Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Trở về cát bụi
#1
[Image: 280173069_164282539338522_48575498613474...e=627A37D0]

[Image: 280106718_164282492671860_81235743419809...e=627ACDB5]

[Image: 280187579_164282466005196_40372003515441...e=62798B75]

Các Bậc Sống Tâm Linh


Bậc sống đạo đức

1. Làm việc đạo đức với ý ngay lành.

2. Tập tành sống nhân đức.

3. Còn ý riêng, nhưng vẫn biết sống cho tha nhân.

4. Dễ phạm tội nhẹ, còn khả năng phạm tội trọng.

5. Kém hiểu biết về đạo lý Chúa Ki-tô, thích học hỏi nhưng không chịu khó đào sâu. .

*.*

Rất ít người đạt tới bậc sống này. Không phải vì bậc sống quá cao, quá khó so với năng lực của một linh hồn. Nhiều linh hồn có thể vươn tới ba, bốn điểm của Bậc Sống Đạo Đức, nhưng vẫn còn vướng mắc lại ở Bậc Sống Thường Tình. Bởi vì phần lớn các linh hồn không hiểu biết rõ về Đời Nội Tâm, đường nhân đức, do đã không được sự hướng dẫn tốt trên đường tâm linh.

Đa số các linh mục theo “mốt” nhận con thiêng liêng, đóng vai linh hướng. Thật ra nhiều vị làm rất tốt công việc của một cha bảo trợ: giúp đỡ vật chất và nâng đỡ chút ít về tinh thần. Được mấy vị chăm sóc con thiêng liêng mình từng bước trên đường nhân đức? Và chăm sóc với tình mục tử cao quý?! Than ôi! Không thiếu những trường hợp như Mẹ Thánh Tê-rê-sa A-vi-la lâm vào “những vị ít thông thạo đã làm hại cho linh hồn tôi…Bởi kinh nghiệm, tôi đã nhận thấy rằng nếu các vị là những người nhân đức và có đời sống thánh thiện mà không có kiến thức gì thì tốt hơn là chỉ biết nửa vời…Những lỗi thật sự là tội nhẹ, các vị (ít thông thạo) bảo tôi là chẳng tội lỗi gì; trường hợp là tội trọng nặng nề, thì các ngài cho là tội nhẹ. Phán đoán như thế đã gây thiệt hại trầm trọng cho linh hồn tôi” (TT – C 5).

Chúng ta không thể sống bậc đạo đức hay tiến xa hơn nữa, nếu không được dạy bảo, hướng dẫn hẳn hoi. Trừ ra những ai được Thiên Chúa chọn cho chương trình của Ngài. Có ơn đoàn sủng, có ơn sống thánh thiện để dìu dắt các linh hồn về với Chúa. Những vị đó không cần sự hướng dẫn của người đời. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ, và thật diễm phúc cho những linh hồn đó.

1. Làm việc đạo đức với ý ngay lành

Tiến lên bậc sống này, linh hồn nhờ hiểu biết vững phần cơ bản các chân lý đức tin, nên trên hình minh họa ta thấy cây nho tâm linh đời họ đã trổ được nhánh ngang. Ba nhân đức đối thần hoạt động, nhờ đó các nhân đức luân lý cũng đua nhau phát triển.

Họ làm việc đạo đức không còn hậu ý vụ lợi nặng tính thế tục. Song phát xuất từ lòng mến và hướng về phần rỗi linh hồn mình. Lòng họ ghi khắc câu “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi vinh quang và chúc tụng đều quy về Chúa.” Tuy vậy họ vẫn chưa sống trọn được điều đó. Vì các quan năng thể xác và linh hồn vẫn chưa hoàn toàn thuận phục lý trí, cho nên đời sống họ còn nhiều thiếu sót lỡ lầm. Linh hồn vấp ngã rồi đứng lên, nhưng nhờ đã xa rời được tội trọng nên ơn Chúa vẫn tiếp tục thúc đẩy linh hồn tiến bước.

Trong Bậc Sống Đạo Đức, Thiên Chúa sẽ thử luyện sự kiên nhẫn, hoa trái lòng khiêm hạ của linh hồn, và dò xét cả sự trung tín đối với Người. Nên Thiên Chúa quan phòng, cho phép Sa-tan quấy phá, cám dỗ linh hồn, làm cho linh hồn chịu nhiều đau khổ, gian truân, bị hiểu lầm gây mất uy tín, mất danh dự…Linh hồn cố tiến đức thành công có, vấp phạm cũng có. Chúa nâng lên rồi Chúa hạ xuống, ban ơn an ủi cho lòng sốt mến rồi lại cất ơn đi, để linh hồn chịu sự khô khan cơ cực. Trí tuệ đôi lúc ra tối tăm, tâm tình khô nhạt, kinh nguyện không sốt sắng đem lại sự phấn khởi, khích lệ như thuở đầu. Thậm chí còn lo ra, chia trí lúc đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ, chầu Thánh Thể hơn lúc vừa tập tễnh đường nhân đức (LĐNT- Những Cư Sở Thứ Hai)

Linh hồn không còn làm việc đạo đức với tinh thần thế tục, vụ lợi tầm thường. Nhưng tâm linh chưa sống từ bỏ cao độ nên còn nhiều những đam mê thầm kín. Bởi đó việc đạo đức họ làm tuy có ý ngay lành nhưng chưa thể trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Thiên Chúa. Trong lúc đó vì yêu dấu linh hồn, muốn linh hồn thưởng nếm sự thiện hảo của Ngài, Thiên Chúa sẽ khích lệ ban cho linh hồn nhiều ơn an ủi, nhất là các linh hồn đã được chọn để thực hiện chương trình của Ngài. Nếu linh hồn ở linh đạo cả thể, họ có thể được nhận những ơn mang tính siêu nhiên ở cuối bậc sống này. Đồng thời Thiên Chúa cũng gia tăng thử thách đối với linh hồn. Họ có thể gặp đau khổ dồn dập, tứ bề vây hãm. Song chỉ cần linh hồn khiêm hạ nhẫn nại cậy trông, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ linh hồn vượt qua hết mọi gian nan thử thách, đồng thời âu yếm đưa linh hồn vào bậc ân sủng cao hơn.

Đây là bậc sống linh hồn cố gắng gỡ chân mình khỏi những ràng buộc trần tục và dần dần giũ sạch mọi nết xấu (ĐT – Đ 26).

Nguồn: Tình Yêu Hoa Cỏ
‘𝐒ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐠𝐢ố𝐧𝐠 𝐧𝐡ư 𝐦ộ𝐭 𝐜𝐨𝐧 𝐬ư 𝐭ử. 𝐁ạ𝐧 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐜ầ𝐧 𝐩𝐡ả𝐢 𝐛ả𝐨 𝐯ệ 𝐧ó. Để 𝐧ó 𝐪𝐮𝐚 đ𝐢. 𝐍ó 𝐬ẽ 𝐭ự 𝐯ệ.’ 

[Image: 198aa2499b024844f484fd87660bac17.jpg]

𝐇ã𝐲  𝐥𝐮ô𝐧 𝐥𝐮ô𝐧 𝐜ô𝐧𝐠 𝐛ố 𝐬ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐯à 𝐧𝐠𝐚𝐲 𝐜ả 𝐤𝐡𝐢 𝐧ó 𝐥ọ𝐭 𝐯à𝐨 𝐭𝐚𝐢 𝐧𝐠ườ𝐢 đ𝐢ế𝐜, 𝐜𝐡ú𝐧𝐠 𝐭a 𝐬ẽ 𝐡𝐨à𝐧 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐜ô𝐧𝐠 𝐯𝐢ệ𝐜 𝐜ủ𝐚 𝐦ì𝐧𝐡.  

Innocent 
Reply
#2
Các Bậc Sống Tâm Linh

I. Bậc sống khô khan (tội lỗi)

1. Không mộ mến việc đạo đức, hoặc làm việc đạo đức với ý không ngay lành

2. Sống đam mê hưởng thụ

3. Ích kỷ, nặng nề ý riêng, giàu tự ái

4. Dễ dàng phạm tội trọng

5. Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa

*.*

3. Ích kỷ, nặng nề ý riêng, giàu tự ái

Cám dỗ kéo theo cám dỗ, thói xấu sinh ra thói xấu. Không mộ mến việc đạo đức, không tập từ bỏ chính bản thân mình, sẽ dẫn đến việc sống đam mê thụ hưởng và nuôi dưỡng cái “tôi” mình. Vì thế nơi linh hồn thể hiện rõ sự tham lam ích kỷ cả tinh thần lẫn vật chất. Họ chẳng bao giờ thấy thỏa mãn với những gì mình có. Không cảm thấy đủ mãi, nên linh hồn trở thành nô lệ phục vụ cho hai ông chủ Tham Lam và Ích Kỷ. Luôn giữ chặt những gì mình có và tích cực vơ vét thêm, muốn sở hữu mọi sự của cuộc sống đời tạm này. Người sống ở bậc này, hy sinh cho tha nhân đối với họ thật là khó, thật nặng nề. Giúp đỡ ai là điều họa hiếm trong đời sống họ.

Ý riêng là ý muốn của một người còn nặng mang tinh thần thế tục, hay là ý muốn ngược lại với thánh ý Thiên Chúa. Linh hồn nặng nề ý riêng là linh hồn có nhiều ý muốn dẫn đến sống cố chấp, luôn bảo thủ suy nghĩ hay ý kiến mình, và sống theo những gì mình nghĩ cách cực đoan, không màng chi đến việc từ bỏ chính mình để sống tiến đức. Người nặng nề ý riêng họ cố công xây dựng cuộc sống của mình theo như ý mình muốn, bất kể cuộc sống họ có làm tổn thương đến tha  nhân. Họ không thật tâm lắng nghe lời Chúa và tìm thánh ý Chúa mà thực hiện.

Do vậy họ dễ nảy sinh ra bất mãn, bất phục, bất cộng tác với người đồng sự hay với bề trên. Nếu cần, họ phản đối cả Giáo Hội để làm theo chủ trương của mình hoặc bảo thủ lập trường mình. Nặng nề ý riêng là biểu hiện của một linh hồn còn nhiều kiêu ngạo, không chịu hạ mình lắng nghe hay vâng theo quan điểm của người khác, của bề trên. Dù có lúc họ đã thấy người ta đúng hơn mình, vẫn không khiêm tốn vâng phục mà gượng trấn áp lại bằng những lời phê phán. Luôn thường chủ quan cho suy nghĩ của mình là đúng nhất, đúng hơn, thiếu tinh thần học hỏi. Còn nặng ý riêng, điều này cũng nói lên linh hồn thiếu cầu nguyện hoặc không cầu nguyện.

Nếu có thật lòng cầu nguyện, nói với Chúa họ cũng phô diễn cái “tôi” của mình trước Chúa, đòi buộc Ngài làm theo ý muốn mình qua công thức “xin cho con”. Và nếu có cầu nguyện, chỉ là hình thức họ muốn nói với mọi người “tôi cũng sống đạo đức”. Những việc đạo đức họ làm, thường do những động lực quy về bản thân mình. Tóm lại, sống nặng nề ý riêng là cuộc sống đang xa rời Thiên Chúa, đánh mất đức tin mình dần dần.

Giàu tự ái được thể hiện luôn bảo thủ, không hề có thiện chí lắng nghe ý kiến của người khác, dù cho có lúc nhận ra mình đã sai. Và chỉ cần bị xúc phạm nhẹ, bị tổn thương đôi chút, hoặc thiệt hại nho nhỏ, họ dễ dàng giận dữ, phẫn nộ, trách cứ tha nhân nặng nề, thậm chí khuynh hướng trả thù cũng không ít. Họ thường trách cứ người chung quanh, sẵn sàng đổ lỗi cho ai đó, kể cả cho Thiên Chúa.

Linh hồn vì quá yêu bản thân nên không cho phép ai xúc phạm hay làm tổn thương mình. Họ giàu cả tự ái thiêng liêng, những gì Chúa ban cho, Chúa lấy lại họ không chịu đựng nổi. Như ngôn sứ Giô-na không tuân phục Chúa, rồi dễ dàng trách cứ Chúa vì làm khô héo cây thầu dầu che mát ông, dù ông không trồng, không chăm sóc nó (Gn 4, 1-11).

4. Dễ dàng phạm tội trọng 

“Sau buổi thiết triều, vua thánh Lu-i hỏi quần thần “Nếu các khanh phải chọn lựa giữa bệnh cùi và tội trọng, các khanh sẽ chọn điều nào?” Tất cả trả lời “Thần sẽ chọn tội trọng.” Còn vua thánh nói “Trẫm thà chịu nhiều thứ bệnh cùi, chứ không phạm một tội trọng.”

altĐối với người thuộc bậc sống này, có thể nói không còn lề luật nữa. Mọi quan niệm của họ đã bị tục hóa, đức tin chết, Thiên Chúa thật xa vời, chẳng biết Ngài có hay không nữa. Vì thế, chỉ cần thấy đem lại cho họ sự vinh sang trần gian, lợi danh, lạc thú họ sẽ xem luật Chúa nhẹ như không. Nếu thuộc diện có học thức, nặng bệnh sĩ, họ sẽ khéo léo che đậy tội lỗi bằng nhiều cách. Cố mặc lấy hình thức đạo đức, tỏ ra mình cũng có lương tri.

Sống khô khan như vậy họ xem thường bí tích, bỏ cầu nguyện. Nếu phải nóng, bốc lấy tai, nguội rồi chẳng xem ai ra gì. Họ có lãnh nhận bí tích cũng với tâm hồn trống rỗng, lạnh nhạt thờ ơ. Phần ma quỷ, các anh ấy cố hết sức lừa dối loại bỏ những cơ hội làm cho linh hồn thức tỉnh, chỗi dậy. Càng sống lâu ngày trong tội linh hồn càng bám rễ sâu. Phạm tội trọng càng nhiều càng quen dần, ở trong tội mà chẳng thấy ngại ngùng. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la đã nói về những người ở tình trạng này “Họ là những người bất hạnh và sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm” (LĐNT).

5. Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa

Qua những câu chuyện kể hoàn toàn có thật ở trên, cho chúng ta thấy sự sa sút về đời sống đạo đức của giới trẻ ngày nay. Tình trạng sa sút này khởi đầu từ việc lười nhác, vô tâm trong việc học giáo lý. Tìm được một người thanh niên bỏ tâm sức đi tìm Chúa, khó như đi tìm ngọc trong cát trên sa mạc.

Khi bố đang viết bài này, có một em nam tu sinh ăn cơm nhà Chúa xong chương trình đại học. Em đến tâm sự “Nghe đến cầu nguyện là con nổi da ốc. Con ghét đọc kinh quá thể, cứ đến giờ kinh phụng vụ là con sợ rùng mình. Chẳng có thích thú nào khi phải học giáo lý…”

altThời nay được mấy người tín hữu chuyên cần đọc Thánh Kinh, đọc sách thiêng liêng, kể cả giáo lý viên, các tu sĩ. Xu hướng xuống cấp này kế truyền sự kém hiểu biết về niềm tin Ki-tô. Sĩ số các em học giáo lý từ đầu khóa đến cuối khóa nơi các giáo xứ thế nào? Sự ham thích thật lòng học giáo lý để tìm hiểu Đạo Thánh Chúa, khai sáng chân lý vì nước trời có nữa không? Không phải bố có cái nhìn tiêu cực, mà xác suất những người vô tâm, lười nhác học biết Chúa bây giờ không phải ít.

Sự vô tâm của những linh hồn ở bậc sống này cũng đa dạng. Họ không chỉ không thích tiếp cận với vấn đề giáo lý. Có nhiều người không thích học giáo lý nhưng lại thích được mặc lấy hình thức đạo đức của người thường tham gia công tác giáo lý, có mặt ở trong các khóa đào tạo giáo lý. Chủ ý của họ không phải là học biết chân lý nhưng để tìm một chỗ danh dự, được thuộc bề mặt nổi của những người ở tầng lớp có kiến thức niềm tin. Hay tệ hại hơn nữa, ở giáo xứ X, có khóa đào tạo giáo lý viên dạy giáo lý hôn nhân dành cho người đứng tuổi. Có người đã lợi dụng lớp giáo lý để lơi lả trăng hoa ngoại tình, rồi đi tới chỗ tống tiền và lừa tình. Vô tâm đến mức như thế đấy! Hoặc có người tự xưng mình tham gia gần hai mươi khóa học giáo lý, nhưng khi tham dự Thánh Lễ đến lúc chúc bình an cho nhau, họ quay sang thấy một người tội lỗi đang sám hối, họ đã không chào chúc bình an mà vội vã ngoảnh mặt quay người đi.

Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa bằng cách nào đi nữa, sẽ là đầu mối dẫn đến việc sống bê tha, tội lỗi và khô khan. Đây là điểm quan trọng, nếu sa vào sẽ nên rất tệ hại, linh hồn ở trong bóng tối mà không biết được tình trạng thảm hại của mình đang rất tối tăm.

* Tóm lại:

Người ở bậc sống này, thể hiện ra họ không có đức tin. Nếu đã từng có, đó là thứ đức tin không việc làm, đức tin đã chết. Trên hình minh họa cho chúng ta thấy, gốc cây nho thiêng liêng linh hồn họ bị bệnh thối củ rễ. Có còn sống đấy cũng không sinh được hoa trái tốt lành nào. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la xếp những người này vào những linh hồn ở ngoài cư sở tâm linh.

“Còn khi, vì lỗi của mình mà linh hồn lìa bỏ mạch suối này và đi cắm rễ trong hồ nước tù đen hôi thối thì sẽ chỉ có thể phát sinh những điều bất hạnh và nhơ nhớp mà thôi.

Ở đây các chị nên ghi nhận rằng không phải mạch suối hay mặt trời chói lọi ở thâm cung linh hồn đã mất đi vẻ huy hoàng và lộng lẫy, vì mặt trời và mạch suối vẫn luôn luôn ở đó, và không có gì có thể làm mất đi vẻ lộng lẫy của nó. Nhưng nếu lấy vải dầy, thật đen bao bọc lấy khối thủy tinh đặt dưới ánh mặt trời, thì dẫu trời có nắng đến đâu, ánh sáng cũng không tác dụng gì trên khối thủy tinh cả.”

Lòng thương cảm những linh hồn khô khan tội lỗi đã khiến thánh nhân phải cất lên lời than vãn và mời gọi họ:

“Ôi các linh hồn đã được Máu Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc, hãy học cho biết chính mình và hãy thương xót chính mình. Chắc hẳn, nếu hiểu được tình trạng của mình, làm sao các bạn lại không cố gắng để cạo đi thứ nhựa trám tội lỗi làm đen tấm thủy tinh linh hồn các bạn? Nên nhớ rằng, nếu chết trong tình trạng này, các bạn sẽ không bao giờ lại được vui hưởng ánh sáng Vầng Thái Dương Thiên Chúa…”(LĐNT – C II)

Thánh nữ Ca-ta-ri-na Sien-na cũng được Thiên Chúa dùng ngài để khẳng định: “Trái lại, những kẻ sống đời trụy lạc sa đọa, thì đặt rễ đó trên núi kiêu ngạo. Được trồng cách vô lối như thế, nó không sinh ra những trái của sự sống, nhưng chỉ sinh ra những trái của sự chết. Những trái đó, tức công việc của chúng, đều nhiễm độc bởi đủ thứ tội lỗi. Đôi khi chúng làm một vài việc tốt, nhưng vì rễ cây đã hư thối, linh hồn ở trong tình trạng tội trọng không thể làm một điều thiện đáng hưởng sự sống đời đời.” (ĐT – Đ 93).
‘𝐒ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐠𝐢ố𝐧𝐠 𝐧𝐡ư 𝐦ộ𝐭 𝐜𝐨𝐧 𝐬ư 𝐭ử. 𝐁ạ𝐧 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐜ầ𝐧 𝐩𝐡ả𝐢 𝐛ả𝐨 𝐯ệ 𝐧ó. Để 𝐧ó 𝐪𝐮𝐚 đ𝐢. 𝐍ó 𝐬ẽ 𝐭ự 𝐯ệ.’ 

[Image: 198aa2499b024844f484fd87660bac17.jpg]

𝐇ã𝐲  𝐥𝐮ô𝐧 𝐥𝐮ô𝐧 𝐜ô𝐧𝐠 𝐛ố 𝐬ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐯à 𝐧𝐠𝐚𝐲 𝐜ả 𝐤𝐡𝐢 𝐧ó 𝐥ọ𝐭 𝐯à𝐨 𝐭𝐚𝐢 𝐧𝐠ườ𝐢 đ𝐢ế𝐜, 𝐜𝐡ú𝐧𝐠 𝐭a 𝐬ẽ 𝐡𝐨à𝐧 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐜ô𝐧𝐠 𝐯𝐢ệ𝐜 𝐜ủ𝐚 𝐦ì𝐧𝐡.  

Innocent 
Reply
#3
II. Bậc sống thường tình

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

2. Phục vụ “tôi” nhiều hơn thực thi nhân đức

3. Sống ý riêng, nhiều tự ái. Vẫn phân biệt điều tốt xấu, đúng sai

4. Dễ dàng phạm tội nhẹ cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng

5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học biết Chúa.

*.*

Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, vai người anh cho chúng ta thấy rõ đức tin Kẻ Làm Thuê của bậc sống này.

Người anh ở cạnh cha, sống trong nhà cha với địa vị người con, mà tâm hồn lạc lối làm thuê, đi hoang xa vời vợi so với em mình. Trong lúc “người con hoang” hiểu cha, tin cha đến mức dám xin cha chia gia sản lúc ông còn sống. Người anh lại không dám xin chỉ một con dê con. Người em đi hoang còn nhận biết“người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa…”, còn người anh luôn ở trong tâm trạng thấy mình thiếu thốn, chịu vất vả của một người làm công, “Cha coi, bao nhiêu năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh…”(Lc 15, 11-32). Vì sao thế?

Trong Giáo Hội, ngôi nhà thiêng liêng của Thiên Chúa, là con nhưng nhiều người sống như một người làm công cho Ngài. Đáng buồn thay khi ở với Ngài nhưng chẳng hiểu Ngài bao nhiêu, chẳng tin Ngài được mấy. Những người đạt đến bậc sống thường tình là những người đã vào được những cư sở thứ nhất, “Theo tôi, đó là tình trạng một linh hồn không ở trong tội lỗi, nhưng như tôi đã nói, họ còn chìm ngập trong những sự ở đời này, vẫn bị của cải, danh dự và mọi thứ công việc chi phối đến nỗi, dầu thật sự, họ có muốn chiêm ngưỡng lâu đài và vui hưởng vẻ kiều diễm của chính mình mà vẫn không thể được, vì dường như họ không thể dứt khỏi ngần ấy chướng ngại.” (LĐNT – C.I).

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

Lên bậc sống này, linh hồn thật sự có đức tin. Nhưng là đức tin còn non yếu, dễ bị chao đảo, dễ dàng đánh mất. Nhất là luôn có ý hướng vụ lợi trong niềm tin. Tin Chúa để được lợi, lợi phần hồn, phần xác. Giống như niềm tin của một người làm công cho chủ, tôi làm cho ông và ông trả công cho tôi, đó là công bằng, sòng phẳng. Vì vậy, đức tin ở bậc này là đức tin của kẻ làm thuê.

Với ý hướng vụ lợi họ lập bàn thờ đẹp, xây nhà thờ khang trang, xây nhà dòng đồ sộ. Nếu không phải để được Thiên Chúa nhậm lời hơn, thì để nhất giáo phận, hơn xứ nọ dòng kia. Hoặc thêm hậu ý “mình có công lớn”, “mình tài giỏi” v.v…Đi lễ, đi đọc kinh người ta đi mình đi, có lúc chẳng nghĩ ngợi gì. Rồi khi gặp cám dỗ, gặp khó khăn, hay gặp dịp, đi để khoe y phục mới, được người ta khen siêng năng, đạo đức; đi để xin ơn trúng vé số, cho được mùa để xây nhà to. Sống đời tu, cố gắng nhiều không phải vì muốn tiến đức cho đẹp lòng Chúa, cho xứng bậc sống mình, nhưng cố gắng để được bề trên để ý khen tặng, cho mình có ơn gọi, cho mình đạo đức tốt lành hơn những người kia, hoặc để bề dưới không thấy mình khô khan bê trễ v.v…

Làm việc đạo đức, hoạt động tông đồ, dạy giáo lý thật nhiệt thành nhưng lại rao giảng “tôi” thay vì quy Ki-tô. Tin nhưng luôn có hậu ý cho được lợi. Để rồi lúc gặp gian nan thử thách, lộ rành rành sự sợ hãi, nản lòng, nhụt chí, bất mãn…

Đối với một số linh hồn có kiến thức đức tin nhiều hơn, sống đạo đức hơn nhưng còn vướng ở lại Bậc Sống Thường Tình vì thuộc hạng đức tin kẻ làm thuê, thì những ý không ngay lành được thánh hóa, thăng hoa lên rất nhiều. Song những tâm tình vụ lợi trong đức tin được ẩn dấu cách tinh vi dưới hình thức đạo đức. Có thể họ vô tình trong hành động nhưng hữu ý tại nguyên nhân (đức tin vụ lợi). Đời sống họ luôn có hậu ý vụ lợi cho thân xác hay linh hồn. Họ đã đi tìm mình, xin ơn để bản thân mình được đầy đủ, thoải mái và được tôn vinh. Lúc bấy giờ đức tin trở thành bảo chứng để phục vụ cho bản thân. Rơi vào trường hợp này, chúng ta thấy rõ là tâm tình tôn thờ, yêu mến Chúa thường khô nhạt nơi họ. Và sự khát khao từ bỏ chính mình cho đẹp lòng Thiên Chúa không có trong họ; vui chịu sỉ nhục, sống đức khó nghèo tâm linh vì danh Chúa, họ không hề màng tưởng đến. Vì vậy những hậu ý vụ lợi trong việc làm đạo đức thể hiện sự thấp kém, yếu đuối của đức tin.

Có linh hồn soạn một bài kinh để đọc ngay từ đầu ngày. Bản kinh đọc lên nghe thật đạo đức, vì nó xin thật nhiều ơn giúp cho linh hồn sống thánh thiện. Chỉ tiếc thay lời kinh bỏ ngỏ, thánh thiện để làm gì? Thỏa mãn mình, tôn vinh mình hay thỏa mãn và tôn vinh Thiên Chúa? Một điều tiếc nữa bài kinh không hề có một lời nào quy hướng về Chúa, tôn vinh hay thờ phượng, mến yêu Ngài.

Khi lắng sâu tâm hồn suy niệm lời kinh, ta thấy linh hồn tựa kẻ làm thuê đòi ông chủ trả công bằng giá thánh thiện cho mình, vì mình tin ông, phục vụ ông. Hay nói khác đi, linh hồn như đang tráo đổi vai trò, mình trở thành ông chủ có quyền đòi hỏi gia nhân phải đưa những gì tốt lành cho mình.

Con hãy trầm lắng suy tư tâm tình của mấy vị thánh:

“Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích đang sống bằng cùng một sự sống tình yêu đã từng thiêu đốt Ngài trong những ngày Ngài còn lưu lại trên cõi thế. Trong trạng thái Nhiệm Tích, Ngài tiếp tục tôn thờ Cha Ngài bằng sự hủy mình sâu xa của Ngài.



Mẹ ứng đáp trạng thái khiêm nhường của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích, nhờ nhân đức và những hành vi khiêm nhường; ứng đáp thân phận làm của lễ của Ngài, nhờ khả năng chịu đau khổ thực tế của Mẹ; ứng đáp trạng thái đền tạ của Ngài, bằng những hành vi tự nguyện hãm mình. Để tôn kính đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a đã tự mờ xóa mình đi… Mẹ nghèo như Chúa Giê-su trong nhiệm tích, thậm chí Mẹ còn nghèo hơn vì Mẹ còn có thể cảm nghiệm sự thiếu thốn thực tế của cái nghèo…

III. Sự sống của người tôn thờ cũng phải như thế, nếu họ muốn sống trong Thánh Thể. Nhưng để đạt được sự sống kết hợp này, họ phải giải thoát mình khỏi nô lệ tính ích kỷ chỉ biết tìm mình – ngay cả trong việc phụng sự Thiên Chúa; có nói chuyện với Chúa Giê-su nó cũng chỉ nói về mình, về những chuyện riêng tư của nó; nó không biết cách đàm thoại với Chúa bằng chính Chúa, về những lợi ích cho vinh quang Chúa, về những ước muốn của Thánh Tâm Ngài; nó không biết cách ở lại lặng lẽ trầm mặc dưới chân Ngài, thỏa mãn với Ngài, không ước muốn gì trừ ra chính Ngài. Người ấy cần phải tự giải phóng mình ra khỏi tình trạng đó, tình trạng không biết nhẫn nại lắng nghe Chúa Giê-su, và nó làm ta nên giống như kẻ làm thuê sốt ruột chờ lãnh tiền công…

Đó là người tận tâm vô vị lợi. Họ không tận hiến bản thân để được hoàn thiện hoặc được sung sướng, để thu góp cho mình một gia tài thiêng liêng, hoặc để chiếm được Thiên Đàng xinh đẹp. Không, họ hiến mình vì tình yêu tinh ròng…“Để bước lên ngai vàng tình yêu, Cha cần phải có những người tôn thờ. Nếu không, Cha không thể được trưng bày cách trọng thể. Các con sẽ ở lại với Cha, các con sẽ là những người tôn thờ Cha; các con sẽ gắn bó với Ngôi Vị Cha; các con sẽ  hiện hữu cho Cha, như Cha sẽ sống cho các con. Các con sẽ đi đến chỗ từ bỏ tận tuyệt ý riêng các con, vì Cha muốn nó cho mình Cha. Hãy từ bỏ tư lợi, Cha sẽ nhận lấy chúng”(Thánh Phê-rô Giulianô Eymard – “Người Say Yêu Thánh Thể” – Bài 28-29)

Sau đây là tâm tình của Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh thời danh về tu đức và thần bí học:

“Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.”

“Cần biết rằng, xét về mặt tâm linh, cuộc ra đi ở đây được hiểu là hai cách bước theo Chúa: một là ra khỏi sự vật bằng cách ghê tởm và khinh chê chúng, hai là ra khỏi chính mình bằng cách quên mình đi…”

“Hãy nói với Chàng rằng tôi liệt nhược,

Tôi đau khổ và tôi chết.”

Cần lưu ý trong câu thơ này, linh hồn chẳng làm gì hơn là nêu lên với Người Yêu Dấu nỗi bức bách và khốn đốn của nó, vì khi đã yêu một cách tinh tế thì chẳng nhọc công xin xỏ những điều mình thiếu…Chúa biết rõ hơn chúng ta những gì thích hợp cho chúng ta, thứ hai, Người Yêu Dấu sẽ động lòng hơn khi thấy kẻ yêu Ngài đang có nhu cầu và đang biết nhẫn nại, thứ ba, khi nêu lên những gì mình thiếu, linh hồn ít bị rơi vào tính tự ái và sự ham lợi hơn là cứ xin xin xỏ xỏ những thứ có vẻ như cần cho nó…

“Để tìm kiếm tình tôi.”

Lắm người không muốn vì Chúa mà nhích khỏi cái chỗ họ đang thích thú và hài lòng, chỉ ngồi đó mà chờ hưởng nếm hương vị của Chúa ngoài miệng và trong lòng, chứ không chịu bước lấy một bước, không chịu hy sinh từ bỏ một chút gì trong những thích thú, những an ủi và những ước muốn vô bổ của họ.

“Tôi sẽ chẳng hái hoa.”

5. Để tìm kiếm Thiên Chúa, cần có một trái tim trơ trụi và mạnh mẽ, thoát khỏi sự ràng buộc của mọi điều xấu và cả những điều tốt nào không thuần túy là Thiên Chúa.”(KLC – CK-3)

Còn nhiều tâm tình tương tự của các vị thánh khác nữa. Bố không trích dẫn ra vì sẽ quá dài. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho con thấy sự không ngay lành trong việc đạo đức rất đa dạng. Nếu không có ơn thông hiểu đặc biệt sẽ rất khó nhận ra chúng.
‘𝐒ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐠𝐢ố𝐧𝐠 𝐧𝐡ư 𝐦ộ𝐭 𝐜𝐨𝐧 𝐬ư 𝐭ử. 𝐁ạ𝐧 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐜ầ𝐧 𝐩𝐡ả𝐢 𝐛ả𝐨 𝐯ệ 𝐧ó. Để 𝐧ó 𝐪𝐮𝐚 đ𝐢. 𝐍ó 𝐬ẽ 𝐭ự 𝐯ệ.’ 

[Image: 198aa2499b024844f484fd87660bac17.jpg]

𝐇ã𝐲  𝐥𝐮ô𝐧 𝐥𝐮ô𝐧 𝐜ô𝐧𝐠 𝐛ố 𝐬ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐯à 𝐧𝐠𝐚𝐲 𝐜ả 𝐤𝐡𝐢 𝐧ó 𝐥ọ𝐭 𝐯à𝐨 𝐭𝐚𝐢 𝐧𝐠ườ𝐢 đ𝐢ế𝐜, 𝐜𝐡ú𝐧𝐠 𝐭a 𝐬ẽ 𝐡𝐨à𝐧 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐜ô𝐧𝐠 𝐯𝐢ệ𝐜 𝐜ủ𝐚 𝐦ì𝐧𝐡.  

Innocent 
Reply
#4
THẰNG KHÙNG

Phùng Quán (ghi theo lời kể của Tuân Nguyễn)

[Image: 280252746_1603601696688056_4272854201127...e=627D57A8]

“… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.

Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.

Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng khùng” (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài.

Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.

Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:
– Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
– Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?…

Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
– Anh Tuân này – không rõ anh ta biết tên mình lúc nào – sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

– Thèm được đọc sách – mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.
– Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? – anh ta hỏi.

– Voltaire! – một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong “Tội ác và Trừng phạt”.

Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:
– Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.

Mình trả lời anh ta:
– Tôi thích nhất là Candide.

– Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:
– Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: “Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!”.
– Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! – anh nói.
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:
– Anh là ai vậy?
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
– Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.
Rồi anh ta tiếp:
– Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…
Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn – ngu ngơ, đần độn như thường ngày.

Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… – những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.
Giám thị hỏi:
– Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?
Mình nói:
– Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.
Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói: – Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu. Giám thị hỏi: – Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam. Mình nói: – Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí. Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…”

(Chuyện Phùng Quán kể là sự thật về những ngày cuối đời trong ngục tù của Cha Chính Vinh tức Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)

Tiểu sử Cha Vinh

Cha Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912 – 1971)

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.

Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa-Triết tại Đại Học Sorbonne, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: Bonjour Madame! Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbonne, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng một Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam, nhưng không thành.

Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.

Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng: “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?”. Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.

Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.

Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam, và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, ngài kể chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội. Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm tôn giáo tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu ‘Ở Dưới Vực Sâu’ nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.

Cộng tác với Hùng Lân sáng tác ‘Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít’. Ngài còn sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: ‘Mở Đường Phúc Thật’, ‘Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi’, ‘Ôi GiaVi’, ‘Lạy Mừng Thánh Tử Đạo’. Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8 , Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài ‘Bước Tới Đèo Ngang’ của Bà Huyện Thanh Quan.

Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.

Ngài tổ chức và chỉ huy đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thở Lớn Hà Nội.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam Đạo Công giáo tự do hành đạo, và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dip Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng. Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: “Tự do thế này!” Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành.

Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).

Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.

Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: “Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?” Ngài đáp: “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”.

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một… Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là ‘bố’.

Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.

Vì không khuất phục được ngài, nên bản án của ngài từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim biệt giam và án tử. Năm 1971, khi ngài từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”.

Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm trọn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và tri ân ngài .

💔😭💔
‘𝐒ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐠𝐢ố𝐧𝐠 𝐧𝐡ư 𝐦ộ𝐭 𝐜𝐨𝐧 𝐬ư 𝐭ử. 𝐁ạ𝐧 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐜ầ𝐧 𝐩𝐡ả𝐢 𝐛ả𝐨 𝐯ệ 𝐧ó. Để 𝐧ó 𝐪𝐮𝐚 đ𝐢. 𝐍ó 𝐬ẽ 𝐭ự 𝐯ệ.’ 

[Image: 198aa2499b024844f484fd87660bac17.jpg]

𝐇ã𝐲  𝐥𝐮ô𝐧 𝐥𝐮ô𝐧 𝐜ô𝐧𝐠 𝐛ố 𝐬ự 𝐭𝐡ậ𝐭 𝐯à 𝐧𝐠𝐚𝐲 𝐜ả 𝐤𝐡𝐢 𝐧ó 𝐥ọ𝐭 𝐯à𝐨 𝐭𝐚𝐢 𝐧𝐠ườ𝐢 đ𝐢ế𝐜, 𝐜𝐡ú𝐧𝐠 𝐭a 𝐬ẽ 𝐡𝐨à𝐧 𝐭𝐡à𝐧𝐡 𝐜ô𝐧𝐠 𝐯𝐢ệ𝐜 𝐜ủ𝐚 𝐦ì𝐧𝐡.  

Innocent 
Reply