LUYỆN NGỤC: Cuộc Thanh Tẩy Cuối Cùng
#16
Chương mười sáu

LINH HỒN LUYỆN NGỤC
TRẢ ƠN ÂN NHÂN ĐÃ CỨU MÌNH


CHúa Giêsu đã phán: "Hãy dùng tiền của vô nghĩa mà mua chuộc bạn bè, để khi ngươi hết của, họ sẽ đón ngươi vào nơi ở muôn đời". (Lc 16,9).

*Thánh Anphongsô cũng dạy: "Ai cứu giúp các linh hồn luyện ngục là những con cái rất thân thương của Chúa, người ấy có thể tin tưởng rằng mình sẽ được cứu rỗi, vì nếu một linh hồn được giải thoát nhờ lời cầu nguyện và các việc làm của ai, linh hồn được cứu sẽ cầu nguyện không ngừng cho người đã cứu mình, và Chúa sẽ không từ chối lời cầu xin của bạn thân thiết Người".

1. Các linh hồn cầu bầu cho các ân nhân trước mặt Chúa.

2. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân trong việc làm ăn đời này.

3. Các linh hồn biết ơn các ân nhân bằng cách giúp phần rỗi đời đời.

4. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân khi họ qua đời và trước toà Chúa phán xét.

Các nhà thần học như Gregoriô, Valencia, Berlamniô, Suarez, Sylviô, và nhiều vị khác đồng ý rằng các linh hồn luyện ngục cầu bầu cho các tín hữu cách chung, nhưng cầu bầu cho những ân nhân và thân nhân còn sống trên trần gian cách riêng.

*Thánh nữ Magarita thành Cortona có lòng thương các linh hồn luyện ngục lắm. Trong truyện đời thánh nữ, người ta kể rằng: Sau khi qua đời, thánh nữ đã thấy vô số linh hồn mà người đã cứu khỏi luyện ngục đã mặc hình người đón linh hồn thánh nữ vào thiên quốc.

*Thánh Philip Nêri cũng được nhiều linh hồn con thiêng liêng người hiện ra với người sau khi họ qua đời, hoặc để xin người cầu nguyện, hoặc để cảm ơn người đã cứu giúp. Khi thánh nhân qua đời, một linh mục dòng người được thấy vô số linh hồn đến vây quanh và đưa người vào Thiên Đàng.

*Cha Lacordaire, một linh mục nổi tiếng nước Pháp kể truyện sau đây trong cuốn sách Các Bài Giảng Về Linh Hồn Bất Tử: Một hoàng tử vô thần người Ba Lan đã viết xong một quyển sách chống vấn đề linh hồn bất tử. Hoàng tử sắp cho in ra. Ngày kia, ông đang đi bộ trong công viên, một phụ nữ chạy tới quỳ xuống chân ông  khóc lóc: "Lạy hoàng tử, chồng tôi chết mấy mấy ngày nay, có lẽ linh hồn ông ta đang ở dưới luyện ngục đau khổ, nhưng tôi nghèo không có lấy một đồng để xin Lễ cho linh hồn chồng tôi, xin hoàng tử giúp tôi để tôi giúp lại chồng".

Dù không tin có đời sau, hoàng tử cũng mủi lòng và đưa cho bà ta một đồng tiền vàng ông đem theo mình. Người đàn bà mau mắn chạy đến nhà thờ xin Lễ cho chồng. Ba hôm sau, vào buổi chiều, hoàng tử đang ngồi nghỉ trong phòng đọc sách vắng vẻ, bận bịu sửa chữa lần chót quyển sách nói trên, bỗng ông nghe tiếng động đậy, vội nhìn chung quanh, ông đã thấy sững sững trước mặt một người ăn vận kiểu nhà quê đang đứng đó. Ngạc nhiên và tức giận, sao lại có người nhà quê vào phòng lúc này khi ông chưa cho phép. Ông đứng dậy đuổi đi ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử gọi các tôi tớ đến trách mắng tại sao lại cho người nhà quê vào phòng không xin phép trước. Các tôi tớ nhạc nhiên không biết ai đã vào phòng ông. Họ quả quyết không có khách lạ vào dinh lúc này. Hoàng tử im lặng về phòng, nhưng đinh ninh rằng "Chắc chắn có người đã vào".

Cũng cùng giờ chiều hôm trước, khi ông ta đã quên truyện ấy, người nhà quê lại hiện ra đứng trước mặt ông không nói nữa lời. Lần này hoàng tử nổi giận quát mắng xua đuổi ra ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử chạy tìm quanh nhà không thấy người ấy đâu. Tôi tớ xục xạo khắp chốn nhưng không ai hiểu ra sao hết. Hoàng tử bắt đầu suy nghĩ, chờ đợi.

Chiều hôm sau cũng giờ ấy, người nhà quê đến nữa, nhưng trước khi hoàng tử nổi nóng đuổi đi thì ông đã lên tiếng: "Thưa hoàng tử, tôi tới đây cảm ơn ngài, tôi là chồng của đàn bà nghèo khổ, ngài đã bố thí cho một đồng vàng để bà ta xin Lễ cầu cho linh hồn tôi cách mấy bữa. Cử chỉ bác ái của ngài đẹp lòng Thiên Chúa, Chúa cho phép tôi về đây để cảm ơn hoàng tử và quả quyết với ông rằng "có đời sau", và linh hồn người ta không chết. Hoàng tử ha~y dùng ơn Chúa ban đây để lo phần rỗi đời đời của mình". Nói xong người nhà quê biết đi. Hoàng tử đã chợt bừng tỉnh, ông quyết định không xuất bản quyển sách chống linh hồn bất tử nữa (Charity p. 298).

*Thánh nữ Catarina thành Bologna chứng thực rằng, bất cứ ai khi nào bà xin Chúa ơn gì, bà luôn nhờ các linh hồn luyện ngục, và hầu như lần nào bà cũng được ơn xin. Bà thánh thêm rằng, nhiều ơn bà xin các Thánh không được, bà xin các linh hồn luyện ngục lại được, bà nói: "Khi tôi muốn được ơn nào từ Cha nhân lành, tôi thường xin qua các linh hồn đau khổ trong luyện ngục, và tôi thường được ơn tôi xin" (Charity p. 299).

*Đấng Đáng kính Frances Thánh Thể rất hay cứu giúp các linh hồn quả quyết rằng: Các linh hồn giúp đỡ bà trong mọi nơi nguy hiểm và cho bà biết ma quỉ đặt ra cạm bẫy để cám dỗ bà. Một linh hồn hiện ra nói rằng: "Quỉ dữ tìm mọi cách hại bà, nhưng đừng sợ, chúng tôi che chở bà". Linh hồn khác nói rằng: "Chúng tôi cầu cho bà hằng ngày. Khi ai nhớ tới chúng tôi, chúng tôi cũng nhớ tới và cầu bầu cho họ trước mặt Chúa, nhất là chúng tôi xin cho họ được ơn trung thành phụng sự Chúa và được ơn chết lành" (Charity P. 299).

*Thánh nữ Brigitta, trong cơn ngất trí nghe thấy nhiều linh hồn kêu lên: Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa thưởng gấp trăm lần cho những ai giúp đỡ chúng con bằng lời cầu nguyện, bằng việc lành, để chúng con được về hưởng Tôn Nhan Chúa".

*Cha thánh Gioan Vianey nói: "Các linh hồn luyện ngục có thần thế chừng nào đối với Trái Tim nhân lành của Chúa, nếu chúng ta biết đã nhận bao nhiêu ơn lành do các linh hồn cầu bầu, ta sẽ không quên cầu cho các ngài". Thánh nhân nói thêm: "Ta phải cầu thật nhiều cho các linh hồn luyện ngục, để các linh hồn luyện ngục cầu nhiều cho ta" (Purgatory p. 339).

*Đấng Đáng kính Crescentia có thói quen cầu xin các linh hồn luyện ngục giúp đỡ, và bà quyết chắc rằng bất cứ khi nào bà ước muốn được Chúa ban ơn gì đặc biệt, bà cũng được nhận lời.

*Bà Bề trên Macrina kể lại truyện này cùng Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, ngài truyền thuật lại cho mọi người nghe như sau: Năm 1843, những người bắt đạo Công Giáo thời Cezar Nicholas nhốt chúng tôi vào tù, bắt nhịn đói và bắt uống nước pha muối, để vì khát khô cổ mà chị em chúng tôi phải bỏ đạo. Hai ngày đầu cơn khát nước hành hạ chúng tôi khổ sở lắm, da và môi chúng tôi se lại.

Trong nơi khổ sở này, chúng tôi nhớ đến cơn khát của các linh hồn luyện ngục nóng nảy rát rúa và khát nước hằng sống gấp bội chúng tôi. Chúng tôi liền sấp mặt xuống đất cầu nguyện các linh hồn ấy. Chúa đã thương chúng tôi, vì mấy ngày sau cũng bị bắt nhịn đói khát nữa. Tới ngày thử bảy người ta mở cửa tù ra và tưởng chúng tôi ù chạy tới vòi nước uống cho giãn khát, nhưng chúng tôi lại xin chịu khát để kính 7 sự đau đớn Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc. Người quả tù ngạc nhiên và rất bực tức, lớn tiếng quát hỏi người canh tù tại sao kết quả xảy ra trái ngược như vậy, tại sao chúng tôi không chết, hay là chúng tôi có phù phép gì đây? Nhưng không, chính Chúa, Đức Mẹ, các linh hồn luyện ngục đã cứu giúp chúng tôi (Charity p. 306).

*Một thiếu nữ nghèo nhưng được học giáo lý từ ngày còn nhỏ. Vì nhà nghèo cô phải đi ở mướn. Cô có thói lành là tháng nào cũng xin Lễ cho các linh hồn luyện ngục. Khi rời miền quê theo ông chủ lên ở tỉnh thành, cô cũng vẫn giữ thói quen đó. Hơn nữa chính cô đi dự Lễ hợp lời cầu nguyện với linh mục chủ tế cầu cho các linh hồn sắp được ra khỏi luyện ngục. Chúa muốn thử lòng cô gái nghèo bằng một cơn bệnh. Không những cô đau đớn vì bệnh, cô còn bị mất việc làm và tiêu xài hết cả món tiền nhỏ đã dành dụm được. Khi khỏi bệnh, túi cô chỉ còn một đồng bạc. Làm sao bây giờ? Cô ngửa mặt cầu xin Chúa ban cho chỗ làm khác. Nghe nói có một nhà cuối phố muốn tìm người ở mướn, cô liền tìm đến xin việc làm. Khi đi được nửa đường, gặg nhà thờ, cô vào để kính viếng Chúa.

Cô nhớ lại cả tháng nay không được dự Lễ, nên nảy ra ý định lấy đồng bạc cuối cùng xin Lễ cầu nguyện cho các linh hồn, nhưng bụng đói quá làm sao chịu được. Cuối cùng cô vào phòng mặc áo Lễ với niềm tin "Chúa biết mọi sự, vì Vinh Danh Chúa, Chúa không bỏ con". Cô đã xin một lễ cầu cho các linh hồn luyện ngục, rồi cô sốt sắng dâng Thánh Lễ đó.

Dự Lễ xong cô tiếp tục đi về cuối phố, phó thác tương lai cho Chúa. Đang khi cô lủi thủi bước đi thì một thanh niên dáng vẻ xanh xao đi ngược chiều. Gặp cô, chàng hỏi: "Có phải cô đang đi tìm việc không? Cô cứ đến nhà đường này, số này, vào tìm bà này ...bà ta sẽ nhận cô và xử tử tế với cô". Nói xong chàng biến mất, cô chưa kịp cám ơn chàng. Tìm đến đúng đường và đúng số nhà, cô ấn chuông cổng. Một cô gái khác đã bị chủ đuổi, sắp phải ra đi, vẻ tức giận càu nhàu ra mở cổng nói xẵng: "Vào mà gõ cửa, bà ta sẽ mở cho!" Rồi cô ta xách gói đồ của đi thẳng ra phố.

Bà chủ nhà nghe tiếng gõ cửa, ra mở và thấy cô thiếu nữ nghèo, bà hỏi ai chỉ cho mà biết đường tới đây xin việc. Cô thật thà kể lại tình cảnh. Thấy truyện hay hay, bà bảo cô kể lại từ đầu, kể xong cô nhìn bức ảnh trên tường reo lên: "A! Thưa bà, chính anh này bảo con tìm đến nhà bà". Bà chủ nhà rất xúc động thấy cô nghèo có lòng thương các linh hồn, đã bỏ ra đồng bạc cuối cùng để xin Lễ, và như có sức thúc giục, bà ôm chầm lấy cô, nói trong nghẹn ngào: "Con ơi, con không phải là người làm mướn của ta, con là con ta. Chính con trai ta đã chỉ cho con tới đây, nó chết hai năm nay rồi, và con đã cứu nó. Ta tin rằng nó về chỉ lối cho con. Từ nay hai chúng ta sẽ hợp nhau cầu nguyện cho các linh hồn luyện ngục chóng lên Thiên Đàng (Charity P. 307-309).

*Công tước Eusebiô sống vào thế kỷ 13 kể truyện sau thật lạ lùng. Siêng cầu nguyện cho các linh hồn luyện ông chưa coi là đủ, ông còn dành một phần mười lợi tức để cứu giúp các linh hồn. Đến sau xảy ra một cuộc chiến gay go giữa phần đất của ông và vua đảo Silicia. Quân ông bị vây hãm rất gắt đến nổi ông nghĩ phải bỏ thành chạy thoát thân. Sáng hôm sau ông thấy một đạo quân đông đúc chừng 4 ngàn chiến sĩ đồng phục trắng, cỡi ngựa và đeo binh khí hùng hậu không rõ từ đâu tới giúp. Chính vua đảo Sicilia cũng trông thấy như vậy, nên đã bằng lòng ký hiệp ước hoà bình với công tước Eusebiô.


Công tước này tạ ơn Chúa và Tướng quân đã đến giúp. Vị tướng đạo quân vô danh nói với công tước rằng: "Những người lính ông thấy đây hầu hết là những linh hồn luyện ngục ông đã cứu. Chúa cho chúng tôi hợp thành đoàn quân tới giúp ông. Xin ông tiếp tục cầu nguyện cứu giúp các linh hồn. Ông càng cứu được nhiều linh hồn thì trên Thiên Đàng ông càng có nhiều người phù hộ. Trên đó họ sẽ xin Chúa chúc phúc lành cho hồn xác ông (Charity p. 310).

*Cha Lui Monaco rất thương các linh hồn luyện ngục. Lần kia ngài đi bộ một mình qua khu rừng vắng, miếng lẩm bẩm đọc kinh Mân Côi cầu cho các linh hồn như thói quen khi đi đường. Lúc ấy, có hai tên cướp chờ sẵn trong bụi rậm tính giết khách bộ hành cướp của. Bất ngờ khi chúng đến gần thì gặp ngay lúc các linh hồn luyện ngục đến giúp ân nhân. Các ngài kết tay bao quanh cha Monaco thành một vòng tròn. Hai tên cướp không hiểu người đâu tự nhiên đến đông như thế, chúng hoảng sợ nháy nhau vội rút lui thật lẹ vào rừng rậm. Thế là cha dòng được thoát nạn (Charity p. 310).

*Một người đã được thoát chết lạ lùng kể lại: Ông này rất tôn sùng Đức Nữ Đồng Trinh và hay cầu nguyện cho các linh hồn luyện ngục. Ông có thói quen tối nào cũng đọc kinh vừa xong ông lên giường nằm ngủ và ngủ rất say sưa mệt mã. Trong xóm này có mấy người ghét ông vì một lý do nào đó, từ lâu, họ đã tính giết ông. Tối hôm ấy chờ ông đi ngủ, họ bẻ khoá cửa, rón rén đi vào chỗ ông nằm. Thấy áo vắt trên ghế, nhìn vào giường không thấy ông đâu, chung quang cũng không có. Lạ thật, tức giận đầy đầu, kẻ thù ông chán nản bảo nhau ra đi. Thì ra Chúa, Đức Mẹ đã che mắt không cho chúng thấy để giết ông đêm đó.

Mấy ngày sau, bọn kẻ thù bàn định trở lại giết cho được mới thôi. Tối hôm ấy, ông ta đi đâu, mệt mã trở về phòng, đọc kinh như thường lệ, nhưng đọc mới nửa kinh cầu Đức Bà, ông đã bỏ đi ngủ. Quan sát kỹ càng, kẻ thù mừng thầm bảo nhau vào chỗ ông nằm "Lần này không chạy đâu được nữa con ơi". Đúng vậy, ông ta đang nằm dài trên giường, nhưng kỳ thật, sao ông ta lại bị chặt làm đôi, khúc đầu biến đâu mất, còn lại có khúc từ bụng trở xuống đang nằm đó. Hoảng sợ, mấy tên sát nhân bảo nhau bỏ chạy lập tức.

Sáng hôm sau mấy kẻ thù rất bỡ ngỡ khi thấy người mình định giết tối hôm qua vẫn còn sống lành mạnh đang đi ngoài phố như không có chuyện gì xảy ra hôm qua. Họ tưởng ông là ma. Sau khi hỏi han và thú thật dự tính định biết ông, và bắt ông kể lại lý do. Ông đã kể lại và nhận ra rằng vì có lòng thương cứu các linh hồn luyện ngục nên Chúa đã cứu, nhưng vì ông đọc nửa kinh cầu Đức Bà nên chỉ có nửa mình được giấu đi. Cả đôi bên đều ta ơn Chúa và Đức Mẹ và các linh hồn luyện ngục (Charity p. 312).

*Một người kia buôn bán thế nào mà hàng hoá còn ứ đọng rất nhiều trong sáu bảy năm trời, đến nỗi như sắp bị vỡ nợ. Ông ta xin một số lễ cầu cho các linh hồn luyện ngục xin cứu giúp. Lời cầu đã được nhận, hàng hoá sau một thời gian vắn đã bán hết và thoát khỏi cảnh vỡ nợ, mất nhà, dẹp tiệm (Charity p. 315).

*Đức Giáo Hoàng Benedictô thứ 8 kể như sau: Cha thánh Anphonsô Lotesi thuộc dòng Tên, bị cám dỗ rất nặng nề về đức khiết tịnh, ngài đã cố gắng mọi cách để giữ mình khỏi sa ngã chước cám dỗ ấy. Ngài chạy đến cầu khẩn cùng Đức Mẹ là Đức Nữ Đồng Trinh vẹn sạch. Đức Mẹ hiện ra dạy ngài sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn luyện ngục, ngài vâng lời và được khỏi cơn cám dỗ (Charity p. 321).
:rose4:  Beauty is not in the face;
beauty is a light in the heart. :rose4:
Reply
#17
...tiếp theo Chương mười sáu...

*Một người khá giả kia là ân nhân lớn của cách linh hồn luyện ngục. Đêm kia khi ông đang ngủ thì có người đánh thức bảo phải xưng tội ngay, càng nhanh càng tốt, vì tử thần sắp đến rước ông. Ông ta đã nghe lời đi xưng tội, rước Mình Thánh Chúa và đã chết đúng như lời người lạ loan báo. Chúa đã thương ông vì ông đã thương các linh hồn (Charity P. 321).

*Chân phước Frances Năm Dấu thường liên lạc mật thiết với các Thiên Thần và các linh hồn luyện ngục. Trong tiểu sử đời bà kể chuyện sau đâu có bằng chức xác thực rằng: Bà kia là bạn của Chân phúc đã làm ơn nhiều cho Chân phúc khi còn sống. Sau khi bà bạn chết, Chân phúc đã dâng thời gian dài cầu nguyện, hy sinh, làm việc lành chỉ cho bà ân nhân. Một lần, khi Chân phúc cầu nguyện, bà ta hiện về tỏ cho biết nhiều điều về tương lai. Chân phúc hỏi về kinh nguyện mình dâng lên Chúa có giúp ích gì cho bà bạn không? Bà bạn trả lời rằng: "Tất cả những công phúc lời cầu đều ở trong tay Đức Mẹ, nhờ Đức Mẹ rộng ban, bà ta được an ủi rất nhiều và được giảm bớt ngày tháng chịu phạt". Chân phúc còn hỏi về một điều nghi ngờ không biết những đau đớn bà chịu do những bệnh nạn, chỉ cho bà bạn, bà có đước ích gì không? Bà bạn trả lời: "Ồ, ngay lúc ba chịu đau đớn ở trần gian, Thiên Thần chuyển cho tôi sự vui sướng Thiên Đàng. Khi bà hết đau, tội lại phải chịu khổ". Sau ít ngày, bà ân nhân hiện về cảm ơn Chân phước đã cứu mình khỏi luyện ngục (Charity p. 3j).

*Sơ Magarita Ebner dòng Thánh Đaminh, rất thân thiết với các linh hồn luyện ngục. Bà đã hy sinh cầu nguyện và cứu được nhiều linh hồn. Bà rất muốn tiến nhanh trên đường trọn lành kính mến Chúa, nên xin với các linh hồn cách riêng về chủ ý này. Các linh hồn đã trả ơn bà. Chính bà khuyến khích rằng: "Nếu ai muốn tiến tới trên đường trọn lành, hãy nhớ các linh hồn luyện ngục cầu bầu cho, các linh hồn sẽ giúp được như lòng mong ước (Charity p. 321).

*Một linh mục nói rằng, nhiều năm làm cha xứ, ngài nhận thấy các học sinh lớp giáo lý rất khó nhớ bài học. Ngài đã xoay xở một cách để giúp các trẻ em mà kết quả rất kém. Lưỡng lự vì thấy trẻ em ngoan ngoãn, không lẽ không cho chúng xưng tội rước Lễ lần đầu. Nhớ lại đã đọc mấy chuyện về các linh hồn luyện ngục giúp đỡ, ngài liền bảo các em sáng tối đọc kinh cầu nguyện chỉ cho các linh hồn luyện ngục xin giúp các em nhớ bài giáo lý. Kết quả rực rỡ, khi khảo bài, các em không những trả lời được các câu hỏi, mà còn trả lời một cách rất xuôi xắn nữa (Charity p. 322).

*Tại đô thành Paris nước Pháp, có người Công Giáo kia tìm hết cách để khuyên ông già bạn sắp chết ăn năn xưng tội. Cố gắng khuyên bao nhiêu lần mà ông già gân vẫn cứng lòng từ chối. Sau cùng ông nghĩ tới cách là hứa xin một số Lễ cho các linh hồn mồ côi cô độc nhất trong luyện ngục, xin các ngài giục lòng ông già kia ra mềm mà chịu xưng tội rước Lễ như của ăn đàng trước khi chết. Thật là lùn, chính ngày cuối đời, ông già đã được ơn đón nhận các Bí Tích cuối cùng và chết lành bình an (Charity p. 333).

*Truyện sau đây xảy ra năm 1884 tại Florence nước Ý, một người Công Giáo tên Parrini theo hội kính Tam Điểm. Ông ta viết chúc thư rằng, sau khi đấu kiếm với người bạn, nếu ông ta có bị thương, thì cũng không linh mục, mục sư bất cứ đạo nào được quyền dụ ông ăn năn. Sau khi ông chết, chỉ có gia đình bà bạn bè được đưa xác, không cần nghi lễ tôn giáo nào hết.

Tới gần ngày định đấu kiếm, ông lại viết một chúc thư khác giống như chúc thư ông ta đã viết hai năm trước. Lập trường cứng rắn không thay đổi. Không tin tưởng tôn giáo, thánh thần nào hết.


Sau 16 hiệp đấu kiếm, ông ta bị thương nặng, chắc chắn chết tới nơi. Người ta khiêng xác hấp hối ông về nhà. Biết mình không qua khỏi, ông nói với bà bạn đi bên cạnh: "Bà làm ơn đi mời linh mục cho tôi, đi thật nhanh, tôi muốn gặp linh mục, tôi chắc chắn muốn gặp, bà đi thật nhanh cho tôi, tôi muốn gặp linh mục".

Khi cha xứ vào phòng ông đang nằm, ông vui như gặp vị sứ giả từ trời xuống. Hai người nói truyện riêng xong, cha xứ ra mời hai người vào làm chứng. Cha xứ đã hỏi ông ta có bằng lòng từ bỏ tội Tam điểm, có chừa đấu kiếm, có rút lại các bài báo nhục mạ Giáo Hội không? Ông đã mạnh dạng tuyên bố trước tượng Chúa để trên ngục, trước cha xứ và hai chứng nhân rằng ông xin từ bỏ hết, ông xin rút lại di chúc cũ, xin mọi người tha thứ và cầu xin Chúa tha thứ cho ông ta. Bản tuyên bố từ bỏ này còn giữ lại tại Văn Khôi Toàn Tổng Giám Mục Giáo Phận.

Sau đó ông ta được xưng tội, rước Mình Thánh Chúa. Ông ghì chặt Thánh Giá trên môi nài xin ơn tha thứ. Ông chịu các phép Bí Tích cuối cùng thật sốt sắng làm mọi người Công Giáo hay không, đang đứng đó cũng phải cảm động. Ông giục lòng tin cậy mến ăn năn tội và cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Cha xứ xức dầu xong, ông tắt thở khi còn đang kêu tên cực trọng Giêsu Maria và ôm Thánh Giá trên ngực.

Người này được ơn trở lại nhờ ai? Là vì từ đáy lòng ông ta chưa bỏ hẳn đức tin mà bà mẹ đạo đức đã dạy ông hồi còn nhỏ. Và dù bên ngoài ông chống đạo nhưng ông vẫn hay làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo và các linh hồn luyện ngục cách rộng rãi. Trong thời gian nhập hội kín Tam Điểm, ngày nào ông cũng đọc kinh Vực Sâu cầu cho các linh hồn. Mỗi khi nghe có người bạn qua đời, ông liền đọc kinh Vực Sâu cho họ. Ông đã được chết trong Giáo Hội là nhờ các linh hồn luyện ngục bầu củ cho (Charity p. 336-338).

*Linh mục Henry người nước Bỉ kể rằng: Sau khi thụ phong linh mục, ngài được cử đi dạy học và giảng đạo tại nước Đức. Ở đâu cha cũng tỏ ra là người bạn tốt của linh hồn luyện ngục, và thường được các linh hồn tỏ ra biết ơn. Một lần ở Cologna, sau khi dự đám tang của thầy dòng Phanxicô, cha Henry tiếp tục cầu cho thầy và cho các linh hồn luyện ngục (Charity p. 338).

Thầy dòng Phanxicô mới qua đời được phép hiện về cảm ơn cha Henry, vì nhờ lời cầu của ngài mà thầy chỉ phải ở luyện ngục nửa ngày. Bây giờ thầy được lên Thiêng Đàng với 24 linh hồn khác cũng nhờ lời cha cầu nguyện cho. 

Khi cha Henry được cử đi Wimpfen dạy học, người ta nói với cha có một người mới qua đời, khi còn sống người này đã muốn vào dòng Thánh Đaminh, người này đã giúp nhà dòng rất nhiều, coi như một đại ân nhân của dòng. Cha Henry thương cầu cho ông ta hằng ngày. Tới ngày giáp năm qua đời, ông ta hiện về với người bà con, nhờ người này đến cảm ơn cha Henry đã cầu nguyện cho mình được thoát luyện ngục.

Sau cùng khi cha Henry gần qua đời, ngài bị bệnh rất đau đớn, nhưng ngài đã được biết trước, nên rất nhẫn nhục chịu đựng. Ngài bình tĩnh chờ Đức Mẹ và các linh hồn luyện ngục đến. Lúc ngài tắt thở, một bà già đã được thấy ngài lên Thiên Đàng với 336 linh hồn khác cùng lên với ngài (Charity p. 339).

*Một giáo dân đạo đức tại miền Britany nước Pháp rất hay cầu nguyện cho các linh hồn, ông mắc bệnh sắp chết. Người ta mời cha xứ tới cho ông lãnh các Bí Tích cuối cùng. Vì mệt quá, cha xứ đã nhờ cha phó đi thay mình. Khi cha phó tới cho ông ta xưng tội, xức dầu, rước Mình Thánh Chúa rồi trở về nhà. Khi đi qua nghĩa địa gần nhà xứ, ngài nghe tiếng gọi lớn: "Hỡi những kẻ chết, chỗi dậy, tới nhà thờ cầu nguyện cho đại ân nhân chúng ta mới qua đời, chúng ta mắc nợ, vì ông hay cầu nguyện cho chúng ta!"

Cha phó bỗng thấy cửa nhà thờ mở ra và trên cung thánh thắp nến sáng, và ngài nghe có tiếp từ bàn thờ gọi kẻ chết đến cầu nguyện. Rồi ngài nghe tiếng ồn ào các bộ xương cử động bước ra khỏi mồ, xếp hàng đi vào nhà thờ hát kinh cầu cho kẻ chết. Hát xong, các bộ xương lại im lặng trở về mồ mình tại nghĩa địa, nến nhà thờ tắt hết, chung quanh im lặng hãi hùng. Tái mặt sợ hãi, run rẩy, cha phó chạy vào nhà hỏi xem cha xứ có thấy gì như mình không, cha phó thuật lại đầu đuôi, nhưng cha xứ không tin vì ngài chưa biết người bệnh đã chết hay chưa. Trong khi hai vị còn đang nói, có người vào nhà báo tin bệnh nhân đã qua đời. Cha phó bị ám ảnh mạnh mẽ về những gì đã thấy. Ngài đã xin bỏ xứ để vào dòng, về sau lên chức Bề trên, ngài thường kể lại chuyện này cho anh em nghe mà cầu cho các linh hồn luyện ngục (Charity p. 39-340).

*Thầy dòng Simon và thầy Gioan Fabriciô dòng Chúa Giêsu, cả hai đều là ân nhân của các linh hồn luyện ngục, đã được các linh hồn giúp đỡ khi sắp qua đời. Một số lớn linh hồn luyện ngục các ngài đã cứu vây quanh giường các ngài để an ủi và khi các ngài qua đời, liền đem linh hồn các ngài về Thiên Đàng (Charity p. 341).

*Các linh hồn luyện ngục không những giúp các ân nhân giờ chết, mà còn cầu bầu để các ân nhân sớm ra khỏi luyện ngục như chuyện sau:

Bà sơ Paula Terexa nổi tiếng thánh thiện tại thành Napoli nước Ý, được thấy Chúa từ trời xuống luyện ngục, Ngài chọn linh hồn nọ linh hồn kia đem về Thiên Đang. Bà sơ hỏi Chúa chọn lựa như vậy? Chúa trả lời: Vì nhữn linh hồn này khi còn sống đã có lòng bác ái với các linh hồn luyện ngục, Cha thương cho chúng sớm thoát khỏi nơi này vì Cha đã phán: "Ai thương xót thì sẽ được xót thương" (Charity P. 341).

Trong sách bà Ruth trong Cựu Ước có lời Chúa phán: "Chúa sẽ thương xót con như con thương người đã chết" (Rt 1,8), vì khi đã chết họ không lập được công trạng gì để cứu mình nữa, mà còn phải trả nợ tới đồng xu cuối cùng (Mt 5,25). Và có lời khác rằng: "Kẻ không biết thương ai, thì sẽ không được ai thương xót khi bị phán xét" (Gc 2,13).

*Bà Đáng kính Archangela Panigarola, Bề trên một nhà dòng tại Milanô nước Ý, vào Lễ các Linh Hồn, được Thiên Thần bản mệnh dẫn vào luyện ngục. Tại đây bà thấy bố bà đang đau khổ rên xiết giữa các linh hồn khác. Khi thấy con mình, ông bố vội kêu lên: "Archangela con ơi, sao con quên người cha vô phúc này chịu cực hình nóng nảy ở đây! Con đã cầu nguyện và cứu nhiều linh hồn, còn cha, con mang ơn rất nhiều, con lại bỏ quên". Sơ Archangela rất ngạc nhiên thấy bố phàn nàn như thế, nhưng Thiên Thần Bản Mệnh nói với bà rằng: "Chúa để vậy, vì khi còn sống, bố bà đã không tha thiết lo lắng phần rỗi linh hồn mình và cũng không có lòng bác ái với các linh hồn luyện ngục" (Charity p. 342).

Những ai đọc hay nghe các truyện này, nên ân cần lo lắng phần rỗi đời đời mình, và rộng lòng bác ái thương cứu các linh hồn luyện ngục. Nay ta cứu người, mai người cứu ta. Lời Chúa nhắc nhở ta rằng: Các người đong cho ai đấu nào, người ta sẽ đong lại cho các ngươi đấu ấy".
:rose4:  Beauty is not in the face;
beauty is a light in the heart. :rose4:
Reply
#18
Chương mười bảy

NHỮNG PHƯƠNG THẾ
TRÁNH LUYỆN NGỤC LÂU DÀI


1. ĂN NĂN SÁM HỐI

Sau khi đã đọc hoặc đã nghe từ đầu cuốn sách này cho tới đây, ta đã biết phải làm gì để tránh chịu thanh tẩy trong Luyện Ngục lâu dài phải gắng trước hết là TRÁNH PHẠM TỘI. Tội trọng chỉ được tha với lòng ăn năn thật và xưng thú cùng linh mục, trừ khi không có thể. Tội nhẹ được tha bằng nhiều cách: Ăn năn sám hối, qua Bí Tích Hoà Giải, qua Bí Tích Thánh Thể, qua dấu Thánh Giá với Nước Thánh. Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Thà gột rửa tội lỗi và khử trừ thói hư ngay bây giờ, còn hơn đợi đến trong kiếp sau" (Q. một, chương 24, đoạn 2).

2. ĐỀN TỘI.

Muốn khỏi đền tội lâu dài trong Luyện Ngục, chỉ có cách lo đền tội trước ở đời này như Chúa Kitô đã phán: Hãy làm việc khi trời còn sáng, đêm tối đến biết đường đâu mà làm. (G 9,4).

Đền tội có thể bằng nhiều cách, như ta đã nghe qua ở các chương trên: Có thể bằng đền trả những xâm phạm bất công về tiền của và danh giá, bằng hy sinh, hãm mình, chịu đau khổ theo thánh Ý Chúa; có thể bằng lãnh ân xá Giáo Hội ban, bằng chia sẻ của cải, giúp đỡ tha nhân, yêu mến Chúa (tôn thờ Thánh Thể Chúa và Thương Khó Chúa), yêu mến Đức Mẹ; xây đắp Giáo Hội Chúa ...Ở đây xin nhấn mạnh tới một vài việc:


3. HY SINH, HÃM MÌNH, VUI CHỊU ĐAU KHỔ

Hãm mình là điều rất cần thiết để tiến tới trong đàng nhân đức, và rất cần để đền bù tội lỗi khi được hợp với những đau khổ của Chúa Kitô. Nhờ hãm mình, chịu đau khổ ta cứu được ta và ta cứu được các linh hồn Luyện Ngục.

Thánh nữ Catarina thành Siena, theo lời cha Đáng kính Raymond Capua kể lại rằng: Tôi tớ Chúa có lòng rất nhiệt thành cứu các linh hồn, trước hết, tôi xin kể việc cứu cha của người là ông Giacômô. Ông bố này nhận ra sự thánh thiện của con gái mình nên ông có lòng kính trọng con ông lắm, ông bảo mọi người trong nhà không bao giờ được làm gì trái ý cô, nhưng để cho con tự do làm việc lành phúc đức. Tình cha con ngày một tăng tiếng. Catarina kiên tâm cầu nguyện cho phần rỗi của cha. Ông Giacômô vui cách tốt lành trong các nhân đức của con, hy vọng nhờ đó ông được ơn trước mặt Chúa.

Ông Giacômô đã chết vì con trọng bệnh, Catarina cầu nguyện xin Chúa là bạn trăm năm trên trời của mình cứu chữa cha khỏi bệnh, nhưng Chúa trả lời, Giacômô cha của con phải chết, vì có sống lâu, ông cũng không ích lơi cho ông. Catarina liền khuyên cha sẵn long ra khỏi cuộc đời, thánh nữ cám ơn Chúa hết lòng và không dám tiếc xót. Nhưng thánh nữ cầu xin Chúa ban ơn tha tội cho cha bà, hơn nữa được Chúa nhận vào Thiên Đàng ngay sau khi chết, không phải qua lửa Luyện Ngục. Chúa phán: "Cha con đã sống đời tốt lành trong bậc gia đình, đã làm những việc lành đẹp lòng Chúa, cách cư xử với con của cha con làm đẹp lòng Chúa, nhưng sự công bằng của Chúa đòi cha con phải thanh luyện bằng lửa, để tẩy hết mọi vết nhơ dính bén sự đời". Thánh Catarina van nài: "Lạy Chúa, làm sao con chịu được cảnh người đã nuôi con, dạy con cách yêu thương, đã cư xử tốt lành với con cả cuộc đời phải chịu đau đớn trong lửa nóng nảy như vậy? Con xin Chúa nhân từ vô cùng đừng để linh hồn cha con rời xác đến khi được sạch hoàn toàn để không còn phải qua Luyện Ngục ...nếu con không xin được ơn này, xin Chúa con cho con được chịu đau khổ thay cho cha con tất cả những đau khổ nào vừa Ý Chúa". Chúa trả lời: "Vì lòng mến Chúa, Chúa bằng lòng chấp nhận điều con xin, con sẽ phải đau khổ thay cho cha của con". Thánh nữ cảm tạ Chúa vô ngần, quay sang phó linh hồn cho cha. Vừa lúc ông Giacômô tắt thở, thánh nữ bị cơn đau đớn dữ dội lập tức, tưởng phải chết đến nơi, nhưng thánh nữ rất can đảm chịu đựng không hé môi. Người cầu nguyện: Chúc tụng Chúa và mở miệng mỉm cười như nói với cha: Cha ơi, con ước gì được như cha bây giờ. Trong tang lễ, thánh nữ an ủi mẹ và mọi người cách can đảm. Linh hồn ông Giacômô đã lên Thiên Đàng ngay như người trộm lành được ơn tha thứ (Purgatory p. 310-314). Thánh nữ tiếp tục phải chịu đau khổ để bù phần phạt cho cha mình, nhờ đó thánh nữ cũng được tiến cao trên đường nhân đức.

Tác giả Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Ai ngày nay khiêm tốn chịu người đời xét đoán ...chịu khinh vì Chúa Kitô...đến ngày công phán sẽ vui mừng. Lúc đó thân xác bị cầm hãm sẽ nhảy mừng hơn là được nâng niu. Lúc đó chiếc áo thô sẽ toả sáng hơn lụa là lộng lẫy. Lúc đó xó lều tranh còn quí hơn lầu vàng. Lúc đó lòng nhẫn nhục quí hơn quyền lực thế gian. Lúc đó tâm trong sạch quí hơn thông minh xuất chúng (Quyển một, chương 24, đoạn 3).

4. VÂNG THEO Ý CHÚA ĐỊNH ĐOẠT MỌI SỰ, KỂ CẢ SỰ CHẾT.

(Theo G.B Saint-Jure, S.J. Tin Cậy Chúa Quan Phòng trang 70-73).

Chúng ta còn phải đem sự tuân theo Thánh Ý Chúa vào việc nhận lấy cái chết của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ chết, đó là một quyết định không có thể kháng cự được. Chúng ta sẽ chết vào ngày và bằng thứ chết mà Chúa sẽ muốn. Chính cái chết đó Người đã định cho ta phải vui nhận, vì đó là cái chết Chúa đã xét là hợp với sự vinh quang của Người nhất. Một hôm bà thánh Gertruđê trèo đồi, trượt chân, lăn xuống một thung lũng. Chỗi dậy an lành, bà lại trèo đồi và nói: "Lạy Chúa đáng mến, thực là một phúc lớn cho con, nếu cái ngã vừa rồi đã giúp con một phương tiện tiến đến Chúa sớm hơn". Các chị em đứng chung quanh hỏi: "Lúc đó bà không sợ chết mà không chịu các phép sau hết sao?". "Ồ, bà thánh trả lời, thực tôi ao ước hết lòng được chịu các Bí Tích trong giờ sau hết nhưng tôi còn yêu mến thánh Ý Chúa hơn. Tôi tin chắc rằng sự dọn mình chết tốt nhất và chắc chắn nhất để chết lành là tuân phục Ý Chúa muốn. Cho nên cái chết Chúa muốn cho tôi qua để về cùng Ngài là cái chết tôi mong ước và tôi tin rằng: được sửa soạn như thế, thì dù chết cách nào, sự thương xót của Chúa cũng đến giúp tôi".

Hơn nữa, nhiều nhà tu đạo học nổi danh đã cùng thánh Louis de Blois dạy rằng: Ai trong lúc sắp chết làm một việc tuân they Ý Chúa hoàn toàn, thì sẽ được giải thoát không những khỏi Hoả Ngục, mà còn khỏi cả Luyện Ngục nữa, dù một mình người đó đã phạm hết mọi tội của cả thế gian. Lý do là vì thánh Anphongsô nói thêm - kẻ nhận lấy cái chết một cách nhẫn nhục hoàn toàn, thì được công nghiệp giống như công nghiệp các thánh tử đạo là những vị đã tự hiến mạng sống mình vì Đức Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó chết vui vẻ và  thoả mãn, dù ở giữa những đau đớn mãnh liệt nhất. 

5. THỰC THI ĐỨC BÁC ÁI.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã phán với người phụ nữ sám hối rằng: "Chị này nhiều tội nhưng đã được tha thứ cả, vì chị yêu mến nhiều (Lc 7, 47). Chúa còn khuyên nhủ "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ đón rước anh êm vào nơi ở vĩnh cữu" (Lx 16,9). Cụ Tobia trong Cựu Ước cũng khuyên con mình như sau: "Con hãy lấy của con có mà làm phúc, đừng ngoảnh mặt đi trước kẻ nghèo nào. Và Nhan Thiên Chúa cũng không ngoảnh đi với con. Có của bao nhiêu, tuỳ theo số lượng, con hãy lấy mà bố thí. Quả đó là kho tàng con cất cho mình vào ngày túng quẫn chật vật. Vì chưng việc bố thí giựt khỏi sự chết và không để lâm phải tối tăm. Quả thế, bố thí là lễ tế tốt đối với mọi kẻ lo (bố thí) trước Nhan Thượng Đế" (Tb 4,7-11 - Bảnh dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn).

*Thánh Phêrô Đamianô đã thuật lại trong sách của người truyện này: Ở thành Rôma có một ông chúa tên là Gioan Patrixi đã qua đời. Cuộc sống của ông, tuy là một người Công Giáo, được coi như một người giàu có, khác xa với Thầy Chí Thánh là Chúa Kitô nghèo khó, đau khổ, đội mũ gai, chịu đánh đòn. Tuy nhiên ông ta rất có lòng bác ái thương người nghèo, có khi ông cho cả áo choàng của mình để che thân họ. Ít ngày sau kho ông qua đời, một linh mục thánh thiện, khi đang cầu nguyện, được ngất trí, thấy mình được đưa đến đại thánh đường thánh nữ Cecilia, một trong những thánh đường nổi tiếng ở Rôma. Linh mục thánh thiện này trông thấy vô số thánh nữ đồng trinh từ trời xuống, thánh Cecilia, thánh Anê, thánh Agata và các vị thánh khác vây quanh cỗ kiệu lộng lẫy Đức Nữ Đồng Trinh Maria đang ngự, có các thiên thần và linh hồn hạnh phúc bao quanh. 

Vào lúc đó, một người phụ nữ nghèo khó, mặc áo rách rước, nhưng lại khoác áo choàng lông đắt giá trên vai bà. Bà nghèo này quì khiêm tốn trước nhan thánh Đức Mẹ, tay chắp, mắt tràn đầy dòng lệ, thân thưa với niềm vui: "Lạy Mẹ Tình Thương, nhân danh lòng tốt vô biên của Mẹ, con xin Mẹ thương xót người bất hạnh là Gioan Patrixi vừa mới chết, và bây giờ đang chịu cực hình Luyện Ngục". Ba lần, người phụ nữ nghèo đều cầu nguyện một lời như nhau, mỗi lần mỗi sốt sắng hơn, nhưng vẫn không được Đức Mẹ trả lời. Bà ta lại van xin: "Lạy Mẹ là Nữ Vương rất hay thương xót, Mẹ quá biết, con là kẻ ăn xin ngồi ở cửa đền thánh, xin của bố thí vào mùa đông rét buốt, con không có áo che thân, mà chỉ có mảnh dẻ rách. Con run rẩy vì giá lạnh. Thế nhưng khi con xin ông Gioan nhân Danh Mẹ, ông đã cởi áo choàng lông đắt giá đang mặc cho con, không kê gì đến bản thân mình. Ông đã làm việc bác ái anh hùng đó, lại không đáng được Mẹ, ôi Maria, ban cho chút ân xá sao?". Nghe thế, Đức Nữ Vương động lòng thương xót, âu yếm cúi xuống trên người phụ nữ đáng thương đang kêu van nói rằng: "Người mà con đang cầu xin cho đã phải luận phạt một thời gian lâu, với những đau khổ dữ dằn để đền những tội vô số của ông ta, nhưng vì ông ta có hai nhân đức nổi bật là lòng thương kẻ nghèo khó và tôn sùng các bàn thờ Mẹ, Mẹ sẽ xuống cứu vớt ông ta". Sau những lời này, cả đoàn thánh nhân lộ vẻ vui mừng biết ơn Mẹ Tình Thương. Ông Patrixi được dẫn đến: thân hình xanh xao, hình thù ghê gớm, mang đầy xiềng, mặc cho ông áo vinh quang, cho ông được tham dự vào đám đông đang vây quanh Mẹ. Lệnh được thi hàng lập tức và chấm dứt cuộc ngất trí.


Vị linh mục thánh thiện này từ đó đã không ngớt ca tụng Tình Thương Vô Biên của Mẹ Maria là Nữ Vương Thương Xót đối với các linh hồn khốn khổ trong Luyện Ngục, nhất là những linh hồn đã chân thành tôn kính phục sự Người, và những ai đã biết thương xót bác ái với những người nghèo khó (Purgatory p. 379-381).

6. KÍNH MẾN ĐỨC MẸ (LẦN HẠT MÂN CÔI, ĐEO ÁO ĐỨC MẸ ...)

Truyện sau này đây lưu ý ta về lời khuyên của thánh Gioan Vianey xứ Ars bên Pháp, về lòng sùng kính Đức Mẹ và việc cầu cho các linh hồn.

*Một linh mục dòng giảng truyền giáo cho các quí bà ở thành Nancy. Trong số các bà, có một bà vẻ mặt âu sầu, mình mặc áo tang đến với cha dòng nói rằng: "Thưa cha, cha khuyên chúng con tin cậy cầu khẩn cho các linh hồn, những gì mới xảy đến cho con minh chứng điều đó. Con có người chồng rất tử tế và dễ thương, dù đời sống của chồng con không có điều gì tội lỗi, nhưng anh ấy lơ là việc sống đạo. Con đã cầu nguyện và khuyên nhủ không kết quả gì. Trong thánh Năm, tháng Hoa Đức Mẹ, trước khi nhà con qua đời, theo thói quen, con làm một bàn thờ nhỏ trong phòng con và trang hoàng hoa nến để kính Đức Mẹ. Chồng con cứ ngày Chúa Nhật là về miền quê, nhưng khi trở lại nhà, anh thường đem về cho con một bó hoa chính anh đã hái, con dùng những bó bông hoa ấy trang hoàng bàn thờ cho Đức Mẹ. Anh có biết điều đó hay không? Anh tặng hoa cho vui lòng con? Anh có lòng kính mến Đức Mẹ? Con không biết, chỉ biết rằng anh luôn mang hoa về cho con.

Vào thánh sau, nhà con qua đời, không kịp lãnh các Bí Tích cuối cùng trong đạo. Con đau đớn vô ngần, vì những hy vọng đưa anh về với Chúa đã tiêu tan. Trong nỗi chán chường như vậy, con đâm a yếu đau, xuống tinh thần rõ rệt. Gia đình con khuyên con nên đi nghỉ ngơi ở Miền Nam một thời gian. Khi con đi qua thành Lyon, con muốn qua thăm cha sở xứ Ars, nên con viết thư xin được gặp người, và xin người cầu cho chồng con đã chết bất ngờ, ngoài ra con không nói thêm gì nữa.

Đi tới xứ Ars, vào gặp cha Sở. Con thật hãi hùng khi nghe người nói với con những lời này: "Thưa bà, bà đang lo buồn, bà đã quên những bó hoa chồng bà đã đem về cho bà các ngày Chúa Nhật trong tháng Năm phải không?". Thật không thể giấu được nỗi ngạc nhiên khi nghe những lời cha Gioan Vianey vừa nói, người nhắc cho con điều con đã không hề nói với ai, những vậy người chỉ có thể biết ơn Chúa tỏ ra. Người nói thêm: "Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho những kẻ tôn kính Mẹ Thánh Người. Vào giờ chết, chồng bà đã thống hối, linh hồn ông đang ở Luyện Ngục, lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta sẽ giải thoát ông khỏi chốn này" (Purgatory p. 274-275).

*Thánh nữ Brigitta cho biết Đức Mẹ đã nói với bà rằng: "Mẹ là Mẹ các linh hồn Luyện Ngục, Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng". Điều này rất thích hợp, vì mẹ trần gian khi thấy con mình rơi vào đống lửa sẽ cứu ra ngay lập tức, Đức Mẹ là Mẹ nhân từ bội phần lẽ nào thấy con mình rơi vào Luyện Ngục cực khốn khổ, sao lại không cứu giúp. Mẹ thúc giục những con cái còn sống dâng lời cầu nguyện và những việc lành cầu cho các linh hồn, hoặc Đức Mẹ xin Chúa cho các linh hồn Luyện Ngục về thế gian xin người sống cứu giúp. Đức Mẹ cũng xuống Luyện Ngục để an ủi, giảm bớt hình phạt cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Nhiều thánh nhân dạy rằng: Trong các ngày Lễ, Đức Mẹ xuống Luyện Ngục, và khi Người từ Luyện Ngục về trời, Người đem theo nhiều linh hồn về Thiên Đàng với Người.

Những người con yêu của Đức Mẹ khi sống siêng năng và sốt sắng đọc kinh Mân Côi tôn kính Mẹ, khi chết Mẹ sẽ cứu khỏi Luyện Ngục rất sớm.

Những người có lòng tin kính sùng mộ đeo Áo Đức Bà (mảnh trước ngực mảnh sau lưng, sau một thời gian có thể đeo ảnh vảy Áo Đức Mẹ thay thế, theo ơn Đức Giáo Hoàng Piô 10 ban năm 1910) còn được hứa ban ơn thoát khỏi Luyện Ngục sớm hơn nữa. Đức Mẹ đã hứa cùng thánh Simon Stock Bề trên dòng Carmelô ngày 16 tháng 7 năm 1251 rằng: "Những ai sùng kính đeo Áo này sẽ được cứu thoát khỏi Hoả Ngục. Đây là dấu cứu rỗi, gìn giữ khỏi bị tiêu diệt, là sự hứa ban bình an và che chở đặc biệt tới mãn đời". Sau khi thánh Simon qua đời được 15 năm, một buổi sáng kia, khi Đức Giáo Hoàng Gioan 22 đang cầu nguyện, Đức Mẹ hiện ra mang Áo Đức Mẹ Carmelô và phán: "Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người hội Áo, vì tội lỗi mình phải vào Luyện Ngục, Mẹ sẽ xuống, như người Mẹ nhân lành vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời". Những lời qua được công bố trong Tông thư "Sabbatine Bull" công bố ngày 3 tháng 3 năm 1322. Theo Tông thư này, muốn hưởng đặc ân trên phải giữ 3 điều kiện: 1. Ghi tên vào sổ nơi giáo xứ mình và đeo Áo Đức Mẹ, 2. Giữ đức trinh khiết theo bậc mình, 3. Đọc kinh Tiểu nhật khoá Đức Mẹ hằng ngày, ai không đọc kinh Tiểu nhật khoá Đức Mẹ được, thì phải kiêng thịt các Thư Tư và Thứ Bảy. Linh mục nào có năng quyền có thể thay điều kiện thứ 3 bằng một việc đạo đức khác, ví dụ đọc kinh Mân Côi hằng ngày thứ Bảy (Sabbat), dòng Camelô đề nghị điều kiện thứ 3 được thay thế bằng việc đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính Mừng, 7 kinh Sáng Danh. (Purgatory p. 411-412).

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn.

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn.

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn. 

Rôma tháng 3/1988, Fort Worth, TX Thứ Sáu Tuần Thánh 14.4.1995.
[Image: 2af842abc7685d759167d22bee9a3e9f.jpg]


*********************************
Bài đăng bởi Thiên Nga
Chấm hết! 
:rose4:  Beauty is not in the face;
beauty is a light in the heart. :rose4:
Reply