PhongVien007
Unregistered
ngày 31/05/2018 19:35 PM (GMT+7)
Danh ca Ý Lan tiết lộ mẹ - danh ca Thái Thanh nằm viện 2 năm nay chưa được về nhà
Ý Lan cho biết, thời gian qua ít về Việt Nam ca hát vì không an tâm cho sức khỏe của mẹ - danh ca Thái Thanh.
Ý Lan cho biết mẹ cô - danh ca Thái Thanh nằm viện suốt hai năm qua.
Suốt hai năm qua, cô cùng em gái Quỳnh Hương thay phiên nhau chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Ngoài ra, danh ca còn thuê thêm hai người giỏi chuyên môn túc trực bên mẹ. Bà chỉ nằm một chỗ và được truyền dinh dưỡng. "Suốt hai năm qua, mẹ tôi nằm ở bệnh viện chưa về nhà. Có lần tôi xin bác sĩ cho bà về, chưa được một ngày phải trở lại bệnh viện gấp vì nhiễm trùng", Ý Lan kể. Cô không yên tâm khi đi xa nhiều ngày khi sức khỏe bà còn yếu. Hiện tình hình của mẹ cô khá ổn định nên cô tranh thủ về gặp gỡ khán giả ở quê nhà.
Trong đêm nhạc riêng tại quê nhà tới đây, Ý Lan sẽ hát các ca khúc về mùa mưa như: Tháng 6 trời mưa, Cơn mưa hạ, Nụ hôn trong mưa... Danh ca chia sẻ nhắc đến mùa mưa cô nhớ về nụ hôn đầu dưới mưa khi mới 16 tuổi với một anh sinh viên. “Đối với tôi nụ hôn này chính là tình yêu đầu đời nên khi chia xa anh cõi lòng tôi tan nát”, Ý Lan bộc bạch. Ngoài ra, ca sĩ còn hát thêm các ca khúc theo yêu cầu, các bài hit gắn bó với tên tuổi của mình.
Nhắc đến danh ca Ý Lan, sắc đẹp và cái duyên qua phong cách trình diễn "điệu đà" đặc trưng là hai yếu tố để lại ấn tượng mạnh nơi khán giả. Bởi lẽ, mỗi khi chúng hòa quyện cùng âm sắc mộng mị trong giọng hát của cô đều tạo nên ám ảnh nhất định đối với những ai thưởng thức. Ý Lan sinh tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ cô là danh ca Thái Thanh, bố cô là tài tử Lê Quỳnh. Cô trở thành ca sĩ chuyên nghiệp từ cuối những năm 1980. Ý Lan hiện sống tại California (Mỹ). Vài năm gần đây, cô tham dự nhiều chương trình ca nhạc trong nước.
Theo Minh Anh (Ảnh: NVCC) (Một Thế Giới)
PhongVien007
Unregistered
THÁI THANH
Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thuỷ
Tôi viết bài này để ghi dấu : Thái Thanh bị Bệnh Già – Quên – đã bốn năm. Đã hơn 1000 ngày đêm Nàng sống trong một Nursing Home ở Cali. Nghe nói nay Nàng không nhớ, không biết – Nàng đã quên – những người thân quen của Nàng.
Tôi mong trong vài sát-na, Thái Thanh đọc và hiểu những giòng chữ này tôi viết về Nàng.
Trên Wepekeida, trong bài viết về Thái Thanh, người viết kể câu thơ của tôi là:
“Em hát cho tan vàng, nát đá
Em hát cho Anh biết ngậm ngùi..”
Câu Thơ Thái Thanh của tôi là:
“Em hát tan vàng, ca nát đá
Em hát cho Anh biết ngậm ngùi…”
[b]CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG Hoàng Hải Thủy[/b]
Ngày 15 Tháng Tư, 2015.
Khi được tin Thái Thanh bị bệnh Quên (alzheimer) , Thái Thanh vào sống ở Nursing Home, tôi đăng bài viết này về Nàng. Phần đầu của bài này được tôi viết ở Sài Gòn khoảng năm 1970.
Hôm nay – ngày 15 Tháng Tư 2015, sống những ngày cuối đời ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi sửa lại bài này, tôi viết thêm một số đoạn vào bài này, để tưởng nhớ Thái Thanh, để thương tiếc Thái Thanh.
Tôi tưởng nhớ Thái Thanh, tôi thương tiếc Thái Thanh ngay khi Nàng sống trong cõi đời này như tôi.
Nay Thái Thanh đang sống những ngày cuối đời nàng.
Nay tôi đang sống những ngày cuối đời tôi.
Quote:Thái Thanh trên Trang Wikipedia:
Thái Thanh – Phạm Thị Băng Thanh – sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Hà Nội – được mệnh danh “Tiếng hát vượt thời gian” – là một nữ ca sĩ nổi tiếng, được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam. Bà thành danh từ thập niên 1950. Bà thường được coi là “Đệ Nhất Danh Ca” của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975. Bà không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây bà tiếp tục trình diễn và thâu âm cho đến khi bà nói lời giải nghệ vào năm 2002.
Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến, nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi với nghệ danh Thái Thanh. Cũng năm này bà chị của bà là bà Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1950 gia đình Phạm Duy dinh tê về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn, Thái Thanh theo vào Sài Gòn.
Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với diễn viên điện ảnh Lê Quỳnh tại Sài Gòn. Năm 1965 bà ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau 3 con gái và 2 con trai. Sau biến cố 1975, bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ.
Từ đó, tôi – CTHĐ – thấy Thái Thanh không một lần trở lại Sài Gòn.
Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 13-14 tuổi..
Thời kỳ đầu, bà đi hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Đến năm 1951, bà chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.
Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn. Bà nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm Màu Hồng.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam.
Năm 1985, Thái Thanh sang Hoa Kỳ định cư.
Năm 2000 bà bị tai biến mạch máu não phải vào bệnh viện. Sau đó tuy hồi phục nhưng năm 2002, bà chính thức tuyên bố giải nghệ.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bài viết về Thái Thanh, phần lớn là những bài phát biểu cảm tưởng. Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một “trường hợp hãn hữu”, và “Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh.” Giọng ca Thái Thanh là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975.
Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, văn nghệ sĩ cũng có những bài nhận định về Thái Thanh, những bài này thường mang tính ca ngợi, như Thái Thanh – tiếng hát trên trời của Thụy Khuê, Thái Thanh – tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi của Đỗ Việt Anh, Nụ tầm thanh của Hoàng Hải Thủy…Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian.
o O o
Trích “Lời Tác Giả” Phóng Sự Tiểu Thuyết YÊU NHAU BẰNG MỒM:
CTHĐ: Năm 1970 tôi xuất bản quyển “Yêu Nhau Bằng Mồm.” Tôi tặng Thái Thanh quyển này.
Tôi viết “Yêu Nhau Bằng Mồm” để đăng báo tuần năm 1960. Ðến Tháng Bẩy năm 1970, mười năm sau ngày Kiều Ly – nhân vật chính trong Yêu Nhau Bằng Mồm – xuất hiện trên báo, tôi sửa lại bản thảo Yêu Nhau Bằng Mồm để đưa cho Nhà Chiêu Dương xuất bản.
Buổi sáng mùa thu, một mình tôi trong căn phòng nhỏ, bên bàn viêt của tôi là chiếc Akai xoay đều một băng nhạc do Phạm Mạnh Cương thực hiện. Tôi viết, tôi sửa bài, tôi lơ đãng nghe nhạc.
Ðến một phút nào đó tôi ngừng tay trên bản thảo vì tiếng hát của Thái Thanh. Nàng hát bài “Mùa Thu Trong Mắt Em” của Phạm Mạnh Cương. Tôi xúc động vì tiếng hát và tôi chợt nhớ từ lâu rồi, từ nhiều năm nay, tiếng hát Thái Thanh đã làm tôi nhiều lần xúc động; tôi yêu đời, yêu người nhiều hơn, đời tôi sung sướng hơn, đẹp hơn, một phần là nhờ sự ca tụng Tình Yêu của Tiếng Hát Thái Thanh.
TÌNH YÊU viết Hoa Bẩy Chữ, Hoa luôn Dấu Huyền, Dấu Mũ.
Tôi nhớ một buổi sáng cách buổi sáng hôm nay, khi tôi viết những dòng chữ này, đã gần hai mươi năm. Ðó là một buổi sáng năm 1952. Buổi sáng đó tôi là một thanh niên vừa hai mươi tuổi, những bước chân tôi đang bỡ ngỡ bước vào đường đời; tôi vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi đang đi tìm việc làm trong những toà báo ở Sài Gòn. Viết rõ hơn: năm 1952 tôi đã bỏ học, tôi chưa có việc làm để sống, tôi chưa biết tôi sẽ làm nghề gì, tôi chỉ biết tôi muốn làm báo, viết truyện. Với tôi năm ấy một chân phóng viên báo chí với số lương tháng hai ngàn đồng bạc là một cái gì thật là lý tưởng và quí báu nhất đời.
Buổi sáng ấy – một sáng Sài Gòn đầu mùa thu – tôi đứng trên con tầu điện từ Chợ Lớn chạy về Sài Gòn, tôi thấy Thái Thanh cùng đi trên con tầu điện ấy. Năm 1952, gần hai mươi năm trước đây, Thái Thanh và tôi cùng rất trẻ – Thái Thanh sinh năm 1934, kém tôi một năm – chúng tôi đang cùng bước vào con đường văn nghệ, nàng ca hát, tôi viết truyện, làm thơ.
Năm ấy tôi chưa có chút danh tiếng nào, tôi còn chưa kiếm được tiền, dù chỉ là tiền đi xem xi nê, tiền mua mấy tở báo Cine Revue, Cinemonde được gửi đến Sài Gòn bằng tầu thủy – par bateau – Thái Thanh và Ban Thăng Long đã bắt đầu nổi tiếng. Và năm đó Sài Gòn còn có đường xe điện chạy từ Sài Gòn vào Chợ Lớn trên đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Ðạo.
Xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn năm xưa ấy chạy giữa đường. Khi xe ngừng ở trạm, khách xuống giữa đường nên đề đề phòng tai nạn, khoảng năm 1960 chính quyền Sài Gòn triệt bỏ đường xe điện này.
Và như thế là từ buổi sáng ấy cho đến sáng hôm nay, khi tôi ngồi sửa truyện và nghe Thái Thanh hát qua băng nhựa, thời gian đã hai mươi năm trôi qua đời tôi. Và đời Thái Thanh. Tôi thấy Nữ ca sĩ Thái Thanh, với tiếng hát không có dĩ vãng của nàng, đã làm cho đời tôi đẹp hơn, phong phú hơn là tôi với những truyện ngắn, truyện dài của tôi làm cho đời nàng thêm đẹp. Vậy để trả ơn nàng, tôi trang trọng đề tặng nàng tập truyện này. Bạn đọc thông minh chắc thừa hiểu nữ nhân vật Kiều Ly của phóng sự tiểu thuyết này không phải là hình ảnh của Thái Thanh; tôi chỉ cần nói thêm rằng những đoạn nào “tả chân” về Kiều Ly là tả Kiều Ly, còn những đoạn nào tả thơm, tả sạch về Kiều Ly thì Kiều Ly đó có phảng phất hình ảnh Thái Thanh.
o O o
đọc tiếp: https://kontumquetoi.com/2017/12/07/cong...alzheimer/
|