2018-06-08, 07:34 PM
Giăng lưới bắt chim
Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm trước khi xuất gia là một Trạng nguyên, đã từng từ hôn công chúa Liễu Sinh. Vua Trần Anh Tông nói với quần thần:
- Người ta sống ở trong trời đất, mang khí âm, ôm khí dương, ăn thích vị ngon, mặc thích màu đẹp, đều có tình dục như thế. Đấy là lẽ thường. Chúng ta ngăn hãm một phía ham muốn ấy lại chính là để dốc lòng phụng đạo, đó là đành đi một lẽ. Riêng Huyền Quang sắc sắc không không, vậy đó là người ngăn hãm lòng dục hay là không có lòng dục?
Mạc Đĩnh Chi nói:
- Vẽ hổ chỉ vẽ được da, không vẽ được xương. Biết người chỉ biết mặt, ít biết được lòng. Vậy xin cho người thử xem.
Vua Trần Anh Tông nghe lời Mạc Đĩnh Chi, cử một nữ gián điệp xuân sắc mê hồn là nàng Thị Điểm Bích tìm đến Yên Tử để thử Huyền Quang theo kế giăng lưới bắt chim...
Vua Trần Anh Tông nghe lời Mạc Đĩnh Chi, cử một nữ gián điệp xuân sắc mê hồn là nàng Thị Điểm Bích tìm đến Yên Tử để thử Huyền Quang theo kế giăng lưới bắt chim...
Huyền Quang, tên thật là gì không rõ, trong sử ghi là Lý Đạo Tái. Ông người làng Vạn Tải, huyện Gia Bình, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, nghe một hiểu mười, nên người ta mới mệnh danh là Đạo Tái. Có sách chép Lý Đạo Tái đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tý (1252) đời vua Trần Thánh Tông, lúc này mới 23 tuổi. Trong dân gian kể rằng nhà Lý Đạo Tái nghèo, không có đất cắm dùi. Khi còn hàn vi, Lý Đạo Tái từng hứa hôn với một cô gái nhưng về sau bị từ hôn, cô gái đi lấy một người nhà giàu. Cuộc nhân duyên lần thứ hai cũng thế. Chán nản, Lý Đạo Tái chuyên vào mỗi chuyện học hành rồi đỗ Trạng nguyên. Khi ấy, nhiều người đến manh mối hôn nhân nhưng ông đều từ chối, kể đến cả công chúa con vua. Nghe đồn Lý Đạo Tái đã từng ngán ngẩm than rằng:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên!
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên!
Lý Đạo Tái theo đường hoạn lộ, nhiều lần đứng ra tiếp sứ thần Trung Hoa. Về sau, ông được sư Pháp Loa giác ngộ bèn xuất gia tu hành.
Sư Pháp Loa (tức Đồng Kiên Cường) là vị tổ thứ hai môn phái Trúc Lâm, đã theo vua Trần Nhân Tông khi người xuất gia ở núi Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông, lấy pháp danh là Điểu Ngự trước khi viên tịch đã truyền y bát lại cho sư Pháp Loa, nay sư Pháp Loa giác ngộ và truyền y bát lại cho Lý Đạo Tái với pháp danh là Huyền Quang.
Huyền Quang là người có căn tu thế nào? Tại sao Huyền Quang lại trở thành vị sư tổ thứ ba trong phái Trúc Lâm, một môn phái Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới tâm linh của người Việt Nam?
Bài thơ Cúc hoa của Huyền Quang nói tâm sự của một người tu đạo ở trong núi, ngắm hoa mới sực biết thời gian trôi đi:
Vong thân, vong thế dĩ đô vong
Tọa cửa tiên nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ nhất trùng dương.
Tọa cửa tiên nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ nhất trùng dương.
Một người quên mình (vong thân), quên đời (vong thế) ngồi mãi trong rừng sâu không có lịch, không biết năm hết Tết đến, thấy hoa cúc nở mới đoán là đã đến Tết trùng dương! Vì sao người này lại ngắm hoa cúc mà không đi ngắm hoa khác?
Chủ nhân dữ vật hồng vô cảnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
(Lòng người và cảnh vật vốn không xung khắc
So sánh với muôn hoa, thì cúc đứng đầu)
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
(Lòng người và cảnh vật vốn không xung khắc
So sánh với muôn hoa, thì cúc đứng đầu)
Theo ý tứ bài thơ thì thấy Huyền Quang không phải là người không có thiên vị, không có tình ý riêng! Cũng trong bài thơ Cúc hoa này, Huyền Quang đã có một nhận xét rất sâu sắc: Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp (Nghĩa khí mà khác nhau thì khó mà hòa hợp). Đạo Phật thường lưu tâm người ta ở hai chữ nhân duyên. Huyền Quang cũng giống mọi người, không phải là lòng dạ sắt đá gì, không phải là người không hiểu biết về lẽ nhân duyên. Trong một bài thơ khác nữa tên là Sơn vũ (Nhà trong núi) tâm tình Huyền Quang phảng phất bâng khuâng:
Thu phong ngọ dạ phật thiềm nha
Sơn vũ tiên nhiên chầm lục la
Dĩ hí thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thuỳ đa
(Đêm khuya, gió thu xao xác ngoài mái hiên
Nhà trong núi đìu hiu giữa lùm cây xanh
Tấm lòng tu hành từ lâu đã hóa theo Phật
Tiếng dế vì ai mà kêu rầu rĩ mãi?)
Sơn vũ tiên nhiên chầm lục la
Dĩ hí thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thuỳ đa
(Đêm khuya, gió thu xao xác ngoài mái hiên
Nhà trong núi đìu hiu giữa lùm cây xanh
Tấm lòng tu hành từ lâu đã hóa theo Phật
Tiếng dế vì ai mà kêu rầu rĩ mãi?)
Phái Trúc Lâm là phái có nhiều đệ tử tri thức nhất, học thức nhất, danh giá nhất ở nước ta. Huyền Quang được trao y bát, trở thành sư tổ của phái này thì căn tu, công lực đại thành của Huyền Quang ắt hẳn xuất chúng.
Làm sáng tỏ Phật tính là một mệnh đề cơ bản trong Kinh Niết bàn. Việc vua Trần Anh Tông cho Điểm Bích đi thử lòng Huyền Quang cũng có thể coi là một công án nhằm làm sáng tỏ Phật tính ở vị đại sư này vậy.
Ngày xưa, có người băn khoăn về pháp môn Bất nhị của Phật pháp đã từng thỉnh vấn Đức Phật: Những người phạm tội tà dâm, giết người, trộm cướp v.v... liệu có mất hết thiện căn Phật tính hay không? Đức Phật đáp: Thiện căn có hạng thường và hạng vô thường. Phật tính chẳng thường mà cũng chẳng vô thường, cho nên không đứt đoạn, gọi là pháp Bất nhị. Một hạng thiện, một hạng bất thiện, gọi là pháp Bất nhị. Uẩn và Giới kẻ phàm cho là hai nhưng bậc trí giả thì hiểu rõ tính của nó không phải là hai. Tính không hai đó (Vô nhị chi tính) tức là Phật tính.
Theo cách giải thích trên có thể hiểu rằng người ngu kẻ trí Phật tính vốn không khác nhau, chỉ vì mê và tỉnh không giống nhau nên mới có kẻ ngu và trí mà thôi.
Trở lại việc vua Trần Anh Tông cho Điểm Bích đến thử Huyền Quang ở núi Yên Tử thì tưởng như mưu giăng lưới bắt chim là sâu sắc nhưng thực lại là mê vậy. Chuyện rằng Điểm Bích đã dùng nhiều kế nhưng không lay chuyển được Huyền Quang nên nàng bèn về tâu dối vua. Sách Tam tổ thực lục ghi lại lời tâu ấy như sau:
... Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng, sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm nửa đêm, sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên cạnh phòng của thiền sư để nghe xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng.
Vằng vặc giăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ
Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình.
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ
Mâu Thích ca nào chẳng hữu tình.
Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi lại ngủ một đêm, rồi cho tôi một dật vàng.
Nhà vua nghe lời Điểm Bích tâu, lòng bực bội không vui. Nghĩ lại, nhà vua tự trách mình:
- Sự việc nếu quả như lời Điểm Bích thì đúng là ta giăng lưới ở tổ bắt chim, chim nào mà không bị hại! Nếu sự việc mà không như thế thì hóa ra ta đã làm hại quốc sư, đẩy ông ta vào mối ngờ vực oan ức! Nếu hiểu rõ pháp Bất nhị của nhà Phật thì việc thử lòng này thật là nhảm quá!
Để sửa lỗi, cũng là để minh oan chiêu tuyết cho Huyền Quang, nhà vua cho mở hội Vô Già ở kinh thành, triệu Huyền Quang về làm lễ. Nhưng trái với tục lệ nhà chùa, hôm bước vào chính lễ, nhà vua cho giết bò và lợn, dọn toàn cỗ mặn.
Huyền Quang bước vào lễ, kêu tên Đức Phật khấn rằng:
- Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống A Tì địa ngục, còn nếu không thì xin cho những cỗ mặn kia hóa thành chay tất cả.
Huyền Quang khấn xong, bỗng có gió mạnh nổi lên, trời đất tối sầm. Khi gió tàn, trời sáng, tất cả các mâm cỗ mặn đều biến thành cỗ chay tinh khiết thơm tho. Nhà vua và mọi người thấy Huyền Quang làm phép thông cảm được với trời đất thì đều vô cùng cảm phục, quỳ xuống lạy tạ.
Huyền Quang viên tịch ở tuổi 82. Cho đến ngày nay, dân gian nhiều nơi vẫn kể lại những truyền thuyết trong cuộc đời ông. Có người nói rằng các món cỗ chay làm giống cỗ thường trong ngày lễ tết ở các nhà chùa là từ sự tích này. Nhân ngày Xuân, đọc lại sách Phật ngẫm ra nhiều điều. Trong chúng sinh, căn tính người ta có người sắc bén có người cùn nhụt. Người mê chấp thì phải tu thân, học tập; còn người giác ngộ có thể đột nhiên ứng hợp; chung quy lại để nhằm tự mình nhận thức được bản thân mình, tự mình chứng kiến được bản thân mình, sống hòa hợp cùng tự nhiên với tâm hồn trong sáng.
Phía trước là cuộc sống vẫy gọi! Đấy là tương lai với đầy mơ ước cho tất cả mọi người! (*)
Xuân Nhâm Ngọ
2001
nguyenhuythiep.free.fr
(*) Bài viết cho Tạp chí Phật học.
Đã in báo Tiền phong.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore