Hầu hạ Từ Hy nửa thế kỷ, hoạn quan mang xuống mồ khiến hậu th
#1
Hầu hạ Từ Hy nửa thế kỷ, thứ hoạn quan Lý Liên Anh mang xuống mồ khiến hậu thế sửng sốt
March 22, 2018


Hoạn quan nổi tiếng của nhà Thanh đã mang theo những gì khi về nơi cửu tuyền mà người đời sau ngạc nhiên đến vậy?

Được biết tới là thái giám “khét tiếng” nhất thời kỳ Mãn Thanh, trong suốt hàng chục năm phục vụ nơi hậu cung của mình, Lý Liên Anh đã “đút túi” một mớ gia sản kếch xù với những bảo vật không thua gì hoàng thân quốc thích.

Thậm chí đến khi “nhắm mắt xuôi tay”, hoạn quan họ Lý ấy vẫn không quên đem theo kho báu đã gom góp cả đời cùng mình sang thế giới bên kia.

Đây chính là lý do vì sao vào năm 1966, giới khảo cổ Trung Quốc không khỏi chấn động trước thông tin mộ Lý Liên Anh được khai quật và phát hiện ra nhiều bảo vật có giá trị.

Phần mộ thái giám sang trọng nhất Trung Hoa


tên thật là Lý Tiến Hỉ, từ năm 9 tuổi đã nhập cung làm thái giám và phụng sự hậu cung Thanh triều suốt 4 đời vua (từ thời Hàm Phong đến đời Phổ Nghi).

[Image: tinngan_034138_39377662_9.jpg]
Lý Liên Anh (bên phải) , Từ Hy Thái Hậu (giữa)


Ông là cánh tay phải đắc lực của Từ Hy Thái hậu và đã theo hầu hạ bà suốt 50 năm trời. Chỉ sau khi Từ Hy qua đời, Lý Liên Anh mới rời chốn hoàng cung sống mai danh ẩn tích và qua đời một cách lặng lẽ.

[Image: photo-1-15216468178751321355404.jpg]
Chân dung thái giám Thanh triều Lý Liên Anh.

Vào khoảng giữa của thế kỷ trước, khuôn viên ngôi trường mang tên Lục Nhất thuộc nội thành Bắc Kinh thời bấy giờ có một ngôi mộ cổ hoành tráng. Quy mô đồ sộ của ngôi mộ khiến người thời bấy giờ không khỏi “đoán già đoán non” về thân thế của chủ nhân nơi ấy.

Nhưng dù trí tưởng tượng của hậu thế có phong phú tới đâu, thì cũng không một ai có thể ngờ rằng, đó lại là nơi an nghỉ của một thái giám, mà không ai khác chính là Tổng quản nội cung Lý Liên Anh khét tiếng một thời.

Phần mộ của thái giám họ Lý tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 20 mẫu, thậm chí còn có một nhà bia được dựng trang trọng bằng đá ngọc trắng thời nhà Hán.

Năm 1966, khi ngôi mộ này bắt đầu được tiến hành khai quật, người ta phát hiện ra một quan tài làm từ gỗ kim ty nam màu đỏ tím vô cùng hiếm có, phần đầu trên được tạo tác kim hoa tinh xảo.

Phía trên “giường đá” đặt quan tài được đúc bằng đá bạch ngọc, bên trên đục một lỗ tròn, bên trong treo một hầu bao đựng ngọc và ít tiền đồng.

Đây chính quy cách của hình thức “Kim tỉnh ngọc táng” – một cách mai táng cao quý thời bấy giờ. Sự xa hoa này đã ngầm khẳng định rằng, ngay cả khi đã ly khai hoàng cung, Lý Liên Anh vẫn có một cuộc sống vô cùng sang quý.

[Image: photo-1-15216468205161615216146.jpg]
Lối vào khu mộ của Lý Liên Anh.

Trong quá trình khai quật ngôi mộ của thái giám Lý Liên Anh, giới chuyên gia còn phát hiện ra nhiều bảo vật có giá trị khổng lồ, trong đó quý giá nhất phải kể đến một thanh đoản đao nạm ngọc có niên đại từ thời nhà Hán, một vòng tay nam ngọc thời nhà Tống và một chiếc nhẫn ngọc phỉ thúy.

Tương truyền rằng, chiếc nhẫn ngọc phỉ thúy nằm trong mộ của Lý Liên Anh chính là bảo vật mà Cung thân vương Dịch Hân lúc sinh thời vô cùng quý trọng, nhưng sau này bị Thái hậu Từ Hy lấy đi và ban thưởng cho hoạn quan tâm phúc của mình. Ngày nay, chiếc nhẫn ấy vẫn được trưng bày tại bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh).

Kho báu trong mộ Lý Liên Anh không chỉ dừng lại ở những cổ vật có niên đại hàng ngàn năm lịch sử mà còn chứa một món bảo vật mà người hiện đại cũng chưa chắc có.

Nhiều giai thoại truyền lại rằng, mộ của hoạn quan họ Lý có chôn theo chiếc mũ khảm một viên kim cương to hơn cả viên mà Nữ hoàng Anh Elizabeth từng sở hữu. Thế nhưng, viên kim cương ấy có hình dáng thế nào, được tạo tác ra sao thì lại chẳng mấy ai biết rõ.


[Image: photo-2-1521646820520133069925-152164688...072531.png]
Một trong số những cổ vật đáng giá cả gia tài được tìm thấy trong mộ Lý Liên Anh.

Mặc dù là ngôi cổ mộ cất giấu kho báu bạc tỷ, nhưng điều khiến hậu thế quan tâm về nơi an nghỉ Lý Liên Anh không chỉ là cổ vật mà lại là tung tích về thi thể của vị hoạn quan này.

Năm 1966, khi mở nắp quan tài chôn cất Lý Liên Anh, đội khảo cổ không khỏi hoảng hồn khi phát hiện phía bên trong không có thi thể mà chỉ có một xương sọ với phần xương gò má cao, hàm răng vẩu, bên ngoài còn bọc một lớp da.

Vậy phần thân của Lý Liên Anh rốt cục được chôn cất tại nơi nào? Vì sao ngôi mộ đồ sộ đầy cổ vật kia lại chỉ là nơi chôn cất phần đầu của hoạn quan khét tiếng ấy? Đáp án cho những câu hỏi ấy vẫn đang chờ hậu thế giải đáp…

Những tài năng ít biết của tâm phúc trung thành nhất bên cạnh Từ Hy

Lý Liên Anh là thái giám đã phụng sự hậu cung nhà Thanh qua 4 đời vua, vì vậy cũng có thể coi vị Tổng quản này là “nguyên lão tứ triều”.

Từng đảm nhiệm Đại Tổng quản nội cung, chức vị của Lý Liên Anh cũng không phải chỉ là hư danh. Sinh thời, vị thái giám nổi tiếng “lắm mưu nhiều kế” vốn có năng khiếu thiên bẩm trong việc quản lý mọi việc chốn hậu cung.

Đặc biệt, việc bài trí vật phẩm cũng như thứ tự chuẩn bị lễ vật luôn được thái giám họ Lý ấy nằm lòng. Những hoạn quan khác mỗi khi gặp phải việc gì khó khăn vẫn thường phải nhờ đến sự chỉ giáo của Lý Tổng quản.

Những dịp trong hậu cung có việc lớn, tài năng của Lý Liên Anh lại có “đất dụng võ”. Nhờ vậy mà mọi bữa tiệc trong hậu cung được an bài dưới bàn tay ông đều diễn ra một cách thuận lợi.

[Image: photo-3-1521646820522498018973.jpg]
Một trong số những cổ vật đáng giá cả gia tài được tìm thấy trong mộ Lý Liên Anh.

Thế nhưng, những giai thoại về tài năng quản lý của Tổng quản Lý Liên Anh thì ít, mà câu chuyện về sự sủng ái của Từ Hy Thái hậu dành cho ông lại nhiều không đếm xuể.

Trong số đó, có một giai thoại nổi tiếng truyền lại rằng, lý do Lý Liên Anh năm xưa được Lão Phật gia cưng chiều thực chất bắt nguồn từ “tay nghề” chải tóc trình độ thượng thừa của hoạn quan này.

Theo đó, Từ Hy lúc còn trẻ đã vô cùng coi trọng việc chải đầu. Kể từ lần được Lý Thái giám bên người, mọi kiểu tóc của Thái hậu đều do Lý Liên Anh đích thân lo liệu.

Cũng từ lúc đó, ân sủng mà Từ Hy dành cho Lý Liên Anh ngày càng nhiều hơn. Mà sự nghiệp của họ Lý trong hậu cung cũng phất lên như diều gặp gió.

Trên thực tế, số lượng tâm phúc bên người Từ Hy vốn không hề ít. Nhưng những kẻ ấy cứ đến rồi lại đi, chỉ có Lý Liên Anh là người duy nhất cả đời trung thành với Từ Hy.

Lý Liên Anh vào cung từ năm 9 tuổi, theo hầu Từ Hy khi mới lên 14. Trong suốt cuộc đời làm thái giám của mình, ông đã theo hầu Lão Phật gia tới nửa thế kỷ. Đến tháng 10/1908, Từ Hy qua đời, Lý Tổng quản mới xuất cung về quê dưỡng lão.

Sau khi trở về cố hương, Lý Liên Anh ngày đêm ăn chay niệm Phật, không màng thế sự. Ba năm sau, ông cũng đi theo Lão Phật gia mà buông tay trần thế.

Xung quanh cái chết của vị thái giám khét tiếng nhất thời Mãn Thanh ấy cũng tồn tại nhiều giả thuyết ly kỳ. Nhưng dù những giả thuyết ấy là đúng hay sai, thì khi nhắc tới Lý Liên Anh, ấn tượng của hậu thế về thái giám ấy chính là một tâm phúc tận tụy nhất bên cạnh Từ Hy.
Reply
#2
Đa số những người bị thiến (ôi thật là dung tục, i am so sorry  Biggrin ) rất tài ba lỗi lạc. thế nên mới có câu. mất cái này được cái khác. mất con chim được cái xa hoa. cũng đáng. phải vậy không thưa PV00thấy.  :full-moon-with-face4:
Reply
#3
Thâm cung cố sự: Những chuyện chưa kể về Từ Hi Thái hậu
Thứ bảy, 18/11/2017 17:15

Từ Hi Thái hậu, một trong 3 người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa, thích được chụp ảnh, được phục vụ 120 món ăn một bữa, có đường sắt riêng để đi lại trong cung.

Dù hơn một thế kỷ đã trôi qua từ khi qua đời, Từ Hi Thái hậu vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều tại Trung Quốc. Được xưng tụng là 'lão Phật gia', Từ Hi Thái hậu nắm quyền cai trị nhà Thanh trong gần 5 thập kỷ.

Bà là một trong 3 người phụ nữ được xem là quyền lực nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, cùng với Võ Tắc Thiên thời Đường và Lã Hậu thời Hán.

Sinh ngày 29/11/1835, bà trở thành phi tần của hoàng đế Thanh Văn Tông Hàm Phong vào năm 1851, sau một đợt tuyển tú nữ. Năm 1856, bà hạ sinh con trai, người sau này trở thành hoàng đế Đồng Trị.

Bà tiếp tục sống cuộc đời cấm cung vương giả giữa lúc nhiều thách thức đang bủa vây Trung Hoa, đe dọa sự tồn tại của nhà Thanh.

[Image: tinngan_034137_554236540_0.jpg]
Từ Hi Thái hậu qua đời cách đây 109 năm. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sau khi đã củng cố quyền lực ở triều đình, bà là người ủng hộ phong trào 'tự cường' do một số trí thức phát động với những cải cách sâu rộng về quân sự, kinh tế, giúp đưa Trung Quốc từ một xã hội phong kiến tụt hậu trở thành một quốc gia hiện đại hơn trên vũ đài quốc tế.

Các nhà sử học cả trong và ngoài Trung Quốc đã dành nhiều công sức để đánh giá về công và tội của Từ Hi Thái hậu. Một số học giả cho rằng bà là một người phụ nữ độc ác, chuyên quyền, phải chịu trách nhiệm cho sự cáo chung của nhà Thanh. Một số người khác lại ca ngợi những thay đổi và cải cách mà bà mang lại cho Trung Quốc.

[Image: tinngan_034137_714554854_1.jpg]
Từ Hi là người thích chưng diện. Ảnh: SCMP.

Vậy, cuộc sống xa hoa của Từ Hi đằng sau bốn bức tường của Tử Cấm Thành như thế nào?

Nhân kỷ niệm ngày mất của vị thái hậu, đội ngũ South China Morning Post đã tìm hiểu về cuộc sống riêng của bà thông qua việc xem xét các bức ảnh, những bộ trang phục lộng lẫy cũng như nhiều món đồ cá nhân khác.

Họ đã khám phá một số câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ quyền lực, bao gồm việc phá hủy và tái xây dựng một khu lăng mộ với một loạt đền đài, hành cung làm chốn yên nghỉ cuối cùng, diễn ra 12 năm trước khi Từ Hi qua đời.

Từ Hi là một người biết ăn mặc

Vị thái hậu nhà Thanh được biết đến là người thích ăn diện và cũng thích được chụp ảnh. Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh hiện lưu giữ hơn 100 bức ảnh chụp Từ Hi với hơn hơn 30 bộ trang phục khác nhau.

Theo SCMP, những bộ quần áo bằng lụa của bà được đính kết ngọc trai hảo hạng, còn vị thái hậu cài rất nhiều thứ trang sức, trâm ngọc, trâm vàng trên tóc.

Việc chuẩn bị đầu tóc cho bà mất rất nhiều thời gian. Một bộ dụng cụ làm tóc được dùng trong cung thường có 25 món để tạo kiểu tóc cho Từ Hi cũng như các phi tần.

[Image: tinngan_034138_603273347_2.jpg]
Bộ dụng cụ làm tóc gồm rất nhiều món. Ảnh: SCMP.

Từ Hi có đường sắt riêng để di chuyển trong cung

Để giành được sự ủng hộ của Từ Hi trong việc phát triển hệ thống đường sắt, Lý Hồng Chương, một đại thần có tư tưởng cải cách, đề nghị làm một tuyến đường sắt đặc biệt trong Tây Uyển, khu vườn ở phía tây Tử Cấm Thành.

[Image: tinngan_034138_265242648_3.jpg]
Tây Uyển có hồ Bắc Hải và hồ Trung Nam Hải, là nơi mà Từ Hi thường sinh sống sau năm 1888.


Việc xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên trong hoàng cung tại Trung Quốc bắt đầu năm 1886 và hoàn thành năm 1888. Đoạn đường dài 1.510 m, xuất phát gần Nghi Loan Điện, nơi ở của Từ Hi ở Trung Nam Hải, và chạy đến Tĩnh Tâm Trai ở Bắc Hải, nơi vị thái hậu ăn uống.

Tuyến đường có một trạm dừng ở giữa ngay tại Tử Quang Các, nên được đặt tên là 'đường sắt Tử Quang Các'.

Để làm nổi bật quyền uy của vị thái hậu, các toa tàu được trang trí rèm che có màu sắc khác nhau: màu vàng tượng trưng cho Từ Hi và hoàng đế Quang Tự, màu đỏ cho các thành viên còn lại của hoàng tộc và màu xanh dương cho quan lại.

Không may là tuyến đường sắt này bị phá hủy bởi liên quân 8 nước vào năm 1900.
[Image: tinngan_034138_404786634_4.jpg]Tuyến đường sắt trước khi bị phá hủy. Ảnh: SCMP.

Mỗi bữa ăn của Từ Hi có 120 món

Bên cạnh Ngự Thiện Phòng phục vụ cho các phi tần của hoàng đế, Từ Hi có một nhà bếp riêng được xây dựng bên trong Tử Cấm Thành, gọi là 'Bếp Tây'. Nhà bếp này được chia thành 5 phòng chuyên 5 loại món: món thịt, món chay, các món cơm - mì - bánh bao, món ăn vặt và món bánh ngọt.

[Image: tinngan_034138_544330621_5.jpg]
Một bữa ăn của Từ Hi được phục dựng tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Đội ngũ tại Bếp Tây có thể làm hơn 400 loại bánh ngọt, 4.000 món ăn, trong đó có những món sơn hào hải vị hiếm thấy như yến sào, vi cá và chân gấu.

Theo cuốn Từ Hi Thái hậu của tác giả Từ Triệt, một học giả và chuyên gia về triều Thanh, mỗi bữa ăn của 'lão Phật gia' có đến 120 món. Tuy nhiên, một số món bà chỉ ăn 2, 3 thìa vì sợ bị đầu độc.

[Image: tinngan_034138_11115182_6.jpg]
Nồi nấu lẩu, một món Từ Hi rất thích. Ảnh: SCMP.

Từ Hi thường cho phép các phi tần, quan lại và thái giám ăn đồ ăn còn thừa - một việc được coi là vinh dự lớn.

Tuy nhiên, thông tin rằng Từ Hi ăn hơn 150.000 quả táo một năm, tức hơn 400 quả một ngày, là không chính xác.

Thực tế, bà không ăn chúng mà chỉ ngửi mùi.

Từ Hi cũng thích mùi hương của những loại trái cây khác như lê và đào. Trái cây sẽ được thay mới khi hương của chúng không còn nữa.

Chó của Từ Hi có nô tài hầu hạ riêng

Nuôi chó làm thú cưng là một sở thích phổ biến trong hoàng cung. Theo cuốn Imperial Incense của Der Ling, con gái một quý tộc Mãn Châu và là một trong những tì nữ của Từ Hi, vị thái hậu có hơn 20 con chó và đặc biệt yêu quý một con thuộc giống chó Bắc Kinh (còn có tên khác là chó sư tử).

Thay vì nhốt chúng trong chuồng, Từ Hi để những con chó sống trong một căn nhà làm bằng tre với 4 thái giám túc trực chăm sóc.

Bà còn ra lệnh may rất nhiều quần áo cho những con thú cưng hàng năm. Quần áo được may từ vải satin và thêu những bông hoa cúc, hoa hải đường bằng chỉ lụa vàng.

[Image: tinngan_034138_791854141_7.jpg]
Một bộ quần áo cho chó. Ảnh: SCMP.

Được mai táng cùng trang sức tương đương 1,2 triệu lạng bạc

Từ Hi qua đời vào ngày 15/11/1908 tại Nghi Loan Điện, một ngày sau cái chết của hoàng đế Quang Tự. Đám tang bà được tổ chức một cách linh đình.

Các hoạt động tang lễ diễn ra liên tục trong 12 tháng. Một trong các nghi lễ là đốt một chiếc thuyền 'vàng mã' khổng lồ vào ngày 30/8/1909. Con thuyền dài 72 m và rộng 7 m, làm bằng gỗ quý và được che phủ bằng loại lụa đắt đỏ. Trên thuyền, người ta đặt rất nhiều loại đồ mã như tháp, đình, phòng ốc cũng như hàng chục hình nhân người hầu với kích cỡ thật mặc quần áo thật.

[Image: tinngan_034138_258638702_8.jpg]
Chiếc thuyền vàng mã trong đám tang Từ Hi. Ảnh: SCMP.

Thuyền được đốt ở địa điểm gần cửa Tây của Tử Cấm Thành, được cho để giúp vị thái hậu có được cuộc sống tốt ở thế giới bên kia.

Theo một bài viết được Bảo tàng Cố Cung xuất bản năm 2002, bà được chôn cất cùng rất nhiều trang sức và các vật phẩm xa xỉ khác trị giá 1,2 triệu lạng bạc (thời đó, một lạng tương đương khoảng 37,8 gram bây giờ).

Bà được an táng tại Thanh Đông Lăng ở Tuân Hóa thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 125 km về phía đông bắc, cùng 5 vị hoàng đế của nhà Thanh gồm Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong và Đồng Trị.

[Image: tinngan_034138_39377662_9.jpg]
Từ Hi (ở giữa, cầm quạt) cùng một số phi tần và thái giám ở Di Hòa Viên. Ảnh: SCMP.
Theo Đông Phong/Zing
Reply
#4
(2018-03-22, 09:44 PM)Phương Vy Wrote: Đa số những người bị thiến (ôi thật là dung tục, i am so sorry  Biggrin ) rất tài ba lỗi lạc. thế nên mới có câu. mất cái này được cái khác. mất con chim được cái xa hoa. cũng đáng. phải vậy không thưa PV00thấy.  :full-moon-with-face4:

Không làm thái giám không biết, bác tìm hoạn quan hỏi thử  Lol
Reply
#5
(2018-03-22, 11:22 PM)PhongVien007 Wrote: Không làm thái giám không biết, bác tìm hoạn quan hỏi thử  Lol

Rollin Bác gái Phương Vy đã tìm và gặp được một chàng oh không phải chàng mà là một Mr. NOCU (haha  Biggrin ), chưa hỏi gì cả, mới mở miệng hello thái dam (có dấu xắt) là đã bị rượt chạy té khói rồi bác giai ạ. 

Hôm nay bác giai PV00thấy có khoẻ không? Chúc vui.  Biggrin
Reply
#6
(2018-03-22, 11:46 PM)Phương Vy Wrote: Rollin Bác gái Phương Vy đã tìm và gặp được một chàng oh không phải chàng mà là một Mr. NOCU (haha  Biggrin ), chưa hỏi gì cả, mới mở miệng hello thái dam (có dấu xắt) là đã bị rượt chạy té khói rồi bác giai ạ. 

Hôm nay bác giai PV00thấy có khoẻ không? Chúc vui.  Biggrin

Cám ơn bác, vẫn bình thường. Chúc bác 1 đêm an lành   Clinking-beer-mugs4
Reply