Với cá nhân tôi, những cảm thụ riêng về bài viết Dây Oan của sư TK này nó khá đơn giản, dễ hiểu trên một số vấn đề mà sư đưa ra và tôi có thể hiểu được. Lúc trước cũng đã từng coi phim này cũng như vài phim khác của ông đạo diễn họ Kim kia, tuy có nhiều chi tiết tạm cho là khá trần trụi, nhiều cảnh khá ghê gớm nhưng những cái cảm giác ghê gớm ấy nó không hề gây cho mình một điều đặc biệt bằng những điều mà mình cho là trần trụi kia. Có nghĩa là nếu chỉ xét thuần túy về khía cạnh ghê gớm hay gợi dục mà nhận xét thì xin được nói thật lòng, coi một cuốn phim 18+ hay một phim thuộc thể loại kinh dị của đạo diễn Alfred Hitchcock còn hay hơn nhiều.
Giống như ngày xưa còn đi học trong trường, giờ Văn, cô giáo của tôi hay bắt đọc một bài văn, một bài thơ, có khi là một trích đoạn trong vô số tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm ... chẳng hạn, rồi bảo chúng tôi phân tích bài văn, bài thơ ấy dựa vào những cảm nghĩ của cá nhân mình. Dĩ nhiên, tùy vào sự hiểu biết, tùy vào nhận thức của mình khi ấy mà mình tự do phát biểu, có khi nó đúng, có khi nó sai, đôi khi nó cũng khá là "tầm bậy", tỷ như bình câu thơ "Sè sè nấm đất bên đường, Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh." trong truyện Kiều, nhiều tên còn diễn dịch ra cái gì thì tự hiểu nha.
Cũng như ở đây, khi sư TK viết bình luận về cuốn phim The Isle, có nhiều đoạn tôi thật sự chẳng hiểu gì, nhất là những liên quan của cuốn phim đến cái nhìn dưới góc độ của một nhà sư theo đạo Phật chẳng hạn. Cảm nhận của cá nhân luôn khác nhau, tùy thuộc vào cái quan niệm, cái vị trí, cái góc nhìn của từng người, nhưng chắc chắn sẽ có những cái giống nhau và có thể hiểu được nhau. Thí dụ như ở khúc mở đầu:
(2022-08-28, 08:24 PM)anattā Wrote: [ -> ]Dây Oan
Toại Khanh
Tôi sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ của xứ Việt. Nhưng thật lạ, phải gần nửa đời tôi mới bắt đầu nhận ra mình vốn yêu sông nước. Tôi yêu quê từ những miền đất lạ mà mình đi qua, và tệ nhất khi đôi lúc chỉ là những nơi chốn xa ngái mịt mù chỉ nhìn thấy trong sách vở, phim ảnh. Và kỳ chưa, đó cũng là cách tôi yêu đạo Phật. Ăn cơm chùa từ bé, nhưng phải đợi đến những giây khắc nghiệt ngã, khốc liệt nhất bình sinh, tôi mới nhìn thấy được rõ ràng nụ cười vô lượng của đức Phật bất chợt hiện lên đâu đó cuối trời thống lụy.
Tôi đã bao lần bất chợt nghe ra lời Phật từ những nhân duyên tình cờ không ngờ nổi. Một câu thơ thiệt ngộ trong bài thơ dở tệ nào đó, câu nói bâng quơ của một người – thậm chí không biết Phật là ai, một câu hát huê tình đem tán gái quê chưa chắc đã xong... Vậy mà trùng trùng một cõi pháp nghĩa. Đạo diễn Kim Cơ Đức của Hàn Quốc lại tình cờ có khá nhiều những cách trò chuyện lạ lùng, để qua ông, tôi có không ít cơ hội nhìn lại Phật giáo từ những góc cạnh bất ngờ nhất. Có thể nói, tôi đã yêu đạo Phật qua ông theo cách đã từng yêu quê với ông Sơn Nam ngày trước và Nguyễn Ngọc Tư bây giờ.
..................
Mới đọc qua là đã thấy có một sự đồng cảm rồi, bởi tôi cũng sinh ra ở miền Nam, cũng từng nhiều lần lặn lội về miền Tây sông nước, vào tuốt trong trong miệt Thứ, về Năm Căn, ghé Gành Hào..., gặp được những người nông dân ở đó, chân chất, thật thà, đến bữa là phải lôi vào ăn cơm cho bằng đươc, hết cơm sai con đi nấu tiếp, thức ăn đôi khi chỉ là dĩa rau tập tàng ngoài vườn kèm con cá lòng tong nhỏ híu hay con tép đất rim mặn. Và nhất là mấy đứa con nít ở miền Tây đi bộ gần chục cây số đi học, tranh nhau leo qua mấy cây cầu khỉ, còn ở nhà chỉ biết chơi nhảy lò cò, đánh banh đũa, chơi nhảy dây, lấy đâu ra tiền mà mua được cái máy chơi game như trẻ con thành thị?. Nhớ có lần ngồi ăn cơm trưa với gia đình con bé đâu chừng 12, 13 tuổi nhỏ xíu mà đầu óc già dặn còn hơn cô gái đôi mươi, mời cơm tôi bằng một câu nói hồn nhiên, Nhà mình nghèo mình ăn cơm cá rô kho chấm bông súng, nhà người ta giàu họ ăn cơm thịt cơm chả, kệ đi chú.
Rồi có một thời gian những cô gái miền Tây ấy lên thành phố, cố tập thoa son thoa phấn lên mặt, cố tập ưỡn tới ẹo lui, sắp hàng dọc để cho mấy thằng Hàn thằng Đài già cú đế nó săm soi, ngắm nghía, rờ mó chọn lựa. Ai hên có vé đi Hàn, đi Đài, ai xui đi vào mấy cái quán đèn mờ hay dạt ra công viên, ngõ hẻm, đầu đường xó chợ. Ở miền Tây bây giờ đâu có hiếm gì những xóm Hàn quốc, xóm Đài Loan. Có một thời gian câu "Gái miền Tây" luôn ám chỉ một món hàng nổi tiếng từ Nam ra tới Bắc!. Sẽ có người lên giọng đạo đức mà khinh bỉ họ, chê trách họ, không trách được, nhưng ít ai biết đằng sau những việc làm đó luôn có một câu chuyện kèm theo, nhà không có được một cục đất chọi chim, cha yếu mẹ già em thơ nheo nhóc, gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày ngày đè nặng lên vai họ, biết sao giờ?.
Ai ngày xưa có "hân hanh" được học dưới mái trường Xếp Hàng Cả Ngày hẳn còn nhớ đến môn Văn học nói về hiện thực xã hội. Dù sao thì họ cũng rất khôn ngoan, hiện thực xã hội là nói về xã hội của tụi mày ngày xưa hay của bọn tư bản dẫy chết, thí dụ như Người mẹ cầm súng, Đất nước đứng lên, Bỉ võ hay Tắt đèn thôi. Cấm không được phê phán hiện thực xã hội chủ nghĩa của bọn tau, dù cho nó đầy rẫy những hoàn cảnh nghèo khó khác từ Bắc vô Nam mà nếu chịu khó tìm hiểu sẽ biết thôi. Thời buổi bây giờ, cái ổ chó cỏ của chị Dậu được bao tiền mà phải bán?. Bán thân, bán mình nhiều tiền hơn chú ạ. (Nhại lời con bé con của tôi ngày xưa thôi.).
(2022-08-28, 08:24 PM)anattā Wrote: [ -> ]............
Ngẫm đến kỳ cùng, nếu chỉ lấy cái nhục cảm đơn sơ để xem phim, với hi vọng được sướng mắt gì đó, thì vài ba hình ảnh chập chờn trong phim xem chừng cũng chẳng nên cơm cháo gì. Còn nếu chỉ xem qua chỉ để mục kích một cảnh đời tăm tối, thì hình như hơi ác, và cũng chẳng có gì lạ lùng hơn cuộc đời thực bên ngoài. Thế giới bây giờ ở đâu lại chẳng có những mảnh đời kiểu đó. Vậy thì cái nội dung thật sự mà cuốn phim nhắm đến hẳn là, phải cần đến phép đọc giữa hai hàng chữ. Có thể thâm ý của đạo diễn không giống với cách nghĩ của từng người xem phim, nhưng một cách đào xới và ngắm nghía tích cực của mỗi cá nhân, cũng là một thái độ chẳng phụ lòng người viết kịch bản.
Tôi đã bắt đầu bài viết này với một nhắn gửi xa gần về sông nước quê hương, cũng chỉ vì ngay từ lúc gõ tay vào bàn phím, đã thấy trước mắt mình một mặt nước mênh mông, đang mờ nhạt trong màn mưa phủ, có một con đò nát đang trôi, với phận gái trầm luân của một cô lái câm thương mấy cho vừa. Trên hồ, quanh cô, là những căn chòi có kiến trúc thật lạ, khó thấy ở đâu. Vài chiếc thùng phuy được hàn kín để giữ hơi, ngó như những cái phao lớn, và trên đó gắn chặt một căn chòi bằng gỗ ghép đơn sơ. Nếu trên đất bằng, có lẽ khó ai hình dung mình có thể ăn ngủ được trong cái chuồng chật chội đó. Nhưng trên mặt hồ mênh mông, chúng xinh xắn và độc đáo quá chừng.
............
Quá đúng, tất cả nguyên do để có bài viết nói trên dường như chỉ xuất phát từ cái tâm niệm được bôi đậm này. Và tôi tự thấy mình hơi ác khi trước đây xem phim ấy vì mục đích này, đó là muốn mục kích một cảnh đời tăm tối. Và liên tưởng đến nhiều cảnh đời khác có khi còn tăm tối hơn ở cái xã hội mà tôi đang sống, ác quá ác luôn. Người ta chỉ muốn nói về những cái tốt cái đẹp có thể vì hai lý do, một là họ muốn quên cái cảnh đời tăm tối đã từng có ấy, hai là khi họ được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, từ nhỏ đến lớn chẳng biết mùi khổ cực là gì, bây giờ thì chắc không thể nào biết nữa rồi, bởi có ở đó đâu mà biết?. Khỏi cần biết luôn cho khỏe đầu óc. Ra đi là chấm hết, chặt cua là khuất bóng, vậy thôi.
(2022-08-28, 08:24 PM)anattā Wrote: [ -> ]......................
Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức,... Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Và bỗng dưng tôi lại nhớ đến một quy tắc nhỏ trên computer: Start chỗ nào thì cũng Exit chỗ đó.
Toại Khanh
Vietheravada.net
Câu kết này thì tôi hiểu, dường như hiểu khá rõ hơn là mấy đoạn trện thì phải. Riêng cái câu Start chỗ nào thì cũng Exit chỗ đó thì hơi lăn tăn một chút. Bắt đầu ở đâu thì thoát ra ở đó?. Sao không nói Bắt đầu chỗ nào thì Chấm dứt ở chỗ đó há?.
Theo cách nghĩ đơn giản của mình thì xem ra Phật pháp cũng dễ hiểu y như Giáo lý của CG vậy, muốn phức tạp thì nó sẽ phức tạp, còn muốn hiểu đơn giản thì nó cũng đơn giản vô cùng, quan trong bây giờ là cái NIỀM TIN của mình nó quyết định mình nên theo đạo nào mà thôi.
