Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Nuôi Con Cho Chúa
I Sa-mu-ên 1:11; 17-20, 24-28
“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông trái của tử cung là phần thưởng” (Thi Thiên 127:3).
Câu hỏi suy ngẫm: Bà An-ne khấn nguyện điều gì và được Chúa đáp lời như thế nào? Bà thực hiện lời hứa nguyện ra sao? Bạn học được gì từ gương bà An-ne? Bạn xem con cái là gì và bạn nuôi dạy con cái theo mục đích nào?
Câu chuyện bà An-ne son sẻ, tha thiết cầu nguyện với Chúa là một tấm gương về sự cầu nguyện cho các phụ nữ Cơ Đốc ngày nay. Bà đã dốc lòng kêu cầu cùng Chúa, xin cho bà có con và bà hứa nguyện sẽ dâng con trai đó cho Chúa trọn đời. Đức Chúa Trời đã nhậm lời và ban cho bà một con trai, bà đặt tên là Sa-mu-ên, nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm”. Chắc chắn cả ông Ên-ca-na và bà An-ne đều hết lòng thương yêu cậu Sa-mu-ên vì đó là “con cầu tự”! Tuy nhiên, dù thương yêu con đến đâu, ông bà vẫn không quên lời hứa nguyện của bà An-ne với Chúa. Vì thế, sau khi thôi bú cho con, tức khoảng ba tuổi theo phong tục Do Thái, bà đã sẵn lòng đem cậu bé Sa-mu-ên lên Đền thờ để dâng cho Chúa.
Chắc chắn trong ba năm bên cạnh con, bà An-ne đã dạy dỗ và chuẩn bị cho cậu bé Sa-mu-ên sẵn sàng phục vụ Đức Chúa Trời. Dù có thể cậu còn quá nhỏ, chưa có kinh nghiệm nhận biết Chúa rõ ràng cách cá nhân nhưng cậu cũng đã được cha mẹ dạy để có khởi đầu biết Chúa và sẵn lòng hầu việc Ngài. Bà An-ne là một phụ nữ có đời sống cầu nguyện, nên điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến con mình, sau này ông Sa-mu-ên cũng là người thường xuyên cầu thay cho dân Do Thái.
Ngày nay, nhiều cha mẹ không xem con cái là cơ nghiệp Chúa ban nhưng xem như “tài sản” riêng của mình. Hơn thế nữa, nhiều cha mẹ biến việc nuôi dạy con cái trở thành kế hoạch riêng của gia đình, chứ không còn nhờ cậy Chúa hay tìm cầu ý muốn của Ngài. Họ tự định hướng cho con và tìm mọi cách để bắt con phải hoàn thành điều lòng họ ao ước. Tất cả những sự cố gắng và hy sinh cho con chỉ vì họ nghĩ con cái là của riêng họ, thành quả của chính họ… Họ đã quên rằng con cái là do Chúa ban! Tấm gương của bà An-ne tận hiến điều quý nhất là con trai một của mình cho Chúa nhắc nhở chúng ta trong cách nhìn nhận về con cái. Chúng ta đang xem con cái là “công lao” của riêng mình, hay chúng ta nhận thức rõ như Lời Chúa dạy: “con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho. Bông trái của tử cung là phần thưởng” (Thi Thiên 127:3 BTTHĐ). Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, con cái là cơ nghiệp do Chúa ban, và khi Chúa ban thì Chúa có quyền sử dụng hay lấy lại. Chúng ta chỉ là người quản gia cho Chúa để quản lý và nuôi dạy con với ý thức là nuôi dạy cho Chúa, đến khi Chúa cần thì chúng ta sẵn sàng dâng cho Ngài.
Bạn xem con mình là “tài sản” riêng hay là món quà Chúa ban? Bạn nuôi dạy con cho mình hay cho Chúa?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn ý thức rằng con cái là do Chúa ban và cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy chúng trở thành người hữu dụng cho Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 1.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Nét Đẹp Bề Trong
Ru-tơ 3:6-18
“Người nói: Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau này, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Việc cô Ru-tơ nằm dưới chân ông Bô-ô có ý nghĩa gì? Ông Bô-ô đã phản ứng thế nào khi cô Ru-tơ xin ông hãy đắp mền trên cô? Câu trả lời của ông Bô-ô thể hiện ông là người như thế nào? Đâu là điều cụ thể bạn muốn thay đổi con người bề trong của mình cho đẹp lòng Chúa?
Theo văn hóa của người Việt, việc một góa phụ nửa đêm lại nằm dưới chân một người đàn ông xa lạ và xin người đó hãy đắp một góc mền trên mình là điều không thể chấp nhận được. Nhưng đây là một nét văn hóa đặc thù của vùng Cận Đông. Thế nên, chúng ta cần hiểu câu chuyện và ý nghĩa của nó theo văn hóa và bối cảnh của người Y-sơ-ra-ên ngày trước. Hành động cô Ru-tơ nửa đêm đến nằm dưới chân ông Bô-ô biểu trưng cho tấm lòng thuận phục và chờ đợi lòng nhân ái nơi ông Bô-ô. Còn về lời khẩn cầu “xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông” của cô Ru-tơ được dùng như một thành ngữ về hôn nhân, nhằm diễn tả sinh động về hành động bảo vệ, che chở và chăm sóc của một người nam dành cho một người nữ.
Đứng trước lời khẩn cầu của cô Ru-tơ, ông Bô-ô đã cư xử một cách rất nhân ái và đầy khôn ngoan. Điều ông Bô-ô quan tâm không phải là ông được gì từ mối quan hệ này, nhưng vượt trên những lợi ích riêng tư ấy, ông Bô-ô nhìn thấy nét đẹp hiền đức đáng quý của một người nữ như cô Ru-tơ, luôn sống cho người khác hơn cho chính mình. Chính bởi nét đẹp bề trong đó của cô Ru-tơ đã làm ông Bô-ô rung động và nhận lời sẽ chăm sóc cô, nếu như người bà con gần hơn ông từ chối thực hiện nghĩa vụ chuộc sản nghiệp. Có thể nói, xuyên suốt cả sách Ru-tơ, từng lời nói cũng như hành động của ông Bô-ô cho thấy ông là một người luôn sống kính Chúa và yêu người.
Trong cuộc sống ngày nay, người ta thường quan tâm trau chuốt vẻ bề ngoài hơn là cho con người bề trong của mình. Chúng ta dễ cảm thấy mặc cảm bởi vẻ bề ngoài có điểm nào đó không hoàn hảo, nhưng lại ít khi thấy hổ thẹn cho những khiếm khuyết ở con người bề trong của mình. Hình ảnh cô Ru-tơ, tấm gương về người nữ hiền đức, và ông Bô-ô, người nam tài đức, là hai hình ảnh đáng để chúng ta suy ngẫm và noi theo. Thay vì lúc nào cũng trau chuốt cho nét đẹp bề ngoài, là thứ dễ phai tàn theo thời gian, chúng ta hãy chuyên tâm trau chuốt con người bề trong của mình, dùng Lời Chúa gọt giũa những góc cạnh trong con người mình, cầu nguyện xin Chúa giúp mình thay đổi những thói hư tật xấu, hầu cho chúng ta trở thành những con người sống kính Chúa và yêu người.
Bạn đang trau chuốt con người bề trong hay chú trọng con người bề ngoài nhiều hơn?
Lạy Chúa, là Đấng đã tạo dựng con theo ảnh tượng của Ngài. Xin giúp con luôn biết trau dồi con người bề trong của con ngày càng giống như ảnh tượng ban đầu Ngài tạo dựng nên con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 2.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Sẵn Lòng Giúp Đỡ
Ru-tơ 4:1-8
“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40).
Câu hỏi suy ngẫm: Mục đích của việc chuộc lại sản nghiệp là gì? Tại sao người bà con gần hơn bên chồng cô Ru-tơ lại từ chối quyền chuộc lại sản nghiệp? Khi ấy ông Bô-ô đã làm gì? Bài học nhắc nhở gì về tinh thần sẵn lòng giúp đỡ nhau?
Phân đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta biết thêm về văn hóa chuộc lại sản nghiệp của người Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cần nhớ, mục đích của việc chuộc lại sản nghiệp là để bảo tồn, duy trì dòng dõi của các gia đình và bảo vệ sản nghiệp của họ trong Y-sơ-ra-ên. Thế nên trong trường hợp cụ thể này, người bà con gần nhất không những cần chuộc lại gia sản của gia đình chồng bà Na-ô-mi, mà còn có nghĩa vụ phải cưới cô Ru-tơ làm vợ, với mục đích nếu sau này giữa họ có đứa con trai nào, thì người con trai ấy là người duy nhất có quyền thừa kế và tiếp quản phần gia sản đã được chuộc lại trước đó.
Người bà con gần nhất của gia đình chồng bà Na-ô-mi rất sẵn lòng chuộc lại sản nghiệp ấy, nhưng khi biết được bà Na-ô-mi còn có một cô con dâu ngoại quốc người Mô-áp, và ông có trách nhiệm phải cưới cô con dâu ấy làm vợ, thì ông đã thẳng thừng từ chối và nhường quyền ấy lại cho ông Bô-ô. Bởi ông nhìn thấy việc chuộc lại sản nghiệp này mang lại thiệt hại cho mình nhiều hơn là ích lợi (câu 6). Từ hành động của người bà con này giúp chúng ta càng hiểu thêm tấm lòng của ông Bô-ô là quảng đại dường nào. Ông không suy tính hay lo lắng mình sẽ phải thiệt thòi thế nào khi thực hiện quyền chuộc lại sản nghiệp này, điều ông cưu mang là mong muốn đem lại sự an ổn và chỗ dựa vững chắc cho hai góa phụ đáng được yêu thương và giúp đỡ này.
Có một vấn đề rất thực tế, là đôi khi chúng ta cảm thấy dễ dàng cầu thay cho một anh chị em của mình khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lại không dễ để chúng ta chung tay giúp đỡ họ bằng khả năng tài chính của mình khi họ thật sự có nhu cầu bức bách. Nói như thế không có nghĩa tiền bạc quan trọng hay có giá trị hơn lời cầu nguyện, nhưng tiền bạc hay của cải vật chất là một trong những phương tiện cụ thể để bày tỏ sự sẻ chia, đồng cảm, và lòng thương xót của mình đối với những người cần được cứu giúp trong cuộc sống này. Đây cũng là chân lý mà Chúa Giê-xu nói đến trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 25:34-46, ấy là tình yêu thương cần được thể hiện cách thực tiễn qua hành động cụ thể. Thậm chí, Chúa đã nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta cho anh em mình ăn khi họ đói, cho anh em mình mặc khi họ trần truồng, thăm viếng họ khi họ bị tù v.v… tức là chúng ta đang làm những điều đó cho chính Ngài.
Bạn có sẵn lòng giúp đỡ anh em mình khi họ đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn không?
Lạy Chúa, xin cho con biết quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống, sẵn lòng giúp đỡ anh em con khi họ thật sự có nhu cầu.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 3.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Người Nữ Được Phước Lớn
Ru-tơ 4:9-12
“Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên! Hãy trở nên cường thạnh nơi Ép-ra-ta và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem!” (câu 11b).
Câu hỏi suy ngẫm: Phước hạnh lớn nhất cô Ru-tơ nhận được từ Chúa là gì? Mọi người đã chúc phước đặc biệt cho cô Ru-tơ như thế nào? Lời chúc phước ấy thể hiện điều gì? Phước hạnh lớn nhất bạn nhận được là gì?
Sách Ru-tơ mở đầu bằng ba cái chết đầy đau thương, nhưng khép lại bằng một cuộc hôn nhân đầy mỹ mãn với sự chúc phước của nhiều người. Không những thế, ở chương cuối của sách, độc giả còn biết đến địa vị của cô Ru-tơ như một thành viên chính thức của dân Y-sơ-ra-ên thay vì là một người nữ Mô-áp, nhờ mối liên hệ hôn nhân với ông Bô-ô. Do đức tin vững vàng đặt nơi Đức Chúa Trời, cô đã kinh nghiệm được ân sủng dư đầy của Ngài dành trên cuộc đời của mình, dầu cô chỉ là người nữ ngoại bang. Điều này minh chứng cho chúng ta thấy ân điển vô biên của Đức Chúa Trời không hề bị giới hạn bởi bất cứ luật lệ nào (Phục Truyền 23:3), và chúng ta thấy điều đó tường tận qua những thăng trầm trên đời sống của cô Ru-tơ.
Có một điều đáng chú ý là không chỉ có Đức Chúa Trời yêu mến và ban phước cho cô Ru-tơ không thôi, ngay cả dân Chúa cũng rất quý mến cô Ru-tơ, thông qua những lời chúc phước hết sức đặc biệt của họ dành cho cô. Họ cầu chúc Đức Chúa Trời sẽ làm những điều tốt đẹp trên cô Ru-tơ, như chính Ngài đã làm trên bà Ra-chên và bà Lê-a, là mẹ của mười hai chi phái trong dân Y-sơ-ra-ên. Có thể nói, phước hạnh lớn nhất trong cuộc đời của Ru-tơ không phải là được làm vợ một người chủ giàu có và quyền thế như ông Bô-ô, hay là nhận được sự chúc phước lớn từ dân Chúa. Nhưng phước hạnh lớn nhất trong cuộc đời của cô Ru-tơ ấy là được hội nhập vào dân của Đức Chúa Trời, được trở nên một công dân Y-sơ-ra-ên chính thức, như điều cô khát khao trước đó (Ru-tơ 1:16), và tên của cô được ghi vào gia phổ của Chúa Giê-xu Christ sau này. Điều Đức Chúa Trời làm trên cô Ru-tơ vượt quá mọi sự cầu xin và mong đợi của cô.
Khi nói đến phước hạnh chúng ta thường hay nghĩ đến những điều Chúa ban cho mình trong cuộc sống như tiền bạc, sức khoẻ, sự hanh thông. Nhưng chúng ta cần phải luôn nhắc nhở bản thân rằng, dẫu ngay cả khi chúng ta bước đi trong sự chật vật về tài chính, hay đang trải qua những cơn đau đớn về bệnh tật, thì chúng ta vẫn là những người được phước nhất trên thế gian này, bởi vì chúng ta là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, được Chúa Giê-xu chuộc bằng một giá rất cao qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự. Danh phận làm con cái của Chúa là phước hạnh lớn nhất và quý báu nhất mà mỗi chúng ta cần biết trân trọng, và phải sống xứng đáng với danh phận ấy.
Bạn đang sống thế nào với phước hạnh lớn Chúa ban cho?
Lạy Chúa, là Đấng ban ân sủng lớn lao cho kẻ tội nhân như con. Con là ai mà được danh phận làm con của Ngài! Xin giúp con sống xứng đáng với danh phận thiêng liêng Ngài ban cho con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 4.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Vọng Canh Và Tiếng Kèn Báo Nguy
Giê-rê-mi 16:5-9
“Ta đã lập vọng canh kề các ngươi; hãy chăm chỉ nghe tiếng kèn. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng nghe” (Giê-rê-mi 6:17).
Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Giê-rê-mi tiếp tục nhận được mệnh lệnh nào từ Đức Giê-hô-va? Thực hiện mệnh lệnh này đem đến ý nghĩa gì cho chính ông và dân Chúa? Bạn nhận được mệnh lệnh đặc biệt nào từ Chúa và bạn đáp ứng cáchnào?
Mặc dù chết chóc và tang tóc đang xảy ra cho dân Chúa, nhưng Tiên tri Giê-rê-mi nhận được mệnh lệnh Đức Giê-hô-va truyền rằng, “Chớ vào nhà có tang, chớ đi điếu, và chớ than khóc…” (câu 5), và “Cũng đừng vào trong phòng tiệc, đặng ngồi ăn uống với chúng nó” (câu 8). Đức Giê-hô-va cho biết thêm, bởi vì sự tang thương không chỉ xảy ra cho một vài người hay một vài gia đình, nhưng sự chết chóc đang tràn lan trong khắp cả xứ. Sự tang tóc quá lớn đến nỗi chẳng ai có thể chịu tang để bày tỏ sự tiếc thương cho ai; và trong xứ cũng chẳng còn niềm vui trong hôn lễ của những gia đình mới, vì Chúa sẽ làm cho “hết tiếng vui mừng hỉ hạ”.
Tiên tri Giê-rê-mi được lệnh phải bày tỏ đời sống dường như vô cảm trước niềm vui lẫn nỗi buồn giữa vòng dân Chúa, đây cũng không phải là một lệnh truyền dễ thực hiện. Nhưng Chúa muốn dùng cách thể hiện đặc biệt đó để rao ra cho dân Ngài về một sự trừng phạt kinh khiếp sẽ xảy đến trên họ trong một tương lai rất gần. Có thể nói, đời sống của những đầy tớ của Đức Chúa Trời là những vọng canh, là những tiếng kèn báo nguy để những người xung quanh có thể nghe thấy, tránh nguy và nắm bắt được cơ hội để sửa ngay lại những điều sai trong đời sống của họ. Và có những bài học đau thương cho những đời sống đã không thể hiện đúng vai trò của một vọng canh, một tiếng kèn báo nguy nhưng lại cùng vui chơi, cùng say sưa trong những cuộc vui tội lỗi. Họ đã không đem đến sự giải cứu cho những người xung quanh, người thân trong gia đình và cả chính mình. Đời sống của ông Lót đã minh họa rõ ràng nhất cho điều vừa nói.
Ngày nay, những dấu hiệu ngày Chúa trở lại đã rõ ràng. Nhưng dường như có quá nhiều người chưa sẵn sàng cho ngày Chúa Giê-xu tái lâm. Chúng ta đã thực sự mất cảnh giác với tội lỗi, cho nên nếp sống Cơ Đốc nhân hầu như không thấy có điểm gì khác biệt với nếp sống của người chưa tin Chúa; thậm chí nhiều người lại bày tỏ quan điểm sống hòa đồng, thỏa hiệp, nên đã dự vào những việc tối tăm của thế gian. Chúng ta đã quên mất trách nhiệm phải bày tỏ sự sáng để xua đi sự tối tăm (Ma-thi-ơ5:16). Cơ Đốc nhân đừng ngại vì chúng ta sống không giống người thế gian, nhưng hãy mạnh mẽ bày tỏ nhưng nét riêng đặc biệt của con cái sự sáng nhằm giúp đưa dắt những người đang sống trong tối tăm quay về với sự sáng.
Bạn nhận thấy đời sống của mình khác với người thế gian ở nhữngđiểm nào? Và bạn biết vì sao cần phải có sự khác biệt đókhông?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Tạ ơn Chúa đã chọn và giao cho con trách nhiệm bày tỏ sự sáng của Ngài, xin ban cho con đủ ơn và đủ năng lực để làm tròn trọng trách cao quý này.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 9.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Hãy Nhớ Lại
I Sử Ký 17:3-8a
“Phàm nơi nào ngươi đã đi, ta vẫn ở cùng ngươi, trừ diệt các thù nghịch khỏi trước mặt ngươi” (câu 8a).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời từ chối điều gì với Vua Đa-vít? Vì sao? Ngài có còn yêu thương ông khi từ chối ước muốn của ông không? Ngài đã làm gì cho ông và dân Y-sơ-ra-ên? Khi Chúa từ chối không ban cho bạn một điều nào đó, bạn thường nghĩ thế nào về Ngài?
Khi từ chối, không cho Vua Đa-vít cất Đền thờ cho Ngài, Đức Chúa Trời đã cho biết một Đền thờ bằng gỗ bá hương, tức là một Đền thờ nguy nga, kiên cố trên đất này không phải là điều Ngài đòi hỏi. Điều quan trọng Đức Chúa Trời muốn Vua Đa-vít nhớ lại đó là Ngài đã “đồng đi” cùng dân Y-sơ-ra-ên bất cứ nơi nào họ đi kể từ khi Ngài đưa họ ra khỏi xứ Ai Cập cho đến bây giờ. Dù Vua Đa-vít chưa từng xây cho Ngài một Đền thờ nguy nga nào, Ngài vẫn luôn bày tỏ tình yêu thương đối với ông, làm cho ông từ một kẻ chăn chiên tầm thường trở thành một vị vua trên cả Y-sơ-ra-ên. Ngài đã ở cùng ông bất cứ nơi nào ông đi, giúp ông tiêu diệt các kẻ thù.
Dù bị Đức Chúa Trời từ chối nhưng chắc hẳn qua những lời Ngài phán, Vua Đa-vít đã không thấy mình là người bị Đức Chúa Trời ghét bỏ, xem thường. Những điều mà ông muốn làm cho Chúa xuất phát từ tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc muốn dâng lên cho Ngài điều tốt đẹp nhất. Chỉ trong vài lời phán ngắn ngủi của Chúa nhưng Vua Đa-vít đã được Ngài gọi ông một cách trìu mến là “Đa-vít tôi tớ Ta” đến hai lần (câu 4 và 7); và dân Y-sơ-ra-ên đã được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên Ta” (câu 7). Lời giải thích của Chúa dành cho Vua Đa-vít bày tỏ tình yêu thương, trìu mến, đồng thời cho thấy mối liên hệ giữa ông và Ngài là mối liên hệ tốt đẹp và mật thiết vô cùng. Chúa muốn ông nhớ lại những việc Chúa đã làm cho ông để biết Ngài yêu thương ông là dường nào.
Khi Đức Chúa Trời từ chối một điều gì đó, chúng ta hãy xét xem mối liên hệ giữa mình và Chúa có phải là mối liên hệ tốt đẹp, gần gũi, hay mối liên hệ giữa mình và Chúa đã không còn là mối liên hệ mật thiết vì mình không còn yêu Chúa hoặc có một tội lỗi nào đó đã ngăn trở giữa mình với Chúa. Nếu như mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa vẫn tốt đẹp thì đừng nản lòng nhưng hãy nhớ lại những ơn phước và sự dẫn dắt của Chúa dành cho mình từ những ngày đầu tiên đi theo sự dẫn dắt của Ngài cho đến bây giờ thì chúng ta sẽ thấm thía hơn, hiểu rõ hơn tấm lòng và tình yêu thương của Ngài dành cho mình. Hãy luôn tin cậy Chúa. Đức Chúa Trời luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta vì Đấng Toàn tri biết điều thích hợp nhất để ban cho mỗi người chúng ta là gì.
Đức Chúa Trời trả lời không hoặc chờ đợi với bạn trong những điều gì? Bạn đã phản ứng như thế nào khi gặp những câu trả lời không như mong đợi? Bạn có nghi ngờ tình yêu thương của Ngài dành cho bạn không?
Lạy Chúa, xin cho con cứ tin cậy Ngài luôn dù có lúc Ngài từ chối con điều gì, vì biết rằng Ngài là Đấng hằng yêu thương, gìn giữ con từ xưa cho đến bây giờ, Ngài luôn ban điều tốt nhất cho con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Cô-rinh-tô 16.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Tận Hưởng Cuộc Đời
Truyền Đạo 11:7-8
“Ánh sáng thật là êm dịu; con mắt thấy mặt trời lấy làm vui thích” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Truyền Đạo đã đưa ra những lời khuyên nào trong câu 7? Vì sao ông khuyên như vậy (câu 8)? Làm thế nào để thực hành những lời khuyên này?
Khởi đầu sách Truyền Đạo, trước giả đã cho thấy cái nhìn về cuộc đời ở dưới mặt trời là “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (1:2). Và trong những dòng cuối của sách này, trước giả vẫn giữ nguyên quan điểm đó khi ông nói rằng “chớ quên những ngày tối tăm, vì những ngày ấy nhiều”, do đó “phàm việc gì xảy đến đều là sự hư không” (câu 8). Nhưng việc trước giả đề cập đến mặt tiêu cực và đau buồn của cuộc sống không nhằm khiến cho độc giả sống cuộc đời chán nản và thất vọng. Ngược lại, ông muốn hướng độc giả đến hai cách sống tích cực trong cuộc đời này.
Thứ nhất, hãy tận hưởng những năm tháng tươi đẹp trong cuộc đời mình. Đừng chỉ nhìn vào những mặt tối tăm của cuộc sống, vì cuộc sống còn có nhiều điều tốt đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp thiên nhiên do Đức Chúa Trời tạo dựng. Vì cớ “ánh sáng thật là êm dịu; con mắt thấy mặt trời lấy làm vui thích” (câu 7), do đó hãy nhìn ngắm và tận hưởng sự sáng tạo kỳ diệu mà Chúa ban cho chúng ta. Cuộc sống dường như ngày càng hối hả với nhiều lo toan bận rộn hơn, nhưng đừng quên Đức Chúa Trời không tạo dựng con người như những cỗ máy chỉ biết làm việc, mà Ngài còn tạo dựng nên những điều tốt đẹp để con người vui hưởng. Bên cạnh những phước hạnh thuộc linh thì Vua Đa-vít cũng cảm tạ Chúa vì những phước hạnh thuộc thể khi “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng” (Thi Thiên 103:5). Thanh thiếu niên phải siêng năng trong việc “quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng Thế Ký 1:26), nhưng Chúa cũng ban cho tuổi trẻ những phước hạnh để ngắm nhìn khung cảnh yên ả và tuyệt đẹp của một buổi bình minh và một ly trà nóng pha mật ong, hay cùng vui vẻ trong bữa ăn đầy tiếng cười vui với những người bạn tuyệt vời của mình.
Thứ hai, trước giả cũng cho lời khuyên “khá vui vẻ trong trọn các năm ấy” (câu 8). “Trọn các năm ấy” nghĩa là không chỉ vui vẻ trong những năm dường như “êm dịu”, nhưng cũng phải kinh nghiệm sự vui thỏa ngay trong “những ngày tối tăm”. Chúng ta có thể vui thỏa với cuộc sống dù là hanh thông hay khi khốn khó. “Những ngày tối tăm” không thể ngăn trở một người tin cậy Chúa sống vui thỏa.
Thanh thiếu niên hãy luôn biết ơn Đức Chúa Trời về mọi điều Ngài làm nên và ban cho, cũng hãy đặt lòng trông cậy nơi sự tốt lành và thành tín của Đức Chúa Trời trên cuộc đời chúng ta.
Bạn đang tận hưởng cuộc đời Chúa ban như thế nào?
Con tạ ơn Chúa về vẻ tươi đẹp của thiên nhiên, về những người thân yêu, những bạn bè Ngài ban cho con. Tạ ơn Chúa vì Ngài ban cho con cuộc đời này để con có thể kinh nghiệm sự vui thỏa với Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 2-3.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Quyết Tâm Giữ Mình
Đa-ni-ên 1:3-20
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).
Câu hỏi suy ngẫm: Thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn của mình đang ở trong hoàn cảnh như thế nào? Cậu quyết tâm giữ mình khỏi ô uế ra sao? Đức Chúa Trời đã ban phước cho họ như thế nào? Bạn sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh như chàng Đa-ni-ên?
Đất nước Do Thái lại bị “phó” vào tay kẻ thù, trong những người bị bắt làm phu tù, có một số thanh niên ưu tú được chọn riêng ra, huấn luyện để trở thành người phục dịch trong triều vua. Họ được nuôi dạy trong ba năm theo quy chế, đường hướng của vua. Trong số các thanh niên ấy, có chàng thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn (câu 3-6). Họ bị đổi tên và đưa vào khuôn khổ đào tạo theo tiêu chuẩn của hoàng gia: học văn chương, ngôn ngữ của người Ba-by-lôn, ăn thức ăn ngon và uống rượu vua dùng (câu 4-5). Tuy nhiên, chàng thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn là những người tin kính Chúa, họ biết rõ những thức ăn của vua đã được cúng cho thần tượng, nên quyết tâm không đụng đến những thức ăn, thức uống đó (câu 8). Chàng Đa-ni-ên không ngại bị đổi tên, bị huấn luyện, bị phục dịch, nhưng chàng biết rằng những thức ăn đã cúng cho tà thần sẽ làm họ bị ô uế nên quyết tâm từ chối. Với lòng kiên quyết giữ mình trong sạch trước mặt Chúa, chàng Đa-ni-ên đã can đảm trình bày với viên quan chịu trách nhiệm, xin cho phép họ không dùng thức ăn của vua. Chúa “khiến” cho viên quan ấy yêu thương họ và đã đồng ý thử họ trong mười ngày với chế độ ăn rau và uống nước mà thôi (câu 9-14).
Đức Chúa Trời đã nhìn thấy tấm lòng kiên quyết giữ mình khỏi bị ô uế bởi thức ăn vua ban của chàng Đa-ni-ên và ba người bạn nên đã ban phước đặc biệt cho họ. Sau mười ngày thử nghiệm, sắc diện của bốn chàng thanh niên Do Thái này trở nên hồng hào, đầy đặn hơn hẳn các thanh niên dùng thức ăn của vua (câu 15). Sau thời gian “đào tạo”, bốn chàng thanh niên này khôn ngoan, sáng suốt và giỏi gấp mười lần những thuật sĩ và pháp sư trong toàn vương quốc Ba-by-lôn lúc bấy giờ (câu 18-20). Đó là sự ban phước đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho những thanh niên biết giữ mình vì sự vinh hiển của Ngài.
Chàng Đa-ni-ên và ba người bạn là những thanh niên đang ở trong nghịch cảnh, bị bắt xa quê hương, đi phục dịch cho vua thờ tà thần, trái với đức tin của mình, vậy mà họ đã quyết tâm giữ mình không bị ô uế trước những điều nghịch với niềm tin của họ. Đây là tấm gương nhắc nhở các thanh thiếu niên Cơ Đốc ngày nay. Cần phải quyết tâm giữ mình trong sạch trước mặt Chúa dù bao cám dỗ phủ vây xung quanh. Hãy noi gương chàng thanh niên Đa-ni-ên để làm theo Lời Chúa dạy: “hoặc ăn, hoặc uống hay làm sự chi khác hãy vì sự vinh hiển của Chúa mà làm.”
Bạn có đủ can đảm quyết tâm sống vì sự vinh hiển của Chúa không?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở chính con về đức tin của mình để con không “làm theo đời này”, nhưng quyết tâm giữ mình trong sạch trước mặt Chúa để Danh Chúa được vinh hiển qua đời sống con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 10.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Vâng Theo Sự Khôn Ngoan
Châm Ngôn 1:20-33
“Nhưng ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an nhiên vô sự, được bình tịnh, không sợ tai họa nào” (câu 33).
Câu hỏi suy ngẫm: Sự khôn ngoan rao truyền cho những người nào và với nội dung chính là gì? Kết quả của sự vâng theo và không vâng theo lời của sự khôn ngoan khác nhau như thế nào? Sứ điệp của sự khôn ngoan dành cho con người ngày nay là gì?
Trong phân đoạn này, sự khôn ngoan được nhân cách hóa. Chúng ta có nhiều điều suy nghĩ về lời kêu gọi của sự khôn ngoan: Thứ nhất, sự khôn ngoan được rao ra rộng rãi khắp mọi nơi. Sự khôn ngoan phổ biến ở nơi công cộng như ngoài đường, phố chợ, cửa thành và trong thành. Như vậy, sự khôn ngoan có thể dễ dàng thấy được và nghe được. Thứ hai, sự khôn ngoan tập trung vào ba thành phần: người khờ dại, kẻ nhạo báng, và người ngu dại. Người khờ dại tin mọi điều (Châm Ngôn 14:15) nên không phân biệt được điều xấu, điều tốt. Người nhạo báng hay kiêu ngạo, nghĩ rằng họ biết hết mọi điều, nên không tiếp nhận sự khôn ngoan (Châm Ngôn 21:24). Người ngu dại là người không thể hiểu biết điều đúng đắn vì tâm trí họ tối tăm và ương bướng. Tất cả những người này không phải vì chỉ số thông minh (IQ) hay học thức của họ thấp, nhưng vấn đề là họ không có lòng tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa, “không chọn lấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va” (câu 29). Những người này yêu thích việc xấu họ làm mà không quan tâm đến những giá trị đời đời. Thứ ba, sự khôn ngoan tha thiết kêu gọi những tội nhân hãy tỉnh ngộ: “vì ta trách các ngươi, các ngươi khá trở lại” để nhận được thần trí khôn ngoan mà hiểu rõ đường ngay, lẽ phải (câu 23). Điểm then chốt của sự thay đổi là “chọn lấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va” (câu 29). Sự khôn ngoan hướng dẫn con người biết lựa chọn. Bông trái của người không làm theo sự khôn ngoan sẽ là sự sợ hãi, tai nạn, sự ngặt nghèo, khốn cực (câu 27). Nhưng người khôn ngoan biết kính sợ Chúa và đi theo đường lối Ngài sẽ được sống an nhiên vô sự, được bình tịnh, và không sợ tai họa (câu 33).
Ngày nay, sứ điệp của sự khôn ngoan là tình yêu thương và sự cứu rỗi của Chúa đang được rao truyền trên nhiều phương tiện truyền thông, lặp đi lặp lại, tha thiết kêu gọi con người ăn năn trở về với Chúa. Đức Thánh Linh được ban cho con dân Chúa để hiểu được sứ điệp Chúa dạy trong Kinh Thánh. Trọng tâm của sứ điệp vẫn là kêu gọi con người ăn năn tội, trở về thờ phượng Đức Chúa Trời. Con đường của Chúa dẫn con người đến sự sống đời đời, và nhận được sự bình an vĩnh cửu. Ước mong mỗi chúng ta xét lại mình, “tìm kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần!” (Ê-sai 55:6). Đừng để cơ hội qua đi, rồi đánh mất sự cứu rỗi đời đời.
Bạn đã cầu nguyện xin Chúa ban cho mình khôn ngoan biết tìm cầu Chúa và kính sợ Chúa chưa?
Kính lạy Chúa, xin cho con luôn kính sợ Chúa và đi trong đường lối thánh khiết của Ngài. Xin Chúa cho con có lòng nhu mì, biết bỏ đời sống tội lỗi, đi theo sự dạy dỗ của Ngài, và hết lòng tìm cầu Chúa khi còn cơ hội.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 16.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Ý Nghĩa Của Sách Ru-tơ
Ru-tơ 1:1-4; 4:18-22
“Đừng sợ chi, vì này, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu-ca 2:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu chuyện trong sách Ru-tơ viết về thời kỳ lịch sử nào của dân Y-sơ-ra-ên? Sách Ru-tơ có giá trị gì với dân Y-sơ-ra-ên và cho chúng ta ngày nay? Chúng ta nên sống thế nào giữa thế giới tăm tối ngày nay?
Như chương đầu của sách Ru-tơ ký thuật, câu chuyện trong sách này được viết vào thời kỳ các quan xét, là thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên chưa có vua (Ru-tơ 1:1). Đây là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử của dân Chúa. Sách được mở đầu bằng một nạn đói kém lớn, như một sự trừng phạt cho nếp sống chống nghịch Chúa. Nhưng dẫu dân Chúa muôn vàn lần rơi vào tình cảnh bội nghịch không theo ý Ngài, thì cũng không vì thế mà Đấng thành tín lại tuyệt diệt họ. Trái lại, sau những thất bại nặng nề của đời sống, dân Chúa luôn kinh nghiệm được tình yêu lớn lao và lòng thương xót vô biên của Đức Chúa Trời dành cho họ.
Phần cuối của câu chuyện trong sách Ru-tơ được kết thúc bằng hình ảnh sự chào đời của một bé trai tên là Ô-bết, biểu trưng cho một hy vọng mới trong thời kỳ tăm tối lúc bấy giờ của dân Y-sơ-ra-ên. Không những thế, câu chuyện còn được kết thúc với một bảng gia phả trích lược, trong đó xuất hiện tên của Vua Đa-vít, vị vua vĩ đại của dân Y-sơ-ra-ên. Và mãi đến tận thời kỳ Tân Ước, sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế cũng từ dòng dõi Vua Đa-vít mà ra (Ma-thi-ơ 1:1-16). Điều này cho thấy, niềm hy vọng Chúa mang đến cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ tối tăm lúc bấy giờ không phải là sự an ủi nhất thời, mà là một phước hạnh có giá trị bền lâu. Niềm hy vọng Chúa mang đến cho dân Y-sơ-ra-ên nói riêng, và cho nhân loại nói chung là hy vọng mà không một người nào hoặc một thế lực nào có thể ngăn trở hay dập tắt được. Thế nên, sách Ru-tơ không chỉ có giá trị về phương diện lịch sử, nhưng sách cũng mang đến cho độc giả những bài học thuộc linh, và trên hết là hy vọng bất biến đến từ sự ban cho của Đức Chúa Trời.
Thế giới chúng ta đang sống cũng tràn ngập muôn điều xấu xa như thời kỳ các quan xét. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi chú tâm vào những điều xấu tràn lan, chúng ta sẽ ngày càng trở nên bi quan, yếm thế và hoài nghi sự tể trị của Chúa. Thay vào đó, chúng ta hãy chăm chỉ “đi mót những hạt lúa” trong những cánh đồng Chúa đặt để mình, và chỉ làm những điều Chúa muốn mình làm trong thời đại mà ai cũng thích làm theo ý riêng của họ. Và dẫu cho thế giới chung quanh ta có trở nên tồi tệ và tăm tối như thế nào đi chăng nữa, hãy nuôi dưỡng niềm hy vọng vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, ấy chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là nguồn hy vọng bất tận cho những ai trông cậy nơi Ngài.
Bạn đặt niềm hy vọng vào đâu giữa thế giới tăm tối này?
Lạy Chúa, xin hãy giúp con sống theo ý muốn Ngài giữa thế giới đầy dẫy những cạm bẫy này. Xin cho con biết cậy trông vào Chúa Giê-xu, là nguồn hy vọng bất diệt của nhân loại.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 14-15.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Đấng Ban Cho Dư Dật
Giăng 21:7-14
“Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).
Câu hỏi suy ngẫm: Phản ứng của các môn đệ thế nào trước phép lạ mẻ lưới đầy cá? Qua phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta học được gì về Chúa Giê-xu? Làm thế nào chúng ta nhận được các thứ phước thiêng liêng từ Chúa?
Chúa Giê-xu hiện ra, hỏi han môn đệ, chỉ dạy họ thả lưới mé bên phải, và họ đã trải nghiệm một phép lạ mẻ lưới đầy cá. Môn đệ Chúa yêu là Sứ đồ Giăng chợt nhớ lại phép lạ tương tự tại hồ Ghê-nê-xa-rết, đó là phép lạ đã đưa ông đến quyết định “bỏ hết thảy mà theo Ngài” (Lu-ca 5:1-11), cho nên ông nhận ra ngay đó là Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ nhanh nhẹn lấy áo dài quấn mình lại và nhảy xuống nước lội vào bờ trước, trong khi các môn đệ khác thì chèo thuyền vào với tâm trạng mừng lo lẫn lộn.
Qua phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta học được nhiều điều về Chúa Giê-xu. Thứ nhất, Chúa là Đấng sắm sẵn, Ngài đến với môn đệ và sắm sẵn lửa than, cá và bánh cho mọi người no lòng sau một đêm chật vật đánh cá mà không có chi cả. Thứ hai, Chúa là Đấng dạy dỗ. Chúa đã dạy môn đệ thả lưới bên phải mạn thuyền, và bây giờ Chúa dạy họ đem cá vào và đếm, hoặc đem cá vào cùng nướng với cá mà Chúa sắm sẵn, chúng ta không biết, nhưng điều chúng ta thấy rõ là Chúa đã dạy môn đệ việc phải làm từng chút một. Thứ ba, Chúa là Đấng ban cho. Trong khi các môn đệ đang sững sờ đến nỗi không ai hỏi Chúa một câu nào cả, thì Ngài phán với họ rằng, “Hãy lại mà ăn.” Đấng ban cho luôn mời gọi môn đệ nhận lãnh phước hạnh của Ngài. Họ chỉ làm theo lời Chúa và yên lặng tận hưởng những phước hạnh từ Chúa phục sinh ban cho. Thứ tư, Chúa là Đấng chăm sóc. Khi thấy môn đệ vẫn còn ngẩn ngơ chưa biết phải làm gì trước những việc lạ lùng vượt quá trí hiểu, thì Chúa đã chủ động “lại gần, lấy bánh cho môn đồ, và cho luôn cá nữa.”
Chúa Giê-xu sắm sẵn, dạy dỗ, ban cho, chăm sóc môn đệ từ khi Ngài kêu gọi họ bỏ hết mọi sự mà theo Ngài, và cho đến tận bây giờ, khi Chúa đã hoàn thành sứ mạng và chuẩn bị trở về nơi vinh hiển của Ngài, tình yêu của Ngài dành cho môn đệ vẫn không hề thay đổi như Lời Chúa đã khẳng định trong thư Hê-bơ-rơ 13:8: “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” Ngày nay, Chúa cũng sắm sẵn, dạy dỗ, ban cho và chăm sóc mỗi chúng ta qua Lời Ngài và Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta. Khi chúng ta gắn bó với Lời Chúa, tương giao với Chúa và đầu phục Đức Thánh Linh, thì chúng ta sẽ hưởng được đủ mọi thứ phước thiêng liêng từ các nơi trên trời.
Bạn có kinh nghiệm phước hạnh của Chúa dư dật trên đời sống bạn không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì khi con bước đi theo Chúa thì phước hạnh thiêng liêng luôn tuôn tràn dư dật trên đời sống con. Xin cho con nhận biết tình yêu Chúa trên con để con hết lòng phục vụ Chúa trọn đời.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 19.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Tìm Cầu Sự Khôn Ngoan
Châm Ngôn 2:1-5
“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy chúng ta cần có thái độ ra sao khi tìm cầu sự khôn ngoan? Sự khôn ngoan Chúa ban khác với kiến thức của người đời như thế nào? Làm thế nào bạn có thể nhận được sự khôn ngoan từ Chúa?
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Vua Sa-lô-môn đưa ra ba mệnh đề có điều kiện để giúp chúng ta suy nghĩ cũng như có thái độ đúng đắn trong việc tiếp nhận sự khôn ngoan. Thứ nhất, chúng ta phải lắng nghe cẩn thận những lời dạy dỗ của sự khôn ngoan (câu 1-2). Cần phải mở lòng để “tiếp nhận”, “lắng tai nghe” và “hướng lòng” về sự khôn ngoan. Điều này nói lên người nghe phải hết sức tập trung, không để lời dạy dỗ “vào tai này, qua tai khác, rồi bay mất”. Nhưng lời dạy này phải được tiếp nhận và ghi nhớ trong lòng, trong trí. Thứ hai, chúng ta phải khao khát sự khôn ngoan theo cách tương tự như khi “kêu cầu”, “cầu xin” Đức Chúa Trời giải thoát hay cứu vớt mình (câu 3). Chính Vua Sa-lô-môn cũng cầu xin Đức Chúa Trời ban cho ông sự khôn ngoan và Chúa đã ban cho ông. Thứ ba, chúng ta phải tìm kiếm sự khôn ngoan như chúng ta tìm kiếm tiền bạc hay bửu vật bị ẩn giấu (câu 4). Cần phải biết đánh giá cao giá trị của sự khôn ngoan để hết lòng và nghiêm túc tìm kiếm.
Khi chúng ta làm trọn ba điều trên, chúng ta sẽ hiểu được sự kính sợ Đức Giê-hô-va và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời (câu 5) vì sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu và là nền tảng chính yếu để có được sự khôn ngoan (Châm Ngôn 1:7). Và khi chúng ta hết lòng tìm cầu sự khôn ngoan từ Chúa qua sự lắng nghe tiếng Chúa, cầu xin Chúa tha thiết, nỗ lực hết sức trong công việc, Chúa sẽ ban cho chúng ta có sự khôn ngoan của Ngài. Trước giả Gia-cơ dạy con dân Chúa: “Nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không lời phiền trách” (Gia-cơ 1:5 BTTHĐ).
Sự khôn ngoan trong Chúa không giống với kiến thức của người đời. Rất nhiều người có kiến thức cao nhưng đã sử dụng sự hiểu biết của mình để làm điều sai trật, tội lỗi, nhằm trục lợi cho mình và gây thiệt hại cho nhiều người, ví dụ như dùng kiến thức điện toán để lấy cắp thông tin của người khác và bán nhằm trục lợi chẳng hạn. Sự khôn ngoan của người kính sợ Chúa là khôn ngoan mà chúng ta phải cầu xin Chúa, hết lòng tìm kiếm với sự khao khát để giúp chúng ta biết sống đẹp ý Chúa, làm vinh hiển Danh Ngài và đem lại lợi ích cho nhiều người.
Bạn đã cầu nguyện xin Chúa ban cho mình khôn ngoan, hết lòng tìm cầu Chúa và kính sợ Chúa chưa?
Kính lạy Chúa, xin cho con luôn sống kính sợ Chúa, có lòng mềm mại, lắng nghe tiếng Chúa, tìm cầu ý Chúa mỗi ngày để con có sự khôn ngoan Chúa ban hầu cho mọi quyết định của con trong cuộc sống luôn đem lại ích lợi cho Chúa và cho nhiều người.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 23.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Gắng Sức Đẹp Lòng Mọi Người
I Cô-rinh-tô 10:32-33
“hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi
riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu” (câu 33).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô phải gắng sức làm đẹp lòng mọi người
trong mọi việc? Ông hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của người khác với
mong muốn gì? Gương của Sứ đồ Phao-lô giúp bạn thay đổi quan niệm sống thế
nào?
Sau khi đưa ra nguyên tắc tổng quát giúp Cơ Đốc nhân quyết định nên hay
không nên làm một việc gì thì phải tự hỏi việc tôi làm có tôn vinh Danh
Chúa hay không, Sứ đồ Phao-lô nói thêm trong câu 32, “Đừng làm gương xấu…”
hay đừng làm cớ cho người khác vấp phạm, và trong câu 33 với tinh thần tích
cực hơn, “gắng sức đẹp lòng mọi người.” Và ông xác định rõ ràng mục đích
ông không làm điều gì gây vấp phạm cho người khác và cố gắng làm đẹp lòng
mọi người, không phải để ông tìm lợi ích riêng hay để mọi người yêu thích
ông, nhưng vì ông quan tâm mưu cầu lợi ích chung cho nhiều người để họ có
thể nhận được sự cứu rỗi.
Khi nói “Gắng sức làm đẹp lòng mọi người trong mọi việc” không phải Sứ đồ
Phao-lô sẵn sàng làm tất cả mọi điều kể cả những điều vượt ra khỏi những
nguyên tắc dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhưng ông chỉ muốn nhấn mạnh rằng ông sẽ
không sử dụng quyền tự do của mình để làm những việc khiến cho người khác
bị vấp phạm, ông cố gắng làm bất cứ điều gì mang ích lợi cho những người
chung quanh, và lợi ích lớn nhất mà ông mong muốn mang đến cho họ là sự cứu
rỗi trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
Nếu thái độ vô cảm và tự do làm bất kỳ việc gì mình muốn, bất chấp có ai đó
vấp phạm vì cớ việc mình làm là điều đáng bị lên án, thì thái độ lo sợ thái
quá, chẳng dám làm gì cả vì sợ khiến cho người khác không thích mình cũng
là thái độ mà Cơ Đốc nhân không nên có. Đặc biệt là thái độ “ba phải”,
nghĩa là đúng hoặc sai gì cũng đồng ý, miễn là được lòng mọi người để tìm
lợi cho mình chứ không phải để được Đức Chúa Trời vui lòng, cũng là điều
chúng ta nên tránh. Chỉ khi xác định rõ ràng mục đích của những điều chúng
ta sẽ thực hiện như Sứ đồ Phao-lô dạy, là vì Danh vinh hiển của Đức Chúa
Trời và vì những người chưa được cứu thì sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những
thái cực trên, và trở nên người sống tích cực vì Phúc Âm. Ngày nay, quan
niệm sống “vì mình,” đặt lợi ích của mình lên trên hết đang được phổ biến
trong xã hội, và ít nhiều cũng lây lan vào cả bên trong Hội Thánh. Vì thế,
thiết nghĩ tấm gương của Sứ đồ Phao-lô sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa
Trời và vì lợi ích của người khác để nhiều người được cứu là điều chúng ta
nên noi theo.
Mục đích của việc bạn đang gắng sức làm đẹp lòng mọi người là gì?
Kính lạy Chúa Giê-xu kính yêu, là Đấng đã nêu cao gương sống vì mọi người,
xin giúp con nhận được năng lực từ Chúa để sống theo gương của Ngài, sẵn
lòng tìm điều đẹp lòng mọi người hầu cho nhiều người được ích lợi và nhận
được sự cứu rỗi từ Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 25.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Người Được Ban Cho Danh Lớn
I Sử Ký 17:8-10a
“Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa hứa ban cho Vua Đa-vít và dân Y-sơ-ra-ên điều gì? Bạn hiểu thế nào là được danh lớn? Người được Chúa ban cho danh lớn có trách nhiệm phải làm gì cho Chúa và cho người khác? Bạn nhận được “danh lớn” nào và thấy mình có trách nhiệm gì?
Sau khi Đức Chúa Trời nhắc cho Vua Đa-vít nhớ những điều Ngài đã làm cho ông trong quá khứ, Chúa tiếp tục nói đến những điều Ngài sẽ làm cho ông trong tương lai. Ngài sẽ làm cho ông được “danh lớn”, có nghĩa là danh của ông sẽ không thua kém gì danh của vua chúa các cường quốc thời bấy giờ, và triều đại của ông sẽ trở thành một triều đại tốt đẹp và rực rỡ nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Ngài cũng hứa sẽ ban sự an cư lạc nghiệp cho dân Y-sơ-ra-ên (câu 9a), họ sẽ được an ổn định cư trong vùng đất hứa Chúa sắm sẵn. Như vậy, cũng có nghĩa là Ngài sẽ sử dụng ông để làm thành lời hứa của Ngài cho họ. Ngài sẽ ban cho ông chiến thắng những kẻ thù của mình và nhờ đó dân Y-sơ-ra-ên sẽ không còn bị những dân gian ác xung quanh áp bức, quấy rối như thuở ban đầu nữa (câu 9b-10a).
Qua đó, chúng ta thấy Chúa hứa sẽ ban cho Vua Đa-vít nhiều ơn phước quý báu, trong đó có chiến thắng các kẻ thù và được danh lớn. Thời xưa, khi nói đến một người có danh lớn có nghĩa là nói đến một người có quyền lực, được nhiều người biết đến và được tôn trọng. Quyền lực có được của người được Chúa ban cho danh lớn là quyền lực để làm công việc của Chúa cho dân Ngài hoặc cho thế giới này chứ không phải chỉ vì sự vinh hiển riêng của mình. Danh lớn mà Vua Đa-vít được Chúa ban cho gắn liền với những gì ông sẽ phải làm cho dân của Chúa nhờ vào quyền năng của Ngài. Khi xưa, Chúa đã hứa làm cho ông Áp-ra-ham được “nổi danh” và sự nổi danh này cũng gắn liền với việc ông trở thành một nguồn phước cho thế giới (Sáng Thế Ký 12:2).
Nếu hôm nay hoặc một ngày nào đó chúng ta được Chúa ban cho những ân tứ, chức vụ, tài chánh, hoặc điều gì đặc biệt khác khiến chúng ta thấy mình được sự ngưỡng mộ, quý trọng của những người xung quanh. Khi đó chúng ta có thể có niềm vui và cảm giác như người được Chúa ban cho “danh lớn.” Xin đừng tự mãn với những gì được Chúa ban cho nhưng hãy sử dụng những đặc ân lớn lao được Chúa ban cho đó để hầu việc Chúa và đem lại những ơn phước lớn lao cho người khác, nhất là cho những người chưa biết Chúa. Ngay cả Chúa Giê-xu, Đấng có “Danh trên hết mọi danh” (Phi-líp 2: 9), cũng đã đến thế gian này “để hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45).
Bạn có đang sử dụng những điều tốt đẹp Chúa ban cho để hầu việc Ngài và những người lân cận của mình chưa?
Lạy Chúa, tạ ơn Ngài đã ban cho con những ân tứ. Xin cho con biết sử dụng những ơn phước được Ngài ban cho để hầu việc Chúa và đem lại ơn phước cho người khác.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 27.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Posts: 130
Threads: 5
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jun 2019
Reputation:
2
Sự Nhân Từ Chúa Còn Đến Đời Đời
I Sử Ký 17:10b-15
“Ta sẽ làm cha người, người đó sẽ làm con ta; sự nhân từ ta sẽ chẳng cất khỏi người đâu, như ta đã cất khỏi kẻ ở trước ngươi” (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa hứa ban cho dòng dõi Vua Đa-vít điều gì? Ngôi của họ sẽ tồn tại bao lâu? Điều đó cho thấy gì về lòng nhân từ của Chúa? Bạn có hy vọng gì khi học biết về đặc tính này của Ngài?
Phân đoạn Kinh Thánh này nói về giao ước Đức Chúa Trời thiết lập với Vua Đa-vít và hậu tự của ông, trong đó Ngài hứa sẽ thiết lập “ngôi nước” của nhà Đa-vít được vững bền, tồn tại mãi mãi. Con trai của Vua Đa-vít kế vị ông, sẽ cất một Đền thờ cho Ngài, mối quan hệ giữa Ngài với người đó sẽ là mối quan hệ mật thiết giữa Cha và con chứ không phải là mối quan hệ giữa chủ và đầy tớ, và sự nhân từ, yêu thương, thành tín của Ngài sẽ không bao giờ dứt khỏi người đó.
Lời hứa về một ngôi vua tồn tại mãi mãi được làm trọn qua Chúa Giê-xu, Đấng được gọi là “con cháu Đa-vít” (Ma-thi-ơ 1:1). Đây cũng chính là điều thiên sứ của Chúa đã nói với bà Ma-ri “Này, ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai mà đặt tên là Giê-xu. …và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời…, nước Ngài vô cùng” (Lu-ca 1:31-33). Nhờ tin nơi Chúa Giê-xu mà chúng ta cũng được làm con của Đức Chúa Trời, được gọi Ngài là “Cha” (Ma-thi-ơ 6:9), được ở dưới sự cai trị đời đời của Đấng Christ và được hưởng sự nhân từ không bao giờ “cất khỏi” của Ngài dành cho đời sống của mình.
Được làm con của Cha Thánh trên trời, có những lúc vì hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể cảm thấy nghi ngờ tình yêu thương của Ngài dành cho mình và nghi ngờ những lời hứa tốt đẹp của Ngài. Hãy nhớ lại lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên: trải qua biết bao biến cố, nhất là khi họ vì phạm tội với Chúa mà bị lưu đày, nhưng Ngài không bắt họ lưu đày mãi mãi, sau 70 năm, Ngài lại cho phép họ hồi hương. Khi bị lưu đày, người Y-sơ-ra-ên đã không khỏi có những lúc nghi ngờ sự thành tín và lời hứa của Chúa nhưng cuối cùng thì họ đã nhận ra Ngài vẫn là Đấng yêu thương, thành tín và “sự thương xót của Ngài không hề dứt”. Đức Chúa Trời thành tín đã thực sự làm trọn lời hứa của Ngài qua Đấng Christ. Hãy luôn tin cậy vào những lời hứa tốt đẹp của Ngài dành cho chúng ta đã được chép trong Kinh Thánh. Giống như dân Chúa, có lúc chúng ta thấy mình được đắm chìm trong tình thương yêu, bảo bọc của Cha. Có lúc chúng ta lại thấy mình trong cảnh lưu đày, phải ngồi bên mé sông Ba-by-lôn mà khóc. Xin đừng đánh mất hy vọng nhưng hãy trông cậy nơi sự thành tín và lòng nhân từ, thương xót không hề bị cất đi của Ngài dành cho mình.
Bạn trông cậy và điều gì khi ở trong hoàn cảnh khó khăn?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì tình yêu thương và sự thương xót của Chúa bền vững vượt thời gian, kéo dài mãi mãi. Dù hoàn cảnh có ra sao xin cho con luôn nhớ Ngài là Cha yêu thương và sự “nhân từ Ngài sẽ chẳng cất khỏi” con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 28.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
|