Quote:* Nhân duyên ban đầu :
Ðầu thế kỷ thứ 19, các quốc gia ở châu Âu hùng mạnh lên với sự phát triển của kỹ thuật từ cuộc cách mạng công nghiệp, họ đẩy ra bên ngoài hàng loạt cuộc chinh phạt thế giới dưới sức mạnh của chủ nghĩa thực dân châu Âu, các quốc gia ở châu Á là mục tiêu của họ và họ đã thành công. Ngược lại, tư tưởng Phật giáo (PG) lại có cơ hội để truyền bá sang thế giới phương Tây. Hơn thế nữa, sự khám phá ra kho tàng văn hóa phong phú của châu Á và triết lý độc đáo của PG đã làm thức tỉnh và ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức châu Âu, các cộng đồng tôn giáo và nói chung là các xã hội phía bên Tây bán cầu. Thông qua sự nỗ lực của một nhóm chuyên gia về ngôn ngữ học, các tác phẩm lớn của PG được truyền bá sang Âu-Mỹ trong một thời điểm mà nhiều người đang tìm kiếm một phương cách để trật tự hóa những đổi thay rộng lớn giữa hai lĩnh vực công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Các học giả phương Tây thường phục vụ trong các chính quyền thuộc địa ở châu Á và đây là cơ hội đưa họ đến với PG. Ðáng kể nhất trong số này là ông William Jones (người Iran), ông Charles Wilkens (một dịch giả Sanskrit người Anh), ông A. Csoma de Koros (một nhà ngôn ngữ học người Hungary), ông Houghton Hodgson (người Anh), ông Eugene Burnouf (một dịch giả Pàli người Pháp); đặc biệt trong số trên có ông T. W. Rhys Davids, một chuyên gia ngôn ngữ người Anh, người đã có công sáng lậo nên Hiệp hội Thánh điển Pàli tại Luân Ðôn, Anh quốc vào năm 1881.
* Ðôi nét về ông T. W. Rhys Davids (1843-1922):
Cũng như nhiều học giả PG châu Âu khác, ông Rhys Davids bắt đầu sự nghiệp của mình là một viên chức của Hoàng gia Anh làm việc tại các chính quyền thuộc địa ở trong vùng Nam Á. Tuy nhiên, khi khám phá ra kho tàng trí tuệ PG đang ẩn tàng phía sau những bộ kinh Pàli đồ sộ ở Tích Lan, ông đã quyết định chấm dứt con đường danh vọng của mình mà đi thẳng vào lĩnh vực học thuật và nghiên cứu ngôn ngữ Pàli. Ông đã đậu được bốn bằng tiến sĩ (gồm triết học, sử học, ngôn ngữ học và văn chương) và ông đã cống hiến trọn đời mình cho công trình nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành Tam tạng thánh điển Pàli (Pàli Tipitaka). Năm 1881, ông cùng vợ (bà Caroline Augusta Davids) đã thành lập Hiệp hội Thánh Ðiển Pàli (Pàli Text Society - PTS) tại Luân Ðôn. Ðây là một tổ chức PG đầu tiên tại Anh quốc với sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng Âu châu và Á châu, để nghiên cứu, biên soạn, chuyển ngữ và in ấn kinh điển PG bằng tiếng Pàli và Anh ngữ.
Ngoài việc tham gia công tác phiên dịch, biên tập ..., ông Davids còn biên soạn những sách PG có giá trị như "Từ điển Pàli - Anh" gồm 500 trang, in lần thứ nhất vào năm 1921 và được tái bản vào các năm 1925, 1992 và 1995; "Những câu hỏi của vua Milinda" (xuất bản năm 1890); "Phật giáo, lịch sử và văn học" (xuất bản năm 1896); "Những pháp thoại của Ðức Phật" (xuất bản năm 1899); "Phật giáo Ấn Ðộ" (xuất bản năm 1903)...
Dù bận rộn điều hành công việc của Hội, phiên dịch, biên soạn kinh sách, nhưng tiến sĩ Davids vẫn giữ thời giờ nhất định để đi diễn thuyết khắp nơi ở nước Anh và ở nước ngoài, trong đó Tích Lan và Hoa Kỳ là nơi ông thường xuyên lui tới. Từ năm 1881 đến 1894, ông đến Hoa Kỳ nhiều lần để diễn thuyết bài giảng đầu tiên của ông là "Nguồn gốc và sự phát triển của PG Ấn Ðộ", các đề tài khác là về giáo lý PG theo hệ Nikàya, sự hòa hợp giữa PG và Ky-tô giáo, lịch sử tôn giáo thế giới... Trong mỗi dịp xuất hiện trước công chúng Hoa Kỳ, ông không quên giới thiệu về tổ chức PTS. Ông làm việc không biết mỏi mệt cho đến cuối đời, ông tạ thế vào năm 1922. Lúc ấy, Hiệp hội đã in được 70 quyển kinh sách các loại (cả bản gốc Pàli và bản dịch).
* Hiệp hội Thánh điển Pàli, quá trình hình thành và phát triển:
Vào tháng 5 năm 1882, trong buổi diễn thuyết thứ hai của ông tại Hibbert, tiến sĩ Davids thông báo cho cử tọa biết ý định thành lập Hiệp hội Thánh điển Pàli và được mọi giới nhiệt tình ủng hộ về tài chánh, nên không lâu sau đó PTS đã ra đời tại Luân Ðôn và ông giữ chức Chủ tịch hội đầu tiên. Ðến nay, PTS đã trải qua 100 năm và tính đến nay có bảy người giữ chức chủ tịch PTS theo thứ tự như sau : ông Rhys Davids (sáng lập và làm Chủ tịch Hội từ năm 1881-1922); bà Caroline Augusta Davids, tiến sĩ văn chương (từ 1922-1942); ông W. H. Rouse, tiến sĩ văn chương (từ 1942-1950); ông W. Stede, tiến sĩ triết (từ 1950-1958); bà I. B. Horner, tiến sĩ văn chương (từ 1959-1981); ông K. R. Norman (từ 1981-1994); từ 1994 đến nay là tiến sĩ R. F. Gombrich, trụ sở của PTS hiện nay tọa lạc tại số 73 Time Walk, Headington, Oxford OX3.7AD.England.
Với tôn chỉ vô vị lợi, ngay từ những ngày đầu của Hội, ông Davids đã nhanh chóng tập hợp được một nhóm học giả, các chuyên gia ngôn ngữ học để biên tập lại Kinh, Luật và Luận Pàli. Nổi bật trong nhóm này có các vị như R. Morris, E. Hardy, M. Hunt, E. Muller, J. Minayeff, E. R. Gooneratne, J. E. Carpenter, E. Windisch, W. Trenckner, R. Chalmers, L. Feer, H. Bode, H. Oldenberg, Wilhelm Geiger, E. B. Cowell, P. S. Jaini, E. W. Burlingame, James Gray, J. S. Speyer, Pe Paung Tin... đồng thời công bố danh sách các mạnh thường quân trên khắp thế giới tài trợ cho công trình vĩ đại này, một trong những nhà tài trợ chính cho Hội lúc bấy giờ là vua của Thái Lan. Công việc của Hội khởi đầu được chia thành hai phần : in lại toàn bộ Tam tạng Pàli để bảo tồn giá trị nguyên thủy của nó và tiếp đó là chuyển ngữ ra tiếng Anh để cho thế giới phương Tây tiện bề học hỏi. Ðể cho mọi giới biết rõ mục đích của Hội, nên năm 1882, ông Davids đã xuất bản tờ nguyệt san PTS, tờ báo đã nhanh chóng thu hút giới trí thức ở châu Âu. Thành quả của Hội được ghi nhận vào năm 1900 là in được 42 quyển Kinh, Luận Pàli, tổng cộng có hơn 15.000 trang sách. Ðặc biệt trong số này là các bộ "Thắng pháp tập yếu luận"; "Tăng Chi Bộ kinh" (6 quyển); "Pháp Cú sơ giải" (5 quyển); "Kinh Bổn Sám" (6quyển), "Tiểu Bộ kinh" (Khuddaka Nikàya)... Tiếp đó, các bản dịch kinh Pàli đầu tiên xuất hiện như "Những câu chuyện tiền thân của Phật" do E. B. Cowell chuyển ngữ in từ năm 1895 đến 1907; "Tương Ưng Bộ kinh" (Samyutt Nikàya) gồm 5 quyển, do ông bà R. Davids và ông Woodward chuyển ngữ và ấn hành từ năm 1917 đến 1930; "Tăng Chi Bộ kinh" (Angutara Nikàya) do ông E. M. Hare và ông Woodward dịch và ấn hành từ năm 1932 đến 1936.
Sau thế chiến thứ nhất, dù tài chánh của PTS có eo hẹp nhưng Hội vẫn giữ mức độ làm việc bình thường, các dịch phẩm lần lượt xuất hiện và gây được tiếng tốt trong giới trí thức ở châu Âu. Theo sau sự qua đời của người sáng lập Hội - ông Davids - năm 1922, bà Caroline, vợ ông, được cử làm Chủ tịch hội, bà là học giả và dịch giả Pàli có uy tín. Các dịch phẩm của bà gồm có "Tương Ưng Bộ kinh" (quyển I và II); "Những pháp thoại của Ðức Phật" (3 quyển, dịch cùng với chồng); "Ðạo đức tâm lý PG" (xuất bản năm 1900)... Ðến năm 1942, bà Davids được thay thế bởi tiến sĩ W. H. Rouse, người có công lớn trong việc phiên dịch bộ Jataka (Chuyện tiền thân của Ðức Phật, gồm 6 quyển).
Năm 1950, Hội bầu ông tiến sĩ William Stede làm Chủ tịch, một người từng biên tập và chú giải bộ Culla - Niddesa (1918); hai quyển sớ giải về "Trường Bộ kinh" (Dìgha Nikàya) in năm 1931 và 1932; trước đó ông cũng đã cộng tác với Rhys Davids để soạn bộ Từ điển Pàli-Anh. Năm 1958, tiến sĩ Stede qua đời, bà I. B. Horner được cử vào chức Chủ tịch, người từng làm thư ký cho bà Davids. Trong 23 năm lãnh đạo tổ chức này, bà đã làm nhiều việc để phát triển Hiệp Hội. Các dịch phẩm đáng chú ý của bà là "Trung Bộ kinh" (Majjhima Nikàya, gồm 3 quyển, xuất bản từ năm 1954 đến năm 1959 và tất cả được tái bản vào năm 1995); "Những câu hỏi của Milinda" (Malindapanha, gồm 2 quyển, xuất bản từ năm 1963-1964); "Luật tạng" (Vinaya - Pilaka, gồm 6 quyển, xuất bản từ năm 1938-1966, đến năm 1993 đã tái bản lại toàn bộ).
Bà Horner rất quan tâm đến việc phát triển và mở rộng chi nhánh của Hội ở khắp nơi trên thế giới (hiện nay đã có các chi nhánh như ở Mỹ, Tân Tây Lan, Thái Lan, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện và Nhật Bản. Riêng ở Việt Nam, tuy chưa có chi nhánh, nhưng từ đầu thập niên sáu mươi đến nay, HT. Thích Minh Châu, nhà phiên dịch Ðại tạng kinh Pàli, đã thường xuyên liên lạc với PTS để nhận tài liệu và làm công tác dịch thuật. Tính đến nay, Hòa thượng đã chuyển ngữ và ấn hành hoàn chỉnh năm bộ kinh thuộc hệ Nikàya. TNT).
Trong ba thập niên 60, 70 và 80, Hội tiếp tục phát triển về mọi mặt, đặc biệt là nhân sự, quy tụ nhiều học giả, dịch giả nổi tiếng về Pàli ngữ để phiên dịch và biên tập Ðại tạng Pàli. Ðáng kể trong số này là các vị như Ven. Narada, Ven. Nànamoli, Ven. Walpola, RahulaJ. Jones, P. Masefield, B. C. Law, W. B. Bolleé, R. Handurukande, F. I. Woodward, J. Kennedy, U Ba Kyaw, N. A. Jayawickrama... Các tác phẩm đáng lưu ý trong giai đoạn này là "Sổ tay từ ngữ Pàli trong Tam tạng" của ông E. M. Hare; "Trưởng lão Tăng và Ni kệ" gồm 2 quyển in từ năm 1969-1971; "Pàli ngữ", xuất bản năm 1963, một cẩm nang cho những ai muốn học và đọc tiếng Pàli "Chuyện tiền thân của 10 vị Bồ Tát" của H. Saddhàtissa, xuất bản năm 1975...
Năm 1981, PTS đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hội (1881-1981). Trong dịp này, bà Chủ tịch Horner có đưa ra 4 điểm cần làm để phát triển Hiệp Hội. Thứ nhất, giảm giá thành tất cả các loại kinh sách, từ điển do PTS phát hành. Thứ hai, Hội phải cố gắng tái bản lại những kinh sách đã phát hành hết để kịp thời cung ứng tài liệu cho học giả. Bộ sách "Tự học Pàli ngữ" phải phát hành kèm với băng cassette. Các quyển kinh nhật tụng Pàli cũng phải kèm theo băng tụng để giúp cho người sơ cơ dễ dàng tụng niệm. Thứ ba, Hội phải xúc tiến duyệt lại và thêm thắt từ mới vào bộ Từ điển Pàli-Anh (xuất bản&n lần đầu tiên năm 1921), để cập nhật hóa với những thông tin của thời đại (bộ sách này đã được sửa chữa cẩn thận và tái bản vào năm 1992 và 1995). Thứ tư, tiếp tục giữ mối liên hệ với khoa Ngôn ngữ học và Ðông phương học thuộc Ðại học Cambridge để khuyến khích ngày càng nhiều người quan tâm đến cổ ngữ này và kết hợp với Ðại học Cambridge cấp phát bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngôn ngữ học cho những nghiên cứu sinh hoàn thành luận án Pàli ngữ.
Bà Horner đã từ giã cõi đời vào tháng 4 năm 1981 và ông K. R. Norman được cử vào ghế Chủ tịch để thay thế bà. Công việc phiên dịch và ấn hành kinh tạng Pàli vẫn được tiếp tục không gián đoạn. Ông Norman cho tái bản lại dịch phẩm của chính ông là "Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng lão Ni kệ" (Thera and Therìgàthà, 2 quyển) và bản dịch mới của ông về Ðại kinh Nipàta. Trong nhiệm kỳ 14 năm của mình (năm 1981-1994) ông đã hoàn thành nhiệm vụ khi phối hợp với Hội Truyền bá Chánh pháp ở Thái Lan để thực hiện công việc chuyển toàn bộ hệ thống Tam tạng Pàli vào CD-ROM, hầu bảo trì giáo điển trong một phương tiện cất giữ thông tin của thời hiện đại.
Ðầu năm 1994, ông Norman không thể tiếp tục đảm nhận trọng trách của Hội nữa vì già yếu, và Giáo sư tiến sĩ Richard Gombrich được chọn vào vị trí này. Những thông tin mới nhất về Hội là trụ sở trung ương ở Luân Ðôn vẫn tiếp tục công việc cùng kết hợp với các văn phòng đại diện trên thế giới đang phiên dịch các bộ "Abhidhammàvatàra", "Itivuttaka-atthakathà" và "Bhesajjamanjùsà"... Hội cũng đang biên tập và dịch lại bản dịch "Tương Ưng Bộ kinh" và một cuốn sổ tay về thuật ngữ Pàli trong Tạng Luật. Nhìn lại thành quả của Hội với 195 bộ kinh sách Pàli các loại và hơn 100 bản dịch ra tiếng Anh từ Tam tạng Pàli. Tất cả gồm 300 quyển trên đều được tái bản lại từ đầu thập niên 90 của cuối thế kỷ này. Với kết quả đáng khích lệ như thế nên mọi thành viên của Hiệp hội Thánh điển Pàli tại Anh quốc luôn nhìn về tương lai với một niềm tin lớn lao trên lộ trình góp phần truyền bá lời Phật dạy cho nhân loại.
Tổng hợp từ các tài liệu:
Quote:-- Pàli Text Society, List of Issuer 1996-1997
-- Stephen Batchelor, The Awakening of the West, USA, 1994
-- C. Humphreys, Encyclopedia of Buddhism, Ceylon, 1972.
Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức