VietBest

Full Version: Thầy còn nhớ tôi không (Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh)
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Mới đây khi đọc tờ báo xuất bản ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ một bài viết về “Trường Cũ”, tôi thấy được tác giả nhắc tới rằng khi xưa tôi là một học sinh hiền lành. Cho đến bây giờ vẫn được bạn bè cho là con người hiền lành. Chỉ có nhà tôi thỉnh thoảng lại nói, "Anh mà là người hiền!?"

Một điều cố hữu với tôi là đối với các vị lớn tuổi hơn, với các thầy và cô giáo, cũng như các vị tu hành, tôi thưa gửi rất lễ phép. Những điều này tôi làm rất tự nhiên, từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ, không bao giờ thay đổi. Khi còn bậc tiểu học, tôi được học trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chuyện ông Carnot (là Tổng Thống Cộng Hòa Pháp năm 1887) khi trở về làng tới thăm thầy học cũ và nói rằng "Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?" Tôi không còn nhớ là thầy dạy tôi lúc bấy giờ bình luận chuyện này ra sao, nhưng đối với tôi, thực tình tôi cho chuyện này không có gì đặc biệt, giá trị luân lý so với những chuyện khác của người Việt Nam chúng ta như sự tích Lưu Bình-Dương Lễ (kể thêm cả Châu Long) thật là kém xa.

Từ ngày sống nơi khách địa, tôi mới nhận thức được lý do chuyện ông Carnot được kể ra như là một gương sáng đáng noi theo cho người Tây phương. Tôi đã nhìn thấy những người học trò, sau này tiến bộ hơn ông thầy, không những quên những ngày được dậy dỗ mà còn lên tiếng chê bai thầy là kém cỏi. ở trong bất kỳ một công hay tư sở, trong kỹ nghệ, trường học hay ở trong hệ thống chính quyền trên đất nước này, thế nào cũng có những người trẻ ở cấp bậc điều khiển, những người này tất nhiên đã có lần vượt lên trên những người trước kia quản lý hay chỉ dẫn cho mình. Tôi không biết họ còn nói được những câu ân tình với những người đã huấn luyện cho mình hay không.

Riêng tôi thì được may mắn trong tình bè bạn, có lẽ vì sự giao du thân mật của tôi chỉ giới hạn với những người tôi cho là hiền lành. Tôi ở trong quân đội mười bốn năm, sau này dạy học khoảng ba mươi năm, gặp những bạn bè và học trò cũ bao giờ tôi cũng thấy thoải mái. Nghĩa tình đối với những cựu chiến hữu xưa kia cùng chiến đấu dưới một bóng cờ, tôi đã nói đến nhiều trên mặt báo. Giờ đây tôi viết về kỷ niệm với học trò cũ ...

* * *

Một lần tôi ghé sang San Jose, bạn bè mời tới dự một dạ hội. Một vị khách tới chào tôi và nói, "Em là Hải Quân Ðại tá Trần Thanh Ðiền, trước kia học toán với giáo sư ở trường Pétrus Ký." Ðại tá Ðiền là giới chức cao cấp ở phủ Tổng Thống thì ai cũng biết. Còn tôi trước kia có dạy học vài tháng ở trường Pétrus Ký, thì thật ít người biết. Tôi thật không ngờ trong những học sinh trẻ thời ấy, sau này đạt mức cao cấp trong võ nghiệp. Về văn, cựu học sinh trường Võ Tánh ở Nha Trang là anh Trần Huỳnh Châu, sau này là công chức cao cấp trong chính phủ. Anh Lữ Văn Thành, cựu học sinh và cũng là cầu thủ bóng tròn xuất sắc của trường, sau này trong quân đội là sĩ quan liên lạc trong quân đội Việt-Mỹ. Sang Hoa Kỳ sau khi đi cải tạo về, anh viết hồi ký bằng tiếng Anh. Khi đã đăng vài chương trên phụ chương Anh ngữ của báo Người Việt, anh được nhà xuất bản Mỹ chú ý tới. Nghe tin tôi về Nam Cali, các anh và một số bạn học cũ mời tôi đi ăn một buổi có dịp hàn huyên. Sách của anh Thành có lời tựa của một Trung tướng Thủy quân lục chiến Mỹ, và tôi cũng viết mấy lời giới thiệu. Tôi đã viết anh là người đôn hậu và tính tình thủy chung. Khi xưa, trên sân cỏ, khi đã đưa banh qua hàng hậu vệ, anh đá thẳng như sấm sét vào khung thành gỗ. Giờ đây anh viết sách kễ lại chuyện vinh quang trong quân ngũ và buồn tủi trong ngục tù, chuyện xảy ra sao, anh kể lại một cách trung thực, đi thẳng và mạnh vào tâm hồn người đọc, như đường banh khi xưa anh đi thẳng vào lưới.

Bằng hữu Không Quân chắc không ai biết nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê trước kia là học trò của tôi trường Trung học Chu Văn An, có lẽ là vì ít thấy thơ anh đăng trên báo Lý Tưởng của Tổng Hội. Thơ của Du Tử Lê không những có nhiều bài được phổ nhạc mà lại có rất nhiều bài đã được dịch sang Anh ngữ. Tôi luôn mong mỏi nhân tài của mình được các dân khác trên đất nước này chú ý đến. Nếu chúng ta chỉ quần tụ với nhau trong một khung khép kín, kể cả sự luân lưu kinh tế, thì thật không thể tạo nên một sức mạnh nào có ảnh hưởng tới tương lai của đất nước. Tôi lấy một thí dụ dễ hiểu. Hồi tháng 5 năm 1996 tôi được mời tới Hoa Thịnh Ðốn để nhận giải Excellence 2000 Award của United States Pan Asian American Chamber of Commerce. Trong những người được vinh danh ông Harry Wu là một người Trung Hoa tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng quốc tế. Ông bị nhà cầm quyền Trung cộng giam giữ 19 năm, từ 1960 tới 1979.

Năm 1985 ông được đại học California Berkeley mời sang làm giáo sư thỉnh giảng về môn địa chất học. Những sách ông viết trong thời gian ở Hoa Kỳ như "Laogai - The Chinese Gulag" và "Bitter Winds" đã nói lên những sự đàn áp nhân quyền một cách tàn bạo ở Trung hoa lục địa. Năm 1995 ông trở về nước và bị cộng sản bắt ngay, đưa ra tòa, xử 15 năm tù giam. Sau đó vì áp lực của nhiều chính phủ và đoàn thể trên thế giới mà Trung cộng phải trả tự do cho ông, để ông trở sang Hoa Kỳ, bây giờ là một nghiên cứu gia ở viện Hoover thuộc Ðại học Stanford. Ông Harry Wu đã được trả tự do, thường xuyên được phỏng vấn trên đài truyền hình mỗi khi có việc đáng chú ý xảy ra ở lục địa Trung quốc, một phần là ông có quá trình tranh đấu cho nhân quyền, đã diễn thuyết ở nhiều nơi và viết sách được nhiều người đọc, nhưng phần chính là cộng đồng người Hoa chống cộng của họ có ảnh hưởng mạnh ở các quốc gia họ cư ngụ.

Trở lại với Du Tử Lê, thơ dịch của anh đã được đăng trên LosAngeles Times và New York Times. Chúng ta cần có những người như anh, ở đủ mọi nghành, văn học, kinh doanh, kỹ thuật, giáo dục... hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày trong những xã hội mình sinh sống. Mỗi lần được tin người Việt hay Boeing 727 cho dân sự, bay F-16 cho quân đội, hay một phụ nữ làm quản lý cho một công ty lớn, một chuyên gia giải phẫu người Việt đã chỉnh nghiệm được một phương pháp tân kỳ là tôi thấy có niềm vui trong lòng. Tôi mong có ngày nhìn thấy thường xuyên nữ xướng ngôn người Việt trên đài truyền hình. Những tên họ Nguyễn, hay Trần... dưới những bài trên Times và NewsWeek, Du Tử Lê gửi cho tôi mấy cuốn sách mới của anh, kèm theo một lá thư anh viết, đề ngày mồng Một Tết năm Ðinh Sửu. Tuy chỉ kém tuổi tôi một giáp, nhưng anh vẫn xưng là "con", như tôi vẫn thường xưng như thế khi hàng năm viết thư thăm hỏi các thầy cô khi xưa dạy mình ở những lớp trung và tiểu học.

Học trò ngoại quốc của tôi cũng khá nhiều, và có nhiều người có chức vụ quan trọng. Có một lần tôi đi cùng với một ông mục sư Mỹ tới nhà một bà bác sĩ để nhận một ít đồ đạc viện trợ giúp gia đình một chiến hữu mới tới định cư ở tỉnh tôi. Bà bác sĩ này dọn đi tỉnh khác nên định cho bớt một ít vật dụng trước khi xe chuyên chở tới dọn nhà. Sau khi trao đổi ít lời, bà cho chúng tôi gần hết những đồ đạc ở apartment của bà và nói rằng, "Tôi độc thân nên cũng không cần nhiều đồ bằng gia đình này". Ông mục sư nói riêng với tôi, "Những đồ này sang quá! Khi nào có khách, tôi tới mượn lại dùng ít ngày." Khi nghe bà mạnh thường quân này nói là có một đứa cháu cưng vừa được nhận vào học tại trường đại học nổi tiếng Purde University, tôi nẩy ra một ý kiến. Tôi xin bà bác sĩ một mảnh giấy với cái phong bì, viết mấy chữ đưa cho bà và nói rằng, "Thư này để gửi cho một học trò cũ của tôi là giáo sư Ðại học Purdue. Nếu cần gì, cháu bà cứ mang thư này tới, người bạn tôi sẽ hết sức săn sóc cho cậu cháu." Tôi chắc bà không tin tưởng cho lắm ở bức cẩm nang tôi đưa cho bà, và nếu bà bác sĩ có mở thư ra đọc thì trên đó tôi chỉ viết hàng chữ ngắn gọn: "Jim thân mến. Ðã có một lần gia đình cậu sinh viên này giúp tôi một việc. Tôi mong rằng anh và Holly săn sóc cho cậu ta trong thời kỳ học ở West Lafayette." Riêng tôi thì tin tôi tin là người học trò cũ của tôi và vợ anh ta sẽ hết sức giúp cho cậu sinh viên Mỹ nếu được nhờ tới. Anh ta là người bạn hiền và chung thủy với tôi. Nếu không thì xưa kia tôi đã không nhận anh làm môn đệ.

Một lần tôi nhận được điện thoại từ văn phòng khoa trưởng khẩn khoản nhờ tôi giúp cho một việc. Một công ty lớn ở tiểu bang tôi vừa nhận được một công việc lớn ở Ðài Loan và họ đang chuẩn bị đón tiếp một vị chủ tịch công trình này, cũng là trung tướng Không quân, sang để duyệt xét trước khi giao kèo. Ông này là Tiến sĩ Trần Bang Ðạt, trước kia tốt nghiệp ở trường tôi, và có theo tôi học nhiều lớp. Ông đánh điện sang và ngỏ ý muốn trở lại thăm trường và gặp tôi. Ông chủ tịch công ty liên lạc với ông khoa trưởng vì họ là bạn bè với nhau. Ông khoa trưởng giao lại công việc cho tiểu ban ngoại vụ và họ nhờ tôi tiếp đón người học trò cũ và mời ăn trưa thịnh soạn, họ sẽ thanh toán mọi phí tổn. Tôi nhận lời, và vì bà Jean Trần (Cheng) là vợ người học trò cũ của tôi cũng đi theo chồng sang lần này, nhân tiện thăm mấy con trai của họ ở Hoa Kỳ, tôi nhờ nhà tôi đặt một bữa ăn ở một phòng riêng tại một khách sạn của đại học. Tôi cũng mời vào khoảng hơn 20 sinh viên cao học Ðài Loan tới để gặp giới chức cao cấp của họ. Tới giờ hẹn ông bà Bang Ðạt tới thăm chúng tôi ở nhà riêng. Công ty Mỹ đã thuê một chiếc xe Limousine thật dài để đưa đón họ. Cùng tới phòng ăn, người khách phương xa nhất định mời tôi vào ghế chủ tịch, hướng ra phía ngoài. Tuy chuyện trò thân mật, nhưng anh vẫn một niềm lễ phép theo lề lối Á Ðông dầu rằng hiện nay anh quản lý một chương trình hàng mấy trăm triệu Mỹ kim mỗi năm.

Cách đây mấy năm, nhân dịp đi họp ở Viện Hàn Lâm Hàng Không và Không Gian của Pháp, tọa lạc ở Toulouse, một người bạn học cũ ở trường Sĩ quan Không Quân là bác sĩ Ðặng Vũ Hùng khi nghe tin tôi qua Ba Lê, đã cho mấy người bạn Pháp cùng khóa biết. Một người bạn đồng khóa khác là Ðại tướng Guéguen, lúc đó là Tư lệnh phòng không của Pháp đã mời tôi đến thăm bản doanh của ông và ăn trưa cùng với một số sĩ quan tham mưu của ông. Một ông Trung tướng, học khóa sau, khi bắt tay tôi đã hỏi, "Chắc ông không còn nhớ tôi?". Ông ta định nói là ngày xưa khi ở quân trường tôi cũng đã hành ông rất nhiều. Tôi xin nói lại là tôi là con người hiền, xưa nay không hề cậy thế bắt nạt ai bao giờ. Chắc bạn đọc không có thể nghĩ rằng Ðại tướng Guéguen, phi công khu trục Mirage, lại là người rất thấp, chỉ cao bằng tôi mà thôi. Vì thế, khi xưa đứng theo hàng ngũ cao thấp của brigrade sinh viên, ông chuyên môn đứng cạnh tôi. Trước khi từ biệt ra về, tôi và ông ta chụp chung một bức ảnh trước chiếc phi cơ đặt gần cổng. Ông đội mũ cát-két, còn là một đại tướng Không quân hiện dịch, tôi để đầu trần nay là người dân sự, trông trong bức hình ông hơi cao hơn tôi một chút.

Tôi cũng có nhiều học trò là sĩ quan Không quân Hoa Kỳ. Ðặc biệt có người tôi chú ý đến hơn cả là anh Fred Frostic. Thời điểm 68-70 khi học tôi, anh là thiếu tá phi công F-4c Phantom. Sau này anh lên Ðại tá chỉ huy một Không đoàn F-16. Một dạo tôi nghe tin anh đã rời quân đội và trở thành chuyên gia nghiên cứu ở Rand Corporation là cơ quan nghiên cứu chiến lược có uy tín ở Hoa Kỳ. Mấy năm sau này tôi không tin của Fred. Cuối mùa đông năm ngoái, tôi nhận được bản tin hàng tuần loan báo có buổi nói chuyện với diễn giả là "Fred Frostic, Deputy Assistant Secretary of Defense".

Chức vụ này rất lớn. Trước đó mấy tháng, đại hội 96 của hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt-Mỹ đã mời được một vị khách đặc biệt là ông Sid Lawrence J. Goffney, Jr. cũng có chức vụ là Deputy Assistant Secretary of Commerce, thuộc bộ Thương Mại đến làm diễn giả đặc biệt. Tôi đã được nói chuyện với ông và được biết trách vụ của ông thật rộng lớn. Ðiều này thực không lạ vì chính phủ liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm trên 51 tiểu bang và ảnh hưởng nhiều đến thế giới. Tôi đã tới hỏi vị giáo sư phụ trách mời diễn giả hàng tuần thì ông ta nói đúng là anh Fred, cựu sinh viên mà trong văn thư trao đổi ông thứ trưởng bộ Quốc phòng này có nói trước kia làm khảo cứu với tôi.

Theo thường lệ thì diễn giả được mời hay tới trường tôi khoảng 10 giờ sáng để gặp gỡ và thảo luận với một số giáo sư cùng chuyên môn khảo cứu. Sau đó thì một số sẽ cùng khách phương xa và giáo sư phụ trách mục diễn thuyết hàng tuần tới câu lạc bộ ăn trưa trước buổi diễn thuyết ấn định vào buổi chiều.

Sáng hôm sau tôi đến trường như thường lệ, vào khoảng 9 giờ sáng. Cửa phòng của tôi bao giờ cũng mở. Tôi nhớ đến chàng Thiếu tá Không Quân khi xưa, phi công khu trục Phantom F-4c, khá bảnh trai, tuy hoạt bát nhưng thật ra hiền lành. Ðó là theo ý nghĩa của tôi, vì tôi cũng đã đối xử với anh như trong tình bạn giữa những người đã cùng bay bổng trên mây trời. Như Ðại tá Trần Thanh Ðiền, như ông Trung tướng Không quân Trần Bang Ðạt ở Ðài Loan, như nhà thơ Du Tư Lê, như ông giáo sư ở Ðại học Purdue và nhiều người khác nữa tôi đã gặp và đã coi như trong tình bằng hữu. Tôi tin rằng ông Frostic khi tới trường thế nào cũng sẽ tìm tôi.

Ðúng như vậy, vào khoảng hơn mười giờ sáng, tôi thấy anh tới phòng tôi, chào và nói câu tôi nghe quá quen thuộc. Dịch sang tiếng Việt, thì anh đã nói, "Tôi là Frostic đây, thầy còn nhớ tôi không?


Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh