Tình Nhớ làm sao quên
#1
 TÌNH NHỚ LÀM SAO QUÊN
Toại Khanh



Hồi còn ở bên nhà, tôi từng nghe một ông người Bắc bảo rằng dân Nam Bộ xuề xòa vậy mà ngôn ngữ của họ có nhiều chỗ độc đáo kinh người. Như chữ “nhậu”  chẳng hạn. Trong khi người Bắc nói uống rượu thì đôi khi chỉ có nghĩa là cho rượu vào miệng rồi nuốt ực, tức là uống rượu suông, không có mồi màng, thức nhắm gì ráo. Rồi thì ngồi uống rượu với cả một mâm cỗ thịt thà ê hề cũng vẫn cứ là uống rượu. Tiếng nhậu trong Nam thì không phải vậy. Chỉ có rượu thôi thì không phải rượu rồi. Ít gì cũng phải là một trái xoài, trái ổi để nhâm nhi, mới có chỗ để xài chữ nhậu. Nghĩa là cạnh cái uống, phải có cái ăn thì mới làm nên chữ nhậu. Chữ nhậu phải hiểu vậy mới đúng, mới đã!

Rồi tới cái ngày xa xứ, tôi một túi vải lên đường với bao thứ gói ghém trong cái tâm tình viễn mộng, bao gồm vài món không dám xao lãng trong tấc dạ. Một trong những món hành trang đó dĩ nhiên có cả một thứ ngôn ngữ đã nói đến mềm môi. Giữa xứ người mênh mông, đôi lúc chỉ thèm nghe lại một câu chữ bằng tiếng ta thiệt đúng điệu cho ấm lòng. Thế thôi, vậy mà đâu phải muốn là được. Vậy rồi bỗng một ngày đang ngồi nhơi như bò mấy bài vở dễ ghét của đám người mắt xanh, da trắng, tôi chợt thấm thía một con chữ tiếng Việt bao lâu qua vẫn làm tôi xao lòng mà ít khi để ý. Đó là chữ “nhớ”, thâm thúy gấp trăm lần chữ nhậu kia nữa.

Mấy tiếng Miss, Recall, Remember, Recollect, Memories…trong Anh ngữ hình như không đủ để dịch đúng chữ “nhớ”của tiếng Việt. Chẳng biết có phải tôi đã giàu tưởng tượng quá chăng?

Một đứa bé giữa đêm thức giấc không thấy có mẹ nằm bên thì khóc. Đó cũng là nhớ. Biết đi biết chạy, nó không quên chỗ cất mấy món đồ chơi, đó cũng là nhớ. Tuổi dậy thì, nó cứ bâng khuâng khi nghĩ về một người dưng bằng thứ cảm giác chưa từng có với những người thân trong nhà, đó cũng là nhớ. Phạm Thái với Quỳnh Như, Loan và Dũng, Lan và Điệp, cũng đều là nhớ. Cao xa và thiêng liêng hơn một chút, người của Lục Quốc đối với Kinh Kha sau ngày chàng bỏ mạng trên đất Tần cũng là một chữ nhớ…Đại khái, tình nhà hay tình nước, tình bạn tri âm hay tình yêu nam nữ, cao thấu trời hay thấp tận bùn thảy đều là nhớ hết. Chỉ một chữ đó thôi, mà thi ca, rồi âm nhạc nối nhau ra đời suốt mấy ngàn năm qua. Đời sống của con người cũng không thể không dành cho nỗi nhớ kia một góc rộng và sâu. Tôi nghĩ hoài cũng không sao tìm ra được một hạng người, sống mà không cần đến tối thiểu một nỗi nhớ. Mấy ông vua thái tổ của các triều đại cổ kim đều lập quốc từ chữ nhớ, người tầm thường xây dựng gia đình hay cuộc sống riêng tư cũng bằng một nỗi nhớ. Những tâm niệm đau đáu ngay ngáy của một doanh nhân trên thương trường, một nhà ngoại giao hay một chính khách trên chính trường, một tướng lãnh ngoài chiến trường, thậm chí trâu nhớ ngõ, chó nhớ đường cũng cứ là một chữ nhớ đó thôi. Chữ nhớ đó càng thần diệu vào một ngày tôi lần đầu xem kinh Phật…

“Này các Tỷ-kheo, đây là con đường duy nhất dẫn đến Niết-bàn, tức bốn Niệm Xứ này đây. Ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, tinh cần, tình giác, chánh niệm diệt trừ tham ưu ở đời…”

Trời ạ, cái gọi là con đường giải thoát duy nhất ấy cũng chỉ là hành trình của một nỗi nhớ mà chữ Phạn xưa gọi là sati, tiếng Anh bây giờ có dịch sao cũng không đúng. Hán tạng xưa giờ vẫn dịch chữ Sati đó là Niệm. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học để biện giải phân tích kiểu bác học, chỉ lấy làm tâm đắc với phép Lục Thư đã làm nên chữ đó: Một chữ Kim (今) (bây giờ) nằm trên chữ Tâm () thành ra chữ Niệm (), ngụ ý Niệm là khả năng ghi nhớ mọi chuyện như là chúng đang xảy ra. Từ lâu nay trong phòng sách của tôi vẫn có một bức tranh không mấy người để ý: Tôi đã cắt dán một trái tim ghép vào bên dưới bức hình Kim Tự Tháp của Ai Cập để thỉnh thoảng tự cho mình là hành giả. Treo nỗi nhớ trước mặt mà lòng cứ quên. Quên đạo để nhớ về đời!

Như đã nói ở trên, toàn bộ những thứ làm nên cõi nhân gian vui ít buồn nhiều này chỉ là những nỗi nhớ. Chuyện đó đã đành. Nhưng có ai ngờ được là đã vào bằng nỗi nhớ thì cửa ra cũng vẫn là một nỗi nhớ khác. Một đứa bé hay một người làm cái chuyện khai sơn lập quốc, chí đến một bậc đại sĩ cầu đạo vô thượng…ai cũng đều cầm tay một chữ nhớ mà lên đường vào cuộc bể dâu… 

Nỗi nhớ từ đó đã là một đất trời vạn đại cho nhất thiết pháp giới dung thân. Nó là đất sống mà cũng là cõi chết, là cơ nghiệp dựng xây mà cũng là hành trình tự hủy. Một Mỵ Châu đã vì nỗi nhớ mà mở rộng quốc thổ cho dân tộc, một hoàng tử Tất-đạt đã nhờ một nỗi nhớ mà trở thành bậc đại giác. Nói gọi lại, anh chính là những gì anh nhớ đến trong thao thức, trở trăn!

Tất thảy những suy tư ngờ nghệch đó về nỗi nhớ, ai ngờ đã được phôi dựng từ một xúc cảm lạ lùng với bài thơ ngẫu nhiên tìm thấy và nghe được của ông Du Tử Lê: Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời!

Ông nói đúng lắm. Chỉ một nỗi nhớ thôi, nghìn kiếp còn chưa thấm tháp bõ bèn gì, nói chi là cái trăm năm ngắn ngủi của một kiếp người mù sương… Nhưng chỉ những câu chữ và ý tưởng của riêng ông thì vẫn chưa đủ để tôi chìm sâu hơn vào những nỗi nhớ. Trần Duy Đức đã một ngày đẩy nỗi nhớ đó lên một cõi thinh không xa vời mộng mị bằng những làn điệu xa vắng, khơi vơi đến mê hoặc, và cái giọng khàn khàn khó kiếm của Lê Uyên đã giúp tôi lên tới được cái ngọn nguồn thăm thẳm đó vào một đêm khuya nhìn quanh không người. Biết cảm ơn người nào trong số họ đây?


Toại Khanh
Thư Viện Hoa Sen
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply