Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Lời Giới Thiệu
Có đôi khi trong cuộc đời, ta gặp được một người thật khác thường mà chỉ bằng con nguời bình thường của chính họ đã làm thay đổi hẳn cách sống của ta. Dipa Ma chính là mẫu người đó. Tôi được nghe nói về Bà lần đầu khi theo học Thiền với sư phụ Anagarika Munindra tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) bên Ấn Độ vào năm 1967. Sư phụ tôi đã rèn luyện Bà Dipa Ma ở Miến Điện khi thầy còn hành thiền và giảng dạy trong chín năm trước đó. Thầy thường kể lại, Bà là một thiền giả được nhiều sự chứng đắc khác thường, mà quí vị sẽ đọc thấy trong tập sách này. Điều mà sư phụ tôi không nói thành lời nhưng lại nổi bật hẳn trong lần gặp gỡ đầu tiên là phong cách đặc biệt của Bà đã làm cảm động bất cứ ai được tiếp xúc Bà. Đó là sự hài hòa của một vẻ bình an thanh tịnh nhất với một tình thương luôn tràn đầy. Sự tĩnh lặng và tình thương đó rất khác lạ với những gì tôi đã kinh nghiệm qua. Cả hai đức tánh đó chẳng phải là cái bản ngã, và chúng không đòi hỏi gì, cũng không cần đến bất cứ gì đền đáp lại. Thật giản dị, trong sự vắng bóng của tự ngã, tình thương và an hòa là những gì còn lưu lại đó.
Dipa Ma làm khơi dậy được trong ta những nỗ lực tốt đẹp nhất chẳng phải bằng những quy luật mà chính vì Bà là nguồn cảm hứng. Bà chỉ cho thấy nhưng gì có thể làm được, bằng cách hãy là những gì có thể được - và điều đó đã nâng bổng lên tảng chướng ngại đang chận ngang các nguyện vọng của chúng ta. Bà đặt niềm tin tưởng chẳng hề lay chuyển nơi khả năng của mỗi ai đang bước trên con đường đạo pháp. Lòng tin cậy đó được trang trải cùng với phương cách biết tùy thuận vào bất cứ cảnh huống nào của chúng ra đang sống kèm theo sự kiên trì nhắc nhở ta luôn phải đào sâu hiểu biết qua công phuthực tập liên tục.
Mặc dầu Dipa Ma chỉ sang Tây phương có hai chuyến, nhưng ảnh hưởng Dipa Ma đối với nền Phật học ở Mỹ Châu thật là sâu xa. Bà là vị nữ thiền sư đầu tiên và hoàn toàn thành mãn theo truyền thống Theravada (Phật Giáo Nguyên Thủy) đã đến giảng dạy trên đất nước này. Dù có tín tâm thật thâm sâu đối với truyền thống, Bà vẫn tin tưởng mãnh hệt rằng các thành tựu về tâm linh của nữ phái (kể cả các bà nội trợ) có thể bằng, hay lắm khi còn viên mãn hơn phía nam giới luôn chiếm đa số trong hàng giáo phẩm. Trong ý hướng đó, Dipa Ma đã trở nên con người mẫu dũng mãnh làm gương sáng cho phụ nữ và cả nam giới nữa. Ảnh hưởng của Bà đối với thật nhiều hành giả vẫn còn âm vang trong cộng đồng đạo pháp
Tôi rất hoan hỉ và biết ơn đối với Amy Schmidt đã cho ra đời quyển sách tuyệt vời này.
Đây là một cơ hội quí báu cho nhiều người trong chúng tôi được nhắc nhở lại những mẩu chuyện, những cuộc gặp gỡ với Dipa Ma và là duyên lành cho những người khác được biết đến Dipa Ma lần đầu.
Joseph Goldstem
Hội Thiền Minh Sát
(Insight Meditation Society)
Tháng Ba năm 2002
Lời Tựa
Di pa Ma, trong ký ức tôi, không chỉ là thầy của tôi mà còn là một phụ nữ, một người mẹ, và một bà ngoại. Tôi nhớ Bà ngồi đó trên sàn căn nhà ở Barre, nơi Bà và gia đình tá túc trong thời gian viếng thăm Insigh Meditation Society. Bà chơi đùa cùng bé Rishi - cháu ngoại của Bà, vui cười với cậu rồi liền đứng dậy đến bên thiền sinh để hướng dẫn họ. Sau đó có thể Bà giặt tay quần áo và đem phơi. Cũng có thể bà đi thiền hành rồi trở về nhà ngồi thiền. Lúc ấy bé Rishi đang chạy quanh phòng, và con gái Bà - Dipa Barua - bận bịu nấu nướng. Còn Dipa Ma, Bà ngồi đấy, ngay giữa những náo động xôn xao kia, an nhiên hành thiền. Khi có một ai ngồi xuống trước mặt Bà, Bà khoan thai mở mắt và tưới mát họ với tia nhìn ngập tràn yêu thương ân phước của Bà. Cứ như vậy, Dipa Ma đã giảng dạy hướng dẫn chúng ta, với nhiệt tâm ân cần, với vẻ binh dị, và với lòng từ bi vô lượng của Bà.
Đã rất nhiều lần tôi nghe tiếng Bà thì thầm bên tai, khuyến khích thúc giục rồi vươn lên, khai triển tất cả khả năng tôi có thể có được, nhất là những khả năng của tâm từ ái và bi mẫn. Bà là tấm gương tuyệt vời nhất về lòng từ bi đã được nẩy mầm giữa đau thương thống khổ của cuộc đời và từ đó thực chứng và thăng hoa, khiến những dấu ấn hệ trọng nhất của một thời khổ đau đã qua không còn là đau khổ nữa. Mỗi khi lòng tôi ngần ngại lo âu vì sắp phải phơi bày tâm tư với một ai, tôi lại thấy hình ảnh của Bà vừa ra khỏi thiền định giữa căn phòng ồn náo, dịu dàng chúc phúc người đối diện. Tôi nghe tiếng Bà khích lệ tôi. Và rồi ngập tràn trong ân phước của Bà, tôi vượt lên trên mọi nỗi lo âu sợ hãi và tìm được trong tôi những hạt giống từ tâm, qua hình ảnh của Bà, vì Bà chính là hiện thân huyền diệu của tâm từ ái.
Sharon Salzberg
Lời Mở Đầu
Tìm Gặp Dipa Ma
Rất lâu trước khi tôi chưa được nghe nói đến tên Bà, thì Dipa Ma đã kêu gọi tôi rồi.
Khi tôi lên mười chín tuổi, có ai đó đã trao cho tôi quyển Tất Đạt Ta (Siddhartha) của Herman Hesse. Tôi đã đọc bốn lần và gạch dưới hầu hết mỗi câu. Quyển sách đã đem cho tôi niềm hy vọng. Sách nói - và tôi mong mỏi gần như tuyệt vọng điều đó là sự thật - rằng có một con đường để vượt ra khỏi sự khổ đau, rằng giải thoát ngay trong kiếp sống này là chuyện có thể thực hiện được.
Tôi đã bắt đầu thực tập Thiền Chỉ, nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy con đường đi vào Giáo Pháp (Dharma), hay là Phật Pháp, mãi cho đến năm năm về sau. Tại phía sau ngõ hẻm một tiệm cà phê hiệu Allegro, ở tiểu bang Seattle, tôi nhìn thấy tờ cáo thị của một nhóm học pháp, dán trên bản thông báo của họ. Tò mò, tôi liền ghé vào Có ai đó đã chỉ dẫn tôi cách tọa thiền.
Ngay lúc đó, tôi cảm nhận rằng tôi đang tìm gặp được một chút gì sâu xa, đầy ý nghĩa, trong sự thực tập này, khiến tôi biết ngay là tôi cần phải ở nán lại. Một vị sư từ Thái Lan đến viếng nhóm bạn đạo và giảng về sự giác ngộ. Vị ấy nói mục tiêu của việc tham thiền là sự giác ngộ mà không gì có thể mô tả được, vượt khỏi thân và tâm, vượt khỏi mọi sự khổ đau. Điều làm tôi băn khoăn chính là những gì vị sư ấy còn chưa diễn đạt được bằng lời: một vẻ im lặng kỳ bí bao trùm bởi vị ấy nói, một sự an tĩnh sâu xa trong đôi mắt người. Đêm ấy, đi bộ dưới trời mưa về nhà tôi bị một cảm giác mạnh mẽ bắt tôi đứng dừng lại. Dưới cơn mưa tầm tã xối xả trên mặt tôi giữa màn đêm tăm tối, tôi phát nguyện, sẽ dành trọn cuộc đời của tôi, để tìm cho được sự giác ngộ. Cho dù phải trải qua bao lâu, cho phải gánh chịu những gì, tôi quyết chẳng dừng lại cho đến khi tôi thể nghiệm được sự an tĩnh đó cho chính tôi.
Thỉnh thoảng có nhiều vị sư Phật giáo đến viếng nhóm chúng tôi: một vị đã được truyền giới ở Miến Điện (nay là Myanmar), nhiều vị theo truyền thống Thái Lan. Các vị đã đến đây bao giờ cũng là nam tu sĩ cả, lúc nào cũng nói về các bậc đại sư của họ, cũng lại thuộc nam giới. “Vậy chớ, trong tông phái, các phụ nữ ở đâu rồi?”, tôi lấy làm lạ tự hỏi. “Còn tôi tìm nữ bổn sư ở đâu?”
Hi vọng tìm học thêm về nữ giới trong Phật giáo, tôi bắt đầu tìm tòi trong các kinh, sách Phật, điều đó lại càng làm cho tôi nản lòng. Chẳng những kinh sách ít nói tới các nữ tu, mà các bản cổ văn còn lại thường để lộ một cái nhìn xem nhẹ phụ nữ chúng tôi. Rồi cũng như bao người đàn bà vào thời đại đó, tôi liền xếp lại các quan niệm về vai trò kiểu mẫu của nữ Phật tử, và chỉ biết lăn mình vào sự thực tập của chính mình thôi.
Sau năm năm cố gắng chẳng ngừng, tôi bắt đầu cảm thấy cần phải có những khóa tu tích cực dài ngày. Nhiều bạn hữu mách cho tôi về khóa thiền ba tháng mùa Thu hàng năm tại Hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation Society)ở Barre, tiểu bang Massachusetts. Tôi xin ghi tên tham dự và được thâu nhận. Ba tháng tịnh khẩu nhiều bạn tôi nghĩ, có lẽ tôi đã khùng rồi! Đó là năm 1989.
Trung tâm thiền quán do thiền sư Sharon Salzberg, Joseph Goldstein, Jack Kornfield và các người khác thành lập, được các cánh đồng và khu rừng nhỏ bao quanh. Ngôi nhà chính nguy nga, kiến trúc theo xưa bằng gạch, vốn là tư dinh của vị Thống Đốc được xây vào năm 1911 .
Sau khi rộn ràng mở mấy thùng hành lý ra và đến gặp người bạn Thụy Sĩ ở cùng phòng xong tôi được hướng dẫn đi thăm viếng nhà ngang dãy dọc, nơi mà tôi sẽ an trú và thực tập thiền trong những chín mươi ngày sắp đến. Thoáng nhìn quang cảnh, tôi nhận thấy nhiều tượng Phật và hình ảnh các vị thiền sư, những tượng ảnh đầy ý nghĩa khích lệ tâm linh được an vị trong các trang thờ ở góc tường. Tất cả đều là hình ảnh của nam giới.
Rồi bỗng nhiên, tôi nhận ra nơi góc tường của thư viện bức ảnh của một người đàn bà Ấn Độ mặc y phục trắng, ngồi giữa sân cỏ xanh mùa hạ, trông như một vầng mây bạc. Bà mang kiếng cận gọng dầy bị hư dán miếng băng keo nhỏ. Xuyên qua đôi kiếng trắng tỏa ra một luồng nhãn quang thật hết súc an tịnh và từ bi mà tôi chưa hề bao giờ được nhìn thấy. Chẳng thấy ghi tên bên dưới bức ảnh, nhưng tôi biết ngay là tôi đang chiêm ngưỡng một bực thầy, một người, phải, đã đạt giải thoát cùng sự an tịnh thâm sâu trong nội tâm. Tôi băn khoăn chẳng biết rồi đây các thiền sư của tôi sẽ nói về Bà hay không: tôi tự hỏi có thể nào Bà sẽ làm bổn sư cho mình chăng?
Tôi không phải chờ đợi lâu câu giải đáp. Chỉ sau vài ngày đầu khóa thiền, các thầy dạy bắt đầu nói đến người phụ nữ trong tấm hình. Khuê danh Bà là Nani Bala Barua nhưng mọi người đều gọi Bà là Dipa Ma (“Má của Dipa”), Bà vừa mới từ trần hai tuần lễ trước. Mỗi người trong năm vị thiền sư ở đây đều biết Bà với tư cách cá nhân và thương yêu Bà rất sâu đậm. Hai vị đã là đệ tử của Bà trong gần hai mươi năm. Nỗi đau buồn khi Bà mất vẫn còn nau náu trong tâm họ.
Tôi thật bàng hoàng khi biết chẳng bao giờ gặp được người phụ nữ đó nữa. Nhưng đồng thời lại bừng sáng nơi tâm tôi ý nghĩ này: xuyên qua các mẩu chuyện tôi đang nghe được và qua nguồn xúc cảm nơi các thiền sư đã trao truyền đến tôi, Dipa Ma hiện đang trở thành vị bổn sư của tôi.
Tôi cảm thấy có một sự liên hệ thân thuộc cùng Bà, với những điểm giống nhau giữa hai cuộc đời của Bà và của tôi. Đời Bà đã trải qua nhiều nỗi khổ đau cay đắng, mới mười hai tuổi đã phải rời gia đình về nhà chồng, theo phong tục tảo hôn của Ấn Độ. Đời tôi cũng bị hoàn toàn xáo trộn một cách đột ngột vào năm mười hai tuổi: một buổi sáng, tôi thức giấc để khám phá ra mẹ tôi, người mà tôi trìu mến thiết tha nhất vừa tự tử hụt đêm qua. Mặc dầu mẹ tôi chẳng thành công trong việc tự sát mãi cho đến nhiều năm về sau, nhưng biến cố đó đã gây bao ảnh hưởng thật tai hại cho tôi. Giống như Dipa Ma, tuổi niên thiếu của tôi đã chấm dứt thình lình trong một đêm. Nhiều biến cố khác trong tuổi đôi mươi của tôi cũng mường tượng với những sự mất mát và tranh đấu mà Dipa Ma đã trải qua, trước khi người tìm ra đường lối tu tập thiền định.
Khi còn thơ ấu, tôi rất thích các câu chuyện của những người Mỹ gốc Phi Châu mặc dầu gặp bất hạnh nhưng đã vượt qua khỏi các sự thống khổ của họ để vươn lên thành những lãnh tụ và những đạo sư vĩ đại. Mahalia Jackson, Martin Luther Kinh, Malcolm X, Paul Robeson, Marian Anderson, Frederick Douglass, Rosa Park đều là những nam, nữ thần tượng của tôi. Tôi muốn biết bằng cách nào mà Dipa Ma, một người nội trợ tầm thường, đã khắc phục được mọi khó khăn tự bản thân đã vượt bao ràng buộc khắt khe của chế độ phụ hệ trong nền văn hóa Á Đông, để rồi dấn bước vào con đường thiền tập và giảng dạy lại cho nhiều người khác, theo phong cách rất khác lạ với thời đại của Bà. Mặc dầu Bà chẳng hề tự xem mình là lãnh tụ đấu tranh cho nữ phái, hay cho một thiểu số nào, Dipa Ma cũng gợi lên cho tôi nhớ đến các thần tượng hồi tôi còn bé, với tấm gương can đảm dũng mãnh của Bà trước nghịch cảnh.
Tôi khao khát được theo gót chân Bà. Tôi muốn biết tất cả về Bà. Tôi đến gặp Joseph Goldstein khi mãn khóa ba tháng và hỏi ông hay một vị thiền sư nào khác, có ý định viết về đời Bà Dipa Ma không. Không, ông đáp, và cũng không biết ai có ý định đó. Thật tình, ông không có thời giờ để làm việc này. Rồi, với một giọng nhiệt tình cố hữu ông nói tiếp: “Bạn nên làm việc đó đi”
Ngày lại ngày, tôi nghiền ngẫm đề nghị do Joseph gợi lên. Làm sao mà tôi có thể viết về một người mà tôi chưa hề gặp gỡ? Nhiều bạn hữu chỉ cho thấy rằng, hằng triệu người học giáo pháp của Đức Phật từ hơn hai mươi lăm thế kỷ, chỉ có một nhóm nhỏ người đã được thân cận với Ngài.
Điều đó cũng đúng với Chúa Jésus, với Mohamed, và cả với các vị lãnh đạo tâm linh khác nữa. Các mẩu chuyện về các Ngài, chính là những bản văn sống động của các Ngài.
Và như thế là tôi bắt đầu công cuộc sưu tầm về Dipa Ma qua các trần thuật của những ai đã biết Bà. Trong tám năm, tôi đã kết tập những mẩu chuyện về Bà từ các đệ tử của Bà tại Mỹ quốc, tại Ấn Độ và Myanmar (Miến Điện).Mỗi một bước đi trong hành trình, mỗi chuyến gặp gỡ, mỗi phút chia tay, mỗi lời trò chuyện, mỗi khi nhắc nhở kỷ niệm, tất cả đều đượm nồng tình thương: tình thương đối với Dipa Ma, tình thương về pháp đạo, tình thương về cuộc sống quí báu này.
Đúc Phật có mô tả Giáo Pháp như “khéo đẹp ở đoạn đầu, khéo đẹp ở đoạn giữa, và khéo đẹp ở đoạn chót.” Khi tôi được người khác kể lại các mẩu chuyện, lời giảng dạy của Dipa Ma càng lộ ra vẻ khéo đẹp ở lần này và ở nhiều lần khác nữa. Ngay cả sau khi mất, Bà vẫn còn sống mãi trong lòng người. Có lắm đệ tử bảo rằng họ vẫn còn được chính Bà dẫn dắt cho trong việc tu tập của họ. Vài người mặc dầu chưa hề được gặp gỡ Bà lần nào, thuật lại rằng họ đã được Bà giúp đỡ trong thiền tâm của họ, hay đã thấy Bà đến viếng họ trong giấc mơ. Đôi người nói đã lắng nghe được tiếng của Bà; có kẻ bảo họ cảm được sự hiện diện của Bà. Tôi xem các điều huyền diệu này như là những món quà của sự ân sủng. Cho dầu chúng ta đang cảm thấy quá bơ vơ lạc lỏng nơi nội tâm chúng ta, hoặc cho dầu tình trạng thế giới có tuyệt vọng đến đâu đi nữa, cho dầu chúng ta đang ở bất cứ đâu, cho dầu chúng ta có biết đến hay chẳng biết đến, luôn luôn chúng ta đều được ngập tràn ân phước.
Mong sao các mẩu chuyện sau đây sẽ dẫn dắt bạn trong chuyến hành trình tâm linh của bạn!
Mong sao tất cả mọi chúng sinh đều được giải thoát!
Còn tiếp
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
HẦN I: CUỘC ĐỜI LY KỲ
Chương 1: SANH TRONG ĐẠO PHẬT
“Nào có gì đáng bám víu trên thế gian.”
Nani Bala Barua sanh ngày 25 tháng 3 năm 1911, tại một làng thuộc miền Đông xứ Bengal, gần biên giới Miến Điện. Vùng Chittagong có đặc điểm là nơi hòa hợp các truyền thống tôn giáo; tín đồ ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo chung sống hài hòa bên nhau. Nền văn hóa Phật giáo tại đia phương này có lẽ là di sản chưa bi đứt khoảng còn sót lại từ thời Đức Phật.
Gia đình của Nani thuộc thi tộc Barua, dòng dõi của những người theo đạo Phật nguyên thủy từ Ấn Độ. Mặc dầu việc thực tập thiền định đã gần như bi thất truyền ở đây vào thời Nani ra đời, nhưng còn một số gia đình vẫn tiếp tục giữ gìn các nghi thức và tập tục Phật giáo; trong số đó có gia đình của Nani, cha là Pumachandra, và mẹ là Prasana Kumari.
Là chị cả trong sáu người con trong nhà. Nani rất thân thiện với các anh chị em trong gia quyến và là đứa con được quí mến nhất trong đại gia đình. Nani và mẹ, cả hai đều tác tháp nước da mơn mởn, luôn luôn quấn quít nhau thật khắn khít. Nani nhớ lại, mẹ rất âu yếm và trầm lặng, còn cha là một người đàn ông rất nguyên tắc chưa hề chịu nhượng bước trước một điều nào mà ông cho là sai trái. Dù cha có nghiêm khắc, Nani đối với cha cũng luôn luôn trìu mến.
Gia đình Nani thưởng hành hạnh đàn na (bố thí). Cha mẹ Nani hay cúng dường thực phẩm cho tu sĩ Phật giáo, Bà La Môn giáo, và cho tất cả những ai đi khất thực. Chính nhờ nơi hạnh này của cha mẹ mà cô bé Nani đã học được ý nghĩa của sự bố thí: khi đem cho, chẳng nên phân biệt; nên cho khắp mọi người.
Ở tuổi ấu thơ, Nani đã tỏ lòng tôn kính các nghi thức Phật giáo. Nani thường thích đi chùa và cúng dường chư tăng. Mặc dầu trẻ con phải đứng nép xa khi có các vị khất sĩ đi qua, nhưng vì lòng quá mộ đạo Nani được phép đến gần chư tăng dâng thực phẩm, rửa chân quí thầy và ngồi gần bên cạnh khi các vị ấy thọ thực.
Nani thích ở một mình, ít khi nô đùa với các trẻ khác. Nani thường chơi với búp bê, nhưng đặc biệt say mê việc tạo tượng Đức Phật. Trong khi trẻ gái Ấn Độ lo giả bộ nấu nướng, Nani lại nướng theo trì tưởng tượng mà tạo thực phẩm, hoa quả cúng Phật, lau dọn bàn thờ, và quì lạy theo các lễ nghi tôn giáo.Gia đình Barua ở gần hồ nước, ở bên kia bờ có một ngôi chùa màu sắc sáng chói mà Nani thưởng đền viếng thăm hiến cúng. Nani nhớ lại rằng lòng mộ đạo đó đã đến với mình một cách tự nhiên, chớ chẳng hề do sự thúc giục của mẹ cha.
Chẳng những không thích nấu nướng, Nani lại còn ít ăn nữa. Đã biết bao lần mẹ của Nani dỗ dành Nani ngồi lại để ăn uống trong một bữa cơm thường ngày. Nani trái lại, chỉ muốn dùng một trái cây hay một chiếc bánh bích quy thôi. Nani thường hỏi mẹ: “Mẹ có đói bụng không? Đói thì ra làm sao, hở mẹ?”
Ngược lại, lòng khao khát học hỏi của Nani thật là không bờ bến. Mặc dầu phong tục trong làng không gởi con gái đến trường, nhưng với Nani chẳng có gì ngăn cản được. Ngay cả khi đau yếu, được dặn phải ở nhà hôm đó, Nani vẫn lẻn trốn đến lớp học. Chiều chiều, Nani ngồi bên bàn với cha, nhờ cha chỉ dạy thêm bài vở trong trường, trong khi các đứa trẻ khác chẳng buồn mang sách về nhà.
Vào thời đó ở Ấn Độ, tuổi thiếu niên của các cô gái bị chấm dứt rất sớm. Nhũng em may mắn được đến trường cũng không được phép tiếp tục học qua lớp năm. Theo đúng tập tục bấy giò, Nani phải lấy chồng khi vừa có kinh nguyệt lần đầu. Thế nên, vừa lên mười hai, Nani đã bị kéo ra khỏi lớp học để kết hôn với một người đàn ông tuổi đã hai mươi lăm. Vị hôn phu của Nani là Rajani Ranjan Barua, kỹ sư, ngụ tại làng Silghata gần bên. Đúng theo phong tục, sau lễ cưới Nani liền được đưa ngay sang với gia đình bên chồng. Nani nhớ nhung cha mẹ vô vàn. Thảm thương hơn nữa, người chồng lại rời ngay sang Miến Điện làm việc. Nani sống trơ trọi một mình với gia đình chồng bên cạnh những người khó tánh mà Nani ngán sợ. Đôi khi được trở về thăm cha mẹ, nhưng người bên chồng đã vội đi qua bắt lại.
Sau hai năm buồn bã, vừa lên mười bốn, Nani được đưa xuống thuyền đi sang Rangoon (nay là Yangon, thủ đô của Miến Điện), để bắt đầu cuộc sống tại một nước mới, với người chồng, chỉ được quen biết nhau không quá một tuần lễ. Vừa bước ra khỏi thuyền, người con gái quê mùa nhút nhát đã bàng hoàng trước khung cảnh mới chung quanh, Rangoon là một đô thị ồn ào, xa lạ với biển người mặt mũi chưa hề quen thân, với một ngôn ngữ mà Nani chẳng thể nào hiểu được. Buổi đầu, Nani cảm thấy hết sức bơ vơ, luôn khóc nhớ đến quê hương và gia đình.
Cuộc sống lứa đôi cũng có nhiều thử thách. Mặc dầu Nani được cha mẹ và các cô dì dạy cho rất tận tình tỉ mỉ công việc nội trợ, nhưng chẳng ai nói tiếng nào về vấn đề tình dục. Được chồng, chính là người thứ nhất đã nói về vấn đề ấy với mình, Nani thất kinh, bối rối và hết mực thẹn thùng. Trong năm đầu chung chăn gối, Nani sợ chồng khủng khiếp. May là Rajani lúc nào cũng tỏ ra ân cần mềm mỏng và săn sóc đến vợ, chẳng bao giờ ép vợ theo ý dục của mình. Rồi từ từ, niềm tín cẩn được nẩy nở giữa hai người, Nani bấy giờ xem chồng như là một người hiếm có. Cùng với năm tháng trôi qua, cả hai cảm thấy yêu nhau tha thiết. Vào những năm về sau, Nani thường nói mình đã kính trọng Rajani như một vị thầy đầu tiên của mình.
Tình nghĩa đằm thắm của đôi vợ chồng, tuy nhiên, lại bị khuấy động bởi một vấn đề cực kỳ đau khổ: lòng mong mỏi nơi mỗi người đàn bà Ấn Độ có được một đứa con, con trai càng quí, một năm sau khi lấy chồng, đúng theo phong tục bổn xứ; thế mà hết năm này sang năm nọ, Nani vẫn chưa có thai. Nani đi thăm nào bác sĩ, nào thầy lang, nhưng chẳng ai tìm ra được nguyên nhân hiếm muộn. Điều này khiến cho Nani cảm thấy tủi hổ và đau khổ. May thay, Rajani lúc nào cũng âu yếm, ân cần và nhẫn nại, chưa bao giờ thúc hối Nani hay phàn nàn sao chẳng sanh con.
Dẫu rằng Rajani chấp nhận việc không con cái, nhưng gia đình bên trong và bên ngoài, lại chẳng chịu như vậy. E rằng vì Nani mà tông đường thiếu người nối dõi, họ lấy cớ người nhà bị bịnh, gạt Rajani phải về Chittagong để kịp thăm. Về đến nơi, Rajam được thông báo là người vợ mới đang chờ chàng và lễ cưới đã sẵn sàng. Rajani từ khước. Chàng bảo thân nhân: “Khi kết hôn với Nani, tôi không hề buộc nàng phải có con, bằng không tôi sẽ bỏ nàng. Đó đâu phải là một điều kiện trong hôn ước của chúng tôi. Nay cưới vợ khác là bất công, tôi không thể nào xa lìa nàng được.”
Rajam trở qua Miến Điện và bảo rồi đây Nani chớ có bao giờ lo lắng về việc phải có con nữa. Chàng gợi ý cho vợ là, hãy đối xử với mọi đứa trẻ mà nàng gặp được như chính con mình sanh ra - một lời khuyên thật quí báu mà Nani sẽ thực hiện được bằng nhiều cách rất đặc sắc những năm sau này.
Vào năm mười tám tuổi, Nani hay tin mẹ đã từ trần một cách đột ngột. Dầu đã có điềm báo trước trong giấc mộng, Nani cũng rất bàng hoàng khi được tin buồn. Kể từ khi sang Miến Điện, Nam chỉ về thăm mẹ có hai lần. Nỗi khổ mất mẹ vẫn còn ghi đậm nhiều năm trong tâm hồn của Nani. Liền sau cái chết của mẹ, Nani bị bịnh thương hàn quật ngã. Bịnh tình lại bị chẩn đoán sai, trị liệu lầm, khiến Nani phải nằm bịnh viện nhiều tháng.
Mẹ Nani để lại một đứa bé trai mười tám tháng, tên là Bijoy. Người cha không thể săn sóc chu đáo, nên đã hiến cho Nani và Rajani một cơ hội tốt được nuôi đứa em trai út như con ruột mình và Bijoy liền được gởi sang Rangoon để sống với họ.
Nani và Rajani tham gia hoạt động rất tích cực trong cộng đồng Phật giáo. Ngoài việc giữ đúng năm giới của người tại gia - không sát sanh và làm tổn hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất say - họ còn tụng kinh hàng ngày, bảo trợ hai cuộc lễ hàng năm của cộng đồng dâng cúng thực phẩm cho các vị sư địa phương đi khất thực. Họ còn được mọi người biết đến vì tấm lòng quảng đại, cấp học bổng cho trẻ con nhà nghèo và chia sẻ mái ấm gia đình cho những kẻ không nhà.
Ngay từ khi mới đến Rangoon, Nani đã mong muốn thiết tha được tập thiền. Mặc dầu chẳng có cô gái nào chịu học thiền, nhưng Nani cứ nài nỉ xin phép Rajani được theo học. Mỗi lần Nani hỏi xin, Rajani đều đề nghị hãy đợi khi nào Nani đã lớn tuổi sẽ học, theo như tục lệ của người Ấn là phụ nữ gác việc học thiền lại cho đến khi đã làm xong bổn phận của người nội trợ.
Mặc dầu không nói được tiếng Miến Điện, Nani đã tìm ra được một phương cách học Phật pháp ngay tại quê hương mới này. Bất cứ lúc nào gặp được một cuốn sách đạo bằng tiếng Bengali, Nani liền đọc và tự học lấy một mình. Còn các sách khác, Nani nhờ đứa cháu trai mười ba tuổi, tên Sunil, dịch các bài Kinh căn bản Phật học từ tiếng Miến sang tiếng Bengali. Cậu Sunil ngạc nhiên đến kinh dị trước sự chăm chỉ và trí nhớ của Nani về những gì mà cậu đã đọc cho nghe. (Các năm về sau, khi Nani trải qua các cuộc trắc nghiệm tâm lý, người ta thấy trí năng của Bà vượt hẳn các thiên tài).
Năm 1941, khi Nani được ba mươi tuổi, Miến Điện bị quân đội Nhật Bổn tấn công và xâm chiếm. Đó là một thời kỳ đầy lo âu, khan hiếm và khổ cực cho dân chúng. Khi chiến tranh chấm dứt, Bijoy đã khôn lớn, trở về Ấn Độ và lập gia đình riêng. Với ngôi nhà hiu quạnh và cha mẹ đều khuất núi, Nani nghĩ. “Đây là lúc nên học thiền.” Rồi một phép mầu bỗng hiện đến. Sau hai mươi năm chờ đợi, Nani khám phá ra mình mang thai. Vào tuổi ba mươi lăm, Nani hân hoan sanh được một bé gái. Tuy nhiên, ba tháng sau, đứa bé bịnh nặng rồi chết. Ngập chìm trong đau khổ, Nani vướng phải bịnh tim.
Bốn năm sau đó, phước lành lại đến với Nani, thọ thai lần nữa. Và chuyến này, cũng sanh gái, Nani đặt tên là Dipa. Và từ đó, Nani được gọi là Dipa Ma, hay là “Má của Dipa”. Vì chữ Dipa có nghĩa là ánh sáng, nên cái tên mới của Nani cũng có nghĩa là Dipa Ma, Mẹ của ánh Sáng.
Dipa là một đứa bé khỏe mạnh, vừa biết đi lẫm đẫm, thì mẹ lại có thai lần nữa; kỳ này được một “quí tử” hằng mong đợi. Nhưng đứa bé vừa sanh ra đã chết, và điều vô phúc này đã khiến mối u sầu của Dipa Ma không có gì làm nguôi ngoai được. Trong cơn tuyệt vọng, Nani đòi hỏi được quyền học thiền để làm nhẹ bớt nỗi đau lòng. Nhưng chồng Bà, lại một lần nữa, bảo rằng Bà vẫn còn quá trẻ. Bà dọa sẽ trốn nhà ra đi, khiến cho Rijani và nhiều người láng giềng phải canh chừng Bà luôn.
Nhưng rồi họ cũng không cần phải canh chừng nữa. Bị chứng áp huyết cao, Dipa Ma trong nhiều năm, chẳng đủ sức để ra khỏi giường, nói chi là bỏ trốn. Trong thời gian này, Bà hoàn toàn trông đợi cái chết đến bất cứ giờ phút nào. Chỉ có một mình mà Rijani phải săn sóc vợ, nuôi dạy con, vẫn tiếp tục làm việc trọn ngày với nghề kỹ sư. Áp lực của hoàn cảnh đè nặng lên, làm Rijani hết phương chống đỡ. Một đêm trong năm 1957 , ông đi làm về, than thở với vợ rằng mình đang đau bịnh. Vài giờ sau, ông chết vì con đau tim bộc phát.
Còn tiếp.
Thích Ca Thiền Viện
Posts: 7,218
Threads: 277
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
218
Hay quá Xí Xọn ơi ... :rose4:
Có audio không ? Hay lúc rảnh chị sẽ đọc :full-moon-with-face4:
APPROACH LOVE AND COOKING WITH RECKLESS ABANDON ~ DALAI LAMA
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Posts: 7,218
Threads: 277
Likes Received: 0 in 0 posts
Likes Given: 0
Joined: Jan 2018
Reputation:
218
APPROACH LOVE AND COOKING WITH RECKLESS ABANDON ~ DALAI LAMA
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
CHƯƠNG 2: THỨC TỈNH
“Còn mang theo được gì khi tôi chết?”
Trong vòng mười năm, Dipa Ma đã mất hai con, chồng và sức khỏe của Bà. Chỉ ngoài bốn mươi tuổi, Bà trở thành góa phụ phải một mình nuôi dạy đứa con gái bảy tuổi. Cha mẹ đã qua đời, quê hương Ấn thì xa diệu vợi và Bà đang chìm ngập trong nỗi sầu lo bối rối.
“Tôi cũng chẳng biết phải làm gì, đi đâu, hay sống bằng cách nào đây?” Bà than thở. “Tôi chẳng có chút gì để gọi là của tôi, chẳng có ai để gọi là người thân.” Tháng tháng trôi qua, và Bà chỉ biết cầm bức ảnh của Rijani để trên đùi mà than, mà khóc. Mấy năm kế tiếp theo, sức khỏe Bà càng ngày càng suy giảm. Hoàn cảnh thật nghiêm trọng khiến Bà nghĩ, hy vọng cuối cùng của Bà để sống sót là phải thực tập thiền. Bà ngao ngán ngắm cảnh ngộ trớ trêu của mình. Khi còn trẻ, đầy đủ sức khỏe, sốt sắng ham muốn hành thiền, thì lại bị ngăn cản. Giò đây, với trách nhiệm nuôi dạy con thơ và sức khỏe đã mỏi mòn, đang tuyệt vọng đối đầu với cái chết, Bà cảm thấy chẳng còn lối thoát nào hơn là mang trái tim rạn vỡ đi vào cõi chết, trừ phi Bà làm được một chút gì để thay đổi được tâm trạng của Bà.
Bà tự hỏi, “Tôi mang theo được gì khi tôi chết?” Bà nhìn đến của hồi môn, mấy chiếc áo san bằng lụa, vòng vàng nữ trang, và cả đứa con gái thân yêu. “Tôi có yêu con tôi cho lắm đi nữa, tôi cũng không thể nào mang nó theo tôi được... Thôi thì, cứ đến trung tâm thiền tập đi. Biết đâu đến đó, tôi tìm ra được chút gì tôi có thể mang theo, khi tôi chết.”
Ngay trong phút mà cuộc đời đã tuột xuống đến mức thấp nhất, Đức Phật đã hiện ra trong giấc mộng của Bà. Trong ánh hào quang rực rỡ, Ngài đã dịu dàng ngâm lên bài Kệ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), trước đây đã được Ngài nói lên để an ủi một người cha vừa mất đứa con trai:
Luyến ái sanh sầu muộn,
Trìu mến sanh lo sợ.
Ai cắt đứt dây luyến ái
Không sầu, sao có sợ?
Khi Dipa Ma tỉnh giấc, Bà cảm thấy tâm an tịnh và trong sáng. Bà biết ngay, mình phải học tập thiền, cho dầu tình trạng sức khỏe ra sao đi chăng nữa. Bà hiểu rõ lời Đức Phật dạy: muốn an tịnh thật sự, Bà phải thực tập cho đến khi nào cắt đứt mọi luyến ái ràng buộc và lo âu. Mặc dầu cả đời sống theo các lễ nghi Phật giáo, Bà chỉ biết rất ít về những gì việc tu tập thiền đòi hỏi. Trực giác Bà đã đẩy đưa Bà theo con đường xưa hứa hẹn sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Khác với phương pháp thiền chỉ (Samatha) theo đó sự chú tâm được an trú trên một đối tượng duy nhất, Thiền Minh Sát (Vipassana) lại soi chiếu vào bản chất đổi thay liên tục của đối tượng. “Minh Sát” nghĩa là soi thấy thật rõ ràng về ba đặc tính của đối tượng: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Đức Phật dạy rằng. xuyên qua thiền quán, ta có thể phá vỡ các ảo tưởng đã hạn chế cuộc đời của chúng ta. Giải thoát, hoặc giác ngộ, căn cứ theo Giáo Pháp của Đức Phật, nằm trong kinh nghiệm về bản chất thật sự của đời sống.
Dipa Ma sắp xếp mọi việc để đi đến Trung Tâm Thiền Kamayut ở Rangoon. Tất cả những gì chồng Bà để lại tài sản, nữ trang, và các vật dụng khác – Bà giao cho người láng giềng trước cửa, “Xin làm ơn vui lòng nhận hết tất cả những gì tôi có đây, và dùng đó để nuôi dưỡng con tôi, Dipa”. Bà chẳng hy vọng sẽ trở về lại. Nếu thế nào Bà cũng sắp đi vào cõi chết, Bà tự nhủ, sao lại chẳng đi tới chết tại trung tâm thiền tập?
Khóa thiền đầu tiên của Dipa Ma không được như mong muốn. Vừa đến trung tâm. Bà được chỉ cho một căn phòng và dặn qua các điều căn bản về thực tập, rồi bảo bốn giờ chiều ngày hôm sau phải đến trình pháp tại đại sảnh của thiền đường. Bà bắt đầu thực tập ngay từ sáng sớm, trước chú tâm vào hơi thở, kế đến các cảm giác, ý nghĩ, và các tình cảm khởi lên trên thân và trong tâm Bà. Ngày giờ lặng lẽ trôi qua, đinh lực của Bà từ từ lắng sâu. Chiều hôm đó Bà đi bộ đến đại sảnh của thiền đường để gặp thiền sư. Thình lình Bà ngừng lại, không thể nào bước tới. Bà không biết chắc tại sao, Bà chỉ biết mình không cách gì dở chân lên được. Bà đứng khựng đó, bối rối nhưng chẳng quá hoảng hốt lo âu, trong vài phút. Cuối cùng, Bà nhìn xuống và thấy một con chó to lớn đang ngoạm chặt chân Bà. Định lực của Bà mới đó đã thâm sâu, ngay từ những giờ đầu tiên vừa thực tập, đến độ Bà chẳng còn cảm giác.
Bật ra khỏi cơn thiền định, Dipa Ma cất tiếng kêu cứu và cố vùng vẫy kéo chân ra. Con chó vẫn không chịu nhả, sau cùng mấy vị sư đến mới đàn áp được chó và đuổi nó đi. Mặc dầu được trấn an là con chó không điên, nhưng Dipa Ma lại sợ chết - trớ trêu thay, trước đó chính Bà cũng muốn đến để chết ở trung tâm thiền tập! - nên tìm đến bịnh viện để được chích ngừa chó dại. Đi nhà trường và trở về như thế có nghĩa là Bà phải mất phần ăn, vì theo truyền thống tại các tu viện Nam Tông, bữa ăn chỉ được cung cấp một lần mỗi ngày và phải dùng trước giờ Ngọ. Không bao lâu, Dipa Ma kiệt sức, các vị sư khuyên Bà nên trở về nhà để hồi phục sức khỏe lại.
Ở nhà đứa con gái nhỏ của Bà bấn loạn lên vì mẹ bỏ đi đột ngột, bây giờ không chịu rời mẹ lấy một bước. Dipa Ma nghĩ cơ hội duy nhất để được giác ngộ đã qua mất rồi. Bà thường tức tưởi khóc, khóc cho sự thất bại ê chề.
Tuy nhiên, Bà không chịu bỏ cuộc việc tu tập. Được chỉ dạy các điều căn bản sơ lược trong một ngày ngắn ngủi. Bà kiên nhẫn hành thiền trong nhiều năm, ngay tại nhà, mỗi khi Bà tìm được thời giờ rảnh. Bà tin tưởng chắc chắn rằng rồi đây sẽ có một cơ hội khác để đi an cư lần nữa. Cơ hội đó đến với Dipa Ma khi Bà hay tin có một người bạn trong gia đình và là một vị giáo thọ, pháp hiệu là Anagarika Munindra, đang ngụ tại một trung tâm thiền tập ở gần đấy. (Anagarika có nghĩa là xuất gia, rời bỏ gia đình đi tu). Bà liền thỉnh Sư đến nhà và trong khi Sư dùng trà, Bà thuật lại kinh nghiệm thiền tập vừa qua. Munindra khuyến khích Bà nên đến thiền viện Thathana Yeiktha, nơi mà Sư đang thiền tập tích cực, dưới sự giám thủ của Đại Lão Hòa thượng Mahasi, vị thiền sư và học giả lỗi lạc nhất ở Miến Điện vào thời bấy giờ. Như thế, Dipa Ma được duyên may hiếm có đến thọ giáo với một bậc thầy vĩ đại có sự hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của một người bạn trong gia đình. Đồng thời vào độ ấy, em của Bà là Hema cùng gia đình vừa mới sang định cư ở Miến Điện, thành ra Dipa có thể về ở với dì dượng, cùng anh chị em họ trong khi Bà đến thiền viện.
Dipa Ma tham dự kỳ thiền này với một tâm trạng khác hẳn - ít hối hả vụt chạc hơn, nhiều chuẩn bị và trầm tĩnh hơn. Mặc dầu từ ngày Rijani mất Bà bị bịnh mất ngủ, nhưng nay Bà khó giữ sao cho khỏi ngủ gục. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, Bà đã đắc được một trạng thái định lực sâu, rồi nhu cầu ngủ nghỉ và ăn uống cũng không còn. Munindra lo ngại cho định lực của Bà mất thăng bằng, nên khuyên Bà phải tham dự các thời pháp hàng tuần của Ngài Mahasi, dù Bà chẳng hiểu tiếng Miến Điện. Bà đâu muốn đi, nhưng Munindra cứ khuyên mãi, nên để làm vừa lòng Sư, Bà phải đến đó.
Trên đường đến nghe pháp, Dipa Ma thấy tim đập loạn động, tay chân yếu ớt, nên phải bò lên cầu thang vào chánh điện. Bà chẳng hiểu tí nào về bài pháp, nhưng cứ tiếp tục ngồi hành thiền. Sau thời pháp, Dipa Ma không thể đứng lên nổi. Dán chặt vào chỗ ngồi, thân Bà trở nên cứng ngắt, bất động dưới ảnh hưởng của sức định thâm sâu.
Trong những ngày sau đó, công phu thực tập của Dipa Ma tiến bộ vượt bực, khi Bà nhanh chóng vượt qua trình tự phát triển về tuệ Minh Sát trước khi chứng ngộ, đã được mô tả rõ trong Giáo Pháp của truyền thống Theravada (Phật giáo nguyên thủy). Bà thể nghiệm một ánh sáng chói lọi, tiếp theo cảm giác mọi sự vật chung quanh Bà đang từ từ tan vở.
Thân Bà, sàn gổ, mọi vật, đều rạn nứt từng mảnh, bể nát và trống rỗng. Điều đó đã đưa đến một sự đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần, với một cảm giác bị nung đốt và co rút nhức buốt làm toàn thân như sắp bị nổ tung.
Rồi một điều kỳ lạ xảy đến. Trong giây phút bình thường - vào ban ngày, Bà đang ngồi trên sàn nhà thực tập cùng với một nhóm thiền sinh - một sự chuyển tiếp tức khắc vô cùng an tịnh và vi tế, xem như chẳng có gì xảy ra cả. Giây phút sáng chói đó, sau này Bà Dipa Ma chỉ nói, “Tôi cũng chẳng biết nữa”, vậy mà cả cuộc đời còn lại của Bà đã được chuyển hóa một cách thật sâu xa kỳ diệu.
Sau ba thập niên đi tìm sự giải thoát, vào tuổi đã năm mươi ba chỉ qua sáu ngày thực tập, Dipa Ma đã đạt đến nấc thang đầu của sự chứng ngộ. (Như đã diễn tả trong Thanh Tịnh Đạo, truyền thống Theravada công nhận có bốn giai đoạn giác ngộ. Mỗi giai đoạn là một tiến trình thanh lọc tâm được hành giả tự nhận biết rõ ràng). Gần như tức khắc liền sau đó, huyết áp của Bà trở lại mức bình thường và các hồi tim đập mạnh cũng giảm xuống. Trước đây Bà không thể bước lên cầu thang giảng đường của thiền viện, bây giờ leo lên chẳng chút mệt nhọc, và Bà cất bước với bất cứ nhịp độ nào.
Dipa Ma tiếp tục thực tập ở thiền viện ThathanaYeiktha thêm hai tháng nữa, rồi trở về nhà ở Rangoon. Vài tuần lễ sau, Bà đi đi lại lại thiền viện trong suốt một năm. Vào khóa thiền kế đó, Bà lại đạt thêm một thân chứng mới, chỉ sau năm ngày thực tập. Con đường đưa tới tuệ giác này cũng giống như lần trước ngoại trừ sự đau đớn lại gia tăng hơn. Sau khi đạt đến mức chứng ngộ thứ hai, tình trạng thể chất và tâm linh lại thay đổi hơn nữa; nơi Bà, sự xaođộng bất an giảm hẳn, còn tiềm năng chịu đựng lại gia tăng hơn.
Những ai trước kia được biết Dipa Ma đều kinh ngạc trước mọi thay đổi nhanh chóng của Bà. Rất nhanh, từ một thiếu phụ bịnh hoạn, nhu nhược, sầu não, Bà đã biến thành một người đàn bà tráng kiện, tự lập và rạng rỡ. Dipa Ma nói với các người chung quanh: “Các bạn đã biết tôi dạo trước ra sao. Tôi đã gục ngã não nề trước cái chết của chồng con, trước bịnh hoạn. Tôi đã đau khổ thái quá đến nỗi không cất nổi bước chân đi cho đàng hoàng. Nhưng bây giờ đây các bạn thấy không? Tất cả bịnh tật đều biến mất. Tôi tươi tắn, chẳng còn gì vướng bận trong tâm, không sầu lo, không hiềm hận. Tôi hoàn toàn an lạc. Nếu các bạn tới tập thiền, các bạn cũng sẽ an lạc. Chỉ cần làm đúng các lời chỉ dẫn thôi”.
Phấn khởi noi gương Dipa Ma, các bạn hữu cùng gia đình họ đều đến trung tâm thực tập. Những người đến đầu tiên là em Bà, Hema và bạn thân là Khui Ma. Bà Hema mặc dầu có tám con, năm người còn ở chung trong gia đình, vẫn tìm đủ thời giờ đi thực tập với chị trong gần một năm. Sau đó, Dipa và các con của Hema cũng đến gia nhập. Một cảnh tượng cảm động đáng ghi nhớ là hai thế hệ phụ nữ trung niên và thiếu nữ vào tuổi cập kê cùng ngồi tập thiền bên cạnh các vị sư khắc khổ mặc áo cà sa màu vàng. Các thiền viện trưởng chẳng đủ chỗ trú cho các nữ thiền sinh, và họ phải chen chúc nhau trong những căn phòng nhỏ hẹp xây cất tận góc cuối của thiền viện. Con gái bà Hema, Daw Than Myint kể lại, họ phải len qua các bụi rậm trên đồi cao để có thể đi đến nơi trình pháp với thiền sư Munindra.
Trong những ngày trường nghỉ lễ, Dipa Ma và Hema có khi được đến sáu đứa con bên cạnh họ. Dầu không khí thân mật như trong gia đình, kỷ luật lại nghiêm khắc. “Cả một gia đình chúng tôi ăn cơm trong im lặng”, Daw Than Myint nhắc lại, “Và chẳng ai nhìn nhau. Thật là hết sức đặc biệt!” Trong năm thực tập “phi thường” đó, tất cả sáu đứa con của thị tộc Barua, bốn gái hai trai, đã thành tựu ít nhất mức chứng ngộ đầu tiên. Việc cô Dipa nhiệt thành tập thiền là một phần thưởng quí giá cho mẹ, Dipa Ma. Bà muốn trao cho con một tặng phẩm có giá trị lâu dài, một “tặng phẩm vô giá”. Bà nhắc đi, nhắc lại mãi với Dipa rằng thiền tập cống hiến con đường duy nhất đi đến bình an.
Em của Dipa Ma là Hema cũng rất thâm hậu trong thiền tập và đã tiến bộ song song với Dipa Ma. Daw Than Myint đã kể lại hiệu lực mạnh mẽ của thiền tập đã đến với mẹ cô, như sau:
Khi tôi vừa về đến nhà sau kỳ nghỉ hè ở đại học, không thấy mẹ ra đón tôi. Thật là khác thường, bởi vì bà chẳng hề vắng nhà lâu như thế. Anh chị tôi cho tôi hay mẹ đang ở trung tâm tập thiền. Khi tôi đến trung tâm, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi gần thiền sư Munindra, bà rất an tịnh, điềm nhiên và có vẻ không nhận ra tôi đang đi đến. Tôi rất xúc động. Tôi cũng muốn được xa vắng như thế. Tôi quyết định, nếu tập thiền mà thay đổi được mẹ tôi như thế, thì thiền phải có năng lực mạnh lắm và tôi cũng cần phải thực tập. Dĩ nhiên, sau này tôi mới hiểu ra dược là thiền không phải cốt chỉ để điềm nhiên và xa vắng.
Nhưng, đâu phải tất cả mọi người trong gia đình đều nỗng nhiệt với sự thay đổi của Hema:
Cha tôi rất bất mãn vì mẹ tôi chẳng nhúng tay vào việc nội trợ, bà chỉ ngồi, ngồi và ngồi, cho nên cha tôi dọa sẽ mách với Đại Lão Hòa thượng Mahasi. Mẹ tôi bảo: "Tốt!”. Khi cha tôi đến trình với Hòa thượng Ngài thuyết phục cha tôi nên bắt đầu việc thiền tập của chính ông. Chẳng bao lâu, cha tôi cũng được được tuệ giác, rồi ông chẳng hề phiền hà việc mẹ tôi ngồi nhiều quá nữa.
Đến năm 1965, Dipa Ma được thu hút theo một chiều hướng mới của việc thực tập thiền. Biết trước thiền sư Munindra sắp trở về Ấn Độ, Đại Lão Hòa thượng Mahasi bảo đệ tử rằng, trước khi quay về với “mảnh đất của thần thông”, sư cũng nên biết đôi chút về các năng lực tâm linh này. Ngài muốn truyền thọ cho Munindra các phép thần thông, nhưng Munindra quá bận bịu với việc giảng dạy không đủ thời giờ để tập luyện. Thay vì thế, Munindra quyết định huấn luyện các người khác để có thể phần nào chứng minh rằng thần thông là điều có thật. Nhằm vào mục tiêu này, ông chọn các đệ tử tiến bộ nhất của ông, Dipa Ma và gia đình Bà, và huấn luyện họ theo phương pháp được rút thẳng từ trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Munindra biết rõ thần thông chẳng những phi luân lý mà còn có tiềm năng cám dỗ nữa. Nguy cơ lạm dụng rất lớn, trừ phi căn bản đạo đức của người đệ tử được đảm bảo. Dipa Ma được tuyển chọn, chẳng những vì định lực thâm hậu mà còn là vì đức độ toàn bích của Bà nữa.
Dipa Ma, Hema và ba người con gái của họ được mời làm quen với các môn: phân tán vật chất, phân thân, nấu nướng không cần lửa, tha tâm thông, du hành cõi trời và địa ngục, vượt thời gian, túc mạng thông, và nhiều môn khác nữa. Trong hàng các đệ tử của Munindra về thần thông, Dipa Ma là hành giả thâm hậu nhất mà cũng lại hay hí lộng nhất. Bà thường hững hờ đến trình pháp với Munindra bằng cách đi xuyên qua tường, hoặc giữa khoảng không khí loảng. Bà học cách sử dụng theo ý mình muốn mọi khả năng về tâm trí và chế phục được tất cả năm loại thần thông (Xem Chương 9)
Từ năm 1966, sau khi Munindra đã rời về Ấn Độ, Dipa Ma trở thành vị thiền sư mà rất nhiều người tìm đến để được hướng dẫn và Bà bắt đầu giảng dạy tại Rangoon. Bà rất hân hoan cống hiến sự an lạc đến cho những người khác, sự an lạc mà chính Bà đã tìm thấy và Bà đã thuyết phục được nhiều thân bằng quyến thuộc cùng Bà thực tập thiền định.
Đệ tử chính thức của Dipa Ma là người láng giềng với Bà, tên là Malati Barua, một góa phụ phải nuôi dưỡng một mình sáu đứa con. Trường họp của Malati là một thách thức kỳ thú: bà ta rất nhiệt tâm muốn tập thiền, nhưng chẳng thể rời nhà đi đến thiền đường. Dipa Ma tin rằng giác ngộ có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào, đã nghĩ một phương cách cho người đệ tử mới của mình có thể thực tập ngay tại nhà Bà bảo Malati hãy bền bỉ và cương quyết ghi nhận cái cảm giác khởi lên khi đứa hài nhi nút vào núm vú mình, trong mỗi lần cho con bú mớm, với một sự tỉnh thức toàn vẹn. Sự ghi nhận đó kéo dài hàng giờ mỗi ngày, và đúng như Dipa Ma đã kỳ vọng, Malati đã đạt đến giai đoạn đầu giác ngộ mà chẳng cần ra khỏi nhà.
Như thế, Dipa Ma đã bắt đầu sự nghiệp hướng dẫn các bà nội trợ đi đến trí huệ, ngay giữa đòi sống bận rộn của họ trong gia đình.
Tiếp Chương 3 kỳ tới
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương 3: AN LẠC CHẲNG LUNG LAY
“Giờ tôi đã hoàn toàn thanh tịnh.
Tôi an nhiên đón nhận mọi điều.”
Năm 1967, chánh phủ Miến Điện ra lịnh mọi người ngoại quốc, kể cả các di dân Ấn Độ, phải rời khỏi nước. Dipa Ma rất bối rối chẳng biết nên ở lại hay ra đi. Các vị sư trấn an rằng Bà có thể xin giấy phép đặc biệt lưu lại Rangoon với tư cách một nhà giáo, và con gái Bà cũng có thể ở lại với Bà. Đấy là một vinh dự chưa hề dành cho người ngoại quốc nào, nữa lại là một phụ nữ, một người mẹ độc thân với đứa con thơ.
Bà còn đắn đo có nên ở lại chăng, nhưng càng ngày tình hình chánh trị, nhất là tại Rangoon, càng trở nên bất an. Mối quan tâm về học vấn của Dipa cuối cùng đã khiến Bà quyết định ra đi. Về Ấn Độ, Dipa có thể hội nhập lại cội nguồn của mình, đồng thời tiếp tục việc học ở cấp cao hơn bằng tiếng mẹ đẻ Bengali. Hai mẹ con đến ở chung với người bà con tại ngoại ô thành phố Calcutta (nay là Kolkata). Trong khung cảnh mới này, Dipa Ma thấy vắng bóng các bạn bè đồng tâm nguyện với mình. Bà mời các bà láng giềng tu tập thiền, nhưng họ chẳng màng quan tâm đến.
Năm sau, hai mẹ con dọn đến ở một căn phòng nhỏ bé trên một cao ốc cũ kỹ, bên dưới là một hãng đúc kim khí, trong khu chợ cũ của đô thị Calcutta. Bếp núc thu gọn vào trong khoảng một thước bề ngang hai thước bề dài, với một lò lửa than đá kê trên sàn nhà, không có nước máy (phải gánh nước leo lên bốn từng lầu) và một phòng vệ sinh công cộng cho nhiều gia đình. Dipa Ma ngụ trên một manh chiếu rơm mỏng. Mặc dầu Dipa được chánh phủ cấp học bổng để theo bậc đại học, nhưng mẹ con chẳng có lợi tức nào mà phải nhờ vào các sự tặng dữ của những người tốt bụng trong gia quyến.
Cuối cùng về sau, tiếng đồn lan rộng trong cộng đồng Bengali rằng có một vị thiền sư lỗi lạc, “có thể đem lại kết quả” vừa mới từ Miến Điện về. Nhiều gia đình ở đây tuy thuần thành theo nghi thức Phật giáo, nhưng việc tu thiền vẫn còn xa lạ đối với hạng cư sĩ trung bình. Dipa Ma cống hiến một cái gì mới và khác: một sự tu tập thực tế về tâm linh. Từng người một, các bà nội trợ ở Calcutta bắt đầu đến gõ cửa nhà của Dipa Ma.
Trình bày các bài học, tuy khó khăn nhưng hiệu quả cho những người muốn tập thiền ngay trong cuộc đời bận rộn của các bà nội trợ, Dipa dạy các học viên của Bà phải biết lọi dụng bất cứ giây phút nào như một cơ hội để thực tập. Chánh niệm, Bà bảo, có thể vận dụng vào mọi động tác: nói năng, ủi quần áo, nấu nướng, đi chợ mua hàng, chăm sóc trẻ con. “Con đường chánh niệm trọn vẹn”, Bà thường nhắc đi nhắc lại không hề mệt mỏi, chính là: “Bất cứ việc gì bạn đang làm, bạn cũng phải nhận biết ngay việc đó.” Dipa Ma tin tưởng rất mãnh liệt vào sức thực tập ngay giữa sự huyên náo ồn ào của đời sống gia đình, khiến cho một người ái mộ Bà đã phong tặng Bà là “Vị Thánh bảo hộ các bà nội trợ.” Khi được hỏi sự khác biệt giữa công phu thực tập đúng theo nghi thức và đời sống hàng ngày, thì Bà cương quyết nhấn mạnh: “Bạn chẳng thể nào tách rời thiền tập ra khỏi đời sống của mình được.”
Bất cứ điều gì Bà đòi hỏi các học viên phải làm, thì chính Bà, Bà cũng làm mà lại còn làm hơn thế nữa: giữ năm giới, ngủ nghỉ chỉ trong bốn tiếng thôi, thiền tập nhiều giờ mỗi ngày. Học viên phải trình pháp hai lần mỗi tuần và trong năm, phải dành ra nhiều thời gian tự thiền tập. Trong khi đa số người Calcutta thích trò chuyện và tranh cãi, thì Bà lại trầm lặng, chỉ nói vài câu giản dị khi giảng dạy. Các học viên của Bà có thể tìm nơi an trú trong sự im lặng và vẻ an hòa chẳng lay động của Bà. Một học viên nhớ lại “Bà là một trong số ít người tôi gặp được trong đời tôi mà khi gần bên họ, tôi cảm thấy thật lắng yên. Tôi có thể an trú vào bên trong sự im lặng của Bà như là đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng mát tàng cây lớn.”
Căn phòng duy nhất của gia đình dùng làm cả phòng khách, phòng ăn cho Dipa Ma, con gái Bà và sau này cho đứa cháu ngoại, Rishi. Lại cũng dùng chỗ đó để giảng dạy các học viên người Ấn và cả những người Tây phương đang bắt đầu tìm đến. Đôi khi vì phòng chật quá, khách đến phải đứng ngoài bao lơn và hành lang. Từng đợt khách đến viếng từ sáng sớm cho mãi đến chiều muộn. Dipa Ma chẳng hề từ chối tiếp một ai cả, dầu có nhọc mệt đến mấy đi nữa. Con gái Bà theo nài nỉ Bà dành chút ít thòi giờ riêng cho Bà, Bà cứ bảo, “Họ đang khát khao đạo pháp, hãy cứ để họ tới đây.
”
Ngay cả các vị tì kheo đã thọ cụ túc giới cũng đến nhờ Bà hướng dẫn như một vị sư phụ. Đại Đức Rastrapala Mahathera, xuất gia đã mười tám năm, kể lại rằng, nhiều người không tán thành việc chọn thầy của Sư, hỏi tại sao Sư đã đậu bằng tiền sĩ rồi mà còn đi học thiền với một người đàn bà. Đại Đức giải thích: “Tôi chẳng biết được phương pháp, còn Bà thì biết rõ, nên tôi đến nhờ cậy Bà, tôi không xem Bà như một phụ nữ. Tôi kính Bà như là vị sư phụ của tôi.” Đại Đức đã theo dự một khóa thiền dưới sự hướng dẫn của Bà và nhờ đó đã thân chứng được những gì chỉ biết đọc qua trong mười tám năm. Dipa Ma vui lòng chấp thuận cho ông được dạy thiền, và sáu tháng sau, vào năm 1970, ông thành lập Trung tâm Thiền Minh Sát đầu tiên ở Ấn Độ, tại Bồ Đề ĐạoTràng (Bodh Gaya) rất nổi tiếng.
Con gái của Dipa Ma đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khả quan trong cộng đồng các học trò của Bà. Khi mới đến để tập thiền, họ còn đầy xao động, giận hờn, ưa chuyện tào lao, nói năng thô lỗ. Sau vài tháng thực tập, các tư cách đó bớt dần. Nam thiền sinh trước thường câu cá, bẫy thú, nay cũng dẹp bỏ thói săn bắn, dưới ảnh hưởng của Dipa Ma. Jack Engler, vào khoảng giữa những năm 1970 đến Ấn Độ để trau giồi thiền tập và để hoàn tất việc khảo cứu luận án tiền sĩ về Thiền Định Phật giáo, ghi nhận rằng sự hiện diện của Dipa Ma đã ảnh hưởng nhiều đến cả những người lân cận:
Khi Dipa Ma mới dọn về chung cư, thì ở đó thật là một nơi ồn ào, xào xáo, có biết bao vụ cãi vả, gây gỗ và quát tháo của những người ở thuê, vang dội thêm trong khoảng sân trống. Người nào cũng biết người kia đang làm việc gì, vì cứ mãi nghe tiếng hò qua hét lại suốt ngày. Trong vòng sáu tháng kể từ ngày Dipa Ma dọn về, trọn khu chung cư làng dịu lại và chòm xóm láng giềng mới chịu thân mật nhìn nhau lần đầu. Sự hiện diện của Bà, và cách Bà đối đãi người khác - trầm tĩnh, điềm đạm, dịu hiền, cư xử với mọi người bằng sự kính trọng và ân cần, đạt giới hạn và đương đầu với hành vi của họ khi cần, nhưng cũng vì sự an lạc của mọi người chớ đâu phải do giận hờn hoặc ích kỷ vì tiện nghi của mình - đã làm tấm gương sáng cho họ để bỏ đi các thái độ thô xấu trước kia. Chính vì sự hiện diện giản dị của Bà ở đó, cho nên họ không còn tiếp tục hành xử như cũ nữa khi ở gần quanh Bà...
Joseph Goldstein là học viên người Mỹ đầu tiên được giới thiệu theo học với Dipa Ma. Năm 1967, ông gặp Munindra tại Trung Tâm Thiền Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng. Munindra sau đó có nói với Joseph rằng ông muốn giới thiệu một người hết sức đặc biệt cho ông, rồi dẫn ông đến nhà Dipa Ma. Mối liên hệ giữa hai người đã sớm biến thành sợi dây tình cảm thắm thiết giữa mẹ và con mãi cho đến ngày Bà mất đi hai mươi năm sau. Joseph hồi tưởng lại buổi gặp gỡ đầu tiên nơi nhà Bà như sau:
Muốn lên tới các căn phòng trên từng chót, bạn phải lách mình qua một hành lang chật hẹp và tối tăm, kế leo lên nhiều bực thang. Nhưng khi bước vào phòng Bà, bạn sẽ cảm thấy nơi đây như ngập tràn ánh sáng. Cảm giác đó thật là kỳ diệu. Và khi ra về, cơ hồ như tôi đang lướt nhẹ bập bềnh trong các nẽo đường dơ dáy, đông nghịt người của Calcutta. Thật là một kinh nghiệm thần bí và linh thiêng.
Vào nhưng năm đầu của thập niên 1970, Joseph giới thiệu Sharon Salzberg với Dipa Ma. Một mối liên hệ thân ái tương tự kết chặt họ với nhau và Dipa Ma đã xem cả hai Joseph và Sharon như con ruột. Sharon thường nhắc lại, Dipa Ma lưu giữ các bức ảnh của họ trong tập hình của Bà. Và họ ngồi uống trà vừa xem ảnh, vừa luận bàn về Phật pháp. Sharon và Joseph đều tưởng nhớ đến Dipa Ma như “một con người khả ái nhất chưa từng gặp trên đời.”
Jack Kornfield gặp gỡ Dipa Ma vào nhưng năm cuối của thập niên 1970. Jack kể lại chuyền gặp gỡ đầu tiên như sau:
Trước đây, tôi có xuất gia một thời gian, tôi quen đảnh lễ các vị thầy, vì thế vừa gặp Bà tôi đã cúi xuống lạy. Tôi tự nghĩ, điều này cũng hơi kỳ kỳ - Bà chẳng phải là một vị sư nữ, Bà chỉ là một người nội trợ thôi - nhưng Bà đã vội kéo tôi đứng lên, và ôm tôi thân ái. Từ đó về sau Bà chào tôi bằng cách đó, mỗi khi tôi đến gặp Bà. Thật là kỳ diệu! Ý như Bà muốn nói với tôi: “Chẳng nên lễ lạy rườm rà! Tôi đâu phải là một vị đại sư mà bày đặt lễ nghi như thế”. Chỉ cần một cái ôm thân ái thôi.
Jack, loseph, và Sharon, nay tất cả đều dạy thiền ở Mỹ Châu; họ thường nói chuyện về Dipa Ma với các thiền sinh của họ. Rồi các thiền sinh lại nói lại với người này, người này lại nói với người kia. Dipa Ma trở nên một thực thể gợi sự hiếu kỳ cho người Tây phương: về thể chất, Bà rất nhỏ thó, một lão bà gầy yếu thò ra khỏi chiếc áo sari trắng tựa như “một con tằm nhỏ quấn trong mảnh bông gòn”, như đã có người nói như vậy. Nhưng về mặt tâm linh, Bà thật là vĩ dại. Đi đến bên Bà cũng như đang đi vào một từ trường mà các điều kỳ diệu có thể xảy ra: nhận thứcđổi thay, thâm tâm thông cảm, và định lực thâm hậu ngẫu phát...
Vào năm 1980 và năm 1984 nữa, Joseph, Sharon, và Jack Kornfield thỉnh Dipa Ma sang giảng dạy tại khóa thiền ba tháng thường niên của Hội Thiền Minh Sát. Mặc dầu đã sáu mười chín tuổi, sức khỏe kém và chẳng thoải mái với các chuyến phi cơ, Bà cũng nhận lời du hành sang Mỹ quốc, cùng đi có con gái Bà với cháu ngoại vừa biết đi lẫm đẫm và một thông dịch viên.
Sự cách biệt văn hóa đối với người Ấn thật là sâu rộng. Họ hoàn toàn xa lạ với những chi tiết thông thường trong đòi sống hàng ngày ở Mỹ Châu, như đi tắm thì nước tuôn từ trên bông sen xuống, như chó được nuôi ngay trong nhà và ăn trong chén, như ăn bánh bắp sấy (com tiakes) với sữa thì phải dùng muỗng, như mấy thùng sắt kê ở góc đường lại nhả ra tiền khi ta bấm nút. Sharon kể lại giai thoại sau đây:
Dipa Ma sống rất bình dị và không hiểu được nền kỹ thuật Tây phương. Lần đầu tiên khi chúng tôi mời Bà sang Mỹ, chúng tôi dẫn Bà vào các khu chợ bán tạp hóa và nơi này nơi nọ. Chúng tôi đưa Bà tới gần một trong những chiếc máy ATM vừa mới sáng chế, khi ta đút cái thẻ vào rồi bấm các số mật mã thì giấy bạc lọt ra. Bà đứng đợi bên vách tường ngân hàng, trong khi chúng tôi làm thủ tục lấy tiền ở máy, Bà cứ đứng đó, lắc đầu và nói: “Ôi thật tội quá! Tội quá!”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Có chi mà buồn mà tội? Và Bà đáp: "Tội nghiệp cho cái người khổ sở phải ngồi cả ngày trong bức rường kín mít chẳng có ánh sáng, chẳng có khí trời, chờ có ai đưa thẻ vào, đọc rồi trao tiền ra.”
Chúng tôi liền nói. “Không, chẳng có ai trong đó cả. Đấy chỉ là một máy móc tự vận hành vậy thôi.” Bà liền nói: “A! Thế thì đó lại cũng như là vô ngã (anatta = sự vắng bóng của cái ta ). Và chúng tôi đáp. “Vâng, đúng thế!” Rồi Bà bắt đầu giảng ngay trong giờ phút đó ý niệm về vô ngã. Đó, chẳng những là vắng bóng một tự ngã đang tìm cách kiểm soát phương tiện vận hành ấy, đang đòi hỏi thân tâm chúng ta phải hành động theo thị hiếu nhất thời của nó, theo ý muốn của nó, theo sự mong cầu của nó, mà lại còn là cái ý nghĩa thâm sâu về sự hỗ tương nhân quả, về sự trong sáng chỉ còn là một khi chúng ta quay nhìn thật sâu vào nội tâm chúng ta.
Mặc dầu việc giảng dạy của Dipa Ma không dùng đến bục gỗ cao với máy vi âm, trước một cứ tọa đông đảo trong một giảng đường rộng lớn, nhưng Bà luôn cố gắng làm thỏa mãn các người bạn Mỹ đã mời Bà đến. Còn chưa quen với tiết trời lạnh lẽo của tiểu bang New England, Bà đi đến thiền đường “quấn kín mít trong áo lạnh và khăn choàng cổ khiến ta chẳng biết đó là người hay vật gì”, theo như lời của một thiền sinh. Bà thường thích nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc rằng, “Tất cả các bạn ở đây đều là pháp tử.
Kỳ tới: Đón xem Chương 4:
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Phần Hai
CUỘC HÀNH TRÌNH BIẾN ĐỒI
Chương IV
BÊN BỜ VỰC VÀ XA HƠN NỮA
"Bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì bạn muốn."
Theo gương cuộc đời Dipa Ma, chánh đạo là một cuộc hành trình dẫn đến biến đổi, trong đó ta ấp ủ những niềm tin cũng như những giới hạn đè nặng lên bản thân ta và thách thức ta từ mọi phía. Nhiệm vụ của Thiền sư là thúc đẩy thiền sinh vượt qua ranh giới những gì họ có thể thực hiện được, để lật ngược tất cả những ý niệm về cái gọi là "tôi không thể". Vì ai là cái "tôi" lại "không thể"đó? và điều gì "không thể được" ngoài cái kết cấu tâm linh đây? Dipa Ma đã nhận ra điều đó, qua tập luyện sức mạnh, bà thấy rằng không có gì giới hạn được trí tuệ. Đôi khi bà chỉ dẫn và đề nghị rất mãnh liệt, lúc khác bà kiên định cách thanh thản và không khoan nhượng. Bà đã dẫn dắt thiền sinh đến tận bờ vực, và rồi còn thôi thúc họ tiến xa hơn nữa, bà cũng diễn giải là phải "vượt xa hơn nữa" có nghĩa là đơn giản tự phát hiện ra chính mình và những gì chưa khám phá ra, rồi phá bỏ và từ đó mà tiếp tục tiến lên.
Tuy nhiên, cuộc hành trình biến đổi còn dính líu nhiều hơn là chỉ cố gắng dũng cảm vượt qua những giới hạn của chính mình. Cuộc hành trình này còn đòi hỏi chúng ta lượng định lại cố gắng của mình, cân bằng ý định cũng như nghị lực của ta nữa. Dipa Ma thường nói, "Nếu bạn luyện thiền mà chỉ để nhắm đạt đến một kết quả nào đó, thì việc luyện thiền sẽ trở thành trở ngại". Ước muốn được giải thoát dù sao cũng chẳng phải là ước muốn suông đâu - do vậy ước muốn là một trở ngại chính đối với chánh đạo vậy. Đến một giai đoạn nào đó, lòng nhiệt tình rất hữu ích giúp ta tiến tới trên chánh đạo, và lôi kéo chúng ta tiến tới; ở giai đoạn khác, chính điều hữu ích đó lại trở thành vật cản. Chúng ta cần nhận ra khi nào cố gắng lại biến thành vật cản. Để kiên định với điều đang diễn ra mà không phải bỏ qua - đôi khi vật cản đó trở thành tất cả tiềm năng để thực hiện mọi sự.
Có một nhà sư rất hăng hái người Miến Điện, tên là U Pandita, thường khuyên các thiền sinh Phương Tây của ông, kể cả tôi (tác giả) hãy "luyện tập bất chấp thân xác hay cuộc sống." Thiền sư Howard Cohn nhận định tư thế của Dipa Ma có hơi yếu, nhưng việc "luyện tập bất chấp thân xác và cuộc sống thì hoàn toàn khác - cộng với tình yêu trong trái tim bạn." Dipa Ma rất chuộng một hình thức cố gắng trưởng thành nào đó, hơn là gộp cả sức mạnh cộng với tính dễ dãi và thoải mái; kể cả ở nam giới lẫn nữ giới. Việc rèn luyện đòi hỏi nhiệt huyết hơn là thái độ chiến binh - Samurai, việc rèn luyện đó cũng đòi hỏi chúng ta phải khám phá ra từ tâm và tình yêu trong chính chúng ta. Giống như Dipa Ma chúng ta có thể tham gia luyện tập, từ một nơi đầy thần kỳ trẻ thơ vô địch trong chính chân lý chân thật.
Thiền sư Steven Smith nhận xét "Nơi Dipa Ma... có một đặc tính cố gắng kỳ lạ, mọi sự đều là phiêu lưu cả. Luyện thiền suốt đêm cũng là một cuộc phiêu lưu. Bà được biểu hiện nơi việc thể hiện động lực thúc đẩy cho việc luyện thiền đạt đến được điều kỳ diệu nơi từng khoảng khắc một."
"Bà đã dạy tôi 'Chánh niệm không phải là điều ta có thể phấn đấu đạt đến được'", thiền sinh Sharon Kreider nhắc lại, "Chánh niệm luôn xuất hiện và di chuyển tới lui. Đúng hơn là điều gì đó tôi phải chiếm hữu lấy, chánh niệm chỉ xuất hiện với những gì đã hiện hữu, chỉ có vậy thôi"
Đối với nhiều Thiền sư Tây phương, thách thức lớn nhất là làm sao quân bình được cố gắng với thoải mái hoà nhã và chấp nhận đầy lòng trắc ẩn.
Hãy luyện tập liên tiếp
Khi Dipa Ma hỏi tôi về việc luyện tập, tôi cho bà biết là tôi luyện thiền vào buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày, còn những lúc khác tôi làm công việc. Thế rồi bà còn hỏi thêm. "Tốt lắm. Thế bạn làm gì vào những ngày cuối tuần.?" Tôi không nhớ đã trả lời bà như thế nào, nhưng câu trả lời của bà là, "Có hai ngày bạn phải luyện thiền cả ngày: đó thứ bẩy và chủ nhật." Thế rồi bà cho tôi một bài học thật nghiêm khắc làm thể nào để tận dụng thời gian một cách hiệu quả nhất. Tôi không bao giờ quên bài học này, đó là ý tưởng tôi nên luyện tập mọi nơi mọi lúc. --Bob Ray
Đừng có chây lười.
Lần cuối cùng gặp Dipa Ma trước khi bà qua đời, bà đã khuyên tôi nên ngồi thiền trong vòng hai ngày. Ý bà muốn nói không phải là tôi phải tham gia khoá huấn luyện hai ngày nhưng bà muốn đề cập đến cuộc hành thiền kéo dài hai ngày! Tôi cười toáng lên; hình như đối với tôi đây là điều không thể thực hiện được. Nhưng với tâm bi không khoan nhượng, bà chỉ đơn giản nói với tôi. "Đừng có chây lười." -- Joseph Goldstein
Đâu là những giới hạn của chúng ta?
Khi Dipa Ma đến thăm thiền viện IMS để thuyết pháp một khoá huấn luyện thinh lặng ba tháng vào năm 1984, Joseph và Sharon là một cặp thuyết pháp, còn tôi thì cùng với bà Dipa Ma làm thành một cặp khác. Chúng tôi phải chủ trì "phỏng vấn" thiền sinh suốt cả buổi sáng, dùng bữa trưa xong, Dipa Ma về nhà riêng ngay bên kia đường để nghỉ ngơi đôi chút, còn tôi trở về phòng riêng nghỉ ngơi trước khi tiếp tục công việc vào buổi chiều.
Ngay trước khi tôi ngả lưng nằm nghỉ. Tôi nhìn qua cửa sổ và thấy Dipa Ma đang thực hiện một cuộc hành thiền "bách bộ" bên ngoài. Năm đó bà đang bị bệnh, còn thời tiết lại quá lạnh; tuyết rơi trắng xoá. Bà chỉ mặc một chiếc Xari trắng, bách bộ qua lại dưới tuyết rơi. Đây là cảnh một bà già đang bị bệnh tim, hành thiền bách bộ.
Tôi nhìn qua cửa sổ, rồi lại hướng mắt theo dõi Dipa Ma, nhìn vào chiếc giường đầy tiện nghi rồi lại nhìn Dipa Ma... tôi cảm thấy mình phải chấp nhận những giới hạn của bản thân. Tôi biết mình không thể ra ngoài là thực hiện hành thiền "bách bộ" vào lúc này được, nhưng tôi ngưỡng mộ và nhận ra sự khác biệt đó. Sự cống hiến vô tận của bà không bao giờ chấm dứt, giải thoát hoàn toàn đã khiến bà mạnh mẽ đến thế, tuy nhiên sức mạnh đó lại cực kỳ ngọt ngào. Bà không bao giờ dừng lại. Tôi có thể nhận ra rằng những hành động khác thường của bà lại không phản ánh mục tiêu do ác cảm hay tham lam thôi thúc. Tôi nhận ra toàn bộ điều đó, thế rồi đành phải lên giường nghỉ ngơi đôi chút. -- Michele McDonald Smith
Chỉ có ý tưởng mới ngăn bạn lại được.
Vào năm 1974, tôi dừng chân tại Calcutta để chào tạm biệt Dipa Ma. Tôi nói với bà, "Tôi về lại Hoa Kỳ một thời gian ngắn để dưỡng sức đôi chút và kiếm thêm chút tiền, và tôi sẽ quay trở lại."
Bà gãi đầu và quả quyết. "Không đâu, khi Cô về đến Hoa Kỳ Cô sẽ dạy thiền chung với Joseph."
Tôi nói, "Không đâu, tôi sẽ không làm điều đó," và bà đáp lại. "Đúng vậy, Cô sẽ làm như thếđó," tôi cãi lại, "Không, nhất định không."
Cuối cùng bà nhìn thẳng vào mắt tôi và tuyên bố. "Cô có thể làm bất kỳ điều gì Cô muốn. Chỉ có ý tưởng mới có thể ngăn Cô lại được mà thôi." Bà còn nói thêm. "Cô nên dạy thiền vì Cô thực sự hiểu khổ (dukkha) là gì."
Đây chính là chúc lành to lớn bà đã ban tặng cho tôi khi lên đường trở lại Hoa Kỳ. Tới nay đã hai mươi tám năm trôi qua. Và bà đã có lý. -- Sharon Salzberg
Bạn có đủ thời gian.
"Nếu bạn là một bà nội trợ, bạn có đủ thời gian" Bà Dipa Ma nói với tôi như vậy. "Ngay buổi sáng sớm bạn có thể hành thiền trong vòng hai tiếng đồng hồ. Sau đó vào buổi tối bạn lại hành thiền thêm hai giờ nữa. Hãy tập chỉ ngủ bốn giờ một ngày thôi. Không nhất thiết phải ngủ hơn bốn tiếng đâu."
Kể từ ngày đó. Tôi cắt bớt giờ ngủ. Đôi khi tôi có thể ngồi thiền đến tận nửa đêm hay dậy sớm vào hai ba giờ khuya để ngồi thiền. Ma khuyên chúng tôi phải có sức khoẻ để luyện thiền. Bà cho biết hàng ngày ta chỉ cần nắm giữ trọn vẹn năm luật giới, điều này sẽ làm cho bạn mạnh khoẻ luôn." -- Pritimoyee Barua
Làm bất kỳ điều gì bạn có thể.
Tôi hỏi Nani (Dipa Ma). "Tôi có nghe bà đang diễn giảng thiền quán (vipassana). Xin bà giải thích cho biết Thiền quán là gì vậy?"
Bà giải thích cho tôi về Thiền quán (vipassana), rồi bà nói thêm,"Cũng đã có lần tôi rơi vào tình huống giống hệt như ông bạn, phải chịu đựng đau khổ quá nhiều. Tôi tin là bạn có thể tiếp tục cách nào đó để được giải thoát khỏi những đau khổ đó."
Tôi nói với bà, "Tôi quá quan tâm đến mẹ và con trai tôi, và tôi còn phải điều hành một công việc kinh doanh làm bánh của cả gia đình. Tôi không thể thực hiện thiền quán được đâu."
"Ai nói vậy? Khi bạn nghĩ về mẹ và con trai, hãy tập trung ý thức ngay vào suy nghĩ đó. Khi bạn kinh doanh cho gia đình, hãy ý thức điều bạn đang thực hiện. Là thân phận con người chúng ta không bao giờ có thể giải quyết được toàn bộ mọi vấn đề đâu. Những gì bạn phải đối mặt và đang gây ra đau khổ cho bạn, hãy ý thức vào điều đó"
"Nhưng giữa công việc nướng bánh và gia đình, tôi không tìm đâu lấy được năm phút để hành thiền."
"Nếu bạn thu xếp được chỉ có năm phút mỗi ngày thôi. hãy làm như vậy thôi. Điều quan trọng là bạn làm bất kỳ điều gì bạn có thể, ít hay nhiều không quan trọng."
"Tôi biết mình không thể kiếm đâu ra được năm phút rảnh rỗi"
Nani đề nghị tôi hành thiền chung với bà trong năm phút ngay lúc này và tại đây xem có được không, Thế là tôi đã ngồi thiền với bà trong năm phút. Bà hướng dẫn tôi cách hành thiền như thế nào. Ngay cả như vậy tôi vẫn nói là mình không có thì giờ.
Tuy vậy tôi cũng đã để ra một ngày năm phút, và làm theo những gì bà đã chỉ giáo cho và phát xuất từ năm phút đó tôi đã được cảm hứng. Tôi đã hành thiền mỗi ngày năm phút, và rồi nhiều hơn nữa. Thiền đã trở thành ưu tiên số một đối với tôi. Tôi hành thiền bất kỳ lúc nào tôi có điều kiện. Tôi đã kiếm ra thời giờ hành thiền lâu hơn và dài hơn. Hiện giờ tôi đang thiền nhiều giờ trong ngày, có đôi khi tôi hành thiền suốt đêm sau khi đã làm xong công việc. Tôi đã tìm thấy nghị lực và thời gian mà tôi không biết. -- Sudipti Barua
Hãy dấn tới mức tiếp theo.
Hầu như bất cứ khi nào tôi rời khỏi Dipa Ma khoảng độ vài giờ, bà lại khích lệ tôi nên cần mẫn luyện thiền. Bà cố gắng thôi thúc tôi tôi tiến liên tục tới mức tiếp theo: "Tôi hy vọng ông sẽ nhớ hành thiền từng này giờ nhé." hay "Tôi hy vọng ông sẽ làm điều đó nhé." Có đôi ba lần bà đã sử dụng những từ như, "Tôi kỳ vọng ở ông... " bà luôn nói với một giọng điệu hết sức dịu dàng, không bao giờ căng thẳng quá, nhưng bên dưới những lời dịu dàng đó là cả một quyết tâm thực sự. -- Sharon Schwartz.
Thoải mái liên tục.
Trong một khoá huấn luyện ba tháng tôi thực hiện chung với Dipa Ma. Điểm tập trung chú ý trong các cuộc tiếp xúc bình thường với chúng tôi bà luôn xoáy vào những lãnh vực việc tập luyện cần phải tiến hành. Thí dụ như, những cảm giác đặc biệt nào vẫn còn nổi lên mạnh hơn? Trong buổi ngồi thiền nào hay vào đoạn nào trong buổi ngồi thiền tập trung chú ý (ekeggata) bạn thấy còn yếu? Tôi đối phó với tình trạng uể oải vào cuối ngày ra sao? Bà không gây mất hứng đối với những gì đang tiến triển tốt, nhưng bà luôn muốn thảo luận về những gì cản trở ta có thể luyện tập liên tục.
Điều quyến rũ hay mê hoặc nơi Dipa Ma chính là trong cuộc sống bà rất kiên định và liên tục sống theo cách đó. Cho dù bà đang dùng bữa, đang hành thiền bách bộ, hay chăm sóc cho cháu ngoại cũng không thành vấn đề, bà luôn thực hiện những việc đó với tập trung chú ý cao độ nhưng lại mang một sắc thái rất thoải mái.
Tôi nhớ lại cách tiếp cận phương cách luyện tập của Dipa Ma mới đây thôi, khi có người mang tặng cho thiền viện một con rùa sa - mạc để làm vật cảnh. Hàng rào nhỏ bé hình như không thể ngăn cản được con vật chậm chạp và kiên trì này tìm đường tẩu thoát. Để có thể theo dõi con rùa đi đâu. Chúng tôi dán một băng keo trên mu nó và ghi trên đó số điện thoại thiền viẹn, để lúc nào con vật biến mất, và chuông điện thoại sẽ báo chúng tôi, và ai cũng phải ngạc nhiên khi biết được con vật chậm chạp đó đã đi được bao xa và đến nơi mang con vật trở về lại thiền viện. Khi chúng tôi thả con rùa trở lại sân thiền viện, ngay khi đụng chân xuống sân, nó lại bắt đầu ngay một cuộc hành trình mới.
Tương tự như vậy đối với trường hợp Dipa Ma - chúng ta có thể nhận thấy một sự kiên định liên tục và cố gắng không mỏi mệt, bà dạy tôi biết ân sủng (grace) thực sự chính là tiết kiệm thời giờ và tiền của. Không thái quá và cũng không quá ít. -- Katrina Schneider
Bạn có thực sự đang thực hiện điều đó không?
Bà luôn hỏi xem. "Bạn đã ngồi thiền được trong bao lâu. Bạn tập trung vào chánh niệm đến đâu rồi? Trong cuộc sống bạn ý thức công việc ra sao?" Chung qui lại về cơ bản câu hỏi đó được tóm lại như sau, "Bạn có thực sự đang thực hiện điều đó không? hay bạn chỉ liên tưởng đến thôi? " Thật là một ý tưởng vĩ đại nếu ta sống theo chánh niệm, nhưng bạn đã thực sự sống cuộc đời bạn theo kiểu đó chưa? -- Jack Kornfield
Pháp ở khắp mọi nơi
Vào cuối một khoá huấn luyện nọ, tôi đã nói với Dipa Ma, thật sự không dễ gì có thể quay về với cuộc sống của mình vì lý do tôi đang sống ở một phần xa nhất trên đất nước này, nơi đó không có bất kỳ một cộng đoàn tu trì Tăng-già [ hay cộng đoàn Phật tử ] nào cả. Tôi hỏi bà xem phải làm thế nào trong trường hợp như vậy và bà nói, "Pháp ở khắp mọi nơi, bất kỳ bạn sống ở phương trời nào đi chăng nữa đâu có thành vấn đề." -- Michele McDonald-Smith
Cố gắng không chê vào đâu được.
Món quà vĩ đại nhất Dipa Ma tặng tôi chính là chỉ cho tôi thấy điều những gì có thể thực hiện được - và sống những điều đó. Sức cố gắng của bà không chê vào đâu được. Những con người có khả năng này không bao giờ nản lòng vì công việc kéo dài và khó khăn gặp phải lại quá to lớn. Cho dù có kéo dài hàng tháng, hàng năm cũng không thành vấn đề, vì can đảm trong tâm hồn vẫn còn đó. Bà chứng tỏ cho thấy với chánh tinh tiến, chúng ta có thể thực hiện bất cứ điều gì. -- Joseph Goldstein
-ooOoo-
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Phần Hai
Chương V
Những điều trông thấy qua những chuyện kể của chúng tôi.
"Hãy buông bỏ ý tưởng và niềm tin sẽ xuất hiện bên trong nội tâm."
Dipa Ma dạy rằng tâm trí chúng ta chứa đựng đầy nhóc những câu chuyện, mỗi câu chuyện như vậy lại nối tiếp câu chuyện khác. Giống như những ngăn đựng Búp-bê. Bạn mở một ngăn, ngăn khác lại xuất hiện bên trong đó. Khơi mở ra một câu chuyện rồi câu chuyện khác lại tiếp nối theo. Khi đến ngăn xép Búp-bê cuối cùng, ngăn nhỏ nhất, bạn cũng mở ra. Bên trong có gì vậy ? Trống không, chẳng có gì trong đó cả, và tất cả những gì chung quanh bạn chỉ là những vỏ trống rỗng những câu chuyện cuộc đời bạn.
Vì Dipa Ma nhìn thấu suốt những câu chuyện tâm linh đúng nghĩa. Bà không chấp nhận bất kỳ một loại thảm kịch cuộc đời nào. Bà muốn các thiền sinh của mình sống bằng chân lý tâm linh sâu hơn là căn cứ vào những diễn giải, những phát hiện nào về những biến cố bên ngoài cuộc sống. Dipa Ma biết rõ toàn bộ những thảm kịch cuộc đời. Ngay chính bản thân bà đã phải chịu bệnh tật kinh niên; đau buồn do những cái chết của cha mẹ, của chồng và hai con; và chịu thất vọng ê chề. Chỉ khi nào bà đã vượt qua khỏi những xác định với các chuyện kể và với những thảm kịch cuộc sống của, lúc đó bà mới bắt đầu sống như một người được giải thoát.
Không có vấn đề gì cả.
Đôi khi, có người đến gặp bà mang theo rất nhiều phiền muộn lo lắng, bà lại cười toáng lên. Bà không thể nhịn cười được, cuối cùng bà nói, "Những khó khăn bạn đang phải chịu đựng chẳng là vấn đề gì cả, đó chỉ tại bạn tưởng tượng ra, đó là những " khó khăn của tôi" chính vì bạn có suy nghĩ " có vấn đề cần tôi phải giải quyết" mà ra cả. "Đừng suy nghĩ kiểu đó, và rồi sẽ chẳng có vấn đề gì xẩy ra cả." -- Dipak Chowdhury
Đừng có nghĩ là họ vái con đâu nhé.
Khi mới tám tuổi, tôi đã được thụ phong làm sư tại Chùa Bodh Gaya theo lời đề nghị của bà ngoại tôi. Tôi mới làm sư được có ba ngày. Ngay sau khi tôi được thụ phong, người ta bắt đầu vái lạy tôi. Tôi nghĩ, "Ôi ! thành công lớn rồi!" Tôi cảm thấy rất đặc biệt. Nhưng bà ngoại tôi lại cảnh cáo tôi phải cẩn thận, "Đừng có nghĩ là họ vái con đâu nhé. Họ chỉ vái lạy áo Ca-sa của thôi đó." -- Rushi Barua, cháu ngoại của Dipa Ma
Chẳng có gì đặc biệt.
Chúng tôi ngồi trên xe ở ghế hậu đi quanh thành phố Calcutta vào một buổi trưa, đến thăm Thiền sư Munindra. Dipa Ma ngồi kế bên tôi và cầm lấy tay tôi. Qua bàn tay của bà tôi cảm thấy một sức ấm tình yêu không thể tưởng tượng nổi đang chạy ran khắp người tôi. Tôi đang sưởi ấm trong đó. điều đó kéo dài khoảng một vài phút, và khi tôi cảm thấy thú vị , tâm trí tôi nhẩy lên. "Ôi bà thật là đặc biệt". Ngay lúc tôi thoáng có ý nghĩ đó, lập tức nhưng từ tốn bà rút tay của bà ra khỏi tay tôi và không để tôi chạm vào tay bà nữa trong suốt cuộc hành trình còn lại. -- Matthew Daniell
Ý định của bạn là gì vậy?
Vào một buổi tối nọ, có một thiền sinh muốn tỏ ra xem ai là người bắt đầu hỏi Dipa Biết nhiều nhất. Cậu ta hơi ra vẻ thách thức, đối chất và như muốn tỏ ra mình xuất thân từ một tư thế trừu tượng tâm linh, và muốn lôi kéo bà vào chỗ phải tranh luận. Bà ngừng lại ở một điểm và nói với giọng hết súc từ tốn."Bạn tới đây làm chi vậy? Ý định của bạn là gì vậy?" Tính chân tình của câu hỏi bà đưa ra lập tức câm họng ông bạn trẻ đó. -- Ajah Thanasanti
Gỡ ra manh mối.[Vừa tới Ấn Độ] tôi muốn đến gặp Dipa Ma ngay tức khắc, Jack, Joseph và Sharon nói, "Cứđi bừa đi!" Thế là tôi đến vào buổi tối hôm đó, đó là cơ hội đầu tiên tôi được gặp bà. Tôi cóđịa chỉ của bà, nhưng không biết làm sao biết đường đến đó. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, tôi chỉ nhớ khi ra khỏi taxi tại một khu vực nghèo của thành phố, và nhìn xuống con đường tối mù ẩm ướt đầy rác rến, và tôi nghĩ, "Tôi không thể tin vào mắt mình được đó là chỗ đúng."
Tôi đi dọc xuống theo con đường và đến một cầu thang mở sang bên phải. Tôi được nói cho biết bà ở trên lầu bốn, nhưng trời tối rất khó nhìn, và tôi bắt đầu ái ngại. Tôi nghĩ mình đang lạc hướng đến chỗ bà ở lần đầu tiên. Cuối cùng tôi ra đến hành lang lầu bốn và nói tên bà ta với người đầu tiên tôi bắt gặp. Họ chỉ vòng quanh hành lang sang phía bên kia chiếc sân. Vào lúc này đã là sáu giờ tối. Các thiền sinh của bà đang lục đục kéo nhau ra về, và không còn nghi ngờ gì đã đến giờ sinh hoạt gia đình riêng tư của bà bắt đầu. Tôi phải công nhận là mình hơi bối rối đôi chút và không nghĩ đến điều đó. Tôi vừa mới kết thúc sáu tháng luyện thiền căng thẳng, công việc của tôi là muốn nghiên cứu Phật Pháp và tôi nghĩ còn phải bận rộn nhiều hơn chút xíu nữa trong tương lai.
Tôi thấy một người phụ nữ nhỏ xíu đang đứng ngoài cửa và nói điều gì đó, và bà tiến lại gần tôi và đợi. Bà nhờ con gái Dipa dịch cho bà, tôi tự giới thiệu và cho biêt: tôi là một thiền sinhđang học Phật Pháp và bạn tôi là Joseph Goldstein và Sharon Salzberg. Bà mời tôi vào một căn phòng nhỏ xíu.
Tôi vẫn còn nhớ mình ngồi trên chiếc giường gỗ của Dipa Ma và bắt đầu giải thích lý do tại sao tôi tới đây và kể cho bà biết về những bài học rất căng thẳng tôi vừa thực hiện và điều gì tôi đã trải qua. Bà không thể tỏ ra đáng yêu và hồ hởi chào đón chúng tôi hơn được nữa. Bà nghe rất chăm chú và kiên nhẫn những gì con gái dịch cho bà nghe, như thể chẳng có gì tốt hơn để để làm lúc này là chú ý lắng nghe một cậu trai trẻ vừa đột nhập vào phòng của bà mà lại như có cảm giác rất quen với cậu ta. Vì tôi tiếp tục nói, có điều gì đó được tỏ lộ ra trong tôi.
Chưa hề có điều gì tương tự như vậy đã xẩy đến với tôi trước đó và ngay buổi tối hôm đó. Tôi thực sự hơi sửng sốt gặp được một con người như vậy; tôi đã gặp rất nhiều người trong đời và nhiều năm qua. Nhưng chẳng có gì giống như vậy đã xẩy ra. Tôi càng nói, thì càng cảm thấy hoang mang và bối rối dâng trào và tôi hoàn toàn bị choáng ngợp. Tôi nghĩ mình đã làm điều gì đó vô nghĩa. Tôi cảm thấy bối rối hoàn toàn. Toàn bộ niềm kiêu hãnh trong tôi, tầm quan trọng nơi tôi, toàn bộ kinh nghiệm và cảm nghĩ mình đã là một hạng người nào đó đặc biệt vàđang tham dự cuộc hành hương đặc biệt này như thể xụp đổ và tan vỡ hoàn toàn chỉ nội trong vòng mấy phút. Và Ma chẳng làm bất kỳ điều gì khác hơn là ngồi đó và nhìn tôi một cách dịu dàng và chú ý đến tôi. -- Jack Enghler
Tất cả đều là vô thường.
Khi con trai tôi qua đời vào năm 1984, Dipa Ma đã làm cho tôi bị sốc với những lời của bà.Đó là một bài học khó tôi không bao giờ quên: "Hôm nay con trai bạn từ giã cõi đời này, chị đau khổ phiền não làm chi, tất cả đều là vô thường mà thôi, con trai chị cũng là vô thường, con gái chị cũng vậy, cuộc sống chị cũng thế nốt, chồng chị con gái chị cũng là vô thường mà thôi, tiền của tài sản của chị cũng thế, nhà cửa cũng vậy, chẳng có gì không là vô thường đâu, khi bạn còn sống, bạn có thể suy nghĩ, "Đây con gái tôi, đây chồng tôi, tài sản của tôi, nhà cửa của tôi, chiếc xe này thuộc về tôi. Nhưng khi chết chẳng có gì thuộc về bạn cả. Đồ ngu ngốc! Bạn nghĩ bạn là một thiền sinh nghiêm túc phải không, nhưng bạn phải nghĩ tất cả chỉ toàn là vô thường mà thôi. -- Sudipti Barua
Không nên lo lắng làm gì.
Tất cả những gì khiến tôi lo lắng - mất chồng, mất con cái - đã xẩy đến với Dipa Ma, và vậy mà bà vẫn thanh thản, vẫn tĩnh lặng và thản nhiên vui vẻ. Chiêm ngưỡng bà dưới góc độ như vậy tạo ra nơi tôi mối quan tâm vì tôi có quan tâm, nhưng không lo lắng gì laị là điều đầy sáng tạo. -- Sylvia Boorstein
Buông bỏ.
Một số người Mỹ quan tâm đến điều kiện sống nghèo khổ tại vùng lân cận, nơi Dipa Ma đang sống, đã quyên góp một số tiền giúp cho bà chuyển ra khỏi nội ô thành phố. Một thiền sinh nhớ lại những gì đã xẩy ra khi giao số tiền quyên được giúp bà xây căn nhà mới.
Tôi mang đến cho bà tất cả hai ngàn ruởi đô-la, một ngân khoản quyên góp được, tôi nghĩ là ở Ấn Độ với số tiền đó bà sẽ đủ xây được một nửa căn nhà. Số tiền này đủ cho cả gia đình Dipa Ma sống trong hơn một năm. Vì tôi quá yêu mến bà - và có thể cũng vì vậy mà tôi cảm thấy mình hơi quan trọng - tôi lãnh trách nhiệm mang số tiền đó đến cho bà một cách hết sức nghiêm túc nhưng cũng kèm theo nhiều sung sướng.
Tôi nghĩ, "Hãy đợi khi nào bà nhận ra tôi mang lại cho bà những gì, một số tiền trị giá đến một nửa căn nhà của bà định xây!"
Khi tôi vào trong nhà, tôi nói với bà tôi mang đây một ít tiền bằng đô-la Mỹ. "Chúng tôi không được phép dùng đô-la. Anh phải đổi sang tiền Rupees" tỷ số hối đoái vào thời điểm đó là vào khoảng: 2500 đô la đổi được bốn mươi lăm nghìn rupees. Tôi đến ngân hàng American Express và tờ giấy bạc cao nhất họ có là tờ một trăm rupees. Tôi bước ra khỏi ngân hàng với một giỏ sách đầy nhóc giấy bạc rupees. Tôi đã bị mất cắp hai lần ở Ấn Độ - một lần với một ngàn đô-la và lần này là 2500 đô. Vì thế tôi rất hồi hộp phải mang số tiền mặt đi qua phố phường Calcutta. Tôi cảm thấy như cõng chính tương lai Dipa Ma trên lưng: xây một căn nhà cho bà, toàn bộ tài sản của bà có và cơ hội cho cuộc sống an nhàn của bà sau này. Tôi đi thẳng từ ngân hàng đến căn phòng của bà. Tôi phải đi mất khoảng một tiếng đồng hồ và từng bước trên đường đi tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Nhưng tôi vội vàng không thể không thể đừng gặp mặt bà. Chúng tôi nghĩ ít nhất cũng phải cần đến năm năm mới có thể quyên góp được món tiền lớn như vậy, nhưng giờ đây, chỉ trong vòng có ba tháng tôi đã có thể giao cho bà được một nửa căn nhà. Tôi nghĩ chắc là bà sẽrất sung sướng.
Khi tôi bước vào căn phòng của bà, tôi thực sự thấy toát mồ hôi, khi vừa vào đến cửa, Dipa Ma lấy tay xoa đầu tôi và tặng cho tôi một cái hôn như thường lệ. Bà nói," Xem kìa, anh quẩn trí mất rồi." Tôi không muốn nói là tôi thực sự rất sợ người dân nước bà. Tôi nghĩ tôi sẽ mất cắp một lần nữa. Thay vào đó chỉ nói. "Vâng, tôi phải đi đổi tiền, có quá nhiều tiền, tôi rất lo vì mang theo mình quá nhiều tiền mặt trong người."
Tôi rỡ ba lô xuống, mở ra, và đổ trên sàn nhà. Căn nhà tự dưng giống như một cảnh trong phim với hàng cọc tiền rupees khắp trong phòng. Dipa Ma không nháy mắt trước số tiền nhiều như vậy. Bà không cả cử động hay tỏ ra hào hứng hay sung sướng gì cả. Bà cầm lấy số tiền, đẩy nhẹ vào gầm giường và phủ lên một tấm vải.
Tôi suy nghĩ, "Dưới gầm giường? bốn mươi lăm ngàn rupees - bà không muốn cất số tiền đó vào nơi nào an toàn hơn hay sao mà lại để dưới gầm giường. Hãy để tiền chỗ nào chắc chắn hơn kẻo trộm lấy mất. Và còn ngôi nhà mới thì sao. Hãy thử bàn đến ngôi nhà mới xem sao."
Bà chẳng đả động một lời nào đến số tiền đó gì cả, thay vào đó, bà chỉ quan tâm đến tôi mà thôi. Bà nói "anh hãy bình tĩnh lại đi, đừng quá căng thẳng như vậy" Rồi bà quay sang con gái Dipa và nói, "Chúng ta đưa anh ấy đi ăn."
Trên đường đi tôi suy nghĩ có thể tốt hơn là nói số tiền đó cho Dipa biết. Tôi nói, "Mẹ của em để tất cả số tiền đó dưới gầm giường, tôi rất áy náy có lẽ không an toàn mấy, em phải đưa đến gửi ở nhà ngân hàng cho chắc ăn."
Dipa cười. " Ôi, để ở ngân hàng không an toàn đâu. Nhưng để ở nhà mới an toàn hơn," Tôi bắt đầu phản đối, nhưng rồi tôi nhận ra: vấn đề là tại ở tôi cả, tôi không phải là "chiếc xe" chyển tiền hộ những tấm lòng thành của người khác. Tôi đã coi số tiền đó là "của tôi." Tôi đã biến số tiền lớn đó để tự "quan trọng hoá" chính mình. trong tình huống này. Ngay cả sau khi tôi đãđưa tiền đó cho họ. Tôi đã không sẵn lòng "Buông bỏ"… nhưng khi Dipa nói, "Đừng lo gì cả, ở đây an toàn hơn." Tôi Mới có thể an tâm nói, "Ôkê, tiền đó là của em đó."
Tôi chẳng bao giờ hỏi một câu nào nữa hay nghĩ đến số tiền đó lần thứ hai, khi tôi bước ra khỏi căn phòng, tôi cảm thấy tự do thoải mái. Thực chất, tôi chẳng biết họ có xây nhà hay không và đây là lần đầu tiên tôi đã nghĩ về số tiền đó sau mười lăm năm. -- Steven Schwartz
Còn tiếp.
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương VI
Tự do sâu đậm nhất
"Dần dà tôi quen với đau khổ, nguyên nhân đau khổ, đau khổ xuất hiện và kết thúc như thế nào".
Dipa Ma tin tưởng cách vô điều kiện giác ngộ - giải thoát hoàn toàn tâm trí và tâm hồn. - chính là mục tiêu cuộc sống nhân loại và là lý do chính để luyện tập hành thiền. Bà không mỏi mệt nhắc nhở các thiền sinh là: "Các con phải đạt đến ít nhất một bậc giác ngộ. Bằng không các con không thể tận dụng được cuộc sống nhân loại của các con".
Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông, có rất ít văn bản viết về những kinh nghiệm giác ngộ. Tính dè dặt của rất nhiều Thiền sư liên quan đến vấn đề này chủ yếu là tránh lập thành một thái độ gắng sức đạt đến giác ngộ nhất định. Chương này sẽ đem ra ánh sáng những kinh nghiệm giác ngộ với mục đích chính yếu là chứng minh không có gì là bí mật hay siêu phàm trong vấn đề này cả. và khi nào không có được ý nghĩ đúng đắn về chánh đạo và kết quả là không có gì để so sánh, để phán đoán hay đoán trước. Joseph Goldstein cống hiện cho chúng ta một cảnh báo: kinh nghiệm giác ngộ quan hệ tại ở từ bỏ "bản ngã" qua nhiều năm. Tôi đã thấy nhiều người đạt đến kinh nghiệm gíac quan lại tạo ra bản ngã nhiều hơn. Họ còn chấp thủ với kinh nghiệm đó và tự đồng hoá với nó. Làm như vậy là đánh mất quan điểm. Và như vậy có thể tạo ra hàng loạt đau khổ khác.
Thiền sinh nghiệp chướng.
Khoá huấn luyện ba tháng của tôi tan tành ra mây khói, "Đó là một loại huấn luyện bùng nổ hạnh phúc trong tôi, được mô tả mình như là thiền sinh nghiệp chướng. Nhưng khoá huấn luỵện ba tháng lần thứ ba thì lại đầy nước mắt từ đầu chí cuối... đã có lúc, tôi cảm thấy bị ngứa ngáy nội tâm và bị dày vò đến nỗi tôi nghĩ mình không thể ngồi thiền được đến năm phút. Thoạt tiên tôi tường trình điều này cho Dipa Ma, bà đề nghị tôi chỉ cần "ghi nhận lấy điều đó"
Nhưng cuối cùng đến một chừng mực nào đó tôi thực sự nghĩ là tôi sắp sửa bị nổ tung ra nếu tôi tiếp tục ngồi thiền thêm ít lâu nữa. Dipa Ma ngồi xuống bên cạnh tôi, nắm lấy tay tôi, cầm lên và bắt đầu vuốt ve với tình yêu và dịu dàng như thể vuốt ve một đứa trẻ nít vậy. Đang khi bà làm như vậy, bà đoan chắc với tôi, "Nếu con qua khỏi được tình huống này con sẽ được rất nhiều công phúc."
Làm như vậy, bà chuyển cho tôi một sự biến đổi tuyện đối lòng tin và tình yêu của bà. Mọi nghi ngờ của tôi tan biến hết; tôi tin tưởng hoàn toàn vào lời của bà. Tôi quay trở lại phòng thiền, ngồi trên nệm thiền và ... một điều gì đó đã mở ra trước mắt tôi. Tôi không biết phải mô tả như thế nào. Tôi bắt đầu cảm nhận được giống như các bạn thấy trong các trích đoạn cổ điển nói về giác ngộ. Bà đã hướng dẫn tôi với tính cương quyết đặc biệt trong lần này.
Tôi rất biết ơn bà vì đã giữ cho tôi tiếp tục hành thiền. Mặc dù có tới hai tháng rưỡi trời tôi đã bị cuốn theo phóng tâm (uddhacca) và đau đớn. Và chỉ muốn cuốn nệm và về nhà, bà đã giữ tôi ở lại. -- Vô Danh
Bạn đã đạt đến giác ngộ chưa?
Dipa Ma đã đến giảng dạy một lớp học ở trường tôi trong vòng ba tuần. Vào cuối khoá học, chúng tôi thực hiện một buổi huấn luyện căng thẳng cuối tuần. Một ngày trước buổi huấn luyện căng thẳng đó bà nói với tôi, "bạn sắp "thể hiện được linh cảm", tôi ngạc nhiên "điều dự định đó là gì vậy?"
Đêm hôm đó, tôi ngồi thiền một lúc và rồi tôi đứng dậy vì tôi buồn ngủ khủng khiếp. Tôi trở lại phòng của tôi, và có điều gì đó đổi thay. Tôi nhận thấy mình cần phải quay trở lại và ngồi thiền tiếp thêm một ít nữa. Thế là tôi quay trở lại hành thiền, và tôi tập trung hết sức cao độ.. .chỉ cần đơn giản chú ý đến hơi thở. Tôi đã nhận ra được thế giới vĩ mô của tôi. Đang sanh và diệt, từng chút một và tôi đã có thể xem thấy ý định nơi suy nghĩ xẩy ra. Tôi giống như một cái bong bóng có thể nổ tung. Thế rồi ý tưởng lại trở lại rồi lại qua đi, chẳng còn gì nữa. Thế rồi một ý tưởng khác lại xuất hiện, rồi nổ tung như bong bóng trên mặt nước.
Chẳng phải tôi đã làm điều này, vì tôi tuyệt đối không có khả năng đạt đến trình độ tập trung chú ý đến như vậy. Tôi nghĩ đây chắc phải là ân huệ của Dipa Ma ban cho. Rồi thinh lặng không thể tin nổi lại xuất hiện, và rồi tiếp đến là một khoảng không gian khổng lồ giữa tư tưởng nơi đó chẳng có gì diễn ra.
Rồi tiếp đến lại một thay đổi to lớn nơi nhận thức. Như thể tôi "vượt ra ngoài" đâu đó là nơi chú ý lại quay trở lại. Chẳng còn ai hiện diện trong đó cả, chỉ có mọi vật sinh rồi lại diệt. Điều đó làm tôi biến mất hoàn toàn.
Ngày hôm sau Dipa Ma hỏi tôi, "Sao, bạn đã đạt đến giác ngộ chưa? " Sau này vì tôi vẫn còn mới bắt đầu thiền, tôi chẳng có được một bề dầy hay một mớ kinh nghiệm nào cả. - hàng loạt hoảng sợ lại nổi lên. Thoạt tiên là một trực giác không thể tin nổi. Thế rồi sợ hãi nổi lên khi tôi nhận ra rằng mọi sự đề đã bị đoạn diệt từng thời điểm một. Tâm trí tôi bối rối khủng khiếp và đó là một khoảng thời gian dài trước khi kinh nghiệm của tôi mới đạt đến trưởng thành trong tôi. Ba năm trưỡc đó tôi đã có ước muốn hành thiền trở lại. -- Vô danh
Giác ngộ là một hiện thực hiển nhiên đối với các thiền sinh Ấn Độ, Dipa Ma hướng dẫn hành thiền. Jack Engler nhớ lại là họ luyện tập trong khung cảnh gia đình thường ngày. "Khi Dipa Ma nhận ra một thứ chín mùi nhất định nào đó nơi họ, bà sẽ nói, 'Hãy thu xếp công việc, xem coi bạn có thể tham gia hai tuần lễ phải xa nhà và đến lưu lại trong phòng này kế bên tôi và chỉ dành mười ngày hay hai tuần tập luyện.' Đó là khi giác ngộ xuất hiện nơi họ. Đó là toàn bộ những luyện tập căng thẳng họ phải thực hiện và rồi đã xẩy ra như vậy, sau đó một số có thể trở lại nhà trong khoảng thời gian đó để lo lắng công việc gia đình".
Chỉ cần hai hoặc ba ngày thôi.
Tôi dẫn mẹ tôi (em Hema của Dipa Ma) mỗi buổi chiều đến chùa, và một lần kia tôi bắt gặp một bà người Miến Điện ở đó nói với tôi về công việc luyện thiền của bà ta. Tại nhà cùng với những đứa con nhỏ. Bà đi làm vào ban ngày và hành thiền vào ban đêm khi các con của bà đã lên giường đi ngủ. Bà cho biết, "chỉ trong vòng hai tháng bà đã đạt đến giác ngộ bậc một."
Thế nên tôi noi gương này khi tôi đang phải theo đuổi chương trình đại học để lấy bằng tiến sĩ. Tôi thức dạy lúc bốn giờ sáng và thiền tới năm giờ ba mươi. Tôi đến trường cho tới 3 giờ 30 chiều và rồi tôi hành thiền "bách bộ" với con chó của tôi trong vòng một tiếng đồng hồ. Rồi tôi dẫn mẹ đến chùa.. sau đó tôi làm bài tập cho tới chín giờ khuya. Rồi tôi lại hành thiền "bách bộ" trong vòng một tiếng đồng hồ nữa với con chó của tôi. Rồi sau đó tôi ngồi thiền một giờ nữa cho tới 11 giờ đêm và tôi đi ngủ.
Lúc nào cũng vậy, trên xe buýt tới trường, trong giờ học, ở mọi nơi. Tôi đều luyện tập ghi chú (ghi chú trong tâm linh mỗi kinh nghiệm giác quan.) khoảng độ hai hay ba tuần lễ liên tiếp. Munindra bảo tôi hãy đi nghỉ và đến đây và thiền. Tôi nói với ông không thể nào bỏ học được, và ông nói "Được rồi, chỉ cần hai ba ngày cũng được." Thế là tôi đã đi từ thứ năm cho đến thứ bẩy. Vì có quá ít thời gian tôi quyết định thức suốt đêm thứ năm và tiếp tục thiền cho đến ngày thứ sáu.
Vào đêm thứ sáu khoảng 1 giờ sáng, tôi suy nghĩ có điều gì đó "không ổn xẩy ra" vào buổi sáng, tôi nói với mẹ tôi và Dipa Ma là có điều gì đó lạ lắm đã diễn ra trong tôi. Họ bắt đầu cười vang. Họ nói với tôi đó là thiền bậc thứ nhất, và họ rất lấy sung sướng vì tôi. -- Daw Than Myint
Ô-kê, con hổ sẽ xuất hiện.
Vào ngày thứ nhất tôi được gặp mặt bà. Nani (Dipa Ma) đã truyền cho tôi một số kiến thức về hành thiền và nói với tôi, "Bạn có thể luyện thiền ở nhà." Tôi về nhà chiều hôm ấy và lập tức bắt đầu luyện thiền trong vòng hai mươi ngày.
Trong hai mươi ngày luyện thiền đó tôi cảm thấy mình bị sốt. Tôi cảm thấy giống như một chiếc bàn ủi nóng thâm nhập vào thân xác tôi. Tôi nhìn thấy rắn bò khắp nơi và những con cọp nhẩy bổ vào tôi. Tôi tường trình điều này cho Nani và bà nói với tôi. "Đừng lo lắng gì cả, đừng uống bất kỳ loại thuốc nào cả nhé. Bạn bị sốt, nhưng không phải là một chứng bệnh.: sơn sốt sẽ tự động biến mất thôi. chỉ cần ý thức là đủ. Chỉ cần cảm thấy cơn sốt đó và ghi nhận lại. Khi rắn và cọp xuất hiện đừng có lo lắng gì cả. chỉ cần ghi nhận lại, 'Ô-Kê một con cọp xuất hiện. chỉ có vậy thôi."
Rồi tôi lại nhìn thấy những xác chết thật là nhãn tiền. Tôi nhìn thấy, nhiều và rất nhiều xác chết. Nơi những chỗ khô cằn và tôi lại phải đi dạo trên những xác chết đó. Tôi hoảng hồn khủng khiếp. Nani nói, "Đừng sợ gì cả, hãy ghi lại bằng trí tuệ những gì đã quan sát được". Những ảo giác đó đến từ rất nhiều cuộc sinh của chúng ta. Điều chúng ta đã làm ở kiếp trước thường xuyên xuất hiện trong tâm trí khi hành thiền. "Từ những kiến thức của bà, tôi ghi lại một xác chết.và " dẫm trên xác chết mà đi tôi ghi nhận lại, tôi vẫn tiếp tục ghi nhận và nhận ra được trong tâm trí tôi."
Chẳng bao lâu chỉ còn có ý thức mà thôi. Tôi bắt đầu hiểu ra thân xác tôi là gì, tâm trí tôi trở thành sáng suốt và bình an và tôi đã đi đến giác ngộ. Tất cả mọi đau khổ của tôi đã bị tận diệt. Tôi đi đến chổ hiểu rõ thân xác tôi. Tâm trí tôi là gì, trí tuệ của tôi là gì và cách thiền là như thế nào. Không còn đường thối lui nữa. Sau hai mươi ngày tôi cảm thấy chỗ ngồi của tôi và chạy ra ngoài tiến vào một thế giới mới. -- Joytishmoyee Barua.
Điều quý báu nhất trên đời
Khi tôi còn thực hiện nghiên cứu tại Calcutta. Dipa Ma đã dẫn người hàng xóm đến gặp tôi, đó là một người đàn bà sáu mươi lăm tuổi tên là Madhuri Lata. Bà đang phải chăm sóc gia đình, các con của bà đã đi khỏi và không giống như những gia đình Ấn Độ khác, bà sống một mình với chồng, không có họ hàng thân thuộc sống trong cùng một ngôi nhà. Chồng bà nói," Bà chẳng có gì để làm vào lúc này, người dì của bà, Dipa Ma, đang dạy thiền, tại sao bà không đến thưa chuyện với bà ta, bà ta sẽ cho bà việc gì để làm".
Madhuri, hơi đãng trí một chút, đã đến gặp Dipa Ma, và Dipa Ma đã dạy cho bà những kiến thức cơ bản [ tập trung chú ý vào sự nổi lên và trụt xuống của lồng ngực với mỗi lần hít vào và thở ra.] bà chỉ cần ghi nhận, "xuất hiện, biến đi, xuất hiện, biến đi, xuất hiện, biến đi" Mahuri nói "được rồi" và bắt đầu về nhà. Bước xuống bốn hộc cầu thang và đi ngang qua lối vào căn hộ. Bà chưa xuống hết nửa cầu thang thì đã quên mất những lời dặn dò. Thế là bà lại phải quay trở lại.
"Tôi phải làm những gì theo như dì đã dặn tôi nhỉ?" Bà hỏi Dipa Ma.
"Nổi lên, sụp xuống, nổi lên, sụp xuống, nổi lên, xụp xuống." Dipa Ma nói.
"Ôi ! được rồi, được rồi,"
Đã bốn lần, Madhuri quên mất lời dặn và phải quay trở lại. Dipa Ma rất kiên nhẫn với bà, Madhuri cần đến hơn một năm mới nhớ hết những lời dặn căn bản, nhưng một khi bà nhớ rồi, bà giống như một con hổ. Trước khi bắt đầu luyện tập Madhuri gập mình xuống thành một góc chín mươi độ với chứng viêm khớp, bệnh thấp khớp, và đau ruột, khi tôi gặp được bà, sau khi bà đã cảm nghiệm được giác ngộ, bà đi lại lưng thẳng, không còn đau ruột, bà đã trở thành một người đàn bà đơn sơ nhất, dịu dàng nhất và khả ái nhất.
Sau khi bà kể cho tôi về câu chuyện giác ngộ của bà. Bà nói, "Lúc nào cũng vậy, tôi đều muốn kể cho ai đó nghe về điều kỳ diệu đã xẩy đến với tôi và tôi chưa bao giờ được chia sẻ với ai trước đây. Đây là điều quí báu nhất trong cuộc sống. -- Jack Engler
Mọi cảm xúc đều phát xuất từ ý tưởng.
Cho dù phải chịu những khó khăn gay gắt về cảm thọ, một vị sư người Việt Nam. Sayadaw Khippapanno (Thiền sư Kim Triệu), là một người đã đạt đến thiền quán nhờ vào những lời động viên của Dipa Ma. Năm 1969 Ngài đến tham dự một khóa huấn luyện trong đó, có đến năm ngày, ngài không thể dừng không cười vang hay gào khóc. Thiền sư của ông, nhận định Khippapanno đã bị điên và truyền cho ông ngừng tham gia huấn luyện và trở về chùa. Khi Dipa Ma nghe thấy điều này, bà mời Khippapanno đến hành thiền chung với bà.
Trong vòng một tháng trời tôi đã luyện thiền với bà tại nhà riêng. Bà khuyên tôi: "Sư sẽ vượt qua được khó khăn này, nếu như sư ghi nhận tất cả mọi sự, tất cả những khó khăn cảm thọ của sư sẽ tan biến. Khi nào sư cảm thấy hoan hỷ, đừng để hết tâm trí vào niềm hạnh phúc đó, và khi sư cảm thấy buồn chán, cũng đừng quá quan tâm đến nỗi buồn đó làm gì. Bất kỳ điều gì xẩy ra, đừng lo lắng gì cả, chỉ cần ghi nhận lấy điều đó là đủ".
Trong buổi huấn luyện sau vừa qua, khi tôi cảm thấy tình trạng điên dại xuất hiện, tôi nhớ lại những lời bà đã dặn. Tôi đã gặp quá nhiều khó khăn về vấn đề cảm thọ, đến nỗi tôi muốn rời bỏ cuộc huấn luyện, nhưng tôi lại nhớ đến niềm tin bà đặt ở nơi tôi, và những lời bà nói, "Việc tu luyện của sư thật tốt, chỉ cần sư ghi nhận mọi sự và sư sẽ vượt qua mọi khó khăn." Với hiểu biết về niềm tin tưởng nơi tôi, tâm chánh định của tôi tiến triển rất nhiều.
Sau đó ít lâu tôi nhận ra tất cả cảm thọ của tôi, do suy tư và ghi nhận nhiều hơn, tôi cảm thấy rằng tôi biết quan sát được tư tưởng dẫn tôi tới những tình cảm đó. Tôi có thể vượt qua được những khó khăn đó. Tôi nhận ra rằng mọi tư tưởng đã xẩy ra trong quá khứ và sẽ xẩy đến trong tương lai vì thế nên tôi chỉ sống trong giây phút hiện tại mà thôi và tôi tu luyện chánh niệm ngày càng nhiều hơn... Tôi không suy tư trong một thời gian dài, chỉ luyện chánh niệm và rồi toàn bộ những khó khăn tình cảm của tôi qua đi, chỉ có vậy thôi! Tiếp theo tôi lại có được kinh nghiệm. Không chắc nắm được điều đó diễn ra như thế nào. Đó chỉ là một khoảng khắc ngắn ngủi và không có ai xác định được ngay lúc này, những vấn đề tình cảm của tôi không bao giờ quay trở lại nữa.
Cuối những năm 1984, khi tôi gặp lại Dipa Ma tại Hoa Kỳ. Bà đã kéo tôi sang một bên và hỏi về công việc luyện thiền của tôi. Khi tôi cho bà biết, bà nói là tôi phải hoàn tất giai đoạn (giác ngộ) này. Bà nói với tôi tựa như người mẹ khuyên nhủ đứa con của mình vậy. -- [i]Sayadaw Khippapanno (Thiền sư Kim Triệu)[/i]
[i]Còn tiếp[/i]
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương VII
BẠN HƯỞNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH RA SAO?
"Toàn bộ con đường của chánh niệm là: Bất kỳ bạn thực hịên điều gì hãy ý thức lấy điều đó."
Tôi nghe một đối tác Thiền sư tinh thần có lần đã nói,"Tôi biết ông đang học một số điều gì đó vì ông gặp không ít khó khăn để chịu đựng điều đó." Thiền quán chính là sự biến đổi chính cống toàn diện cách sống chúng ta; thiền quán cũng khiến chúng ta dịu dàng hơn với người khác. Có lẽ việc luyện tập của bạn đã đem lại phần thưởng cho bạn bằng thiền quán sâu xa hơn. Nhưng thiền quán thường thì rất tuyệt, những kinh nghiệm đó lại chóng qua. Giác ngộ được hay không, vấn đề vẫn còn đó. Bạn hưởng cuộc sống của mình ra sao ? Đây là một thử thách đơn giản nhưng lại rất quan trọng; bạn rửa chén thế nào? Bạn phản ứng ra sao một khi có người nào đó ngăn cản bước đường bạn đang đi?
Dipa Ma là một tấm gương sống động cho chúng ta để biết phải sống làm sao trên cõi đời này và phải luyện tập ra sao và những sinh hoạt trần thế của chúng ta do sự hiện diện của mình ngày này qua ngày khác trên cõi đời này chỉ là một. Bà nhấn mạnh đến việc luyện tập phải luôn được thực hiện. và chúng thực hiện những công việc phải làm qua ngày tháng mà không biến những công việc đó thành vấn đề. Dipa Ma muốn biết "Chúng ta tỉnh ngộ (giác ngộ) đến cỡ nào trong cuộc sống". Có phải các bạn chỉ suy nghĩ đến ý thức mà thôi hay sao, hay các bạn thực sự sống với ý thức đó.?" Dipa Ma cho biết ngay cả khi bà đang nói, bà cũng có thể thiền được,"Nói năng, ăn uống, làm việc, suy nghĩ về con gái của bà. Chơi đùa với cháu ngại - chẳng có hành động nào có thể cản trở bà luyện tập vì bà thực hiện tất cả những điều đó với chánh niệm. Bà cho biết, "Khi tôi di chuyển, đi mua hàng tất cả mọi điều tôi làm, tôi làm tất cả với chánh niệm hay ý thức cao độ. Tôi biết (ý thức) điều gì tôi phải làm, nhưng những điều đó tuyệt đối không thể trở thành vấn đề cho chúng ta được. Ngược lại, tôi không bao giờ dùng thời gian để nói chuyện tầm phào hay thăm viếng và làm bất kỳ điều gì tôi coi như không cần thiết cho cuộc sống của tôi."
Bạn cột dây giầy ra sao?
Bà động viên tôi để sống những gì tôi đã giảng dạy. Chất lượng sự hiện diện của bà giống như trong các câu chuyện cổ tích Hasidie, khi có người nào đó hỏi, "Tại sao bạn lại phải đến gặp thầy Rabbi? Có phải bạn chỉ đến để nghe ông ấy thuyết pháp cho bạn một bài nói chuyện hùng hồn về Kinh Torah, hoặc để xem ông ấy làm việc thế nào với đám đồ đệ của ông ấy hay không?" và có người trả lời, "Không đâu, tôi đến để xem ông ấy cột dây giầy như thế nào." Dipa không muốn bất kỳ ai đến sống ở Ấn Độ luôn hay chỉ trong ít năm ít tháng hoặc trở thành sư hay thầy Ashram, tại đó. Bà cho biết "Hãy sống cuộc đời mình, hãy rửa chén, giặt giũ quần áo, đưa con tới mẫu giáo. Dạy dỗ con cái, hay cháu chắt. Hãy chăm sóc đến cộng đồng bạn đang sống. Hãy thực hiện tất cả những điều đó như là chánh đạo của bạn vậy và theo chánh đạo đó với tất cả tâm hồn của mình. -- Jack Kornfield
Giác ngộ đang khi ủi quần áo.
Bà tin là bạn có thể được giác ngộ đang khi bạn ủi quần áo. .. .Bà cảm thấy mọi sinh hoạt nên được thực hiện với chánh niệm cao độ. Và rồi sự quan tâm chăm sóc cũng sẽ xuất hiện ở đó. - hãy chăm sóc cho bất kỳ ai bạn đang ủi đồ cho họ vậy. -- Michelle Levey
Khi vị thánh giặt quần áo.
Một cảnh tôi thích nhất ( cuốn phim 8 ly) trong cuốn phim tôi quay được Dipa Ma đang phơi quần áo. Nên nhớ Zen đó nói. "after the ecstasy, the laundry?" (sau cơn xuất thần, là giặt giũ quần áo chăng?) Vâng, cảnh này hơi dài một chút khoảng độ hai ba phút Dipa Ma đang tươi cười và thích thú phơi quần áo bà vừa mới giặt. Thật tuyệt vời ngắm bà trong sân dưới ánh nắng mặt trời tôi muốn in thành hình cảnh này và đặt tên "Khi vị thánh giặt quần áo" -- Jack Kornfield
Việc thánh nơi việc phàm tục
Khi tôi đến gõ cửa, con gái bà Ma Dipa ra mở cửa. Tôi cảm thấy hồi hộp khi đến gặp Dipa Ma và nẩy ra trong đầu một số thắc mắc. Tôi muốn hỏi bà về thiền. Sau một vài phút một người phụ nữ lớn tuổi (Dipa Ma) xuất hiện. Hình như bà hoàn toàn không để ý đến sự hiện diện của tôi. Bà chẳng thèm nhìn tôi. Không nhận ra tôi. Bà hoàn toàn im lặng và dịu dàng không thể tưởng tượng nổi. Quá bệ vệ bộc trực đến nỗi tôi phải đợi cho đến khi bà sẵn sàng giao tiếp với tôi. Bà không có tách biệt. chính xác là vậy. Chính xác hơn đó là tĩnh lặng thực sự.
Khi bà bước vào trong phòng, bà liền nhặt con vịt bằng nhựa lên, chắc là món đồ chơi của cháu ngoại và mang đến một cái chậu nhựa gần bậu cửa sổ. Dưới ánh nắng êm dịu buổi chiều chiếu qua cửa sổ. Bà bắt đầu tắm cho con vịt. Giống như bà rửa tội con vịt nhỏ xíu bằng nhựa đó. điều khiến ấn tượng mạnh nhất là bà thực hiện công việc hết sức chăm chú. Đây chỉ là một đồ vật hết sức phàm tục, ở một chừng mực nào đó còn đối chọi lại với những gì là siêu nhiên. Chỉ đơn giản là một con vịt bằng nhựa bẩn thỉu, ấy vậy mà bà đã dốc toàn tâm toàn lực vào công việc lau chùi, điều này lập tức khiến tôi tập trung tư tưởng khi nhìn bà. -- Andrew Getz
Lòng đạo đức hoàn hảo.
Khi mùa hè sắp kết thúc, trời đang trở đông tại thiền viện IMS, nhiệm vụ của tôi là nhặt nhạnh nhứng sửa soạn áo mùa đông cho cả gia đình Dipa Ma. Có người tặng cho Dipa Ma một khăn quàng cổ, và số khác bắt đầu cung cấp quần áo đông cho Dipa Ma. Một trong số những phẩm vật tôi đưa cho bà đó là một cặp vớ rất ấm bà thường mang khi di chuyển trong nhà. Tôi rất hài lòng vì món quà nhỏ của tôi tỏ ra rất ích lợi cho bà. Nhưng tôi đã phạm phải một sai lầm nho nhỏ, trong những bận rộn của những ngày đó, tôi đã không chính thức mang đến cho bà, như là một món quà để tặng cho bà.
Sau bẩy tuần chia sẻ cuộc sống hàng ngày với nhau, đã đến giờ đưa cả gia đình Dipa Ma ra sân bay và chào tạm biệt. Khi tôi quay trở lại nhà, tôi thấy nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. Một giai đoạn căng thẳng lớn đã qua. Căn nhà trở nên trống vắng.
Khi tôi vào phòng ngủ, tôi thấy một số đồ được xếp gọn gàng ngay chân giường. Một trong số đó là đôi vớ, tim tôi se lại. Tôi không thể hiểu được tại sao bà để lại đôi vớ đó.
Sau ít phút suy nghĩ, tôi nhận ra là đôi vớ đó đã được tặng cho bà một cách không rõ ràng. Nên bà đoán không phải là của bà để mang về nước. Một việc nhỏ đến như vậy, đã truyền tải một giáo lý vững chắc nơi lòng đạo đức hoàn hảo luật giới phải được thực hiện như thế nào. Bài học thật thấm thía cho tôi trong một thời gian. Nhưng đó là một bài học nhớ đời. -- Michael Liebenson Graby
Hiện diện thường xuyên
Tôi hỏi Dipa Ma, "Bà có muốn di chuyển đến một phòng khác để ngồi thiền hay không? Có một nhóm khác đang đến đây luyện thiền chiều nay."
"Tôi đang ngồi đây , tại sao lại phải di chuyển sang phòng khác làm gì?"
"Chúng tôi đang thiền ở đó"
"Nhưng những người khác muốn đến thì sao? Và họ cũng muốn ngồi thiền ở phòng đó thì sao ?"
Cuối cùng tôi cũng đưa bà sang phòng khác để ngồi thiền ở đó. Bà chỉ "hiện diện ở đó" bất động. Mắt bà nhắm lại, hay mở ra không có gì khác cả. Đó là một sự hiện diện đáng nhớ của bà trong nhà chúng tôi. Câu hỏi "Sao lại phải di chuyển, thực sự phải làm gì ở đó.?
"
Tại những buổi ngồi thiền này, đôi khi có đến năm mươi người đến để nhận chúc lành của bà, nhưng cho dù có đông đến mức độ nào, bà đều tiếp từng người một và có mặt hoàn toàn cho hết mọi người. Nhìn xem đặc tính cá biệt trong tập trung chú ý và quan hệ của bà, tôi có thể nhận ra bà đang quan hệ với từng người một như là Thiên Chúa vậy. -- Steven Schwartz
Chỉ cần đứng hay ngồi là đủ.
Tôi chưa bắt gặp Dipa Ma trong tình trạng phóng tâm hoặc lo ra bao giờ, và tôi thường để ý nhìn xem bà luôn. Khi bà đứng, giống như một hòn đá chồng. Bà chỉ đơn giản đứng đó và khi bà ngồi, chỉ đơn giản bà ngồi đó. Một lát. Chẳng có gì xẩy ra. Bà không bao giờ nhìn ngó ngang ngửa và hoàn toàn tập trung chú ý. -- Michael Liebenson Grady
Đi thẳng tới Đức Phật
Tại Calcutta có một thiền sinh của Dipa Ma và Munindra rất thành công trong kinh doanh người này đã tổ chức một buổi lễ làm phép căn nhà mới xây. Tôi bước lên cầu thang và giúp Dipa Ma đi giầy. Một số người đang nói cười và ăn. Máy hát được bật lên và tinh thần phấn trấn hẳn lên, bầu khí đó giống như một buổi liên hoan Cham-pa. Căn phòng chuyển sang sinh động hơn, và hưng phấn.
Dipa Ma buớc vào căn phòng chững chạc và cương quyết tiến thẳng tới bàn thờ Đức Phật ( ở phòng bên cạnh). Khi bà đứng trước tượng Phật, bà phủ phục xuống tận sàn nhà và bắt đầu vái, ngay giữa những người đang ăn món khai vị và ca hát vang lên, tôi nhận ra là Dipa Ma, bất kỳ điều gì xẩy ra, bà chỉ có một mục đích và đó là chân lý. -- Ajahn Thanasanti
-ooOoo-
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương VIII
TÌNH YÊU VÁI TÌNH YÊU
"Trái tim của bạn thông biết mọi sự"
Vào một buổi sáng nọ trong một quán cà phê nhộn nhịp tại Santa Fe, tôi hỏi Sharon Salzberg, "Món quà lớn nhất Dipa Ma tặng cho bạn là gì vậy".
Sharon ngừng trong giây lát rồi gương mặt của bà dịu hẳn lại.
"Dipa Ma thực sự rất yêu tôi," bà cho biết. "và khi bà chết, tôi tự hỏi, "Không hiểu có còn ai yêu tôi thực sự đến như vậy nữa không?"
Cả hai chúng tôi đều im lặng, và chỉ trong giây lát hình như có một cánh đồng mở ra để chúng tôi lọt vào một thế giới khác. Tại nơi khác đó chỉ có một điều tồn tại đó là tình yêu hoàn hảo và toàn diện. "
"Đương nhiên," Sharon nói thêm với một nụ cười, "Không chỉ có mình tôi, không phải chỉ cá nhân tôi".
Jacqueline Mandell một lần kia hỏi Dipa Ma xem bà có luyện chánh niệm hay từ tâm hay không. Dipa trả lời. "Theo kinh nghiệm của tôi, không có sự khác biệt nào giữa chánh niệm và từ tâm cả." đối với bà, tình yêu và ý thức chỉ là một. Hãy suy nghĩ về điều đó. Khi bạn tỏ ra yêu thương trọn vẹn, bạn không ý thức là gì? Khi bạn ý thức hoàn toàn đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao?
Joseph Goldstein nhớ lại có một lần kia ông nhìn thấy Dipa Ma vái tượng Phật. Có một điều rõ là không có ai trong phòng đó cả. Chỉ có tình yêu "vái lạy tình yêu mà thôi". Một thiền sinh khác lại nói, "Đối với Dipa Ma, giác ngộ là tình yêu vĩ đại. Thuyết pháp của bà chính là mối tương quan giữa bá tánh với nhau". Tấm lòng của bà như một cánh cửa phòng luôn mở rộng và trong trái tim bao la đó là tất cả mọi người. - Cho dù trong cơn buồn phiền hay vui mừng - mọi người có thể đến hay ra đi và đều được bà ôm hôn thắm thiết. Thiền sư Sofi Asha Greer, đã mô tả khi được bà Dipa Ma ôm chặt vào lòng, "Thật chu đáo đến nỗi cái thân hình sáu feet của tôi được ôm trọn vào tấm lòng trống rỗng bao la của bà, có chỗ cho toàn thể mọi thụ tạo.
Chúc lành cho kẻ trộm
Một vài năm trước, hình như khi tôi tới Nữu Ước, xe hơi của tôi thường gặp nạn và Radio của tôi hay bị đánh cắp. Một lần người bạn tôi mời đi ăn cưới tại Queens. Tôi nói với Dipa Ma rằng tôi nghĩ tôi phải đi xe lửa vì chiếc radio xe hơi của tôi luôn bị mất cắp mỗi lần tôi lên Nữu Ước.
"Đừng có khùng" bà nói, "đi xe hơi thôi."
Thế rồi tôi quyết định đi xe hơi, vào thời đó tôi gắn thêm một bộ phận an toàn. Tôi đậu xe và vào tham dự đám cưới. Khi chúng tôi ra xe, xe của tôi đã bị phá một lần nữa. Lần này kể trộm không chỉ lấy đi chiếc radio mà còn toàn bộ các băng nhạc của tôi nữa.
Khi tôi quay trở về nhà, bước vào nhà tôi nói với Dipa Ma và bà hỏi tôi, "Đám cưới ra sao?"
"Đám cưới vui tuyệt" tôi nói, "Nhưng xe hơi của tôi lại bị lục lọi một lần nữa, và chiếc Radio lại bị đánh cắp, tôi thực sự rất buồn."
Dipa Ma bật cười toáng lên.
"Thật là kỳ cục"
"Chắc ông phải là một tay trộm ở kiếp trước. Thế ông nghĩ còn bao nhiêu lần nữa ông sẽ bị mất Rađio."
Tôi đáp lại "Bà nên nói cho tôi biết mới phải, còn phải bao nhiêu lần nữa. Hãy cho tôi biết để tôi còn phải sửa soạn."
Như quên câu hỏi của tôi bà nói, "Anh định làm gì nào? Phản ứng của anh ra sao?" Khi chiếc xe của anh bị lục lọi.?"
Tôi thực sự rất bực bội vì điều này xẩy đến cho tôi quá nhiều lần rồi. Và tôi nghĩ tôi phải đặt một hệ thống báo trộm."
Bà nhìn tôi thật ngạc nhiên. "Anh muốn nói là anh không nghĩ đến tên trộm lấy chiếc Radio của anh sao? Cuộc đời của người đó thật buồn thẳm làm sao?"
Bà nhắm mắt lại và bắt đầu tụng kinh cách yên lặng, và tôi biết bà đang tụng kinh từ tâm (những phước lành do lòng từ tâm) cho kẻ trộm. Thực là một bài học nhớ đời cho tôi. -- Steven Schwartz
Vẫn còn người khác để mà yêu
Bà thật sự rất đáng yêu và là một bà ngoại đúng điệu. Khi bạn bước vào nhà, được biết tại Ấn độ câu hỏi đầu tiên bà hỏi đó là, "Ông cảm thấy ra sao? Ông có khoẻ không? ông có ăn được không? ông có chịu được khí hậu và đồ ăn Ấn Độ hay không.?"và nhiều điều khác... Bà mỉm cười khi có ai bước vào nhà của bà. và bộc lộ lòng từ tâm chào đón. Bất kể là ai bước vào, hoặc trong hoàn cảnh như thế nào. Hoặc họ muốn nói gì với bà. Mọi tình huống đều có quan hệ đến bà cả. Điều quan trọng nhất đó là lại có một người khác nữa đề được yêu. -- Jack Kornfiel
Tôi cũng có một món quà dành cho bạn
Trong chuyến đi Ấn Độ đầu tiên của tôi. Bạn tôi là Sharon Salzberg đi theo tôi và chia sẻ với bà một số kinh nghiệm rất được ưa chuộng. Tại vùng Bemares có một loại kẹo rất đặc biệt và bà muốn tôi dùng thử. Gọi là rasmali, thật là tuyệt.
Quay trở lại Calcutta chúng tôi đến thăm Dipa Ma, bà hỏi tôi " Điều anh thích nhất Ấn Độ là gì? tôi tuởng tượng câu trả lời đúng nhất phải là điều gì đó đại loại như, "Tôi đến chùa Godh Gaya để cầu nguyện," hay "Tôi nhìn thấy một bức tượng Phật rất tuyệt" hay "tôi tham gia một tuần huấn luyện" nhưng thay vào đó, tôi đã buột miệng nói ra câu đầu tiên hiện ra trong đầu tôi, đó là ,"Tôi được bà tặng cho mấy cái kẹo tại Barnes, ăn ngon tuyệt." Sharon vội liếc tôi, và tôi không hiểu Dipa Ma nghĩ gì về câu trả lời của tôi.
Sau đó, khi rời Calcutta, chúng tôi dừng lại ở nhà cửa nhà bà để tỏ lòng kính trọng trên đường ra phi trường. Chúng tôi vái chào tạm biệt bà và tặng bà một món quà, "tôi cũng có một món quà gửi cho hai ông." Bà nói, rồi đưa ra mấy cái kẹo rasmali trước chúng tôi.
Bà phải sai người yêu của Dipa đi tìm khắp Calcutta để mua cho chúng tôi mấy cái kẹo, chúng tôi đã ăn thử tại Barnes. Tôi hết sức cảm động vì cử chỉ của bà cho tôi bất kỳ điều gì tôi khoái. Cho dù có là mấy cái kẹo đi chăng nữa. Nếu như tôi nói tôi khoái ăn. Bà sẽ tìm cho tôi ngay. -- Steven Schwartz
Lòng từ tâm đối với m
Tôi đã gặp một người đang luyện thiền tại Ấn Độ vào cuối những thập niên 60 và70, anh ta là một người khao khát hành thiền. Anh ta cạo đầu, mặc áo trắng, và vào ở trong chùa nhiều năm. Cha mẹ anh ta ghét anh ta và họ nghĩ anh phải theo học đại học để trở thành Bác sĩ ở độ tuổi ba mươi. Hay học trường luật. Mẹ của anh hết sức bất hạnh. Bà coi như thể anh đã chết và bà đã mất một người con trai.
Bất kể khi nào anh gặp Dipa Ma, bà liền hỏi anh về mẹ, "Mẹ anh ra sao rồi ? Bà có khoẻ không? Anh có thực hiện từ tâm với bà hay không? Mỗi lần anh ngồi thiền, anh nên để mẹ anh trong trái tim anh, và tặng cho bà lòng từ tâm.
"
Một lần kia bà đến ngồi trên tấm nệm thiền trong phòng phía sau và rút ra một tờ giấy bạc 100 rupees Ấn Độ. Trị giá khoảng 12 đô, một món tiền lớn đối với bà. Bà ta đặt vào tay anh ta. Gặp các ngón tay anh lại và nói. " Đi mua cho mẹ một món quà và gửi cho bà đi" Đó là cách bà thuyết pháp như thế nào. -- Jack Kornfield
Điều gây ngạc nhiên mọi người.
Khi Dipa Ma lần đầu tiên đến nhà chúng tôi, bà và cháu ngoại Rishi rất sợ chó. Bà chưa bao giờ sống trong nhà có nuôi chó bên trong. Chó nuôi nơi chỗ bà ở thường rất gầy yếu. Vì vậy nuôi chó trong nhà thật là điều không phải,.
Tuy nhiên, khoảng độ vài tuần, có sự biến đổi ngoạn mục đã xẩy ra giữa bà và con chó.. "dog" là từ tiếng anh đầu tiên bà được học. Mỗi buổi sáng bà xuống cầu thang và nói cách ngập ngừng, "Dog, con chó đâu rồi.?" Và rồi con chó tên Yeats của chúng tôi vội chạy tới. và bà quì xuống vuốt ve con vật với lòng từ tâm đặc biệt giống hệt như bà vuốt ve chúng tôi và các thiền sinh khác.
Yeats thực sự rất thích điều này. thật là tuyện vời nhìn ngắm hai sinh vật giao tiếp với nhau, một phần vì đó có một phần văn hoá bên trong. Nhưng bà vẫn đối sử với con vật với tấm lòng và cả người và vật đã trở thành bạn thân. Ngày bà rời nước Mỹ bà chạy lại chỗ Yeats thường ngủ và ngồi xuống nói chuyện với con chó. Bạn cho con vật một lời tụng đặc biệt về lòng từ tâm. -- Steven Schwartz
Anagarika Teddy
Khi Dipa Ma đến IMS vào năm 1984, tôi phát hiện ra một con gấu nhồi bông to ngồi ngay trên đống rác người ta vứt đi trong vùng đó. Tôi nhặt lấy con thú nhồi bông và đưa cho cháu ngoại Rishi cũng đang có mặt ở đây với mẹ cháu. Chúng tôi đặt tên con gấu là Anagarika Teddy [có nghĩa là người vô gia cư] khi Dipa và gia đình rời thiền viện IMS Teddy bị để lại trong xe tôi, và tôi hơn kém quên con thú nhồi bông mất tiêu.
Vài năm sau, tôi sang Ấn Độ và đến thăm gia đình Dipa Ma tại Calcutta. Khi bà nhận ra tôi, bà liền hỏi ngay. "Anagarika Teddy ra sao rồi?" Bà đã không quên cả một con thú nhồi bông, được cứu thoát khỏi đống rác. Tôi hết sức sửng sốt. Điều đó khiến tôi nhận ra là bà chăm sóc đến các sinh vật, có hơi thở như tôi cẩn thận đễ chừng nào. Điều đó để lộ ra tính trong sáng của trí tuệ bà Dipa Ma vậy. -- Buzz Bussewitz
Khi tấm lòng bạn không còn sợ nữa
Khi Dipa Ma sắp sửa từ biệt Thiền Viện IMS, toàn nhóm chúng tôi gần hai mươi người đến đứng kế bên bà, cầm tay bà đặt trong lòng chúng tôi, vì lý do nào đó, ngay trước khi bà bước lên xe, bà quay lại nhìn vào mắt tôi thật gần gũi, và cầm tay tôi trong yên lặng. Bà nhìn trân vào tôi với toàn bộ tình yêu, và trống rỗng. Bà ân cần. Trong giây phút đó bà truyền sang tôi một lòng từ tâm chân tình.. . Tôi cảm thấy có nguồn nghị lực tâm linh (shakti) tuôn trào sang tôi. Rồi bà quay đi và từ từ bước lên xe.
Ngay trong giây phút đó, bà chỉ cho tôi một thứ tình yêu tôi chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trước đây. Thực là một thứ tình yêu hiếm thấy không thể chia lìa hay khác biệt. Đây là cách tôi cảm nhận được (nếm thử) sự hiện diện của một người đã được giác ngộ lần đầu tiên. Giây phút đó mạnh mẽ đến nỗi như mới xẩy ra ngày hôm qua.
Biết được tình yêu đó, và nhìn thấy tình yêu đó có thể truyền xuống cho người khác trên bước đường tôi đi. Dipa Ma là gương sáng làm sao khi trái tim không còn sợ sệt, tình yêu có thể tuôn trào qua. -- Sharda Rogell
Ánh sáng Calcutta
Bà đã đến chiếm một chỗ trong trái tim tôi đến nỗi vượt lên cả hổ thẹn lẫn sợ hãi. Một chỗ cảm thấy hoàn toàn mới lạ, ngây thơ. Bà là ai và bà nhìn thấy gì nơi mọi sự. Khi tôi rời căn hộ của bà, tôi được mở ra với những điều thần kỳ và tinh tuyền. Tôi nhìn thấy sự nghèo khổ và cùng cực của Calcutta dưới một góc độ khác. Ánh sáng hình như được rực lên nơi nhhững người cùi hủi và ăn mày. và tôi có thể nhận ra được bản chất tốt đẹp của hết cả mọi người. -- Steven Smith
Còn tiếp theo.
quangduc.com
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương IX
TẠI NHÀ MÀ NHƯ LỌT VÀO NHỮNG CẢNH GIỚI LẠ THƯỜNG
"Đó chính là tập trung cao độ"
Dipa Ma đã luyện được sức mạnh tâm linh (thần thông) dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Munindra và không bao giờ bà tỏ ra cho thấy mình có được sức mạnh tâm linh (thần thông) như vậy. Sức mạnh tâm linh nơi bà không được đạt đến qua thiền minh sát. Nhưng thông qua luyện tập thiền định, trong khi đó trí tuệ thâm nhập được vào cõi thiền sắc giới (Rupa-jhana). Khi bà luyện thiền, Dipa Ma có thể nhập vào bất kỳ một trong tám cõi thiền sắc giới nào và lưu lại trong đó bao lâu tuỳ ý. Các qui trình hoạt động thể lý có thể chậm lại hầu như là ngưng trệ, thế nên bà không cần phải ăn uống ngủ nghỉ và di chuyển hoặc bài tiết. Dipa Ma có thể quyết định nhập vào một cõi thiền đặc biệt nào đó và "nhận ra điều lạ" hay nổi lên từ cõi thiền đó vào một thời điểm định trước. Một lần kia bà quyết định nhập vào tám cõi thiền sắc giới và lưu lại trong đó trong vòng ba ngày, hai mươi ba giờ, tám phút và ba giây. Bà thoát ra khỏi cõi thiền đó chính xác vào giây phút bà đã định trước.
Khi chúng tôi quay trở lại Ấn Độ, Dipa Ma đã ngưng không còn thực hành loại thiền này nữa. Cho rằng loại thiền này có dính dấp đến bản ngã và như vậy là trở ngại để được giải thoát. Munindra lại tán thành. Ông cho là "những sức mạnh này không quan trọng, mà giác ngộ mới là quan trọng và các bạn phaỉ cần có khôn ngoan mới sử dụng được các sức mạnh này. Các bạn không muốn dùng sức mạnh này với bản ngã và chúng đâu có là của bạn. Bạn không thể dùng các sức mạnh này và cho là chính bạn là người có sức mạnh đó. Điều này không phải là khôn ngoan.
Đã có lần Jack Englar hỏi Dipa Ma xem hiện nay bà còn có sức mạnh thần thông bà đã đạt được nhiều năm về trước khi bà theo học Munindra.
Bà cho biết, "Không"
"Bà còn có thể lấy lại được sức mạnh đó không?"
Bà cho biết, "Có, nhưng cần phải có một thời gian lâu."
"Thế bao lâu?", Jack hỏi, nghĩ rằng chỉ cần vài tháng hay một năm.
Bà trả lời, "Ôi, chỉ cần vài ba ngày thôi. nếu tôi tập luyện thực sự."
Có tới sáu loại thần thông: năm loại thuộc phàm trần, đạt được qua tập luyện thiền định cao độ đặc biệt nơi thiền sắc giới bậc bốn. Và một loại siêu thế chỉ đạt đến được qua luyện thiền quán và được coi như là dấu hiệu giác ngộ. Năm loại thần thông phàm trần được thấy nơi tất cả các truyền thống hành giả và xuất hiện tự nhiên ở một mức độ kém hơn nơi một số cá nhân, năm sức mạnh đó như sau:
- Thần thông (Magical powers): là khả năng biến đổi được một trong số bốn nguyên tố cơ bản thuộc thế giới vật lý (đất, khí, lửa và nước ) thành các nguyên tố khác.
- Thiên nhãn (Divine eye): khả năng nhìn thấy tương lai. Nhìn các vật ở xa và gần, trên mặt đất và các cõi khác.
- Thiên nhĩ (Divine ear): khả năng có thể nghe được những tiếng động gần xa, trên trần gian này và nơi các cõi khác.
- Biết được các lần đầu thai trước kia và các lần sanh trước đây của người khác (Túc mạng thông).
- Biết được những tình trạng trí tuệ của các sinh vật khác tức là khả năng đọc được hay biết được suy nghĩ của người khác (Tha tâm thông).
Dipa Ma đã minh chứng được từng sức mạnh này cho Munindra người đã xác nhận là bà đã có được thần thông đó. Bài tường thuật sau đây được căn cứ trên những hồi ức của bà và hồi ức của một số thiền sinh của bà kể lại.
Có một lần Munindra đang trong phòng của bà khi đó ông thấy có điều gì đó không bình thường trên bầu trời bên ngoài cửa sổ. Ông ta nhìn ra ngoài và thấy Dipa Ma trông không khí gần nghìn cây, đang cười với ông và chơi trong một căn phòng bà đã xây trên không trung. Bằng cách thay đổi nguyên tố khí thành đất. Bà đã có thể tạo ra một cấu trúc trên không trung.
Chuyển từ thể đặc sang thể khí được tạo ra thường ít gây ngạc nhiên hơn. đôi khi Dipa Ma và em gái là Hema đến phỏng vấn Munindra bằng cách xuất hiện tự nhiên trong phòng ông, và Dipa Ma thỉnh thoảng cũng biến mất đi qua cửa vẫn còn đóng. Nếu bà cảm thấy đặc biệt thích thú bà có thể nâng bổng cả chiếc ghế đang ngồi; đi lại tường gần đó và bước qua cả bức tường đó nữa.
Dipa Ma học nấu đồ ăn bằng cách bật lửa bằng ngón tay của bà. Bà cũng có thể thay nguyên tố đất thành nước, bà đã chứng minh cho Munindra thấy khi bà lao xuống một khoảng đất nhỏ và hụp lặn trong đó rồi nhoi lên với quần áo và tóc ướt xũng. Nếu bà phải đi một mình trong đêm, Dipa Ma có thể biến thành hai người tạo thành người bạn đường cho mình để không có ai có thể chọc ghẹo được bà.
Có một lần Dipa Ma và Hema dùng sức mạnh tâm linh để cộng tác di dời cả chiếc xe buýt. Một buổi chiều nọ, họ chờ xe buýt tại trạm. Khi xe buýt tới. khoảng độ một giờ sau, họ nhận ra là có thể trễ cuộc hẹn. Vì là một cuộc hẹn quan trọng và phải đến đúng giờ, cả hai bắt đầu dùng thần thông để làm cho xe buýt chạy đúng thời biểu. Munnindra giải thích: Khi Angulimala có ý định giết Đức Phật, ông ta đuổi theo Đức Phật, nhưng Đức Phật không di chuyển, và như vậy mà ông ta không thể bắt được ngài. Điều này xẩy ra là vì ngài dùng thần thông để biến khoảng cách lúc nào cũng như nhau thật là một điều đơn giản.
Dipa Ma có thể nhìn và nghe được những biến cố đã xẩy ra hay đang xẩy ra ở những không gian và thời khác nhau. Khi Ngài U Thant một nhà ngoại giao Miến Điện được bầu làm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Munindra biết là U Thant sẽ đọc bài diễn văn nhậm chức. Chính xác như đã được dự báo.
Vượt cả không gian và thời gian.
Dipa Ma cho biết là bà có thể đi ngược thời gian tới thời Đức Phật và nghe những bài thuyết pháp của ngài nữa. Khi tôi hỏi làm thế nào bà làm được như vậy bà mỉm cười và nói."Tôi quay trở lại khoảng khắc trí tuệ bằng chính khoảng khắc trí tuệ". Tôi phải nhìn bất động, vì bà cười và nói, "Ôi, bạn không cần làm vậy để được vào Níp-bàn đâu." Rồi bà cười to và nói,"Thật là tức cười, chỉ cần tập trung định cao độ mà thôi." Nhìn vào mắt bà khi nói như vậy, trông bà thật thanh thoát và tinh tuyền. -- Michael McDonnald-Smith
Nhìn bằng thiên nhãn (Divine eye)
Dipa Ma có thể nhìn thấu bên trong cơ thể của ta và mô tả chính xác bộ não và tim hoạt động như thế nào với chính xác khoa học và ở một mức độ vượt hẳn kiến thức giáo dục của bà. Bà đã mô tả được những cỗ máy mới được chế tạo từng bộ phận khác nhau trên thế giới. Bà có thể nói cho Munindra biết về những sáng chế mới như thế nào, dùng làm gì, được cất dấu ở đâu. Munindra tìm cách thử nghiệm khả năng của thiền sinh của mình và khi ông kiểm tra lại những mô tả của Dipa Ma ông thấy là hoàn toàn chính xác một trăm phần trăm.
Munindra yêu cầu bà quan sát xem có gì xẩy ra trong phòng bên cạnh, và mô tả cho ông nghe. để ông có thể kiểm chứng. Sau đó ông có thể hệ thống hoá mức độ sức mạnh tâm linh xem thấy những địa điểm khác nhau và những khoảng cách xa hơn, nhưng chỉ những chỗ nào ông có thể kiểm chứng được mà thôi. Thí dụ như bà chưa bao giờ đến Bodh Gaya, và bà cần mô tả lại cho ông nghe. - cây Bồ Đề mọc ở đâu. Có những gì còn sót lại từ thời cổ đại. Ông có một người phụ tá ở Chùa trong nhiều năm và ông ấy biết rất rõ những chi tiết về cảnh quang đó.
`
+
Bà không những chỉ có thể thăm nhiều chỗ khác nhau trên mặt đất này, nhưng bà còn có thể thăm cả những cõi hiện thực khác nữa được mô tả theo vũ trụ học Phật giáo. - các thiên cõi và cõi địa ngục. Bà có thể mô tả cả những sinh vật trong đó và những gì đang diễn ra. Đôi khi bà còn đề cập đến một cách hết sức tự nhiên tới những cuộc du hành tới các chân trời khác nhau.
Thiên cõi
Trong khoá huấn luyện ba tháng tại thiền viện IMS, vào một ngày mùa thu trời trong xanh như pha lê tại Hoa Kỳ. Khi trời xanh lại điểm một vài gợn mây và cây cối cùng hoa cỏ đang khoe sắc dưới ánh nắng. Chúng tôi tổ chức một buổi đi dạo ngoài trời. Chúng tôi đang ngồi cạnh một cái hồ trên triền đá, và hồ phản chiếu muôn mầu sắc.
Có một số người cũng hiện diện ở đó. và một người trong số họ nói với Dipa Ma, "Ở đây trông giống như cõi bồng lai" - Chúng tôi biết bà đã đi đến nhiều cõi khác nhau. Và bà nhìn người đó và nói, "không đâu, chẳng có gì giống cõi bồng lai đó cả. Được thôi, nhưng chẳng có gì ta có thể sờ mó được." -- Jack Kornfield
Thiên nhãn của Dipa Ma còn giúp bà có thể tiên đoán được tương lai các thiền sinh của bà. "Bà tiên đoán nghề nhà giáo của tôi tương đối chính xác ở vào một thời điểm tôi chưa giảng dạy gì cả." Joseph Goldstein cho biết. "Tôi thiết nghĩ bà nhìn thấy toàn bộ cuộc đời của tôi."
Hiểu biết về tương lai
Vào cuối khoá huấn luyện ba tháng tôi đang tham dự bà nhìn tôi và cho biết, "Khi anh trở về nhà anh sẽ giảng dạy từ tâm tại bệnh viện." Lời phát biều này khiến tôi khó xử vì tôi chưa có bất kỳ liên lạc nào với bệnh viện cả. Nhưng tôi nghĩ "Ô-kê."
Tôi chưa về đến nhà thì một tháng trước đó khi tôi còn đang tham dự khoá học thiền, có người đến từ Bệnh Viện Nhi hỏi tôi xem có thể điều hành trong liên hệ phản hồi sinh học(biofeedback center). Thật là kinh ngạc. Thế nên tôi suy nghĩ. "Ô-kê, đây cũng là một bộ phận của bệnh viện." Đây là một bệnh viện nhi, đa số các em đến đây đều ở trong tình trạng căng thẳng thần kinh: đau nửa đầu, đau bụng, ám ảnh sợ hãi, và nhiều chứng khác nhau và tôi phải dạy chúng từ tâm. Tôi phụ trách bộ phận liên hệ phản hồi sinh học trong phạm vi như vậy. Nhưng tôi thực sự dạy các em thực hiện lòng nhân ái với nhau và đối với những tạo (critters) khác cũng như các trẻ em khác. Tôi thắc mắc không hiểu bà gửi công ăn việc làm đến cho tôi hay là bà chỉ biết công việc xây ra như vậy. Khi tôi gặp được cú điện thoại đó, giống như Dipa Ma gọi lại cho tôi bảo phải làm như vậy. -- Michelle Levey.
Vượt ra ngoài cả ngôn ngữ thông thường.
Với công việc tại khoá huấn luyện, tôi phải rửa chén tại nhà riêng của bà trong hai tuần lễ. Khi tôi báo cho bà là tôi phải ra đi. Bà ban phước lành cho tôi. Bà hỏi tôi về đủ thứ việc những câu hỏi thuộc phạm vi của bà nội trợ. Đại loại như tôi đã có gia đình chưa và đang làm công việc gì. Rồi bà kể cho tôi biết một số chi tiết về Bagali, đặt tay lên đầu tôi, và giống như bị một tia chớp đánh trúng. Giống như mọi thiền sinh khác tôi cảm thấy bà biết chính xác điều gì tôi đang suy nghĩ trong đầu, và chúng tôi đối thoại với nhau vượt ra ngoài cả ngôn ngữ thông thường... .Chúng tôi liên lạc với nhau trên một bình diện hoàn toàn mới, chỉ bằng những yếu tính căn bản trí tuệ….liên lạc thuần tuý qua ý thức giữa tôi và bà. Tôi cảm thấy như mình bị đánh trúng đầu. một cách thật dễ chịu. Sau khi nhận phước lành của bà tôi như lọt vào trạng thái phởn phơ lâng lâng. Tôi nhớ lại mình đang bước vào cửa thiền viện IMS và cảm thấy như mình đang bước đi trên không trung. -- Carol Constantian Lazell
Lòng kề lòng
Bất cứ khi nào tôi đến gặp Dipa Ma mang theo một số khó khăn trong việc luyện tập thiền, bà nhìn thẳng vào mắt tôi với tịnh tĩnh, với ánh mắt tựa như định thần. Đang khi tôi kể lại với bà, trước khi người phiên dịch vẫn bắt đầu dịch cho bà nghe, tôi cảm thấy ngứa ngáy ngay đàng sau gáy. Có điều gì đó "bất chợt" xẩy ra và vấn đề đã biến mất, cùng với bất cứ khó khăn tình cảm nào tôi đang mắc phải.
Tôi tin bà có khả năng liên hệ với thần linh hay ngoại cảm, làm việc trực tiếp với các trí tuệ khác. Bà diễn giảng cho tôi một cách thầm lặng là câu trả lời cho bất kỳ vấn đề nội tâm nào cũng nằm trong trạng thái cơ bản trí tuệ, chứ không bằng lời nói hay bằng bất kỳ cách điều chỉnh kỹ thuật ý thức nào. Bà đưa ra câu trả lời cho bất kỳ khó khăn nào cho tôi bằng cách chia sẻ trạng thái ý thức khác trong đó những khó khăn chẳng còn tồn tại. Đây thực là một biến đổi bất ngờ và nhanh chóng; giống như một cách điều chỉnh nắn sai khớp tâm linh. --Daniel Boutemy
Nụ cừời kéo dài
Tôi đã được theo học và huấn luyện tại Ấn Độ trong một khoảng thời gian khá dài, và đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi đã dự tính quay trở lại Hoa Kỳ để thuyết pháp những khoá huấn luyện ba tháng tại thiền viện IMS. Trên đường rời khỏi quốc gia này, tôi quyết định dừng lại Calcutta và gặp lại Dipa Ma. Tôi còn nhớ, vào một ngày nắng nóng khủng khiếp: 110 độ F và trời đầy sương khói bụi bậm. Tôi đến tỏ lòng kính trọng bà, và chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau đôi chút. Khi tôi đứng dậy để ra về, bà ôm tôi thắm thiết như thường lệ, và rồi bà bắt đầu chúc lành cho tôi. Tôi quì gối trước mặt bà, như vậy mới vừa bằng chiều cao của bà.
Với lời chúc lành đặc biệt. bà lấy tay và cú lên đầu và toàn thân tôi, thổi hơi vào tôi và đồng thời tụng một vài lời Kinh Phật. Hình như đây là một lời chúc lành quá dài. Thoạt tiên tôi chỉ cảm thấy thú vị, nhưng khi bà tiếp tục tôi cảm thấy khá hơn rồi lại khá hơn trước, lúc bà kết thúc, tất cả như bay bổng lên và mở toang ra, và tôi cười toe toét đến tận mang tai.
"Hãy đi và thuyết pháp những khoá huấn luyện cho tất cả những người ở bên đó." bà nói "Hãy ra đi với lời chúc lành của tôi. " Giống hệt như bà nội sai bạn ra đi với những lời cầu chúc may mắn.
Tôi rời khỏi chỗ bà ở, đi bộ ra thành phố Calcutta nóng bức ngột ngạt vào mùa hè oi ả ngột ngạt và tôi gọi taxi đưa tôi tới phi trường Dum Dum. Cần hai giờ đi taxi mới đến được phi trường. Tài xế thường có thói quen bóp còi liên tục trên đường đi. Chạy lắt léo giữa những xe xich-lô và xe cộ đi lại dày đặc, kèm theo là ô nhiễm và sức nóng khủng khiếp cộng với độ ẩm, nghèo khổ và rác rến khắp nơi. Cuối cùng tôi cũng đến được phi trường và phải qua thủ tục hải quan Ấn Độ, có nghĩa là lại phải xếp hàng một tiếng đồng hồ nữa để cho người ta lục soát đồ đạc, hành hạ tôi và đóng dấu các giấy tờ, cuối cùng tôi cũng lên được máy bay và bắt đầu chuyến bay hai tiếng đồng hồ đến Bangkok.
Sân bay Bangkok giống như sân bay Nữu Ước; rất lớn. Lại nữa, những hàng người dài, thủ tục hải quan, và một tiếng rưỡi đồng hồ đi taxi qua những đường phố Bangkok đông đúc đến khách sạn và tôi không thể nhịn cười trong suốt quãng đường. Các chuyến bay cất cánh lên xuống, đi taxi, kẹt xe, và đủ thứ - và tôi chỉ còn biết ngồi đó với nụ cười trên môi. Mọi sự vẫn chưa kết thúc, thật là tuyệt với. -- Jack Kornfield
Một trận mưa phúc lành
Michell Levey cùng với chồng là Joel đã xin Dipa Ma chúc lành hôn phối cho cho hai người vào năm 1984.
Vào cuối nghi thức, bà nhìn chúng tôi rất dịu dàng và nói, "Một hôn lễ hành thiền đã diễn ra cho hai người." Chúng tôi quì xuống, và Dipa Ma đặt tay trên trán chúng tôi và chúc lành cho chúng tôi. Tôi cảm thấy như trán chúng tôi nổ tung, đầu chúng tôi mở toang trước vùng không gian bao la. Rồi như thể bà tải xuống trên tôi một chuyển giao trực tiếp vào đầu chúng tôi. Bà đã đổ xuống trên chúng tôi bình an và lòng nhân ái (từ tâm) ngay vào đầu óc chúng tôi và hàn gắn tâm hồn chúng tôi lại với nhau. Cả hai chúng tôi chưa cảm thấy bất kỳ cảm giác nào như vậy bao giờ.
Sau buổi chúc lành, chúng tôi đi bộ một chút trong khu rừng đàng sau thiền viện. Đó là một ngày tháng chạp trong sáng, không khí mát lạnh. Ấy vậy mà khi chúng tôi đi ngang qua cánh rừng chúng tôi nghe thấy tiếng động rào rào như những hạt gạo rơi xuống trên chúng tôi. Như tiếng mưa đá - tách, tách, tách, đều khắp cánh rừng. Chúng tôi nhìn lên bầu trời, nhưng chỉ thấy khoảng không trong xanh, thật giống hệt như một trận mưa ân phúc giáng trên chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục cất bước, và có điều gì đó không ổn xẩy ra tại đây vào lúc này. Chúng tôi tiếp tục bách bộ, và đi mãi đi mãi như thể chúng tôi đã đi được rất xa - nhưng chúng tôi lại thoát ra ngay ở mức khởi hành. Giống hệt như là đi dạo trên một xe buýt nhỏ, nghĩ rằng chúng tôi sẽ kết thúc đâu đó trên đường đi, ấy vậy mà chúng tôi chỉ quanh quẩn đi tới đi lui và cùng nhau trở lại một cách kỳ diệu. -- Joel và Michell Levey
Dipa Ma tự thuật về một cuộc gặp bất ngờ với một điều huyền bí, bà cho biết, bởi vì bà đã tuân thủ luật giới đạo đức Phật giáo.
Một căn nhà không thấy đâu cả.
Nơi các quốc gia Phật giáo, người dân thường tuân thủ tám giới luật bốn ngày trong tháng, và nhiều người đi chùa vào ngày rằm. Vào một ngày rằm nọ tôi và một bà bạn quyết định đi chùa với nhau.
Khi chúng tôi rời khỏi nhà, trời lất phất mưa, nhưng khi chúng tôi bước lên xe buýt, trời lại đổ mưa nặng hạt. Vào lúc chúng tôi xuống xe, trời lại mưa xối xả, và đoạn đường lên chùa lụt lội đầy nước. Có nhiều người đợi chúng tôi trong chùa, nhưng chúng tôi không thể tiến xa hơn được vì chúng tôi run lập cập, ướt xũng và hơi lạnh.
Ngay lúc đó có một chiếc xe đến và ngừng ngay chỗ chúng tôi, có người trên xe bảo chúng tôi có một ngôi nhà thật đẹp mới xây gần đó. Ông lấy xe đưa chúng tôi trú mưa ở đó. Chiếc xe dừng lại trước căn nhà được trang hoàng rất đẹp và có một cái cổng ở đàng trước. Chúng tôi bước vào trong nhà và đi lên cầu thang, chúng tôi quyết định trú mưa trong đó cho đến khi trời tạnh. Chúng tôi lưu lại trong đó độ mười lăm phút rồi vội vã lên chùa.
Ngay khi chúng tôi tới chùa, có người nói, "Ôi bà ướt hết cả! có gì xẩy ra vậy?" Chúng tôi kể lại cho họ nghe điều gì đã xẩy ra khi chúng tôi bước xuống xe buýt. Trời đổ mưa nặng hạt và đường phố lầy lội, và chúng tôi đã thấy một căn nhà và trú mưa trong đó. Chúng tôi tả cho mọi người nghe có một căn nhà hai tầng, mới xây. Nhưng những người địa phương và các vị sư sãi trong chùa mỗi ngày đi khất thực trong khu vực đó, cho biết, "Chúng tôi chẳng bao giờ nhìn thấy một căn nhà như vậy tại địa điểm bà mô tả,"
Tôi nói với họ. "Vâng, có thể tôi lầm chăng, nhưng chúng tôi đã đụng mưa trong đó khoảng mười lăm đến hai mươi phút, vì vậy nhất định phải có một căn nhà đâu đó." Có tranh cãi qua lại và cuối cùng chúng tôi nói. "Thôi được rồi, hãy đi và xem." Chúng tôi ở lại và nghe thuyết pháp về Phật pháp. và rồi trên đường về nhà chúng tôi đi kiếm căn nhà đó, chúng tôi quay trở lại khu vực đó nhưng không thấy căn nhà đâu cả. Làm sao như thế được, chúng tôi đang thắc mắc. Chúng tôi đã bước vào căn nhà và nay lại không thấy đâu cả? Chúng tôi thử đi sang một khu phố khác để tìm, nhưng vẫn không thấy căn nhà đâu cả.
Ngày hôm sau một vị sư trong chùa cũng cho biết, ông ta đã thử kiếm căn nhà như chúng tôi đã mô tả, nhưng vị sư này không thấy. Chúng tôi trở lại và đi kiếm căn nhà, nhưng vẫn không thành công và đã nổ ra những lời bàn tán khá nhiều về vấn đề này. Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận: vì chúng tôi đang tuân giữ các luật giới đạo đức thực thi Phật Pháp và đã cầu kinh " Xin Trời Phật gìn giữ chúng con khỏi mọi hăm hại." Trời Phật đã đến giúp đỡ chúng tôi và đã dọn chỗ cho chúng tôi trú mưa.
Chính vì vậy mà tôi nói với các bạn hãy cố gắng tuân giữ luật giới, vì chắc chắn sẽ có người giúp đỡ các bạn và che trở các bạn khỏi mọi hoạn nạn. Điều này là từ kinh nghiệm bản thân chúng tôi đã thấy. Có hai người trong chúng tôi, vì vậy tôi biết chắc rằng đó là sự thật chứ không phải mơ mộng hay tưởng tượng. Trời Phật đã đến hỗ trợ chúng tôi. -- Dipa Ma
Một thiền sinh nghe Dipa Ma kể câu truyện trên nhớ laị câu trả lời như sau:
Điều này có thật
Tôi rất thích con người mặc đồ trắng tinh đó đến phòng thiền kể lại cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện từ những kinh nghiệm luyện tập của bà để động viên chúng tôi. Một trong những chuyện kể đó là căn nhà xuất hiện một cách nhiệm mầu trong cơn mưa để cho bà trú mưa. Vì bà là đầy tớ Phật Pháp đích thực. Khi chúng tôi cười nhạo, hay tỏ ra khôi hài tế nhị Thiền sư nổi tiếng của chúng ta, bà chỉ nhìn chúng tôi, vì không hiểu nổi mối hoài nghi thuần lý chúng tôi có với đức tin của bà, bà đã đáp lại. "Điều này có thật" và chúng tôi đều nín thinh. -- Lesley Fowler
Còn tiếp
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương X
NỮ ĐỆ TỬ DŨNG CẢM CỦA ĐỨC PHẬT
"Tôi có thể thực hiện bất kỳ điều gì nam giới có thể làm"
Là một bà góa ở vậy nuôi con, đang cố gắng thực hiện chánh đạo cao siêu trong phạm vi giới luật tu hành trong Phật giáo. Dipa Ma chưa bao giờ hoài nghi mình có thể đạt đến được mục tiêu cao nhất. Trong không gian và thời gian đó, không có phong trào"Giải Phóng Phụ Nữ," Dipa Ma chỉ đơn giản tự giải thoát chính mình. Như bà đã phát biểu, "Các nữ đệ tử của Đức Phật đầy can trường."
Trước khi Dipa Ma bắt tay vào công việc luyện thiền, bà được mọi người biết đến với thân phận đầy áy náy lo âu và phụ thuộc vào người khác. Căn cứ vào trình độ cá nhân và văn hoá của bà - lập gia đình ở tuổi 12, giam hãm nơi nhà chồng, phục tùng tuyệt đối đức lang quân ông chồng - thật ngạc nhiên biết bao bà đã nổi lên như một nhà "tư tưởng độc lập" đến mức độ như vậy. Bà đã nhấn mạnh, tỷ dụ như con gái Dipa của bà phải có được giáo dục đại học và sau này trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà khi Dipa quyết định ra đi lập gia đình.
Dipa Ma đã công nhận những khó khăn của các phụ nữ đồng xóm giềng với bà và nhấn mạnh là cả họ nữa cũng có thể theo đuổi chánh đạo để được giải thoát. Bà trao đổi với một thiền sinh tên là Pritimoyee Barua, "Khi các bạn được sinh ra trên trần gian này, các bạn đã phải đối mặt với khổ (dukkha), đặc biệt nếu các bạn là thân phận phụ nữ. Cuộc sống của một người phụ nữ thì cực kỳ khó khăn.
Nhưng các bạn không cần gì phải lo lắng gì cả, các bạn nên duy trì cho mình tập luyện. Các bạn không nên quá lo lắng là mình phải chăm sóc chồng con. Nếu các bạn đi trên chánh đạo Phật Pháp, các bạn sẽ vượt qua hết thảy mọi việc. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết thông qua Phật Pháp."
Ngoài những công việc tư vấn tinh thần, Dipa Ma thường xuyên đưa ra nhiều lời khuyên thực tiễn cho các phụ nữ tìm đến bà xin trợ giúp. Một bà nội trợ tại Calcutta nhớ lại, "Bà đã thuyết pháp cho tôi, "Các bạn đừng tưởng phụ nữ là bất lực, các bạn không bất lực chút nào cả. điều tiên quyết là các bạn phải có học vấn, và thứ đến là các bạn phải thực hiện một vài điều phục vụ chi đó, nếu các bạn chăm lo đến kinh tế gia đình, tôi tin chắc các bạn sẽ được tự chủ."
Đa số các trường hợp Dipa Ma truyền lực cho người khác bằng gương sáng của bà. Bà là một Thiền sư chính hiệu nơi một dòng dõi tu trì hoàn toàn chỉ là nam giới, và bà đã là một trong số các Thiền sư phụ nữ đầu tiên được mời sang Hoa Kỳ để thuyết pháp. Dipa Ma không lạm dụng nhiều những thành công của bà, nhưng gương sáng mạnh mẽ của bà đã tạo cảm hứng và động viên cho nhiều phụ nữ thuộc mọi nền văn hoá khác nhau.
Một truyền thống đầy thách thức.
Một ngày nọ tất cả chúng tôi đều ngồi thiền trong căn phòng nhỏ bé của Dipa Ma. Trời rất nóng nực và căn phòng chật cứng người. Munindra cũng đang ngồi ở một góc phòng và đang diễn giảng Phật Pháp và phương pháp tu luyện. Chỉ có tôi và ông ấy là nam giới có mặt trong căn phòng. Đang khi ông nói, Ma ngồi trên chiếc giường gỗ của bà,tựa lưng vào tường mắt nhắm nghiền lại. Trông y hệt như bà đang chợp ngủ lờ mờ. Bà không được khỏe và cũng chẳng có ai để ý đến điều đó.
Bài thảo luận bàn về tái sanh, không biết sao lại bàn lan man đến tận việc Đức Phật tái sanh. Rõ ràng là không suy nghĩ nhiều đến điều đó. Vì điều này thuộc một phần truyền thống. Điều xẩy đến với Munindra là ông nói là chỉ có nam giới mới trở thành Phật được: để trở thành Phật các bạn phải được tái sanh vào một thân xác người đàn ông (theo như những bài bình luận sau này, không phải là bản văn nguyên gốc). Thình lình, Dipa Ma đứng phắt dậy, mắt mở to, và nói bằng một giọng đầy thuyết phục tự nhiên và dứt khoát."Tôi có thể thực hiện được bất kỳ công việc gì nam giới có thể làm". Phản ứng của chúng tôi cũng hết sức tự nhiên không kém: tất cả chúng tôi cười toáng lên. Munindra nói thêm. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết điều đó đúng trăm phần trăm. -- Jack Engler
Cảm xúc không phải là cản trở.
Khi bà đề cập đến phụ nữ có thể tiến sâu hơn và nhanh hơn nam giới trong việc tu luyện vì trí tuệ người phụ nữ nhẹ nhàng hơn, điều này khiến tôi ngạc nhiên. Sự nhẹ nhàng đó tạo ra cảm xúc, và thay đổi nhiều hơn trong trí tuệ. Rất nhiều phụ nữ nghĩ là cảm xúc sẽ gây trở ngại cho công việc luyện tập. Nhưng Dipa Ma nói, "Phụ nữ thường thiên về tình cảm hơn không gây trở ngại cho công việc luyện tập.." bà khuyên chúng tôi, "Chỉ cần quan sát cảm xúc và không nên xác định chúng làm gì. Tăng thêm chánh niệm để nhận ra và tập trung chú ý . -- Michelle Lewey
Dịu dàng và sức mạnh
Bà là sự phối hợp giữa dịu dàng (không giả tạo) và sức mạnh. Thực tế Dipa Ma là một phụ nữ có chiều sâu và quyền lực còn mạnh mẽ hơn nhiều. Chẳng có gì nơi bà bạn sánh được với bất kỳ người nào hướng dẫn bạn cả. Bà chưa cao nổi sáu bộ và lại mặc áo sari. Bà gầy nhom, nhỏ con. Nhưng bà là người thực sự đầy cảm xúc vì bà đã thực hiện được điều đó, và còn đi xa hơn thế nữa. Điều đó chứng tỏ tôi cũng có thể làm được điều đó. -- Kate Wheeler
Ngọn hải đăng
Vào lúc tôi gặp bà, chỉ có toàn là gương mẫu nam giới, Thiền sư nam giới, Phật nam giới. Để gặp được một người đàn bà nội trợ sống với con gái và cháu ngoại và người đó đã đạt đến giác ngộ, lại là một điều khó tả ra bằng lời. Bà là hiện thân điều tôi muốn trở nên giống như vậy. Cho dù tôi đã có quyết tâm để tu luyện trước khi gặp được bà. Bà khiến cho sự giải thoát dễ dàng đạt đến được. Bà chỉ đơn giản thực hiện, đây không phải là một ý tưởng thuần tri thức. Đối với tôi là một người đàn bà nội trợ, coi bà như là một phu nữ nội trợ tôi cảm thấy ngay điều này. "Nếu bà thực hiện được như thế, thì tôi cũng có thể làm được. bà giống như một hải đăng... một ánh lửa tôi hướng tới khi tôi cần đến can đảm để tiếp tục bước đi theo chánh đạo. -- Michele McDonnald-Smith.
Đủ rồi.
Tôi là dân California, lúc mới tới thiền viện hình ảnh cá nhân tôi như là một phụ nữ mạnh mẽ như một nữ tướng (amazon) lái chiếc xe pic-cup với chiếc cưa máy và hiên ngang nhẩy vào cuộc đời. Nhưng sức mạnh nơi Dipa Ma là sức mạnh cảm hoá lòng người. Bà biết tôi rất rõ và như vậy tôi không thiết phải dấu diếm hay mắc cỡ gì vì tôi cảm thấy cả hai hoàn toàn hiểu nhau và đồng thời hoàn toàn yêu nhau.
Tôi nhớ lại có viết một bức thư cho bạn bè ở nhà sau khi cảm nghiệm được thứ tình yêu đó. Tôi đã nói cho họ biết là nếu như cuộc hành trình của tôi kết thúc ở điểm này, thì cũng đã quá tốt rồi. Chỉ cần quan hệ với thứ tình yêu sâu đậm đó thì đã đủ lắm rồi. -- Ajahn Thanasanti
Có hy vọng cho nam giới
Có một lần nọ Dipa Ma nói, "Nữ giới có lợi thế hơn nam giới bởi vì trí tuệ của họ mềm dẻo hơn....". Đối với nam giới điều này thật khó hiểu, chỉ vì họ là nam giới, tôi hỏi bà, "Thế có hy vọng gì cho chúng tôi không?" bà trả lời, "Đức Phật là đàn ông và Đức Giê-su cũng là nam giới. Như vậy cũng còn nhiều hy vọng cho các ông là nam giới". -- Joseph Goldstein
Nghiên cứu với Dipa Ma và các bà nội trợ Calcutta
Sau một năm luyện tập thiền căng thẳng với Munindra, tôi tiến lại gần ông để khởi sự công việc nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ trên qui mô và các hệ luỵ của luyện thiền quán, một phần việc nghiên cứu là cố gắng thông qua những bài tường thuật về những thay đổi cổ điển cũng như hiện đại như đã được đề cập đến tiếp sau khi đã đạt đến giác ngộ. Tìm ra được những chủ đề đó chẳng phải là công việc dễ dàng gì, vì phải xác định được các Phật Tử chính cống là những người ít nhất cũng phải đật đến "thiền bậc một." hay giác ngộ bước một, và phải có được sự cộng tác của họ. Đối với các Thiền sư Ấn Độ truyền thống, đây là một yêu cầu hết sức dị giáo, còn Munindra lại đang lưỡng lự. Sau khi đã thảo luận, cuối cùng ông đã đồng ý đưa tôi tới Calcutta và giới thiệu tôi với một vài thiền sinh tiến bộ của ông. Người chủ chốt nhất đó là Dipa Ma, lúc ban đầu bà cũng hơi nghi ngờ. Tuy nhiên, cuối cùng bà cũng giới thiệu tôi với một số thiền sinh và chính bà cũng đã tình nguỵện và cả con gái bà nữa. Munindrra cũng đồng ý tham gia.
Để nghiên cứu, Ma phải cung cấp cho tôi những phụ nữ trung niên hay lớn tuổi hơn. Điều cần thiết là phải ghi nhớ là theo thói quen thông thường các phụ nữ Ấn Độ không đi ra ngoài một mình; những phụ nữ này thuộc ngoại lệ của nền văn hoá lâu đời hơn, và đa số họ đều vô cùng bận rộn với những trách nhiệm điều hành và duy trì một đại gia đình Ân Độ. Chứng cớ tôi nghe được về họ thường rất phổ biến: đó là các phụ nữ đều là những thiền sinh rất tốt. Tôi chưa bao giờ biết tận tường về điều này, tôi có hỏi Ma, đặc biệt là theo bà có phải các phụ nữ thường có xu hướng tiến xa hơn trong luyện thiền hơn đàn ông không. Một số Sayadaws tại Miến Điện và một số Thiền sư Ấn Độ cho tôi biết điều đó. Ma chỉ đơn giản cho biết bà cũng như một số nam giới đã đạt đến "đạo" như các phụ nữ khác, nhưng họ không rảnh rỗi vào ban ngày khi tôi muốn phỏng vấn họ để kiểm tra.
Hơn sáu tháng trong năn 1977, căn phong nhỏ của Dipa Ma đã trở thành trung tâm phỏng vấn rất có hệ thống và những thử nghiệm tâm lý học đối với các đạo hữu Phật giáo tiên tiến. Hầu hết các cuộc phỏng vấn được thực hiện trong mùa hè nóng bức. Nếu bạn đã qua một mùa ẩm ướt và ngột ngạt, thường xuyên bị nóng hanh của mùa khô nhiệt đới, bạn có thể tưởng tượng được những điều kiện trong một thành phố giống như Calcutta và ảnh hưởng của khí hậu đó trên tài nguyên con người và môi trường. Điện thường bị cúp vào những giờ nóng nhất vào buổi chiều và buổi trưa. - để bảo quản cho các nhà máy điện thành phố khỏi phải chạy hết công xuất. Nếu chúng ta có thể bắt đầu làm việc và thương thì nóng bức lại ngăn cản chúng ta.- chúng tôi thường kết thúc công việc trong đêm tối ướt xũng mồ hôi. Nếu như có xe chở đến một thành phố cổ vào buổi sáng, thường không chắc chắn có xe chở chúng tôi trở về lại vào ban tối. Sau khi mùa mưa bắt đầu, có đôi khi tôi đến vùng bà đang cư ngụ và không thể đến tới được vì toàn bộ khu phố phía trước lại bị ngập nước đến tận đầu gối, hay đến tận thắt lưng và tôi lại phải lấy xe xich - lô chạy đến một số căn hộ kế bên. Chạy trên nước. Tuy nhiên những người dàn bà của Ma vẫn thường có mặt ở đó trước tôi.
Cuộc xét nghiệm khả năng giao tiếp của Dipa Ma, đặc biệt là những câu trả lời cho bản xét nghiệm Rorschach, thật rất rõ ràng, chưa có nhà nghiên cứu nào có được bất kỳ câu trả lời như vậy. Bản sát hạch Rorschach, dùng để đo đạc không chỉ có nhân cách nhưng còn cả quan sát, được mô tả là phản ảnh được "thực tế tự sáng tạo." Trong trường hợp Dipa Ma, kết quả sát hạch Rorschach hình như đã khẳng định bà đã trải qua một giai đoạn tái cấu trúc nhận thức tình cảm sâu rộng và sự hoà hợp tâm linh liên đới với những bậc giác ngộ sâu xa nhất. Trong số những điều khác, bà đã tự nguyện và cố gắng không mỏi mệt đan kết những trả lời liên tiếp vượt khỏi ranh giới những phiếu điều tra tới những bài tường thuật đang diễn ra và phơi bầy toàn bộ những lời giảng thuyết của Đức Phật. Tất cả đều không vi phạm những hình thức quan sát trung thực trên mỗi thẻ kiểm chứng. - một kết quả rất xuất sắc không có nhà nghiên cứu nào chứng kiến được từ trước đến giờ. (tường trình từ Thiền Chanh niệm II, trong tác phẩm in Transformation of Consciousness. Ken Wilber,Jack enghler, and Daniel Brown, Boston: Shambhala 1986) -- Jack Engler
Còn tiếp
Posts: 3,793
Threads: 527
Likes Received: 164 in 123 posts
Likes Given: 64
Joined: Dec 2017
Reputation:
73
Nữ Thiền Sư DIPA MA - Cuộc Đời Và Di Huấn
DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master
AMY SCHMIDT
Thiện Nhựt dịch
Chương XI
MƯỜI BÀI HỌC ĐỂ SỐNG
Chuyện kể về việc khai phóng siêu nhiên nơi Dipa Ma là một câu chuyện nguyên hình dành cho tất cả những người tìm kiếm Chánh Đạo. Các giai đoạn câu chuyện mô tả - sự bố trí, thực hiện cam kết, đối mặt và vượt qua những khó khăn, tìm kiếm giải thoát và chia sẻ những khám phá với thế giới - tương đương với những giai đoạn của chính cuộc hành trình biến đổi nơi Đức Phật.
Sau cuộc giác ngộ vĩ đại dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật đã đề ra Tứ Diệu Đế: trước tiên, khổ (dukkha) hiện hữu và thực chất là dấu xác nhận phẩm chất mọi pháp hữu vi; thứ hai, nguyên nhân khổ là tham (lobha) ; thứ ba, khả năng chấm dứt khổ và thứ tư, có một chánh đạo, ngài đã giải thích rõ ràng đến từng chi tiết, để giải thoát ta khỏi khổ (dukkha) và dẫn đến mục tiêu đã được ấp ủ là giải thoát. Việc luyện tập Phật giáo, diễn tả một cách đơn giản, là chấm dứt đau khổ cho chính chúng ta và cho toàn thể bá tánh.
Đây chính là lời hứa tiềm tàng - đau khổ của chính tôi sẽ được chấm dứt - trước tiên dẫn tôi tới luyện tập thiền. Và đây cũng chính do gương sáng cuộc đời Dipa Ma đã đem lại cho tôi một niềm tin để tham gia vào cuộc hành trình này. Với tư cách là một phụ nữ, một bà mẹ và là bà nội trợ, Dipa Ma đã biến Chánh Đạo của Đức Phật xem ra có thể tới được và mục tiêu to lớn của tự do cũng có thể đạt đến được ngay trong cuộc đời này.
Những gì bàn đến tiếp theo đây là một số bài học tôi tút ra được từ những thuyết pháp cô đọng của Dipa Ma. Chớ gì các bài học này sẽ giúp bạn trong chính cuộc hành trình giải thoát của bạn.
Bài học thứ nhất
Hãy chọn lấy một cách luyện thiền và gắn bó với luyện tập đó.
"Nếu bạn muốn tiến bộ trong hành thiền, hãy kiên định với một kỹ xảo nào đó."
Đối với những người mới bước vào con đường siêu nhiên. Dipa Ma rất cứng rắn với cam kết theo đuổi một phong cách hành thiền. Không được bỏ qua, và nhẩy vòng vèo hết cách này sang cách khác. Hãy tìm cho ra một kỹ thuật thiền thích hợp cho bạn, và theo đuổi cho đến khi bạn khám phá ra được "ranh giới" của bạn là một điểm nào đó khó khăn bắt đầu lộ hiện.
Một sai phạm thông thường đối với nhiều người tìm kiếm Chánh Đạo siêu nhiên Phương Tây là hay giải thích những khó khăn như là cách luyện tập cá biệt đó có vấn đề. Thế rồi, khi việc tiến bước đó trở nên khó nuốt, lại chịu đựng cuộc hành trình siêu nhiên đó. Xuất phát từ điểm lợi thế nơi ranh giới bất tiện đó lại thấy một số luyện tập khác xem ra khá hơn."Có lẽ tôi nên tụng kinh kiểu Tây tạng... , hoặc cử điệu nhẩy Sufi." Thực tế thì các khó khăn ta gặp phải thường là dấu chỉ đáng tin cậy giúp cho việc luỵện tập chạy tốt.
Ta hãy luôn chạy lại lời Dipa Ma khuyên nhủ. Hãy kiên trì với một việc luyện tập bạn đã chọn cho dù phải vượt qua mọi khó khăn và nghi ngờ, mọi cảm hứng và trì trệ đình đốn, hay những trồi sụt không thể tránh khỏi. Nếu như bạn vẫn tiếp tục giữ được cam kết luyện tập trong những thời gian đen tối nhất, chắc chắn khôn ngoan sẽ rạng sáng.
Bài học thứ hai
Hãy hành thiền mỗi ngày.
"Hãy tập luyện ngay lúc này, đừng nghĩ sau này rồi bạn sẽ thực hiện."
Dipa Ma khẳng định cách mạnh mẽ là nếu muốn có khinh an nội tâm, bạn cần phải tu luyện đều đặn. Bà lại nhấn mạnh các thiền sinh phải kiếm ra thời giờ luyện thiền mỗi ngày, ngay cả chỉ độ dăm ba phút. Nếu ngay cả điều đó cũng không thể được, bà khuyên ta, "Ít nhất khi nằm nghỉ ban đêm, bạn chỉ cần lưu ý đến nhịp thở ra và hít vào trước khi bạn ngủ thiếp đi."
Ngoài việc ngồi thiền bài bản trên nệm thiền, Dipa Ma còn đề xuất các thiền sinh nên biến từng giây phút cuộc sống của mình thành một bài thiền liên tục, nhiều người trong số họ quá bận rộn, không còn tìm đâu ra một chút thời gian rảnh rỗi. Dipak Chowdhury cho Dipa Ma biết là ông vô phương kiếm ra thời gian luyện tập thiền vì phải tuân thủ một thời biểu đầy ắp tại ngân hàng nơi ông đang công tác. Ông giải thích là trong suốt những ngày làm việc trong tuần ông phải thực hiện các tính toán. và công việc đó lại đòi hỏi ông phải di chuyển liên tục, quá bận rộn, quá bồn chồn đến cả chỉ đơn giản nghĩ đến hành thiền thôi cũng không thể. Dipa Ma không đồng ý với ý kiến đó; bà nhấn mạnh là thiền lúc nào cũng có thể thực hiện được, hành thiền không thể tách khỏi cuộc sống. "Nếu bạn bận rộn, thì chính cái bận rộn của bạn đó cũng là một bài thiền đó," bà nói với ông ấy. "Khi bạn thực hiện những bài toán đó, hãy nhận biết là mình đang tính toán (ý thức). Hành thiền chính là nhận ra điều bạn đang thực hiện. Nếu bạn đang vội vã đến văn phòng làm việc, bạn hãy lưu ý đến sự vội vã đó. Khi bạn ăn, đi giầy, đeo vớ, bạn chỉ cần ý thức những gì bạn đang làm. Tất cả những việc đó có thể là thiền cả! Ngay cả khi cắt móng tay, hãy để tâm vào việc đó. Nên biết rằng điều bạn đang làm là cắt móng tay."
Đối với Dipa Ma, chánh niệm không phải điều bà đã làm, mà chính là điều bà đang thể hiện được nơi bản thân con người của bà - lúc nào cũng vậy. Bà cho biết, thái độ tốt nhất để tiếp cận với luyện thiền chính là niềm tin và ý chí. Nếu khi nào tâm trí bạn lang thang đâu đó, hãy bắt đầu lại. Dipa Ma cho biết thêm, với chánh niệm, chẳng có gì sai trái nếu bạn vấp ngã trong đó, "điều này đã xẩy ra với hết thảy mọi người và đó chẳng phải là một khó khăn trường kỳ. "Ngay cả khi bạn mất hết nghị lực hay mục tiêu thúc đẩy, bà vẫn khuyên ta, chỉ cần chú ý vào việc gì bạn đang làm và rồi chuyển sang trạng thái luyện ý thức - như hành thiền bách bộ, luyện chánh niệm nơi hoạt động bình thường, hay ngay cả ngồi thiền cũng được - trong đó chắc chắn sẽ có được nhiều động cơ thức đẩy hơn.
Bài học thứ ba
Bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể thực hiện được.
"Mỗi người chúng ta ai cũng có sức mạnh khủng khiếp, sức mạnh đó có thể dùng vào việc giúp đỡ chính mình hay người khác."
Đức Phật đã từ bỏ vợ con để theo đuổi giác ngộ. Nhưng Dipa Ma, ngoài sự cần thiết phải từ bỏ đó, bà đã tìm ra chánh đạo trong phạm vi chu toàn bổn phận làm mẹ và cuộc sống sinh hoạt gia đình bình thường. Thông điệp bà gửi tới cho các phụ nữ trên khắp thế giới đó là, "Bạn chẳng cần phải từ bỏ gia đình mới đạt đến những hiện trạng tiến bộ cao hơn nơi kiến thức siêu nhiên. Các bạn có thể làm cha làm mẹ và vẫn theo đuổi được Phật Pháp."
Ngay lúc ban đầu bà cũng đã có suy nghĩ là phải bỏ con gái lại để vào chùa và tu luyện trong yên tĩnh, Dipa Ma đã hiểu ra rằng gia đình của bà vẫn có thể là một phần trong cuộc hành trình đó. Cách tiếp cận của Dipa Ma mang tính chất bao gồm cơ bản — tất cả mọi sự kể cả công việc rửa chén trong bếp cũng đều là hành thiền cả.
Dipa Ma đã dạy, "Trên trần gian này chẳng có gì tuyệt đối để ta phải chấp thủ đến cả, nhưng ta có thể tận dụng mọi sự trên trần gian này. Cuộc sống đâu phải là đồ bỏ, nó luôn hiện hữu, và một khi cuộc sống vẫn còn đó và bản thân ta vẫn còn sống, chúng ta phải tận dụng tối đa cuộc sống này."
Dipa Ma không quá chấp thủ với bất kỳ một Thiền sư, một nơi chốn hay một phong cách sống nào cả. Toàn bộ thế gian này đều là Chùa cả. Sharon Kreider nhớ lại." Vào lúc tuổi khôn khoảng độ 20 tuổi - khi đó tôi chỉ muốn tin là nếu tôi ngồi thiền đủ thời gian với một Thiền sư thích hợp, thì mọi sự đều ổn cả - Dipa Ma đã chỉ cho tôi thấy còn có thể đạt được cao hơn thế nhiều. Bà là gương sáng cho những ai muốn trở thành một bà mẹ đích thực trên trần gian này. Trở thành người mẹ đích thực có nghĩa là cảm nhận được cuộc sống một cách mãnh liệt, nghĩa là phải biết ôm trọn bất kỳ điều gì xẩy đến với ta với ý thức, và biến mọi hoàn cảnh thành Thiền sư của mình vậy."
Còn tiếp
|