NY: Tổng giám đốc VN của tập đoàn truyền thông được đầu tư 70 triệu USD
#1
https://digiday.com/media/cnns-great-big...n-youtube/


Tổng giám đốc gốc Việt của công ty được đầu tư 70 triệu USD
20 Tháng Bảy, 2018


Great Big Story, tập đoàn truyền thông chuyên sản xuất video ngắn ở New York, chỉ có hai người gốc Việt và Uyên Tiêu là tổng giám đốc.


[Image: ----tong-giam-doc-goc-viet-cua-cong-ty-d...-com_1.jpg]Uyên Tiêu, tổng giám đốc 38 tuổi của Great Big Story. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Một người mẫu thể hình Mỹ vạm vỡ sống bằng trái tim nhân tạo, một cụ bà 84 tuổi người Ấn Độ giỏi bắn súng, hay hòn đảo đông người nhất thế giới là các chủ đề hút hàng triệu lượt xem trên YouTube, hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên Facebook của Great Big Story. 


Từng khuôn hình trau chuốt như phim điện ảnh, khoảng 1.400 phim tài liệu siêu ngắn và phóng sự 2 – 3 phút đưa người xem khám phá thế giới qua màn hình tivi, máy tính, smartphone, khiến họ phải ồ lên trước những câu chuyện đáng kinh ngạc về con người, thiên nhiên và động vật. 

Gần 400 triệu người xem các phim tài liệu siêu ngắn của Great Big Story mỗi tháng, nhưng có lẽ ít người biết lãnh đạo công ty truyền thông toàn cầu này là một phụ nữ Mỹ gốc Việt có tên Uyên Tiêu.

Uyên sinh năm 1980 ở thành phố Wichita, bang Kansas, Mỹ, trong một gia đình người Việt di cư. Sau khi máy bay chở cha mẹ và chị gái cô hạ cánh xuống căn cứ không quân Moffet Field ở Thung lũng Silicon, California năm 1979, họ chuyển tới sống ở Wichita, nơi một nhà thờ Công giáo đứng ra bảo trợ. Gia đình cô đã trải qua nhiều tháng sống dưới tầng hầm nhà thờ, xa lạ với mảnh đất mới. 

Không biết tiếng Anh, không được học lên cao tại Mỹ, cha mẹ cô làm đủ nghề tay chân để kiếm tiền nuôi ba con gái, từ phục vụ tại nhà hàng đến quét dọn thuê. Nhưng nhờ sự cần cù, chăm chỉ, hết lòng chăm lo gia đình, họ đã nuôi lớn các con và chuyển đến sống tại San Jose, Bắc California. Cha cô mở công ty cơ khí, mẹ cô mở nhà hàng, dần ổn định sự nghiệp vững chắc tại Mỹ. Còn Uyên giành một số học bổng để theo học lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Yale danh giá. Khi đi làm, cô được công ty tài trợ để học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Columbia. 

Trước khi trở thành Tổng giám đốc Great Big Story, Uyên đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại các công ty khởi nghiệp, tập đoàn, về công nghệ và truyền thông.

Cô từng là giám đốc doanh thu của Rumble, một công ty khởi nghiệp công nghệ di động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc tùy biến trải nghiệm người dùng. Cô cũng từng giữ chức phó Chủ tịch Chiến lược kinh doanh quảng cáo, phó chủ tịch Đối tác Marketing của Viacom, tập đoàn sở hữu kênh truyền hình MTV, trước khi giữ vị trí lãnh đạo Chiến lược toàn cầu của Bộ phận Kinh doanh quảng cáo, tập đoàn Microsoft.

Nơi đầu tiên cha mẹ cô đặt chân đến tại Mỹ là Thung lũng Silicon và thật trùng hợp, đây cũng chính là nơi cô từng làm việc. “Tôi biết ơn nước Mỹ vì đã chào đón tôi, cho gia đình tôi cơ hội”, cô nói với VnExpress. 

Uyên làm Tổng giám đốc Great Big Story hơn một năm nay, sau khi nhận thấy có chung tầm nhìn với Chris Berrend, người đồng sáng lập công ty năm 2015. Công ty khởi nghiệp tập trung kể chuyện bằng hình ảnh (cinematic storytelling) được hãng truyền thông Mỹ CNN đầu tư 70 triệu USD.

Dù được CNN đầu tư, có đại diện trên thị trường là một đội thương mại quốc tế của CNN, Great Big Story hoạt động độc lập với công ty mẹ. Điều hành 80 nhân viên chủ chốt, Uyên Tiêu làm việc chặt chẽ với các nhà sáng lập và lãnh đạo từng bộ phận công ty, bao gồm Ban Nghệ thuật, Trí tuệ Khán giả, Xuất bản trên mạng xã hội và Kinh doanh. Công ty có trụ sở chính ở New York, Mỹ và văn phòng tại London, Anh. 

Người phụ nữ gốc Việt cho biết phim ngắn đầu tiên của Great Big Story cô xem nói về những ngọn tháp người ở Catalonia, Tây Ban Nha. “Đoạn video chứa đựng nhiều điều bất ngờ, nó khiến tôi kinh ngạc, nó thú vị đến nỗi tôi phải nghĩ về nó, kể về nó với bạn bè”, Uyên cho hay. Rồi cô đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi tiếp tục xem các video thứ hai, thứ ba. 

“Tôi nghĩ việc giữ được sự nhất quán, duy trì chất lượng để đem lại sự bất ngờ và kinh ngạc trong truyền thông hiện nay là điều rất khó khăn. Đó là khi tôi bắt đầu trở nên rất hứng thú với Great Big Story”, Uyên nói.

Cô quyết định gia nhập công ty vì “trái tim và khối óc” đã bị chiếm trọn bởi những video có nội dung nhiều xúc cảm, các công nghệ thông minh, phân tích dữ liệu để gia tăng lượng khán giả một cách có hệ thống, giúp phát triển doanh nghiệp.

Tầm nhìn của Uyên với Great Big Story là thay đổi cách nhìn thế giới của mọi người. “Những thứ bạn có thể tìm thấy trên mạng Internet đôi lúc hoặc là quá bi quan, tiêu cực, hoặc quá ngớ ngẩn. Vì vậy, có một khoảng không lớn dành cho những câu chuyện có giá trị, mang ý nghĩa tích cực, theo khảo sát của Great Big Story. Tôi nghĩ đó là lý do chúng tôi được nhiều người đón nhận”.

Uyên chia sẻ điều cô thích nhất khi làm tổng giám đốc là nhận ra “tiềm năng lớn để Great Big Story trở thành một thương hiệu văn hóa mang tính biểu tượng trong tương lai”. Tiềm năng đó thôi thúc cô điều hành Great Big Story. “Mỗi ngày, tôi được nghe các nhà sản xuất báo cáo về những điều đáng kinh ngạc trên thế giới và tạo ra những câu chuyện tuyệt vời”. 

Dưới sự quản lý của Uyên, Great Big Story đang phát triển bùng nổ, với khoảng 400 triệu lượt xem mỗi tháng, 10 triệu fan trung thành. “Mỗi ngày, khán giả khắp nơi dành tổng cộng 5 triệu phút để xem các video. Đây là điều lạ thường vì hiện trong mảng truyền thông, có quá nhiều lựa chọn, khi mọi người quyết định dành thời gian xem nội dung của chúng tôi, đó là chiến thắng lớn”, Uyên cho hay. Bên cạnh đó, mỗi video được xuất bản cũng thu hút lượt bình luận, chia sẻ lớn, lan truyền rộng rãi, đặc biệt, hơn 90% bình luận có nội dung tích cực. 

Cắt tóc ngắn, cách nói chuyện dứt khoát, mạnh mẽ nhưng vẫn nữ tính, Uyên tự tin khi là một nữ lãnh đạo của một công ty toàn cầu về truyền thông. Cô biết ơn khoảng thời gian làm ở Viacom, bởi nơi đó từng có những nữ lãnh đạo nổi tiếng, như Judy McGrath, cựu CEO của MTN Networks và Carolyn Everson, hiện là lãnh đạo bộ phận kinh doanh quảng cáo của Facebook.

“Khởi đầu sự nghiệp, tôi chứng kiến rất nhiều phụ nữ thành công. Tôi may mắn khi thấy nhiều phụ nữ mạnh mẽ và quyền lực làm lãnh đạo”, cô nói. Tại Great Big Story, cũng có sự cân bằng về nam và nữ, khi lãnh đạo khối nội dung giám sát các nhà sản xuất cũng là nữ. 

Không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt, Uyên còn là một nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng. Năm 2016, bất ngờ trước con số chỉ 36% số người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thiên niên kỷ (sinh trong giai đoạn 1980 – 1998) đi bầu, Uyên quyết định khởi xướng chiến dịch toàn quốc có tên “Tôi là người Mỹ gốc Á”. Chiến dịch nhằm kêu gọi những người Mỹ gốc Á thế hệ thiên niên kỷ trở thành những người tham gia năng động hơn vào quy trình bầu cử. 

Bằng mạng lưới quan hệ, Uyên tổ chức thành công buổi biểu diễn ca nhạc miễn phí tại 4 thành phố nơi có đông dân Mỹ gốc Á là New York, Washington D.C, Chicago và Los Angeles. 

Phát biểu trước khán giả tại Los Angeles, cô cho chiếu tấm ảnh mẹ bế chị gái khi tị nạn năm 1978, cạnh bức ảnh cô bế con trai năm 2016. “Bố mẹ tôi và tôi nghĩ là tất cả bố mẹ chúng ta đã lao động thật chăm chỉ. Với họ, đó là vấn đề sinh tồn. Đó là vấn đề ổn định. Và đó là vấn đề nuôi dưỡng chúng ta trở thành thế hệ thay đổi”, cô nói.

“Đã đến lúc chúng ta tự hào, đến lúc chúng ta được nhìn nhận, được lắng nghe vì tiếng nói của chúng ta có ý nghĩa, và lá phiếu của chúng ta được tính đếm”, cô nói trong tiếng vỗ tay của khán giả.

Chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam về bí quyết thành công, Uyên nói: “Điều rất quan trọng là biết bạn là ai và phải theo đuổi mục đích trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là lý do tôi thấy Great Big Story rất hấp dẫn khi tôi thực sự tin vào sứ mệnh thay đổi cách mọi người nhìn thế giới”.

Cô cho rằng cần làm việc thật chăm chỉ, dành toàn bộ sức lực vào việc học hỏi, thử nghiệm, nhìn thế giới, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau để thực sự hiểu mình giỏi ở việc gì. “Nếu không rõ về bản thân mình, về giá trị bạn muốn thấy, bạn sẽ thấy mình đôi lúc cô đơn ở cuối con đường. Tôi muốn các bạn trẻ ngoài kia thực sự hiểu bản thân mình. Và rồi hãy tìm thấy chỗ cho mình trên thế giới này, để dù bạn có làm gì, hãy chắc chắn nó liên kết với cách bạn nhìn nhận bản thân và điều bạn có trong cuộc sống”.
Reply