Tâm Linh Quán - Xí Xọn Spiritual Cottage.
#34
QueQua Wrote: Wrote:....
Như vậy thì sự khác biệt giữa thiền Nguyên Thủy và Thiền Tông ra sao?

Chúng ta nên nhớ rằng Phật TC không giác ngộ qua pháp thiền mính sát hay tứ niệm xứ. Ngài đã qua một quá trình riêng, và chỉ dạy cho các môn đệ những phương pháp mà ngài nghĩ rằng "hay nhất" sau đó. Ý muốn nói rằng pháp thiền Nguyên Thủy tuy hay, nhưng không phải là pháp "duy nhất."

.....

Nói tóm lại, cách thiền nào có thể mang đến sự "giác ngộ" thì đó là điều tốt miễn là không bị "tẩu hỏa nhập ma" hay theo tà đạo hoặc đi ngược với giáo lý Phật pháp.

Giáo lý PG Nguyên Thủy dựa vào Tứ Diệu Đế, 8 Chánh Đạo để hướng dẫn người thiền ý thức được hành động, tư tưởng, lời nói, để họ luôn làm và suy nghĩ "chánh" trong mọi lúc, đi đứng, nằm, ngồi ...

Giáo lý Đại Thừa dựa vào kinh Đại Thừa như Kim Cang, kinh Bát Nhã, và nhiều kinh khác như kinh Duy Ma Cật, phát triển giáo lý đi vào chiều hướng tâm thức cao hơn, như về "Vô,"  về những điều sâu xa hơn bên trong tâm thức con người và thế giới, vũ trụ theo quan điểm Phật giáo.

Thiền Tông dựa vào những kinh Đại Thừa này để mang con người đến "Ngộ" nhanh hơn qua những nhận thức về bản chất của "Tánh"

Kiến Tánh là gì?  Kiến Tánh có nhiều cấp bậc cao thấp khác nhau, như bước đầu của Kiến Tánh tương đương với thánh quả "Nhập Lưu" bên phái Nguyên Thủy.

Người kiến tánh là người đã được ký nhận,  và sẽ không bị mất hay quên về pháp, cho dù họ có ngưng và luân hồi, họ cũng sẽ trở lại và tiếp tục con đường Đạo.

Nguyên Tắc của Thiền Tông là gì?  Làm sao để "thổi gạo thành cơm?"

Giáo Ngoại Biệt Truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.


Trong bài kệ "tôn chỉ" của Thiền Tông này, ba câu trên rắc rối nên qq sẽ nói sau nhưng câu cuối có thể giải thích như vầy...

Trong PG Nguyên Thủy, từ thánh quả "Nhập Lưu" cho đến thánh quả "A La Hán"  là một con đường dài nhiều kiếp.

Làm thế nào Thiền Tông lại có thể đi từ "Nhập Lưu" cho đến "A La Hán"  trong một kiếp?


Trả lời, theo qq nhận xét, thường thường là không đi hết được. Ngài Huệ Năng trong sách được nói chỉ là Bồ Tát, chứ chưa phải là Phật.

Bởi vì lâu lắm mới có một vị Phật ra đời ...

Tuy vậy được lên hàng Bồ Tát cũng là quá đã rồi, phải không bạn?

Thế thì làm sao từ "Nhập Lưu" lên đến "Bồ Tát" chỉ trong một kiếp?

Xin thưa, nếu bạn đọc trong sách, thường thường tất cả những người tu đều là "tăng"  có nghĩa là những người chuyên tu 24/24 cho nên họ tiến, tinh tấn rất nhanh, nhất là sau khi kiến tánh.

Còn kiến tánh mà ở đời thường thì cũng xìu xìu như bạn Nguyễn Sầu Riêng mà bạn Anatta có nhắc đến.

Như vậy nếu kiến tánh mà bạn là người thường, thì bạn cần phải có một chương trình tu học, hay một con đường vạch sẳn rất rõ ràng, nếu như muốn "Kiến Tánh thành Phật."

[Image: dance.gif] [Image: kiss.gif]


Quote: Wrote:Thiền theo Phật pháp Nguyên Thủy, cũng giống như cách nấu cơm hay pha cà phê truyền thống nói trên.

Còn thiền theo pháp Đại Thừa hay Thiền Tông cũng giống như nấu bằng nồi cơm điện hay pha cà phê tân tiến. Do đó Đại Thừa, Thiền Tông còn gọi là Phật Giáo phát triển.

Anh Annata: 

Trong khi chờ QQ viết tiếp, thì anatta nghĩ rằng nên trình bày những quan điểm của mình từ 2 posts vừa qua của bạn. Viết post này tôi trích ra những lời Phật thuyết để chứng minh, có hơi dài dòng một tí.

1. Theo Phật pháp Nguyên thủy (PPNT) thì Bồ Tát là người chưa chứng đạo, chưa nhập vào dòng thánh Nhập Lưu. Vân còn là phàm nhân và đang hành hạnh nguyện các Ba La Mật. Bậc Nhập lưu thì đã là thánh rồi, không còn là phàm tục (tâm). Xin trích lời Phật để chứng minh: 

"Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là vị Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh đẳng, Chánh giác, Ta khéo thấy như thật chánh kiến: "Các dục, vị ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây nhiều hơn". (Trung Bộ Kinh)

Kẻ chứng Nhập lưu thì chỉ trải qua trong vòng 7 kiếp sẽ chứng ngộ Niết Bàn giải thoát. Có nghĩa là tùy theo căn duyên sâu cạn mà kẻ đó có thể giác ngộ từ nhập lưu cho đến A La Hán được ngay trong kiếp hiện tại, hoặc nhập lưu kiếp hiện tại và từ kiếp thứ hai đến thứ 7 họ sẽ giác ngộ quả vị A La Hán (Phật). Trong Trưởng Lão Tăng Ni Kệ của PPNT có ghi lại rấ nhiều vị đã có quá trình chứng ngộ như vậy (1).

2. Phật Thích Ca đã giác ngộ qua thiền Chánh Định -- tứ thiền -- và ngài giác ngộ do tri kiến và đoạn tận được lậu hoặc phiền não đau khổ, vô minh. Ở tứ thiền, ngài đã hướng tâm và đạt được Tam Minh: túc mệnh minh, thiên nhãn minh, và lậu tận minh cũng gọi là Lậu Tận Trí. Ở Minh thứ 3 này ngài giác ngộ được Tứ Diệu Đế và đoạn tận vô minh: 

"Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: "Ðây là Khổ", biết như thật: "Ðây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: "Ðây là sự Diệt khổ", biết như thật: "Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: "Ðây là những lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát." Ta đã biết: "Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần." (Trung bộ Kinh: Đại kinh Saccaka)

Trước đó thì Phật tu học với hai vị thầy khác, và ngài đạt được Phi Tưởng Phi phi tưởng định. Dù định này đem lại sự an tịnh thù thắng, nhưng ngài thấy nó vẫn còn nguy hại, và khổ, không hướng đến giải thoát: "Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn..." (Đại kinh Saccaka - Trung bộ kinh)


3. Pháp mà Phật Thích Ca tu tập từ trước giác ngộ là Thiền Quán Hơi Thở (ứng dụng trên 4 niệm xứ). Từ đó mà ngài đi vào Định và Tuệ. Tôi nghĩ rằng nên trích lời Phật để chứng minh, dù rằng có hơi dài dòng:

"Này các Tỷ-kheo, Ta trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, Ta trú nhiều với an trú này (Niệm hơi thở vô hơi thở ra); Do Ta trú nhiều với an trú nầy, thân Ta và con mắt không có mệt nhọc, và tâm Ta được giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng thân và mắt khỏi bị mệt mỏi và mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này cần phải khéo tác ý". (Kinh Ngọn đèn, Tương Ưng V).

4. Bạn QQ cũng đã biết rồi, thiền tông thoát thai từ các kinh điển đại thừa. Mà các kinh đại thừa được trước tác bởi các luận sư khoảng một hai thế kỷ trước CN. Và các kinh đại thừa được dịch và du nhập vào Trung Hoa khoảng từ thế kỷ thừ 2 sau CN trở về sau. Như vậy các kinh đại thừa được sáng tác sau khi Phật nhập diệt khoảng 400 năm. Lý thuyết về Tánh Không (Long Thọ), hay Bát Nhã và từ các kinh đại thừa về Như Lai Tạng, hay Chân Tâm, Phật Tánh (kiến Tánh) từ các kinh luận này được kiến giải bởi các thiền sư Trung Hoa và trở thành một đường lối đặc thù thực hành tâm linh (Thiền Tông) của người Trung Hoa. Pháp thiền Tứ Niệm Xứ nguyên thủy của Phật cũng biến mất. Hãy nghe Phật nói thế nào về pháp Tứ Niệm Xứ:

"Này Bà-la-môn, do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn sau khi Như lai nhập diệt, nên diệu pháp không tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, sau khi Như lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài". (Tương Ưng V, tr. 183)

5. Về 4 câu Kệ mà người ta cho là của Bồ Đề Đạt Ma, thì thực ra là không phải. Kệ đó được xuất xứ từ thiền sư Nam Truyền Phổ Nguyện (738-897) (*), đệ tử của ngài Mã Tổ (thuộc đời thừ hai từ Lục Tổ Huệ Năng). Hệ thống 28 vị Tổ Ấn Độ và 6 vị Tổ thiền tông của Trung Hoa là Thần Hội đệ tử của ngài Huệ Năng giả lập nên để hệ thống hóa cho chính danh. Và trong Thiền Luận của Suzuki thì : "toàn là sáng tạo lông bông của những sử gia thiền đầu tiên, hẳn vì khích lệ bởi lòng tin quá nhiệt thành đối với mối đạo chánh thống nên đã luyện ngòi bút tưởng tượng đến cao độ như vậy." (Suzuki, Thiền luận - Tập Thượng). 

Thật ra, Thiền tông, hay PPNT, là do tùy theo sự lựa chọn của mỗi cá nhân, chọn con đường tâm linh cho nào để tu học cho hợp với mình. Nhưng, nếu chọn Thiền Tông thì cũng cần biết xuất xứ của nó.


[Image: 2lbkos0.gif][Image: 2lbkos0.gif][Image: 2lbkos0.gif][Image: 2lbkos0.gif][Image: 2lbkos0.gif]
Reply


Messages In This Thread
RE: Tâm Linh Quán - Xí Xọn Spiritual Cottage. - by Xí Xọn - 2018-02-07, 01:15 AM