2018-04-28, 11:21 AM
Trần Khánh Dư - võ tướng lắm tài nhiều tật
Lập chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, nhưng Trần Khánh Dư từng mắc tội thông dâm, lợi dụng chức quyền để buôn bán.
Những ngày qua, cuốn tiểu thuyết lịch sử "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ gây tranh cãi khi mô tả cảnh quan hệ tình dục của Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy bằng ngôn từ gợi dục, thô thiển. Cuốn sách được trao giải C hạng mục sách hay, giải sách quốc gia lần thứ nhất.
Vậy Trần Khánh Dư được sách sử ghi lại như thế nào? Rất ít tài liệu ghi chép về chuyện thiếu thời của Trần Khánh Dư. Năm sinh của ông cũng không rõ, chỉ biết ông quê ở Chí Linh (Hải Dương), là con trai của thượng tướng Trần Phó Duyệt. Ông có tài mưu lược, dùng binh, uyên thâm văn sử, song cũng nhiều tật.
Mắc tội thông dâm với công chúa
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú viết Trần Khánh Dư là người tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), ông thường thừa cơ đánh úp và giành thắng lợi. Trần Khánh Dư được vua Trần Thánh Tông khen trí dũng, phong làm Thiên tử nghĩa nam (tức con nuôi của vua).
"Sau khi đánh người Man ở núi, đại thắng, Trần Khánh Dư lại được phong Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ nếu không phải là hoàng tử thì không được phong, vì ông là con nuôi vua nên mới được. Ông được vua yêu, từ tước hầu mấy lần được phong lên Thượng vị hầu áo tía, rồi cất lên làm phán thủ", sách Lịch triều hiến chương loại chí chép.
Tranh minh họa võ tướng Trần Khánh Dư.
Thời gian làm quan trong triều, Trần Khánh Dư đã mắc trọng tội. Ông thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con gái của vua Trần Thánh Tông, vợ của Trần Quốc Nghiễn (con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Sự việc xảy ra trước năm 1282 bị bại lộ, Trần Khánh Dư bị bắt, theo luật thời bấy giờ phải bị xử tội chết, tịch thu hết tài sản.
Vua Trần Thánh Tông rơi vào tình thế khó xử. Không xử Trần Khánh Dư tội chết thì luật pháp không nghiêm và gây ra nỗi hận thù cho Trần Quốc Nghiễn. Vua phải nể mặt Hưng Đạo Vương, nhưng cũng không thể giết người con nuôi vừa có tài, vừa có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Cuối cùng, vua cho dùng cực hình, phạt Khánh Dư 100 trượng, đánh tại Hồ Tây.
Theo luật bấy giờ, đánh 100 roi không chết là thiên mệnh cho sống. Vì vậy, vua Thánh Tông đã ngầm ra lệnh cho quan sai nha đánh chúc gậy xuống khiến Khánh Dư đau nhưng không chết. Như vậy, mọi người đều công nhận ông sống là do "thiên mệnh soi sáng". Cách của vua coi như thành công, hợp lòng người.
Mặc dù không chết, Trần Khánh Dư vẫn bị tịch thu hết tài sản, phế truất binh quyền. Ông về quê cha ở Chí Linh làm nghề bán than kiếm sống.
Cuộc gặp gỡ với vua Trần Nhân Tông và chiến công hiển hách
Tháng 10/1282, khi nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than, vua Trần Nhân Tông gặp Khánh Dư (khi đó Trần Thánh Tông là Thái Thượng hoàng). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lúc thuyền của vua đỗ ở bến Bình Than thì bắt gặp một thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua đoán là Khánh Dư, sai người chèo thuyền đuổi theo.
Đến cửa Đại Than, quân hiệu gọi "Ông lái ơi có lệnh vua gọi". Khánh Dư trả lời "Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua gọi". Quân hiệu trở về tâu lại sự việc thì vua chắc chắn đó là Nhân Huệ vương bởi "người thường tất không dám nói thế", liền sai nội thị đi gọi.
"Nam nhi mà đến thế là cùng cực lắm rồi", vua nói khi Khánh Dư đến gặp rồi xuống chiếu tha tội cho ông, ban áo ngự, cho ngồi ở hàng dưới các vương, hàng trên công hầu. Trần Khánh Dư bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua.
Khi quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ ba (năm 1287), thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn (Quảng Ninh ngày nay), Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho phó tướng Vân Đồn lúc đó là Trần Khánh Dư.
Khánh Dư để thất thủ, Thượng hoàng Trần Thánh Tông hay tin liền sai trung sứ đến xiềng ông giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất vài ba ngày để tôi mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn".
Khánh Dư biết thủy quân của giặc đã qua, thuyền vận tải lương thực chắc chắn theo sau nên thu thập tàn quân đợi chúng. Khi thuyền vận tải lương thực đến, ông đánh bại, bắt được rất nhiều quân lương, khí giới, tù binh của giặc.
Cho rằng chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo và khí giới, nay bị quân Đại Việt bắt, vua tha tội cũ cho Trần Khánh Dư, đồng thời thả tù binh về doanh trại quân Nguyên Mông để báo tin. Điều này buộc quân giặc rút lui.
Sách Danh tướng Việt Nam viết, ngoài tài dùng binh, Trần Khánh Dư còn uyên thâm văn sử. Ông viết bài tựa cho cuốn sách nghệ thuật quân sự “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đoạn mở đầu, ông viết: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết”.
Lợi dụng chức quyền để buôn bán
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, người dân ở đó lấy buôn bán làm kế sinh nhai. Mọi thức ăn uống, may mặc dựa vào khách buôn phương Bắc, quần áo, đồ dùng đều theo tục của người Bắc.
Khánh Dư duyệt quân trang thấy vậy liền ra lệnh: "Quân trấn giữ Vân Đồn để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt. Phải đội nón Ma Lôi (tên một hương ở Hồng Lộ chuyên nghề làm nón), ai trái tất phải phạt".
Thực tế trước đó Khánh Dư đã ngầm sai người nhà mua nón Ma Lôi. Thuyền chở nón đã đến đậu trong cảng. Lệnh vừa ban ra, ông lại ngầm sai người phao tin "hôm qua thấy trước vùng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đến đậu". Nhận được tin, người dân tranh nhau mua nón. Ban đầu mua không tới một tiền, sau một chiếc nón đổi một tấm vải. Số vải thu được tới hàng nghìn tấm.
Thơ của một người khách phương Bắc có câu "Vân Đồn gà chó hết thảy đều kinh sợ" là mượn ý sợ uy danh của Khánh Dư, thực là châm biếm ông. Vua cho Khánh Dư là tướng tài, lập được nhiều công lao nên không hỏi đến việc này.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết Trần Khánh Dư có công lao đánh quân Nguyên Mông, nhưng "có tính tham lam, phàm giữ chức trấn thủ ở nơi nào, người trong hạt đều oán ghét".
Trần Khánh Dư mất năm 1340. Ngày nay, ở bến Đình thuộc xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), người dân vẫn tổ chức lễ hội Quan Lạn, nhằm kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn của Trần Khánh Dư.
Nhìn nhận về Trần Khánh Dư, nhà sử học hiện đại Nguyễn Khắc Thuần đã bàn trong Việt sử giai thoại: "Biết được tài của Khánh Dư là vua Trần mà biết được tật của Khánh Dư có lẽ cũng chỉ có vua Trần. Tài thì dùng, tật thì trị... Tiếc thay, Khánh Dư chẳng bỏ được lỗi lầm. Hóa ra, khai sinh danh tướng Trần Khánh Dư là vua Trần, còn khai tử uy danh Trần Khánh Dư lại chính là Trần Khánh Dư".
Nguyễn Khắc Thuần cũng khẳng định: "Nhờ tài cao mà lập được công lớn nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ vương Khánh Dư quả có lý lịch khác thường vậy. Sau Khánh Dư còn nói Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì lạ. Sợ thay"!
Dương Tâm
VnExpress.net
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore