S. Cali: Sinh Viên, Học Sinh VN tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư
#1
Học sinh trường trung học Garden Grove biểu tình ngày 30 Tháng Tư
May 1, 2018

[Image: Human-Right-VN04.jpg?resize=696%2C392&ssl=1]Tuổi trẻ và những lá cờ vàng rực tự do một góc trời. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
 
Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Như một làn gió mới thổi tung những lá cờ Việt Nam tự do ngày 30 Tháng Tư, một số đông học sinh trường trung học Garden Grove, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Robert Nguyễn, cầm cờ Việt, Mỹ đứng hai bên đường Bolsa đòi hỏi tự do và nhân quyền cho Việt Nam.
[Image: c.jpg]Cả hai bên đường, học sinh hăng say phất cờ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Anh Robert Nguyễn cho biết tổng số học sinh tham gia biểu tình là 90 người và đây là năm thứ 11 anh đưa học sinh ra đây.

“Nguyên nhân chính mà tôi muốn giúp các em biểu tình là vì hồi còn sống, cha tôi thường dẫn tôi đến những buổi xuống đường của cộng đồng mình. Ông ít nói, không nói gì, nhưng tôi học được nhiều lắm,” anh Robert kể. “Những bài học dân chủ, ông dạy tôi mà không dùng lời.”

[Image: Human-Right-VN03.jpg?resize=640%2C360&ssl=1]Nụ cười xinh xắn trên khuôn mặt tương lai của sự đấu tranh cho Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Đưa học sinh ra đây, anh Robert muốn dạy cho các em những bài học thiết thực.

“Các em chỉ biết cha mẹ mình là người Việt Nam, nhưng có tự mình đòi hỏi tự do và dân chủ cho người mình, các em mới dần dần cảm nhận rằng chính mình là người gốc Việt.”

“Nhờ đó, sau này, các em mới tự mình có những đòi hỏi chính đáng cho quê hương. Vì vậy, cuộc đấu tranh cho người Việt trong nước mới có tương lai,” anh giải thích.

Một bài học nữa mà anh Robert muốn gởi đến cho các học sinh của mình là nguồn gốc của cộng đồng tị nạn. Anh nói: “Các em cần phải hiểu vì sao cha mẹ các em lại phải đến sinh sống tại đây.”

Anh chia sẻ: “Tôi cũng có lý do riêng của mình. Tôi tổ chức những cuộc xuống đường như thế này để tưởng nhớ cha tôi, một cựu quân nhân Việt Nam rất nặng lòng với đất nước.”

Một học sinh cầm cờ vàng phất phới nói: “Em theo thầy Nguyễn vì em thấy đồng bào trong nước không có quyền đòi tự do cho mình nên em đòi giúp họ. Em muốn người trong nước biết vẫn có người nghĩ đến họ.”

Khác với những buổi tưởng niệm 30 Tháng Tư khác, cuộc biểu tình của học sinh trung học Garden Grove mang một sắc thái trẻ trung và mới mẻ, đầy nhiệt huyết sôi nổi của thanh niên.

Anh Robert cho biết tên anh là “Rô-be” theo âm Pháp, nhưng ai cũng gọi anh theo kiểu Mỹ. (Đằng-Giao)
Reply
#2
Sinh viên gốc Việt đại học UCLA tưởng niệm ‘Tháng Tư Đen’
May 2, 2018


[Image: DP-UCLA-Thang-Tu-den-1.jpg?resize=696%2C464&ssl=1]Sinh viên và các khách mời ai cũng mặc trang phục màu đen. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Thiện Lê/Người Việt


LOS ANGELES, California (NV) – Ngày 30 Tháng Tư là một ngày mà rất nhiều người Việt ở Mỹ không thể nào quên được vì đây là ngày họ phải bỏ lại đất nước của mình để đi tìm tự do. Chính vì vậy, hội sinh viên gốc Việt (VSU) của đại học University of California, Los Angeles (UCLA) tổ chức buổi tưởng niệm Tháng Tư Đen ngay tại đại học này vào hôm Thứ Hai, 30 Tháng Tư.

Buổi tưởng niệm diễn ra lúc 7 giờ tối tại sảnh trên ban công tầng hai của bảo tàng Fowler nằm trong khuôn viên của đại học UCLA. Nhiều sinh viên gốc Việt và một số khách mời có mặt tại đây để nghe những suy nghĩ của các sinh viên và các diễn giả về sự kiện lịch sử này.

Theo yêu cầu của VSU, Nhật báo Người Việt sẽ không đưa tên và hình ảnh của những diễn giả và khách mời của buổi sinh hoạt này.

Chỉ vài phút sau 7 giờ, các sinh viên và khách mời có mặt đầy đủ, hầu hết ai cũng mặc màu đen để theo đúng chủ đề Tháng Tư Đen của buổi sinh hoạt. Sau màn mở đầu hát quốc ca theo kiểu acapella của các sinh viên, buổi sinh hoạt chính thức bắt đầu.

Hai thành viên của VSU phát biểu, từ Tháng Tư Đen đến hôm nay đã được 43 năm và nhiều người có mặt ở đây để tưởng nhớ những người sống trong thời chiến và phải bỏ nước ra đi. Hai sinh viên còn cho biết buổi sinh hoạt này là để những thanh niên đến đây với mục đích kết nối văn hóa.

[Image: DP-UCLA-Thang-Tu-den-2.jpg?resize=640%2C426&ssl=1]Các sinh viên và bản quốc ca theo kiểu acapella. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Diễn giả đầu tiên của buổi sinh hoạt kể một chút ông nội của mình. Cô cho biết ông nội mình phải đi cải tạo 12 năm sau khi Sài Gòn thất thủ. Sau khi ông rời khỏi ngục tù, ông vẫn mặc lại bộ quân phục của mình và vẫn giữ được niềm tin của mình.

Nữ diễn giả này cho biết, chủ đề của buổi sinh hoạt là cuộc Việt Nam vẫn làm cho nhiều người bị ám ảnh bởi những ngày tháng đau thương. Đây là những người phải bỏ lại quê hương, đi tìm một nơi mới để gọi là nhà. Đây là những người phải chịu đi làm lương thấp để đóng thuế và chăm sóc con cái của họ tại một đất nước mới.

Cô đề nghị, vì đây là Tháng Tư Đen, các sinh viên nên bảo vệ những gì mà họ tin là đúng. Cô hỏi: “Các bạn tin vào điều gì? Các bạn có thể bảo vệ niềm tin của mình không?”

Buổi sinh hoạt còn có hai diễn giả khác, nhưng theo yêu cầu của VSU, Nhật báo Người Việt chỉ trích lại diễn thuyết của họ ngắn gọn.

Hai diễn giả này cho biết họ lúc nào cũng tự hào vì nguồn gốc Việt Nam của mình và cũng rất tự hào về thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ hiện giờ. Họ cho rằng người Việt Nam lúc nào cũng hào hùng, chịu khó làm ăn và không ăn bám xã hội.

Hai diễn giả khuyên các sinh viên nên tôn trọng những người đã khuất, lúc nào cũng nhớ sự hy sinh của họ để trở thành những công dân Mỹ tốt để sau này có thể giúp Việt Nam với tư cách là một người Mỹ. (Thiện Lê)
Reply