Bí Mật Của Người Mẹ Đã Khuất.
#1
BÍ MẬT CỦA NGƯỜI MẸ ĐàKHUẤT

[Image: 0c524077adc8d872b79f82b473c7e59c.jpg?w=750]
Guy De Maupassant (Pháp)




* Đôi nét về tác giả:



Guy de Maupassant (1850-1893) là một trong những nhà văn Pháp tiêu biểu của thế kỷ XIX. Ông sinh ra trong một gia đình tư sản quý tộc thuộc tầng lớp trung lưu tại Normandy, Pháp. Sau khi phục vụ trong quân ngũ, do không có tiền để đeo đuổi việc học luật, ông trở thành một viên chức nhà nước trong nhiều Bộ khác nhau tại Paris. Cùng thời điểm đó, ông được học cách viết lách với người thầy, người cha đỡ đầu là văn hào Gustave Flaubert và bắt đầu đi theo khuynh hướng hiện thực.



Ngoài bút ký, kịch, thơ và tiểu thuyết, Guy de Maupassant được xem là bậc thầy của thể loại truyện ngắn hiện đại với hơn 300 truyện thấm đẫm tính nhân văn. Ông mất khi mới 42 tuổi, trong sự hành hạ của bệnh tật và được chôn cất tại [i]nghĩa trang Montparnasse.[/i]

Với biệt tài sử dụng lối hành văn tự nhiên, bút pháp trào phúng, ngôn ngữ đôi khi bàng quan, lạnh lùng, truyện của ông thường đứng về phía những con người bất hạnh thuộc tầng lớp dưới, phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp quý tộc lẫn sự giả trá của những kẻ đáng trọng vọng trong xã hội Pháp thời bấy giờ. “Bí mật của người mẹ đã khuất” (La veillée) được sáng tác năm 1882 là một trong những truyện ngắn như vậy.

 

Người phụ nữ ấy đã qua đời không đau đớn, an tĩnh hệt như cả cuộc đời vô tội của bà. Giờ đây, bà nằm yên nghỉ trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, dáng vẻ thanh thản, mái tóc dài bạc trắng rủ xuống chỉn chu như thể bà đã chải chuốt nó mới mươi phút trước khi từ giã cõi trần. Cả gương mặt của người đã khuất rất bình tĩnh, điềm nhiên và nhẫn nhịn đến nỗi người ta chừng như có thể cảm thấy một linh hồn ngọt ngào đã từng ngụ trong thân thể kia, một kiếp sống trầm lặng mà linh hồn già nua ấy đã trải qua, người mẹ ấy đã có cái chết nhẹ nhàng và thuần khiết.



Quỳ bên cạnh giường là con trai bà, một vị thẩm phán với những nguyên tắc cứng rắn và con gái bà, Marguerite, được biết đến với danh xưng sơ Eulalie, đang rơi lệ như thể trái tim của họ sẽ tan vỡ. Từ thuở nhỏ, bà đã giáo huấn cho các con những nguyên tắc đạo đức nghiêm khắc, dạy dỗ họ lòng tín ngưỡng không chút yếu đuối và bổn phận mà không hề thỏa hiệp. Người con trai đã trở thành một vị thẩm phán và nắm trong tay luật pháp như một vũ khí ông ta dùng để trừng phạt kẻ yếu hơn không chút khoan từ. Và người con gái được tắm mình trong những đức hạnh của một gia đình lễ giáo nghiêm khắc, bà đã trở thành chiếc cầu nối của Thiên Chúa, hoàn toàn xa lánh đàn ông.



Họ hầu như không biết về cha. Ngoài việc ông ta đã khiến cho mẹ mình bất hạnh họ không được kể thêm bất kỳ chi tiết nào khác.



Bà sơ hôn nồng nàn lên bàn tay của người mẹ đã khuất, một bàn tay ngà trắng như một cây thánh giá lớn đặt nằm trên giường. Ở phía bên kia, cánh tay còn lại dường như vẫn nắm lấy tấm khăn trải giường khi cái chết ghì lấy bà. Và tấm khăn đã lưu lại một nếp nhăn nhỏ như ký ức của những cử động sau cuối trước khi bà bất động vĩnh hằng.



Một vài tia sáng xuyên qua cánh cửa khiến hai mái đầu đang thổn thức ngước nhìn lên, đó là một vị linh mục, vừa ăn tại đây bữa tối đã quay trở lại. Mặt ông đỏ gay và chừng như hụt hơi vì sự tiêu hóa bị gián đoạn, đoạn ông tự pha cho mình một tách cà phê pha với rượu brandy đậm đặc để chống lại sự mệt mỏi của vài đêm trước và lại bắt đầu thức canh người chết.



Ông nhìn đầy buồn bã, nỗi buồn giả lả của một người mà cái chết chính là kế sinh nhai. Ông ta làm dấu thánh giá rồi tiến đến gần bằng một cung cách chuyên nghiệp: “Ôi các con đáng thương của ta! Ta đến để giúp các con vượt qua những giờ phút đau buồn sau cuối”. Nhưng sơ Eulalie đột ngột đứng dậy. “Cám ơn cha, nhưng anh trai và con muốn được ở lại một mình cùng bà. Đây là cơ hội cuối cùng để thấy bà, và chúng con mong được ở cùng nhau, cả ba người chúng con, như khi chúng con… chúng con… còn bé và mẹ… người mẹ tội nghiệp của chúng con…”



Nỗi sầu khổ và những giọt nước mắt đã ngăn bà không thể nói tiếp.



Khi mọi thứ lắng xuống, vị linh mục cúi đầu, nghĩ về cái giường của mình. “Được thôi các con của ta,” Ông quỳ xuống, làm dấu thành giá, cầu nguyện, đứng lên, đi ra lặng lẽ và thầm thì: “Bà ấy là một vị thánh!”



Họ vẫn ở còn ở đó, người phụ nữ đã khuất và các con của mình. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ lẩn trong bóng tối vẫn gõ nhịp rõ ràng, và khung cửa sổ mở toang đưa vào mùi thơm của cỏ khô, của hương gỗ cùng ánh trăng dịu dàng. Cả vùng hoàn toàn tĩnh lặng ngoại trừ tiếng ếch ộp oạp hay tiếng râm ran của loài côn trùng sống về đêm. Một sự bình yên vô tận, một nỗi u sầu thiêng liêng, một sự thanh thản tĩnh tại bao quanh khắp người phụ nữ đã khuất, dường như toát ra từ chính bà và làm cả không gian trở nên khuây khỏa.



Thế rồi vị thẩm phán, vẫn quỳ gối, đầu chôn chặt vào đống chăn nệm trên giường, khóc lên bằng một giọng the thé biến dạng bởi nỗi đau xót: “Mẹ ơi, mẹ, mẹ ơi!”. Và em gái ông, điên cuồng đập trán vào cạnh giường, co rúm, run rẩy như đang lên cơn động kinh, rền rĩ: “Hỡi đức Giê su, mẹ ơi, hỡi Giê su!” Và cả hai người run bần bật như đang mắc kẹt trong một trận cuồng phong của nỗi thống khổ, đầy hổn hển và nghẹn ngào.



Khi cơn đau đớn từ từ dịu xuống, họ bắt đầu khóc lặng lẽ, hệt như sự yên tĩnh theo sau một cơn bão dữ trên biển cả.



Sau một hồi lâu, họ bừng tỉnh, lặng nhìn người đã khuất. Những ký ức xa vời mới hôm qua còn quá mến thương, ngày hôm nay đã hành hạ họ. Tất thảy mọi chi tiết nhỏ đã quên lãng sống lại trong tâm trí họ, những chi tiết nhỏ nhặt riêng tư, thân thuộc gợi nhắc lại cuộc đời của người đã khuất. Họ cùng nhau hồi tưởng những sự việc, lời nói, nụ cười cùng ngữ điệu của người mẹ giờ đây đã chẳng còn chuyện trò với họ được nữa. Họ lại thấy bà đương hạnh phúc và thanh thản. Họ nhớ về những điều bà từng nói và bàn tay thường phác một cử chỉ nhỏ nhẹ như phẩy tay khi nhấn mạnh điều gì đó quan trọng.

Và họ cảm thấy mình yêu mẹ như chưa bao giờ yêu bà trước đây. Họ đo đắn được nỗi đau sâu thẳm và rồi nhận thấy mình cô đơn xiết bao.



Người trụ cột, người đưa đường dẫn lối cho cả tuổi thanh xuân của họ, là tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời họ đã không còn tồn tại. Sợi dây ràng buộc họ với cuộc sống, ngưởi mẹ, mối dây liên kết họ với tổ tiên kể từ lúc này sẽ mất. Giờ đây họ trở thành những sinh vật cô độc, quạnh quẽ, chẳng còn có thể ngẫm lại chuyện đã qua.



Bà sơ nói với anh trai: “Anh có nhớ mẹ thường đọc những bức thư cũ của bà. Tất cả chúng đều ở trong ngăn kéo tủ kia. Chúng ta hãy thay nhau đọc chúng. Chúng ta hãy sống trọn cuộc đời của mẹ suốt đêm nay bên cạnh bà! Đây là một cách vượt qua nỗi đau, để hiểu hơn về cha mẹ của bà, về tổ tiên mà ta chưa bao giờ biết, nhưng những bức thư của họ đều ở đằng kia và mẹ cũng thường kể về họ, anh có nhớ không?”



Họ lấy ra trong ngăn kéo khoảng mười gói giấy nhỏ màu vàng, mở ra cẩn thận và đặt chúng cạnh nhau. Họ để những di vật lên giường và chọn một bức trên đó ghi chữ “Cha”. Họ mở nó ra và đọc.



Đây đúng là một trong những bức thư kiểu cũ mà người ta thường tìm thấy trong những ngăn kéo bàn cũ kỹ của gia đình, những bức thư có mùi của thế kỷ trước. Bức đầu tiên bắt đầu bằng: “Con thương yêu,” một bức khác là: “Con gái nhỏ xinh đẹp của cha,” những bức khác lại là: “Con thương yêu,” hay “Con yêu”. Đột nhiên, sơ Eulalie bắt đầu lớn giọng đọc lại hết câu chuyện cuộc đời của người đàn bà đã khuất và mọi ký ức xúc động của bà. Vị thẩm phán, chống khuỷu tay lên giường, lắng nghe với đôi mắt nhìn mẹ không rời. Cơ thể bất động của bà dường như rất hài lòng.



Bỗng sơ Eulalie ngưng lại, cất lời: “Những bức thư này nên đặt trong mồ với mẹ. Chúng sẽ là tấm vải liệm để chôn cất cùng bà.”



Sơ lấy một thư khác, không có cái tên nào ở bên trên. Bà bắt đầu cất giọng đọc rõ ràng: “Người ta tôn thờ ơi, ta yêu em điên dại. Từ hôm qua ta đã bị những ký ức bị ám ảnh đáng nguyền rủa của chúng mình hành hạ. Ta cảm thấy đôi môi em đang riết vào ta, mắt em trong mắt ta, ngực em áp vào ta. Ta yêu em, ta yêu em! Em đã làm ta cuồng si. Đôi tay ta mở rộng, ta nghẹt thở, ta xúc động bởi khao khát điên dại được ôm em lần nữa. Cả linh hồn và thể xác của ta đang thét gọi tên em, ham muốn em. Ta vẫn giữ trên đôi môi hương vị những nụ hôn của em…”



Vị thẩm phán ngửng thẳng dậy. Bà sơ ngưng đọc. Ông ta vồ lấy bức thư từ tay bà và nhìn chữ ký. Không có gì cả, nhưng dưới dòng chữ: “Người đàn ông tôn thờ em,” là cái tên “Henry”. Tên cha của họ là Rene. Thế nên bức thư này không phải của ông ta. Đoạn, người con trai nhanh chóng lục soát hết trong gói thư, lấy ra một bức và đọc: “Ta không thể sống mà không có sự âu yếm của em”. Đứng thẳng dậy, nghiêm trang như khi ngồi trên một băng ghế dài tòa án, ông ta nhìn bất động vào người đàn bà đã khuất. Bà sơ ngồi ngay ngắn như một bức tượng, những giọt nước mắt run rẩy trong hai hốc mắt, nhìn anh trai, chờ đợi. Sau đó, ông chậm rãi đi lại trong căn phòng, đến cửa sổ và ngồi xuống đó, nhìn chằm chằm ra ngoài đêm đen.

Khi ông quay trở lại, mắt sơ Eulalie giờ đã khô lệ, vẫn đứng gần chiếc giường, mái đầu cúi gằm.



Ông bước tới, nhanh chóng nhặt những bức thư lên và ném chúng tán loạn vào lại ngăn kéo. Sau đó ông khép tấm màn trước giường của mẹ vào.



Khi ánh sáng ban ngày khiến cho những ngọn nến trên bàn trở nên nhợt nhạt người con trai rời ghế bành và không một lần nhìn lại người mẹ mà ông ta chừng như đã buông lời phán quyết, gỡ bỏ mối dây đã trói buộc bà cùng các con của mình, ông chậm rãi nói: “Giờ chúng ta lui ra thôi, thưa sơ.”


Ngọc Vân (Dịch theo bản tiếng Anh)

https://nguyenngocvan1988.wordpress.com/...#more-7401

Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4 Heavy-black-heart4
Phong huyền thông đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Reply