2018-10-13, 01:12 AM
Đỗ Hương , 21h17 02/10/2018
"Lời nguyền tử thần" ở hồ đá làng Đại học Thủ Đức đã cướp đi bao nhiêu mạng người
- Khu vực hồ Đá ở làng đại học Thủ Đức trước giờ đã xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm. Chính vì vậy nơi đây được cho rằng có "lời nguyền tử thần" khiến ai nấy khi nghe tới đều lắc đầu hãi hùng.
[url=https://brilliant_trick_to_remove_skin_tags__moles/][/url]
Nhắc đến làng đại học Thủ Đức, nhiều người lập tức nghĩ đến hồ Đá. Hồ Đá nức tiếng gần xa với phong cảnh đẹp, không khí mát mẻ. Đây là nơi lý tưởng cho sinh viên tụ tập và hẹn hò.
Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt và là công trường khai thác đá cung cấp cho ngành xây dựng. Đến năm 1993, công ty khai thác đá di dời đi và để lại 3 hố sâu hoắm không hề san lấp. Sau vài năm, nước mưa đọng lại, cộng với các mạch nước ngầm chảy vào đã biến 3 hố sâu trở thành vùng chứa nước ngọt rộng lớn. Do bờ hồ có rất nhiều vách đá cao, xung quanh đá nhô lên lởm chởm… nên dân trong vùng quen gọi nơi đây là hồ Đá.
Với địa thế trắc trở, nước khá lạnh so với nhiệt độ bình thường, có thể gây đột tử ngay lập tức khi trượt chân té xuống mặc dù biết bơi, hồ Đá là nơi cướp đi mạng sống của rất nhiều người, hầu như năm nào cũng có người chết đuối tại đây. Vì thế hồ này còn có tên khác là “hồ tử thần”.
“Xoáy nước bí ẩn” giữa lòng hồ
Hầu như ít có ai rơi xuống hồ này mà sống sót nổi. Dù thoạt nhìn hồ Đá có vẻ như rất an toàn bởi mặt hồ phẳng lặng như tờ, nước trong vắt, không hề có dòng chảy mạnh hay xoáy nước nguy hiểm nhưng càng ngày, người chết tại hồ Đá lại càng nhiều, khiến người dân vô cùng khiếp sợ. Do có quá nhiều vụ tai nạn chết đuối, cũng như sự hiểm nguy ẩn mình sau cái vẻ thơ mộng, yên bình của hồ Đá, người dân nơi đây đồn đại rằng khu vực này là “hồ ma ám”. Họ bảo rằng do có quá nhiều người chết oan nên vong hồn không siêu thoát được mà cứ lởn vởn bên hồ và “kéo” người đi theo.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, giữa lòng hồ có nhiều “xoáy nước bí ẩn”, nên dù người rơi xuống có bơi giỏi đến đâu cũng không thoát nổi.
Nạn nhân đa phần là học sinh, sinh viên, công nhân sinh sống xung quanh, mỗi buổi tối thường tìm ra hồ Đá vui chơi, hóng mát, tâm sự rồi trượt chân té xuống hồ. Không ít trường hợp người chết do nhảy xuống hồ tắm bị đá ngầm va vào đầu, bị chuột rút không bơi được vào bờ… Càng rùng mình hơn, khi “hồ tử thần” còn là nơi chứng kiến nhiều vụ tự vẫn vì tình của sinh viên, hay những người đến đây để kết liễu cuộc đời mình vì quá chán nản cuộc sống hiện tại... đã để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi cho người ở lại.
Những cái chết thương tâm tại hồ Đá làng Đại học.
Giải mã “lời nguyền tử thần”
Càng nhiều cái chết oan khuất tại hồ Đá thì lại càng nhiều tin đồn rùng rợn về “hồ tử thần” được dựng lên. Có người còn dám khẳng định đã từng thấy “những bóng trắng” bay lơ lửng trên mặt hồ.
Trên thực tế, nhiều người dân sống lâu năm tại đây cho biết, họ hoàn toàn không tin vào chuyện ma quỷ ám tại hồ Đá. Quanh bờ hồ có rất nhiều dốc đá lởm chởm, cheo leo, mũi đá nhọn hoắt… chỉ cần bất cẩn, rất dễ vấp phải đá và rơi xuống lòng hồ.
Dù biết nguy hiểm, rất nhiều sinh viên vẫn leo lên các vách đá để vui chơi.
Theo một người dân sống tại khu vực này cho biết: “Nếu mà rớt xuống hồ, may mắn không bị đập đầu vào đá thì cũng khó lòng mà sống sót nổi, vì nhìn mặt hồ yên vậy thôi, chứ nguy hiểm vô cùng”. Nước tại Hồ Đá quá lạnh, do bị bao quanh bởi những bức tường đá nên khi rơi xuống, người ta khó thể thích ứng ngay được với nhiệt độ và dễ dàng bị chuột rút. Vì mặt nước hồ là “nước đứng”, nghĩa là không có dòng chảy, nên người bị chuột rút khó lòng nương theo dòng chảy để từ từ bơi vào bờ. Nếu không bình tĩnh xử lý thì càng vùng vẫy lại càng dễ bị chìm sâu xuống đáy.
Mặc dù nổi tiếng với nhiều lời đồn chết chóc như vậy nhưng đây cũng là địa điểm chụp ảnh cưới được nhiều cặp đôi lựa chọn vì phong cảnh đẹp, hữu tình.
Nhìn mặt nước yên ả nhưng dưới đáy nước lạnh như đá, trong bán kính chừng 3 mét mà có nơi nước chỉ đến đầu gối, ngang hông, còn có chỗ hố sâu đến hơn hai chục mét. Bởi vậy, nhiều người cứ tưởng gần bờ là cạn, nhảy xuống tắm, sập hố hụt chân chết”. Theo ước tính, thì chỗ sâu nhất của hồ có thể hơn 50m.
Do hồ Đá có địa thế quá nguy hiểm, nên ngoài rào chắn, biển báo, chính quyền địa phương còn tăng cường thêm dân phòng, lực lượng bảo vệ ngày đêm túc trực tại đây. Thế nhưng, tai nạn thương tâm vẫn cứ xảy ra, nguyên nhân chính chỉ vì người dân, các em sinh viên quá chủ quan, coi thường tính mạng. Và dù nguyên nhân của những cái chết tại hồ Đá đã được lý giải cặn kẽ nhưng tin đồn về “lời nguyền tử thần”, “xoáy nước nuốt người” lại có sức lan tỏa nhanh hơn, rộng rãi hơn.
Nhiều người dân không tận tường được sự nguy hiểm của khu vực hồ Đá, cũng như tâm lý tò mò, muốn tìm đến khám phá xem nơi đây “bí ẩn” kiểu gì, “ma ám” ra sao. Vì thế, sau bao nhiêu cái chết trước mắt vì xem thường hồ Đá mà vẫn có kẻ liều mạng nhảy xuống tắm, bơi thi hay đến đây để "giải quyết bế tắc cuộc đời"… để rồi bỏ mạng vĩnh viễn dưới lòng “hồ tử thần”. Thế nên nơi này, ngày càng trở nên âm u, lạnh lẽo và vắng vẻ khiến ai nấy đều sợ hãi mỗi lần đi ngang qua.
Nguồn ảnh Internet