2018-07-16, 11:05 PM
Gặp lại anh chàng đẹp trai quanh năm cởi truồng gây sốt ở Hà Giang
Thứ Hai, 16/07/2018 06:30 AM GMT+7
[b](VTC News) - Chúng tôi trở lại Hà Giang, tìm gặp lại chàng trai kỳ lạ này, và thật không thể tin nổi, anh chàng đẹp trai, đã ở tuổi 25, vẫn không thể mặc quần! [/b]
Triệu Lao Lớ là chàng trai rất chăm chỉ, chịu khó, mỗi tội không chịu mặc quần.
Anh Triệu Chàn Chiêng đã thuê rất nhiều thầy cúng, nhưng không ăn thua.
Chị Triệu Mùi Phan rất buồn vì cậu con trai khôi ngô của mình không chịu mặc quần.
Triệu Lao Lớ chăm chỉ, chịu khó, lo mọi việc trong nhà như trụ cột.
Với vẻ điển trai và thói quen kỳ quặc, Triệu Lao Lớ từng gây sốt cả nước mấy năm trước.
Thứ Hai, 16/07/2018 06:30 AM GMT+7
[b](VTC News) - Chúng tôi trở lại Hà Giang, tìm gặp lại chàng trai kỳ lạ này, và thật không thể tin nổi, anh chàng đẹp trai, đã ở tuổi 25, vẫn không thể mặc quần! [/b]
5 năm trước, phóng viên Báo điện tử VTC News, đã gặp chàng trai hết sức đặc biệt ở Hà Giang, khi không thể… mặc được quần. Câu chuyện đã gây chú ý cả nước, bởi nó hết sức đặc biệt và kỳ lạ. Chúng tôi đã trở lại Hà Giang, tìm gặp lại chàng trai kỳ lạ này.
Một đồng chí công an xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) bảo: “Từ hồi Triệu Lao Lớ lên báo, nổi tiếng, thì ít thấy cậu ta xuất hiện ở xã hơn, nên chúng tôi cũng đỡ đau đầu. Trước đây ngày nào cậu ấy cũng chở củi với măng xuống xã bán, mấy bà sồn sồn cứ tíu tít chạy ra xem. Cũng vì cậu ấy đẹp trai sáng láng, nên khiến các ông chồng bức xúc ý kiến với chúng tôi. Mà chúng tôi nhắc nhở cậu ấy thì chẳng ăn thua gì, cũng không có cơ sở nào để xử phạt. Vì lâu rồi không thấy cậu ấy đâu, nên mọi người cũng dần đỡ bàn tán. Cũng vì thế mà xã không nắm được tình hình thế nào”.
Nhiều năm trôi qua, nhưng đường vào nhà Triệu Lao Lớ vẫn vậy, thậm chí còn xấu hơn xưa, bởi những cơn mưa như trút nước ở đỉnh Tây Côn Lĩnh cuốn xối đất, khiến đường trơ ra những ổ voi, sống trâu, trơn chuồi chuỗi.
Triệu Lao Lớ là chàng trai rất chăm chỉ, chịu khó, mỗi tội không chịu mặc quần.
Căn nhà sàn gỗ lên màu đen bóng của Triệu Lao Lớ ở cuối bản Trung Thành, lưng chừng ngọn núi Chiêu Lầu Thi, ngọn núi vùng vĩ, chỉ thấp hơn “nóc nhà đông bắc” Tây Côn Lĩnh một chút.
Tôi đến vào cuối giờ chiều. Nắng vẫn xiên qua đỉnh Chiêu Lầu Thi, khiến cảnh vật mờ ảo như trong cổ tích. Tôi gọi cửa, thì gặp ngay Triệu Lao Lớ, vẫn chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi, với vạt áo trùng xuống, phất phơ che bộ phận nhạy cảm.
Triệu Lao Lớ vẫn thế, vẫn đẹp giai, trẻ trung, sáng láng chả khác gì diễn viên điện ảnh. Điều đáng buồn, là anh chàng vẫn không thể mặc nổi quần, dù đã nhiều năm trôi qua, với biết bao dị nghị.
Mở cửa cho khách vào xong, Triệu Lao Lớ chui tọt xuống bếp, rồi trốn đâu mất tiêu, gọi mãi không về.
Thầy cúng bó tay
Anh Triệu Chàn Chiêng pha ấm nước, vẫn đôi mắt buồn như xưa: “Từ hồi nổi tiếng, nó ít ra khỏi nhà, cũng ít tiếp xúc với người lạ. Khi lên báo, có nhiều thầy thuốc, nhà nghiên cứu đến tận nhà tìm hiểu căn bệnh của nó, nhưng cũng không giúp được gì. Mấy bác sĩ lúc đầu cũng khẳng định thằng Lớ nhà tôi bị thần kinh, nhưng họ kiểm tra, thì xác định nó bình thường hoàn toàn, nên họ cũng không giải thích nổi”.
Theo lời anh Chiêng, suốt 5 năm qua, kể từ khi lên báo, gia đình cũng được nhiều người trong vùng mách bảo, tìm đến thầy cúng, phù thủy, và gia đình vừa dẫn Lớ đi, vừa mời thầy cúng về, nhưng tuyệt nhiên không có hiệu quả gì.
Anh Triệu Chàn Chiêng đã thuê rất nhiều thầy cúng, nhưng không ăn thua.
Anh Chiêng ấn tượng nhất với một thầy cúng người Mông ở xã Túng Sán. Ông này gần 60 tuổi, người gầy gò, nhưng cao, da dẻ hồng hào, cốt cách rắn rỏi như cây nghiến. Đến nhà, ông bảo Triệu Lao Lớ bị con ma nữ hành. Con ma này không mặc quần, nên nó bắt Lớ cũng phải cởi truồng như nó. Hễ Lớ mặc quần, là nó hành cho ốm, không ăn, không ngủ được, nên Lớ sợ mà ám ảnh với chiếc quần.
Ông thầy cúng làm lễ, vung con dao sắc lẹm chặt phựt một cái đứt cổ con gà, rồi dúi con dao vào lò than rừng rực cháy. Khi lưỡi dao đỏ rực, thì ông đưa lên miệng, thè lưỡi liếm vào lưỡi dao, khiến lưỡi cháy xèo xèo. Ông phải hơi nóng trong miệng vào người Triệu Lao Lớ. Làm lễ xong, ông bảo đã đuổi cổ con ma. Con ma khiếp vía không dám đến gần nữa.
Cúng xong, thầy cúng bảo anh Chiêng lấy quần bắt con trai mặc. Ấy thế nhưng, Triệu Lao Lớ vẫn nhất định không chịu mặc. Lễ cúng diễn ra lần nữa, nhưng vẫn chẳng ăn thua, Lớ cứ trơ ra, không thể chịu đựng được việc… mặc quần. Ông thầy cúng chịu thua, bảo con ma này “dai như đỉa đói”.
Chị Triệu Mùi Phan rất buồn vì cậu con trai khôi ngô của mình không chịu mặc quần.
Vụ cúng bái phức tạp và tốn kém nhất, là do một thầy cúng người Nùng chủ trì. Ông thầy này người xã Tụ Nhân, là thầy cúng giỏi, nổi tiếng cả huyện về tài “bắt ma”, giải bùa ngải.
Đến nhà, thầy cúng người Nùng phán rằng, cụ nội của Triệu Lao Lớ ăn trộm trâu. Khi dắt trâu xuống đến thung lũng, thì bị chủ trâu phát hiện đuổi theo. Cụ nội Lớ dắt trâu chạy thì bị đứt dây chun, tụt mất quần. Mặc dù không bắt được trộm, không lấy lại được trâu, nhưng chủ trâu nhặt được chiếc quần của kẻ trộm. Người này đã yểm bùa vào chiếc quần đó và phải đến mấy đời sau bùa mới phát huy hiệu nghiệm và Lớ đã phải chịu hậu quả do cụ nội gây ra, đó là không mặc được quần.
Mặc dù không thấy người thân trong gia đình kể chuyện này, cụ nội cũng mất rất lâu rồi, không có gì đối chứng, nhưng tin lời thầy cúng người Nùng, nên anh Chiêng đã mổ lợn, dê, gà, để thầy làm lễ giải bùa.
Ông thầy cúng người Nùng đã làm lễ cúng suốt mấy ngày đêm trong nhà, ngoài ruộng, cả trong rừng. Cúng bái xong thì mời cả bản đến ăn uống tưng bừng. Trước khi ra về, ông thầy còn bảo, vài hôm nữa Triệu Lao Lớ sẽ đòi mua quần để mặc. Thế nhưng, cả năm trôi qua, Triệu Lao Lớ vẫn nhất định từ chối mặc quần.
Theo lời anh Chiêng, sinh con ra, nuôi nấng từ nhỏ, nên anh Chiêng biết, Triệu Lao Lớ không bị tâm thần, khùng điên gì cả, nhưng bản thân anh cũng không thể hiểu nổi vì sao cậu con anh lại có thói quen kỳ quặc như vậy.
Bỗng dưng sợ quần!
Anh Triệu Chàn Chiêng, sinh năm 1972. Theo tổ tiên kể lại, người Dao đã định cư ở chân ngọn núi Chiêu Lầu Thi mấy trăm năm, nhưng gia đình Triệu Chàn Chiêng rủ nhau lên sát đỉnh núi cao ngất này ở thì mới được 4 đời.
Năm 18 tuổi, Chiêng lấy sơn nữ trong bản, là Triệu Mùi Phan, hơn Chiêng 2 tuổi. Năm 1990, chị Phan sinh con cả, là Triệu Chòi Quyên. Năm 1993 sinh cậu bé kỳ quặc Triệu Lao Lớ. Nhà nghèo, nên đến năm 1996, chỉ đẻ thêm cô gái Triệu Mùi Chài thì dừng, không đẻ thêm nữa.
Ở bản người Dao này, nhà nào cũng sinh dăm bảy, thậm chí chục con, nên có 3 con như vợ chồng Chiêng là ít lắm. Cậu con cả Triệu Chòi Quyên đẹp trai, sáng láng. Học hết lớp 12 thì lấy vợ, rồi tiếp tục đi học trung cấp ở Hà Giang. Triệu Mùi Chài học hết lớp 10 thì nghỉ, ở nhà giúp cha mẹ, chờ có anh chàng nào hợp mắt thì cưới làm chồng.
Triệu Lao Lớ chăm chỉ, chịu khó, lo mọi việc trong nhà như trụ cột.
Cậu bé Triệu Lao Lớ sinh ra hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. Trẻ em miền núi nơi đâu cũng vậy, có tấm áo mặc là may lắm, quần thì chẳng cần, nên ít khi mặc, trừ khi mùa đông quá lạnh giá. Bọn trẻ miền núi ít được bố mẹ để tâm, nên hàng ngày, khi bố mẹ lên nương, thì chúng vày ở dưới suối, thậm chí vũng nước bùn đất trước nhà. Thế nên, tốt nhất là không mặc quần, kẻo phí.
Thế nhưng, khác với những đứa trẻ khác, khi đến lớp thì biết mặc quần, còn Triệu Lao Lớ thì nhất định không thích che đi nửa dưới phần thân. Hễ bố mẹ mặc quần, Lớ lại cởi ra. Bố mẹ đè nghiến ra mặc, thì Lớ khóc thét.
Không có cách nào ép buộc được con, vợ chồng anh Chàn Chiêng, chị Mùi Phan đành mặc Lớ cởi truồng. Vào lớp 1, Lớ tung tăng cắp sách đến điểm trường. Áo mới xúng xính bố mẹ sắm cho, nhưng quần không có, tơ hơ đến lớp. Lớ hồn nhiên chơi đùa với các bạn, mà không thấy xấu hổ chút nào.
Năm lớp 1, cậu bé đặc biệt này còn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô giáo nhận xét Lớ rất ngoan, biết vâng lời, học giỏi môn toán, chỉ có điều ngoan cố không chịu mặc quần. Lên lớp 2, nhận thức được việc không mặc quần của mình là quái dị, bị nhiều bạn, nhất là các bạn lớp trên trêu chọc, nên Lớ không đến lớp nữa. Khuyên bảo con mãi không được, nên anh Chiêng đành phải cho Lớ nghỉ học.
Chuyện bẵng đi nhiều năm, chẳng ai quan tâm đến cậu bé Triệu Lao Lớ không mặc quần nữa. Nhà ở mãi đỉnh núi, trong rừng sâu, ít tiếp xúc với bên ngoài, nên chuyện Lớ không mặc quần chỉ có người trong bản biết. Họ nhìn cảnh đó quen mắt rồi, nên cũng không ai bình phẩm. Cho đến một ngày, Lớ qua tuổi dậy thì, biết đi xe máy, biết vào rừng đốn củi, chở củi, ngô, măng xuống xã bán kiếm tiền, với cái bộ phận sinh dục tơ hơ trước bàn dân thiên hạ, thì cả xã mới xôn xao. Chuyện của Lớ khiến người dân cả huyện biết, rồi mọi người thêu dệt nên đủ các loại chuyện vui vẻ, tếu táo. Đến nỗi, thấy trẻ con cởi truồng, mọi người đều gọi vui là “Triệu Lao Lớ”.
Với vẻ điển trai và thói quen kỳ quặc, Triệu Lao Lớ từng gây sốt cả nước mấy năm trước.
Điều đặc biệt nhất, theo anh Triệu Chàn Chiêng, thì cậu con trai cởi truồng của anh giờ đã là trụ cột gia đình. Bản thân anh Chiêng hay đau ốm, căn bệnh khớp khiến mỗi lúc trái gió trở trời đau nhức không làm gì được, cậu con cả đã lấy vợ, sinh con, lo cuộc sống riêng, nên Lớ phải lo toan, quán xuyến mọi việc trong nhà thay bố.
Lớ cũng là người tháo vát nhất nhà, không nề hà việc gì cả. Từ lên nương, hái chè, đốn củi, bẫy con sóc, con dúi, con gà rừng, rồi đi bốc vác, làm thuê trong bản, có việc gì là làm tất, mà kiếm được đồng nào đưa hết bố mẹ. Về nhà, Lớ lại vào bếp như người đàn bà. Lớ nấu ăn cũng ngon và khéo hơn cả mẹ. Lớ làm mọi việc rất nhanh, gọn gàng, sạch sẽ. Nhà cửa, xoong nồi lúc nào cũng sạch bóng vì Lớ luôn chân luôn tay.
Rời ngọn Chiêu Lầu Thi hùng vĩ và bản Trung Thành chìm hẳn trong rừng hoang, mây mù, anh Triệu Chàn Chiêng tấp tểnh tiễn tôi xuống chân cầu thang. Qua ánh điện mờ mờ hắt ra từ đầu hồi, tôi thấy Triệu Lao Lớ tênh hênh với mỗi chiếc áo sơ mi trên người, đang dắt bò từ đường mòn trên núi về chuồng.
Anh Chiêng gọi với con trai, bảo chào khách. Lớ đứng từ xa cất tiếng chào, chứ nhất định không chịu lại gần. Chia tay khách, anh Chiêng bảo: “Tôi vẫn hy vọng có bác sĩ hay nhà tâm lý nào đó giúp được em nó, chứ cúng bái mãi rồi vẫn không ăn thua nhà báo ạ. Giờ mong mỏi lớn nhất của tôi, là em nó mặc được quần, tôi sẽ cưới ngay cho em nó một cô vợ tốt!”.
Phạm Dương Ngọc