Các Bậc Sống Tâm Linh
I. Bậc sống khô khan (tội lỗi)
1. Không mộ mến việc đạo đức, hoặc làm việc đạo đức với ý không ngay lành
2. Sống đam mê hưởng thụ
3. Ích kỷ, nặng nề ý riêng, giàu tự ái
4. Dễ dàng phạm tội trọng
5. Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa
*.*
3. Ích kỷ, nặng nề ý riêng, giàu tự ái
Cám dỗ kéo theo cám dỗ, thói xấu sinh ra thói xấu. Không mộ mến việc đạo đức, không tập từ bỏ chính bản thân mình, sẽ dẫn đến việc sống đam mê thụ hưởng và nuôi dưỡng cái “tôi” mình. Vì thế nơi linh hồn thể hiện rõ sự tham lam ích kỷ cả tinh thần lẫn vật chất. Họ chẳng bao giờ thấy thỏa mãn với những gì mình có. Không cảm thấy đủ mãi, nên linh hồn trở thành nô lệ phục vụ cho hai ông chủ Tham Lam và Ích Kỷ. Luôn giữ chặt những gì mình có và tích cực vơ vét thêm, muốn sở hữu mọi sự của cuộc sống đời tạm này. Người sống ở bậc này, hy sinh cho tha nhân đối với họ thật là khó, thật nặng nề. Giúp đỡ ai là điều họa hiếm trong đời sống họ.
Ý riêng là ý muốn của một người còn nặng mang tinh thần thế tục, hay là ý muốn ngược lại với thánh ý Thiên Chúa. Linh hồn nặng nề ý riêng là linh hồn có nhiều ý muốn dẫn đến sống cố chấp, luôn bảo thủ suy nghĩ hay ý kiến mình, và sống theo những gì mình nghĩ cách cực đoan, không màng chi đến việc từ bỏ chính mình để sống tiến đức. Người nặng nề ý riêng họ cố công xây dựng cuộc sống của mình theo như ý mình muốn, bất kể cuộc sống họ có làm tổn thương đến tha nhân. Họ không thật tâm lắng nghe lời Chúa và tìm thánh ý Chúa mà thực hiện.
Do vậy họ dễ nảy sinh ra bất mãn, bất phục, bất cộng tác với người đồng sự hay với bề trên. Nếu cần, họ phản đối cả Giáo Hội để làm theo chủ trương của mình hoặc bảo thủ lập trường mình. Nặng nề ý riêng là biểu hiện của một linh hồn còn nhiều kiêu ngạo, không chịu hạ mình lắng nghe hay vâng theo quan điểm của người khác, của bề trên. Dù có lúc họ đã thấy người ta đúng hơn mình, vẫn không khiêm tốn vâng phục mà gượng trấn áp lại bằng những lời phê phán. Luôn thường chủ quan cho suy nghĩ của mình là đúng nhất, đúng hơn, thiếu tinh thần học hỏi. Còn nặng ý riêng, điều này cũng nói lên linh hồn thiếu cầu nguyện hoặc không cầu nguyện.
Nếu có thật lòng cầu nguyện, nói với Chúa họ cũng phô diễn cái “tôi” của mình trước Chúa, đòi buộc Ngài làm theo ý muốn mình qua công thức “xin cho con”. Và nếu có cầu nguyện, chỉ là hình thức họ muốn nói với mọi người “tôi cũng sống đạo đức”. Những việc đạo đức họ làm, thường do những động lực quy về bản thân mình. Tóm lại, sống nặng nề ý riêng là cuộc sống đang xa rời Thiên Chúa, đánh mất đức tin mình dần dần.
Giàu tự ái được thể hiện luôn bảo thủ, không hề có thiện chí lắng nghe ý kiến của người khác, dù cho có lúc nhận ra mình đã sai. Và chỉ cần bị xúc phạm nhẹ, bị tổn thương đôi chút, hoặc thiệt hại nho nhỏ, họ dễ dàng giận dữ, phẫn nộ, trách cứ tha nhân nặng nề, thậm chí khuynh hướng trả thù cũng không ít. Họ thường trách cứ người chung quanh, sẵn sàng đổ lỗi cho ai đó, kể cả cho Thiên Chúa.
Linh hồn vì quá yêu bản thân nên không cho phép ai xúc phạm hay làm tổn thương mình. Họ giàu cả tự ái thiêng liêng, những gì Chúa ban cho, Chúa lấy lại họ không chịu đựng nổi. Như ngôn sứ Giô-na không tuân phục Chúa, rồi dễ dàng trách cứ Chúa vì làm khô héo cây thầu dầu che mát ông, dù ông không trồng, không chăm sóc nó (Gn 4, 1-11).
4. Dễ dàng phạm tội trọng
“Sau buổi thiết triều, vua thánh Lu-i hỏi quần thần “Nếu các khanh phải chọn lựa giữa bệnh cùi và tội trọng, các khanh sẽ chọn điều nào?” Tất cả trả lời “Thần sẽ chọn tội trọng.” Còn vua thánh nói “Trẫm thà chịu nhiều thứ bệnh cùi, chứ không phạm một tội trọng.”
altĐối với người thuộc bậc sống này, có thể nói không còn lề luật nữa. Mọi quan niệm của họ đã bị tục hóa, đức tin chết, Thiên Chúa thật xa vời, chẳng biết Ngài có hay không nữa. Vì thế, chỉ cần thấy đem lại cho họ sự vinh sang trần gian, lợi danh, lạc thú họ sẽ xem luật Chúa nhẹ như không. Nếu thuộc diện có học thức, nặng bệnh sĩ, họ sẽ khéo léo che đậy tội lỗi bằng nhiều cách. Cố mặc lấy hình thức đạo đức, tỏ ra mình cũng có lương tri.
Sống khô khan như vậy họ xem thường bí tích, bỏ cầu nguyện. Nếu phải nóng, bốc lấy tai, nguội rồi chẳng xem ai ra gì. Họ có lãnh nhận bí tích cũng với tâm hồn trống rỗng, lạnh nhạt thờ ơ. Phần ma quỷ, các anh ấy cố hết sức lừa dối loại bỏ những cơ hội làm cho linh hồn thức tỉnh, chỗi dậy. Càng sống lâu ngày trong tội linh hồn càng bám rễ sâu. Phạm tội trọng càng nhiều càng quen dần, ở trong tội mà chẳng thấy ngại ngùng. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la đã nói về những người ở tình trạng này “Họ là những người bất hạnh và sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm” (LĐNT).
5. Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa
Qua những câu chuyện kể hoàn toàn có thật ở trên, cho chúng ta thấy sự sa sút về đời sống đạo đức của giới trẻ ngày nay. Tình trạng sa sút này khởi đầu từ việc lười nhác, vô tâm trong việc học giáo lý. Tìm được một người thanh niên bỏ tâm sức đi tìm Chúa, khó như đi tìm ngọc trong cát trên sa mạc.
Khi bố đang viết bài này, có một em nam tu sinh ăn cơm nhà Chúa xong chương trình đại học. Em đến tâm sự “Nghe đến cầu nguyện là con nổi da ốc. Con ghét đọc kinh quá thể, cứ đến giờ kinh phụng vụ là con sợ rùng mình. Chẳng có thích thú nào khi phải học giáo lý…”
altThời nay được mấy người tín hữu chuyên cần đọc Thánh Kinh, đọc sách thiêng liêng, kể cả giáo lý viên, các tu sĩ. Xu hướng xuống cấp này kế truyền sự kém hiểu biết về niềm tin Ki-tô. Sĩ số các em học giáo lý từ đầu khóa đến cuối khóa nơi các giáo xứ thế nào? Sự ham thích thật lòng học giáo lý để tìm hiểu Đạo Thánh Chúa, khai sáng chân lý vì nước trời có nữa không? Không phải bố có cái nhìn tiêu cực, mà xác suất những người vô tâm, lười nhác học biết Chúa bây giờ không phải ít.
Sự vô tâm của những linh hồn ở bậc sống này cũng đa dạng. Họ không chỉ không thích tiếp cận với vấn đề giáo lý. Có nhiều người không thích học giáo lý nhưng lại thích được mặc lấy hình thức đạo đức của người thường tham gia công tác giáo lý, có mặt ở trong các khóa đào tạo giáo lý. Chủ ý của họ không phải là học biết chân lý nhưng để tìm một chỗ danh dự, được thuộc bề mặt nổi của những người ở tầng lớp có kiến thức niềm tin. Hay tệ hại hơn nữa, ở giáo xứ X, có khóa đào tạo giáo lý viên dạy giáo lý hôn nhân dành cho người đứng tuổi. Có người đã lợi dụng lớp giáo lý để lơi lả trăng hoa ngoại tình, rồi đi tới chỗ tống tiền và lừa tình. Vô tâm đến mức như thế đấy! Hoặc có người tự xưng mình tham gia gần hai mươi khóa học giáo lý, nhưng khi tham dự Thánh Lễ đến lúc chúc bình an cho nhau, họ quay sang thấy một người tội lỗi đang sám hối, họ đã không chào chúc bình an mà vội vã ngoảnh mặt quay người đi.
Lười nhác, vô tâm với việc học biết Chúa bằng cách nào đi nữa, sẽ là đầu mối dẫn đến việc sống bê tha, tội lỗi và khô khan. Đây là điểm quan trọng, nếu sa vào sẽ nên rất tệ hại, linh hồn ở trong bóng tối mà không biết được tình trạng thảm hại của mình đang rất tối tăm.
* Tóm lại:
Người ở bậc sống này, thể hiện ra họ không có đức tin. Nếu đã từng có, đó là thứ đức tin không việc làm, đức tin đã chết. Trên hình minh họa cho chúng ta thấy, gốc cây nho thiêng liêng linh hồn họ bị bệnh thối củ rễ. Có còn sống đấy cũng không sinh được hoa trái tốt lành nào. Thánh Tê-rê-sa A-vi-la xếp những người này vào những linh hồn ở ngoài cư sở tâm linh.
“Còn khi, vì lỗi của mình mà linh hồn lìa bỏ mạch suối này và đi cắm rễ trong hồ nước tù đen hôi thối thì sẽ chỉ có thể phát sinh những điều bất hạnh và nhơ nhớp mà thôi.
Ở đây các chị nên ghi nhận rằng không phải mạch suối hay mặt trời chói lọi ở thâm cung linh hồn đã mất đi vẻ huy hoàng và lộng lẫy, vì mặt trời và mạch suối vẫn luôn luôn ở đó, và không có gì có thể làm mất đi vẻ lộng lẫy của nó. Nhưng nếu lấy vải dầy, thật đen bao bọc lấy khối thủy tinh đặt dưới ánh mặt trời, thì dẫu trời có nắng đến đâu, ánh sáng cũng không tác dụng gì trên khối thủy tinh cả.”
Lòng thương cảm những linh hồn khô khan tội lỗi đã khiến thánh nhân phải cất lên lời than vãn và mời gọi họ:
“Ôi các linh hồn đã được Máu Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc, hãy học cho biết chính mình và hãy thương xót chính mình. Chắc hẳn, nếu hiểu được tình trạng của mình, làm sao các bạn lại không cố gắng để cạo đi thứ nhựa trám tội lỗi làm đen tấm thủy tinh linh hồn các bạn? Nên nhớ rằng, nếu chết trong tình trạng này, các bạn sẽ không bao giờ lại được vui hưởng ánh sáng Vầng Thái Dương Thiên Chúa…”(LĐNT – C II)
Thánh nữ Ca-ta-ri-na Sien-na cũng được Thiên Chúa dùng ngài để khẳng định: “Trái lại, những kẻ sống đời trụy lạc sa đọa, thì đặt rễ đó trên núi kiêu ngạo. Được trồng cách vô lối như thế, nó không sinh ra những trái của sự sống, nhưng chỉ sinh ra những trái của sự chết. Những trái đó, tức công việc của chúng, đều nhiễm độc bởi đủ thứ tội lỗi. Đôi khi chúng làm một vài việc tốt, nhưng vì rễ cây đã hư thối, linh hồn ở trong tình trạng tội trọng không thể làm một điều thiện đáng hưởng sự sống đời đời.” (ĐT – Đ 93).
II. Bậc sống thường tình
1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành
2. Phục vụ “tôi” nhiều hơn thực thi nhân đức
3. Sống ý riêng, nhiều tự ái. Vẫn phân biệt điều tốt xấu, đúng sai
4. Dễ dàng phạm tội nhẹ cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng
5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học biết Chúa.
*.*
Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, vai người anh cho chúng ta thấy rõ đức tin Kẻ Làm Thuê của bậc sống này.
Người anh ở cạnh cha, sống trong nhà cha với địa vị người con, mà tâm hồn lạc lối làm thuê, đi hoang xa vời vợi so với em mình. Trong lúc “người con hoang” hiểu cha, tin cha đến mức dám xin cha chia gia sản lúc ông còn sống. Người anh lại không dám xin chỉ một con dê con. Người em đi hoang còn nhận biết“người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa…”, còn người anh luôn ở trong tâm trạng thấy mình thiếu thốn, chịu vất vả của một người làm công, “Cha coi, bao nhiêu năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh…”(Lc 15, 11-32). Vì sao thế?
Trong Giáo Hội, ngôi nhà thiêng liêng của Thiên Chúa, là con nhưng nhiều người sống như một người làm công cho Ngài. Đáng buồn thay khi ở với Ngài nhưng chẳng hiểu Ngài bao nhiêu, chẳng tin Ngài được mấy. Những người đạt đến bậc sống thường tình là những người đã vào được những cư sở thứ nhất, “Theo tôi, đó là tình trạng một linh hồn không ở trong tội lỗi, nhưng như tôi đã nói, họ còn chìm ngập trong những sự ở đời này, vẫn bị của cải, danh dự và mọi thứ công việc chi phối đến nỗi, dầu thật sự, họ có muốn chiêm ngưỡng lâu đài và vui hưởng vẻ kiều diễm của chính mình mà vẫn không thể được, vì dường như họ không thể dứt khỏi ngần ấy chướng ngại.” (LĐNT – C.I).
1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành
Lên bậc sống này, linh hồn thật sự có đức tin. Nhưng là đức tin còn non yếu, dễ bị chao đảo, dễ dàng đánh mất. Nhất là luôn có ý hướng vụ lợi trong niềm tin. Tin Chúa để được lợi, lợi phần hồn, phần xác. Giống như niềm tin của một người làm công cho chủ, tôi làm cho ông và ông trả công cho tôi, đó là công bằng, sòng phẳng. Vì vậy, đức tin ở bậc này là đức tin của kẻ làm thuê.
Với ý hướng vụ lợi họ lập bàn thờ đẹp, xây nhà thờ khang trang, xây nhà dòng đồ sộ. Nếu không phải để được Thiên Chúa nhậm lời hơn, thì để nhất giáo phận, hơn xứ nọ dòng kia. Hoặc thêm hậu ý “mình có công lớn”, “mình tài giỏi” v.v…Đi lễ, đi đọc kinh người ta đi mình đi, có lúc chẳng nghĩ ngợi gì. Rồi khi gặp cám dỗ, gặp khó khăn, hay gặp dịp, đi để khoe y phục mới, được người ta khen siêng năng, đạo đức; đi để xin ơn trúng vé số, cho được mùa để xây nhà to. Sống đời tu, cố gắng nhiều không phải vì muốn tiến đức cho đẹp lòng Chúa, cho xứng bậc sống mình, nhưng cố gắng để được bề trên để ý khen tặng, cho mình có ơn gọi, cho mình đạo đức tốt lành hơn những người kia, hoặc để bề dưới không thấy mình khô khan bê trễ v.v…
Làm việc đạo đức, hoạt động tông đồ, dạy giáo lý thật nhiệt thành nhưng lại rao giảng “tôi” thay vì quy Ki-tô. Tin nhưng luôn có hậu ý cho được lợi. Để rồi lúc gặp gian nan thử thách, lộ rành rành sự sợ hãi, nản lòng, nhụt chí, bất mãn…
Đối với một số linh hồn có kiến thức đức tin nhiều hơn, sống đạo đức hơn nhưng còn vướng ở lại Bậc Sống Thường Tình vì thuộc hạng đức tin kẻ làm thuê, thì những ý không ngay lành được thánh hóa, thăng hoa lên rất nhiều. Song những tâm tình vụ lợi trong đức tin được ẩn dấu cách tinh vi dưới hình thức đạo đức. Có thể họ vô tình trong hành động nhưng hữu ý tại nguyên nhân (đức tin vụ lợi). Đời sống họ luôn có hậu ý vụ lợi cho thân xác hay linh hồn. Họ đã đi tìm mình, xin ơn để bản thân mình được đầy đủ, thoải mái và được tôn vinh. Lúc bấy giờ đức tin trở thành bảo chứng để phục vụ cho bản thân. Rơi vào trường hợp này, chúng ta thấy rõ là tâm tình tôn thờ, yêu mến Chúa thường khô nhạt nơi họ. Và sự khát khao từ bỏ chính mình cho đẹp lòng Thiên Chúa không có trong họ; vui chịu sỉ nhục, sống đức khó nghèo tâm linh vì danh Chúa, họ không hề màng tưởng đến. Vì vậy những hậu ý vụ lợi trong việc làm đạo đức thể hiện sự thấp kém, yếu đuối của đức tin.
Có linh hồn soạn một bài kinh để đọc ngay từ đầu ngày. Bản kinh đọc lên nghe thật đạo đức, vì nó xin thật nhiều ơn giúp cho linh hồn sống thánh thiện. Chỉ tiếc thay lời kinh bỏ ngỏ, thánh thiện để làm gì? Thỏa mãn mình, tôn vinh mình hay thỏa mãn và tôn vinh Thiên Chúa? Một điều tiếc nữa bài kinh không hề có một lời nào quy hướng về Chúa, tôn vinh hay thờ phượng, mến yêu Ngài.
Khi lắng sâu tâm hồn suy niệm lời kinh, ta thấy linh hồn tựa kẻ làm thuê đòi ông chủ trả công bằng giá thánh thiện cho mình, vì mình tin ông, phục vụ ông. Hay nói khác đi, linh hồn như đang tráo đổi vai trò, mình trở thành ông chủ có quyền đòi hỏi gia nhân phải đưa những gì tốt lành cho mình.
Con hãy trầm lắng suy tư tâm tình của mấy vị thánh:
“Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích đang sống bằng cùng một sự sống tình yêu đã từng thiêu đốt Ngài trong những ngày Ngài còn lưu lại trên cõi thế. Trong trạng thái Nhiệm Tích, Ngài tiếp tục tôn thờ Cha Ngài bằng sự hủy mình sâu xa của Ngài.
…
Mẹ ứng đáp trạng thái khiêm nhường của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích, nhờ nhân đức và những hành vi khiêm nhường; ứng đáp thân phận làm của lễ của Ngài, nhờ khả năng chịu đau khổ thực tế của Mẹ; ứng đáp trạng thái đền tạ của Ngài, bằng những hành vi tự nguyện hãm mình. Để tôn kính đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a đã tự mờ xóa mình đi… Mẹ nghèo như Chúa Giê-su trong nhiệm tích, thậm chí Mẹ còn nghèo hơn vì Mẹ còn có thể cảm nghiệm sự thiếu thốn thực tế của cái nghèo…
III. Sự sống của người tôn thờ cũng phải như thế, nếu họ muốn sống trong Thánh Thể. Nhưng để đạt được sự sống kết hợp này, họ phải giải thoát mình khỏi nô lệ tính ích kỷ chỉ biết tìm mình – ngay cả trong việc phụng sự Thiên Chúa; có nói chuyện với Chúa Giê-su nó cũng chỉ nói về mình, về những chuyện riêng tư của nó; nó không biết cách đàm thoại với Chúa bằng chính Chúa, về những lợi ích cho vinh quang Chúa, về những ước muốn của Thánh Tâm Ngài; nó không biết cách ở lại lặng lẽ trầm mặc dưới chân Ngài, thỏa mãn với Ngài, không ước muốn gì trừ ra chính Ngài. Người ấy cần phải tự giải phóng mình ra khỏi tình trạng đó, tình trạng không biết nhẫn nại lắng nghe Chúa Giê-su, và nó làm ta nên giống như kẻ làm thuê sốt ruột chờ lãnh tiền công…
Đó là người tận tâm vô vị lợi. Họ không tận hiến bản thân để được hoàn thiện hoặc được sung sướng, để thu góp cho mình một gia tài thiêng liêng, hoặc để chiếm được Thiên Đàng xinh đẹp. Không, họ hiến mình vì tình yêu tinh ròng…“Để bước lên ngai vàng tình yêu, Cha cần phải có những người tôn thờ. Nếu không, Cha không thể được trưng bày cách trọng thể. Các con sẽ ở lại với Cha, các con sẽ là những người tôn thờ Cha; các con sẽ gắn bó với Ngôi Vị Cha; các con sẽ hiện hữu cho Cha, như Cha sẽ sống cho các con. Các con sẽ đi đến chỗ từ bỏ tận tuyệt ý riêng các con, vì Cha muốn nó cho mình Cha. Hãy từ bỏ tư lợi, Cha sẽ nhận lấy chúng”(Thánh Phê-rô Giulianô Eymard – “Người Say Yêu Thánh Thể” – Bài 28-29)
Sau đây là tâm tình của Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh thời danh về tu đức và thần bí học:
“Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.”
“Cần biết rằng, xét về mặt tâm linh, cuộc ra đi ở đây được hiểu là hai cách bước theo Chúa: một là ra khỏi sự vật bằng cách ghê tởm và khinh chê chúng, hai là ra khỏi chính mình bằng cách quên mình đi…”
“Hãy nói với Chàng rằng tôi liệt nhược,
Tôi đau khổ và tôi chết.”
Cần lưu ý trong câu thơ này, linh hồn chẳng làm gì hơn là nêu lên với Người Yêu Dấu nỗi bức bách và khốn đốn của nó, vì khi đã yêu một cách tinh tế thì chẳng nhọc công xin xỏ những điều mình thiếu…Chúa biết rõ hơn chúng ta những gì thích hợp cho chúng ta, thứ hai, Người Yêu Dấu sẽ động lòng hơn khi thấy kẻ yêu Ngài đang có nhu cầu và đang biết nhẫn nại, thứ ba, khi nêu lên những gì mình thiếu, linh hồn ít bị rơi vào tính tự ái và sự ham lợi hơn là cứ xin xin xỏ xỏ những thứ có vẻ như cần cho nó…
“Để tìm kiếm tình tôi.”
Lắm người không muốn vì Chúa mà nhích khỏi cái chỗ họ đang thích thú và hài lòng, chỉ ngồi đó mà chờ hưởng nếm hương vị của Chúa ngoài miệng và trong lòng, chứ không chịu bước lấy một bước, không chịu hy sinh từ bỏ một chút gì trong những thích thú, những an ủi và những ước muốn vô bổ của họ.
“Tôi sẽ chẳng hái hoa.”
5. Để tìm kiếm Thiên Chúa, cần có một trái tim trơ trụi và mạnh mẽ, thoát khỏi sự ràng buộc của mọi điều xấu và cả những điều tốt nào không thuần túy là Thiên Chúa.”(KLC – CK-3)
Còn nhiều tâm tình tương tự của các vị thánh khác nữa. Bố không trích dẫn ra vì sẽ quá dài. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho con thấy sự không ngay lành trong việc đạo đức rất đa dạng. Nếu không có ơn thông hiểu đặc biệt sẽ rất khó nhận ra chúng.