Hội nghị Thượng đỉnh: Mỹ - Triều
#1
Ba giả thuyết Kim Jong-un chịu nhún trước Mỹ - Hàn


Khó khăn về kinh tế, tự tin vào sức mạnh hạt nhân hay cố tình câu giờ có thể là những động lực thúc đẩy Triều Tiên đàm phán với Mỹ-Hàn.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cuối tuần trước bất ngờ tuyên bố nước này sẽ ngừng tất cả các vụ thử hạt nhân, tên lửa để tập trung phát triển kinh tế. Động thái diễn ra chưa đầy một tuần trước khi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Khu Phi quân sự ngăn cách hai nước, theo CNN.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh kể từ năm 2007, cũng là kết quả của một nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa từng có với vai trò ngày càng tích cực của ông Kim Jong-un, lãnh đạo từng bị coi là biệt lập nhất thế giới.

Vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, thế giới cũng sẽ chứng kiến một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất, khi ông Kim có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều đương chức.

Những diễn biến này hoàn toàn trái ngược với các động thái đã diễn ra hồi năm ngoái, khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử hạt nhân, tên lửa, đe dọa “nhấn chìm” đảo Guam của Mỹ và hủy diệt cả nước này bằng đòn tấn công hạt nhân. Các chuyên gia phân tích quốc tế đưa ra ba lý do để giải thích cho sự thay đổi rất bất ngờ này trong quan điểm từ đối đầu sang đối thoại của Kim Jong-un.


[Image: 9_1524468277_VnEx.jpg]

William Brown, giáo sư trợ giảng tại Trường đại học Ngoại giao Georgetown, cho rằng Triều Tiên đặc biệt nhạy cảm về mặt kinh tế và việc ông Kim Jong-un chịu nhún nhường để đàm phán chứng tỏ Bình Nhưỡng đang đứng ở thế yếu.

Sau hàng loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân năm ngoái, Triều Tiên hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ Liên Hợp Quốc và sự thay đổi thái độ của đồng minh lớn Trung Quốc. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc sụt giảm 95% trong một năm, chỉ ở mức 9 triệu USD hồi tháng 2. Các mặt hàng nhập khẩu vào Triều Tiên cũng giảm khoảng 1/3, trong đó có nhiều mặt hàng có giá trị chiến lược như máy móc, xăng dầu, phương tiện vận tải, theo số liệu chính thức từ nhà chức trách Trung Quốc.

Việc công bố các số liệu này chứng tỏ Bắc Kinh đang muốn thế giới thấy rằng chính họ cũng gặp rắc rối với Bình Nhưỡng và đang nỗ lực phối hợp với cộng đồng quốc tế để gia tăng sức ép lên Triều Tiên.

Kết quả là tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong khi nền kinh tế nước này chưa thể tự chủ được về lương thực, nhiên liệu và máy móc, bất chấp việc Bình Nhưỡng luôn đề cao tinh thần “Chủ thể”.

Áp lực về kinh tế trong nước cũng đang ngày càng gia tăng. Đồng đôla và Nhân dân tệ được lưu hành phi chính thức ngày một nhiều, giúp các hoạt động thị trường và sản xuất tư nhân hưởng lợi, nhưng lại gây ra những vấn đề lớn với chính quyền, đặc biệt là nỗi lo ngại kinh tế tư nhân sẽ ảnh hưởng đến sự kiểm soát của nhà nước.


[Image: 7_1524466022_VnEx.jpg]

Tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên. Đồ họa: CNS.


Tình trạng này khiến Bình Nhưỡng khó kiểm soát nạn lạm phát và tín dụng trong nước, khi người dân có thể quyết định đổi đồng won Triều Tiên sang sử dụng đôla Mỹ bất cứ lúc nào. Khi có sự can thiệp từ bên ngoài, điều này có nguy cơ khiến đồng nội tệ Triều Tiên sụp đổ.

Theo Brown, tình trạng nền kinh tế yếu kém buộc Kim Jong-un phải chấp nhận “nín nhịn” trước những lời lẽ thách thức của ông Trump và sau đó đáp chuyến tàu tới Bắc Kinh. Nội dung hội đàm giữa ông Kim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng hai lãnh đạo đã bàn về việc giảm bớt áp lực cấm vận để đổi lấy đối thoại chân thành.

Triều Tiên hiểu rằng Trung Quốc có thể cắt dòng dầu tới nước này bất cứ lúc nào, gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu và lạm phát. Ông Kim nhận thức rõ nguy cơ này và hướng tới bàn đàm phán để tránh nguy cơ tồi tệ nhất, Brown nói.

Chuyên gia này cho rằng đây là cơ hội để Mỹ tạo ra thay đổi lớn trong hệ thống Triều Tiên, bao gồm việc chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai quốc gia và đưa Bình Nhưỡng hòa nhập với phần còn lại của thế giới.

Đây là cơ hội tốt nhất của Mỹ trong ít nhất một thế hệ. Ông Kim có thể không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, nhưng sẵn lòng khiến nó không thể sử dụng được. Mỹ có lợi thế khi đàm phán, nhưng hành trình sẽ không hề dễ dàng. (William Brown )




[Image: 10_1524468389_VnEx.jpg]



Jean H. Lee, giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách Công thuộc Quỹ Hyundai Motor Hàn Quốc, cho rằng việc ông Kim Jong-un bất ngờ xuất hiện trên vũ đài quốc tế sau 6 năm nắm quyền là một phần trong chiến lược chính trị được tính toán cẩn thận và thi hành rất bài bản.

Các tuyên bố thử thành công đầu đạn nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa trong năm 2017 giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh một lãnh đạo quân sự có khả năng bảo vệ nhân dân và đất nước trước những mối đe dọa nghiêm trọng từ kẻ thù.


[Image: 11_1524466562_VnEx.jpg]
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một bệ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA.


Bây giờ là lúc ông tập trung vào quan hệ quốc tế và bước lên vũ đài chính trị thế giới không phải với tư cách là một người trẻ được truyền lại vị trí lãnh đạo của một nước nghèo, mà là nguyên thủ nắm trong tay các vũ khí hạt nhân có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh toàn cầu. Kim Jong-un dường như tin rằng chương trình hạt nhân của ông sẽ buộc các lãnh đạo thế giới phải đối xử với ông một cách công bằng, đồng thời giúp ông có một ghế ngang hàng với Mỹ trên bàn đàm phán.

Việc ông ngồi đàm phán với Moon và sau đó Trump, Tổng thống của quốc gia mạnh nhất thế giới, sẽ được khắc họa như một thắng lợi lớn ở Triều Tiên. Ngay cả ông nội của Kim Jong un là Kim Nhật Thành hay cha ông là Kim Jong-il cũng chưa từng có cuộc gặp thượng đỉnh nào với một tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Kim Jong-un đang chơi trò chơi mạo hiểm với vũ khí hạt nhân là át chủ bài, nhằm tăng cường vị thế trong các cuộc đàm phán tương lai với Hàn Quốc và Mỹ. (Jean H. Lee )


[Image: 12_1524468378_VnEx.jpg]


Adam Mount, giám đốc Dự án Tình hình Quốc phòng thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định Kim Jong-un sẽ có nhiều cách để giành thắng lợi trong các cuộc gặp thượng đỉnh với ông Moon và Trump.

Ông Kim sẽ tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt, khẳng định vị thế lãnh đạo của bản thân và gây tổn hại đến quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Hàn, đồng thời đưa ra ít rào cản nhất có thể đối với chương trình tên lửa, hạt nhân của mình.

Chuyên gia này tin rằng giọng điệu ngoại giao mà Bình Nhưỡng đưa ra gần đây chỉ là một chiêu trò “câu giờ” để tránh một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Washington và Seoul. Triều Tiên có thể tính toán rằng nguy cơ nổ ra xung đột trên bán đảo đã tăng đến mức không thể chấp nhận được sau những tuyên bố đầy đe dọa gần đây của Trump cũng như việc ông bổ nhiệm nhiều người có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng vào các vị trí cấp cao trong chính quyền.

Nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể giáng đòn hủy diệt vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gây thiệt hại lớn cho Nhật và các công dân Mỹ ở trong khu vực. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhiều khả năng cũng sẽ hứng chịu đòn đáp trả khủng khiếp của liên quân Mỹ - Hàn, có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Kim Jong-un dường như cho rằng chiến lược tốt nhất là kéo dài thời gian để người khó lường như ông Trump hết nhiệm kỳ thứ nhất và chờ đợi một tổng thống mới có quan điểm ôn hòa hơn, dễ đoán trước hơn.

Để phục vụ chiến lược “câu giờ” này, Triều Tiên có thể đưa ra một số nhượng bộ khiêm tốn, mang tính tạm thời để hạn chế chương trình hạt nhân, tên lửa của mình, thực hiện các bước đi mang tính biểu tượng với hy vọng sẽ được Trump chấp nhận và tuyên bố Mỹ đã chiến thắng. Bình Nhưỡng cũng có thể gây khó khăn cho các nhà đàm phán với các cuộc thảo luận phức tạp về kỹ thuật, chẳng hạn như định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Trong bất cứ kịch bản nào, ý tưởng cho rằng động thái ngoại giao hay quân sự có thể xóa bỏ tức thời và vĩnh viễn chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ là một ảo tưởng.

Theo Mount, nếu Triều Tiên tìm cách trì hoãn để có thêm thời gian, Mỹ cần phải lấy lại lợi thế bằng cách đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt về chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên để giảm bớt mối đe dọa với đồng minh trong khu vực, đồng thời theo đuổi một thỏa thuận khắt khe hơn với Bình Nhưỡng.

Nếu chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên không có thêm tiến bộ, thời gian là lợi thế với tất cả các bên. Đây có thể là kết quả khả dĩ nhất giúp Mỹ và đồng minh được an toàn hơn. Nếu làm được điều này, Trump có thể tuyên bố mình đã chiến thắng.
(Adam Mount)


Bình An
Theo vnexpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Lá bài ngoại giao của Kim Jong-un trước thềm cuộc gặp với Trump

Giới quan sát đánh giá lãnh đạo Triều Tiên đang nỗ lực giành thế chủ động trước khi có hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ.

"Cuộc gặp thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp tăng cường vị thế của ông Kim Jong-un trước khi họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump", ông Benoit Hardy-Chartrand, Đại học Temple, Nhật Bản, trao đổi với VnExpress về chuyến công du gần đây của lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp ông Tập vào ngày 7/5 tại thành phố Đại Liên, Liêu Ninh. Hồi cuối tháng ba, ông Kim cũng đã đến Bắc Kinh hội đàm với ông Tập, trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Khu Phi quân sự liên Triều.

Theo Hardy-Chartrand, mặc dù quan hệ Trung - Triều phần nào sứt mẻ trong vài năm qua, việc ông Kim có sự ủng hộ của Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, là điều rất quan trọng trước khi gặp Tổng thống Mỹ. 

Đồng tình với ý kiến này, Phó giáo sư Salvatore Babones, Đại học Sydney, Australia, đánh giá sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho chính phủ Triều Tiên và nền kinh tế nước này vẫn rất quan trọng vì hầu hết xuất nhập khẩu của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nơi cấp phần lớn vốn đầu tư cho Bình Nhưỡng.

Theo Babones, cuộc gặp đầu tiên với ông Kim hồi tháng 3 là cơ hội để ông Tập nhấn mạnh nhu cầu Triều Tiên xây dựng quan hệ hòa bình hơn với Mỹ cũng như các láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản. Cuộc gặp thứ hai ở Đại Liên chắc chắn tập trung vào các quan điểm cụ thể mà Triều Tiên sẽ đưa ra trong các cuộc thảo luận phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Theo ông Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Đại học Philippines, việc ông Kim Jong-un liên tiếp gặp ông Tập Cận Bình không chỉ thể hiện mong muốn có sự ủng hộ của Bắc Kinh, mà còn tạo ra "vài khoảng trống" trong các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên.

"Có thể ông Kim đã giành được một phần nào đó ủng hộ và nới lỏng trừng phạt trong cuộc gặp đầu tiên với ông Tập và có thể cả trong họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim muốn có một vài đảm bảo trong trường hợp đối thoại với Tổng thống Mỹ không mang lại thỏa hiệp từ hai phía", ông Pitlo nói.

Về cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều hôm 27/4, ông Hardy-Chartrand đánh giá lãnh đạo Triều Tiên đã nhận thấy rằng bất kể cuộc họp với Tổng thống Mỹ có kết quả thế nào, mối quan hệ nồng ấm giữa hai miền trên bán đảo giúp giảm áp lực với Bình Nhưỡng.

Nếu cuộc gặp với ông Trump không tiến triển tốt và Mỹ muốn tăng áp lực với Triều Tiên, có thể bất đồng sẽ xảy ra giữa Washington và Seoul. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện thiện chí, bằng cách có những nhượng bộ như tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân. 

"Ông Kim đến nay thể hiện một sự hiểu biết rất sắc sảo về ngoại giao và chơi lá bài của mình khá điêu luyện", ông Hardy-Chartrand đánh giá về Kim Jong-un kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên phát tín hiệu thiện chí chấm dứt căng thẳng trên bán đảo.

Bày tỏ tin tưởng về thiện chí của ông Kim Jong-un trong thảo luận với Mỹ, ông Babones cho rằng Triều Tiên đang có cơ hội bình thường hóa quan hệ với Washington, từ đó có thể thực hiện mở cửa và cải cách, điều mà một số nước trong khu vực đã thực hiện hàng chục năm trước. Ông Kim biết rõ rằng Triều Tiên đang lạc hậu so với các nước xung quanh.

Do đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ vào ngày 12/6, lãnh đạo Triều Tiên có thể hướng đến một thỏa thuận toàn diện để phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đổi lại yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, Babones nhận định.


11 May 2018
Khánh Lynh
vnexpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3
Vì sao Triều Tiên đùng đùng dọa hủy thượng đỉnh?

Bước vào thượng đỉnh Mỹ - Triều và đi ra với một kịch bản tương tự Libya là điều mà Bình Nhưỡng không hề mong muốn.

Hôm qua 16-5, Triều Tiên đã phát hai thông cáo: Một là lên án cuộc tập trận "Max Thunder" (Thần Sấm) của Mỹ - Hàn đang diễn ra và hủy một cuộc đối thoại cấp cao đã lên lịch từ trước với Hàn Quốc, thứ hai là dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thông cáo thứ hai, dẫn phát ngôn của một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên, đã dùng từ ngữ nặng nề. Nội dung thông cáo này đã giúp lý giải tại sao Triều Tiên lại có các phát ngôn bất ngờ khiến giới chức Mỹ-Hàn phải "chết đứng" như vậy.

Chính xác thì thông cáo của Triều Tiên nói gì?

Sau đây là bản dịch toàn văn thông cáo báo chí thứ hai của Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải:

"Ngài Kim Jong Un, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên, đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược nhằm chấm dứt lịch sử không mấy dễ chịu của quan hệ Triều - Mỹ và đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Pompeo 2 lần trong suốt chuyến thăm của ông ấy tại đất nước chúng tôi. Ông Kim đã có những bước đi rộng rãi và vô cùng quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Đáp lại tấm lòng cao thượng của Chủ tịch Kim Jong Un, Tổng thống Trump đã tuyến bố quan điểm của ông về việc chấm dứt sự thù địch ăn sâu bắt rễ từ trong lịch sử và cải thiện quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Tôi cảm kích thái độ tích cực đó, với hy vọng thượng đỉnh Triều - Mỹ sắp tới sẽ là một bước tiến lớn giúp lắng dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Nhưng lúc này đây, ngay trước thượng đỉnh Triều - Mỹ, các bình luận buông thả khiêu khích bên còn lại của cuộc đối thoại đang được đưa ra một cách táo bạo tại Mỹ, và tôi hoàn toàn thất vọng khi các bình luận này cho thấy một cách hành xử vô cùng thiếu đúng đắn.

Các quan chức cấp cao bên trong Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang quyết đoán về cái gọi là mô hình từ bỏ hạt nhân Libya, theo đó 'phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược', hay 'từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học, tên lửa, vũ khí sinh hóa', v.v…trong khi luôn miệng nói về phương thức 'từ bỏ vũ khí hạt nhân trước và đền bù sau'.

Đây không phải là biểu hiện cho thấy ý định giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Về cơ bản, nó lộ rõ một động thái vô cùng nham hiểm nhằm áp đặt số phận của Libya hay Iraq, những quốc gia đã sụp đổ vì giao phó toàn bộ quốc gia của họ cho các cường quốc lớn định đoạt, lên quốc gia chúng tôi.

Tôi không thể nén lại sự phẫn nộ đối với các động thái như vậy của Mỹ, và hiện mang nghi ngờ về sự thành thật của Mỹ đối với việc cải thiện quan hệ Triều - Mỹ thông qua đối thoại và đàm phán.

Thế giới biết rất rõ rằng quốc gia của chúng tôi không phải là Libya hay Iraq, những nước đã chịu số phận đáng thương. Hoàn toàn vô lý khi dám so sánh CHDCND Triều Tiên, một quốc gia đã sở hữu vũ khí hạt nhân, với Libya, một quốc gia chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển hạt nhân.

Chúng tôi đã hiểu rõ về con người của ông Bolton và chúng tôi không giấu được mối ác cảm của chúng tôi đối với ông ấy.

Nếu chính quyền ông Trump không xem lại những bài học rút ra từ quá khứ thì các cuộc đối thoại Triều - Mỹ sẽ phải trải qua sự quằn quại và thoái trào vì những người như ông Bolton và vì việc hướng lỗ tai vào lời khuyên của 'những nhà ái quốc' tương tự - những người khăng khăng thực hiện mô hình Libya và các mô hình tương tự. Đồng thời, viễn cảnh về thượng đỉnh Triều - Mỹ cùng quan hệ Triều-Mỹ nói chung sẽ dễ dàng thấy rõ.

Chúng tôi đã công bố ý định phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và làm rõ trong một số dịp rằng điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch, hăm dọa hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên.

Nhưng ngay bây giờ, Mỹ đang sai lầm khi đánh giá hành động cao thượng và các sáng kiến cởi mở của CHDCND Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, đồng thời cố gắng thêm thắt và la làng như thể các động thái của Triều Tiên là kết quả của các gói trừng phạt và áp lực của Mỹ.


Mỹ đang bô bô rằng nước này sẽ cho chúng tôi những đền bù về kinh tế nếu chúng tôi từ bỏ hạt nhân. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ sự trông mông về việc Mỹ sẽ hỗ trợ tái thiết kinh tế của chúng tôi, đồng thời chúng tôi cũng sẽ không thực hiện một thỏa thuận như vậy trong tương lai.

Đó sẽ là một bộ phim hài lố bịch nếu chính quyền ông Trump - vốn tuyên bố sẽ đi theo một con đường khác với các chính quyền tiền nhiệm - bấu víu chính sách Triều Tiên lỗi thời - một chính sách mà các chính quyền tiền nhiệm Mỹ theo đuổi vào thời điểm CHDCND Triều Tiên đang trong quá trình phát triển hạt nhân.

Nếu Tổng thống Trump đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm, ông ấy sẽ được ghi nhận lại như là một vị tổng thống thất bại và bi thảm hơn các tổng thống trước đây. Điều này đi ngược lại tham vọng ban đầu của ông ấy về việc có được những thành công chưa từng thấy.

Nếu chính quyền ông Trump tiếp cận thượng đỉnh Triều - Mỹ bằng sự chân thành để cải thiện quan hệ Triều - Mỹ, họ sẽ nhận sự hồi đáp thích đáng từ chúng tôi. Tuy nhiên, nếu Mỹ dồn chúng tôi vào chân tường để mà buộc chúng tôi từ bỏ hạt nhân đơn phương, chúng tôi sẽ không còn hứng thú với các cuộc đối thoại như vậy và không thể nào không tái xem xét thượng đỉnh Triều - Mỹ".

Lùi 1 bước, tiến 3 bước

Rõ ràng một "mùa xuân" đang lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên và bất cứ ai - Mỹ, Hàn Quốc, giới quan sát… - cũng đang hy vọng đó là một "mùa xuân" trọn vẹn, ít nhất là ngoài mặt. Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên như một "quả bom" ném vào bầu không khí tốt đẹp đó. Tuy nhiên, đây là một bước đi khôn ngoan của Triều Tiên!

Trước hết, thông cáo này giải thích được việc Triều Tiên có động thái bất ngờ như vậy là có lý do. Đài BBC chỉ rõ: "Triều Tiên đã dọa rút khỏi thượng đỉnh sắp tới với Mỹ, sau khi cố vấn quốc gia John Bolton đề cập tới chữ cái L - tức Libya". Do đó, Mỹ không thể đổ lỗi đây là một hành động bột phát, "vô duyên vô cớ", để mà có các động thái gây bất lợi cho Bình Nhưỡng.

Thứ hai, thông cáo này cho thấy Triều Tiên không muốn thế thượng phong nghiêng về phía Mỹ trong cuộc gặp sắp tới. Triều Tiên khẳng định nước này bước vào cuộc gặp không phải là vì "yếu đuối" do chịu áp lực các kiểu từ Mỹ.

Theo giáo sư Stephan Haggard - một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học California San Diego, có thể ông Kim đang "nắn gân" chính quyền ông Trump để xem liệu Triều Tiên sẽ được một số nhượng bộ nào hay không.

Thứ ba, thông cáo cho thấy rõ ràng Triều Tiên không muốn từ bỏ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Việc đề cập tới chính sách của ông Trump và các tổng thống Mỹ tiền nhiệm cho thấy Bình Nhưỡng đang cố thúc ông Trump không từ bỏ cơ hội để có được "thành công chưa từng thấy.


[Image: kim-va-hat-nhan-15265234982331928901256.jpg]

Triều Tiên nhìn nhận mình là quốc gia đã đạt đẳng cấp về hạt nhân và không thể đi theo vết xe đổ của Libya và Iraq - Ảnh: REUTERS


Giới chức Mỹ chắc hẳn sẽ biết được Bình Nhưỡng đang rất thiện chí, và ông Trump khó lòng chối từ. Thật vậy, theo Đài CNN, ngay trong ngày 16-5 (giờ Mỹ), Nhà Trắng đã ra tuyên bố đính chính tuyên bố của ông Bolton. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng Mỹ không áp dụng một mô hình Libya như ông Bolton nói, mà "đây là mô hình Tổng thống Trump".

Cuối cùng, theo tờ Time, cần nhớ rằng ông Kim trước đây từng tuyên bố các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất chấp tập trận Mỹ - Hàn diễn ra. Tuy nhiên, việc Triều Tiên bất ngờ lên án cuộc tập trận "Max Thunder" có thể là để "dằn mặt" Washington.

Nếu diễn giải tuyên bố của ông Gwan, thì rõ ràng Washington đang yêu cầu quá nhiều, trong khi Bình Nhưỡng thậm chí chưa đề xuất gì về cái gọi là "quà đổi quà" (bỏ hạt nhân - nhận đền bù) như Washington tuyên bố.

Cái mà Triều Tiên cần nhất hiện nay là cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ. Và đó là "món quà" ý nghĩa nhất mà Mỹ cần nghiêm túc trao cho Triều Tiên.


BÌNH AN
tuoitre.vn
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply