Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức tuyên bố đạo Hồi không thu
#1
https://www.telegraph.co.uk/news/2018/03...g-country/
German interior minister declares 'Islam does not belong' in the country




Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức tuyên bố đạo Hồi không thuộc về nước Đức
(TTXVN/Vietnam+) 16/03/2018 20:07 GMT+7


[Image: ttxvn_Horst_Seehofer.jpg] Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một diễn biến dự báo "vết rạn" đầu tiên trong nội các mới của Đức, ngày 16/3, tân Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer tuyên bố đạo Hồi không thuộc về nước Đức, trái ngược với tuyên bố trước đó Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng cần thiết giúp người Hồi giáo hòa nhập vào xã hội Đức.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild, Bộ trưởng Seehofer nêu rõ: "Đạo Hồi không phải là một phần của nước Đức. Đạo Cơ đốc đã hình thành nên nước Đức."

Ông nhấn mạnh những người Hồi giáo sống tại Đức đương nhiên là một phần của nước Đức, nhưng người Đức không nên "từ bỏ truyền thống và tập tục riêng."

Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định "Thông điệp của tôi là: Người Hồi giáo cần sống chung với chúng ta, không phải bên cạnh hay đối nghịch với chúng ta."


Trước đó, ông Seehofer cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn đối với những đối tượng phạm tội là người nhập cư, cũng như đẩy nhanh việc hồi hương những người bị bác đơn xin tị nạn.

Ông Seehofer cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng tị nạn, đồng thời phân loại ra những quốc gia được xác định là an toàn.

Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Seehofer cho thấy sự chia rẽ trong chính phủ đại liên minh cầm quyền vốn rất khó khăn để hình thành.

Trong nhiệm kỳ trước đó, đối với vấn đề người nhập cư, Thủ tướng Merkel từng nhiều lần khẳng định đạo Hồi và người Hồi giáo thuộc về nước Đức.

Ông Seehofer - thành viên của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), từ lâu được biết đến là người thường chỉ trích quyết định của Thủ tướng Merkel mở cửa cho làn sóng người tị nạn và nhập cư hồi năm 2015.

Theo thỏa thuận thành lập chính phủ đại liên minh, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đã nhất trí duy trì việc tiếp nhận số người xin tị nạn mới tại nước này dưới mức 200.000 người.

Cộng đồng người Hồi giáo tại Đức ước tính lên tới 4,5 triệu người, trong đó 1,8 triệu người là công dân Đức, hầu hết là người lao động Thổ Nhĩ Kỳ được mời đến Đức làm việc trong những thập kỷ 1960-1970.

Sau cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, cộng đồng người Hồi giáo tại Đức gia tăng với những người tị nạn đến từ các quốc gia Hồi giáo xảy ra xung đột./.
Reply
#2
EU cảnh báo siết chặt chính sách cấp thị thực để ngăn làn sóng di cư
(TTXVN/Vietnam+) 15/03/2018 05:54 GMT+7


[Image: nguoi_di_cu.jpg]Người di cư tại nhà ga ở Munich, miền Nam nước Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư, ngày 14/3, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo các nước châu Phi và một số nước khác rằng công dân của họ sẽ ngày càng khó có khả năng được cấp thị thực vào châu Âu nếu các nước này từ chối tiếp nhận lại những người di cư kinh tế.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Ủy viên phụ trách các vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos cho biết EU sẽ đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt hơn trong việc xử lý thị thực đối với một nước đối tác không hợp tác đầy đủ trong việc tiếp nhận lại những công dân của họ nhập cư trái phép vào châu Âu.

Các biện pháp siết chặt cấp thị thực liên quan đến thời gian xử lý yêu cầu xin thị thực, thời hạn của thị thực được cấp và phí cấp thị thực.

Theo luật pháp quốc tế, các nước châu Âu không bắt buộc phải tiếp nhận những người nhập cư đến tìm việc làm mà chỉ phải tiếp nhận những người chạy trốn chiến tranh.


Giới chức châu Âu khẳng định đa phần những người có nguồn gốc châu Phi cận Sahara là những người nhập cư kinh tế và EU đã có nhiều nỗ lực để đưa họ trở về quê hương.

EU yêu cầu sự hợp tác hơn nữa của những nước này trong việc tiếp nhận lại những người di cư trái phép khi từ năm 2015, châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Ủy ban châu Âu cho biết có 14 triệu thị thực du lịch và công vụ ngắn hạn được cấp vào năm 2016. Loại thị thực này được cấp cho công dân của khoảng 100 nước và những người này được phép di chuyển tự do trong 26 nước châu Âu thuộc Khu vực tự do đi lại Schengen./.
Reply