Tiểu Luận Văn Chương
#1
Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn

Khi xem xét thế giới nội tâm của mình đa số nhà văn có lương tri đều ngượng. Các sự kiện thảy đều vụn vặt, chắp vá, nhem nhuốc, những suy luận duy tâm duy vật đan kẽ nhau thậm chí bỉ ổi, còn điều mà chúng ta gọi là tri thức thì được ủ bọc trong trạng thái giống như phôi, thai, đúng hơn là ở trạng thái khả năng. ở đôi ba người may mắn nhất, sâu trong tâm hồn của họ thấp thoáng bóng một người đàn bà đỏ:

Tôi vẫn đi tìm người đàn bà ấy
Người đàn bà đỏ của số phận tôi
Nàng ở nơi đâu: góc biển chân trời?
Tôi vẫn đi tìm, đi hoài chẳng thấy...

Tôi không hiểu tại sao xã hội lại đi đòi hỏi nhà văn nhiều sứ mệnh lớn lao đến nỗi trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi, chứ nếu là người bình thưòng thì tôi chắc không sao chịu được. Tôi đã suy nghĩ nhiều điều đó và tôi thường ngờ rằng chuyện này có bàn tay chính trị nhúng vào.

Trong đời sống tất cả sự nhạy cảm mà bọn nhà văn tưởng bở nhìn chung chẳng ăn nhằm gì so với sự nhạy cảm ở nhà chính trị. Tôi rất thú chuyện khi ghi hồ sơ của Vũ Trọng Phụng, một viên cò thời thuộc Pháp trước đây đã phê ba chữ: vô nghề nghiệp. Từ trạng thái vô nghề nghiệp chuyển sang trạng thái lưu manh ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi. Sự hạ nhục của viên cò vô danh kia điển hình cho một khía cạnh nhạy cảm chính trị nào đấy đối với người cầm bút.

Thực ra đa số nhà văn cũng hiếu danh và việc đứng ra đảm nhiệm sứ mệnh lớn lao mà xã hội giao phó cũng làm lòng họ run lên vì vui sướng. Câu ca dao: Ra đường võng giá nghênh ngang, về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày? Cám rang tôi để cối xay. Hễ chó ăn hết thì mày với ông vẽ được hình ảnh kẻ sĩ khá chân thật. Tôi thì không noi gương những kẻ sĩ ấy.

Cùng với việc giao phó sứ mạng lớn lao thường các cơ chế chính trị đặt ra một loạt các ta-bu, các quy định kiêng kỵ với người cầm bút. Các nhà văn vướng vào các ta-bu, các quy định kiệng kỵ ấy như gà mắc tóc. Nhìn chung, thân phận nhà văn giống như anh hề là ở chỗ này đây: khi gà đã mắc tóc rồi thì mọi cử động của chú gà dễ bật cười lắm.

Tôi có may mắn là thời thơ ấu tôi gắn bó với nông thôn. Mẹ tôi là nông dân. Còn tôi sinh ở nông thôn.... Những người nông dân Việt Nam cách đây ba chục năm rất thực thà. Tôi được họ dạy bằng thứ ngôn từ thiết thực kiểu như sau:

- Cu ai nấy đái
- Trâu thì lấy dây mà dắt, người thì lấy c. mà lôi
- Mặt nào ngao ấy
- Sướng con cu mù con mắt.

Sau này khi đọc thứ văn chương bác học tôi không tìm thấy thứ ngôn từ thiết thực ấy nữa. Tôi rất phân vân: giữa cách diễn đạt nông dân kia với cách diễn đạt bác học thì nên lựa chọn cách diễn đạt nào?

Khi khuyên các nhà văn trẻ, Mắcxim Gorki trở nên lắm lời kinh khủng. ông yêu cầu họ phải học tập cẩn thận kho tàng văn học dân gian, đọc thật nhiều sách, am hiểu hội họa, kiến trúc, lịch sử... tóm lại là toàn bộ thế giới tri thức. Chúng ta biết Mắcxim Gorki xuất thân nghèo khó, ông bị thất học và niềm khát khao học vấn của ông chân thành đến mức đáng thương. Những điều ông khuyên các nhà văn trẻ cơ bản là đúng nhưng thật ra không hẳn là thế. Đa số con người bị cuốn theo chiều gió, kiến thức mà họ thâu lượm được ở trong cuộc đời phụ thuộc vào cái gì đó hết sức bí mật và chớ có hoài công đi tìm các quy luật giác ngộ. Những người giác ngộ Phật pháp hiểu giây phút mà người ta gọi là sátna: đúng giây phút ấy mọi sự bừng sáng, từng tế bào của cơ thể thắm đẫm hào quang.

Các thiên tài khi nói về mình thường rất khiêm tốn và bao giờ cũng đổ công cho tạo hóa. Đấy là nguyên tắc đạo đức sơ đẳng ở các thiên tài. Gớt nói về mình: Thiên tài là lòng kiên nhẫn. Chúng ta có thể tìm hiểu được những ý nghĩa gì trong câu nói có tính chất tiền đề này?

Sự kiên nhẫn ở thiên tài hẳn là lòng kiên trinh chờ đợi ân sủng do Tạo hoá mang lại. Nó đòi hỏi tất cả các cánh cửa sổ giác quan mở ra thao thức suốt đêm ngày chờ đợi, đón nhận các dữ kiện. Khi người ta phải mở tất cả các cánh cửa sổ giác quan ra một cách liên tục như thế ắt là căng thẳng lắm, đã đành rồi nhưng mặt khác phải thiện đến cùng mới làm thế được. Tôi không tin những người ác có thể nín nhịn và biết cách chờ đợi, họ bao giờ cũng cuống lên, đấy chính là nguyên nhân làm họ hỏng việc.

Ở một nước lạc hậu như Việt Nam, hầu hết trẻ em hồi nhỏ đều rất cô đơn. Khi còn học cấp I tôi rất cáu vì tôi không hề biết gì về những vùng đất nơi tôi ở trong khi đó tôi phải học ra rả về những khu vực khí hậu của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hoặc về thổ nhưỡng Trung á. Bao giờ tôi cũng được người lớn yêu cầu phải làm như thế này hoặc như thế kia. Tôi được dặn dò phải cố gắng để sống cho tốt. Có lần tôi hỏi ông ngoại tôi (vốn là một nhà nho) nên sống như ai thì cụ hoảng lên, bản thân ông cụ cũng không tìm thấy một hình mẫu nào có thể chứa tôi được. ông cụ chỉ vu vơ về phía bến sông. Đã có lần tôi một mình đi về phía bến sông ấy, ở đấy có một ngôi mộ hoang, nghe nói người nằm dưới mộ đã chết vì tình, anh ta vốn là một hoàng tử con vua Thuỷ tề đầu thai làm dân đánh cá. Sau này khôn lớn tôi hiểu ra rằng, một người chết được như thế là hiếm lắm. Đa số người ta chết lao lực vì kiếm miếng ăn, còn một số đông khác nữa thì chết oanh liệt bởi đạn quân thù.

Nỗi cô đơn ở trẻ nhỏ là chỗ đất tốt cho những tâm hồn mơ mộng. Nếu được nuôi dưỡng bằng truyện cổ tích, đa số những đứa trẻ ấy lớn lên thường rất biết điều. Tác dụng lớn lao ở truyện cổ tích là khả năng khuyên răn người đọc nó phải thụ động, nếu lười nhác được thì cứ lười nhác, chớ nên cựa quậy vì trong cuộc sống có những con thú rất mạnh. Hồi bé tôi rất hãi hùng truyện cô Tấm lấy xác cô Cám làm mắm để gửi cho dì ghẻ ăn, đến khi ăn đến đầu lâu mới biết là con gái mình. Tôi cũng rất hãi sợ một gã chôn sống mẹ mình vì bà đứng ra nhận tội thay con dâu khi sàng gạo đã đánh chết con gà chọi yêu dấu của gã, truyện này có tên là Đứa con trời đánh. Kho tàng truyện cổ ở ta đầy rẫy những thằng ngốc, thằng khù khờ nhưng rốt cuộc đều ăn nên làm ra, những anh hùng thì bị chém cổ mà phụ nữ thì đức hạnh tuyệt vời. Giữa cái thế giới người trong truyện cổ và thế giới người của đời thực gây nên một sự hoang mang dịu ngọt. Chắc câu hỏi: Ta là ai? đã đến với nhiều người ngay từ thuở thiếu thời, khi còn lê la đất cát và mặc quần thủng đít.

Thế giới cổ tích có lẽ giống như thứ sữa ở bầu vú mẹ, nó có khả năng miễn dịch trong khoảng thời gian nào đó đối với nhiều người. Với nhà văn ảnh hưởng của thế giới cổ tích sâu sắc đến nỗi nếu thiếu nó những trang viết sẽ mất đi cái chất tuyết để dính từng con chữ vào mặt giấy.

Khi nghe những truyện cổ tích hồi nhỏ nếu xuất hiện câu hỏi: Ta là ai giữa lưng chừng câu chuyện, tôi dám chắc không có một cậu bé hoặc cô bé nào dám trả lời: Ta là văn sĩ. Phần lớn các cậu bé đều trả lời mình là hoàng tử, còn các cô bé đều nhận mình là công chúa. Như thế, khi có điều kiện trở thành hoặc dính líu với nhà chính trị được thì chẳng tội gì mà làm nghệ sĩ. Điều này hành hạ tất cả mọi người đến chết. Đến ngay cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cũng không ra khỏi vòng ấy. Cuộc đời họ không phải như thế sẽ mất hay đi nhưng đau đớn và bất hạnh là cái chắc.

Những nghệ sĩ lớn, những nhà văn thiên tài luôn luôn bận rộn với thiên mệnh lớn lao, họ làm mọi việc lấy lệ cho xong chuyện bởi họ còn bận tâm ở đâu đấy. Tôi hình dung đấy là những con người rất buồn bã, hễ ai hỏi chuyện thì họ sẽ cau có phụt ra một câu ngắn gọn kiểu như của A.Puskin: lao động thường xuyên thiếu nó sẽ không có cái thực sự vĩ đại hoặc kiểu như của Hô-nô-rê đờ Ban-zăc luôn luôn hướng về cái tuyệt mỹ. Nói xong thì họ quay đi.

Thật đáng buồn thường người ta hỏi các nhà văn bằng những câu hỏi rất khỉ gió. Các cô gái thường hay hỏi: Anh xem áo của em có đẹp không? Này anh biết làm đầu hoặc mua giày ở chỗ nào không?. Những nhà văn, vướng vào hôn nhân sẽ được các bà vợ hỏi rằng: Này, có món nào để chi hay không. Còn các bạn đọc yêu quý sẽ hỏi rằng: Này, dạo này viết gì?. ít có bạn đọc nào nói: Dạo này sống ra sao? Đây, có ít tiền cầm lấy mà tiêu. Câu hỏi về nội tâm chỉ đến với các nhà văn giữa hai giấc mơ: giấc mơ ban đêm và giấc mơ ban ngày. Giấc mơ ban đêm thì một mình, còn giấc mơ ban ngày thì chẳng có ai.

Cuộc đấu tranh giành giật miếng ăn để sinh tồn, để tiến tới một đời sống vật dục có văn hóa cao diễn ra trong xã hội lộn xộn và ngẫu nhiên hết sức. Đấy là xét về mặt từng đơn vị cá nhân con người. Người ta hoài công đi tìm các quy luật, tìm ra nó thì sung sướng tự đắc, ít lâu sau hiểu ra đã bé cái nhầm thì lại im thin thít. Rất nhiều nhà văn tham gia vào quá trình phát hiện quy luật ấy và chính từ thực tiễn đắng cay của bản thân mình họ đi đến kết luận trong hầu hết tác phẩm viết ra bằng câu sau đây: Trăm đường không ra khỏi số. Tôi công nhận kết luận ấy là hay, là sâu sắc, thậm chí còn dí dỏm nữa. Song cũng có lúc tôi thầm tự hỏi: Nếu chỉ đi đến kết luận như thế thì việc quái gì mất công viết lách cho mệt?. Nhân đây tôi cũng nói thẳng ra rằng hầu hết các tác phẩm văn học ở ta đều rất duy tâm. Những áp đặt ý chí của tác giả lên số phận các nhân vật chẳng là duy tâm thì duy vật ở chỗ nào?

Mối quan hệ chính trị với văn nghệ suy cho cùng là mối quan hệ giữa cộng đồng xã hội với cá nhân nghệ sĩ. Tôi có một người bạn hiền, khi mới biết nhau người ấy giao hẹn: Anh làm thế nào thì làm, anh phải giữ được sự tôn trọng ở tôi. Tôi về nằm một mình trong xó tối nghĩ ngợi và đau đớn nhủ thầm: Thế là hết, nghĩa là toàn bộ đời sống mình phải đặt lên mặt bàn, tất cả chẳng chừa lại tí gì. Để có sự tôn trọng ở con người nếu là nhà văn thì cách duy nhất là anh ta phải quăng thân vào gió bụi đánh cho hết vốn đấy là nói cho nên thơ thôi chứ thực tiễn chua xót lắm. Thực tiễn bao giờ cũng ráo riết, bạc bẽo, lại khoác lên mình bộ cánh bóng nhẫy chi chít những khuôn phép của đạo đức xã giao, những ước lệ văn minh, những sự kiện vụn vặt có ý nghĩa và đông hơn những sự kiện vụn vặt không có ý nghĩa.

Sự ngộ nhận đầu tiên với mọi người, không cứ là nhà văn, đấy là sự ngộ nhận mang tính chất xã hội, tức là sự ngộ nhận chính trị. Điều này hết sức đơn giản vì ít nhất trong 20 năm đầu cuộc đời người ta ở thế hệ tôi phải học tập trong các nhà trường. Những kiến thức giáo khoa ở trường Đại học nhằm trang bị cho mỗi người chỉ đủ một lượng văn hoá tầm tầm để sống phù hợp với cái khung của chế độ chính trị đương thời ấy thôi. Có lẽ phải mất từ 10 đến 20 năm nữa trải qua thực tế cuộc sống con người mới tự điều chỉnh được những nhận thức chung về xã hội. ở một số người đặc biệt nhất là những người có điều kiện tiếp xúc với văn hoá thế giới việc tự điều chỉnh ấy có thể diễn ra sớm hơn. Thực tế, đa số người cho đến chót đời mình vẫn quẩn quanh trong khuôn khổ giáo khoa thư cả về trình độ nhận thức lẫn phương cách sống.

Sự ngộ nhận thứ hai không khủng khiếp như sự ngộ nhận thứ nhất nhưng lại rót vào nội tâm con người nhiều muối hơn cả, tôi nghĩ rằng đây là sự ngộ nhận giới tính. Phần lớn đàn ông chúng ta chẳng hiểu gì về phụ nữ. Tôi chỉ mang máng hiểu rằng đấy là một lực lượng tự nhiên kỳ lạ. Tất cả những điều chúng ta biết về họ và ra sức làm khổ họ đơn thuần chỉ vì chúng ta quá sợ hãi những ước lệ xã hội, những ước lệ phi nhân tính mà thôi.

Những nhà văn may mắn trong cuộc đời được Tạo hoá bố trí cho gặp gỡ đôi ba người phụ nữ nào đó thì liệu mà gìn giữ. Nhưng thực ra anh chẳng gìn giữ được đâu:

Em sẽ quên ngay
Lẽ đời là thế...


Pablo Nêruda có những câu thơ rất hay vì nó quá xót xa về tình yêu:

Anh biết cái thời em yêu anh rồi sẽ đi qua
Một cái thời khác xanh tươi sẽ thay vào chỗ đó
Tấm da mới sẽ trùm lên xương cũ
Những mắt nhìn xa lạ ngắm mùa xuân

Tôi không nhớ Guy đờ Môngpatxăng đã viết truyện ngắn gì trong đó ông có kể một nhân vật nữ khi chết được gắn lên mộ dòng chữ sau: Nàng đã yêu, đã được yêu, đã chết. Chúng ta cứ sống đi rồi sẽ hiểu những dòng chữ ấy có ý nghĩa gì.

Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu sử của nhiều nhà văn, kể cả các nhà văn thiên tài và nhận ra nhìn chung họ đều không biết cách tổ chức cuộc đời mình. Những kẻ giàu có nhất trong bọn họ cũng vậy, kể cả đến Lép Tônxtôi khôn ngoan. Nhưng suy cho cùng đâu phải chỉ có các nhà văn, tất cả chúng ta đều không biết cách tổ chức cuộc đời.

Tôi không biết người phụ nữ được nhà văn yêu dấu có sung sướng và hạnh phúc không? Tôi cầu chúc cho nàng sung sướng và hạnh phúc.
Tagorơ đã viết những vần thơ sau đây dành cho nhà văn và người yêu của anh ta:

Hồn anh là một trái tim
Nào ai biết được bến bờ của nó
Chính em là nữ hoàng của nước đó
Mà em có biết biên giới nó đâu...

Thế giới nội tâm của nhà văn sẽ chẳng là cái gì nếu như nàng Đu-xi-nê không ngó mắt tới. ác nỗi, nàng bao giờ cũng bận bịu với những công văn giấy tờ quan trọng, những chuyến viễn du, những chân trời, những chi cục hải quan và những chương trình lương thực...

Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận. Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Văn học ở ta rất ít muối.

Sau hai sự ngộ nhận kể trên là sự ngộ nhận thứ ba, sự ngộ nhận buồn tẻ và tàn nhẫn nhất: sự ngộ nhận về cái chết.

Ngày xưa khi thơ ấu tôi không hiểu các bậc anh hùng coi cái chết nhẹ như lông hồng có nghĩa thế nào? Trong khi sáng tác cũng có khi tôi nghĩ đến nhưng đều lờ bẵng nó đi. Chỉ đến khi nổi tiếng có độc giả rồi thì tôi mới hiểu ra rằng hóa ra cái chết nó có thể đến với mình ra sao. Người ta, thường chết vì bệnh tật, đã đành rồi, chết vì một phát súng bắn vào đầu có lẽ đỡ tầm thường hơn, lại cũng có thể chết vì một cái xương cá. Ban đầu tôi cũng hoảng sợ nhưng rồi nghĩ bụng: Khỉ ạ, có ai cần đến một nhà văn tài năng đâu. Thế là tôi không còn sợ nữa. Tôi bình thản chờ nó đến như chờ một chuyến đi xa. Khi có một hồi chuông điện thoại hay một tiếng huýt sáo bên cửa sổ là tôi lên đường.

Như vậy, trong thế giới nội tâm nhà văn đã từng xảy ra không ít hơn ba điều ngộ nhận quái gở: sự ngộ nhận chính trị có ý nghĩa con người xã hội là sự ngộ nhận khủng khiếp, sự ngộ nhận giới tính có ý nghĩa con người tự nhiên là sự ngộ nhận đau đớn, sự ngộ nhận về cái chết có ý nghĩa chung cho cả con người xã hội lẫn con người tự nhiên là sự ngộ nhận tàn nhẫn. Khủng khiếp, đau đớn, tàn nhẫn, đó là vài ba điều mà nhà văn nào cũng phải tự rút ra cho mình trong quá trình sống và sáng tác. Cũng có thể kể thêm những sự ngộ nhận khác nữa nhưng với chỉ ba điều ấy cũng đủ làm tan xác một đời người.

Tôi không tin những nhà văn giỏi không biết sống một cách ráo riết. Chúng ta chẳng có thì giờ và sức lực để chờ đợi lâu.

Chúng ta đi qua những nền văn minh
Những bài hát sẽ chết
Và những nền văn minh sẽ chết theo
Bởi những bài hát sẽ chết.

Sẽ chẳng có một tác phẩm văn học nào giá trị có thể kéo dài cuộc đời thực của người viết ra nó. Đây cũng là điều hết sức chua xót. Thế giới nội tâm của anh xét cho cùng cần cho ai nếu như nó không giúp cho anh sống ráo riết trong từng giây phút một. Tôi nghĩ có lẽ sức truyền cảm cô đúc trong các con chữ ở các nhà văn lương thiện chính là sự ráo riết ở ý nghĩa từng con chữ ấy. Đây chính là cái Đẹp vì từ lâu người ta đã coi cái Đẹp là sự sống và sự giản dị là điều kiện thiết yếu của nó.

Từ xưa đến nay ở ta đã hình thành nên một tâm lý quá yên tâm đối với văn học. Tôi tiếc chưa có một nhà văn nào đủ một nội tâm mạnh mẽ để có thể khinh bỉ văn học rồi từ đó làm lại từ đầu. Con người thiên tài ấy rồi sẽ đến!

Người ta có thể nói đến vai trò của những quan sát những thể nghiệm và nhiều thứ khác ảnh hưởng đến thế giới nội tâm nhà văn. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết và tất cả những người cầm bút đều có nguy cơ thất bại nếu bao trùm lên thế giới nội tâm của anh không có điều này nữa: điều mà nói ra chúng ta đều rất e dè, đấy là lòng tín ngưỡng với cuộc sống. Tôi không so sánh những người có ý thức tôn giáo và những người vô thần ai tử tế hơn ai. Nhưng đối với nhà văn không có lòng tín ngưỡng với sự sống thì những trang viết của anh chỉ có thể dừng ở mức độ viết kiếm ăn thôi chứ nâng lên được tầm văn học thì còn lâu mới với tới.

Khi văn học chưa đạt được tới ngưỡng của tri thức văn hóa của thời đại nhà văn đang sống thì văn học không thể có sức mạnh được. Muốn gì thì gì, cuối cùng trên từng trang viết nhà văn phải dần dần tạo cho mình một quan niệm tín ngưỡng ít nhất ra cũng với mình. Tín ngưỡng đó hướng về đấng tối cao của sự sống. Đấng tối cao nào của sự sống thì tuỳ anh lựa chọn.

Như tôi đã nói ban đầu, xem xét thế giới nội tâm nhà văn là một việc làm thậm chí vô nghĩa. Những điều tôi diễn đạt ở trên chỉ là phần sơ xuất nhất trong thế giới nội tâm của anh ta. Chỉ trên từng tác phẩm cụ thể những phần khác nhau trong thế giới nội tâm nhà văn mới dần lộ rõ. Nhưng tác phẩm dù hay ho đến đâu chăng nữa, nhà văn cũng sẽ hiện ra trước mắt chúng ta như một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh nhưng tốt bụng.

Người ta cũng đã từng vẽ hình ảnh Chúa với những nét hao hao như thế. (*)


23-11-1989
Nguyễn Huy Thiệp


(*) Đây là bài nói đầu tiên của tác giả trước công chúng văn học nhân một buổi họp của ngành giáo dục tại Khách sạn Sông Nhuệ (Hà Đông) ngày 23-11-1989, sau được in lại trên Tạp chí Đất Quảng số 62/1989.

nguyenhuythiep.free.fr
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#2
Thói quen sáng tác khác người của các nhà văn nổi tiếng


Victor Hugo, Voltaire, Lev Tolstoy, Mark Twain, Ernest Hemingway... có thể viết rất sung mãn và sáng tác không mệt mỏi trong suốt quãng đời cầm bút của mình. Các nhà văn này có bí mật gì để kích thích sự sáng tạo và giữ lửa văn chương?



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng1.jpg]

Voltaire (1694 – 1778) là đại văn hào, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp nổi tiếng. Ông để lại một di sản đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, kịch, thơ, luận văn, các công trình nghiên cứu khoa học, sử học và nhiều cuốn sách. Voltaire không ăn bữa trưa và ăn sô cô la, uống đến 40 cốc cà phê một ngày để có năng lượng sáng tác.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng2.jpg]

Đại văn hào nổi tiếng của Pháp Victor Hugo (1802 – 1885) để lại cho đời nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng là hai kiệt tác "Những người khốn khổ", "Thằng gù nhà thờ Đức Bà". Ông có thói quen đứng viết ở một chiếc bàn nhỏ trước gương vào mỗi buổi sáng. Thậm chí, ông còn cởi cả quần áo đưa cho đầy tớ cất đi để không thể ra ngoài khi chưa viết xong. Tất nhiên là ông không khỏa thân mà choàng một chiếc khăn khi sáng tác.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng3.jpg]

Lev Tolstoy (1828 – 1910) được biết đến là một trong các tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương thế giới và ông nổi danh nhất với 2 kiệt tác "Chiến tranh và hoà bình", "Anna Karenina". Thói quen sáng tác của Tolstoy đó là mỗi khi ông làm việc, tất cả các cửa ra vào đều khóa để không bị ai làm phiền.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng4.jpg]

Honoré de Balzac (1799–1850) là nhà văn hiện thực Pháp nổi tiếng thế kỷ 19 và là bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực. Ông là tác giả của đại tiểu thuyết "Tấn trò đời" với 97 tác phẩm. Balzac có thói quen làm việc nghiêm ngặt: Ông viết gần 14 tiếng và uống tới 50 cốc cà phê mỗi ngày để duy trì sức sáng tạo khủng khiếp.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng5.jpg]

Charles Dickens (1812 – 1870) là tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời đại Victoria và là tác giả hiện thực lớn nhất của Anh trong thế kỷ 19. Mỗi khi sáng tác, ông cần yên tĩnh tuyệt đối để không bị xao nhãng bởi tiếng ồn. Chưa hết, Charles Dickens không thể viết được nếu trên bàn làm việc không có 5 bức tượng động vật bằng đồng, bình hoa màu xanh, lịch để bàn, mực màu xanh và bút lông.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng6.jpg]

Mark Twain (1835 – 1910) là nhà văn trào phúng bậc nhất của Mỹ thế kỷ 19. Ông nổi tiếng với 2 tác phẩm "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" và "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer". Ông có thói quen làm việc đó là sau khi ăn sáng, ông viết một mạch đến bữa tối mà không ăn trưa và lúc ông đang viết, tất cả các thành viên trong gia đình không ai được quấy rầy.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng7.jpg]

Ernest Hemingway (1899 – 1961) là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Mỹ, từng giành được giải Pulitzer và giải Nobel văn học danh giá. Bạn đọc biết đến ông qua những tác phẩm nổi tiếng như "Ông già và biển cả", "Chuông nguyện hồn ai", "Giã từ vũ khí". Hemingway buộc bản thân phải viết 500 từ một ngày và dậy thật sớm để viết để có không gian yên tĩnh và tránh cái nóng.
 


[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng8.jpg]

Alexandre Dumas (1802 – 1870) là nhà văn nổi tiếng người Pháp và nổi tiếng nhất với tác phẩm "Ba chàng lính ngự lâm". Ông cũng là nhà văn viết cực kỳ sung mãn với hơn 100 cuốn tiểu thuyết và gần 20 vở kịch. Bí quyết làm việc của Dumas đó là dùng giấy màu để phân biệt các bản thảo. Ông dùng giấy màu xanh cho tiểu thuyết, màu vàng cho thơ và màu hồng cho những thứ khác và trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có đầy đủ các loại giấy này.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...tieng9.jpg]

John Milton (1608 – 1674) là nhà thơ, nhà bình luận văn học, soạn giả nổi tiếng người Anh. 20 năm cuối đời, ông phải sống trong cảnh mù lòa nhưng đây cũng là thời kỳ mà tài năng của ông nở rộ nhất, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Thiên đường đã mất", "Thiên đường trở lại", "Areopagitica". Ông thường làm thơ từ lúc 5 giờ sáng, phụ tá của ông sẽ đến vào lúc 7 giờ giúp ông chỉnh sửa chính tả, ghi lại bản thảo và ông duy trì thói quen này trong suốt 20 năm.



[Image: 1443163529-thoi-quen-lam-viec-khac-nguoi...ieng10.jpg]

Stephen King sinh năm 1947, là bậc thầy về truyện trinh thám, kinh dị của Mỹ và là nhà văn viết sung mãn nhất thế kỷ 20. Ông ép mình phải viết 10 trong một ngày, kể cả những ngày lễ. Stephen làm việc từ 8 giờ sáng đến hơn 1 giờ chiều và dành buổi chiều, buổi tối để đọc sách, xem ti vi, nghỉ ngơi.



Theo danviet.vn

Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#3
Cười lên đi!


Trong một cuộc tiếp tân ở nhà hàng B. cách đây 2 năm có chừng hơn 10 người khách đặc biệt. Họ ngồi với nhau suốt đêm. Mọi người nói đủ thứ chuyện trên đời: nào chính trị, kinh tế, gia đình, văn chương, hội họa... Người ta mang cả hợp đồng kinh tế ra ký. Rồi kể chuyện vui v.v... Thời gian như nước dưới cầu... Tôi đã thử làm một cuộc thăm dò xem sau 2 năm trời người ta còn nhớ chuyện gì nhất thì có tới 2/3 số khách dự hôm ấy đều chỉ nhớ mỗi một chuyện tiếu lâm Tây vớ vẩn.

Chuyện như sau:

     Có một anh lính tân binh đi nhận nhiệm vụ xa nhà. Trước khi đi, anh ta viết thư cho người yêu và phải gửi vào thư một tấm ảnh mới nhất theo đề nghị của cô. Bà nội anh cũng muốn có một tấm ảnh của anh để giữ làm kỷ niệm. Khốn nỗi, lục khắp các túi anh lính chỉ thấy có mỗi một tấm ảnh duy nhất chụp anh đứng khoả thân ở trên bãi tắm biển. Chặc lưỡi, anh lính xé tấm ảnh ra làm hai nửa: nửa trên anh gửi cho người yêu, còn nửa dưới anh đưa cho bà nội vì nghĩ bà đã già, mắt lại kém. Bà nội anh giương mục kỉnh xem xét hồi lâu rồi phàn nàn: Thật giống hệt ông nội mày ngày xưa, râu ria thì không cạo, còn cái ca-ra-vat thì chẳng bao giờ nắn cho nó thẳng!.

      Kể cũng ngạc nhiên! Sao bao nhiêu chuyện nghiêm túc chẳng ai nhớ mà người ta lại nhớ một chuyện thật là vớ vẩn?

     Trên con đường văn học, thường nhà văn phải trải qua nhiều chặng khác nhau. Khi mới bắt đầu viết, nhà văn hay bi kịch hóa các vấn đề. Nhà văn thường làm trầm trọng thêm các vấn đề, tác phẩm vì thế trở nên gai góc, điều đó bộc lộ khí uất ngút trời, bộc lộ tư chất thiên bẩm ghét cái xấu, cái ác của nhà văn. Nhiệt tình tiêu diệt cái xấu, cái ác, cái phàm tục, cái thấp hèn, cộng với tình thương người, lòng nhân đạo, tính đa cảm, cộng với cả việc thiếu vốn sống (nên hay chủ quan) ở nhà văn... tất cả những thứ ấy khiến cho những tác phẩm đầu tay của nhà văn thường lúng túng, không mạch lạc, khó tin (bởi các bi kịch tưởng tượng).

     Trải qua năm tháng, với sự từng trải và kinh nghiệm sống, nhà văn sẽ cởi mở hơn, đời hơn, hắn bắt đầu cười được. Chỉ khi nào tố chất hài kịch xuất hiện ở trong tác phẩm của nhà văn lúc ấy mới biết chắc rằng nhà văn có thật nhà văn hay không. Trừ một vài cây bút hiếm hoi cười cợt được ngay từ đầu còn đa số để cười được phải rất công phu rèn luyện (một phần trời cho, một phần phải rất có ý thức). Cuộc sống là những bi hài kịch lẫn lộn. Cười được nghĩa là bay được trên các bi kịch, trên các thành kiến và nguyên tắc... Cũng giống như một kiếm thủ, chỉ khi nào làm chủ được cây kiếm trong tay, anh ta mới biến hóa, mới đánh như đùa được.

     Đã có những tác giả viết hàng chục tập sách dày dặn, công phu nhưng vẫn nhạt, không đọc được. Sự nghiêm túc một chiều khiến độc giả không tin anh ta nữa. ở đấy không có nụ cười. ở đấy không có hình tượng. Văn học là nghệ thuật của hình tượng. Không vẽ ra được hình tượng thì tác phẩm chỉ còn toàn chữ là chữ, đọc rất sốt ruột, rất buồn ngủ.

     Trong văn học, sự phong phú nội tâm của nhà văn là yếu tố số một làm nên sự hấp dẫn cũng như khả năng quyến rũ của tác phẩm. S.Mallarmé, nói: Viết văn, tức là trước hết tự hỏi về chính mình, rồi tự đó lại cho mình một sứ mạng tạo dựng một vũ trụ mới.... Khi không có khả năng tự hỏi, đương nhiên sau đó phải tự trả lời thì rất khó viết, rất khó trở thành nhà văn được.

     Trong các nhà văn Việt Nam, chỉ có một số ít có khả năng tự nói về nghề, lại càng ít hơn những người nói hay. Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Khải... là những người biết tự hỏi mình nhất. Nói về nghề văn, có lẽ không ai điên rồ và mê sảng hơn Chế Lan Viên vì với bản tính thi sĩ phần nào khắc kỷ và hơi duy lý, Chế Lan Viên chỉ băn khoăn về các chân lý hình nhi thượng mà thôi. Hỡi ơi, ngoài những chân lý hình nhi thượng, đời còn có bao điều khác nữa, còn có chuyện tiếu lâm, còn có thơ Bút Tre nữa kia mà!

     Làm người thật khó, làm một nhà văn càng khó hơn. Việc tự bảo vệ mình để có một nguồn sinh lực dồi dào, đầy sức sáng tạo không dễ chút nào. Có nhà văn trẻ sau khi viết xong tiểu thuyết đầu tay, do sơ xuất để bệnh quai bị chạy vào... chim(!), sợ điều ấy ảnh hưởng đến sự nghiệp văn học, anh lo lắng mang điều ấy tâm sự với một nhà văn lớn tuổi hơn thì được an ủi:

     - Tư Mã Thiên ngày xưa còn không có chim cơ mà! Không sao cả! Văn học đứng cao hơn mọi thành kiến, có chim hay không có chim đối với văn học đều không quan trọng.

     Văn học quả là vô chiêu! Tôi đồng ý quan niệm với nhiều người coi văn học là phương tiện, lại cũng là cứu cánh...

     Lại cũng là cuộc sống nữa.

     Vậy cứ cười lên đi! (*)

5/6/2000
nguyenhuythiep.free.fr


(*) Đã in báo Tiền phong, ký bút danh
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply
#4
     Không nhạt


Trong Hội nghị bàn về sáng tác kịch bản sân khấu đề tài hiện đại (Hà Nội 5/2000), Nguyễn Quang Lập nói đến sự nhạt trong sáng tác của các nhà văn, nhà biên kịch. Khá thú vị vì ít có người trong giới cầm bút phê và tự phê đáo để như vậy.
    
Thế điều gì làm nên cái không nhạt trong sáng tác của nhà văn, nhà biên kịch?
    
Tại sao khi đọc tác giả A hoặc B, người ta trầm trồ: Ghê thật, chịu ông này! Xem xét tác giả A hoặc B ấy trong cả quá trình có thể vẽ ra được một đồ thị về đường đi nước bước trong cuộc đời sáng tác của họ.
    
Những sáng tác đầu tay thường hay. Vì sao? Có người nói vì có nhiều vốn sống. Không đúng. Thường nó hay vì ở đây không có vốn sống (thậm chí ở đấy chẳng có tí vốn sống quái gì cả) mà nó hay vì ở đấy giàu óc tưởng tượng.
    
Nhà văn, nhà biên kịch trẻ với lòng yêu văn học, mong muốn hiến tế cho văn học, bằng tất cả mong muốn của mình vắt óc ra mà tưởng tượng. Giàu óc tưởng tượng: những chuyện bịa đặt được kể ra, được chi tiết hóa y như thật (người ta tưởng cái thật đó là vốn sống, thực ra không phải). óc tưởng tượng chỉ có ở người trẻ. Người già mất đi óc tưởng tượng giống như người già mất đi tinh lực, mất đi sức khỏe vậy. Bù lại họ có kinh nghiệm. Với việc kinh nghiệm hóa họ dễ phân loại, dễ mô hình hóa, thí dụ nông dân phải mặc thế này, nói thế này; quan chức phải mặc thế này, nói thế này; chuyên nghiệp là phải thế này, nói thế này; nghiệp dư là như thế này, nói thế này v.v... Với kinh nghiệm, đa số người viết có tuổi không sáng tác (tức là không tưởng tượng nữa, họ không bịa đặt, không ỷ vào cảm xúc nữa)... họ sẽ làm việc, họ trở thành các nhà soạn giả, các nhà soạn văn, soạn kịch. Tô Hoài, Nguyễn Khải khoảng 10 năm trở lại đây là những tấm gương sáng cho sự soạn văn, sự làm việc trong đời sống văn học.
    
Nhà văn, nhà biên kịch trẻ sau khi thành công trong những sáng tác đầu tay thường mỏi. Giống như vận động viên nhảy cao X, kỷ lục của anh ta là 2m50, để nhảy qua 2m51 có khi anh ta gãy giò. Khi mỏi tác giả trẻ dễ hoảng sợ trước pháp trường trắng (chữ của Nguyễn Tuân nói về giấy), hắn tìm cách lẩn trốn các chương hồi, các cách miêu tả sự kiện và nhân vật, tóm lại là trốn các chiều cao bằng cách viết báo, viết tạp bút (thể văn nghe sao mà mờ ám, lại ít tiền). Vậy sự cuồng nhiệt trong tình yêu của hắn đối với văn học đích thực đâu rồi? Những thể loại vớ vẩn có nguy cơ làm cho tác giả trẻ trở nên bô-lô-nhếch, chiều đời, gặp thời thế, thế thời phải thế v.v... Tất yếu điều ấy loanh quanh dẫn đến sự nhạt.
    
Vậy làm thế nào để không nhạt bây giờ? Sống, đương nhiên rồi. Tu nhân tích đức, đương nhiên rồi. Xê dịch, đương nhiên rồi (xê dịch cả trong công việc, trong nội tâm(!), trong tài chính v.v...). Đây là giai đoạn mà tác giả trẻ, các nhà bác học vẫn thường đưa ra chi chít những kinh nghiệm bậy bạ, coi trời bằng vung, thí dụ phản bội là tiến bộ, làm chi cũng chẳng làm chi, nếu có làm gì cũng chẳng làm sao, tâm hồn anh là căn phòng bé nhỏ, gió em vào nếu muốn gió lại ra, chim bồ câu không chết trẻ bao giờ v.v... Những thứ ấy rất dễ làm cho bạn đọc đa cảm hoang mang, thực ra đấy nhiều khi chỉ là sản phẩm mỹ ký trong văn học.
    
Sự tiết chế những kinh nghiệm nhằm mỗi một mục đích không phải là để cho văn hay mà chỉ nhằm cốt để cho tác giả trẻ (ô hay, đến giai đoạn này hắn còn trẻ nỗi gì) không bỏ đi các nghĩa vụ sống, thí dụ như không bỏ vợ! Sự khủng hoảng của nhiều cây bút dẫn đến những bi kịch đáng thương xót thường vẫn xảy ra ở đốt này.
    
Ở đốt này, việc học đi học lại một số cuốn sách, thậm chí thuộc làu, ăn ngủ với nó (các nhà văn được mời lên giường) và việc cần có một vài bạn đồng nghiệp để trao đổi, cạnh tranh hoặc vay tiền là rất cần thiết cho các tác giả trẻ. Đây là lúc các Hội nghề nghiệp cất vó: những người mê văn học nhất sẽ phát biểu hăng hái trong các cuộc họp chuyên môn, những tư tưởng nảy sinh và các kế hoạch ra đời. Tóm lại, nếu các Hội nghề nghiệp đủ mạnh thì người ta hoàn toàn có thể chế tạo ra được các thiên tài.
    
Điều khiến cho nhà văn, nhà biên kịch không nhạt là ở chỗ anh ta dứt khoát phải đọc, phải học hỏi, phải tự làm khó mình. Hắn phải tự đốt nến tìm đường đi, không khoa trương, không nói năng gì cả và hì hục xây từng hòn đá cho lâu đài sự nghiệp của hắn nếu trời bắt hắn làm việc ấy và hắn không còn cách gì thoát được nghiệp chướng của mình. Hắn phải đúc chuông. Hắn phải tìm cách để cho con ngựa Pi-ga-dơ vỗ cánh bay lên trời, nghĩa là hắn phải cực kỳ mơ mộng và giàu khát vọng.
    
Trong Hội nghị tôi vừa kể trên có một cô nhà báo hỏi một tác giả biên kịch vô danh:
    
- Em chào ông... Thưa ông, làm thế nào để hiểu về tình yêu sân khấu?
    
Câu trả lời như sau:
   
- Không nghe ai.
    
Lúc này, soạn giả Tất Đạt đang khăng khăng nói rằng sân khấu hiện nay không nhạt. Cũng có lý. Sống, không nhạt. Đấy là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn hoặc là hai mặt của một vấn đề gì đó.
    
Liệu có một Lưu Quang Vũ khác không? Không có. Chắc chắn là thế. Ba năm với hơn 40 kịch bản thì đấy là người ngoài trái đất rồi! Nếu xem xét đồ thị quá trình sáng tác của Lưu Quang Vũ người ta sẽ thấy giống như hình một mũi tên đi lên, quả quyết, đầy tham vọng, có phần đơn giản. Đây là trường hợp hi hữu.
    
Sự phù phiếm của văn học nhiều khi vẫn bị coi là vô bổ, tầm thường nhưng lại làm phong phú đời sống tinh thần con người, làm rộng mở tâm hồn v.v và v.v... Tưởng như đùa cợt nhưng đâu phải thế! Màn giáo đầu vở chèo Quan Âm Thị Kính có đoạn: Nay mừng vận mở hanh thông/ Bắc Nam hòa thuận, Tây Đông thái bình/ Chữ rằng: thiện giả, thiện tuỳ/ ác giả, ác báo vậy thì không sai/ Quỷ thần chứng ở hai vai/ Vun trồng cây đức ắt dài nên nhân....
    
Từ chuyện Hội nghị bàn về kịch bản sân khấu đề tài hiện đại đã lại sang một màn giáo đầu khác rồi, không thể không nói đến đạo đức, đến nhân nghĩa tức là những giá trị chính thống của văn học.
    
Thế là tạp bút chăng? Nhạt hay không nhạt? (*)


1/6/2000

Nguyễn Huy Thiệp
nguyhuythiep.free.fr

(*) Đã in báo Tiền phong, ký bút danh

 
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore
Reply