Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Bi kịch cha nuôi hai con 20 năm phát hiện không phải con mình
#1
Bi kịch ông bố nuôi hai con 20 năm phát hiện không phải con mình

Thứ tư, 3/1/2018 | 12:24 GMT+7



Sau gần 20 năm chăm bẵm, ông bố người Anh biết cả con trai lẫn con gái mình nuôi đều là máu thịt của kẻ khác. 

Từng luôn tự hào về các con và dành hết tình yêu cho trẻ kể cả khi vợ chồng đã ly tán, anh Richard tuyệt vọng khi biết mình đã "nuôi con tu hú" suốt bao năm.

Chị Helen và anh Richard Rodwell biết nhau từ thủa còn thơ, lớn lên ở cùng một ngôi làng và học chung cấp một tại Emneth, Anh.

Họ mất liên lạc một thời gian và gặp lại khi cả hai làm việc tại một nhà máy đóng gói rau quả ở địa phương. Họ bắt đầu hẹn hò và yêu nhau. "Cô ấy là người rất vui vẻ. Ở bên cô ấy thực sự thú vị và chúng tôi hợp nhau lắm", anh Richard nhớ lại.

Hai người chuyển về sống chung rồi cùng dành dụm tiền mua ngôi nhà trả góp, làm đám cưới năm 1990. Sau gần một năm hôn nhân mật ngọt, Richard vừa bất ngờ vừa hạnh phúc khi biết mình sắp làm cha.

"Tôi cứ ngỡ vợ vẫn đang dùng thuốc tránh thai. Lúc đó, niềm phấn chấn sắp có con khiến tôi chẳng mảy may nghi ngờ", anh nói.

[Image: richard-3337-1514956349.jpg]
Anh Richard và vợ trong ngày cưới. Ảnh: This Morning.

Con gái đầu lòng chào đời tháng 10/1992 và Richard nhớ mãi lần đầu anh ôm con trong tay. "Tôi chưa bao giờ có cảm giác như thế. Làm cha là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời", anh kể với This Morning.

Chưa đầy một năm sau, Helen lại mang bầu. Cậu con trai Adam chào đời vào tháng 7/1994 trong niềm hạnh phúc khôn tả của gia đình.

Năm tháng trôi qua, anh Richard được thăng chức trở thành chuyên gia giám sát ở nhà máy và công việc làm theo ca giúp anh có thời gian chăm lo nhiều hơn cho các con khi vợ đi làm trợ lý ở một nhà dưỡng lão tại địa phương.

"Tôi đi làm từ 6h sáng và về lúc 2h chiều nên thường đi đón con, cho lũ trẻ đi công viên hay đá bóng, chơi đồ hàng ở sân nhà. Gia đình tôi bình thường như bao nhà khác", người cha hồi tưởng.

Nhưng giông bão bắt đầu ập tới tổ ấm của anh từ năm 2004. Vợ anh thường xuyên ra ngoài mà không nói với chồng là đi đâu. Chị cũng hay trách móc anh quá ham việc mà không dành thời gian cho vợ. Dù vợ chồng lục đục như cơm bữa, Richard không bao giờ nghĩ tới việc kết thúc hôn nhân.

"Một ngày, cô ấy dẫn các con bỏ đi. Tôi hoàn toàn suy sụp", người chồng bất hạnh kể. Chị đệ đơn ly hôn. Richard bị tòa buộc giao lại ngôi nhà cho vợ, anh được tới thăm con vài lần một tháng và phải trả tiền trợ cấp 300 bảng/tháng.

Năm 2005, vợ chồng anh chính thức chia tay và hai con vẫn thường xuyên đến thăm bố. "Đó là thời kỳ khó khăn với lũ trẻ, như với bất cứ đứa con nào chứng kiến cha mẹ ly hôn. Vì thế tôi cố gắng luôn ở bên các con và thỉnh thoảng lại đưa chúng ra biển hay đi công viên, câu cá", anh nhớ lại.

Suốt 4 năm sau đó, Richard sống buồn bã, chỉ ngóng chờ tới cuối tuần để được gặp con.

Một ngày năm 2008, anh nghe con gái lớn nói với cậu em "Mày không phải em tao" lúc hai đứa cãi nhau kiểu trẻ con. Cũng thời điểm này, anh bắt đầu nghe nhiều lời dị nghị về chuyện Laura không phải con mình.

"Vài người bạn kể họ nghe nói Laura là con người khác. Mẹ tôi cũng nói trông con bé chẳng giống tôi chút nào. Ban đầu tôi không để tâm nhưng sau đó cũng có chút nghi ngờ", người đàn ông 46 tuổi kể.

[Image: richard1-7806-1514956349.jpg]

Khi anh gọi cho vợ cũ hỏi thì chị khẳng định hai đứa trẻ chắc chắn là con anh. Richard đòi làm xét nghiệm ADN. Cô con gái 16 tuổi được lấy mẫu để làm phân tích xác định quan hệ cha con. Suốt 6 tuần chờ kết quả, thấy con gái sốt ruột không biết cha mình là ai, anh Richard nói với con: "Dù kết quả thế nào, cha vẫn là cha con và sẽ luôn ở bên con". Nhưng khi nhận thông báo mình không có quan hệ huyết thống với Laura, anh đã òa khóc, thực sự tuyệt vọng và thấy mọi việc thật tồi tệ.

Anh không báo kết quả cho con gái biết nhưng kể từ đó, cô bé không còn đến gặp anh nữa và đôi khi nếu thấy anh trên phố, con bé còn làm trò khiêu khích.

Tới lúc đó, vợ cũ của anh vẫn một mực nói rằng kết quả ADN sai. Thất vọng và ngờ vực, Richard đòi xét nghiệm nốt với cậu con trai thứ hai. Trong thẳm sâu, anh vẫn hy vọng đó là con mình. Nhưng sự thật lại không phải vậy. "Kể với người nhà và bạn thân rằng cả hai đứa con đều không phải của mình, tôi thấy thực sự nhục nhã", người đàn ông này nói.

Cuối năm 2008, anh trở lại tòa để yêu cầu hoàn trả tiền trợ cấp và phân chia lại tài sản. Tòa án lập tức thực hiện việc xét nghiệm lại ADN với hai con anh và kết quả giống y như cũ: Richard không phải cha của cả hai.

"Tôi đã mất nhà, tháng tháng còn phải trợ cấp nuôi con kẻ khác trong khi chẳng làm gì sai", anh thổ lộ.

Nhưng theo luật oái oăm ở Anh, nuôi con là một đặc quyền và không được thực hiện bất cứ việc gì gây bất lợi cho điều này, nghĩa là người đàn ông không thể đòi lại được khoản tiền đã cấp dưỡng. Cuối cùng, Richard làm theo lời khuyên của luật sư là kiện vợ cũ về tội lừa dối, bắt bồi thường tổn hại.

Anh đã thắng kiện và được nhận 12.500 bảng cho mỗi đứa con và khoản bồi thường 25.000 bảng vì việc bị vợ lừa dối đã khiến anh mất cả cơ hội được làm cha.

Helen và hai con đã chuyển khỏi nhà. Ngôi nhà được rao bán với giá gần 120.000 bảng và một phần trong đó sẽ được dùng để bồi thường thiệt hại cho Richard.

Bị buộc ra ra khỏi nhà, Helen có lẽ không ngạc nhiên nhưng tỏ ra cay đắng. "Anh ta đã có được thứ mình muốn. Đúng là tôi đã mắc sai lầm khi sinh ra Laura. Dù vậy, tôi chẳng có gì phải xin lỗi Richard", người phụ nữ này nói.

Dù ở vai người chiến thắng, Richard cũng chẳng thấy vui. Anh đau đớn khi nhận ra sự việc này đã ảnh hưởng lớn thế nào tới cuộc sống của hai người vô tội - những đứa con. Richard thừa nhận đôi khi anh tự hỏi liệu cuộc đời mình có nhẹ nhàng hơn không nếu không bao giờ tìm tới xét nghiệm ADN.

"Như vậy tôi sẽ vẫn có con. Nhưng tôi không thể sống với những nghi ngờ mãi. Tôi vô cùng thương các con và muốn là một phần của đời chúng, nhưng giờ lũ trẻ đều căm ghét tôi. Mẹ tôi cũng quay sang giận tôi vì cho rằng chính tôi khiến gia đình xáo trộn và làm bà mất các cháu", Richard chua xót nói sau quá trình vừa phải trị liệu trầm cảm.
Reply