Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Chuyên gia đại học Yale: Dân Thủ Thiêm bị đối xử như không t
#1
'Làng' Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội 
Thứ tư, 9/5/2018 | 00:00 GMT+7



12 lần ra Hà Nội, đoàn người ở TP HCM tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, hàng ngày đến nhà lãnh đạo, cơ quan chính quyền khiếu kiện.

Nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) ra Hà Nội khiếu kiện từ năm 2014. Họ thuê trọ gần trụ sở Ban tiếp dân Trung ương trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội). Do đoàn người thuê trọ lâu ngày, luôn mang theo băng rôn yêu cầu xử lý vụ khiếu kiện đất, nên người dân địa phương quen mặt, thường gọi họ là cư dân xóm trọ Thủ Thiêm.

Cuộc sống xa quê 2.300 km

Từ ngày 30/4 đến nay, hơn 30 người dân Thủ Thiêm thuê bốn phòng trọ trên tầng thượng một nhà nghỉ 6 tầng nằm khuất sau chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm. Mỗi phòng trọ rộng 25 m2, giá thuê 450.000 đồng một phòng một ngày. 

Trưa ngày đầu tháng 5, trong một phòng trọ, khi tấm bản đồ đen trắng phủ gần hết chiếc giường được trải ra, bà Nguyễn Thị Hồng (73 tuổi, trú tại phường An Khánh, quận 2, TP HCM) cùng ba người đàn bà khác xúm lại bàn tán. Thi thoảng, bà lại với những tấm bản đồ và hàng trăm tài liệu liên quan đến vụ khiếu kiện treo ở góc tường, đựng trong hộc tủ ra đối chiếu.

Trên chiếc giường còn lại trong phòng trọ, năm người tranh thủ ngủ trưa sau buổi sáng đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng.



[Image: bathe-1628-1525784135.jpg]
Trong phòng trọ ở Hà Nội, bà Hồng và bà The thường trao đổi về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Gia Chính



"Những lần trước chúng tôi ở nhờ các gia đình hảo tâm. Họ chỉ lấy tiền điện, nước. Đợt này chỗ đó có người ở, chúng tôi phải chọn nhà nghỉ này vì họ cho ở số lượng người lớn trong một phòng và được nấu ăn, dù giá đắt đỏ", bà Hồng nói.

Cao tuổi nhất, sức khỏe yếu, bà Hồng được giao nhiệm vụ “anh nuôi” cho đoàn người từ Thủ Thiêm ra. Mỗi ngày bà đi chợ, đong 4kg gạo, tằn tiện mua thực phẩm chế biến. Vì số người lớn, bà phải nấu thành hai nồi cơm ở hai gian phòng.

“Bữa cơm hàng ngày chủ yếu là rau, nước canh và thịt vịt rút xương (trứng vịt luộc theo cách gọi tếu táo của người Nam Bộ). Chúng tôi đều nghèo, trước khi ra ngoài này phải vay mượn. Các chi phí sinh hoạt vì thế phải được giảm tới mức tối đa để dành tiền đi lại", bà Hồng kể.

Đi khiếu nại từ 5h sáng đến tối mịt

Tối hôm trước, cư dân ở "xóm trọ Thủ Thiêm" phân công nhau đến nhà lãnh đạo cấp cao ở phố Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm), cách nhà trọ chừng 11 km. Họ vạch ra tuyến đường phải đi, tính toán giá vé xe buýt, quãng đường cuốc bộ.

“Chúng tôi phải đi từ 5h, bắt ít nhất hai chuyến xe buýt, đi bộ 3 km và phải đến cổng nhà trước lúc lãnh đạo đi làm để họ có thể thấy chúng tôi đang kêu cứu”, bà Lê Thị The (72 tuổi, phường Bình An, quận 2, TP HCM) nói.

Sau khi đến nhà lãnh đạo lúc 7h sáng, họ đi xe buýt gần 3 km đến đường Hùng Vương (Ba Đình), nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan của Đảng, Chính phủ và Quốc hội

Đúng 11h hàng ngày, đoàn người được công an quận Ba Đình chở về khu trọ. "Các chiến sĩ rất vui tánh. Trên đường về, chúng tôi nói chuyện vui vẻ. Có lần chiến sĩ còn trêu hẹn ngày mai gặp lại các bác. Những việc làm đó tuy đơn giản, nhưng với những người xa quê như chúng tôi thấy rất ấm áp", ông Hồ Tuấn Thừa (42 tuổi, phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM) kể lại.

Sau bữa cơm trưa, đầu giờ chiều ông Thừa cùng nhóm người Thủ Thiêm lại đến trụ sở Ban tiếp dân Trung ương ở cùng con phố để căng băng rôn kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đơn thư của họ.
[Image: 6-JPG-4992-1525672498.jpg]
Ông Thừa chia sẻ rất mệt mỏi sau 4 năm khiếu kiện. Ảnh: Gia Chính



"Chúng tôi nhiều lần chờ đợi ở nhà lãnh đạo đến tối khuya để bày tỏ mong mỏi được giải quyết. Tôi bị ngất hai lần, một lần trước cửa nhà lãnh đạo, một lần trước cổng Văn phòng Chính phủ, do tụt huyết áp vì nhịn đói và đứng lâu dưới trời nắng”, bà Nguyễn Thị Hồng rơm rớm nước mắt kể.

Việc khiếu kiện của cư dân xóm trọ diễn ra đều đặn mỗi ngày, bất kể mưa nắng. Hơn 30 người được chia thành bốn nhóm thay phiên nhau đi để đảm bảo sức khỏe. Họ chỉ dừng lại khi có lãnh đạo từ TP HCM ra tiếp xúc, hứa hẹn và đưa về.

Bốn năm, 12 lần ra Hà Nội 

Buộc lại mái tóc trắng bạc phơ, bà Hồng giải thích, năm ngôi nhà của bà và các con trên diện tích 1.200 m2 tại phường An Khánh nếu theo bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 thì không thuộc diện giải tỏa. Nhưng theo các bản đồ quy hoạch sau đó, nhà lại thuộc diện giải tỏa để phục vụ dự án.  

"Năm 2012 và 2014, gia đình nhận được hai thông báo cưỡng chế. Sau hàng trăm lần gặp các cấp chính quyền TP HCM không đem lại kết quả, tôi đã cùng người dân kéo ra Hà Nội khiếu kiện", bà Hồng nhớ lại.

Năm 2016, Ban tiếp dân Trung ương ra quyết định 119 yêu cầu TP HCM tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để làm rõ khiếu nại của người dân. “Sau khi mang quyết định 119 về, chính quyền đã dừng cưỡng chế năm ngôi nhà của tôi và các con, nhưng lại đổ đất xung quanh. Đống đất cao 1,5 m biến nhà tôi thành thung lũng, thường xuyên ngập nước”, bà Hồng kể.

Không giữ được nhà như bà Hồng, đại gia đình với 30 nhân khẩu của ông Hồ Tuấn Thừa phải đến khu ở tạm vì sáu ngôi nhà đã bị cưỡng chế. “Họ đưa quyết định cưỡng chế nhiều lần, nhưng gia đình tôi không đồng ý. Tháng 6/2013, quận 2 đem quyết định cưỡng chế cùng hơn 500 người đến yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ. Lúc đó, nhà có mẹ già bị bệnh, hai bà bầu nên phải đồng ý tự tháo dỡ để có nơi ở tạm cho gần 30 người”, ông Thừa nhớ lại.



[Image: 2-JPG-9449-1525672498.jpg]
Bà The cùng nhiều người già trong đoàn bị bệnh phải mang theo thuốc. Ảnh: Gia Chính



Là một trong những người đầu tiên khiếu kiện, bà The bảo đến nay đoàn người ở Thủ Thiêm đã ra Hà Nội 12 lần, mỗi lần từ một đến bốn tháng và hầu hết là người già, không có khả năng làm kinh tế. Con cháu khỏe mạnh phải ở lại miền Nam tiếp tục công việc kiếm tiền, phục vụ cho những chuyến ra Bắc tốn kém. 

Những người dân Thủ Thiêm ở xóm trọ đề nghị được xem tấm bản đồ 1/5.000 kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ký ngày 4/6/1996. Tấm bản đồ sẽ xác định rõ vị trí trong và ngoài ranh quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nguyện vọng của họ không được đáp ứng.

“Sau 4 năm ra Bắc khiếu kiện, chúng tôi rất mệt mỏi, nhưng sẽ quyết theo đuổi đến ngày có kết quả. Mấy hôm nay thấy báo chí đăng nhiều về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, chúng tôi ai cũng phấn khởi, bảo nhau cuối cùng ngày đó cũng đến. Chỉ mong mọi việc kết thúc nhanh để chúng tôi về với gia đình”, ông Thừa nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban Tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết đợt này bà con trong Thủ Thiêm ra hơn 30 người. Ban đã tổ chức tiếp dân, thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo ông Điệp, kết luận này có từ trước Tết Âm lịch, khi đó bà con đã về và hy vọng được giải quyết. Nhưng chờ đợi lâu quá mà chưa thấy chuyển biến gì, bà con lại kéo ra. "Chúng tôi thực sự cảm thấy có một phần lỗi với bà con dù đã làm hết sức mình. Có những đợt bà con ra tới 4 tháng, nhìn họ chúng tôi rất thương và cố gắng hết sức chia sẻ khó khăn".

Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM. Khu đô thị có các chức năng chính là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Để đầu tư xây dựng siêu dự án này, thành phố đã mất 10 năm giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Trong văn bản gửi Thủ tướng năm 2015, thành phố cho biết tổng vốn đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng.

Khoảng 100 hộ dân không đồng ý với phương án di dời. Họ kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện vì cho rằng diện tích đất đang ở nằm ngoài ranh quy hoạch, căn cứ theo bản đồ gốc 1/5.000 kèm theo quyết định 367 ký ngày 4/6/1996 của Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Tại cuộc họp báo ngày 2/5/2018, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, bản đồ 1/5.000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện tìm không ra.

Reply
#2
https://news.yale.edu/2016/12/06/qa-anth...y-s-saigon



Chuyên gia đại học Yale: Dân Thủ Thiêm bị đối xử như không tồn tại 

10/05/18 06:04 GMT+7





[Image: ThuThiem_COVER.jpg]

"Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân", PGS.TS. Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ), viết cho Zing.vn.


Trong suốt tuần qua, Thủ Thiêm đã trở thành từ khóa nóng và đang tràn ngập các trang báo Việt Nam. Tuy nhiên, với những hộ dân thuộc diện di dời để nhường chỗ cho các dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vấn đề này đã thực sự “nóng” từ lâu.

[Image: Erik_Harms_4_4.jpg]
Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms đang công tác tại ngành Nhân học Văn hóa xã hội (Socio-Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ. Ông thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997. Cuốn sách mới đây của ông Luxury và Rubble (Xa hoa và đổ nát), tập trung về sự phát triển của các khu đô thị mới ở TP.HCM.

Vào thời điểm đó, chính quyền tuyên bố rằng khu vực giải phóng mặt bằng tại Thủ Thiêm là nơi sinh sống của 14.600 hộ dân. Tất cả những người sống trong các hộ gia đình này đều bị buộc di dời để nhường chỗ cho dự án.

Suốt tuần qua, trong khi mọi người đang bàn tán về tấm bản đồ bị mất, câu chuyện thực sự nằm ở việc những cư dân bị mất nhà cửa. Đó là cuộc sống của những người đã hy sinh cho thành phố và đất nước.

Khi được mời đưa ra nhận định chuyên môn về Thủ Thiêm, tôi chỉ có một lời khuyên thế này: Đừng mất thời gian nghe tôi, hay tất cả các “chuyên gia” khác. Thay vào đó, hãy dừng lại và lắng nghe tiếng nói của những người dân tại các phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông, TP.HCM.

Hãy lắng nghe những người sống ở các khu dân cư xung quanh các con đường nhộn nhịp như Lương Định Của, Cây Bàng và Trần Não. Họ thân thuộc với từng con kênh, con rạch chạy qua Thủ Thiêm tương tự như người dân thành thị am hiểu về phố xá Sài Gòn.

[Image: cu_dan_thu_thiem_0_zing.JPG]
Giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), nơi có những đại dự án nghìn tỷ của các đại gia bất động sản đã và đang xây dựng, nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn vẫn tồn tại. Ảnh: Lê Quân.

Họ đã mất cả cộng đồng


Tôi đã nhận được rất nhiều email và tin nhắn từ bạn bè, chỉ ra chuyện này sẽ khiến các nhà chức trách quy hoạch đô thị trở nên buồn cười như thế nào. Mọi người hỏi tôi đây có phải là một trò đùa không và những email, tin nhắn của họ chứa đầy các dấu chấm than và chấm hỏi hàm ý sự giễu cợt.


Quote:Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.

TS. Erik Harms


Bản thân tôi không thể cười, dù đồng ý rằng câu chuyện này đang khiến mọi người hoài nghi về năng lực và ý định ban đầu của các nhà lãnh đạo dự án.

Tôi không thể cười vì trong quá trình thực hiện cuốn sách về sự phát triển của các khu đô thị mới tại Việt Nam, tôi có thể hình dung được những gì hàng nghìn người dân Thủ Thiêm phải trải qua. Với những người dân Thủ Thiêm, dự án này không phải là trò cười. Họ đã mất kế sinh nhai. Họ đã mất làng xóm, tình bạn. Họ đã mất cả một cộng đồng.

Nếu ai đó sẵn sàng lắng nghe người dân Thủ Thiêm - và ý tôi là thật sự lắng nghe chứ không chỉ gặp mặt đơn thuần - họ sẽ hiểu rằng có rất nhiều người đang hồ hởi vì được là một phần trong dự án phát triển đô thị mới nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố.

Rất nhiều bạn bè tôi ở Thủ Thiêm nói rằng họ sẵn sàng hy sinh. Họ sẵn sàng làm vậy vì họ yêu Việt Nam và yêu TP.HCM như mọi người dân khác. Nhưng những ai chấp nhận hy sinh cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng.

Thế nhưng thực tế lại ngược lại. Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.

[Image: 10_zing_1.JPG]
Căn nhà lụp xụp trên phố Trần Não là chỗ trú của 16 người suốt 8 năm qua. Ảnh: Phúc Minh

Theo báo chí mấy ngày qua, số lượng các hộ gia đình trong diện giải tỏa từ Thủ Thiêm cao hơn cả con số tôi từng nghe được trong quá trình thực hiện cuốn sách. Bây giờ con số này đã là trên 15.000 hộ gia đình.

Quote:
Trong các tài liệu này, các hộ gia đình trong diện giải tỏa không được nhận dạng là con người mà thay vào đó là “hồ sơ”, như thể giấy tờ còn quan trọng hơn nhân phẩm của họ.

TS. Erik Harms
Hiểu rõ điều này, James Scott, đồng nghiệp của tôi tại Yale, đã chỉ ra một vấn đề cố hữu: Các nhà chức trách bỏ qua thực tế đang diễn ra trước mắt khi tiến hành dự án, do đã quen nhìn nhận qua văn bản và bản đồ (khi bản đồ chưa bị mất).

Có thể thấy điều này trong các tài liệu quy hoạch của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Trong các tài liệu này, các hộ gia đình trong diện giải tỏa không được nhận dạng là con người mà thay vào đó là “hồ sơ”, như thể giấy tờ còn quan trọng hơn nhân phẩm của họ.

Điều này được minh chứng rõ trong các bản đồ quy hoạch, thường xuyên được các hình ảnh mô tả như những vùng đất trống không có dân cư. Mọi thứ được thể hiện qua góc nhìn từ trên xuống, và không hề tính đến thực tế cuộc sống con người ở nơi mà các nhà quy hoạch tuyên bố đang được cải thiện.

“Đi xe xem đất”

Điều tôi đang mô tả, dĩ nhiên, không có gì bất ngờ với những người bạn của tôi ở Việt Nam. Họ gọi hình thức quản lý này là “cưỡi ngựa xem hoa”. Hình thức này cũng phổ biến tại Trung Quốc.

Tôi sẽ để cho độc giả tự quyết định tại sao các hộ dân trong khu vực giải tỏa của các dự án phát triển đô thị mới lại dùng câu thành ngữ này để mô tả các nhà quy hoạch dự án Thủ Thiêm.

Có thể chúng ta nên áp dụng một thành ngữ mới trong thời kỳ hiện đại: “Đi xe xem đất”. Dù trong trường hợp nào, tôi chỉ có duy nhất một khuyến nghị: Các nhà quy hoạch đô thị tốt cần phải xuống ngựa hoặc xuống xe để nói chuyện với người dân.

Các dự án phát triển đô thị quy mô lớn được điều hành bởi những nhà quy hoạch “tháp ngà” và không lắng nghe người dân thường không đạt được kết quả như mong muốn. Các chuyên gia đã mô tả không ít các dự án lớn trên thế giới phải nhận sự thất bại do không tính đến yếu tố con người mà đáng ra mục đích của dự án phải là nâng cao đời sống người dân. Chandigarh (Ấn Độ) và Brazilia (Brazil) và nhiều dự án nhà ở xã hội tại Mỹ là các ví dụ điển hình.

Với các dự án được các chuyên gia coi là thành công như dự án nhà ở xã hội của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB), các nhà quy hoạch đã đặt tâm nguyện của người dân lên trên. Trong khi nhiều nhà quy hoạch Việt Nam lấy Singapore làm hình mẫu, họ thường bỏ qua một yếu tố quan trọng trong mô hình HDB.

Theo chuyên gia đô thị Chua Beng Huat, mô hình HDB là một phần quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội cho người dân và đồng thời là một hình thức quy hoạch đất đai cân đối giữa người giàu và nghèo để đảm bảo tất cả công dân đều có nhà để ở.

Tại Singapore, mô hình HDB là cách để chính phủ dân chủ hóa nhà ở. Mô hình này giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội, vốn thường đi kèm với bùng nổ đất đai. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, mô hình nhà ở xã hội này lại được biến tướng thành cơ hội phát triển bất động sản.

[Image: cu_dan_thu_thiem_2_zing.JPG]
Những căn nhà loang lỗ ở Thủ Thiêm hiện tại. Ảnh: Lê Quân.

Hãy nghe dân Thủ Thiêm nói
Bài học chính mà tất cả các chuyên gia đô thị muốn truyền tải là việc lắng nghe người dân phải được coi là cốt lõi trong quá trình phát triển bất cứ hình thức nhà ở nào. Phát triển là dành cho người dân, không phải cho dự án. Tuy vậy tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân. Vì thế, nhiều công dân Việt Nam đã dùng từ “bị quy hoạch” thay vì “được quy hoạch” khi nói về các dự án đô thị.

Quote:
Tại Thủ Thiêm, dự án đã trở nên quan trọng hơn người dân. Vì thế, nhiều công dân Việt Nam đã dùng từ “bị quy hoạch” thay vì “được quy hoạch” khi nói về các dự án đô thị.

TS Erik Harms
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi người dân Thủ Thiêm bị biến thành vô hình.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy những người dân ở đó dường như không tồn tại trong phần lớn lịch sử Sài Gòn.

Trong lần đầu đặt chân đến Sài Gòn năm 1997, tôi ghé thăm bến Bạch Đằng và hỏi người dân bên kia sông là gì, họ trả lời: “Không gì cả”. Thủ Thiêm dường như không tồn tại trong các bản đồ của các chính quyền ở Việt Nam. Thế nhưng nếu thật sự tìm hiểu thì có thể nhận thấy những người dân Thủ Thiêm đã ở đây từ rất lâu rồi.

Các nghiên cứu của sử gia Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra sự tồn tại của người dân nơi đây trong lịch sử. Cuộc sống nhộn nhịp ở cả hai bên bờ sông Sài Gòn đã được mô tả trong nhật ký của các nhà thám hiểm đến Sài Gòn lẫn trong văn chương của Trịnh Hoài Đức hay Trương Vĩnh Ký.

Khi bắt đầu học tiếng Việt và đọc về lịch sử Nam Bộ, tôi đã học được câu nói: “Nơi nào có đình thì nơi đó có làng Việt Nam”. Sau đó, khi tìm hiểu về Thủ Thiêm, tôi được biết ở đó không chỉ có hai đình (An Khánh và An Lợi Đông) mà còn có rất nhiều chùa, đền, và nhà thờ. Tổng cộng, có 29 công trình tôn giáo phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân.

Với tôi, đây hoàn toàn không phải là một khu đất trống. Đó là một khu dân cư chứa đựng đầy đủ những tinh hoa văn hóa Việt Nam. Để có thể biết về cuộc sống của họ, chúng ta phải bước chân xuống ngựa hoặc mở cánh cửa ôtô để nói chuyện với người dân.

[Image: cu_dan_thu_thiem_11_zing.JPG]
Nhiều xóm trọ tạm bợ, lụp xụp mọc lên gần khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân

Thế nhưng, vì một lý do nào đó, các nhà quy hoạch đã coi mảnh đất này là trống bất chấp rất nhiều bằng chứng về sinh hoạt dân cư. Họ vẫn phớt lờ tiếng nói của người dân kể cả trong quá trình xử lý “hồ sơ”. Trong quyển sách của tôi về các khu đô thị mới, tôi gọi hiện tượng này là “nhìn mà không thấy”. Đây chính xác là những gì đang xảy ra khi các nhà quy hoạch chỉ nhìn chằm chằm vào mảnh đất và mơ về những dự án lớn trong tương lai.

Mọi chuyện không cần thiết phải diễn ra như vậy. Kể cả những nhà lãnh đạo cũng có khả năng bước ra khỏi ôtô và nói chuyện với người dân.

Trong khi đang theo dõi tin tức về vụ mất bản đồ, tôi rất vui khi được biết về một cựu lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe dân. Ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND TP.HCM, đã thể hiện cách nhìn nhận riêng của mình với những vấn đề liên quan đến dự án Thủ Thiêm, một dự án mà chính ông đã tham gia trong giai đoạn đầu.

Ông cho biết bài học của mình không đến từ chuyên gia nước ngoài nào mà đến từ một người dân sinh sống tại đường Lương Định Của, con đường nằm giữa trung tâm của khu vực giải tỏa. “Gia đình tôi sắp bị giải tỏa và chúng tôi vẫn chưa biết phải dọn đi đâu nữa,” dược sĩ này buồn bã cho biết khi ông Thanh dừng lại để mua thuốc.

Khi tôi đọc lời chia sẻ của ông Thanh, tôi nhận ra những hành động nhỏ bé như nói chuyện với người dân chính là yếu tố cốt lõi đang bị bỏ sót trong toàn bộ kế hoạch. Những dẫn chứng từ các chuyên gia đã củng cố thêm cho phát hiện của ông Thanh vào ngày đó khi nói chuyện với một người dân Thủ Thiêm.

Trên tinh thần này, tôi sẽ bảo lưu quan điểm: Đừng nghe tôi, hãy lắng nghe người dân Thủ Thiêm.
Reply
#3
Tấm bản đồ Thủ Thiêm sao lại sốt sình sịch đến thế? 

11/05/2018 03:05 GMT+7


- Cái tên Thủ Thiêm đang gây xôn xao dư luận khi có người hài hước đề xuất “cần phát lệnh truy nã tấm bản đồ mất tích”, vì suốt 20 năm qua, dẫu “nỗ lực” đến mấy, TP.HCM vẫn chưa tìm thấy nó. Câu chuyện tưởng chừng vô lý ấy cho thấy, phía sau tấm bản đồ qui hoạch được cho là thất lạc đã hé lộ nhiều sự thật khác.

Buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.HCM hôm qua với hàng chục ý kiến đầy bức xúc của cử tri quận 2 xung quanh việc cưỡng chế thu hồi đất giao cho DN có nhiều điều bất thường, thu hồi đất ngoài ranh giới qui hoạch, giá đền bù thấp hơn nhiều lần so với thực tế, khiến nhiều gia đình phải khổ sở vì thiếu thốn chỗ ở, cuộc sống bị đảo lộn… cho thấy việc tấm bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc không còn đơn giản là sự không chuyên nghiệp của cơ quan hành chính địa phương nữa.

Nó bắt đầu cho dư luận thấy một câu chuyện khác nghiêm trọng hơn, phía sau sự “lòng vòng” của cơ quan chức năng TP.HCM.

[Image: tam-ban-do-thu-thiem-sao-lai-sot-sinh-sich-the.jpg]
Cử tri Nguyễn Hồng Quang cho biết, tấm bản đồ này người dân lấy từ Cục Lưu trữ, vậy tại sao TP nói không thấy bản đồ? Ảnh: Văn Châu

Đề nghị ''truy nã tấm bản đồ...''

Trong khi các cơ quan chức năng TP.HCM cho rằng chưa tìm ra tấm bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm, thì người dân lại dễ dàng tìm thấy nó ở Cục Lưu trữ và sẵn sàng trưng ra với ĐBQH. Vì thế, lời đề nghị “truy nã tấm bản đồ thất lạc” đang lan truyền được cho là mang tính hài hước. Bởi lẽ, nếu có tấm bản đồ qui hoạch một khu đô thị tầm cỡ như Thủ Thiêm được lập ra kèm với Quyết định phê duyệt của Thủ tướng ngày ấy thì với tính chất quan trọng như vậy, nó phải được lưu trữ ở rất nhiều cơ quan chuyên môn từ địa phương đến TƯ.

Tấm bản đồ ấy không thể mất chỉ vì một vài lần chuyển cơ quan, cũng không thể mất khi tất cả các loại hồ sơ tài liệu khác kèm theo vẫn còn nguyên. Lại càng vô lý khi nó lại bị thất lạc đồng loạt ở tất cả các cơ quan!

20 năm người dân có đất đai, nhà cửa bị thu hồi giải tỏa phục vụ dự án KĐT Thủ Thiêm liên tục khiếu kiện từ địa phương đến TƯ. Cũng là 20 năm, các cơ quan chức năng TP.HCM khất lần khất hồi về “tấm bản đồ thất lạc”.

Mà một khi lời hứa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì sự nghi hoặc của người dân với cơ quan công quyền cũng ngày càng nhiều hơn. Cách giải thích của người phát ngôn UBND TP.HCM rằng “chỉ là chưa tìm thấy chứ không phải là mất hay không có” là quá mơ hồ, trừu tượng.

Không tìm ra bản đồ qui hoạch tổng thể khi Thủ tướng phê duyệt năm 1996, nhưng Thủ Thiêm lại có rất nhiều bản đồ qui hoạch khác được lập sau này phục vụ cho việc triển khai dự án.

Người dân nghi ngờ những lần điều chỉnh sau đó, các cơ quan chức năng TP đã không làm đúng với qui hoạch ban đầu. Nhiều người cho rằng đất đai, nhà cửa của họ nằm ngoài qui hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi để giao cho doanh nghiệp. Phải chăng tấm bản đồ đã bị “thất lạc đúng qui trình” để lấp liếm chuyện này.

Vì sao 160ha đất tái định cư biến mất?

Cần thiết phải nhắc lại chuyện này, vì hơn 10 năm trước, một số báo lớn đồng loạt đăng bài, nêu thắc mắc: “Vì sao 160 ha đất tái định cư của người dân Thủ Thiêm biến mất”?

Rồi cũng chính các báo đã tìm ra câu trả lời sau khi điều tra, 160 hecta đất ấy không biến mất, mà chỉ chuyển địa chỉ từ đất định cư của dân sang hàng chục dự án bất động sản khác của các doanh nghiệp. Cho nên, nói tấm bản đồ qui hoạch (nếu có) mà tự dưng biến mất là vô lý.

Trong khi đó, mới đây, ông Võ Viết Thanh - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: Không hề có tấm bản đồ nào như vậy. Mà chỉ có 13 tờ bản đồ chi tiết về giao thông, điện, nước, các phân khu chức năng…Cho nên nói đi tìm tấm bản đồ thất lạc là điều không thể!

Còn nhớ, năm 2015, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải được báo chí ca ngợi hết lời vì chỉ mất 30 phút tiếp dân đã giải quyết được vụ khiếu kiện đất đai ròng rã gần 10 năm của ông Lê Văn Lâm.

[Image: tam-ban-do-thu-thiem-sao-lai-sot-sinh-sich-the-1.jpg]
Ảnh: Văn Châu

Năm sau, ông lại xuất hiện tươi tắn trên nhiều tờ báo khi cũng chỉ vài mươi phút, đã giải quyết xong vụ khiếu kiện kéo dài 25 năm của ông Võ Văn Khuyến. Thế nên dư luận thật khó hiểu khi là người kế nhiệm ông Võ Viết Thanh, trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án KĐT Thủ Thiêm: Vì sao ông Lê Thanh Hải và các cơ quan chức năng TP.HCM lại không biết đến 13 tấm bản đồ này, mà cứ trả lời loanh quanh với dân, khiến họ càng thêm bức xúc, kéo nhau đi kiện tụng khắp nơi.

Không chấp nhận cách hành xử mập mờ

Người dân có quyền nghi ngờ sự lòng vòng của một số cá nhân trong các cơ quan chức năng TP.HCM xung quanh câu chuyện tấm bản đồ Thủ Thiêm bị thất lạc. Người dân cũng mong, với tinh thần giải quyết công việc một cách rốt ráo như đã từng làm với một vài trường hợp khiếu nại trong 30 phút năm nào, ông Lê Thanh Hải, với tư cách là người từng đứng đầu chính quyền TP.HCM một thời, hãy giúp chính quyền đương nhiệm,“có lời” với dân một cách rõ ràng, giúp họ giải tỏa bức xúc bấy lâu.

Dư luận có quyền nghi ngờ những khuất tất phía sau sự quanh co về con đường lòng vòng của tấm bản đồ Thủ Thiêm suốt 20 năm qua. Giả sử tấm bản đồ ấy từng tồn tại, thì không phải ngẫu nhiên mà nó lại đồng loạt biến mất ở tất cả những nơi cần lưu giữ. Còn nếu tấm bản đồ ấy chưa từng có, thì rõ ràng là có người cố ý bỡn cợt pháp luật, lừa dối nhân dân, lừa dối chính quyền, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước.

Một Đảng suốt đời phục vụ quốc gia dân tộc, một Chính phủ Kiến tạo - Liêm chính - Hành động và Vì dân, thì không thể chấp nhận cách hành xử mập mờ, bỡn cợt với pháp luật dù là của chỉ một vài cá nhân trong bộ máy công quyền!

Vân Thiêng
Reply
#4
Chúng tôi hy sinh đất mà không thấy quảng trường, nhà hát, chỉ thấy phân lô bán nền? 

14:21 - 10/05/2018




Cuộc tiếp xúc với cử tri quận 2 ngày 9/5 được coi là “lịch sử” khi kéo dài từ 14h đến 20h45’. Giống như con nước bị chặn lại nay được phá bờ, các cử tri thay nhau phát biểu không biết mệt mỏi để “thỏa” những kìm nén trong thời gian dài vừa qua.


[Image: infonet_quy_hoach_thu_thiem_11.jpg]
Một người dân ôm đầu suy tư trong buổi tiếp xúc.


Hướng về các ĐBQH, với lời nói rõ ràng, rành mạch, cử tri Đặng Thị Bích Ngọc (ngụ đường Lương Định Của) cho rằng tài sản của mình đã bị “cưỡng chiếm”.

“Nhà tôi bị cưỡng chiếm vào 30/11/2011. Nếu quận 2 lấy đúng pháp luật đó là cưỡng chế, nhưng họ đập nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch thì rõ ràng là cưỡng chiếm” – bà giải thích cho cách dùng từ của mình.

“Họ đập phá nhà cửa, đẩy gia đình tôi ra đường sống khổ sở 7 năm nay. Giờ tôi yêu cầu chỉ vị trí 160ha (tái định cư) ở đâu, tại sao toàn bộ các khu dân cư lại bị giải tỏa trắng lại mọc lên khu dân cư phía Bắc, đúng vào khu dân cư chúng tôi sau khi bị cưỡng chiếm?” – bà chất vấn.

Run rẩy cầm tờ giấy lặp lại đến 2 lần yêu cầu của mình như vô thức, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ đường Lương Định Của) cho biết, bà có mảnh đất rộng 89m2 và bị quận cưỡng chế ngày 1/3/2012. Vì già yếu, neo đơn nên từ đó đến nay, bà lê lết quanh các con đường “ăn xin từng đồng mà sống qua từng ngày”.

“Tôi chưa nhận đồng bồi thường nào và họ dúi tôi vào sống tạm cư” – bà nói. Đồng thời bà cho biết, mức phí quản lý lẫn điện nước hơn 100.000 đồng mỗi tháng thực sự là gánh nặng với người không nơi nương tựa như bà.

Là người khiếu kiện trong thời gian dài, cử tri Nguyễn Thị Tám chia sẻ rằng mình “gặp hoài” các ĐBQH của thành phố “cả ở đây và ở Hà Nội” vì bà từng ra đó 2 tháng.

“Chính quyền cưỡng chế xong rồi mà không đưa ra được bản đồ quy hoạch thì dựa vào đâu các anh đập nhà tôi?” – bà chất vấn.

Cử tri Đặng Văn Truyền thì cho biết, gia đình ông cùng nhiều hộ dân tại khu phố 1 phường Bình An và khu phố 1, 2 phường Bình Khánh cho rằng, đất của mình ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền quận 2 khi đó cưỡng chế.

“Ngày 23/12/2015, khi tôi đang ở trong nhà thì họ tới buộc phải ra ngoài. Từ trụ cột chính trong gia đình mà bao năm nay tôi mất nhà, mất công ăn việc làm, bị đẩy ra khu tạm cư nhếch nhác. Những người dân cố cựu của Thủ Thiêm mà khổ như vậy thì làm sao đúng chính sách của Nhà nước?” – ông nói.


[Image: infonet_quy_hoach_thu_thiem_1.jpg]
Cử tri trình tấm bản đồ cỡ lớn trước bàn làm việc của các ĐBQH.

Còn cử tri Nguyễn Tiến Thịnh thì “tâm sự” với các ĐBQH rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đất hy sinh nhà để đến giờ chỉ thấy mọc lên cao ốc, phân lô bán nền mà không thấy quảng trường, nhà hát”.

Rơi nước mắt trình bày với các ĐBQH, ông Trần Kim Long cho biết, ông xa TP.HCM mấy chục năm, đến khi quay trở lại thấy nhà đã bị giải tỏa, ông làm đơn thưa kiện nhưng chưa được giải quyết. Đau khổ chưa dừng lại - vì vậy mà “vợ tôi đã uất ức mà chết”.

Ngồi chăm chú nghe tất cả các ý kiến của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phải nhiều lần trấn an những tiếng khóc lóc, lớn giọng. Bà cam kết sẽ nghe hết các ý kiến và khuyên những cử tri lớn tuổi không nên quá xúc động để giữ sức khỏe.

“Bà con hỏi có day dứt không? Xin thưa với cô bác là rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy xót xa lắm. Khi cô bác còn ý kiến có nghĩa là còn tin mình, vậy mà mình lại không giải quyết được” – bà Tâm nhìn nhận.

Bà Tâm cũng bình tĩnh đón nhận những lời công kích khá nặng nề vào cá nhân mình: “Cô bác nặng lời cỡ nào mình cũng nghe. Nghe để giải quyết, mình giải quyết chưa thấu đáo thì cô bác nói mình phải nghe” – bà chia sẻ.

Nói với PV sau cuộc họp, một cử tri bày tỏ rằng họ biết cuộc họp hôm nay sẽ không thể kết thúc được vấn đề, tuy vậy họ hài lòng khi mình được nói lên những ấm ức lâu nay, và quan trọng hơn qua báo chí, truyền thông tiếng nói của họ đã được hàng triệu người nghe, chứ không chỉ gói gọn trong các cơ quan mà họ từng khiếu kiện như hàng chục năm qua vẫn vậy.
Reply