Luật Bảo Vệ Tài Sản: Phương cách bảo vệ tài sản chống thưa
#1
Music 
Luật Bảo Vệ Tài Sản: Phương cách bảo vệ tài sản chống thưa kiện

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: http://www.lylylaw.com


Tuần trước chúng tôi trình bày cách chuyển tài sản từ trương mục đầu tư sang hình thức Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Đình Sở Hữu (Family Owned Limited Liability Company tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Đình FLLC) để có thể sử dụng hay phân phối mà không phải đóng thuế. Ngoài lợi điểm về thuế Tổ Hợp Gia Đình FLLC còn là một phương tiện hữu hiệu trong việc bảo vệ tài sản.

Từ ngữ “bảo vệ tài sản” dùng trong luật pháp Hoa Kỳ không ám chỉ việc đền bồi thiệt hại các vật sở hữu mà các công ty bán bảo hiểm thường dùng mà có nghĩa là che chở theo luật pháp để bảo toàn tài sản cho một cá nhân tránh bị thất thoát hay tịch biên vì kiện tụng, nợ nần hay thuế má. Tổ Hợp Gia Đình FLLC sở dĩ có khả năng bảo vệ tài sản vì lý do tổ hợp được điều hành bằng những qui luật ấn định trong một văn kiện pháp định có tên là Bản Nội Qui Điều Hành (Operating Agreement gọi tắt là Bản Nội Qui) theo đó quyền bán đi hay phân phối tài sản nằm trong tay của quản lý tổ hợp và không bị các án quyết tịch biên của tòa án ảnh hưởng tới. Do đó những điều khoản trong Bản Nội Qui ấn định mức giới hạn của tổ hợp trước các trách nhiệm liên đới và mức trách nhiệm hữu hạn này được luật tiểu bang chấp nhận và che chở cho tài sản của các hội viên trong tổ hợp chống lại việc xiết nợ một cách hữu hiệu. Bản Nội Qui định đoạt rõ ràng những điều khoản hoạt động để quản lý dựa vào đó mà tổ chức và quản trị Tổ Hợp Gia Đình FLLC cùng xác nhận rõ tài sản được phân phối, chuyển nhượng cho ai và theo lề lối nào. Văn kiện này cũng thiết lập quyền hạn của quản lý có thuần túy tự quyết định lấy được hay không trong các phương thức phân chia tài sản. Bản Nội Qui bao gồm rất nhiều phương cách chọn lựa khác nhau mà nhiều khi có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả theo đuổi mục tiêu vạch ra lúc đầu khi mới thành lập tổ hợp. Vì thế điều quan trọng trước khi lập Tổ Hợp Gia Đình FLLC là phải tham khảo với luật sư chuyên môn trong việc soạn thảo Bản Nội Qui sao cho chắc chắn bao gồm đầy đủ tất cả mọi điều khoản cần thiết để hoạt động được phù hợp với mục đích đã ấn định.

Khác với tính chất của công ty thương mại thông thường theo đó các ngân hàng hay chủ nợ tài trợ có quyền truất hữu hay xiết số cổ phần liên hệ của người nợ có trong công ty; với Tổ Hợp Gia Đình FLLC chủ nợ không có quyền xiết bất cứ tài sản nào của hội viên cho dù có đem ra thưa kiện. Tòa án chỉ có quyền ra phán quyết có hiệu lực với cá nhân hội viên chứ không ảnh hưởng gì đến tổ hợp, do đó tòa chỉ có thể xử tổ hợp thay vì chia cho người thụ hưởng thì phải chuyển cho chủ nợ tiền bạc hay tài sản của hội viên liên hệ đó mỗi khi phân phối. Trái lại tòa không có quyền ra phán quyết bắt buộc tổ hợp phải phân phối tiền bạc hay tài sản của hội viên liên hệ để thỏa mãn cho chủ nợ.

Như vậy điều thành công của Tổ Hợp Gia Đình FLLC trong việc bảo vệ tài sản các hội viên trước trường hợp xiết nợ hay thưa kiện ở điểm các chủ nợ chỉ có quyền xiết tiền bạc hay tài sản nếu hội viên được “chia vốn” (capital distribution). May thay quyết định chia vốn cho hội viên trong Tổ Hợp Gia Đình FLLC lại nằm trong toàn quyền định đoạt theo ý riêng của người quản lý, do đó các chủ nợ chẳng có hy vọng xiết được gì ở tài sản chia vốn ấy cả. Điều cần nhấn mạnh là từ ngữ “tài sản chia vốn” không bao gồm tiền trả lương hay chi phí cho nhân viên, do đó quản lý Tổ Hợp Gia Đình FLLC nếu có ra quyết định không chia vốn ra để hội viên khỏi bị xiết nợ nhưng vẫn có quyền phát lương hay cấp chi phí công tác cho hội viên đó (giả sử hội viên đó có làm việc cho tổ hợp bất luận việc gì lớn nhỏ) và những món tiền này trước pháp lý hoàn toàn ngoài tầm tay với của các chủ nợ. Kết quả chủ nợ không có quyền ép buộc quản lý Tổ Hợp Gia Đình FLLC phải bán đi tài sản của tổ hợp để trả nợ cho hội viên ấy hoặc can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ hợp như giành lấy quyền bỏ thăm chấp thuận chuyển nhượng tài sản,… Án tòa mà chủ nợ được chấp thuận đòi nợ bất cứ hội viên nào trong tổ hợp chỉ là công cụ để chủ nợ dùng vào việc nhờ cậy xin tổ hợp giúp đòi nợ một hội viên nên chỉ có quản lý tổ hợp mới có quyền định đoạt cho trả nợ hay không hoặc nếu trả thì lúc nào sẽ trả tùy ý.

Trong việc bảo vệ tài sản chỉ có một nguy cơ duy nhất là trường hợp chính Tổ Hợp Gia Đình FLLC bị mắc nợ. Tuy nhiên không giống như Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn LCC là một công ty thương mại thật sự, Tổ Hợp Gia Đình FLLC thường chỉ có hình thức nghiệp vụ nhưng thực ra không bao giờ được đặt ra để làm thương mại, do đó khi thành lập tổ hợp chủ nhân không nên để dính líu tới những hoạt động nào có khuynh hướng bất lợi có thể đem đến hiểm họa bị trách nhiệm liên đới như vay mượn hay cầm thế cho tổ hợp.

Sau đây là một thí dụ điển hình về khả năng bảo vệ tài sản của Tổ Hợp FLLC. Cụ Hòa ở Westminster, California có lập một Tổ Hợp Gia Đình FLLC và cho con cháu trong nhà làm hội viên trong đó có cậu con út tên San mới biết lái xe ít lâu. Mới đây San bị đụng xe mà lại là người có lỗi nên bị tòa xử phải đền $20,000. Vì cậu San lái xe không có bảo hiểm nên việc đền bồi này chỉ liên hệ tới cá nhân của San và không dính dáng gì đến ai khác trong gia đình. Vì còn đi học chưa làm ra tiền nên San không có một xu dính túi. Các chủ nợ gồm có hãng bảo hiểm của xe bị đụng cùng ngân hàng cho cậu San vay tiền mua xe bèn điều tra tìm kiếm nguồn tài sản của San và khám phá ra cổ phần hội viên của San trong Tổ Hợp Gia Đình FLLC do cụ Hòa làm quản lý. Họ còn được biết là phần vốn của San mới được cha là cụ Hòa cho tăng lên đến 4.5% tổng số tài sản của tổ hợp và San mới được chia $5,000 trên căn bản mỗi tam cá nguyệt. Tường vớ được món bở xiết nợ được nên các chủ nợ đem ra tòa kiện và xin được án tòa bắt cậu San đền $20,000 sau đó đem án lệnh đến cụ Hòa yêu cầu thi hành nghĩa là xiết số tiền mỗi kỳ San được chia vốn. Chờ mãi đến tam cá nguyệt tới các chủ nợ không thấy tiền đâu bèn đến hỏi và ngã ngửa khi được cụ Hòa cho biết là tổ hợp quyết định không chia vốn kỳ này và đình hoãn luôn việc chia vốn vô hạn định cho đến khi có quyết định khác trong tương lai. Cụ Hòa cũng nói thêm là quyết định trên được dựa theo Bản Nội Qui của tổ hợp và án quyết của tòa với cậu San không có ảnh hưởng gì tới cụ hay tổ hợp. Không chịu thua các chủ nợ lại đem ra tòa khiếu nại xin can thiệp thì được trả lời rằng tòa không có thẩm quyền bắt ép Tổ Hợp Gia Đình FLLC trong việc chia vốn cho hội viên là cậu San. Cuối cùng các chủ nợ đành xuống nước cho người đề nghị cậu San là họ chịu sẽ bãi nại cậu với số tiền đền bớt xuống còn $5,000.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục trình bày thêm về Luật Bảo Vệ Tài Sản Hoa Kỳ và dẫn giải lý do tại sao cần đến luật này. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

https://www.nguoi-viet.com/doi-song/luat...thua-kien/
Reply