Luật Khánh Tận: Giải pháp thay thế khai phá sản
#1
Music 
Luật Khánh Tận: Giải pháp thay thế khai phá sản

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: http://www.lylylaw.com


Qua những bài trước chúng tôi đã trình bày khái niệm Luật Khánh Tận Hoa Kỳ như vị cứu tinh giúp giải thoát những người lâm vào cảnh khó khăn về tài chánh bị khốn khổ vì không trả được nợ hay trả không kịp. Hầu hết những trường hợp bất hạnh này thường bắt đầu do một hoàn cảnh nào đó xảy ra khiến mức lợi tức hàng tháng không đủ để trả các phiếu nợ (bills) trong tháng đó đưa đến tình trạng sớt đầu này trả đầu kia, thâm thủng tiền tiết kiệm hoặc rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng nên càng lún sâu thêm vào vòng nợ nần. Nếu tình trạng không cải tiến có nghĩa là không phục hồi lại được mức quân bình giữa lợi tức và tiền nợ hàng tháng dĩ nhiên sẽ đưa đến tình trạng trả chậm không bắt kịp ngày đáo hạn. Sau khi chậm hai ba kỳ thì phản ứng đầu tiên của các nguồn tài trợ hay chủ nợ là gọi điện thoại tới tấp thúc giục, đôi khi kèm theo lời cảnh cáo hay dọa dẫm thi hành thủ tục xiết nợ (collection process) với những biện pháp cứng rắn hơn. Dĩ nhiên trước tình thế này ai cũng nghĩ tới phá sản nhưng quyết định này là một điều rất khó nghĩ vì hầu hết mọi người thường do dự không biết nên buông xuôi “bỏ của chạy lấy người” nhờ luật pháp giúp giải thoát xóa bỏ tất cả để làm lại cuộc đời hay nên tìm cách khác “quyết chiến” chống lại khủng hoảng, phục hồi tình trạng bình thường hòng cứu vãn nguy cơ mất trắng tất cả công khó xây dựng nhiều năm.



Để đi đến quyết định quan trọng này trước hết phải kiểm điểm lại tình trạng tài chánh thực sự của mình một cách chính xác với tổng số nợ cùng lợi tức hàng tháng hiện có hay những khoản tiền có thể bán những tài sản đáng giá để trả nợ. Tùy theo loại nợ và nếu nợ quá nhiều không có cách nào trả được thì bắt buộc phải phá sản để thoát nợ. Nếu tổng số nợ không thế chấp không quá lớn và còn một ít lợi tức cầm cự được không đáng để khai vỡ nợ thì có thể để ý đến phương sách tìm giải pháp thay thế (alternatives) trình bày sau đây.



Ngân sách tiêu chuẩn của một người trong tình trạng bình thường phải hội đủ ít nhất 35% chi cho nhà cửa, 15% cho xe cộ, 15% cho nợ nần, 10% tiết kiệm để dành và 25% cho mọi chi tiêu khác. Dĩ nhiên gặp hồi tài chánh khủng hoảng mức tiền trả nợ chiếm 100% ngân sách cá nhân hay nhiều hơn nữa, do đó trước hết phải trừ ra chi phí sinh sống căn bản kể cả tiền nhà và tiền xe cộ rồi phần còn lại mới tính tất cả nợ trong vòng ba năm liệu có thể trả dứt với lãi xuất hiện hành không? Không nên tính trả các thẻ tín dụng mức tối thiểu (minimum payment) mà phải tính trả dứt hẳn với lãi xuất hiện hành, ngoài ra còn xét xem những biện pháp có thể thực hiện được như giảm bớt khoản chi nào hay tăng lợi tức bằng cách kiếm việc làm phụ thêm hoặc bán đi những món tài sản có giá trị để trả nợ. Cần nhấn mạnh không nên tính rút những trương mục hưu bổng như 401K để thanh toán nợ vì theo luật các ngân khoản hưu trí được miễn trừ, các chủ nợ không mó tới được. Những khoản tiền này một khi rút ra để xài thì rất khó có thể gây dựng lại được và quan trọng hơn cả nếu rút tiền hưu trí để trả nợ sẽ tạo ra nợ mới dưới hình thức thuế lợi tức và tiền phạt vì rút sớm, ý định thoát nợ cũ sẽ biến thành buộc nợ mới mà chủ nợ mới sẽ là sở thuế IRS thay vì các chủ nợ hiện tại.



Trường hợp những người có nợ không lớn quá hay có thể tìm cách bán bớt tài sản để trả nợ thì biện pháp tốt hơn hết là thương thảo với chủ nợ. Thương thảo là một hình thức “câu giờ” mua thời gian trả nợ dần để bắt kịp lại số tiền đã trả chậm. Thông thường khi người nợ chậm trả tiền hai hay ba tháng thì các chủ nợ miễn cưỡng phải áp dụng thủ tục đòi nợ mà họ không muốn vì tốn kém, do đó để tránh thiệt hại này họ thường cho người điện thoại tìm gặp người nợ mở lời sẵn sàng chấp nhận cho giảm mức tiền trả hàng tháng hay gia hạn thời gian trả, miễn tiền phạt trả chậm hay điều chỉnh tình trạng để giúp trở lại bình thường. Sự thành công trong việc thương thảo tùy thuộc vào từng loại nợ, thời gian chậm trễ bao lâu, và còn tùy theo đường lối của từng chủ nợ.



Sau khi lập bảng chiết tính ngân sách cá nhân nếu kiểm điểm lại thấy có đủ sức trả dứt tất cả nợ nần trong vòng ba năm với mức lãi xuất hiện tại thì không cần phải khai phá sản mà nên dùng “giải pháp thay thế.” Theo giải pháp này người nợ có thể nhờ đệ tam nhân bên ngoài giúp điều hành việc trả nợ mà thịnh hành nhất là dùng các tổ chức có tên “Cố Vấn Tín Dụng Tiêu Thụ” (Consumer Credit Counselor) hay nôm na gọi là “dịch vụ gom nợ” (debts consolidation service) hoặc tương tự. Những tổ chức này thường có danh nghĩa bất vụ lợi có nghĩa là phục vụ miễn phí cho thân chủ. Tuy không lấy tiền của người nợ nhưng họ được các nguồn tài trợ lớn như ngân hàng, hãng cấp thẻ tín dụng hay các cửa hàng bách hóa danh tiếng đài thọ với mục đích giúp người nợ dễ dàng trả nợ qua cơn túng bấn khỏi phải khai phá sản với hậu quả rũ nợ gây thiệt thòi cho chủ nợ nhiều khi mất hết cả vốn lẫn lãi. Điều kiện để dùng được dịch vụ này phải có một số lợi tức hay lương bổng tối thiểu để trả theo một số phần trăm đã ấn định.



Trong buổi tiếp xúc đầu tiên người đại diện dịch vụ hoặc cố vấn (counselor) yêu cầu thân chủ đóng một lệ phí nhỏ và mang đến cho họ tất cả các phiếu nợ mới nhất để lập bảng chiết tính xem lợi tức hàng tháng tối thiểu có đủ trả được mức ấn định hay không. Nếu thấy đủ điều kiện thi hành được họ sẽ lập “chương trình điều hành nợ” (debt management program) là một bản danh sách các trương mục nợ, số tiền nợ cùng số tiền tối thiểu hàng tháng phải trả là bao nhiêu rồi tổng cộng tất cả lại thành một khoản tiền theo đó thân chủ ký nhận đồng ý nộp trực tiếp hàng tháng và phải nộp đúng ngày cho tổ chức này để họ phân phối theo danh sách đã ấn định sau khi trừ tiền phần trăm hoa hồng. Sau đó họ điều đình với các chủ nợ, người nợ không còn phải trả cho các nơi này nữa mà hàng tháng chỉ trả một lần cho tổ chức này để họ trả các chủ nợ cho đến khi mãn nợ. Ngoài bổn phận nộp tiền hàng tháng người nợ không bị ràng buộc gì khác và cả hai bên người nợ lẫn chủ nợ có quyền ngưng hay hủy bỏ chương trình bất cứ lúc nào.



Tham gia các chương trình điều hành nợ cũng tương tự như khai phá sản theo Chương 13 nhưng có lợi điểm là không bị án tòa ghi “Khánh Tận” vào hồ sơ công khố mà có ảnh hưởng tín dụng 10 năm và cũng có lợi điểm ngưng được các hành động đòi nợ. Có điều bất lợi nếu sau này chậm không trả nổi thì các chủ nợ sẽ tái diễn thủ tục đòi nợ và chương trình này không có quyền lực pháp lý gì để bảo vệ người nợ; chủ nợ hay nguồn tài trợ có thể thay đổi ý kiến hủy bỏ bất cứ lúc nào để tiếp tục áp dụng thủ tục đòi nợ hay thưa kiện ra tòa xin xiết nhà, xiết đồ. Hơn thế nữa theo chương trình này người nợ vẫn phải trả trọn số tiền nợ cho đến khi sạch hẳn nhiều khi kéo dài một thời gian vô hạn định. Thông thường chỉ nên dùng “biện pháp thay thế” để vượt qua một thời kỳ khó khăn ngắn hạn mà người nợ có khả năng phục hồi trở lại tình trạng bình thường mau chóng với số nợ nhỏ tương đối có thể trả sạch trong thời gian ngắn, thích hợp nhất với loại nợ thẻ tín dụng.



Các “dịch vụ điều hành gom nợ” thường bị chỉ trích là sống nhờ vào tiền ủng hộ của chủ nợ nên có khuynh hường không chú trọng đến những món nợ chính yếu có thế chấp mà lại dành ưu tiên cho các nợ không thế chấp có thể xóa được nếu phá sản (vì được tài trợ nhiều hơn) khiến cho thân chủ không được giải thoát nợ mà cuối cùng nợ đâu vẫn hoàn đó. Vì lý do ấy Ủy Viên Thương Mại Tiêu Thụ Liên Bang (Consumer Federal Trade Comission) qui định bắt buộc các tổ chức này phải tiết lộ cho các thân chủ biết rõ rằng có nhận hoa hồng của các chủ nợ. Ngoài ra phải cố vấn rõ người nợ liệu có đủ khả năng để theo chương trình này cho đến khi sạch nợ hay nên khai phá sản.



Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với ý kiến cân nhắc quyết định nên khai phá sản theo chương nào cho có hiệu quả nhất trong trường hợp bất khả kháng không tìm được giải pháp nào hơn. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.


Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

https://www.nguoi-viet.com/doi-song/luat...i-pha-san/

:banana.dance: :banana.dance: :banana.dance:
Reply