Cựu Ðại Sứ Ted Osius bất ngờ từ chức phó chủ tịch Đại Học Fulbright Việt Nam
#1
https://fuv.edu.vn/en/public-announcement/


Cựu Ðại Sứ Ted Osius bất ngờ từ chức phó chủ tịch Đại Học Fulbright Việt Nam
June 20, 2018
  • [Image: Ted-Osius.jpg?w=800&ssl=1]Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius. (Hình: Website Đại Học Fulbright Việt Nam)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Sáu, 2018, Đại Học Fulbright Việt Nam loan báo trên website của trường cho hay, “phó chủ tịch Ted Osius đã gửi đơn từ chức và ông sẽ chính thức nghỉ vào cuối năm nay để theo đuổi các cơ hội khác trong lĩnh vực giáo dục và phi lợi nhuận.”

Thông báo viết tiếp: “Trong nhiệm kỳ đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và thời gian công tác tại trường, Ted là người trợ giúp không mệt mỏi và hiệu quả cho Fulbright. Ông sẽ tiếp tục tham gia một số dự án trong giai đoạn chuyển tiếp này.”

Tin này quả là bất ngờ vì ông Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, mới bắt đầu công việc tại Đại Học Fulbright Việt Nam từ Tháng Giêng, 2018.

Ông Osius được ghi nhận chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động đối ngoại của trường đại học này và xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức ở Việt Nam và Mỹ.

Thời còn làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Osius được tiếng là quan chức ngoại giao Mỹ “chịu khó” kết nối với cộng đồng mạng Việt Nam khi liên tục cập nhật các hoạt động của mình trên facebook “Ambassador Ted Osius.” Tuy nhiên, ông cũng bị giới bất đồng chỉ trích vì chủ yếu tập trung vào các hoạt động giúp cộng đồng LGBT tại Việt Nam và tham gia các hoạt động “nhằm lấy lòng Hà Nội” hơn là lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền, thúc đẩy dân chủ cũng như ủng hộ các nhà đấu tranh.

Trả lời câu hỏi của cư dân mạng hôm 20 Tháng Sáu trên trang Facebook cá nhân, ông Osius nói “chưa biết về công việc tiếp theo sau Đại Học Fulbright Việt Nam” nhưng “cũng mong là tiếp tục sống ở Việt Nam.”

Hồi Tháng Tư, 2018, ông Osius gây xôn xao khi tiết lộ với Reuters rằng mình quyết định từ chức đại sứ vào Tháng Mười, 2017, một phần do chính sách mới của chính quyền Donald Trump buộc trục xuất hàng ngàn người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam, bất chấp việc những người này “đã được bảo hộ theo một thỏa thuận song phương ký kết giữa hai nước.”

Ông nói thêm rằng đa phần trong số những người bị trục xuất vốn ra đi khỏi Việt Nam trong làn sóng tỵ nạn sau 1975, và do đó khi trở về sẽ bị Hà Nội coi là “các thành phần gây bất ổn cho xã hội.”

Hồi Tháng Sáu, 2016, trong một cuộc thảo luận tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược (CSIS) ở Hoa Kỳ, ông Osius công khai thừa nhận: “Nhân quyền vẫn là lĩnh vực tồn tại nhiều khác biệt nhất giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Thời điểm đó, ông cũng tiết lộ, khi thảm họa cá chết vừa xảy ra ở vùng biển bốn tỉnh miền Trung, Mỹ đã đề nghị [cử các nhà khoa học, chuyên gia môi trường sang] giúp đỡ Việt Nam “gần như ngay lập tức” nhưng đề xuất này “không được chấp nhận.” (T.K.)
Reply