LTP Học Phật Pháp
#91
(tiếp theo và HẾT - BIẾT THIẾU)

Cho nên cái chuyện mà ta biết cái điều ta hiểu, mình biết bao nhiêu nó cũng hay, cũng quan trọng đó; nhưng mà nó không có quan trọng bằng chuyện mình biết mình dốt.

Luôn biết được mình dốt rất là quan trọng.

Ở đây cũng vậy, khi mà mình học về chuyện mà các Đức Như Lai biết rõ cái gì vô lý, cái gì hợp lý, cái gì có thể và không có thể, thì mình mới nghĩ về mình, mình nói "Ồ thì ra, cái biết của mình còn quá hạn chế". Có nhiều cái mình tưởng nó đúng nhưng mà chưa chắc, có nhiều cái mình tưởng nó hay nhưng mà chưa chắc.

Như ngày hôm qua tôi nói, ở ngoài đời tôi làm sao tôi có nhiều tiền, tôi làm sao tôi có được mái ấm gia đình ngon lành, vậy là xong. Tôi tưởng vậy là nhất rồi. Cả đời tôi cứ cắm đầu gục mặt ở trong cái mái ấm gia đình, trong cái đống tiền, ăn rồi cứ le lưỡi đếm từng đồng, từng đồng, đối với tôi đó là số một. Nhưng mà có những cái nó còn hơn cái đó nữa, đó là khi mà mình có được đời sống tinh thần của một người Phật tử, mình biết giữ giới, mình biết tu thiền, mình biết bố thí, mình biết từ tâm, mình biết chánh niệm, đủ chưa? Chưa đủ.

Vấn đề ở chỗ là mình biết mình chưa đủ. Chứ khi mà các vị không biết được là mình còn có điểm khiếm khuyết, còn có điểm bổ xung, còn có điểm chỉnh sửa, khi mà các vị không có để ý cái mặt đó mà cứ để ý mình đã làm được gì thì coi chừng chết, coi chừng chết ngắc.

Cho nên nhớ cái câu này: "Học về Phật, học về Thánh hiền nói chung là không phải để mình học mình coi mình có cái gì không, mà mình còn phải biết rõ, nhớ chừng là mình đang thiếu cái gì?" Tôi e rằng cái phần mà biết mình thiếu đó, cái phần đó tôi e là nó quan trọng hơn.

Tôi có thể quên ở nhà tôi có cái gì, cái đó tôi quên, cái đó không chết, nhưng mà tôi phải nhớ nhà tôi thiếu cái gì. Sức khỏe tôi, tôi ngon lành cái mặt nào, cái phần đó tôi quên không sao hết. Nhưng mà tôi biết sức khỏe tôi cần phải bổ xung, cần phải điều chỉnh chỗ nào, cái đó mới là quan trọng. Còn cái chuyện các vị không đồng ý thì tùy quý vị nhưng mà tôi chỉ nói vắn tắt như vầy. Tôi đẹp trai, tôi có sức khỏe, tôi có thể quên hai cái đó không sao. Nhưng mà tôi bị sạn thận, tôi bị tiểu đường, tôi bị cao máu, tôi bị tim thòng, những cái đó tôi phải nhớ. Mấy cái đó mà hỏng nhớ là chết dịch đó! Còn cái chuyện mà tôi đẹp trai, cái chuyện mà tôi khỏe mạnh, tôi cơ bắp, tôi cao ráo v v… cái đó tôi quên hỏng sao hết. Nhưng mà mấy cái nhược của tôi, tôi phải nhớ. Tôi mà bị coi như là mất ngủ, suy nhược thần kinh, tôi bị tim thòng, tôi bị sạn thận, rồi tôi bị bao tử loét, tôi bị bác sĩ nghi ngờ cái này cái kia, ... Đó. Mấy cái đó là cái tôi phải nhớ, cái đó quan trọng lắm.

Tiếp theo về nghiệp cũng vậy, mình đã tưởng mình đã hiểu rồi. Không, không đủ đâu quí vị. Mình chỉ biết nhiều lắm là mình chỉ biết một mảnh vụn nhỏ xíu xìu xiu của cái gọi là tổng nghiệp thôi. Mình biết là làm cái đó, được cái đó, làm cái đó, được cái đó, ... nhưng mà mình quên nghĩ một chuyện. Đó là ngay trong lúc mà mình làm thiện đó, cái ác nó pha vô mà mình không biết. Vậy đó. Bố thí mà bằng cái tâm ganh tỵ; bố thí mà bằng cái tâm tiếc của; bố thí mà bằng cái tâm bực mình, sân hận, hiềm khích; bố thí mà để cầu danh, để cầu lợi; thì chỉ riêng hành động bố thí mà nó kéo theo những phiền não, bao nhiêu phiền não nó chen vô mà mình không có ngờ.
Sắp tới mùa dâng y, còn 5 tháng nữa dâng y. Các vị coi kỹ coi. Ai mà làm thí chủ, nắng nôi thấy bà nội, nó nóng nó nực, người đông rần rần, khói nhang nghi ngút, tiếng ồn om sòm. Rồi đã vậy mình nghe lời ong tiếng ve là bực mình. Mà hôm đó mình lại là thí chủ lớn, đại thí chủ trong một ngôi chùa lớn, dâng y, thì mình phải coi cái khả năng buông bỏ của mình nó được bao nhiêu? Hôm nay mình không có còn nhớ bao nhiêu cái tỵ hiềm, bao nhiêu cái bực mình. Sáng giờ mình gặp cái bản mặt nào mình không thèm màng tới, mình chỉ nghĩ đến một việc mình đang gieo cái duyên lành giải thoát, mình đang cúng dường vô thượng phước điền y cho chúng tăng. Vậy là đủ rồi, còn cái chuyện gì ngoài ra thì mình bỏ. Còn không, nếu mà mình không có kiểm soát, thì ngay trong cái mà mình tưởng mình hiểu được cái nghiệp đó, còn rất là sơ sài.
Cho nên mình học ở đây mình thấy Đức Như Lai biết rất rõ về các nghiệp thì học cái đó để nhớ lại mình. Mình tự xét mình đã hiểu được gì về nghiệp? Mình cứ tưởng là cúng dường trai tăng là có phước nhưng mà mình quên là mình đã cúng dường bằng cái tâm lý như thế nào? Kể cả mình đi vào thiền viện cũng vậy. Mình cứ tưởng mình vào thiền viện là mình thành hành giả. Sai. Vào thiền viện mà có bao nhiêu phần trăm mỗi ngày anh sống chánh niệm? Và trong những giây phút anh sống chánh niệm ấy, cái mục đích, cái lý tưởng, cái cứu cánh cao nhất của anh là giải thoát hay anh còn tơ tưởng đến chuyện gì khác?

Trích bài giảng ngày 03.06.2019 KTC.6.64 Sư Tử Hống
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Dục & Thọ | | Xe và Phụ Tùng Xe

(Hết)
Reply
#92
Mười Lực Của Đức Thế Tôn - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)

Này Sariputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực, chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là mười?

(1) Ở đây, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ (Tri thị xứ phi xứ lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.

(2) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (Tri tam thế nghiệp báo lực.) Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(3) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới (Tri nhứt thiết đạo trí lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(4) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt (Tri thế gian chủng chủng tánh lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(5) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình (Tri tha chúng sanh chưởng chưởng dục lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri ... chuyển Phạm luân.

(6) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng hạ của các loài hữu tình, loài Người (Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(7) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền, chứng về Thiền, về giải thoát, về định (Tri chư Thiền tam muội lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(8) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Ngài nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(9) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(10) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Sariputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.
Reply
#93
Bốn Pháp Vô Sở Uý Của Đức Thế Tôn - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)

Này Sariputta, có bốn pháp vô sở úy chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là bốn?

1/ Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn, mà quý vị tự xưng đã chứng ngộ hoàn toàn". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

2/ Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà quý vị tự xưng đã đoạn trừ". Này Sariputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.

3/Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Những pháp này được gọi là các chướng ngại pháp khi được thực hành thời không có gì gọi là chướng ngại pháp cả". Này Sariputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.

4/ Này Sariputta Ta thấy không có lý do gì một Sa-môn Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Pháp do quý vị thuyết giảng không đưa đến mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau". 

Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy. Này Sariputta, có bốn pháp vô sở úy, chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.
Này Sariputta, nếu ai biết Ta như vậy... người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.
Reply
#94
Tám Hội Chúng - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)

Này Sariputta, có tám Hội chúng này: 

  1. Hội chúng Sát-đế-lị, 
  2. Hội chúng Bà-la-môn,
  3. Hội chúng Gia chủ, 
  4. Hội chúng Sa-môn, 
  5. Hội chúng Tứ thiên vương, 
  6. Hội chúng Tam thập tam thiên,
  7. Hội chúng Màra, 
  8. Hội chúng Phạm thiên. 
Này Sariputta có tám Hội chúng này. Này Sariputta, Như Lai thành tựu bốn pháp vô sở úy như vậy, đến gần và vào tám Hội chúng này.

Này Sariputta, Ta nhớ lại Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Sát-đế-lị. Tuy vậy, trước khi Ta ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta nói chuyện và trước khi Ta đàm luận; này Sariputta, ta thấy không có lý do gì để nghĩ rằng: "Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ đến ám ảnh Ta". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sariputta, Ta nhớ lại, Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Bà-la-môn... (như trên)... Hội chúng Gia chủ... Hội chúng Sa-môn... Hội chúng Tứ thiên vương... Hội chúng Tam thập tam thiên... Hội chúng Màra... Hội chúng Phạm thiên. Tuy vậy, trước khi Ta ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta nói chuyện và trước khi Ta đàm luận, này Sariputta, Ta thấy không có một lý do gì để nghĩ rằng: "Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ đến ám ảnh Ta". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
Reply
#95
Bốn Loại Sanh - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)

Này Sariputta, có bốn loại sanh. Thế nào là bốn? Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.

Này Sariputta, thế nào là noãn sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào phá vỏ trứng, mà sanh, này Sariputta như vậy gọi là noãn sanh.

 Và này Sariputta, thế nào là thai sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào phá màn da mỏng che chỗ kín mà sanh, này Sariputta, như vậy gọi là thai sanh.

 Và này Sariputta, thế nào là thấp sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào sanh ra từ cá thúi, từ xác chết thúi, từ cháo cơm thúi, hay trong hồ nước dơ hay trong ao nước nhớp. Này Sariputta, như vậy gọi là thấp sanh.

 Và này Sariputta, thế nào là hóa sanh? Chư Thiên, các chúng sanh ở địa ngục, một số thuộc loài người và một số thuộc đọa xứ. Này Sariputta, như vậy gọi là hóa sanh.
Reply
#96
Năm Sanh Thú và Niết Bàn - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)

Này Sariputta, có năm loại sanh thú này. Thế nào là năm? 

1/ Địa ngục,
2/ Bàng sanh,
3/ Ngạ quỷ,
4/ Loài người,
5/ Chư Thiên.
 
[Chú ý: Sinh trong các cõi trời làm chư thiên bay la đà hay lơ lửng (hay đu dây điện như Tinhoi2, aka Diệu Âm  Lol ), cưỡi rồng cưỡi rắn, không được Đức Thế Tôn tán thán. Vì sao?  Vì các cõi trời cũng chỉ là CÕI TẠM, vẫn còn Tham Sân Si thất tình lục dục.  (LTP)]


(1) Này Sariputta, Ta tuệ tri địa ngục, con đường đưa đến địa ngục và hành lộ đưa đến địa ngục. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự việc này ta cũng tuệ tri.

(2) Và này Sariputta, Ta tuệ tri bàng sanh, con đường đưa đến bàng sanh và hành lộ đưa đến bàng sanh. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào bàng sanh, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(3) Và này Sariputta, Ta tuệ tri ngạ quỷ, con đường đưa đến ngạ quỷ và hành lộ đưa đến ngạ quỷ. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào ngạ quỷ, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(4) Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri loài Người, con đường đưa đến thế giới loài Người và hành lộ đưa đến thế giới loài Người. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài Người, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(5) Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri chư Thiên, con đường đưa đến Thiên giới và hành lộ đưa đến Thiên giới. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, thế giới này, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri Niết-bàn, con đường đưa đến Niết-bàn và hành lộ đưa đến Niết-bàn. Tùy theo hành nghiệp, do đoạn trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sự việc này, Ta cũng tuệ tri.

-------------------

(1) Này Sariputta, ở đây, với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người. Do hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục như vậy. Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy người ấy, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng như có một hố than sâu hơn thân người, đầy vun than hừng, không có lửa ngọn, không có khói, và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi khô cổ, đắng họng, khát nước, và đi thẳng đến hố than ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy, có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hố than kia". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia rơi vào hố than ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục như vậy". Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt.

(2) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào bàng sanh". Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy kẻ ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào bàng sanh, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng như có một hố phân, sâu hơn thân người, đầy những phẩn uế, và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến hố phân ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hố phân ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia rơi vào hố phân ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta... (như trên)... thống khổ, khốc liệt.

(3) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào ngạ quỷ, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt". Này Sariputta, cũng như có một cây sống trên miếng đất không bằng phẳng, với lá thưa thớt, với bóng che từng đám lưa thưa. Và một người đi đến bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến cây ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến cây ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia ngồi hay nằm dưới bóng cây ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy ở đây với tâm của Ta... (như trên)... thống khổ, khốc liệt.

(4) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta biết tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào loài người". Sau một thời gian... Ta thấy người ấy sanh vào loài người, và cảm thọ được nhiều cảm giác lạc thọ. Này Sariputta, cũng như có một cây sống trên miếng đất bằng phẳng với lá sum sê, với bóng cây rậm rạp. Và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến cây ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ của người này như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến cây ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia, ngồi hay nằm dưới bóng cây ấy và cảm thọ được nhiều cảm giác lạc thọ. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây, với tâm của Ta... được nhiều cảm giác lạc thọ.

(5) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Sau một thời gian... Ta thấy người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này và cảm thọ những cảm giác cực lạc. Này Sariputta, giống như một ngôi lầu, có gác nhọn, có tô vôi cả trong lẫn ngoài, được che gió, có then chốt đóng lại và có các cửa sổ khép kín. Tại đây có một sàng tọa, trải nệm lông dài, trải nệm màu trắng, trải nệm bông có thêu hoa, trải nệm bằng da sơn dương gọi là kadali, có nệm với khuôn màu treo phía trên, có gối dài màu đỏ cả hai đầu. Và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến ngôi lầu ấy. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến ngôi lầu ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia ngồi hay nằm trong ngôi lầu ấy, trong gác nhọn ấy, trên sàng tọa ấy và cảm thọ được nhiều cảm thọ cực lạc. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta... được nhiều cảm giác lạc thọ.

(6) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy". Sau một thời gian, Ta thấy vị ấy đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, cảm thọ những cảm giác cực lạc. Này Sariputta, giống như một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, và không xa hồ ấy có khu rừng rậm rạp. Một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến hồ sen ấy. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hồ sen ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia, sau khi tẩm mình vào hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước và làm cho dịu bớt mọi ưu tư, mệt mỏi, phiền não, sau khi ra khỏi hồ liền qua ngồi hay nằm trong rừng cây rậm rạp ấy và cảm thọ những cảm giác cực lạc. Cũng vậy, này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy". Sau một thời gian, Ta thấy vị ấy đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, cảm thọ những cảm giác cực lạc.

Này Sariputta, năm loại này là năm sanh thú. Này Sariputta, có ai biết Ta như vậy, thấy Ta như vậy, và nói: "Sa-môn Gotama không có pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuộc trắc nghiệm". Này Sariputta, nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy, thì người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên. Này Sariputta, Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, có thể chứng được chánh trí ngay trong hiện tại. Này Sariputta, Ta nói như vậy là sự thành tựu như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy, thì người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.



Khổ Hạnh của Bồ Tát - Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ Kinh 12)


Này Sariputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.


Này Sariputta, ở đây, khổ hạnh của Ta như sau: Ta sống lõa thể, phóng túng, không theo khuôn phép, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Ta chỉ nhận đồ ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay chỉ nhận ăn tại bảy nhà, chỉ nhận ăn bảy miếng. Ta nuôi sống chỉ với một chén, nuôi sống chỉ với hai chén, nuôi sống chỉ với bảy chén. Ta chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy Ta sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Ta chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Ta mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc áo phấn tảo y, mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Ta sống nhổ râu tóc, Ta theo tập tục sống nhổ râu tóc, Ta theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi, Ta là người ngồi chõ hỏ, sống tinh tấn theo hạnh ngồi chõ hỏ. Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm. Như vậy Ta sống theo hạnh hành hạ, dày vò thân thể theo nhiều cách. Này Sariputta, như vậy là khổ hạnh của Ta.

Này Sariputta, ở đây hạnh bần uế của Ta như sau: Trên thân Ta, bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Như gốc cây tinduka bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng; cũng vậy, này Sariputta, trên thân Ta bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Này Sariputta, Ta không nghĩ rằng: "Với tay của Ta, Ta hãy phủi sạch bụi bặm này đi, hay những người khác với tay của họ hãy phủi sạch bụi bặm này đi cho Ta". Này Sariputta, Ta không có nghĩ như vậy. Này Sariputta, như vậy là sự bần uế của Ta.


Này Sariputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sariputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!" Này Sariputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.


Này Sariputta, như thế này là sự độc cư của Ta. Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng và an trú tại chỗ ấy. Khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, giống như một con thú rừng thấy người liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Cũng vậy, này Sariputta, khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi, hay người tiều phu, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, như vậy là hạnh độc cư của Ta.


Này Sariputta, rồi Ta bò bốn chân đến các chuồng bò, khi các con bò cái đã bỏ đi, khi các người chăn bò không có mặt, rồi Ta ăn phân các con bò con, các con bò còn trẻ, các con bò còn bú. Khi nước tiểu và phân của Ta còn tồn tại, Ta tự nuôi sống với các loại ấy. Này Sariputta, như vậy là hạnh đại bất tịnh thực của Ta.


Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng rậm rạp kinh hoàng và an trú tại chỗ ấy. Này Sariputta, tại khu rừng rậm rạp kinh hoàng này, những ai còn tham ái đi vào khu rừng rậm rạp ấy, thời lông tóc người ấy dựng ngược. Này Sariputta, rồi Ta trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng tám, khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, Ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống trong những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp. Rồi này Sariputta, những bài kệ kỳ diệu từ trước chưa từng được nghe sau đây được khởi lên:


Quote:Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh,
Cô độc sống trong rừng kinh hoàng,
Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm,
Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.


Này Sariputta, Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương. Này Sariputta, những đứa mục đồng đến gần Ta, khạc nhổ trên Ta, tiểu tiện trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lỗ tai. Này Sariputta, và Ta biết Ta không khởi ác tâm đối với chúng. Này Sariputta, như vậy là hạnh trú xả của Ta.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ trái táo", và họ ăn trái táo, họ ăn bột táo, họ uống nước trái táo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một trái táo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Trái táo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì trái táo thời ấy giống với trái táo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ đậu xanh... (như trên)... chúng ta sống nhờ vừng mè... (như trên)... chúng ta sống nhờ hột gạo", và họ ăn hột gạo, họ ăn hột gạo nghiền thành bột, họ uống nước gạo, và họ ăn hột gạo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một hột gạo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Hột gạo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì hột gạo thời ấy giống với hột gạo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.


Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ. Chính Thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ luân hồi". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự luân hồi mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên (Suddhavasa). Này Sariputta, nếu Ta luân hồi tại Tịnh cư thiên thì Ta đã không trở lại đời này nữa.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ sanh khởi". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự sanh khởi mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên. Này Sariputta, nếu Ta sanh khởi tại Tịnh cư thiên, thì Ta đã không trở lại đời này nữa.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ an trú". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự an trú mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên. Này Sariputta, nếu Ta an trú tại Tịnh cư thiên, thì Ta đã không trở lại đời này nữa.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ tế tự". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự tế tự mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ thờ lửa". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự thờ lửa mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.


Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Khi một thiếu niên còn trẻ tuổi, tóc đen nhánh, huyết khí sung mãn, trong tuổi thanh xuân, người ấy thành tựu trí tuệ biện tài tối thượng. Nhưng khi người ấy già cả, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi đến đoạn cuối cuộc đời, khi đã tám mươi, chín mươi hay một trăm tuổi, khi ấy trí tuệ biện tài tối thượng ấy bị đoạn trừ". Này Sariputta, chớ có quan niệm như vậy. Này Sariputta, nay Ta đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi dến đoạn cuối cuộc đời, tuổi Ta nay đã đến tám mươi. Này Sariputta, ở đây Ta có bốn vị đệ tử, tuổi thọ đến một trăm, đã sống một trăm tuổi, thành tựu chánh niệm đệ nhất, thành tựu chuyên tâm đệ nhất, thành tựu tinh cần đệ nhất và đầy đủ trí tuệ biện tài tối thượng. Này Sariputta, ví như một người bắn cung thiện xảo, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục, với một mũi tên nhẹ, có thể dễ dàng bắn ngang qua bóng một cây ta-la. Cũng vậy, những vị này với chánh niệm đệ nhất như vậy, được thành tựu trí tuệ biện tài tối thượng như vậy, nếu những vị này hỏi Ta nhiều lần một câu hỏi về Bốn Niệm xứ, và nếu Ta, được hỏi nhiều lần như vậy, phải giải thích cho họ hiểu và nếu họ được Ta giải thích như vậy, có thể hiểu như đã giải thích, và nếu họ không hỏi Ta về những vấn đề phụ thuộc và các vấn đề khác, trừ khi ăn, uống, nhai, nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức. Này Sariputta, dầu vậy, sự thuyết pháp của Như Lai cũng chưa hoàn tất, sự giải thích cú pháp của Như Lai cũng chưa hoàn tất, sự trả lời các câu hỏi của Như Lai cũng chưa hoàn tất, khi mà bốn đệ tử của Ta, tuổi thọ đến một trăm tuổi, đã sống một trăm tuổi, đã từ trần sau một trăm tuổi. Này Sariputta, nếu Ông có gánh Ta trên giường đi chỗ này chỗ kia, thật sự trí tuệ biện tài của Như Lai không có gì thay đổi.

Này Sariputta, những ai nói một cách chân chánh sẽ nói như sau: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người". Vị ấy sẽ nói về Ta một cách chân chánh như sau: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người".

Lúc bấy giờ Tôn giả Nagasamala đứng sau lưng Thế Tôn và quạt cho Ngài! Tôn giả Nagasamala bạch Thế Tôn:


-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Sau khi nghe pháp môn này, lông tóc con dựng ngược. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?


-- Này Nagasamala, do vậy pháp môn này gọi là "Pháp môn Lông tóc dựng ngược". Ông hãy như vậy thọ trì.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Nagasamala hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Reply
#97
(2020-01-17, 10:50 AM)abc Wrote:
SƯ Giác Chánh 73 rồi , tui với bạn LTP cũng từ từ tới đó   :full-moon-with-face4:

Yes, he dịch nhiều kinh

bạn LTP cho tui mượn một post 


(Hoà thượng Giác Chánh viên tịch lúc 17:45 ngày 07 tháng 02 năm 2020 nhằm ngày 14 tháng 01 Phật Lịch 2563)

KÍNH ĐIẾU TRƯỞNG LÃO GIÁC CHÁNH


Kính bạch giác linh hòa thượng
Một ánh sao thiêng vừa băng giữa trời Nam Quốc
Một cội cổ tùng vừa đổ trên đất Nam Truyền
Kính tiếc lắm thay
Nhớ linh xưa
Bản quán Vĩnh Long, chào đời năm Đinh Hợi
Tính đến nay vừa vặn bảy tư năm
Tuổi đôi mươi giác chủng nảy mầm
Biệt xứ xa quê xuất gia tầm đạo
Duy thức tinh thâm
Tỳ Đàm uyên áo
Tám mốt, một trăm dung nhiếp nghĩa huyền
Tâm vật vô thường
Vạn hữu do duyên
Chân với Tục tùy thời phương tiện
Tứ cú bách phi trù lâm biên kiến
Hí luận biện thông đặt hết ở hiên ngoài
Năm mươi năm
Thao thức bản hoài
Viết sách, giảng kinh
Truyền đăng tục diệm
Vẫn bất biến giữa dòng đời vạn biến
Năm mươi năm chưa phai nhạt tấc lòng
Pháp tử môn đồ lưu lạc khắp Tây Đông
Từ vạn dặm vẫn xem thầy là đuốc sáng
Bồ Tát hạnh một đời không nản
Chí hoằng dương như thiết thạch chẳng sờn
Đứng thẳng giữa đời
Như ngọn cao sơn
Thời cuộc, lợi danh
Chỉ là cơn gió thoảng
Chiều nay
Kính tiếc lắm thay
Ngọn cao sơn đã đổ,
non xưa chỉ còn là hoài niệm
Tòng lâm cháy rồi,
rừng cũ bây giờ là cõi vắng hoang liêu
Tổ đình mênh mông xao xác tiếng chim chiều
Chùa thầy hắt hiu gió lùa sông vắng
Đạo tràng sơn môn giờ là cõi lặng
Thầy đi rồi
Vùng mây khói sau lưng
Vạn hữu do duyên
Có rồi phải mất
Duyên tụ tương phùng
Duyên tán chia xa
Người gặp người trong mỗi sát na
Người xa nhau trong từng khoảnh khắc
Thôi cũng đành thôi
Quay về giả niệm
Mong kiếp kiếp
Được là bồ đề thân quyến
Đời đời tao phùng
Làm cốt nhục Linh sơn
Cõi trầm luân nhất khứ bất hườn
Cúi xin thầy thùy từ chứng giám
Ô hô
Kính tiếc lắm thay !


Sư Điệt Toại Khanh khấp điếu
Reply
#98
Sư Giác Chánh, một vị cao tăng uyên bác đáng kính, vừa qua đời. LTP có cảm tưởng như mình vừa chứng kiến  một ngôi sao băng vừa tắt ở chân trời xa thẳm, trong tâm dâng một niềm kính ngưỡng vô biên.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

:78: :78: :78:
Reply
#99
(2020-02-07, 12:42 PM)abc Wrote:
bạn LTP cho tui mượn một post 


(Hoà thượng Giác Chánh viên tịch lúc 17:45 ngày 07 tháng 02 năm 2020 nhằm ngày 14 tháng 01 Phật Lịch 2563)

KÍNH ĐIẾU TRƯỞNG LÃO GIÁC CHÁNH


Kính bạch giác linh hòa thượng
Một ánh sao thiêng vừa băng giữa trời Nam Quốc
Một cội cổ tùng vừa đổ trên đất Nam Truyền
Kính tiếc lắm thay
Nhớ linh xưa
Bản quán Vĩnh Long, chào đời năm Đinh Hợi
Tính đến nay vừa vặn bảy tư năm
Tuổi đôi mươi giác chủng nảy mầm
Biệt xứ xa quê xuất gia tầm đạo
Duy thức tinh thâm
Tỳ Đàm uyên áo
Tám mốt, một trăm dung nhiếp nghĩa huyền
Tâm vật vô thường
Vạn hữu do duyên
Chân với Tục tùy thời phương tiện
Tứ cú bách phi trù lâm biên kiến
Hí luận biện thông đặt hết ở hiên ngoài
Năm mươi năm
Thao thức bản hoài
Viết sách, giảng kinh
Truyền đăng tục diệm
Vẫn bất biến giữa dòng đời vạn biến
Năm mươi năm chưa phai nhạt tấc lòng
Pháp tử môn đồ lưu lạc khắp Tây Đông
Từ vạn dặm vẫn xem thầy là đuốc sáng
Bồ Tát hạnh một đời không nản
Chí hoằng dương như thiết thạch chẳng sờn
Đứng thẳng giữa đời
Như ngọn cao sơn
Thời cuộc, lợi danh
Chỉ là cơn gió thoảng
Chiều nay
Kính tiếc lắm thay
Ngọn cao sơn đã đổ,
non xưa chỉ còn là hoài niệm
Tòng lâm cháy rồi,
rừng cũ bây giờ là cõi vắng hoang liêu
Tổ đình mênh mông xao xác tiếng chim chiều
Chùa thầy hắt hiu gió lùa sông vắng
Đạo tràng sơn môn giờ là cõi lặng
Thầy đi rồi
Vùng mây khói sau lưng
Vạn hữu do duyên
Có rồi phải mất
Duyên tụ tương phùng
Duyên tán chia xa
Người gặp người trong mỗi sát na
Người xa nhau trong từng khoảnh khắc
Thôi cũng đành thôi
Quay về giả niệm
Mong kiếp kiếp
Được là bồ đề thân quyến
Đời đời tao phùng
Làm cốt nhục Linh sơn
Cõi trầm luân nhất khứ bất hườn
Cúi xin thầy thùy từ chứng giám
Ô hô
Kính tiếc lắm thay !


Sư Điệt Toại Khanh khấp điếu

Sadhu! Sadhu!
Reply
Trạch Pháp Giác Chi


https://toaikhanh.com/read.php?doc=201912222230&lan=vn 


Giác chi trạch pháp là trí tuệ suy lượng các pháp theo tính bản nhiên của chúng.

Nhiều lúc chúng ta có khuynh hướng mặc nhiên chấp nhận điều mình thủ đắc một cách tự mãn dễ dàng buông xuôi niềm tin trước những rao giảng của một ông thầy hay một cuốn sách nào đó mà không hề nghĩ tới việc gậm nhấm lại tất cả một cách khách quan, cẩn thận. Trạch Pháp giác chi sẽ giúp ta thực hiện điều đó. Trạch Pháp giác chi không cho phép ta chấp nhận một kiến thức sang tay hay một hiểu biết mô phỏng nào cả, mà lại đề nghị với ta một con đường tự vấn. Ðó là cả một sự mạo hiểm khi chúng ta một mình làm cuộc kiểm tra xác định lại tất cả những gì vẫn được xem là kinh điển. Ðúng là Trạch pháp giác chi luôn đề nghị chúng ta một cuộc mạo hiểm. Ðó là sự đối diện với những gì ta chưa thật sự thấu đáo và cũng là một ước muốn nhắm tới những câu hỏi sâu sắc nhất trong đời sống. Don Juan bảo rằng chỉ với tư cách của một chiến sĩ, người ta mới có thể dấn bước trên con đường tri thức. Phải biết mạo hiểm trong trí tuệ vì trong khi đối với hầu hết mọi người, kinh nghiệm cuộc sống chỉ là cái gì ân sủng tự nhiên của trời cho, nhưng đối với các bậc hiền giả thì đời sống là cả một hành trình khám phá. Trạch Pháp giác chi cho phép ta nhìn thẳng vào tất cả kinh nghiệm, và để đi qua đoạn đường nầy ta có thể sẽ phải trải qua những giai đoạn cai đắng của hoài nghi, nản chí, bức xúc và thậm chí của cả những bối rối, hoảng loạn - đại khái là tất cả thảm kịch ghê gớm của nội tâm. Nhưng đó cũng chính là lúc ta có dịp bắt gặp rất nhiều thứ và có cơ hội kiểm nghiệm trọn vẹn bản thân mình để khả dĩ có được một cái hiểu biết và tự do.

Chúng ta có thể đối diện với lắm điều thử thách, chẳng hạn một viễn ảnh về cái chết hoặc một nỗi bất an nào đó đối với thế giới chung quanh nhưng chẳng sao hết, cứ can đảm nhìn thẳng vào chúng để soi rọi và xác định qua đó những qui luật. Có chịu ra sức chiêm ngắm tất cả kinh nghiệm của mình thì dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào ta cũng sẽ thấy chúng đều là những pháp môn cả, bởi đời sống luôn tự trình bày bản chất của nó và ta chỉ việc trông thấy mà thôi. Kinh nghiệm khách quan dạy ta nhiều thứ lắm, vì nó là Pháp. Kinh nghiệm đời sống dạy ta về vô thường, đau khổ, nghiệp lý và cả sự giải thoát nữa. Thi sĩ Kabir cũng từng nói như thế: "Khi biết lắng tai và mở to đôi mắt thì đến cả những chiếc lá trên cây cũng có thể truyền dạy cho ta lắm điều kỳ diệu chẳng khác gì những trang thánh thư cao siêu nhất."

Trí tuệ về bộ mặt bản nhiên của thân tâm nầy thật ra không là thứ kiến thức theo ý nghĩa thông thường mà ta vẫn hiểu. Cho đến khi nào chưa nội quán một cách chín chắn rằng mình là cái gì thì tinh thần chúng ta vẫn còn bị khép kín trong bóng tối ảo tưởng, như một người bị nhốt trong phòng tối sẽ bị mất hết mọi ý thức hoạt động. Ngày nào chưa nhận diện được chính mình, còn bị nhầm lẫn về bản chất của các thứ kinh nghiệm thì chúng ta sẽ tiếp tục chất đầy lòng mình những nghi hoặc bại liệt. Khi trí tuệ Trạch Pháp có mặt, bóng tối sẽ bị đẩy lùi và căn phòng tăm tối kia sẽ được rọi sáng.

[Image: 7giacchi.jpg]Sức mạnh của trí tuệ Trạch Pháp tăng giảm theo chiều sâu của sự đào luyện. Chúng ta có thể gia công quán sát, nhìn ngắm tất cả những nhân tố tựa thành nên thân tâm nầy. Bằng vào sự chú niệm và chiêm nghiệm đó, ta sẽ dễ dàng thấy rõ hoạt động của tứ đại, lục căn, bản chất của thiện ác trong chính nội tâm mình và cả con đường giải thoát. Chúng ta có thể thể nghiệm tiến trình sinh diệt chớp nhoáng của tâm pháp, tận mắt nhìn thấy cội nguồn của những âu lo, những chấp thủ, những hình thức hiện hữu trong đời sống bản thân... Ðể thực hiện được điều đó, chúng ta phải biết mở rộng nội tâm mình một cách hoàn toàn, bởi vì đôi khi nhờ thế từ trong bóng tối mịt mùng của nội tâm, tất cả những đau khổ, bất an sâu kín nhất được hiển hiện, và điều đó cũng có nghĩa là những sự thật quan trọng nhất sẽ được chứng nghiệm.

Ðời sống vốn nhiều phức tạp và có thể nói rằng tình huống nào cũng có những câu hỏi cho chúng ta cả, và nhờ vậy ta sẽ có cơ hội tự giải đáp. Nhưng câu trả lời sẽ sâu cạn tùy theo trình độ và mối giao cảm của chúng ta đối với thế giới chung quanh xuyên qua công phu tu chứng mà ở đây, có thể nói rõ là sự tu tập về Tứ Niệm Xứ.

Hay tổng quát hơn, trình độ trí tuệ của hành giả được biểu hiện qua khả năng tiếp cận nhìn ngắm đánh giá ngoại giới, những hiểu biết và bản lãnh giải thoát trong mọi lĩnh vực của đời sống thường nhật, từ đối giao xã hội, sinh hoạt gia đình và hoạt động của bản thân... Trình độ đó được hướng dẫn bởi một sự phản tỉnh sáng suốt cộng thêm tinh thần cầu học bất thối và những thắc mắc nghiêm túc đặt trên lý tưởng khám phá chơn lý. Những nghi vấn đó không phải là các câu hỏi quanh quẩn vớ vẫn hay lo ra (hướng ngoại) mà là một hành trình tìm vào chính bên trong của chúng ta.

Ðiều nên nhớ là sự suy lượng, tìm tòi và trí tuệ ở đây phải được giữ thăng bằng bởi một niềm tin. Vì một sự tra vấn thái quá lại thiếu niềm tin thì sẽ dễ dàng dẫn đến sở tri chướng, thiếu tư duy, nặng lý thuyết và chất đầy nghi hoặc. Ngược lại, không có trí tuệ, ta sẽ mắc vào thứ đức tin mù quáng. Cho nên cái chúng ta thật sự cần đến ở đây phải là một niềm tin được thiết lập trên sự tỉnh thức và khám phá, để từ đó, chánh tri kiến được kết tinh.

Trích Thiền học Nam Truyền
Giác Nguyên dịch Việt


Sức Quyến Rũ | | Mê Tín
Reply
Bốn Vô Ngại Giải

https://toaikhanh.com/read.php?doc=202002052237&lan=vn 
  1. Attha-patisambhidā. Thường dịch là Nghĩa Vô Ngại Giải nhưng ta phải hiểu rằng chữ attha có nhiều nghĩa. Attha ở đây có nghĩa là nghĩa lý, là kết quả, là điểm cuối, điểm kết thúc. Nghĩa vô ngại giải ở đây có 2 nghĩa: Nghe ai nói gì cũng hiểu và có thể nhìn quả suy ra nhân.

  2. Pháp Vô Ngại Giải. Dhamma-patisambhidā là nhìn đâu hay nghe gì cũng thấy ra Phật pháp, và nhìn nhân có thể suy ra quả.

  3. Biện Vô Ngại Giải. Patibhana-patisambhidā thường bị dịch là biện tài nhưng trong bốn trí vô ngại giải phải hiểu là vừa biện tài mà vừa là khả năng ứng khẩu tại chỗ.

  4. Nirutti-patisambhidā. Từ Vô Ngại Giải cũng có 2 nghĩa:

    1. Không thiếu ngôn từ diễn đạt.
    2. Trong trường hợp đặc biệt thì còn có khả năng khó tin về ngoại ngữ. Có nghĩa là vị đó chưa từng học thứ tiếng đó nhưng nghe người ta nói vị đó hiểu. Trường hợp này chỉ có những vị thánh đặc biệt. Và trường hợp phổ biến trong ngôn ngữ mẹ đẻ vị này không gặp khó khăn. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cái thứ ba này không phải ai muốn cũng được.
Đừng có nói với tôi anh là người Việt Nam thì anh nói và viết tiếng Việt một cách tự tại, tôi không tin. Có nhiều người nói thông thạo nhưng mà viết dở ẹc. Có người viết rất hay nhưng nói rất tệ. Có người nói viết đều tệ. Có người nói viết đều hay. Các vị vào trong YouTube đánh giùm tôi chữ Phạm Duy và Phạm Thiên Thư, trong đó người ta sẽ dắt các vị đến clip trong buổi thơ nhạc của Phạm Duy, họ hát lại mấy bài của Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc. Tôi không tin, không có tưởng được đó là nhà thơ mà tôi thờ đó là Phạm Thiên Thư. Ông nói dở ẹc. Dở đến mức mà tôi nghĩ ông này biết chữ, biết đọc, biết viết là đã giỏi rồi, khủng khiếp như vậy. Có nghĩa là đừng có ai nói với tôi đó là Phạm Thiên Thư thì tôi sẽ nghĩ ông này cục mịch lắm, chân quê chân phương lắm. Ông nói chỉ có hai, ba câu cảm ơn thiên hạ, ông cầm tờ giấy đọc mà cũng không xong, ngộ thiệt! Có ai ngờ là khi ông làm thơ ông giống như bị nhập đồng. Tôi là gì trong cái làng thơ ca Việt Nam mà tôi dám nhận xét về các bậc cây đa cây đề. Nhưng tôi phải nói Phạm Thiên Thư nếu nói về thơ thì ông thuộc về hiện tượng mà tôi gọi là lên đồng nhập đồng của Việt Nam. Ngày xưa thì có Nguyễn Du, đời nay thì có Phạm Thiên Thư. Ông có giọng rất lạ. Giọng của Nguyễn Du không lẫn vào đâu được và giọng Phạm Thiên Thư cũng không lẫn vào đâu được. Mình đọc ông mình có cảm giác ông làm thơ dễ như là lấy trong túi ra vậy, ấy vậy mà khi chàng nói thì chỉ có trời cứu.

Từ Vô Ngại Giải là vị này có khả năng diễn đạt không giới hạn, tự tại, vô ngại, đại bi, tâm đà la ni. Có điểm đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ của các bậc thánh luôn giống nhau là tránh gây sự hiểu lầm.
Đây là lý do vì đâu mà khi Đức Phật định nghĩa một vấn đề, Ngài Xá Lợi Phất nhắc lại y chang không mất một dấu phẩy. Và Ngài Xá Lợi Phất đã nói rồi thì một vị Sadi 7 tuổi phải nhắc lại y chang. Và vị Sadi đã nhắc rồi mai mốt bà Visakha có nhắc lại cũng không dám bỏ dấu phẩy. Là vì chữ đó đức Thế Tôn Ngài đã có cân nhắc; vì đâu dùng chữ A mà không dùng chữ B; tại sao dùng chữ đó, hạn chế tối đã khả năng gây hiểu lầm. Trong kinh cứ nói về Khổ Đế, từ lúc thời pháp Thế Tôn chuyển pháp luân đầu tiên cho đến khi Ngài Niết-Bàn, khi Ngài nói Khổ Đế là luôn luôn một công thức đó. Là vì trong Phật trí của Phật nói như vậy là cách nói tốt nhất. Từng chữ có thể đem ra giải thích, từng chữ trong mỗi câu nói của Ngài đá động đến mỗi khía cạnh của vấn đề. Có thể nhiều người trong quý vị không tin nhưng đó là phước phần của quí vị, quí vị ráng chịu. Nhưng các vị có đọc nguyên văn Pali mới tin điều này. Từng chữ của Phật dùng trong mỗi context đều có dụng ý và chủ ý, không phải tuỳ tiện như ta nghĩ. Còn một điểm đọc Chú giải tới chỗ này, da gà, da vịt, da ngỗng, da đà điểu nó nổi lên cuồn cuộn. Khi Ngài nhìn vào tâm của người đối diện Ngài biết người này chỉ có 3 giây để nghe. Bởi vì 3 giây đó là 3 giây ba-la-mật của họ, nó đang làm việc hết công sức. Ngài nói như thế nào mà nó vừa khít trong thời lượng đó thôi. Trong thời gian đó Ngài nói cái gì nó chạm vào yếu huyệt tâm lý, ngay thời điểm của họ.

Thí dụ như họ hỏi Ngài "Ở đâu con có mặt ở đời? Từ đâu con có mặt ở đời?". Ngài chỉ nói một chuyện "Do duyên con đến và do duyên con đi." Không dư một chữ. Thì chừng đó chữ, chừng đó âm thanh âm lượng và thời lượng nó gắn vào vừa khít nội tâm của người nghe. Nói tới đây tôi nổi da gà.

Trong kinh kể khi Đức Thế Tôn Ngài đang đi bát ông Bāhiya ông quỳ dưới chân Phật, ông nói "Bạch Thế Tôn thuyết pháp cho con, xin thiện thệ hãy thuyết pháp cho con." Đức Phật từ chối và nói "Phi thời rồi, Như Lai đang đi bát không thể thuyết pháp." Ông nói thế này "Bạch Thế Tôn không biết rồi Thế Tôn sẽ viên tịch hay là con sẽ qua đời trước khi con được nghe pháp." Tại sao Đức Phật từ chối? Thật ra buổi sáng hôm đó Ngài đã biết rồi. Ngài biết bữa nay ta đi bát đến quãng đường đó sẽ gặp con người đó; con người này đã tu tập một trăm ngàn đại kiếp được xem khả năng tốc chứng đắc nhanh nhất trong đệ tử của ta và người này gặp ta; ta phải nói cái gì; người này đắc La Hán xong là chết liền không kịp để gặp ta. Ngài biết hết. Nhưng mọi sự diễn ra giống như tình cờ. Ông năn nỉ Ngài 3 lần mà tại sao Ngài từ chối? Vì ông chỉ mới nhìn dung nghi ngoại diện của Ngài niềm hoan hỷ của ông dâng trào. Khi 5 quyền của ông dâng trào thì tín, tấn, niệm, định, tuệ của ông không cân bằng. Bởi vì khi nó trào như vậy cái định nó nằm ở đâu? Cái niệm nó nằm ở đâu? Ngài thấy không được nên Ngài từ chối. Khi Ngài từ chối tâm ông lắng xuống, ngay lúc lắng đó Ngài nói vắn tắt "Thấy chỉ là thấy, ở đây không có ai thấy. Nghe chỉ là nghe, ở đây không có ai nghe. Ngửi, Nếm, Đụng chạm và Suy nghĩ cũng vậy. Chỉ có sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng chạm mà không có ai thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm. Có thấy như vậy thì con mới không bị mắc kẹt trong ở đây kiếp này kiếp sau. Và khi con không bị kẹt trong quá khứ, hiện tại và vị lai thì con không còn chỗ nào để tái sanh nữa." Ngài nói xong ôm bát Ngài đi. Ông Bāhiya nghe như vậy ông bước vào lề đường vô gốc cây ngồi xếp chân, gió thổi lá rụng xuống và ông đắc vừa khít không dư không thiếu. Mình không có duyên gặp Phật và không có duyên xem kinh chánh tạng bằng chữ gốc cho nên mình không ngờ được là kinh điển từng chữ như vậy.

Quote:Khuddakanikāye - Udānapāḷi - 10. Bāhiyasuttaṃ
‘‘Tasmātiha te, bāhiya, evaṃ sikkhitabbaṃ – ‘diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sute sutamattaṃ bhavissati, mute mutamattaṃ bhavissati, viññāte viññātamattaṃ bhavissatī’ti. Evañhi te, bāhiya, sikkhitabbaṃ. Yato kho te, bāhiya, diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sute sutamattaṃ bhavissati, mute mutamattaṃ bhavissati, viññāte viññātamattaṃ bhavissati, tato tvaṃ, bāhiya, na tena; yato tvaṃ, bāhiya, na tena tato tvaṃ, bāhiya, na tattha; yato tvaṃ, bāhiya, na tattha, tato tvaṃ, bāhiya, nevidha na huraṃ na ubhayamantarena. Esevanto dukkhassā’’ti.
Tôi gợi ý này cho các vị tin. Thí dụ như thơ lục bát. Nếu mình nói bằng văn xuôi, văn trường hàng thì mình muốn nói gì nói, muốn xài chữ gì thì xài, nhưng trong lục bát thì không. Khi mình đã làm thơ, thơ thất ngôn tứ cú, hay thơ ngũ ngôn hay lục bát, thì nếu hàng đó là hàng sáu, thì quí vị chỉ ráng mò ghép làm sao mà 6 chữ thôi, phía sau là câu 8, các vị chỉ có 8 chữ để diễn ý dó thôi. Tôi ví dụ như câu thơ của Đồng Đức Bốn :

Vắng em ra ngõ kéo diều,
Ai ngờ được mảnh trăng chiều trên tay.


Ý của nó sâu lắm, ông nói được chuyện tình nhớ gái, nói được chuyện yêu trăng, ông nói được ý và tả được cái tình chỉ trong 2 câu. Còn câu nào hay hơn như vậy nữa? Và trời cho ông chỉ được 14 chữ chia hai, hàng trên 6 hàng dưới 8. Anh phải lay hoay làm sao trong 14 chữ đó anh phải gói được chừng ấy tâm, tình, niềm, nỗi của anh trong đó.
Rồi một câu khác :

Giữa trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa biết để làm gì
Ăn mày bỏ túi rồi đi ăn mày.


Bốn câu đó của Đồng Đức Bốn, tôi mê lắm. Tôi mê ông nói được bao nhiêu tâm tình của tôi. Tôi đi dạy đạo một đời rồi cuối cùng thì sao? Tôi là ông thầy chùa trong ngôi chùa đó, ngôi chùa mà ăn mày là quí Phật tử đến xin pháp. Quí vị yêu cầu dạy thì tôi dạy, yêu cầu giảng thì tôi giảng. Rồi thì sao? Vào nghe pháp cho đã rồi họ cũng quay trở lại cuộc đời phàm tình, rồi vẫn tiếp tục u mê như cũ. Ngày qua tháng lại quay vào chùa nghe pháp tiếp. Mình kêu nhớ nhe cái này quan trọng, cái này xăm lên trán, lấy son viết trong toilet. Mình dặn mỏi mòn mà rồi cuối cùng cũng y như cũ. Y như câu thơ của tác giả. “Lá bùa biết để làm gì, ăn mày bỏ túi rồi đi ăn mày" Gọn lắm. Chỉ có mấy chữ thôi.

Hoặc như Kiều của Nguyễn Du chỉ có một câu rất tục nhưng rất thanh:

“Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.”

Chỉ có tám chữ. Nó bậy vô cùng, sạch vô cùng, sang vô cùng, đẹp vô cùng, gợi tình gợi cảm vô cùng, chỉ có 8 chữ của Kiều thôi. Đó là tác phẩm của phàm phu tham sân si còn một núi, mà nó hay như vậy huống chi là ngôn từ của bậc thánh quí vị?

Bốn trí này không phải vị thánh nào cũng có. Chỉ có ở người nào từng trau dồi thiện pháp tương ứng. Bốn trí vô ngại nói riêng và những thành tựu khác nói chung chỉ có ở vị thánh nào từng tạo ba-la-mật tương ứng.

Thí dụ như muốn có bốn trí vô ngại là vị này từng có nhiều kiếp lưu ý quan tâm thích thú trong việc học hỏi Phật ngôn thì khi vị đó ra đời mới có được pháp vô ngại và nghĩa vô ngại. Vị nào từng quan tâm đến diễn đạt ngôn từ cho người khác hiểu nhanh hiểu dễ, thì đời sau sanh ra khi mình chứng thánh mình mới có được từ vô ngại giải. Khi có được pháp vô ngại giải, nghĩa vô ngại giải, từ vô ngại giải thì tự nhiên sẽ có được ứng khẩu vô ngại. Có nghĩa là vị này nói chạm vô là bật ra một cách suôn sẻ, rành rọt, thao thao bất tuyệt, không bị chướng ngại và đồng thời hiểu trí. Thông ba trí trước thì được gọi là trí thứ tư. Bốn trí vô ngại ở đây mình học được một chuyện đó là trong đường giải thoát nó không phải là số một nhưng nếu vị thánh nào có thì đúng là lợi mình lợi người.
Vị nào có duyên chứng được bốn trí này thì không làm khó thầy dạy mình và cũng giúp nhiều cho người mình dạy. Thí dụ như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài gặp Ngài Assaji nói có một câu là xong, chứ không có đày đoạ ông thầy nổi điên lên rồi mới chịu đắc. Mình học đạo không làm khó thầy dạy mình và sau này mình đắc mình cũng giúp nhiều cho người mình dạy.

Bài giảng của Sư Giác Nguyên ngày 1-8-2018
(X) (140) Hạng Thuyết Trình 10. Vādīsuttaṃ
Nguồn: Facebook Simsapa


Kẻ Thù | | Thinh Văn
Reply
Hành Trì Chánh Pháp

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201909250944&lan=vn

Quote:KTC 6. 5. 69. Vị Thiên Nhân
- Này các Tỷ-kheo, đêm nay có một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy bạch với Ta: "Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn vị Tỷ-kheo đi đến không thối đọa. Thế nào là sáu? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn Tỷ-kheo đi đến không thối đọa". Này các Tỷ-kheo, vị Thiên nhân ấy nói như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.




AN 6. 5. 69. Devatāsuttaṃ
– ‘‘imaṃ, bhikkhave, rattiṃ aññatarā devatā abhikkantāya rattiyā abhikkantavaṇṇā kevalakappaṃ jetavanaṃ obhāsetvā yenāhaṃ tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā maṃ abhivādetvā ekamantaṃ aṭṭhāsi. Ekamantaṃ ṭhitā kho, bhikkhave, sā devatā maṃ etadavoca – ‘chayime, bhante, dhammā bhikkhuno aparihānāya saṃvattanti. Katame cha? Satthugāravatā, dhammagāravatā, saṅghagāravatā, sikkhāgāravatā, sovacassatā, kalyāṇamittatā – ime kho, bhante, cha dhammā bhikkhuno aparihānāya saṃvattantī’ti. Idamavoca, bhikkhave, sā devatā. Idaṃ vatvā maṃ abhivādetvā padakkhiṇaṃ katvā tatthevantaradhāyī’’

Tôn kính học pháp là sao? Ở đây là tôn kính tam học đó. Ở đây thế nào cũng có người ngạc nhiên nói "Ủa sao pháp mà tách riêng tam học?" Không phải. Ở đây là nói trên khía cạnh hành trì. Bây giờ hỏi người cư sĩ có tôn kính pháp không? Có. Nhưng mà qua tới tôn kính tam học thì người cư sĩ không bì được với người xuất gia. Là vì sao? Là vì cái giới học, định học và tuệ học ở người cư sĩ vô cùng hiếm, hiếm khi có cơ hội mà có thể sánh bằng người xuất gia, tôi đang nói người xuất gia đàng hoàng.

Cho nên trong trường hợp này phải hiểu rằng tôn kính pháp tức là một cái niềm tin chung về những gì Thế Tôn đã giác ngộ, đã dạy cho chúng ta. Nhưng mà qua tới tôn kính tam học ở đây tức là tôn kính con đường hành trì của mình, thì về điểm này mình thấy tôn kính pháp thì tăng, tục có thể giống nhau nhưng mà tôn kính điều học thì khác nhau. Là vì sao? Vì người cư sĩ họ có thể coi nhẹ cái giới học, coi nhẹ cái định học, coi nhẹ cái tuệ học. Bởi vì nếu mà họ coi nặng là đã cạo đầu lâu lắm rồi.

Tôn trọng tam học có nghĩa là trân quí từng cái học giới, trân quí từng cái khoảnh khắc thiền định, trân quí từng cái khoảnh khắc quán chiếu tứ niệm xứ. Không có dám lơ là dễ ngươi, không có dám coi nhẹ một phút một giây thời gian. Phải hiểu rằng cơ hội làm người rất khó, cơ hội sa đoạ rất dễ, cơ hội gặp chánh pháp lại càng khó hơn. Phải hiểu như vậy đó.

Có nhiều cái câu mà đáng để chúng ta đọc làm thần chú: "Khó thay được thân người, khó thay gặp Phật Pháp, khó thay có điều kiện học và tu đúng lời Phật". Chớ đừng có tưởng là được thân người rồi gặp chánh pháp là ngon. Nó còn cần hai cái sau nữa: được học chánh pháp và có cơ hội hành trì chánh pháp.

Cho nên mang thân người là khó, được gặp chánh pháp là khó, học được chánh pháp là khó và cái thứ tư đó là có cái cơ hội, cái điều kiện để sống theo chánh pháp, khó vô cùng. Đấy! Có hiểu như vậy mới được gọi là biết tôn kính học pháp là chỗ đó. Học đây là tam học đó quí vị, khó lắm.

Tôi hỏi các vị một câu nhẹ nhàng không có ý gì khác ở đây. Bây giờ các vị trong đây tôi nghĩ chắc nhiều vị cũng khá giả; tới mức nào tôi không biết nhưng mà ít nhất cũng dư ăn, dư mặc, trong đây tôi nghĩ có. Vậy chứ bây giờ các vị tìm dùm cái chỗ nào mà các vị có thể an dưỡng tinh thần, sống buông hết để mà tu tập thiền định trong ba tháng, trong một điều kiện tương đối thoải mái về thức ăn, về nhiệt độ, về phòng ốc, về vệ sinh, các vị tìm ra không? Không phải dễ đâu. Nói thì dễ chứ nó khó lắm. Chứ bây giờ tìm ở đâu? Ở đây ai mách dùm tôi được không? Mách dùm đi, tôi đã nhiều lần có cái ý tôi tìm cái chỗ mà như vậy đó, ước gì có cái chỗ nào mát mẻ một chút, sạch sẽ một chút, rồi ăn uống cũng hơi dễ nuốt một chút, ăn uống đồ Việt Nam. Ở đâu có?

[Image: kalamamodel.jpg]
Thì chúng tôi hy vọng là Kalama sẽ là câu trả lời. Thiền viện Kalama sẽ là cái chỗ mát mẽ, sạch sẽ, có đồ ăn thức uống Việt Nam.

Nói thì nghe đã lắm, nhưng có người họ chống báng mình. Nhưng mà mai này tôi cầu nguyện cho những người đó đừng có bao giờ đặt chân tới Kalama.

Quote:Những phường bất nghĩa xin đừng đến,
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.

___ Nguyễn Bính
Thà để rêu nó mọc nhưng mà xin các vị đừng có mà đại giá quan lâm mà làm rối loạn lòng tôi. Có người còn chửi tôi là đã gọi đó là cái "resort." Cái chữ resort là tôi nói để cho các vị hình dung thôi chứ tiền đâu mà làm resort? … Cái chữ resort đây có nghĩa là bà con giấc trưa ra ngồi, bà con ngồi bà con nhìn thấy nước, thấy sỏi, thấy một tí sen, một tí súng của quê hương trong cái thiền viện đó, nên gọi đó là cái resort. Chứ sort gì đó mà sort? Trong thời gian đầu, một năm tôi về đó tối đa chỉ có ba tháng thôi, rồi từ từ tôi mới về nhiều hơn. Còn chín tháng kia là quí vị ở đó dầm dề chứ không phải tôi. Và tôi không có chức quyền gì ở đó hết.

Nội quy đầu tiên của Kalama

Nhân bữa nay tôi cũng nói trước, một cái điều nội qui bằng vàng, được khắc bằng máu, nội qui đầu tiên treo ở cổng vào Kalama; là tất cả chư tăng vào đây không có nhận tiền bên trong Kalama. Quí vị mà lén lút mà chèn, mà nhét là các vị đang phá hoại, các vị là quỷ phá đàn trai, các vị là ma vương, xin nhớ như vậy. Cái chỗ đó không phải là cái chỗ để mà ông sư nhận tiền của cư sĩ. Muốn cái gì thì nhận ở chỗ khác, hẹn nhau ở ngoài chợ. Bởi vì cái chỗ đó, nếu mà Kalama là cái chỗ các vị đem bao thơ vào trong đó sẽ có nhiều cái bậy lắm.

Thứ nhất, những người đặt chân vào đó chưa gì hết họ sẽ có cảm giác rằng mình phải tốn tiền để cúng dường mà mình thì hỏng có tiền. Đó là cái đáng thương nhất, nhiều người họ ngại lắm. Ở Mỹ, mà quí vị biết, có nhiều trường hợp đau lòng lắm. Người ta không có tiền cash, họ không có tiền tươi, họ không có tiền mặt, cho nên họ đi chùa họ khổ lắm. Nhiều người họ làm gì họ có sẵn? Họ đi làm tiền lương nó chuyển hết vào trong nhà băng của họ. Bây giờ mỗi lần đi chùa, mỗi lần đi gặp ông sư, họ phải chạy đi nhà băng họ rút tiền hay sao? Tội nghiệp lắm. Nên thứ nhất là vì lòng đại bi đối với người nghèo.

Thứ hai, là đối với người có tiền, khi mà họ nghĩ rằng ông sư đang trông đợi mình móc túi cúng cái bao thơ đó, nó mất cái đẹp đi. Các vị mà nhà giàu nghĩ rằng ông sư chắc dòm mình để trông đợi mình cho bao thơ, một suy nghĩ rất là bậy, rất là phạm thượng. Cho nên đối với tên nhà giàu mình ngừa cái suy nghĩ trịch thượng đó. Còn đối với người nhà nghèo thì mình cũng ngừa cái mặc cảm của họ. Cho nên cách dàn xếp đẹp nhất là tất cả tăng ni nào có mặt ở trong cái thiền viện không có nhận tiền và các vị cũng làm ơn không có móc tiền tươi, tiền cash mà bỏ bao thơ cúng cho bất cứ tăng ni nào trong đó.

Mình phải làm sạch cái chỗ này, thì có như vậy, mình nhìn nhau mình mới trọng nhau được. Trọng hai phía, quí vị nhìn tôi quí vị cũng trọng, tôi nhìn quí vị tôi cũng trọng, trọng qua trọng lại. Còn đằng này tôi nghĩ các vị đang coi thường tôi và tôi cũng ngược lại, tôi cũng nghĩ các vị háo danh, háo cái gì đó các vị mới đem cho tiền tôi. Có trường hợp đó. Họ không có cho lén mà họ lựa khi trước đám đông họ cho không hà. Đó là háo danh đó.

Cho nên tốt nhất là một cái điều nội qui được viết bằng máu treo trước Kalama là bà con vào đây không có cúng tiền mặt cho bất có tăng ni nào ở đây. Và tăng ni ở đây cũng không có quyền nhận trong thời gian ở tại đây để tránh mấy cái trường hợp mà người giàu nghĩ rằng mấy vị tăng ni đang trông đợi mình, còn nhà nghèo thì họ cảm, tội nghiệp. Cho nên tốt nhất là phải như vậy, đó là cái điều nội qui đầu tiên bằng vàng, bằng máu được ghi ở trước Kalama, còn lý do tôi đã giải thích rồi.

Khi mà cái chỗ đó là cái chỗ giống như bao nhiêu nơi khác, cứ gặp là móc tiền ra thì nó không có đẹp nữa mà cũng dở lắm. Mình có lòng thương quí nhau dễ ẹc hà. Quí vị cho tiền điện đi, cho tiền maintenance, tiền bảo trì các điều kiện vận hành hoạt động của thiền viện là các vị đã bở hơi tai rồi. Bây giờ các vị chỉ trả tiền cho người ta chăm sóc vườn, tức là dầu có hành giả về hay không thì vẫn có một số năm ba người Miến Điện thường xuyên vào đó chăm sóc vườn, làm cỏ, tỉa hoa, thay nước, quét dọn. Đó! Có ngon thì cúng cái đó. Rồi tiền điện, tiền nước, có ngon thì giúp cái đó. Rồi cái hàng rào Kalama thì tôi phải nói rõ bây giờ mình chỉ có khả năng chạy một góc, một cạnh tường. Bốn cạnh tường mà chúng tôi chỉ chạy được có một cạnh là khu dân cư thôi, chứ còn hai cạnh mà giáp rẫy và một cạnh giáp đường là chịu thua. Đó! Giờ có ngon nhào vô làm cái đó. Chớ đừng có bao giờ tiền đó thì không chịu cho, mai mốt mà gặp tăng ni cứ đè móc ra cho mà trong khi cái chánh, cái lớn thì không chịu làm.

Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thiền Môn Nhật Tụng Kalama | | Si
Reply
Bủn xỉn và Tật đố

https://toaikhanh.com/read.php?doc=202001190251&lan=vn

Có người hỏi Phật: Vì sao mà thế giới này cứ luôn luôn chiến tranh, vì sao chúng sanh cứ giành giật đấu đá nhau?

Thay vì mình trả lời là do Vô minh, Tham ái, Tà kiến, Chấp thủ, cao siêu dài dòng nhức đầu, Đức Phật nói đơn giản thôi, Ngài nói chỉ do 2 nguyên nhân đó là Bủn xỉn và Tật đố.

Bủn xỉn là không muốn chia xẻ gì cho ai hết. Đã không muốn cho người ta đã đành rồi, lại còn thêm Tật đố là không muốn người khác được cái gì và ai cho người khác mình cũng không vui nữa. Tôi đây, tôi Bủn xỉn tôi không muốn chia sẻ cho quí vị cái gì hết. Đó là Bủn xỉn. Nhưng bây giờ tôi thấy người khác cho quí vị cái gì đó tôi cũng không có vui. Thì đó là Tật đố.

[Image: miser.jpg]Hai cái này chỉ có ở người còn Thân kiến mà thôi. Hai cái phiền não này chỉ có ở phàm phu một trăm phần trăm. Chứ đã là Tu đà hoàn thì vĩnh viễn không còn 2 thứ này nữa. Và tôi xin đoan chắc một ngàn phần trăm là bất cứ khi nào ở mỗi cá nhân không còn 2 cái này nữa thì thế giới hòa bình và toàn bộ vũ trụ sẽ được an lạc. Và nếu tình trạng vắng mặt của 2 cái này kéo dài thì tất cả chúng sanh đều chứng A La Hán hết. Dễ sợ chưa? Chỉ cần Bủn xỉn và Ganh tỵ biến mất thì tất cả chúng sanh trong vô lượng vũ trụ đều đắc A La Hán niết bàn hết. Nhưng chuyện đó dĩ nhiên là không có rồi!

Trích bài giảng KTC.7.13 Tùy Miên
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Duyên | | Hôn trầm Thụy miên
Reply
Chìm Nổi

https://toaikhanh.com/read.php?doc=202002010312&lan=vn 

Đức Phật dùng hình ảnh người ở dưới nước để Ngài mô tả các loại chúng sinh.

Hạng thứ 1: Lặn xuống rồi đi mất luôn, chìm luôn không ngoi lên nổi. Hạng này hoàn toàn thành tựu với pháp đen bất thiện.

Hạng thứ 2: Nổi lên rồi lại chìm xuống, tức là trong dòng sanh tử luân hồi nó có may mắn, lâu lâu cũng gặp được bạn lành, gặp được thầy bạn minh sư thiện hữu rồi nghe được một mớ rồi lặn luôn.

Hạng thứ 3: Từ dưới nước nổi lên rồi đứng yên đó, tức là mấy cái loại phàm phu như mình. Cũng có tu rồi đứng yên đó chờ có một người nào đó đi ngang họ đẩy một phát nữa hoặc là kéo vô bờ. Hạng này gọi là hạng thiện phàm phu, nghĩa là chìm thì không chìm mà lửng lửng chờ có thầy bạn tới họ đẩy cho. Thí dụ những người mà gặp được Phật là những người vậy đó, chờ Ngài kéo một tay vào bờ hoặc là Ngài đẩy một tay vào lưng để cho đi tới.

Hạng thứ 4: Nổi lên rồi nhìn quanh, bắt đầu quan sát. Mấy người này có hy vọng lắm, là vì sao ? Bởi khi họ nhìn quanh quan sát coi bến bờ nằm ở đâu, cách họ bao xa và ai là người họ có thể kêu cứu, có thể nhờ cậy. Hạng này được gọi là Tu đà hoàn.

Hạng thứ 5: Vị Tư đà hàm là vị trồi lên rồi bơi tới, bơi vào bờ hoặc bơi về phía trước nhưng mà đại khái là bơi chứ không có đứng yên.

Hạng thứ 6: Vị A na hàm thì trong lúc bơi tìm được cái chỗ để nghỉ ngơi trước khi vào bờ.

Hạng thứ 7: Vị A la hán thì giống như người từ ở dưới nước nổi lên nhìn quanh, bơi tới kiếm chỗ nghĩ ngơi qua hết, vị này đã vào bờ được rồi, đứng trên bờ ngon lành rồi, không còn mắc mớ gì dòng chảy bên dưới chân mình nữa.

Trích bài giảng KTC.7.13 Tùy Miên
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


[Image: 7water.jpg]

Chết | | Ví Dụ Cụt Chân
[Image: blnk.gif]
English
Reply
Dính

https://toaikhanh.com/read.php?doc=201907260029&lan=vn 

Trong Kinh Tăng Chi, phần bốn chi, đức Phật dạy rất rõ:
"Có một điểm khác biệt rất lớn giữa đệ tử Như Lai và những người không phải đệ tử Như Lai.

Đó là những người không phải đệ tử Như Lai: Một là họ chìm sâu trong thế giới của 5 dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc, trong khi đệ tử Như Lai họ có thể tiếp tục sống giữa 5 dục nhưng mà họ chán sợ 5 dục, từ chán sợ đó họ tu tập Bát Chánh Đạo được giải thoát. Hai là có những người biết chán sợ 5 dục, biết coi rẻ, coi nhẹ nó để mà hướng đến đời sống thiền định, nhưng vì không học được Phật pháp cho nên khi họ được một tí ti trong thế giới thiền định là họ đam mê."

Đắc được sơ thiền là chết mê chết mệt trong cái sơ thiền. Chưa kể thiền dưới sơ thiền, chỉ cần mình ngồi thiền mà mình lắng tâm, mình theo dõi hơi thở ra vào biết rõ, đi đứng nằm ngồi biết rõ. Tôi hứa với các vị, bảo đảm với các vị: Nếu các vị sinh hoạt trong chánh niệm, khi không có gì để làm thì ngồi yên theo dõi hơi thở, nếu mà các vị lắng tâm như vậy trong 1 ngày 2 ngày 3 ngày, thì an lạc ghê lắm. Đó là nói thiền quán. Còn bên thiền chỉ mình tập trung như vậy thì các vị sẽ được những cảm giác mà từ xưa đến giờ mình chưa từng có, đó là cảm giác mát lạnh, nó rần rần chạy từ đốt xương cùng chạy lên tới ót, nó rần rần, mát lạnh từng cơn. Có người cảm giác giống như sóng biển, có người họ cảm giác sống biển đang vỗ vào mình, một buổi trưa hè từng cơn sóng mát nó vỗ vào lưng mình. Có người có cảm giác như người họ nhẹ không còn trọng lượng nữa. Tùy căn duyên, có người cảm thấy như họ phát sáng, họ lắng tâm như vậy họ làm như cục sắt xưa giờ họ là cục sắt mà bây giờ đưa vào một nhiệt độ nào đó thì cục sắt nó nhẹ đi, họ cảm thấy họ rũ bỏ bao nhiêu gánh nặng trần ai và bây giờ con người nó nhẹ nhàng, nó bay bổng trong trạng thái không trọng lượng. Cho nên tùy người, có người cảm giác mát mẻ từng cơn, có người cảm giác nhẹ bổng, có người cảm giác phát quang.

Rồi cứ vậy mà mê, cứ ăn rồi cứ chờ thu xếp chuyện nhà xong chạy vô góc ngồi xếp bằng để tìm cảm giác đó, rồi họ tưởng là họ tinh tấn tu hành, trong khi họ không hề biết rằng họ đã bị lụy rồi. Trên hành trình vạn lý họ đã bị chết dọc đường, vì mải mê hái hoa bắt bướm, mà họ không biết. Họ chỉ biết rằng họ đang có mặt trên đường thì họ khá hơn đứa ở nhà đang bắn bi đang đánh đáo, đang tắm sông, đang hái trái, mà bây giờ họ đang là những người có mặt trên đường họ tưởng họ hay, họ thấy rằng họ không còn là những đứa trẻ bắn bi đang đánh đáo, đang tắm sông, đang hái trái, nắn đất như mấy đứa trẻ. Đúng. Họ hơn chúng, họ là những đứa trẻ dám đi trên con đường vạn lý để tìm về một tương lai, một phía trước của người lớn. Nhưng mà họ lại quên, ngay tại đây và bây giờ, trên quãng đường này, rằng họ đang lụy vì con ong con bướm, lụy vì những thứ của đường xa xứ lạ mà họ không biết. Mà trong khi đó, mục đích của hành trình này không phải là hoa bướm trên đường, không phải, mà đích đến ở đàng kia kìa, và họ chết ngay trên đường.

Đó là những điểm khác biệt lớn giữa những người đệ tử của Ngài và không phải đệ tử ngài. Ngài nói đệ tử ngài dầu sống trong 5 dục nhưng vẫn chán sợ 5 dục và lấy cái chán sợ đó làm cái giàn phóng và lấy 5 quyền là Rhenium làm cái nhiên liệu để vọt ra khỏi quỹ đạo sanh tử. Rồi khi đệ tử của Ngài tu thiền, họ cũng chỉ coi thiền đó là định học trong tam học mà thôi, Giới Định Tuệ. Giới học, Định học và Tuệ học. Đệ tử của ngài có đắc cái gì đi nữa cũng chỉ coi thiền như là phương tiện để vọt ra khỏi quỹ đạo sanh tử, thiền coi nó như là Rhenium thôi nhe.

Trong khi đó cái người không phải đệ tử ngài được cái gì? Đụng đâu chết đó, đụng đâu chết đó, giống như con ruồi bị dính trong mật ong vậy đó, đụng là dính, chạm là dính, mà nó dính là nó chết. Cho nên cái chữ citta nó hay lắm quý vị biết không? Nghĩa là chúng sinh hữu tình. Chữ citta chỉ những kẻ có cá tính, có nhân cách riêng, personality. Hữu tình là một đơn vị, một cá thể trong trời đất mà nó có nhân cách, có cá tính riêng - thì gọi là hữu tình. Nhưng chữ citta này còn có nghĩa là dính. Dính là sao? Con mắt của mình luôn luôn trong cái tình trạng kiếm cái gì để nhìn, mà nó thấy cái gì đẹp là nó bị kẹt trong đó. Lỗ tai cũng vậy. Tuy mình thấy mình nhắm mắt vậy đó, nhưng lỗ tai nó ở trong tình trạng tổng động viên, có nghĩa là nó luôn trong tình trạng lắng nghe cái gì đó, cái đó mà hay là nó dính, theo kiểu hay, mà cái đó làm cho nó bực mình thì nó dính theo kiểu bực mình. Có nghĩa là khi các vị thấy một cái gì đó mà các vị thấy có sự khó chịu lúc đó là các vị đang dính. Tôi nói cho quý vị biết. Dính ở đây nó có hai nghĩa, không phải thích mới là dính, mà trong khi người tu đắc thánh không phải hiểu theo từ điển là attachment, mà khi anh ghét cũng là attachment, ghét cũng là kiểu dính mắc, chứ không phải thích mới là dính mắc.

[Image: attachment.png]Tôi nhớ có một đệ tử hỏi: "Sư phụ ơi, tiếng Mỹ hay hơn tiếng Việt Nam, sư phụ ơi, người tu có được quyền xài email không?" Sư phụ nói :"Hoàn toàn được, it is OK until you have an attachment". Attachment nó có 2 nghĩa một là cái file đính kèm, attachment trong email, nhưng attachment này còn có nghĩa là dính mắc. Nên khi đệ tử hỏi sư phụ người tu có sử dụng email được không, thì sư phụ trả lời là được chứ con nhưng mà "until you have an attachment" (nhưng cho đến khi con còn có lòng dính mắc thì con phải stop ngay, stop tức khắc). Hoặc câu đó cũng có nghĩa là con là người tu con có thể xài email được nhưng email cho gọn nhẹ thôi. Chữ "Attachment" hay quá đi nhe.

Cho nên chữ citta có nghĩa là dính. Dính là sao? Đa phần chúng sanh, khi chưa là thánh nhân thì mình luôn luôn trong tình trạng trực chờ để dính. Dính trong hai cách, dính vì ghét và dính vì thích. Và sáu căn của mình luôn luôn trong tình trạng tổng động viên, quý vị biết không? Và khi đứa này làm việc thì các đứa khác trong tình trạng tổng trù bị, có nghĩa là sáu căn không thể cùng lúc làm việc nhưng mà khi con mắt đang mê cái gì đó thì lỗ tai đang trực chờ, anh xong là tới phiên tui à nhe. Theo như A Tỳ Đàm giải thích như vậy. Sáu căn nó dặn nhau như vậy đó, khi lỗ mũi hít cái mùi gì đó, thì lỗ tai nó dặn: anh ngửi xong là tới tui đó nghe, tới phiên tui làm việc, và lúc đó con mắt cũng dặn: mấy anh mà quởn là tui nhào vô. Cho nên ở trong kinh Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo nếu các ngươi đem con cá, con chim, con chồn, con cáo, con rắn, con rít mà bỏ chung vô một chỗ thì nếu có cơ hội thì con cá sẽ tìm về nước con chim sẽ tìm về trời, chồn, cáo, rắn, rít sẽ tìm về lùm bụi, hang hố." Cái vị dụ đó hay quá sức hay. Cũng vậy sáu căn luôn luôn trong tình trạng trực chờ để đi tìm về cái trần nào đó trong sáu trần. Cho nên chúng sanh phàm phu gọi là citta, nghĩa là mấy cái đứa ăn rồi canh me để chờ dính, nên người ta gọi là citta, hay lắm quý vị nhe. Mắt dính cái này, lỗ tai dính cái kia. Dính có hai cách, nó dính bằng cách nó ghét hoặc nó dính bằng cách là nó thích. Xuất sắc lắm.

Phật pháp không chịu học thì thôi, chứ khi mình học Phật pháp cho tới nơi thì sẽ thấy nó lớn chuyện lắm.

Trích KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama tri ân bạn chanvinghiem ghi chép



Gác Cổng Thành | | Dấu ? Dấu !

Reply