó đụng tới cái mụt ghẻ của mình là minh đau, mà mình đau là mình dộng cho nó chết luôn. Đó là một cái dân tộc tính rất đáng buồn của người Việt mình, quý vị thấy được không? Nhiều người hiểu lầm nói là tôi hay bài khích, Không phải vậy. Nói theo đạo là lòng đại bi. Nói theo ngoài đời thì phải nói là do ưu thời mẫn thế, vì cái tâm tình hướng về dân tộc đất nước mà tôi nói. Mà vô tình nó gieo rắt những hiểu lầm rồi đâm tạo ra các rắc rối dạo sau này. Trong khi nếu người ta cứ bình tĩnh lại và nhớ rằng tôi mập béo gì khi tôi chỉ trích những cái này cái kia? Tôi chỉ nói lên cái sự thật mà.

Cho nên tôi liếc thấy bên Làng Mai (ở Paris của thầy Nhất Hạnh) họ cũng có sách nhật tụng riêng. Tôi thấy bên chư tăng Huyền Không họ cũng điều chỉnh lại các nghi thức về Tam Bảo và dĩ nhiên cũng quẩn quanh các nội dung ở Việt Nam nhưng các vị đó họ lại sử dụng thể văn vần (thể thơ - thí dụ lục bát hay song thất lục bát, hay ngũ ngôn ... ) Việt Nam mình thì đa phần tụng kinh văn xuôi. Tôi xin tuyệt đối nhấn mạnh và xin quý vị hiểu giùm là ở đây không hề có cái riêng. Phật Giáo còn tồn tại là vì chư tăng không có thích có cái riêng. Một khi mà chư tăng quá mê cái riêng thì cái chung sẽ bị lãng quên. Cái lá cờ của Kalama hay cái quyển kinh tụng của Kalama hoàn toàn là cái chung. Tôi muốn kéo níu mọi người hãy lìa cái riêng mà trở về với cái chung mà chúng cũng chửi tôi nữa. Khổ quá mà. Khổ quá! Thí dụ tôi đem trích các bài kinh hay thiệt là hay trong chánh tạng, mà tôi cho là cốt lõi tinh hoa của đạo Phật, tôi đem về để chị em trong khu xóm sớm hôm công phu tụng với nhau để mà nhớ Phật dạy cái gì và thế là lại bị chúng chửi là tại sao không xài các quyển Hộ Tông của ngài Pháp Tri? Thế có khổ không? Họ tưởng cái đó là cái chung. Con lạy các bố. Cái đó không phải là cái chung. Đó là một mãnh vụn riêng tư của một giáo bên Campuchia. Cái chung ở đây phải là cái gì trong tam tạng chánh điển, là cái gì mà người Nhật, người Anh, người Đức, người Mỹ, người Pháp họ biết tới kìa. Chứ mấy cài bài tụng Pali của riêng người Thái lan thì những người Tây, Mỹ, người Nhật, Đại Hàn, người Do Thái họ có biết hay không? Dạ thưa, Không!

Cái gì mà 26 thế kỷ qua các thế hệ tăng và tục trên toàn cầu đã biết tới, tôi gọi cái đó là cái chung. Còn những cái phần bài tụng soạn mới cách đây hai ba trăm năm thì khác - tôi xin thưa các vị, nên nhớ giùm cái đó. Và khi các vị muốn chửi ai thì làm ơn mình ngó dọc, ngó xuôi, nhìn lên, nhìn xuống giùm một cái nhé.

Thì cái quyển "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama" tôi nghĩ có thể lên tới 1000 trang. Bây giờ thì đã có 600 trang. Nhưng có lẽ phải đến 1000 trang thì mới phỉ, mới hết cái lòng của tôi. Một bên trang phải là bản tiếng Pali, bên kia là tiếng Việt. Bản Việt thì thằng Tèo thằng Tí nào dịch cũng được miễn là phải có bản kinh Pali nằm cạnh một bên. Tôi gọi thằng Tèo thằng Tí là tôi cố ý, chứ không phải vô tình đâu. Có nghĩa là cho dầu người dịch là nhân vật vô danh cách mấy cũng được, miễn là có bản kinh Pali nằm cạnh một bên. Kinh "Người mù sờ voi" cũng phải có bản Pali. Kinh "Cái trống Anaka" cũng phải có bản Pali.

Cái trống Anaka là sao? Phật dạy là ngày xưa có một cái trống rất là nổi tiếng, gọi là trống Anaka, giống như trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn của mình vậy. Rồi cái trống đó khi bị hư thì được người ta chấp vá, chấp vá hoài - nhưng cái tên cũ vẫn còn. Ngài tiên đoán sẽ có một ngày lời dạy của Ngài sẽ bị thay đổi, sẽ bị thêm thắt rất là nhiều - nhưng mà trên danh nghĩa lại vẫn được gọi là lời Phật dạy, hay là "Phật ngôn", là "Phật giáo", là "Phật học" ...

Những bài đó phải được đăng trong "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama" với phần tiếng Pali và kèm bản dịch tiếng Việt.

Kinh Kalama, kinh Simsapa, kinh Vô Ngã, kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Nhất dạ Hiền giả, kinh Thất Giác Chi, kinh Tứ Niệm Xứ, kinh 12 duyên khởi, và kinh 24 duyên hệ - trong bản dịch mới.

Một điều tôi rất lấy làm tâm đắc là phần 24 duyên hệ. Đây là một bộ phần giáo lý mà tôi cho là đỉnh cao của trí tuệ. Đây mới là đúng nghĩa của đỉnh cao trí tuệ. Trong kinh nói khi Thế Tôn giảng 24 duyên hệ thì Ngài giống như một kình ngư bơi lội ở ngoài một vùng biển sâu rộng nhất của đại dương - chỉ có bài giảng 24 duyên hệ mới làm phỉ được cái trí toàn giác vô ngại của Ngài mà thôi. Giáo lý duyên hệ có hai phần: một là phần mẫu đề (từ Đức Phật), hai là phần diễn dịch (từ ngài Xá Lợi Phất). Chúng tôi sẽ có bản dịch mới. Trong quý vị sẽ có người nhảy nhổm lên hỏi là đã gọi là mẫu đề mà sao cần có bản dịch mới? Xin thưa: Có thấy mới tin. Phải thấy mới tin. Dịch như thế nào để cho một người mò củ khoai củ ấu dưới đồng đem lên đọc vẫn hiểu. Nghĩa là bài về 24 duyên hệ phải dịch như thế nào, dùng ngôn ngữ như thế nào mà một người móc củ khoai củ ấu, bán vé số bên lề đường, chỉ cần biết chữ ráp vần đọc vẫn hiểu.

[Image: tk-klm.jpg]

Đó là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi. Kalama sẽ là một sân chơi cho những học giả có lòng cầu đạo là chỗ đó.

Trích bài giảng ngày 27/05/2019 KTC.6.60 Hatthisariputta

Uttari ca patāreti | | Hành Giả
Thương Được Kẻ Thù | | Dục & Thọ
English
Reply