Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

GÓP NHẶT HOA THƠM.
#1
Kính chào ban điều hành và các Mod của tất cả trang (nói chung) và Mod của trang Phật giáo của VietBestForum và tất cả thành viên  . Rau Sam chỉ muốn đóng góp chút ít hoa cỏ nhặt được từ các nơi , đem về đây chia xẽ cho bà con đọc chơi, để chiêm nghiệm những lúc rổi rảnh , mong ai ai cũng có  được chút thư giản . Một đôi khi có chút cỏ đắng khó nuốt nhưng lại có tác dụng giải độc , cứu khổ cấp thời.

        Mở hàng bài này cho cuối năm con gà ,nhắc mình và mọi người về Vô thường, về tuổi thọ con người có giới hạn , để rán thu xếp lại mọi việc cho gọn gọn, sẳn sàng cho 1 cái trip mà không biết sẻ phải đi lúc nào.

     BÓNG XẾ HOÀNG HÔN ( Tác giả: Nguyên Hạnh). Trích trong Trang nhà Quãng đức.
 
      Tôi về ở trong appartement này đã hơn 20 năm, một khoảng thời gian dài đủ để chứng kiến bao cảnh tang thương biến đổi của cuộc đời. Bóng xế hoàng hôn ảm đạm dàn xuống chung cư này nhiều hơn là ánh sáng rực rỡ của những buổi bình minh...
      Những năm đầu khi tôi mới đến, vợ chồng ông Damhart ở tầng 1 là một cặp vợ chồng đã được nhiều người yêu mến về tính tình cởi mở, luôn luôn hòa nhã với mọi người. Bà rất siêng năng mẫu mực, làm việc nhà không biết mỏi mệt, lúc nào cũng mang sẵn một cái tablier trước ngực. Tôi có cảm tưởng như công việc nhà của Bà làm không bao giờ hết được. Và gặp ai cũng vui vẻ dừng lại, hỏi thăm đôi ba câu rồi mới chịu đi. Ông chồng lại rất vui tính với nụ cười hiền hòa thật dễ thương. Rồi dần dà, Bà bị đau, không còn nhớ gì, đi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác, có khi quên cả lối về! Cuối cùng thì không còn đi được nữa, nằm một chỗ rên la suốt ngày. Đêm đêm mà nghe tiếng rên của Bà, tôi lại đâm ra khó ngủ, xót xa cho Bà vô cùng. Rồi Bà vĩnh viễn ra đi! Âu cũng là một lối giải thoát cho những nỗi đớn đau mà Bà đã chịu đựng quá lâu dài rồi!
       Ông, còn lại một mình, sức khỏe cũng yếu dần rồi cũng như Bà, đi không nhớ đường về, thỉnh thoảng lại thấy Polizei dắt ông về. Những lúc ở nhà, khi thì Ông hé mở cửa lớn, khi thì đứng ở cửa sổ nhìn vu vơ ra đường, kêu réo mọi người qua lại lung tung.
      Khi Ông mất, tôi xúc động nhiều nhưng cũng mừng cho Ông, chứ cứ phải kéo lê cuộc sống quá đơn độc như vậy, tội cho Ông quá!
      Hôm đám tang Ông, chỉ thấy hiện diện có một người cháu gái và mấy người y tá thường săn sóc Ông mà thôi. Trong căn nhà quàn tư nhân, chỉ có một người kéo vĩ cầm bên cạnh quan tài, điệu nhạc nghe vừa cô đơn vừa não nuột thấm tận lòng người. Tôi cũng đã ứa nước mắt khi nhìn khung cảnh đìu hiu của một kiếp người, kết thúc một cuộc đời quá chua xót đắng cay. Trên đường về, lòng tôi cứ nặng trĩu u hoài.
 
      Tầng 2 dưới nhà tôi, hai Ông Bà Stussak là cặp vợ chồng già hạnh phúc nhất rồi đó, đi đâu cũng có nhau, lo cho nhau từng chút. Hồi trước những lúc
tôi đi làm về, gặp hai Ông Bà trên cùng một chuyến xe. Vậy là Bà gần như quên mất sự hiện diện của Ông bên cạnh; kể cho tôi nghe huyên thuyên bao
nhiêu chuyện cho đến khi về tận nhà. Còn chồng Bà lại là người bạn thân thiết thường hay đi chung hồ bơi với tôi. Không ngờ Bà bị Cancer mà tôi không hay! Bẵng đi một thời gian không thấy Bà, hỏi thăm Ông mới biết Bà phải vào bệnh viện. Vì phát hiện căn bệnh quá trễ nên khó có hy vọng qua khỏi, tôi xin đi thăm Bà nhưng Ông nói Bà về nằm ở một bệnh viện gần nhà người con gái, rất xa München, không tiện cho tôi đi theo. Rồi một hôm, Ông đã ứa nước mắt báo cho tôi hay Bà đã ra đi và tôi đã đi đưa đám tang Bà tại Nordfriedhof.
      Trời hôm đó tuyết đổ mù mịt, lạnh vô cùng - Cả một bầu trời âm u, ảm đạm. Trong nhà quàng, Ông đứng âm thầm như một chiếc bóng cô đơn, nước mắt chảy dài. Còn tôi, chỉ biết ngậm ngùi cầm lấy tay Ông như chia xẻ bớt niềm lẻ loi cô quạnh của Ông được phần nào hay phần đó.
      Rồi Ông vẫn thui thủi ra hồ bơi nhưng không còn hăng say vùng vẫy như trước nữa. Ông đã đi và về với những bước chân âm thầm trong câm nín chịu đựng cho số kiếp của mình.
      Đớn đau như vậy vẫn chưa đủ, định mệnh vẫn chưa buông tha Ông. Bây giờ Ông cũng bị Cancer và ở hẳn với người con gái và tôi chỉ hỏi thăm Ông qua điện thoại mà thôi.
 
      Tầng lầu 4 trên tôi là nhà Bà Bingl. Có lẽ ngày còn trẻ Bà xinh đẹp lắm, dù bây giờ đã lớn tuổi nhưng nét hương xưa vẫn còn phảng phất. Gặp Bà lúc nào cũng thấy nụ cười còn tươi tắn trên môi.
      Ngày trước Bà rất thân thiết với Bà Wagner, đối diện nhà tôi. Hai Bà hay hẹn nhau đi ăn, thong dong dạo bước hay đến nhà nhau để cùng uống café buổi chiều. Rồi Bà bị đau đầu gối, kéo lê đôi nạng, tôi có hỏi Bà sao không xin dời xuống tầng trệt cho đỡ phần di chuyển. Nhưng Bà nói ngại dọn nhà lắm.
      Nay thì thực sự Bà không cần dời nhà nữa! Bà đã nằm liệt một chỗ, cũng chỉ một mình và chỉ có y tá đến chăm sóc mà thôi.
     Thỉnh thoảng tôi lên thăm Bà, nhìn tôi Bà cười rạng rỡ, cứ muốn tôi ngồi xuống bên cạnh Bà, cầm chặt tay tôi như muốn tìm chút hơi ấm của tình người. Ôi! Làm sao tôi chia xẻ hết được niềm đau của những người bạn hàng xóm của tôi đây?
 
      Chưa vơi nguôi ngoai, lại thấy ở tầng trệt vừa có một đám tang nữa. Thật quá bất ngờ, vì Ông Klinger chỉ đau có 3 tuần rồi ra đi. Trông Ông vẫn còn khỏe mạnh và còn trẻ so với các ông bà trong chung cư này.
      Hôm đưa đám Ông, bà vợ đang nằm trong bệnh viện nên phải ngồi xe lăn để ra mộ phần. Rất đông người tham dự, hoa tươi chất đầy, phải chăng nhiều tấm lòng thương mến đã dành cho Ông. Âu cũng là một niềm an ủi dịu ngọt cho Bà và giúp Bà thêm nghị lực để tiếp nối những ngày đơn chiếc còn lại. Nay thì Bà bị tiểu đường nặng, nằm một chỗ, ngày ngày có y tá đến chăm sóc thường xuyên.
      Chưa hết, đối diện nhà tôi là Bà Wagner, vốn là bạn thân của Bà Bingl ở lầu 4 đã nói ở trên. Bà Wagner ly dị chồng đã lâu nhưng vẫn treo cái bảng tên chồng Dr. Wagner. Có lẽ Bà muốn giữ lại dư âm vang bóng một thời của mình nên Bà luôn luôn hãnh diện với danh xưng này.
      Bà bị tiểu đường rất nặng nhưng cứ muốn ăn ngọt, hay vào tiệm mua rất nhiều bánh rồi về sợ bệnh, lại mang cho tôi. Không nhận thì Bà không vui.
Bà ở một mình, có người con gái duy nhất làm việc ở Hồng Kông, rất may nay cô ấy đã về ở hẳn München. Sức khỏe của Bà càng ngày càng sa sút, người con gái đưa Bà vào viện dưỡng lão khi trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Thật buồn cho cuộc sống quá ảm đạm thê lương, vô tri vô giác, chẳng hơn gì cỏ cây.
 
      Người cuối cùng kế bên cạnh nhà tôi là Bà Trudzch, nghe nói ngày trước Bà là kiến trúc sư. Bà thích ăn mặc đẹp, áo quần đặt mua toàn những thứ đắt tiền. Cứ chiều chiều Bà lại ăn diện đẹp đẽ rồi lần bước xuống cầu thang để đi dạo một vòng. Sau này Bà không còn ra khỏi nhà được nữa vì bịnh tim lại cộng thêm bịnh suyễn. Bịnh tật đã hành hạ Bà xuống sắc quá nhanh chóng. Những lúc quá yếu, cần làm một việc gì đó, Bà hay gọi phone nhờ tôi sang giúp.
      Bà chỉ có một người con gái ở chỗ khác, thỉnh thoảng đến thăm chứ không ở thường xuyên, người con trai thì ở tỉnh xa. Nhìn Bà hốc hác xanh xao, lê từng bước mệt nhọc, chỉ lẩn quẩn quanh bốn bức tường, có lúc phải gục xuống bàn để thở, tôi cảm thấy cuộc đời quá u ám. Cứ nghĩ đến mình rồi cũng sẽ có một ngày như vậy, làm tôi hết muốn sống lâu, sống thọ.
      Rồi có những đêm khi mọi người đang yên giấc, lại giật mình thức giấc vì tiếng còi hụ của xe cấp cứu, cứ chở Bà đi rồi chở Bà về như đi chợ, thấy mà  tội nghiệp hết sức. Cuối cùng Bà phải vô bệnh viện cả thời gian dài. Tôi vào thăm, Bà mừng vô cùng, cầm lấy tay tôi không rời và cứ ao ước được trở về căn nhà quen thuộc của mình.
      Nhưng Bà đã không trở về được nữa! Hôm đi dự đám tang Bà, tôi đã thực sự bàng hoàng xúc động tột cùng! Tôi chưa bao giờ dự một đám tang tiêu điều buồn bã như vậy. Tồng cộng có 9 người, làm tôi ngồi mà cứ ngóng ra cửa xem có ai đến nữa không?
       Chín người được phát 9 cái bông hồng, đến đặt lần lượt bên quan tài, cúi đầu tiễn biệt rồi ngậm ngùi ra về.
      Ôi! Cuộc chia tay sao mà não nề quá vậy! Hay là ước nguyện của Bà là ra đi lặng lẽ, không muốn làm vương vấn những người còn ở lại chăng?
      Nhưng khó có thể nào không để lại một chút gì vương vấn cho người còn ở lại!? Dù thân hay sơ cũng ít nhiều suy ngẫm; người nằm xuống - một đám tang với nghi thức trang trọng hay một đám tang lặng lẽ đìu hiu thì những người đã chết đều có một điểm tương đồng quy về mẫu số chung là đều
 trở về cát bụi...
 
       Cuộc sống vừa độ lượng vừa khắc nghiệt, không ai thoát ra được quy luật " Sinh, Lão, Bệnh, Tử ". Các ông bà bạn láng giềng của tôi đã lần lượt ra đi về một thế giới nào khác và tôi còn ở lại, nhìn thời gian trôi để thấy tóc mình cũng không còn xanh nữa...
      Vẫn biết cuộc đời là hư vô! Có đó rồi mất đó nhưng sao tôi vẫn nhớ xót xa những người bạn láng giềng dễ thương của tôi.
      Bây giờ, ngày ngày ra vào chung cư, tôi vẫn cứ mường tượng hình ảnh Bà Trudzch hay ngồi nơi bục cửa nghỉ mệt mỗi khi đi dạo về, Bà Stussak luôn luôn ân cần hỏi han, Ông Klinger thấy tôi từ đằng xa đã ngả mũ chào v.v...
      Sự ra đi của họ đã làm cho tôi ngậm ngùi, thương tiếc, xót xa cho những dâu bể của cuộc đời. Tôi cố gắng thức tỉnh, cố gắng nguôi quên mọi sự đổi dời của bể dâu, nguôi quên qui luật vô thường bất biến của vạn hữu, nhân sinh, xem như là chuyện thường tình của đời người nhưng sao lòng vẫn thấy bâng khuâng, bùi ngùi khi ngày ngày vẫn vào ra chung cư này; cảnh vẫn như xưa nhưng những người xưa đâu vắng...
      Tôi chỉ có một niềm vui nho nhỏ là đã giúp đỡ nhiều người trong khả năng của mình. Ít ra tôi cũng đã đem đến cho họ một vài nụ cười, một chút ấm lòng trong tình người và tôi luôn luôn tâm niệm rằng:
 
                                            Cuộc đời sắc sắc không không
                                            Còn chăng chỉ một tấm lòng cho nhau.
 
                                                                                    Nguyên Hạnh HTD
Reply
#2
CHUYỆN ĂN TRỘM CHUÔNG CHÙA.(Người kể :Đào văn Bình)Trích trong Trang nhà Quãng Đức.


Tống Văn đời Đường được bổ nhiệm làm tri phủ Tô Châu. Là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực nhưng lại trọng Nho, khinh Thích.  Khi về trấn nhậm Tô Châu nghe nói sự cụ Chùa Hàn Sơn là bậc tu hành đắc đạo nhưng không tin. Tống Văn lý luận rằng: Tụng kinh gõ mõ, lóc cóc leng keng ai làm chẳng được. Người tu hành không quyền thế, không binh lính trong tay, không hiền lành thì hung dữ với ai. Lại nữa, có tỏ ra hiền lành thì thập phương mới cúng kiếng chứ hung dữ thì chỉ có nước bỏ chùa đi ăn mày…cho nên tìm cách thử.


Tống Văn cho điệu một tội phạm trong ngục thất chuyên nghề ăn trộm, bảo phải lấy chiếc chuông Chùa Hàn Sơn đem về đây. Tội phạm vâng dạ và xin cho một chiếc xe kéo. Lúc này sư cụ có chuyện đi xa, chùa vắng cho nên tên trộm dễ dàng lẻn vào đánh cắp chuông, đem về đặt ngay ở phủ đường.
Khi về chùa, nghe Phật tử trình báo chuyện mất chuông, nhao nhao xin sư cụ báo cáo quan phủ để truy lùng tội phạm. Sư cụ điềm nhiên hỏi:


-Trình báo để làm gì?
-Dạ thưa thầy để trừng trị tên táo tợn này dám vào chùa ăn trộm chuông. Đó là quỷ sứ hiện hình, chứ có phải người đâu. Chắc ba đời con cháu nó phải quả báo sa địa ngục.
Sư cụ hiền từ nói:
-Khi túng thiếu thì nhà quan tổng đốc nó cũng dám vào ăn trộm chứ há gì chùa. Nó ăn trộm chuông chứ con cháu nó có ăn trộm chuông đâu mà đày chúng nó vào địa ngục, tội nghiệp.
-Thế nhưng chùa bị mất chuông bây giờ phải làm sao?
Sư cụ cười nói:
-Chuông đâu phải Phật, đâu phải Bồ Tát, đâu phải La Hán. Chuông chỉ là phương tiện báo giờ cho dân gian hoặc vân tập chư tăng thôi. Nay không có chuông thì dùng phương tiện khác. Vả lại tên trộm này ít ra cũng có chút hiểu biết…
Nghe tới đây thì đại chúng đâm bực mình, nhao nhao hỏi:
-Thưa sư cụ, nếu có chút hiểu biết thì ăn trộm nơi khác, tại sao lại vào chùa ăn trộm?
Sự cụ khoát tay trấn an đại chúng rồi nói:
-Tên trộm này biết rằng chùa là chốn từ bi cho nên có vào chùa ăn trộm thì chùa chắc sẽ tha thứ. Chứ nó đi nơi khác ăn trộm thì người ta sẽ đi thưa, rồi quan nha sẽ bắt và tra khảo nó. Chùa khác với người thường ở chỗ đó. Nay chùa cũng trả thù, đòi lại thì đâu còn là chùa nữa.


Nghe sư cụ nói vậy, đại chúng lãnh hội, lạy tạ, lui ra. Rồi sư cụ ra lệnh dùng mõ báo giờ thay chuông.


Tin đó mau chóng tới tai phủ đường, Tống Văn thất kinh  hồn vía, thấy mình hồ đồ quá, vội vã thay quần áo, tới chùa lạy tạ sư cụ, trả lại chuông, xin quy y và nhận một pháp danh.


Sau đó Tống Văn đích thân bỏ tiền ra rồi vận động các phú hào của Phủ Tô Châu đóng góp, đúc một quả chuông lớn hơn nặng tới hai tấn. Nghe nói sau này, khi nghe tiếng chuông Chùa Hàn Sơn từ xa vọng tới, mà Trương Kế mới có thể kết thúc được bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.


 
..............................................................................................................................................................................................................
Người kể chuyện: Đào Văn Bình

(California ngày 01/7/2017)

 


 
.................................................................................................................................................................................
Reply
#3
DÌ VÃI CHÙA TÔI


Hai dì vãi chùa tôi tuổi đời đều đã trên 70. Về sự kính Ôn, trọng thầy, thương chú và đùm bọc điệu hai dì như nhau. Về sự siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, giữ của cho chùa hai dì bằng nhau. Về vóc hình nhỏ nhắn hai dì giống nhau. Về chiều cao khiêm tốn hai dì ngang nhau. Thời Ôn (cố) còn sống, có mụ nhà quê lâu lâu mới lên thành phố tìm đến viếng chùa rồi gặp Ôn trú trì, sau khi đảnh lễ, mụ nói một câu tỉnh rụi về hai dì vãi chùa tôi: Ôn có “cặp sanh đôi” trông vui mắt, hí.
Tôi đã cất công tra cứu từ “dì vãi” để giải thích công việc của “cặp sanh đôi” chùa tôi, nhưng ngoài những chữ có như không có “Dì vãi là người giúp việc trong chùa nhưng không xuất gia”, còn thì không tìm được gì khác. Tôi tìm đến hai dì lân la hỏi chuyện công việc, chỉ nhận được câu trả lời có cũng như không: “Ốt dột! Nấu cơm, vậy thôi.”. Chữ nghĩa không ghi, người làm không nói, thực tế lại sinh động, chân thật, nghĩa tình; chỉ còn cách quan sát việc làm hằng ngày của hai dì để mô tả hai từ “dì vãi”. Nhưng nếu chỉ quan sát bằng mắt e rằng chưa đủ, mà trái tim và cái đầu của chúng ta cũng phải mở toang ra.
Chuông chùa vang lên lúc 3 giờ 30 sáng, đèn nhà bếp đã sáng tự bao giờ. Lúc này nước đã được dì vãi nấu sôi và đổ vào bình thủy để chú thị giả pha trà hầu Ôn. Đoán chừng Ôn vừa xong chén trà thứ ba, dì liền bước thấp bước cao đi từ nhà bếp lên nhà Tổ thưa vài câu, câu gì? Lúc nhắc Ôn hai ngày nữa chùa có hiệp Kỵ, và lắng nghe Ôn dạy chuẩn bị chợ búa phục vụ cho bao nhiêu người; bữa dì thưa có người cúng dường gạo, dầu, tương, muối…, để Ôn hồi hướng công đức cho họ. Có hôm dì lên chỉ để cầm cái ly Ôn vừa uống trà xong xuống rửa, vậy thôi. Chỉ vài câu thưa của dì vải, Ôn nắm được chuyện hậu cần của chùa và nội tình nhà bếp trước khi lên chánh điện công phu khuya. Chân của dì bị giãn tĩnh mạch, sưng vù, đi lại rất khó khăn. Thế mà dù thời tiết nào dì cũng lê đôi chân lên những bậc cầu thang lúc trời còn chưa tỏ, thưa gởi vài câu rồi xuống.
Câu kinh đầu tiên trên chánh điện ngân nga cũng là lúc ở nhà bếp dì bắt tay chuẩn bị buổi sáng cho Ôn. Nếu sáng nay dì nấu cháo Màu thì trên mặt phản sẽ có vài hộp nhựa nhỏ bằng lòng bàn tay, dì đựng gì trong đó? hộp này đựng nhiều loại đậu đủ màu sắc đã bóc vỏ làm sạch; hộp kia đựng đậu phụ và chả phù chúc được cắt 2 cm vuông; hộp nọ đựng cà rốt, khoai tây, su su cắt giống hạt lựu; toàn bộ dì đã sẵn sàng từ tối hôm qua, bây giờ chỉ còn cho gạo vào nấu thành món cháo vừa đẹp, vừa sạch vừa bổ dưỡng. Trong khi chờ gạo nhừ, dì quay qua chuẩn bị mâm. Từng cái chén, thố, dĩa, đũa, muỗng được dì lau cẩn thận. Biết Ôn thích ăn cay, dì không quên cắt vài trái ớt, thêm miếng chanh và chén nhỏ nước tương; tất cả được dì sắp xếp vào mâm một cách chu đáo. Tiếng tụng kinh chấm dứt, nồi cháo Màu cũng vừa chín tới, nhưng dì vẫn để hâm trên bếp, dì canh giờ. Nếu mùa hè, lo người đến chùa làm việc với Ôn sớm dì nhờ thị giả bưng mâm hầu Ôn lúc 6 giờ; nếu mùa Đông dì biết khách thường đến muộn, dì dọn trễ hơn 15 phút. Có ngày, mới dứt thời kinh khuya Ôn nhắn “dọn sớm Ôn đi xa có việc!”, chẳng biết dì biến hóa cách chi mà Ôn vẫn no bụng ấm lòng trước khi đi.
[Image: minh-hoa-bai-viet-5.jpg]
Trong lúc dì này lo cho Ôn thì dì kia lo cho Tăng chúng. Việc đầu tiên là dì lặt và rửa một bó lớn chè tươi, nấu xong nồi nước chè trước khi thời kinh khuya kết thúc để chúng dùng nguyên ngày. Tiếp theo, dì lục hết tủ, nồi, xem thức ăn chiều qua còn sót lại gì không? nếu còn, thức ăn hoặc cơm nguội sẽ được dì hâm nóng, dì lo chúng bị lạnh bụng. Gặp lúc chùa có chút rau củ và dầu (sót lại của ngày kỵ hôm trước), dì sài sang bằng cách cắt nhỏ rau củ, khử chút dầu với boa rô thơm lừng rồi bỏ cơm nguội vô chiên mời chúng một bữa no nê. Cũng có bữa nhà bếp trống trơn đành mì gói muôn thuở, nhưng dì cũng ráng quơ tay cho có chút rau tươi để bữa sáng của chúng được mát ruột. Khi trời sáng tỏ cũng là lúc Ôn làm Phật sự, thầy đi dạy, chú đi học, lúc này “cặp sanh đôi” chùa tôi gom những gì còn thừa của Tăng chúng lót dạ qua loa cho xong buổi sáng.
Không có bản mô tả công việc như nhân viên doanh nghiệp, cũng không có chuyên viên xây dựng quy trình ISO, thế nhưng mọi việc hai dì làm đều nhịp nhàng và hợp lý. Lúc dì này rửa chén, dọn dẹp bếp núc, cũng là lúc dì kia xách giỏ đi chợ. Thời này mà cầm trong tay 100 ngàn (VNĐ) ra chợ mua thực phẩm cho 22 người ăn nguyên ngày thì chuyên gia chợ búa cũng phải bó tay! Thế mà, khi đi thì giỏ trống trơn, khi về thì giỏ ắp đầy. Tay xách nách mang, dù trời mưa hay nắng, dù trời lạnh hay nóng, dì cũng nhẩn nha đi bộ gần một cây số từ chùa ra chợ, từ chợ về chùa.
Dấu hiệu khởi động bữa cơm trưa là lúc “cặp sanh đôi” chùa tôi chụm đầu bên sàn gạo nhặt thóc. Khi nồi cơm được bắt lên bếp thì giỏ đi chợ về được hai dì soạn ra. Trưa nay Tăng chúng ăn cơm với canh rau lang và Bí đỏ xào. Kẻ lặt rau, người gọt Bí, công việc nhanh gọn, hiệu quả; tất cả đều tươm tất trước khi chùa cúng Ngọ. Đến lúc dọn cơm cho chúng mới thấy hết oai thần của dì vãi chùa tôi. Đầu tiên, tô canh của Ôn được dì chia ba gắp rau Lang, tô canh của chúng mỗi người hai gắp; hai dì không chừa phần cho mình. Tiếp đến là món Bí đỏ xào. Dĩa của Ôn được 3 muỗng Bí đỏ, dĩa của chúng hai người 5 muỗng; dì cũng không chừa phần cho mình. Ai chưa về kịp cũng có phần như y như vậy và được dì đậy lồng bàn cẩn thận. Nếu chùa có vài khách đột xuất thì cũng chừng đó cơm và thức ăn nhưng qua đôi tay khéo léo của hai dì tất cả đều no đủ, an lòng.
Khi Ôn lắc chuông nguyện trước khi ăn cơm thì sẽ có một trong hai dì chắp hai tay sau lưng bước ra khỏi bếp ngó lướt một vòng xem ai có ai vắng. Lúc cơm dọn xuống hai dì sẽ kiểm tra xem mâm nào ăn hết, mâm nào còn nhiều, rồi tìm nguyên nhân “tại sao ăn ít? có bệnh gì không?”; nhất là mâm của Ôn. Sau đó, hai dì gom cơm và thức ăn còn lại của Tăng chúng thành một mâm cho mình rồi ngồi ăn tại cái phản trong bếp; lúc này các chú giúp hai dì thu dọn rửa chén.
Ăn xong hai dì không về phòng riêng để nghỉ trưa mà ngả lưng trên cái ghế gỗ kê trước cửa bếp nhắm mắt chập chờn, tại sao? là vì hai dì đang làm nhiệm vụ giữ của chùa! Nhiều bữa bôn ba nơi này, nơi khác, trưa về chùa xin cơm, ngắm hai dì thả lưng trên ghế tôi chợt nghĩ “niết bàn là đây tìm kiếm đâu xa cho mệt”! Nhưng cũng có hôm tôi cười thầm, nằm giữ của chùa mà tôi vào bếp bưng mâm cơm hai dì dành sẵn ra ăn, ăn xong dọn rửa úp lại rồi đi ra mà, “cặp sanh đôi” không hề hay biết.
Buổi chiều hai dì lặp lại quy trình nhặt thóc, nấu cơm, lặt rau, gọt củ, nấu chín, đếm và chia đều, cơm dọn xuống còn gì ăn nấy. Lúc các chú giúp hai dì rửa chén cũng là lúc “cặp sanh đôi” hoàn tất ba bữa ăn trong ngày. Trời chập choạng tối là khoảng thời gian thư thái nhất, hai dì mở tivi lên rồi kéo cái ghế ngồi mắt chăm chú vào màn hình; người hai dì ngắn, khi ngồi cặp giò lưng chừng chưa chấm đất. Nếu là mùa Đông dưới chân sẽ có om than để hong cho ấm; nếu là mùa hè sẽ có tiếng quạt quay vù vù cho mát mẻ. Có bữa hai dì thút thít vì Lan bỏ Điệp đi tu; có hôm hai dì vỗ chân cái đét khen Thái hậu Dương Vân Nga dũng khí với giặc Tàu. Cũng có hôm hai dì xem truyền hình, gặp chương trình dở hai dì buột miệng “bá láp” rồi tắt tivi đi nghỉ sớm.
Nhiều buổi tối chùa đã im vắng nhưng bếp vẫn còn tiếng lục xục, “cặp sanh đôi” làm gì vậy? hai dì kiểm tra lương thực thực phẩm cúng dường! Gạo cúng trước hai dì xếp ra ngoài để nấu trước, gạo cúng sau xếp vào trong từ từ nấu sau. Thực phẩm thì hai dì xem thời hạn, còn hạn lâu thì để dành, sắp hết hạn thì dùng trước. Có bữa dì cầm bịch nấm Đông Cô khô phân trần “tui đem ra chợ đổi, nửa ký nấm chùa ăn một ngày là hết, nhưng nếu đem ra chợ đổi lấy Mít (sống) về kho mặn thì chúng ăn được mười ngày! Cũng có người nói tui đem của chùa đi bán, nhưng làm gì lợi lạc cho Tăng chúng tui làm, ai nói chi mặc kệ”.
[Image: minh-hoa-bai-viet-3.jpg]
Chùa tôi là chùa Hội cúng kỵ và sự kiện quanh năm, có lúc Tăng đoàn và Phật tử hội tụ hơn ngàn người. Phục vụ ăn uống cho con số ngàn không hề đơn giản, may mà Phật tử đổ về làm phụ. Nhưng người đông có cái hay cũng có cái dở, cái hay hai dì hỗ trợ, cái dở hai dì ngăn chặn. Dưới sự quán xuyến của “cặp sanh đôi” mất mát được giảm thiểu, tiết kiệm được tăng lên, việc hanh thông viên mãn. Khi những người phụ việc ra về nhà bếp như một buổi chợ tàn, hai dì xăn tay thu dọn: khăn, chén, dĩa, nồi, mâm, ly… được rửa sạch, lau khô, đếm từng cái cất vào kho; nếu lỡ mất món nào thì đó sẽ là chuyện càm ràm mà Tăng chúng phải nghe suốt một tuần sau đó.
Những ngày trở trời hai dì ủ rủ như cá thiếu nước, tôi tới gần hỏi han rồi đấm lưng cho dì này, được mươi cái thì nghe dì kia than nhức chân. Rời cái lưng qua bóp cái chân thì nghe cái lưng than mỏi, tôi cười, hèn gì người ta nói “chăm già như chăm trẻ”. Lúc hỏi không nói, lúc thì tự nhiên “cặp sanh đôi” mở lời “Chùa bây giờ Tăng chúng đông vui, Phật tử lui tới, rau gạo đủ đầy, hồi những năm 1975 -1995 Tăng chúng trôi dạt tứ xứ, Phật tử ít người thăm viếng, chùa không có cái ăn, tụi tui ra bờ thành hái rau cỏ qua bữa, giữ chùa đợi Tăng chúng về”. Tôi hỏi, nhưng khi Tăng chúng về rồi chùa sống bằng gì? Dì cười cười: “Mỗi ngày thầy Sự (tri sự) đưa ba ngàn đi chợ, hai miếng đậu phụ của Ôn (cố) hết sáu trăm, còn lại là ba bữa của chúng. Có bữa thầy Sự “quên” đưa tiền, tụi tui ra vườn kiếm mít non, chuối xanh, khế chua, rau dại vô nuôi chúng”. “Thầy Sự” mà hai dì nhắc lúc đó là Đại Đức, bây giờ là Hòa Thượng, kế thừa Ôn (cố) trú trì chùa. Điều đó có nghĩa là tuổi xuân xanh của hai dì trải dài trong nhà bếp chùa tôi.
Hôm rồi một dì về quê thăm nhà, không may trùng dịp dì kia phải nhập viện cấp cứu. Tăng chúng thay phiên nấu ngày ba bữa, thì cũng xong thôi nhưng, nhà bếp buồn thiu. Khi dì nằm viện Tăng chúng vô thăm hỏi ân cần. Khi dì ra viện, Ôn chạy lo toàn bộ viện phí. Con gái dì thưa với Ôn xin đón mẹ về nhà dưỡng sức, Ôn nói để chùa chăm sóc, nhưng con gái dì ngại Tăng chúng cực. Tôi tìm đến nhà con gái thăm dì và thật bất ngờ khi thấy dì ở trong ngôi nhà hai tầng khang trang lại có bà sui gia chăm sóc dì chu đáo khi các con bận đi làm. Thế mà, vừa gượng lại sức dì đã đòi về lại chùa, lý do rất quan trọng là “nếu bếp không ai trông ngó chùa sẽ bị mất đọi (chén)”; con gái dì không còn cách nào khác là chở dì lên chùa giao lại cho Ôn.
Thật ra “cặp sanh đôi” chùa tôi cũng có nhiều cái khác nhau: người có cha mẹ, người thân côi cút; người có chồng con, người nhẹ gánh gia đình; người cả ngày không nói, người càm ràm huyên thuyên. Gặp lúc thời tiết chuyển mùa người nóng sốt, người run lập cập; làm Tăng chúng nhiều phen hoảng vía. Và do tuổi lớn trạng thái hai dì vui giận khó đoán, nhưng dù có “khó đoán” đến đâu Tăng chúng cũng ráng mà đoán để “cặp sanh đôi” vui vẻ, khỏe mạnh, sống lâu.
Chuyện “Ốt dột! nấu ăn, vậy thôi” của dì vãi chùa tôi (và những dì vãi chân thật của nhiều chùa khác) người bàng quan cho rằng “Phật tử hầu Tăng”, kẻ sâu sắc lại nghĩ “Mẹ phụ con tu”, bậc thượng nhân thì biết rõ đó là “Những vị Hộ pháp”./.
Reply
#4
THỞ VÀ EM ( Trang Nhà Quãng Đức)
Tạ Thị Ngọc Thảo

Tôn giáo của tôi rất đơn giản, nó là sự tử tế - Đạt Lai Lạt Ma XI
Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em
Chỉ đơn giản bên em tôi thở được.

Đó là hai câu thơ của thầy tôi làm tặng người vợ thân yêu của mình khi thầy bị bệnh phải nhập viện.
Mươi năm trước, khi chưa già, còn làm việc, còn khỏe, thầy lẫm liệt, uy nghi, thông thái lắm. Là một người có cái đầu sáng, lại diễn đạt ý tưởng qua ngòi bút tài hoa, những góp ý của thầy cho chính sách vĩ mô như vầng trăng rằm xóa tan u tối. Thầy cũng là người có cuộc sống điều độ, chỉnh chu, giàu lòng trắc ẩn với người, vật, cỏ cây, dòng nước và bóng mát... Dù thường xuyên dự tiệc chiêu đãi cấp cao thầy vẫn âm thầm ăn uống kham khổ như bữa cơm của chùa nghèo. Lãnh đạo, cộng sự, bạn bè, gia đình, xã hội ai cũng trân trọng và quý mến thầy.
Thế nhưng sanh, lão, bệnh, tử không chừa một ai, kể cả một người tâm trí bình thản, nhịp sống chừng mực như thầy. Bây giờ, ở độ tuổi nhỉnh hơn 90 một chút thầy mắc nhiều bệnh, phải nhập viện. Đầu tiên, bác sĩ nghi thầy ung thư máu, rồi lại nghi thầy ung thư phổi, may sao hai chứng bệnh hiểm nghèo này được bệnh viện loại trừ. Riêng tôi khi vào bệnh viện thăm thầy, không đủ kiến thức chuyên môn để đọc kết quả xét nghiệm, chỉ nhìn hai bàn chân sưng vù, người mỏng như liễu, da xanh như lá, tứ chi không thực hành hiệu lệnh của bộ não, thầy lại còn không tự đọc sách và viết được, liền biết thầy sức mòn, hơi cạn. Chuyện tiêu diêu mây trời nên tính bằng tháng, đừng tính bằng năm. May sao thầy còn làm thơ được, nhưng chỉ làm thơ tặng vợ. Thầy nói: “Từ hôm nhập viện đến nay thầy đã đọc cho cô chép được 8 bài thơ”, rồi thầy đọc cho tôi nghe hai câu trong 8 bài thơ ấy: Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em/ Chỉ đơn giản bên em tôi thở được.
Khi thầy đọc thơ, tôi thấy hai gò má của thầy và vợ thầy đều ửng hồng. Ửng hồng ở độ tuổi hơn 90 là hiếm. Hiếm hơn khi cả hai trong hoàn cảnh một người bệnh già và một người nuôi bệnh cũng già không kém.
Thầy tôi bệnh, đương nhiên rất nhiều người đến thăm, từ người làm lớn, làm vừa, làm nhỏ nhưng, tất cả chỉ đến thăm một lần, hiếm ai quay lại lần hai. Chỉ riêng vợ của thầy, chuyển hẳn vào ở trong bệnh viện để sớm tối được bên thầy, lo cho thầy ăn, dỗ cho thầy ngủ. Ngày tôi vào thăm không thể báo trước, vì không cách chi liên lạc được, nhờ vậy mới thấy được cảnh thầy tôi nằm trên giường bệnh, vợ thầy ngồi bên cạnh, đôi bàn tay lần vào mái tóc lơ thơ của thầy xoa xoa cho thầy dễ ngủ. Phòng bệnh không mở đèn, ánh nắng buổi sáng hắt từ cửa sổ chiếu vào bình hoa Loa Kèn trắng muốt, loài hoa thường nở rộ vào cuối Xuân ở Hà Nội; chắc cô vừa mới cắm tặng thầy? Phòng bệnh có những cành hoa tươi thắm, có tình người này đằm thắm với người kia, khiến sự ảm đạm tạm lùi xa.
Trong một gian phòng người và cảnh ấm áp như vậy, thay vì chìm đắm để tận hưởng, tôi lại nghĩ, nếu thầy của tôi qua đời thì người ở lại sẽ như thế nào?. “Chim khuyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, hoặc mặn mà như vợ chồng của thầy “Tôi thở được khi có em, em thở được khi có tôi, ta thở được khi có nhau” rồi, đột nhiên một trong hai người biến mất, điều gì xảy ra?
 Trước đây tôi đinh ninh rằng, yêu thương nhau, lấy được nhau, sanh con đẻ cái với nhau, là sướng; sướng vô cùng. Bây giờ, tại đây, trong phòng bệnh này, chứng kiến sự âu yếm của một cặp vợ chồng già, một cái gì đó vỡ òa trong nhận thức, giúp tôi hiểu một cách sâu sắc thế nào là “Ái biệt ly khổ”.
Khi chào về, biết thầy là một người thích thơ, tôi đọc tặng thầy vài câu trong bài kệ “Vô tánh” của Lục Tổ Huệ Năng: “Phật Pháp tại thế gian/ Không lìa đời giác ngộ”, và rằng: “Ghét yêu đừng quan tâm/ Duỗi dài chân nằm nghỉ”. Nghe vậy thầy cười, giọng bình thản: “Thầy có chiêm nghiệm triết học Phật, thầy đã dặn cô dù hoàn cảnh nào cũng an nhiên, thọ nhận”.
Ái biệt ly là khổ, nhưng nếu ta hiển thị có gia đình, luôn sống tử tế với cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu và những người chung quanh mà thân không vướng mắc, tâm không đắm nhiễm, thì: Ái, biệt ly, nhưng không khổ.
Phẩm Bát Nhã trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng, sống được vậy “như thấy cảnh giới chư Phật, đến được địa vị của Phật”./.
 
Reply
#5
TIẾNG CHÀO...  (Trang Nhà Quãng Đức)

Một nữ công-nhân làm việc tại một xí-nghiệp chế-biến thịt đông lạnh. Một buổi chiều, khi đã hoàn-thành công-việc, như thường-lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm-tra một chút. Đột-nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại! Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết!!!
     Cô vừa hét khản cổ họng, vừa đập cửa với hy-vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu! Nhưng vẫn không có ai nghe thấy!!! Lúc này, tất-cả công-nhân đã tan ca! Toàn bộ nhà máy đều yên-tĩnh!!!
     Sau 6 giờ chiều hôm ấy, công-nhân lạnh cóng người, tuyệt-vọng và đau-khổ! Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa!!! Thì bất-ngờ được người bảo-vệ đến mở cửa cứu ra ngoài!!!

[Image: tieng-chao-2.gif]
     Hôm sau, cô gái hỏi người bảo-vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa? Mặc dù, đây không phải khu-vực mà ông ấy quản-lý!!!
     Người bảo-vệ trả lời:
      - “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công-nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy-nhất, mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm-biệt tôi! Trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy!!! Hôm nay, tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm, bởi vì sáng sớm cô còn nói “Cháu chào bác!” Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm-biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!” Thế, là tôi quyết-định đi vào trong nhà xưởng tìm xem …xem thế nào??? 
Tôi đi đến những chỗ góc hẻo-lánh tìm cô! Cuối cùng, lại nghe thấy tiếng khóc! Và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh!!!“
     Hãy luôn khiêm-tốn, nhã-nhặn, yêu thương, và tôn-trọng những người xung-quanh mình! Bởi vì bạn không thể biết được sự-tình gì sẽ xuất-hiện vào ngày mai!!!
 
Theo NTDTV
Mai-Trà biên-dịch
Reply
#6
TIA CHỚP BỪNG NGỘ        

     Một vị thiền sư và một trong những đệ tử ưu tú nhất phải trở về một thiền viện ở trong núi lúc đêm khuya đã trễ lại gặp một cơn bão mùa đông dữ dội nổi lên trên con đường hiểm hóc. Dừng lại thời sẽ chết giữa đồng hoang; tiếp tục đi thời có thể nguy hiểm đến mất mạng vì rơi xuống những bờ giốc trơn trợt.
 
     Chỉ có cách lần bước đi tới là nhờ những lằn chớp loé lên soi sáng con đường phía trước mặt. Hai người chậm chạp lê dần từng bước tới phía trước trong gió thét gầm và mưa quất xối xả.
 
     Khi nghi là đi lạc đường, họ phải dừng lại chờ lằn chớp loé sáng và ghi nhớ đường đi phía trước nhờ vào hình ảnh còn sót lại trong mắt họ.
 
     Cuối cùng họ về tới thiền viện. Trong khi lau người cho khô và ăn một bữa muộn màng trong nhà bếp, chàng đệ tử thú nhận với ông thầy rằng điều chàng sợ nhất là chàng bị chết mà chưa chưa ngộ được đạo.
 
     “Ngộ đạo,” ông thầy thú nhận, “chẳng phải là mặt trời chiếu sáng suốt cả ngày mà chỉ như lằn chớp chợt loé vội lên để giúp cho chúng ta lần theo mà vượt qua được hết chốn muộn phiền này đến vượt qua nơi bất ổn nọ.”
 
     “Vậy quả thật là thầy cũng như thế hay sao?” chàng đệ tử hỏi.
 
     “Thật vậy, phần lớn chúng ta đều như thế,” ông thầy khẽ đáp.
 
     Không phải độc nhất chỉ có Thiền mới ngộ. Tất cả chúng ta đều nhiều lúc bừng ngộ chút ít trong những lần trí tuệ bản thân mình bất chợt kinh ngạc nhận ra vị trí của mình trong vũ trụ. Những lần bừng ngộ chút ít này xảy tới (như tia chớp) rồi phai mờ đi và lại rực sáng mạnh hơn với những lần bừng ngộ khác giúp rọi sáng con đường chúng ta đi. 
 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(phỏng dịch theo Zen Fables For Today
của Richard McLean) 

[/url][url=https://quangduc.com/p22598a57410/9/tia-chop-bung-ngo#]
Reply
#7
CHUYỆN XỨ NGƯỜI : MỘT NGƯỜI MẸ.  (Trang nhà Quãng Đức)
 
Vi Tâm

 [Image: merevg.jpg]

 (tranh của Van Gogh, lấy trên mạng)
 
Ông trời run rủi thật kỳ lạ, cho những người từ những phương trời xa lắc xa lơ bỗng nhiên gặp nhau, rồi cuộc đời ràng buộc với nhau !
Hôm đó trong văn phòng ông Paul, khoa trưởng trường đại học ở một tỉnh xa Paris, có ba người gặp nhau lần đầu : ông Paul, cậu Santy và Jean.
Ông Paul người gốc Ba Lan, giòng dõi quý phái, theo cha mẹ lưu lạc sang Pháp. Ông học xuất sắc, đỗ đạt cao, làm giáo sư , rồi lên chức khoa trưởng kiêm giám đốc một trung tâm khảo cứu.
Santy là một thanh niên người Lào, con nhà khá giả, được bố mẹ cho đi học bên Tây. Thông minh, chăm chỉ, đậu tiến sỹ rất sớm, cậu được nhận ngay làm giáo sư diễn giảng trong đại học ông Paul.
Jean mới xong cử nhân, vào cao học, hi vọng sau sẽ được soạn luận án tiến sỹ. Bố Jean là lính thợ, sau giải ngũ lưu lạc đến một làng nhỏ bên Pháp, rồi ở lại, lập gia đình với con gái một nông dân ở đó. Lúc sanh ra, Jean mụ mẫm xinh đẹp, nhưng đến khi được tiêm thuốc phòng bệnh trẻ em thì bị hậu quả tai ác : chân tay bỗng co quặp và Jean biến thành một đứa bé khuyết tật.
Ông Paul nói : « - Này anh Santy, khảo cứu anh rất tốt. Vừa xong luận án, anh đã được nhận ngay làm giảng sư đại học. Trường hợp này rất hiếm. Đây là Jean, như tôi đã nói với anh trong điện thoại ». Là vì trước đó mấy ngày, ông Paul đã gọi giây nói riêng cho Santy: « - Tôi có một đứa học trò vừa xong cử nhân, đang vào năm đầu cao học. Nó bị khuyết tật. Tôi quá nhiều việc, không thể trông nom nó được, nên muốn anh kiếm việc phụ trợ cho nó và săn sóc nó. Anh suy nghĩ đi. Dĩ nhiên anh không bắt buộc phải nhận, nhưng nếu anh nhận thì cho tôi biết ». Santy không biết ất giáp gì, nhưng cũng hiểu là khó từ chối, trả lời « - Tôi không cần suy nghĩ gì cả. Tôi xin nhận. Ông hãy yên lòng ». Thế là có cuộc gặp gỡ giữa ba người hôm đó.
Nghe ông Paul giới thiệu, Santy đưa tay về phía Jean, nhưng vội rụt lại, vì thấy Jean không bắt tay được. Ba người nói chuyện xã giao chừng mười lăm phút. Rồi ông Paul đứng lên.
Khi đứng lên theo, Santy thấy Jean khoèo tay có thể nắm được cái cặp của mình, và có thể đi không cần nạng, tuy chân khòng và đầu gối xụm xuống. Chắc chỉ đi được chừng năm chục mét.
Xuống thang máy, Santy thấy một người đàn bà ngồi khúm núm trong một cái xe thật lớn đỗ phạm luật trên hè. Thấy anh, bà hối hả ra xe, lễ phép cúi chào. Đó là mẹ của Jean. Bà mở cửa, giúp Jean lên ngồi chỗ lái. Rồi cầm cặp của con, lặng lẽ xuống ngồi phía sau. Jean đưa tay lòng khòng trên chiếc bánh lái với những bộ phận đã được sửa lại cho thích hợp với người tàn tật. Bà mẹ quay lại chào Santy, còn Jean lái xe hai tay lều khều, không ngoẹo cổ lại được để chào anh.
Sau buổi gặp gỡ đó ít lâu thì ông Paul qua đời. Ung thư gan. Ông biết trước giờ đi đã điểm, nên trao Jean cho Santy. Thế là cuộc đời của Santy và Jean dính vào nhau. Cho đến khi Jean lìa đời....
Santy hết lòng bênh vực Jean. Anh xin được cho Jean một số giờ phụ dậy sinh viên năm đầu đại học. Anh mua sách, rất nhiều dụng cụ, máy phóng hình bài giảng lên màn hình để Jean dạy học một cách thoải mái. Cố gắng để Jean có những buồng giảng dạy ở dưới nhà không phải lên tầng lầu. Bỏ tiền mua bàn, ghế, tủ sách đặc biệt cho người khuyết tật. Anh bênh vực Jean trong mọi buổi họp hội đồng giáo sư. Nhờ có anh, Jean được sống yên hàn. Vấn đề là Jean học đến cử nhân là hết sức. Không ngồi lâu được trong thư viện, không làm thí nghiệm, không dùng máy vi tính được, ít bạn bè, không đi hội nghị, không thăm thú trao đổi thực tập với các đại học khác. Chỉ biết dạy học, không làm khảo cứu, Jean không tiến được. Anh được vào ngạch trợ giáo (assistant) thì ngưng, trong khi đồng nghiệp tiến tới ào ào.
Cha mẹ Jean mua một ngôi nhà nhỏ, có vườn trồng rau quả, xa đại học chừng mười cây số.  Bố Jean không làm gì, cả ngày chỉ lang thang quanh quẩn. Khi Jean làm trợ giáo thì anh nuôi cả gia đình. Mọi người sống thoải mái. Ở vùng quê, nhu cầu không nhiều.
Mẹ Jean người bé nhỏ, mặt xạm đen, lưng hơi gù, có lẽ vì quá chịu đựng. Lúc nào bà cũng mặc một bộ quần áo màu nâu. Từ ngày con bị nạn, hình như bà không nói nữa, suốt ngày đi lại lụm khụm như một bóng ma.
Một ngày của bà thì chỉ có như thế này : Sáng dậy lo cho bố con ăn sáng. Làm cơm trưa để ở nhà cho bố. Sửa soạn một gói thức ăn cho mình. Rồi cắp cặp ngồi phía sau, trông cho con lái xe ra đại học. Đến trường, mở cửa xe, giúp con xuống. Khi con dạy học hay đi họp, thì ngồi chờ trong xe. Khi nào trời nóng quá, hay lạnh quá, thì vào trú trong hành lang trường. Buổi trưa Jean ăn trong đại học, bà mở gói thức ăn đã làm sẵn ra, ngồi ăn một mình trong xe. Nhiều khi ngồi thiếp ngủ trong đó. Khi cần, thì vào đại học hay ra tiệm ăn, xin vào nhà sau làm vệ sinh.
Jean ngoài giờ dạy học không bắt buộc phải có mặt thường xuyên. Gần đến giờ con ra, là mẹ ngong ngóng. Chợt thấy con lệnh khệnh đi tới là bà vội vàng chui ra, mở cửa, đẩy con lên chỗ lái, rồi ra ngồi phía sau. Con lái xe về nhà, bà tắm rửa cho nó. Sau làm cơm tối, dọn dẹp, lau chùi. Coi tivi một chút chờ con đi ngủ rồi cũng đi ngủ. Sáng hôm sau lại làm như vậy. Ngày nghỉ thì quanh quẩn dọn dẹp trong nhà, giặt rũ quần áo, chăm nom vườn tược rau quả.
Nếu viết lại tất cả những điều bà làm mỗi ngày thì chỉ được chừng nửa trang giấy. Nửa trang giấy đó bà đã viết đi viết lại, y như thế, qua ngày, qua tuần, qua tháng, qua bốn mùa, hết năm này đến năm khác.
Thỉnh thoảng gặp Santy, từ xa bà đã cúi đầu, gập lưng, chào như lạy. Mặt im lặng, mắt biết ơn. Santy chắp tay cúi đầu trả lễ bà, rồi bỏ đi. Sau bao nhiêu năm biết nhau mà hai người chưa nói với nhau một lời.
Santy công việc tiến tới, được mời về một trung tâm lớn. Về khảo cứu, anh đã vượt quá xa, Jean không theo được.
Không có Santy bảo quản, Jean sống rất gian nan. Tình hình đại học càng ngày càng khó khăn. Con người trở nên ác độc. Chung quanh xẩy ra nhiều đố kỵ, ghen ghét. Không làm khảo cứu, Jean phải dạy thêm giờ. Giờ dạy lại bị phân phối lung tung, Jean phải đi về vất vả.
Người mẹ vất vả theo, nhưng không hề một lời than thở. Sau bao nhiêu năm trời tận tụy nuôi con, bà càng ngày càng gầy yếu, sanh ra bệnh tật. Rồi một ngày kia bà kiệt lực mà chết.
Bà ra đi, Jean và bố sống rất khó khăn. Họ không biết nấu nướng. Thân thuộc không có ai, hàng xóm vắng vẻ, người nào cũng bận rộn,  nên chỉ giúp đỡ được phần nào. Bố Jean không thể tắm rửa cho con, không thể đưa con ra đại học và ngồi trong xe chờ đợi. Chỉ vài tháng sau, Santy được tin báo Jean đã bỏ thế giới này đi theo mẹ.
Santy từ xa không đủ can đảm về đưa đám tang Jean và người cha. Ngày đám tang, anh đóng kín cửa văn phòng, ngồi một mình, mắt đỏ hoe. Tuy biết mình đã hết lòng với Jean, nhưng anh cho rằng mình đã không trọn lời hứa với ông Paul. Suốt mấy tháng trời anh ra vào âm thầm, dồn hết thời giờ vào giảng dạy và khảo cứu, không làm gì khác được nữa. Tim anh đã mang một vết hằn không bao giờ xóa nổi.
Ở nước nào cũng vậy, có những người mẹ cả đời chỉ biết sống về con...
Reply
#8
Chuyện đạo :TÔI TU NHƯ VẬY ĐÓ. (Trang nhà Quãng Đức)
Đạo bất khả tu du ly dã. 
(Không thể rời xa Đạo dù chỉ trong tíc tắc.)
Trung Dung


Đây là chuyện tôi nghe:
Có thầy nọ sống đời tu hành rất mực thánh thiện. Không kể những lúc bắt buộc phải nhín chút thời gian dành cho các sinh hoạt cần thiết của đời thường, thầy luôn cố gắng thu xếp tối đa thời gian trong ngày để cầu nguyện, tụng kinh, ngồi thiền, v.v… Đầu óc thầy hầu như không còn chỗ nào trống trải cho các tà niệm sái quấy có thể thừa cơ len lỏi vào. Sau nhiều năm dài tu hành tinh nghiêm, cẩn mật như thế, thầy thấy mãn nguyện trước sự tiến bộ tâm linh.

Thế rồi khuya hôm nọ, sau khi xong cữ thiền giờ Tý, thầy đi ngủ và mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Trong lúc chủ tiệc chưa ra tiếp khách, mọi người lần lượt được rước tới bàn ăn rất to và dài. Ai cũng có chỗ ngồi trang trọng theo đúng thứ bậc vì chủ tiệc đã gắn sẵn trên mặt bàn những tấm thẻ nhỏ ghi họ tên từng thực khách. Thầy thấy mình được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.

Sáng hôm sau, thầy tìm tới tiệm tạp hóa, lựa một góc và nhẫn nại đứng quan sát rất lâu. Tiệm không lớn lắm nhưng lúc nào cũng có khách hàng vào ra nườm nượp. Chủ tiệm chẳng hở tay bán hàng, thu tiền, thối tiền… vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã… Tuyệt nhiên không thấy chủ tiệm có cử chỉ, động tác đặc biệt gì tỏ ra ông đang tĩnh tâm hay cầu nguyện.

Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói: “Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá. Đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Lát nữa sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.”

Thầy chiết dầu vừa xong thì đúng lúc chủ tiệm được ngơi tay bán hàng. Ông ta bước tới hỏi: “Nãy giờ cắm cúi lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?”

Thầy bẽn lẽn: “Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật Trời!”

Chủ tiệm cười hiền: “Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non đong thiếu. Khi chiều chuộng khách hàng tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy.


Huệ Khải
Reply
#9
SỐNG THOẢI MÁI VỚI HIỆN TẠI

Bà cụ già đau yếu than thở với bà bạn thân nhất của mình, “Tôi ghét cái tuổi già. Tôi ghét vì phải ở đây trong cái nhà dưỡng lão này.”
Bà bạn lên tiếng, “Chúng mình phải lạc quan.”
“Lạc quan về cái quái gì chứ? Trời đất ạ!”
“Vậy thì, bà đang đau nhức hay sao?”
“Không.”
“Bà còn nhớ mình cảm thấy khoan khoái biết bao khi rốt cuộc rồi cái đau cũng phải hết không? Như vậy thoải mái đấy chứ?”
“Đúng vậy.”
“Bà hãy coi như bây giờ bà đang hưởng cái thoải mái ấy đi.”
“Nhưng cái gì ở đây cũng khủng khiếp hết. Đồ ăn thì…”
Bà bạn thân lên tiếng hỏi, “Bữa trưa bà ăn thấy sao?”
“Dở quá trời!”
“Tất cả đều dở hay sao? Tuy thế mà bà ăn hết đó.”
“Tất cả tôi chỉ có mấy thứ đó. Còn gì khác đâu mà chọn lựa,” bà cụ đau yếu trả lời.
“Bà thấy có một món nào được không?”
“Món kem trộn lên trên rau và trái cây.”
“Được rồi, hãy bắt đầu từ món đó. Bà hãy cứ nghĩ về món kem đi.”
“Chuyện này thấy quá lố, lạc quan một cách giả tạo.”
“Vậy bà hãy nói lại cho tôi nghe tại sao bà đã ăn hết phần ăn trưa của bà?” bà bạn thân hỏi.
“Trời đất ơi, vì tôi chỉ có mấy món đó thôi.”
“Đó là cái mà nãy giờ tôi muốn cố nói ra đó, bồ ạ.”

Thiền dạy hai bài học quý báu: 1) Hãy chấp nhận những gì cuộc đời mang tới, cả phần tốt lẫn phần xấu. 2) Sống với hiện tại, thoải mái với những niềm vui nhỏ bé.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Zen Fables For Today – Richard McLean)
Reply
#10
Chuyện kể từ một ngôi chùa

03/08/2010 12:07Cao Huy Hóa
Kích thước chữ: [Image: font_decrease.gif] [Image: font_enlarge.gif]
Chùa Đông Thiền, sau này Phật tử thường gọi là Đông Thuyền, là một ngôi chùa cổ, do ngài Tế Vĩ, đệ tử của ngài Liễu Quán, lập ra vào thế kỷ 18 ở làng Dương Xuân, nay thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đến đầu thế kỷ 19, công chúa Ngọc Cơ, con vua Gia Long xuất gia tại đây, nên chùa được đại trùng tu. Dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, chùa tiếp tục được tôn tạo, hiện còn lưu lại trên bia.

Từ những năm 30 của thế kỷ 20, trãi qua bao biến động và chiến tranh, chùa rơi vào cảnh điêu tàn, mãi cho đến sau năm 1975, Sư Bà Diệu Không mới đứng ra nhận trụ trì và giao cho Ni Cô Diệu Đạt phụ trách phục hồi sinh hoạt ở đây. Về kiến trúc, chùa vẫn giữ được đường nét xưa, còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vĩ, tấm biển sơn son thếp vàng thời vua Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời vua Minh Mạng; vẫn còn khám, tượng thờ cổ và chiếc trống được cho là lớn nhất Huế.(1)

Trong mấy năm sau này, chùa đại trùng tu chánh điện, tôn tạo và mở rộng nhà khách, thiền đường, ni xá và trai đường, dựng tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên chùa trở nên rộng rãi và trang nghiêm, nhưng vẫn kế thừa nét triến trúc cổ của một ngôi chùa ni, hài hòa với cây cao rợp mát và sân vườn với cây cảnh, non bộ, vườn cỏ,…vì thế chùa đã trở thành danh lam của đất cố đô, là địa chỉ hành hương và tham quan của Phật tử và khách du lịch trong và ngoài nước.

Chúng tôi đến chùa Đông Thiền vào một buổi chiều đầu hạ. Nắng nghiêng, gió nhẹ, cửa chùa đóng kín, yên nghỉ trong không gian rộng mở và tĩnh lặng. An lạc đến với mỗi chúng tôi, an lạc đến từng tảng đá, bậc thềm. May mắn thay cho Huế còn giữ được nhiều cảnh chùa như thế; chỉ cần một chút thời gian ngắn trên phương tiện xe máy là đến ngay nơi chốn tĩnh tâm, bạn thành kính lạy Phật, lắng lòng trong câu kinh tiếng kệ, và tri ân sâu xa đến lịch sử hơn hai trăm năm, với biết bao tang thương phù thế để lại cho đời một ngôi tam bảo vừa thiêng liêng vừa gần gũi này.

Nhưng hỡi ôi, thời buổi này sản sinh nhiều “ma”. Đó là những người tinh khôn, lanh lợi, nhưng mê mờ ám chướng, làm suy thoái đạo đức xã hội, và không tha cả chốn thiền môn. Vào tháng 4 năm 2010, nhà chùa đã bị mất tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, vốn đươc tôn trí trang trọng trong chánh điện, phía trước Tam Thế Phật. Đây là pho tượng cổ bằng đồng, nặng gần 50 kg, vô cùng giá trị, từ thời vua Gia Long. Pho tượng càng quý bởi thể hiện ứng hóa thân Quán Thế Âm Thủ Quyển, bàn tay mặt cầm quyển sách tròn, bàn tay trái thuôn dài, tựa vào chồng sách.

Kẻ trộm không cần phải khó nhọc lẻn vào lúc chiều tối, ẩn núp trong chánh điện, đợi đêm khuya rinh tượng rồi mở cửa chuồn ra, mà kẻ trộm có thể đã dàn cảnh thăm chùa, hầu chuyện với ni chúng, rồi đồng bọn lẻn phía sau, thừa lúc chánh điện không có người, ngang nhiên hạ tượng, ngang nhiên mở cửa để ra sân, lên xe nổ máy sẵn. Mấy ni cô nhớ lại, lúc đó vào khoảng 12 giờ 30 buổi trưa. Tất nhiên, sau này mới nhận định được cách ăn trộm, còn khi đó thì chỉ thấy xe lao đi, phía sau xe là một người khệnh khạng ôm cái gì. Nhà chùa không hề nghĩ chuyện gì khác, cho nên một thời gian sau, đến thời công phu chiều mới phát hiện mất tượng.

Chuyện đau lòng này là tiếp nối chuyện dài mất cổ vật, tượng, chuông mõ, pháp khí trong đình chùa miếu mạo trên khắp cả nước. Kẻ trộm thừa hiểu rõ giá trị của cổ vật và xây dựng “kịch bản” trộm cắp riêng biệt từng nơi, sau khi đã nghiên cứu kỹ hiện trường. Kẻ trộm không chỉ một vài người mà có thể cả hệ thống, còn kẻ nhúng tay trực tiếp chỉ là người được thuê, còn bóng ma chỉ huy chỉ đứng phía sau. Kẻ trộm có thể ở trong một đường dây buôn bán cổ vật, đường dây liên tỉnh và có thể ở ngoài nước. Trước kia, ăn trộm là kẻ nghèo mạt, cùng đường làm ăn, phải làm “nghề” đào tường khoét vách, còn nay, những kẻ lấy cắp tượng, cổ vật thì phây phây, no cơm ấm áo.

Tôi vào lễ Phật tại chùa khá nhiều lần, thật lòng tôi chỉ biết tĩnh tâm khi lạy Phật, lạy Đức Quán Thế Âm, mà không có cái nhìn của người thưởng ngoạn, nhưng vào chiều hôm đó, khi nhìn thấy trên bàn thờ, đế tượng còn đó mà Ngài vắng bóng, tôi giật mình và chạnh lòng; thì ra khi niềm tin thân thương và bình thường nhất mà bị động chạm thì nổi mất mát lại càng đau. Tôi đã đau như thế thì quý ni chúng của chùa hẵn rất buồn, cho dầu khi tiếp chúng tôi, ni sư trụ trì cho biết giờ đã có phần nguôi ngoai. Ni sư còn cười nói nhẹ nhàng: “Tượng đẹp lắm, không nơi nào có, vẻ rất thanh thoát. Chắc chắn cuối cùng Ngài sẽ tọa một nơi trang trọng, chỉ tiếc là mình mong Ngài ở lâu với chùa mà không được.”

Nghe ni sư nói như thế, tôi càng trân quý người xuất gia, mong sao cho chùa được thuận duyên để cửa chùa rộng mở cho mọi người. Nhưng trong một quốc gia, người dân không thể không bức xúc khi cảnh tôn nghiêm bị xâm hại, khi những pho tượng thiêng liêng, truyền lại từ đời này đến đời khác bị những kẻ hám tiền, lấy cắp ngày càng trắng trợn. Việc này đụng chạm đến tín ngưỡng và tôn giáo của người dân, và chắc chắn ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn của xã hội; và suy cho cùng, những báu vật này cũng là tài sản của đất nước, là di sản thiêng liêng của dân tộc: nhà chùa bị mất tượng thì quốc gia chảy máu cổ vật.

Tất nhiên, sau khi bị mất tượng, chùa phải xem xét lại việc bảo vệ, cũng như mọi ngôi chùa khác phải cảnh giác, nhưng tôi nghĩ với đà như thế này, khi những kẻ đạo chích thời công nghệ hiện đại này càng tinh khôn và táo tợn, thì nếu bọn chúng đã nhắm mục tiêu ở đâu rồi, chúng sẽ lấy bằng được và nhà chùa chẳng thể nào canh 24/24 giờ để phát giác, và chẳng có uy lực để ngăn trở chúng. Cho nên pháp luật phải làm việc hiệu quả, nghiêm minh và đủ răn đe để chặn đứng loại ăn cướp này.

Chúng tôi cứ đứng nhìn lên bàn thờ Phật mà cứ ấm ức trong lòng, cho đến khi một ni cô thắp hương, chuẩn bị công phu chiều thì mình chợt tỉnh. Vâng, hãy biết sống theo lẽ vô thường. Chúng tôi về trai đường, hầu chuyện cùng quý ni cô. Tôi hỏi thăm sao chùa vắng vẻ thế, thì được biết sư trụ trì và ni chúng “đi củi”, có lẽ sắp về. Ô hay! “đi củi”, nghe lạ lạ quen quen! Đúng rồi, nhớ lại thời bao cấp khó khăn, khi chiều chiều, từ phía rừng núi xuống, những chiếc xe đạp đèo những cành cây khô hoặc những bao rác thông, và chủ nhân những chiếc xe đạp đó thường là những người lao động nghèo, kể cả công nhân viên, giáo viên. Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua, và tôi được biết: ni chúng của chùa đến lâm trường khá xa, từ chiều hôm qua, thu hoạch những cành cây do công nhân lâm trường tỉa cành, chất lên xe tải, về chùa làm chất đốt. Tôi sực nhớ một điều giản dị: hầu như mọi ngôi chùa đều dùng củi và rơm để đun nấu.

Đảm đang thay, kỳ diệu thay, bàn tay dâng hương hoa trên bàn thờ Phật và Bồ Tát, bàn tay giở từng trang kinh, bàn tay lao động cho cuộc sống trước mắt, bàn tay làm đẹp vườn tược, hoa lá, cây cảnh, bàn tay chăm sóc cho các cháu nhỏ ở các nhà trẻ và lớp mẫu giáo tình thương, bàn tay dạy trẻ múa hát, bàn tay làm lồng đèn mừng đại lễ Phật đản,…, bàn tay chắp hoa sen lạy Phật!

Vui chuyện với quý ni cô, chúng tôi được biết thêm về việc dạy và chăm sóc trẻ. Các lớp do quý ni cô phụ trách trước đây thuộc hệ thống trường dân lập, có được sự hỗ trợ của nhà nước. Nay không còn hình thức dân lập nữa, các lớp do chùa phụ trách trở thành tư thục, mà ngân sách trên danh nghĩa hoàn toàn do học phí. Nhưng học phí có là bao, chỉ 55.000 đồng/tháng, mà không phải cháu nào cũng đóng học phí. Không phải lấy thiệt hơn để nói chuyện thu chi khi nhà chùa nguyện làm công tác giáo dục để phục vụ xã hội, nhất là phục vụ gia đình nghèo, nhưng thật nan giải để hoạt động khi đồng tiền quá eo hẹp. Trong khi đó, trường mầm non công lập có đầy đủ phương tiện, có đôi ngũ cô giáo có tay nghề vững vàng, lại có mức học phí cao hơn và phụ huynh đóng góp nhiều hơn. Còn nhìn sang các trường tư thục của tôn giáo khác, số trẻ em đi học rất nhiều, trường khang trang, học phí cao hơn, thế mà phụ huynh vẫn vui lòng đóng góp thêm, ngoài ra còn có nguồn hỗ trợ khác.

Chúng tôi chia sẻ niềm vui với quý ni cô khi được biết trong hội diễn văn nghệ các lớp mầm non vừa qua, các cháu đã đạt giải khuyến khích. Vui nhưng cũng chạnh lòng vì thiên hạ chơi “hoành tráng” quá, sân khấu rực rỡ, phục trang lộng lẫy quá, ban nhạc chơi bài bản, dàn dựng công phu quá! Quý ni cô và chúng tôi cười với nhau: Đạo Phật của mình là vậy, mọi sự tùy duyên, cũng may là có những cá nhân, các tổ chức, các nhóm giàu đạo tâm, góp công góp của với các ni cô. Riêng chúng tôi rất phục các cô giáo Phật tử, đã cống hiến thời gian và công sức đứng lớp, săn sóc các em cũng như dạy múa, hát, vẽ, kịch,… Nhìn các cháu say mê trình diễn văn nghệ trong những dịp lễ hội Phật giáo, chúng tôi quá trân trọng tấm lòng của các cô giáo đó.

Hiện nay, hệ thống điều hành các cơ sở giáo dục mầm non và các lớp tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi trong các chùa ni hoạt động rất tốt, nhiều chùa đã tạo tiếng vang lớn trong nước và cả quốc tế, và được sự ủng hộ của Phật tử trong và ngoài nước, các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Tuy thế, các chùa như chùa Đông Thiền, khó khăn với các lớp này rất nhiều. Nên chăng, các cấp giáo hội đặt nặng hơn công tác giáo dục mầm non trong tình hình nhà nước đang khuyến khích phát triển hình thức tư thục, vận động tăng ni và Phật tử dấn thân vào công tác này, có định hướng cho Phật tử nhiều hình thức cúng dường, trong đó quan tâm giúp đỡ các chùa làm công tác Phật sự bằng giáo dục mầm non, và sau này cả tiểu học. Trẻ em bất hạnh trong các lớp này cũng rất cần các hình thức sinh hoat vui chơi, nghệ thuật và dã ngoại. Nhìn khuôn mặt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ của các em này trong những lần Trung tâm văn hóa Phật Giáo Liễu Quán tổ chức vui Trung Thu, hoặc mừng Vu Lan, mới thấy biết bao cảm động. Nhìn các cháu vui, người lớn cũng vui lây, và nguyện cùng nhau giúp các cháu lớn lên và trưởng thành trong tình thương bao la của quý Thầy Cô, trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

Tiếng chuông chùa đã điểm, bắt đầu thời công phu chiều. Chúng tôi đã được sống trong cảnh thanh tịnh, đã trao đổi chuyện đạo, chuyện đời với quý ni chúng của chùa, vẫn không ít băn khoăn, day dứt; nhưng rồi thấy quý ni cô an nhiên, dầu đề cập đến chuyện tượng Đức Phật Quán Thế Âm đã đi xa, dầu nghĩ đến chuyện khó khăn trong công việc dạy dỗ các cháu, hay dầu vừa mệt nhọc sau một ngày “đi củi” , cho nên tôi cảm nhận: không chỉ cảnh chùa an lạc, mà chính người xuất gia đem lại an lạc cho mình. Trong niềm an lạc đó, tôi như nghe đâu đây ý lành từ nhiều vị thiện tâm: nếu người nào có tâm nguyện chí thành muốn thực hiện một việc gì đem lại lợi ích cho người, cho xã hội, thì ắt sẽ gặp những người cùng có tâm nguyện như vậy, và lời nguyện sẽ có ngày thành tựu, không hình thức này thì cũng hình thức khác. Phải chăng, tâm nguyện đó cũng như hương bay ngược gió của người đức hạnh (2), sẽ tỏa đi khắp nơi nơi, sẽ tiếp nối từ người này qua người khác, để cùng với hương hoa của đất trời, đem lai hạnh phúc cho trần gian?
Reply
#11
Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU Con Người Với Những Điều Bình Dị
23/09/2010 11:52Nguyễn Đức Sơn

 [Image: font_decrease.gif] [Image: font_enlarge.gif]

"...Một ngày bình yên với Hòa thượng Thiện Siêu, "Ôông Từ Đàm" - gọi thân tình theo cách của người Huế, được cảm nhận với tôi trong thời gian gần Hòa thượng là thế. Trong cảm nhận của tôi, hay nói khác đi là hình ảnh của Ngài trong tôi, một con người có tính cách giản dị..."
Trong hình dung của tôi trước đây, Hòa thượng là một "ông cụ" khó tính, khó gần và khó tiếp xúc bởi những câu hỏi "mắc mớ" thường gây lúng túng cho người mới gặp. Nhưng, sau khi được gần Hòa thượng một thời gian, hình ảnh về ngài trong tưởng tượng của tôi mới vỡ lẽ ra chỉ là…tưởng tượng! Hòa thượng, một bậc chân tu giản dị, một học giả Phật giáo uyên thâm Hán tạng, người luôn theo dõi, quan tâm từng bước đi của lớp tăng ni trẻ, luôn thao thức về một đường hướng cho nền giáo dục Phật giáo nước nhà, và là linh hồn của Phật giáo chốn cố đô…

Trong bộ áo "vạt hò" màu lam, tại một góc thanh vắng trong thiền khách của chùa Từ Đàm, trên chiếc tràng kỷ với những bộ Đại tạng chữ Hán, các loại từ điển và sách tra cứu khác, một vị sư già cặm cụi viết lách, tĩnh tại như không hề quan tâm tới thế giới bên ngoài, kể cả cái nóng như ran của miền trung vào hè hay cái lạnh tê buốt mùa đông. Đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc ở ngôi chùa lịch sử này và đối với người dân cố đô, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, vị giáo phẩm mà Tăng Ni và Phật tử ở đây thường gọi bằng âm điệu Huế vừa gần gũi vừa tôn kính: "Ôông Từ Đàm".

… Xuất gia từ năm 14 tuổi, Hòa thượng sớm được đào tạo trong một môi trường giáo dục căn bản và nghiêm túc là Phật học đường Báo Quốc, Phật học đường Kim Sơn (Huế) với những bậc giáo thọ uy tín và uyên bác như cố Hòa thượng Trí Độ, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… Ngay từ thuở nhỏ, Hòa thượng bản tính vốn hiền hậu và chăm chỉ, ham đọc sách hơn quà cáp hay vui chơi như bạn cùng trang lứa, bộc lộ những tư chất đặc biệt của một học giả, đặc biệt là về văn học A-tỳ- đàm. Chương trình tại các Phật học đường thời bấy giờ bắt buộc học Tăng tiếp xúc thẳng với các bộ kinh luận chữ Hán và kéo dài hơn mười năm, thời lượng đủ để người thầy có thể truyền tất cả tri thức của mình cho học trò. Gợi về thuở ấu thời, với chất giọng Huế sắc nhưng giản dị, Hòa thượng tâm sự: "Ngày xưa, theo lối dạy đơn thân, Thầy chúng tôi không dạy chi nhiều về chi tiết. Ngoài chương trình học Thầy không cho đọc thêm chi hết, kể cả sách văn chương. Lúc đó, phong trào quốc văn đang rộ lên, nhóm Tự lực văn đoàn đã cho ra đời hàng loạt đầu sách và đang chiếm lĩnh thị trường sách thời bấy giờ. Chúng tôi cũng mua về đọc, nhưng Thầy chúng tôi vốn là người trọng cổ, nên lâu lâu Ngài đi soát coi thử chúng tôi có ai đọc không, nếu bắt được ai có sách ấy Ngài liền xé ngay không nói gì hết (…). Chúng tôi học kinh luật luận bằng chữ Hán với một Thầy suốt năm này qua tháng nọ. Lâu ngày với giọng quen quen dễ đâm ra buồn ngủ, cho nên ai cũng tìm chỗ thuận tiện để… ngủ. Trong lớp có mấy cái cột nhà lớn và hễ hôm nào ai được cột nhà che là hôm đó coi như may mắn lắm! (cười). Cột nhà là… "thần hộ mệnh", vì có ngủ gật cũng không bị Thầy phát giác, và ai cũng tranh nhau tìm cột nhà mà núp…"

Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học với hạng ưu, Hòa thượng đã lao ngay vào con đường giáo dục, như bổn phận làm Thầy vốn sẵn có. Nói về cái duyên với công tác giáo dục Phật giáo, Hòa thượng kể tiếp: "…Người xưa thường nói: Hậu sanh khả úy, kẻ hậu sanh đáng sợ. Chữ "đáng sợ" ở đây theo tôi là tỏ ý khen ngợi, nghĩa tốt, trong hoài bão của một người Thầy luôn mong mõi những người học trò, thế hệ sau giỏi hơn, hay hơn mình. Với tôi, nhìn thấy các thầy, các cô trẻ giỏi giang là điều hết sức đáng mừng chứ không phải là "đáng sợ". Cũng do đó mà tôi đã đeo đuổi cái nghề dạy học này từ khi ra trường đến giờ. Nhiều người coi tôi hợp với nghề giáo hơn cả. Trước đây, tôi đã từng làm Đốc giáo, làm Viện trưởng viện Cao đẳng Phật học tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Sau này, Giáo hội PGVN cũng giao công tác Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni cho tôi. Ngoài ra, tôi còn được phân công giảng dạy tại các trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội, TP. HCM; và gần đây lại đảm trách công tác Viện trưởng, tham gia giảng dạy cho Tăng Ni Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Nhìn thấy tất cả các miền đều có trường Phật học, tôi rất mừng. Nhưng tôi thấy cần phải có một trung tâm lớn để đào tạo Tăng Ni tập trung chung cho cả ba miền thì tốt hơn, không phân chia ranh giới. Bởi khi mọi người đều có cùng một sự hiểu biết, phương thức tu tập và chí nguyện phụng sự thì sẽ tốt hơn cho Phật giáo và sự phát triển chung của nước nhà."

Điều dễ nhận thấy ở Hòa thượng là người ham học, ham đọc. Cũng chính điều này đã làm cho không ít người rất ngại mỗi lần tiếp xúc với Ngài, hễ thấy sách là đọc, thấy điều không rõ là hỏi và lắng nghe, không phân thượng hạ, già trẻ. Có một nhà báo thường theo dõi các kỳ họp Quốc hội đã thống kê rằng, Ngài là vị đại biểu Quốc hội làm khách nhiều nhất ở quầy sách báo tại khuôn viên Hội trường Ba đình trong các giờ giải lao giữa phiên họp. Gần Hòa thượng hằng ngày mới thấy thời gian đối với Ngài là quý hóa đến nhường nào. Một ngày bình yên với Hòa thượng thật sít sao. Năm giờ khuya đã có mặt ở thiền khách tĩnh lặng bên chén trà nóng; sáu giờ sáng lên chánh điện lễ Phật, tụng niệm và hành thiền; một tiếng sau thả bộ xuống nhà khách dùng điểm tâm; tám giờ bắt đầu ngồi vào bàn làm việc cho đến giờ cơm trưa, nghỉ trưa; hai giờ chiều lại cặm cụi một mình với các bộ Đại tạng kinh luận đồ sộ cho đến lúc thị giả báo cơm chiều. Tối, Hòa thượng một mình trong phòng riêng, không có các tiện nghi của đời sống hiện đại như điện thoại, ti-vi hay máy lạnh, lò sưởi, dù cái thời tiết thay đổi giữa các mùa ở Huế không phải là dễ chịu với mọi người. Một ngày bình yên với Ngài là thế, như một chu kỳ nhưng lại không thấy sự trễ nải, đơn điệu, mà tươi mới như mặt trời mỗi bình minh. Thế mới biết, là một bậc giáo phẩm mang nhiều trọng trách lãnh đạo Giáo hội, nhưng các công trình nghiên cứu, dịch thuật giá trị của Ngài vẫn xuất hiện như thể là công trình của một đời người cần mẫn. Tuy nghiêm khắc với thời gian là vậy, nhưng hễ có các tăng, ni trẻ muốn thỉnh vấn trong vấn đề tu học thì Hòa thượng vẫn dành thời giờ cho họ. Gần đây, dù đang dỡ dang công trình dịch và chú bộ Đại trí độ luận vàtrong bề bộn các Phật sự khác, Ngài vẫn không bỏ qua việc đọc các tác phẩm của một số tăng sĩ trẻ, rồi viết thư tay để góp ý thân tình và đích thân hiệu đính từng điểm, từng chi tiết. Đó là một tính cách giản dị mà không phải dễ tìm thấy trong cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực học thuật.

Là người chứng kiến, trải qua không biết bao biến động, đổi thay của thời thế trong hơn hai phần ba thế kỷ 20, song tính mộc mạc, giản dị, nhưng thâm trầm, sâu lắng rất phương Đông và tính cách Huế ở con người của bậc chân tu này không hề thay đổi. Có lần, Ngài tâm tình: " Ở hoàn cảnh nào, tình huống nào, với bất cứ sự phân công nào của Giáo hội, theo yêu cầu của quần chúng Phật tử, tôi luôn tâm niệm mình là một ông thầy tu, "tiên vi sư hậu vi sư", trước làm thầy tu sau cũng làm thầy tu không khác, luôn tâm niệm như vậy nên mọi Phật sự khó khăn đến đâu rồi cũng thành tựu, và những biến thiên bên ngoài không làm lung lay ý chí phụng sự của mình. Và tôi tin vào điều đó." Hòa thượng nói tiếp: "Làm ông thầy tu thì phải hội đủ 3 yếu tố, đó là chánh kiến, tịnh giới và oai nghi. Chánh kiến nghĩa là đối với Tam bảo thì phải có một niềm tin vững chắc, một sự hiểu biết vững chắc không lay chuyển, và tin nhân quả. Làm tu sĩ mà thiếu chánh kiến thì chỉ có hình thức chứ không có nội dung. Tịnh giới tất nhiên phải giữ, tùy vào cấp độ đã thọ nhận mà giữ cho thanh tịnh. Có chánh kiến và tịnh giới nhưng không có oai nghi, oai nghi khong nghiêm túc, không đàng hoàng thì không ra người làm thầy. Có đủ những yếu tố đó thì mọi hành động đều tự lợi và lợi tha, còn không thì chỉ hại mình hại người mà thôi."

Một ngày bình yên với Hòa thượng Thiện Siêu, "Ôông Từ Đàm" - gọi thân tình theo cách của người Huế, được cảm nhận với tôi trong thời gian gần Hòa thượng là thế. Trong cảm nhận của tôi, hay nói khác đi là hình ảnh của Ngài trong tôi, một con người có tính cách giản dị, nhưng là sự giản dị thường khơi dậy những nguồn hứng thú cho người tiếp xúc, ít ra là lớp trẻ như chúng tôi, về một hướng sống và xử thế phù hợp với tính cách của người học Phật, làm việc Phật.

          (Kỷ yếu Cố Hòa thương Thich thiện Siêu.[size=undefined] [Image: comment_icon.gif][/size]
Reply
#12
Thank you for posting Rau Sam

I am reading them.
Reply
#13
(2018-01-19, 10:19 PM)BlackDiamond Wrote: Thank you for posting Rau Sam

I am reading them.

Cám ơn bạn đã quan tâm , RS sẽ sưu tầm toàn hoa thơm cỏ quý , để xông ướp tâm bồ đề của chính mình và chia xẻ đến bà con gần xa , không phân biệt tôn giáo, để ai ai cũng được lợi ích.
Reply
#14
Chùa bên dòng Bạch Yến
01/02/2013 16:45Minh Thùy
Kích thước chữ: [Image: font_decrease.gif] [Image: font_enlarge.gif]
[Image: thumbnail.php?file=06082012143850_ben_do...cle_medium]
Ở Huế, phía sau lưng chùa Thiên Mụ có một vùng cư dân tên là Hương Hồ, gồm năm ngôi làng ngoại thành bình yên đến mức lặng lẽ. Hương Hồ bị ngăn cách với phố phường náo nhiệt bởi dòng Bạch Yến, một nhánh sông nhỏ tẻ ra từ sông Hương. 

Sông Bạch Yến màu nước xanh biếc chảy giữa hai hàng cây cũng xanh um, men theo làng Lựu Bảo uốn lượn trước mặt chùa Khánh Vân, Kim Sơn rồi xuôi dòng về An Ninh, Trúc Lâm, ra An Hòa xuống Bao Vinh, nhánh khác thì lại chảy ngang qua chùa Huyền Không trước khi nhập lại vào sông Hương.

[Image: files.php?file=06082012143850_ben_dong_305186611.jpg]
Một khúc sông Bạch Yến

Vào những trưa hè, ngồi trên đò du khách sẽ được nghe mùi hương thơm lừng của mít chín, được ngắm dòng sông lung linh bóng nắng lọt qua những tán phượng nở bông đỏ rực. Bên sông có nhiều ngôi chùa làng nho nhỏ, ẩn hiện sau những vườn cây um tùm.

Trước đây, mỗi mùa Phật đản về, dọc dòng sông tiếng chuông được thỉnh từ 3 giờ sáng cho đến hết ngày. Những người dân từ làng Long Hồ, Giáp Hạ, An Ninh… tín tâm với Tam bảo mỗi khi nghe chuông đánh vào ngày lễ là họ đi thuyền, ghe uốn lượn vòng vèo theo sông để đến chùa lễ Phật.

[Image: files.php?file=06082012143850_ben_dong_1_753365713.jpg]
Trong vườn chùa

Mấy năm nay, những cô cậu học trò giờ đã khôn lớn đi làm ăn xa về quê đúng mùa Phật đản thấy cảnh chùa làng giờ khang trang hơn, chỉ có lá cờ Phật tung bay trước gió bên những tán cây cổ thụ trông vẫn thanh bình như thủa nào.

Rộng rãi nhất ở đây có lẽ là chùa Phước Duyên với diện tích khoảng 4.000m2, nằm dưới chân ngọn Rú Vi, sát bờ sông Bạch Yến, thuộc thôn An Ninh thượng, phường Hương Long. Chùa ở cách xa khu dân cư khoảng 200m, chung quanh chùa chỉ có núi đồi mồ mả, cảnh trí yên tĩnh, rất thích hợp cho đời sống tâm linh.

Nếu chùa Thiên Mụ ngự trị từ đỉnh đồi cao, tỏ vẻ khí thế oai hùng thanh thoát, tiếng chuông ngân vang để làm tỉnh thức mọi người, thì trái lại chùa Phước Duyên nằm dưới chân đồi, ẩn mình một cách khiêm tốn, để thấm sâu vào huyết mạch tín ngưỡng của dân làng.

[Image: files.php?file=06082012143850_ben_dong_2_632849153.jpg]
Cổng chùa Phước Duyên
Chùa kiến trúc theo lối chữ khẩu, phía trước là chùa gồm có ba gian và hai liêu, xây hướng về phía đông nam, phía tây nam là giảng đường, phía tây bắc là hậu đường, phía đông bắc là khách đường, kế bên khách đường là một dãy nhà dài năm gian để dành cho khách phương xa.

Chùa ban đầu chỉ là một thảo am trên vùng đất hoang dã tịch liêu. Trải qua nhiều lần trùng tu kiến thiết, ngày nay ngôi chùa trở nên khá đồ sộ, khang trang, lại thêm phong cảnh thơ mộng hữu tình nên đã đón nhận rất nhiều kẻ tăng, người tục về đây tu học.

Trên phương diện hoằng pháp chùa đã gắn liền vào đời sống dân quê, truyền bá tinh thần Phật giáo vào nếp sống hằng ngày của họ. Cách chùa Phước Duyên không xa còn có chùa Khánh Sơn cũng rất tĩnh mịch và xinh đẹp.

Những ngôi chùa bên dòng Bạch Yến này đều là nơi nương náu tinh thần và là chỗ gởi gắm tâm linh của dân chúng quanh vùng. Tiếng chuông chùa không chỉ thôi thúc người trong làng bỏ ác làm lành, mà còn là tiếng đồng hồ thức tỉnh cho họ biết giờ khắc để sắp xếp mọi công việc sinh hoạt hằng ngày.

(DNSG cuối tuần)
Reply
#15
Sư Tuệ Tâm: làm việc thiện là một niềm an lạc
12/11/2012 08:12Nhật Huy
Kích thước chữ: [Image: font_decrease.gif] [Image: font_enlarge.gif]
[Image: thumbnail.php?file=2011_bq_nhasu_4985271...cle_medium]
(LQ) Huế có một vị sư mà có lẽ bây giờ không ai không biết, một vị sư đã quá nửa đời người chỉ biết lo cho dân nghèo. Đó là sư, lương y Thích Tuệ Tâm (hệ phái Tiếu thừa-Nam Tông). Giám đốc điều hành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với những mẫu chuyện “kham nhẫn” cứu người mà người Huế quen gọi với cái tên rất thân mật và gần gũi “Sư Tuệ Tâm”...

Sư Tuệ Tâm…

Cũng như nhiều người Huế, tôi biết sư từ thời kỳ đất nước trong giai đoạn “quá độ” còn nhiều khó khăn, đời sống nhà chùa lúc ấy cực khổ trăm bề. Việc người dân cũng như Tăng, Ni Phật tử bịnh tật không có điều kiện đến bịnh viện là rất phổ biến. Những người lớn tuổi và có thâm niên với thiền môn xứ Huế thuở ấy mỗi khi lâm bịnh thường có một vị sư tuổi đời còn khá trẻ khoác y vàng đến bắt mạch, kê đơn bốc thuốc rất ân cần và hiền từ. Thực tình thuở ấy chúng tôi chỉ mới nghe tên mà chưa một lần biết mặt sư, một vị sư Tiểu thừa khoác áo lương y hiền từ mà người dân Huế gọi với cái tên rất gần gũi “sư Tuệ Tâm”. 

Tôi biết sư Tuệ Tâm khoác áo lương y cứu người từ rất lâu, nhưng để hiểu nhiều về sư thì cũng chỉ mới vài năm trở lại đây. Lúc mà tôi bắt đầu tham gia công tác xã hội, chúng tôi được duyên lành cộng tác với sư và thường xuyên tiếp xúc. Thầy, trò cũng từ đó thân mật hơn, gần gũi hơn và tôi cũng may mắn được sư khám và chữa bịnh cho một vài lần. Nhưng tôi đúng là một người thật vô tâm, tôi chưa một lần chuyện trò với sư về hạnh nguyện “lương y cứu người” của sư được khởi nguyên từ đâu và từ lúc nào cũng như những khó khăn mà sư đã trải qua để đem tâm từ bi cứu giúp mọi người. Vừa qua, vì bịnh duyên mà tôi được một Phật tử giới thiệu về nhờ sư Tuệ Tâm, thế là mỗi tuần tôi được gặp sư Tuệ Tâm một lần.

Ngồi đợi sư, tôi thấy có hàng chục người cũng đang ngồi chờ, hỏi ra mới biết mọi người chỉ muốn chờ để được sư bắt mạch, chẩn đoán. Mặc dù trong phòng khám luôn có từ 4 đến 5 vị lương y được sư đào tạo rất giỏi, và có nhiều kinh nghiệm, nhưng rất nhiều bịnh nhân đến đây đều trong tâm niệm chỉ cần sư Tuệ Tâm cầm tay bắt mạch là bịnh đã thuyên giảm phân nửa rồi. Với rất nhiều người Huế, uy tín và đức độ của sư là một thang thuốc thần dược mỗi khi họ có bịnh đến gặp sư.

Nói chuyện với chúng tôi, sư kể “sư được cụ thân sinh truyền dạy nghề này từ nhỏ, sau nầy xuất gia, sư còn tìm học với một vị sư phụ khác với có nhiều kinh nghiệm để tích góp thêm kỹ năng khám chữa bịnh”. Sư tâm sự, tuy rằng thân là một vị sư theo hệ phái Tiểu thừa-Nam Tồng nhưng với sư hạnh nguyện đem tinh thần từ bi để cứu người đã được nẩy mầm từ thuở nhỏ. Nhưng để hiện thực được hạnh nguyện đó là vào năm 1982, khi sư rời chùa Huyền Không để về chùa Diệu Đế để cùng HT. Thích Hải Ấn lập ra Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế với vốn liếng ban đầu rất khiêm tốn mà theo sư chỉ có 2.500 đồng (lúc đó tương đương 1cây vàng) và 26 thúng lúa. Bước đầu thành lập mọi thứ đều tạm bợ và gặp nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như “lực bất tồng tâm”, tưởng chừng như hạnh nguyện cứu người sẽ “nửa đường đứt gánh”, nhưng cũng nhờ Phật gia hộ, nhiều Phật tử phát tâm ủng hộ nên cũng chèo chóng qua được những năm tháng khó khăn. Và hình ảnh đóa hoa sen cũng được ươm mầm từ đó để sau nầy khi đến năm 2005 Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế phải di dời đi nơi khác để trả lại đất cho quy hoạch ngôi Quốc tự Diệu Đế thì mầm sen mới nở rạng ngời thành Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở đường Lê Quý Đôn cho đến bây giờ. 

Bài pháp giản dị

[Image: avatar(2).jpg]
“một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp”
 

Lấy một loài hoa gắn liền với Phật giáo mà cũng là với truyền thống văn hóa dân tộc; cách làm từ thiện của sư Tuệ Tâm tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa cũng tỏa hương thơm rất nhuần nhị. Sư kể, mỗi năm các Phật tử trong và ngoài nước gởi về ủng hộ cho sư khoảng 500 triệu. Số tiền này sư đều dùng hết cho việc khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Sư bảo, số bịnh nhân còn lại hoặc nghèo, hoặc không nghèo thì tùy theo đó mà linh động, giảm nhẹ từ 50% trở lui hoặc thu phí để mọi người cùng chung tay làm việc thiện như những đóa hoa sen trong đầm lầy mỗi đóa hoa dẫu to hay nhỏ cũng tỏa hương sắc cho đời. Bởi vậy, với sư bây giờ, việc khám bịnh, cứu nhân độ thế cũng không còn quá bức bách nữa mà thu đã bù chi, mỗi tháng có khoảng 30 nhân viên làm việc được nhận trợ cấp từ 1,8 đến 2 triệu đồng một người. Với giá cả thời buổi ngày nay, số trợ cấp ấy cũng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tuy nhiên mỗi người đều cũng như sư, tự ý thức được mỗi ngày được đeo hình tượng bong sen lên ngực và đem lại niềm an lạc cho mọi người cũng là một niềm hạnh phúc.

Tiếp chuyện với sư, với vị sư làm giám đốc điều hành thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông. Nhưng, sư Tuệ Tâm lại nhập thế, với hạnh nguyện hành nghề y cứu nhân độ thế, làm việc thiện giúp người nghèo. Chúng tôi được biết, với sư, hạnh nguyện từ bi cứu độ đã vượt thắng tất cả. Với sư, đem niềm an lạc đến cho mọi người chính là an lạc cho chính mình. Sư kể, vào thời kỳ cực khổ, thấy nhiều người nghèo khổ bịnh tật mà không có tiền đi bác sĩ mà thương. Sư đã đối trước đức Phật mà phát nguyện từ nay về sau sẽ sống vì chúng sinh. Sư quyết tâm học Đông Y và chọn cách nhập thế để cứu nhân độ thế: Với sư, bài pháp giản dị nhất là “một người khi đau cần chữa bệnh, bốc thuốc hơn là nghe thuyết giảng Phật pháp”. Với hạnh nguyện vì chúng sanh, cũng chẳng phải nhập thế hay xuất thế, sư chỉ biết làm sao cho người bịnh bớt khổ nên dần dần cũng được các huynh đệ trong hệ phái ủng hộ, hoan hỷ… 

Chính vì hạnh nguyện cứu nhân độ thế, nên suốt 30 năm nay, với sư đây không phải là nghề, mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người nghèo, là hạnh nguyện để hoàn thiện đường tu. Chính vì thế mà ở Huế bây giờ, sư Tuệ Tâm không những là một vị sư hiền từ, đạo hạnh mà con là một trong những lương y giỏi, uy tín. Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa do sư làm giám đốc điều hành mỗi năm có khoảng 70.000 bịnh nhân đến khám và chữa bịnh. Với sư, bịnh nhân đến với sư đều là chúng sanh có thiện duyên và sư đều hoan hỷ khám như nhau bất kể là Phật tử hay không Phật tử. Với sư, không có sự phân biệt mà tất cả đều vì một hạng nguyện duy nhất là “phụng sự chúng sanh”, “làm việc thiện là một niềm an lạc” như đóa hoa sen khoe sắc nhã hương cho đời…
Reply